5/2/11

Quân đội TQ sẽ lại ra tay giết người biểu tình nếu ‘Thiên An Môn’ tái diễn?

Duy Ái

-Trong lúc nhiều người trên khắp thế giới tán thưởng việc quân đội Ai Cập cam kết không nổ súng vào người biểu tình chống chính phủ, một số người Trung Quốc nêu lên câu hỏi là nếu những gì đang xảy ra tại Quảng trường Tahrir ở Cairo diễn ra ở Bắc Kinh, liệu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có ra tay giết người như họ đã làm cách nay hơn 20 năm ở Quảng trường Thiên An Môn hay không. Một vị giáo sư chính trị học ở Mỹ cho rằng quân đội Trung Quốc có phần chắc sẽ ra tay đàn áp người biểu tình theo lệnh của giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải, nhưng một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng của Trung Quốc không tán thành ý kiến này. Mời quí vị nghe Duy Ái trình bày thêm chi tiết trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.

Hàng trăm ngàn người Trung Quốc, phần lớn là sinh viên học sinh, biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên an môn ở Bắc Kinh, 17/05/1989
Trong hơn một tuần nay, trong lúc nhìn trên màn ảnh truyền hình những cảnh tượng ở Quảng trường Tahrir ở Cairo, nhiều người trên thế giới đã nhớ tới cảnh hàng trăm ngàn người Trung Quốc, phần lớn là sinh viên học sinh, biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên an môn ở Bắc Kinh cách nay hơn 20 năm. Một số nhà phân tích cho rằng làn sóng của “Cuộc cách mạng hoa Lài” ở Tunisia — đã lan sang Ai Cập và một số quốc gia trong khối Ả rập, cũng có thể lan tới những nước khác đang nằm dưới sự cai trị của các chế độ độc tài, như Trung Quốc chẳng hạn. Hầu hết các nhà quan sát đồng ý với nhau rằng người dân Trung Quốc cũng có những nỗi bất mãn không khác gì mấy với người dân ở Tunisia hay Ai Cập.
Trong khi đó, cũng có nhiều người, đặc biệt là những người Trung Quốc, đã nêu lên câu hỏi là nếu những gì đang xảy ra ở Cairo diễn ra ở Bắc Kinh, liệu Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc có ra tay giết người như họ đã làm vào tối ngày mồng 3 rạng ngày mồng 4 tháng 6 năm 1989 hay không.
Giáo sư Vương Duy Chính là chủ nhiệm khoa chính trị của Đại học Richmond ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Ông cho biết ý kiến như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA:
“Nếu những gì đang xảy ra ở Ai Cập xảy ra ở Trung Quốc, rất khó để có thể tưởng tượng là Quân đội Giải phóng Nhân dân sẽ làm phản, sẽ về phe của dân chúng để lật đổ chính phủ. Tuy nhiên, điều này cũng không hẳn là chắc chắn không xảy ra.”
‘Người biểu tình vô danh’ đứng chặn 1 đoàn xe tăng gần Thiên An Môn khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được triển khai đàn áp người dân, 05/06/1989
Tiến sĩ Vương Duy Chính cho rằng có nhiều khả năng là quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục trung thành với giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải vì họ đã nhận được rất nhiều quyền lợi từ những chính sách của Trung Quốc nhằm bành trướng sức mạnh quân sự trong hơn 20 năm qua. Ông giải thích thêm như sau:
“Trong 21 năm qua, vì kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ rất nhanh chóng, nên công cuộc hiện đại hóa quốc phòng, vốn nằm ở hạng chót của kế hoạch 4 cái hiện đại hóa do Đặng Tiểu Bình xướng xuất, đã được nâng cấp và trong hai thập niên qua giới lãnh đạo Trung Quốc đã không ngớt đổ rất nhiều nguồn lực cho quân đội. Thêm vào đó, từ thời Giang Trạch Dân cho tới thời Hồ Cẩm Đào hiện nay, có rất nhiều tướng lãnh trong quân đội đã được thăng chức, được đưa vào hàng ngũ lãnh đạo. Và dĩ nhiên là họ làm như vậy với mục đích tranh thủ sự trung thành của quân đội để bảo vệ cho sự ổn cố của chế độ.”
Tiến sĩ Walter Lohman, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á châu của Quỹ Heritage ở Washington, cũng cho rằng mức độ “phục tùng mệnh lệnh Đảng” của quân đội Trung Quốc trong những năm gần đây dường như còn cao hơn lúc trước. Ông nói rằng điều này có thể thấy được qua những vụ đàn áp ở Tây Tạng năm 2008 và ở Tân Cương năm 2009.
Trong khi đó, ông Ngụy Kinh Sinh, một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng của Trung Quốc đang sống lưu vong ở Mỹ không tán đồng nhận định cho rằng quân đội Trung Quốc sẽ nổ súng vào người biểu tình. Ông giải thích như sau:
“Tôi nghĩ rằng tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác với tình hình của 20 năm trước. Tầm nhìn và khả năng phán đoán sự việc của người lính Trung Quốc đã hoàn toàn khác trước. Và thật ra thì 20 năm trước ông Đặng Tiểu Bình cũng đã phải rất khó khăn mới có thể ép buộc quân đội nổ súng giết người. Bây giờ tôi nghĩ rằng sự việc của 20 năm trước sẽ không thể nào lập lại.”
Ông Ngụy Kinh Sinh là một nhân vật kỳ cựu của phong trào tranh đấu cho dân chủ của Trung Quốc. Ông bị giới hữu trách Trung Quốc bắt giam năm 1979 và phải ngồi tù 15 năm vì đã viết bài tham luận có nhan đề “Dân chủ: Cái hiện đại thứ 5” vào năm 1978 để chỉ trích kế hoạch “4 cái hiện đại hóa” của ông Đặng Tiểu Bình.
Sinh viên tạc tượng ‘Nữ thần Dân chủ’ ở một khuôn viên gần Thiên An Môn, 29/05/1989
Ông Ngụy Kinh Sinh cho biết ở Trung Quốc trong những năm gần đây trung bình mỗi năm có đến hai mươi ngàn vụ gây rối tập thể, chứng tỏ sự bất mãn trong xã hội ngày càng gia tăng. Ông nói rằng một cuộc nổi dậy qui mô lớn có thể xảy ra và ông lạc quan tin tưởng là quân đội sẽ về phe người dân:
“Tôi có cái nhìn tương đối lạc quan. Tôi không nghĩ rằng tất cả những người lính đều là những tay côn đồ. Họ cũng có lương tâm như những người dân bình thường. Chỉ có điều là vào 20 năm trước, vì nhiều nguyên do khác nhau tụ hội lại một lúc, nên họ đã phải đóng vai trò của những kẻ đàn áp người dân. Nhưng, ngày nay, tôi nghĩ rằng họ sẽ không phạm lỗi lầm như vậy.”
Ông Ngụy Kinh Sinh cho rằng việc giới lãnh đạo ở Bắc Kinh ra lệnh hạn chế việc loan tải các thông tin về cuộc nổi dậy ở Ai Cập cho thấy rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đang lo sợ về một cuộc nổi dậy có thể xảy ra trong lúc sự suy nghĩ của những người trong hàng ngũ quân đội đã đổi khác. Ông giải thích thêm như sau:
“Theo tôi thì cái nhìn của họ về tương lai của Trung Quốc cũng khác với cái nhìn của 20 năm trước. 20 năm trước, nhiều người vẫn còn tin là Đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể đưa đất nước tới một tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng thực tế trong 20 năm nay cho mọi người thấy rằng sự việc không phải là như vậy. Chẳng những thế, tình hình hiện nay còn tệ hại hơn 20 năm trước. Chênh lệch giàu nghèo đã gia tăng rất nhiều, cuộc sống của người dân bình thường cũng khổ sở hơn nhiều, và tình trạng bất công xã hội mỗi lúc mỗi nghiêm trọng hơn. Nhà cầm quyền chẳng những không đếm xỉa tới đạo lý thông thường mà còn công khai chà đạp đạo lý. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng tới người lính. Người lính bản thân họ cũng là người dân. Đặc biệt là những quân nhân cấp dưới, họ không khác gì người dân bình thường.”
Cho tới nay vẫn chưa có con số chính xác về số người chết trong vụ đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Theo ước tính của một số nhà nghiên cứu và ký giả, số nạn nhân của vụ thảm sát này có thể lên tới 3 ngàn người, dựa trên các báo cáo ban đầu của Hội Hồng Thập Tự và sự phân tích về qui mô và mật độ của người biểu tình cùng với hỏa lực mà quân đội Trung Quốc đã dùng để dẹp tan cuộc biểu tình.

Ảnh hưởng cuộc nổi dậy ở Ai Cập đối với Trung Quốc và Việt Nam

Hà Tường Cát

 -Vụ khủng hoảng chính trị tại Ai Cập như mọi người đều hiểu có tác động nhiều nhất tới Hoa Kỳ, Israel, và các quốc gia Á Rập Hồi Giáo vùng Trung Ðông. Trung Quốc hay Việt Nam không có mối quan hệ chặt chẽ với quốc gia Bắc Phi này như thế, nhưng không phải là hoàn toàn không bị ảnh hưởng dù chỉ trong một chừng mực rất giới hạn.

Quần chúng tự tổ chức những đội dân phòng canh giữ an ninh tại khu xóm Maadi ở thủ đô Cairo sau khi toàn thể lực lượng cảnh sát đã ngưng làm nhiệm vụ và quân đội chỉ được triển khai đến bảo vệ công trường Tahrir cùng các công thự. (Hình: Ann Hermes/Christian Science Monitor)
Trong một bài trên tờ báo Pháp L’Express ngày 19 tháng 1, 2011 mang tựa đề “La Tunisie, et après” (Tunisia, và sau đó) Jacques Attali – kinh tế gia, học giả và cựu cố vấn của Tổng Thống Francois Mitterrand – đã viết: “Sự kiện vừa xảy ra ở Tunisie chứng minh rằng lập luận của Karl Marx vẫn còn có giá trị: Tunisia đã chuyển sang kinh tế thị trường sẽ phải trở thành một nước dân chủ,” và ông viết tiếp: “Sau quốc gia này rồi sẽ tới trường hợp Ai Cập, Việt Nam, Trung Quốc, các nước phía Nam sa mạc Sahara và sau đó nữa mới là Algeria và Syria bởi vì kinh tế thị trường ở đây còn ngập ngừng.”
Attali đã dự đoán đúng Ai Cập là trường hợp tiếp theo Tunisia vì hai nước này có những hoàn cảnh rất tương đồng với các nhà lãnh đạo độc đoán đã nắm quyền lực trên dưới 30 năm và sự phát triển kinh tế giống nhau. Nhưng ông không tiên đoán như là nhà tướng số nên trong viễn kiến dựa trên lý luận ấy chưa thể nói chắc chắn mọi biến chuyển sẽ lần lượt xảy ra đúng theo trình tự như vậy ở các nơi khác. Kinh tế thị trường là một trong nhiều điều kiện để xã hội đi tới dân chủ, nhưng còn cần nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nữa thì cách mạng quần chúng mới xảy ra và mới có thể thành công.
Một suy luận thông thường là thành công của cuộc cách mạng ở Tunisia sẽ khuyến khích dân chúng các nước chưa có dân chủ nổi dậy và như vậy chính quyền các nước này sẽ phải bằng cách này cách khác ngăn chặn sự lan truyền tư tưởng ấy. Ðiều này không đúng hẳn, chưa kể trên một mặt khác chính quyền mỗi nước ấy cũng rút được kinh nghiêm và cảnh giác để bằng sự am hiểu hoàn cảnh cụ thể của họ sẽ tìm ra phương cách ứng xử thích hợp.
Trung Quốc trong mấy ngày qua đã thi hành nhiều biện pháp để ngăn chặn những thông tin về biến động chính trị ở Ai Cập nhưng Việt Nam thì không. Báo chí và các trang mạng điện tử ở Việt Nam loan tin Ai Cập bình thường như các cơ quan truyền thông quốc tế và cho biết hủy bỏ một chuyến du lịch đến Ai Cập vào khoảng thời gian Tết, phù hợp với tình hình bất ổn ở đây. Hoàn cảnh Ai Cập và Việt Nam khác hẳn nhau và biến động chính trị ở Ai Cập không có tác động gì đáng phải dành nhiều quan tâm.
Trái lại nhà cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn có những mối lo ngại vì Trung Quốc là một đất nước quá rộng lớn và đông dân, chính quyền trung ương không thể nào hoàn toàn bảo đảm nắm vững tình thế ở tất cả các địa phương nên những biện pháp phòng ngừa được đưa ra thường là cao hơn nhu cầu thực tế cụ thể.
Trong mấy năm gần đây do phát triển kỹ thuật thông tin điện tử, những sự bày tỏ quan điểm đối với các chính quyền độc tài trên thế giới và những vụ nổi dậy của quần chúng ở một số địa phương khiến nhà cầm quyền Trung Quốc tin rằng việc tự do loan truyền thông tin là sự tiếp lửa cho bất ổn. Do đó từ mấy ngày qua, trên Sina.com và Netease.com, hai cổng thông tin điện tử lớn nhất tại Trung Quốc, phần truy tìm từ ngữ “Ai Cập” đã bị đóng lại và những ý kiến bình luận phía dưới các bản tin ít oi liên quan đến cuộc nổi dậy ở Cairo do Tân Hoa Xã đưa ra cũng bị xóa bỏ.
Tờ báo tiếng Anh Global Times xuất bản ở Trung Quốc hôm Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011 đăng một bài xã luận với tựa đề: “Cách mạng màu (như người ta đặt cho ở Ukraine, Kirghiz, hay Tunisia) không đem lại dân chủ đích thực.” Tờ báo này phản ánh lập luận của nhà nước Cộng Sản cho rằng “đem dân chủ áp dụng ở các quốc gia khác còn là một vấn đề cần xem xét vì đã có rất nhiều trường hợp thất bại.” Một số báo chí Trung Quốc nắm lấy biểu hiện không dứt khoát của Hoa Kỳ trong phản ứng đối với tình hình Ai Cập để kết luận là Hoa Kỳ có những lúc bênh vực độc tài hơn là dân chủ.
Trung Quốc không có nhiều lợi ích chiến lược ở Ai Cập, một đất nước xa xôi khó tạo được ảnh hưởng khi Trung Quốc đã là một cường quốc kinh tế nhưng chưa phải là một siêu cường quốc đúng nghĩa. Trị giá mậu dịch của Trung Quốc với Ai Cập đã lên tới gần $10 tỷ năm 2010, có nghĩa Ai Cập là đối tác đứng hàng thứ nhì của Trung Quốc ở Phi Châu và vùng Trung Ðông. Từ lâu Trung Quốc cũng đã bán nhiều loại vũ khí hạng nhẹ cho Ai Cập, nhưng Ai Cập không phải là nước có nhiều tài nguyên dầu lửa hay những nguyên liệu khác cung cấp cho kinh tế Trung Quốc.
Ðối với Việt Nam, Ai Cập giữ mối quan hệ hữu nghị lâu dài nhưng không phải là một quốc gia đối tác có tầm quan trọng đặc biệt về kinh tế. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Ai Cập năm 2010 hơn $200 triệu trong đó Việt Nam xuất siêu (xuất cảng nhiều hơn nhập cảng) khoảng $180 triệu, theo số liệu do Phòng Thương Mại và Công Nghệ Việt Nam đưa ra. Phần lớn hàng hóa Việt Nam bán cho Ai Cập gồm nông sản phẩm, thủy sản, hàng dệt may và một số mật hàng tiêu dùng khác. Hai nước đã thảo luận về hợp tác ngư nghiệp và dầu khí, tuy nhiên những dự án này nếu thực hiện được cũng phải trong vòng 3 năm nữa.
Trong những điều kiện ấy, tác động của tình hình chính trị Ai Cập đối với Trung Quốc và Việt Nam sẽ chỉ ở mức giới hạn, không đủ yếu tố đưa tới những thay đổi đáng kể tại quốc nội cũng như đối ngoại. Chờ đợi sự lan truyền cách mạng dân chủ ở Bắc Phi và Trung Ðông đến Ðông Á hãy còn quá sớm và không là thực tế.

Những nét đặc sắc của cuộc nổi dậy thắng lợi ở Tunisia

Bùi Tín – Cuộc nổi dậy đầu năm 2011 thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của nhân dân Tunisia đang có tiếng vang sâu rộng trên toàn thế giới.
Đây là một sự kiện tất yếu, lại hoàn toàn bất ngờ, không một ai dự đoán trước.
Người biểu tình đốt hình của cựu Tổng thống Tunisia Zine el-Abidine Ben Ali trong một cuộc biểu tình ở thủ đô Tunis, ngày 24 tháng 1, 2011
Một thắng lợi lịch sử vì không những viên tổng thống độc đoán, tham nhũng gia đình trị bị hạ bệ, phải bỏ chạy ra nước ngoài, mà toàn bộ chính quyền độc đảng cũ của Ben Ali cũng bị hạ bệ, 200 viên chức cao cấp tay chân của Ben Ali bị truy nã về những tội tham nhũng, đàn áp.
Có tin viên tướng Công an Ali Senati đã về hưu cũng bị bắt giữ về những tội tham nhũng, đàn áp đẫm máu do hắn gây ra.
Nguyên Bộ trưởng nội vụ Abdallah Kallal cũng bị bắt giữ vì bị tố cáo từng tham gia tra tấn, hành hạ các nhà dân chủ, các nhà báo đối lập, chờ ngày ra tòa.
Chính phủ lâm thời ban bố tự do truyền thông và báo chí, hàng loạt báo mới xuất hiện trong một tuần nay, được xã hội tìm mua hết sạch mỗi buổi sang. Theo điều tra của báo Đức, nhân dân thủ đô Tunis trở nên dân nghiện đọc báo số một của thế giới. Đài truyền thanh tư nhân mới mẻ Mosaique FM phát đi 4 buổi mỗi ngày mấy ngày đầu, nay buộc phải phát suốt ngày và đêm, cứ 3 giờ lại có bản tin mới. Tunisia bị xếp ở hàng cuối về tự do báo chí, mấy ngày nay nhảy lên hàng đầu, theo xếp hạng của RSF (Reporter sans frontières). Đây cũng là thắng lợi lịch sử nữa.
Một ý nghĩa lịch sử quan trọng khác là lần đầu tiên một nước Ả-rập và Hồi giáo lảm cách mạng hòa bình, ôn hòa, không bạo động, lật đổ một chính quyền độc đoán – độc đảng – tham nhũng – cảnh sát trị, để 60 ngày nữa tổng tuyển cử tự do bầu ra quốc hội dân chủ đa nguyên đa đảng đầu tiên, mở đầu kỷ nguyên mới cho đất nước.
Một đất nước nhỏ với hơn 10 triệu dân đang nêu một tấm gương sáng lôi cuốn nhân dân các nước láng giềng theo kinh nghiệm của mình để đòi lại tự do và nhân quyền. Nhân dân Yemen cựa mình; nhân dân Algeria nổi giận; nhân dân Libya bất bình; Vương quốc Oman và Vương quốc Jordanie lo sợ; nhân dân Ai Cập phẫn nộ xuống đường hảng ngàn, hàng vạn người buộc tổng thống Mubarak phải cải tổ chính phủ…, tất cả đều do sự kiện Tunisia tác động, làm cho bộ mặt các nước Ả-rập thay đổi theo dây chuyền, sớm hay muộn tùy theo so sánh lực lượng trong từng nước. Mọi sự không còn như trước. Đây lả cú hích lịch sử mang tên kiểu cách Tunisia, kiểu mẫu Tunisia – la mode Tunisienne, le style Tunisien – được các nhà chính trị, nhà lịch sử, nhà thời sự quốc tế nghiên cứu, mổ xẻ, nhận định.
Rải rác trên các báo Pháp, Đức, Nhật Bản, Úc… có những bài phóng sự, ghi nhanh, ảnh thời sự nóng hổi từ Tunis gửi ra thế giới.
Báo chí trong nước ta, theo “gương” báo Trung Quốc, Cu Ba, Bắc Triều Tiên, đến nay vẫn im lặng, không cần nói đến những gì xảy ra ở Tunisia hơn 1 tháng nay, theo định hướng xã hội chủ nghĩa về truyền thông. May thay, có mạng Anh Ba Sàm, mạng Bauxite.vn… quan tâm đưa tin phong phú, khách quan, kịp thời.
Một nét đặc sắc của cao trào nổi dậy ở Tunisia là vai trò của internet, của Face-book, của phone cầm tay, trong tay sinh viên, học sinh, nhà kinh doanh vừa và nhỏ. Họ liên kết với nhau thành từng nhóm, theo từng quận, khu phố, định hướng cho quần chúng tự phát, nêu lên các yêu cầu, các khẩu hiệu chính, các con đường tuần hành, các địa điểm tập trung bất ngờ, linh hoạt. Mỗi tối lại rút kinh nghiệm nhanh, gọn, trên internet, qua “chat” với nhau, quyết định kế hoạch hành động cho ngày hôm sau.
Quân đội Tunisia được huy động dần, nhưng nói chung đứng trung lập, vả có bộ phận ngả theo nhân dân. Chỉ có vài đơn vị chống nổi dậy chuyên đàn áp có nổ súng lác đác 2 buổi rồi chuồn sạch trước khí thế của quần chúng. Nhiều nơi khi bị cảnh sát đàn áp, nhân dân ùa nhau vào lánh nạn trong các doanh trại quân đội.
Trong doanh trại họ cùng nhau hát những bài ca dân tộc, yêu nước, giải khát, ăn uống cùng nhau.
Nhiều cha mẹ, anh chị em binh lính tham gia.
Nhân dân chủ động phân hóa quân đội với cảnh sát, ca ngợi quân đội là lực lượng yêu nước, có sứ mạng bảo vệ dân, gọi quân đội là chúng ta, phía ta, gọi cảnh sát là chúng nó, phía chúng nó, phía kẻ thù hại dân, đàn áp dân, nổ súng vào dân tay không, giết dân.
Khi xe tăng quân đội xuất hiện, nữ thanh niên, nữ sinh viên mang biểu ngữ “quân đội bảo vệ cuộc sống của dân”, ôm bó hoa ra trước mũi súng, còn quàng vòng hoa nhài lên cổ người lái xe tăng, leo lên chụp ảnh kỷ niệm. Xe tăng quay cả về doanh trại.
Một nét đặc sắc nữa là lực lượng nổi dậy biết phân hóa giữa sĩ quan và lính cảnh sát, an ninh. Họ chĩa mũi nhọn vào bọn tướng, đại tá, trung tá cảnh sát, tranh thủ sỹ quan cấp dưới, nhất là cấp úy và binh lính.
Nhiều truyền đơn gửi riêng cho lực lượng cảnh sát chỉ rõ những việc làm bất nhân, tham nhũng của tướng và sỹ quan cấp cao, cuộc sống nghèo khó, vất vả đầy khó khăn của binh lính và gia đình, kêu gọi anh em thuơng yêu nhân dân, bảo vệ nhân dân, chống bất công xã hội. Một nhóm sinh viên văn khoa, luật khoa, khoa truyền thông – báo chí, kinh tế – tài chính Đại học Quốc gia Tunis lập ra tổ đặc nhiệm sưu tầm về thu nhập, chi tiêu, tài khoản tăng giảm của 6 viên tướng cảnh sát- an ninh và của các bộ trưởng bị tố cáo về tài sản bất minh, lập thành hồ sơ pháp lý, một phần gửi cho các phóng viên quốc tế, và công bố trên một số truyền đơn.
Kết quả rất cụ thể. Bọn tướng cảnh sát an ninh mất uy thế, danh dự, không dám vác mặt ra đường, vào các nhà hàng. Lính cảnh sát tham gia hàng ngũ biểu tình ngày càng nhiều. Trong những ngày cuối 15, 16/1, hàng trăm lính cảnh sát lập thành hàng ngũ biểu tình riêng, giương cao biểu ngữ đòi tăng lương, tăng phụ cấp, đòi được phân nhà ở cho gia đình, gắn bó máu thịt với nhân dân…
Tunisia là một dân tộc trẻ. Tuổi trung bình của dân cư là 27. Thanh niên Tunisia có truyền thống ham học. Nền đại học Tunisia được xếp vào hàng đầu lục địa này.
Có thể nói cuộc Cách mạng Hoa Nhài mang sâu đậm dấu ấn của tuổi trẻ, của trí thức, mang nhiệt huyết của tuổi hoa niên, gắn bó với thời đại dân chủ quốc tế, tận dụng thành tựu kỹ thuật truyền thông hiện đại nhất – computer-internet-Facebook-cellphone – một cách phổ biến, linh hoạt, có hiệu quả cao, lại biết tranh thủ, phân hóa, cô lập thế lực đàn áp một cách cụ thể thông minh.
Bài học lớn cuối cùng của cuộc cách mạng Hoa Nhài là: một chế độ độc đảng độc đoán dù hung hãn, bóp nghẹt báo chí, dù giữ độc quyền truyền thông, tham nhũng tập thể, làm giàu bất minh, chia chác đặc lợi theo phe nhóm lợi ích riêng, khi bị nhân dân nhận rõ mặt, vẫy gọi nhau xuống đường ngày càng đông đảo, thì thắng lợi của nhân dân là chắc chắn.
Blog Bùi Tín, VOA

Cây kiểng Tết có giá nửa triệu đô la

Phùng Thức

 – Nghe lời đồn về một cây kiểng có giá khủng, chúng tôi bán tính bán nghi liền phóng xe đến khu bán hoa thuộc sân vận động Quân Khu 7 (Bộ Tổng Tham Mưu cũ).
Những cây kiểng, chậu kiểng đắt giá đều có nguồn gốc từ những cánh rừng cạn kiệt. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)
Trước mắt chúng tôi là một gốc cổ thụ được trồng trong chậu đúc. Chúng tôi không tin vào mắt mình khi đọc thấy cái bảng treo tòn ten: cây Hoàng Long Phát Lộc, giá 9.9 tỉ đồng. Nếu qui đổi ra đô la theo giá chính thức của ngân hàng nhà nước ấn định thì cái cây dân gian gọi tên là Lộc Vừng này là $507,692 USD, hối suất 19,500 đồng/đô la.
Người bạn đi cùng chúng tôi hả họng nói: “Họ để giá giỡn chơi thôi chớ làm gì có giá dữ vậy.”
Chúng tôi mon men định hỏi chuyện người thanh niên bán cây. Nhưng mấy bận cất tiếng hỏi nhưng anh chàng bán cây thuê cho chủ này không thèm trả lời chỉ ném về phía chúng tôi cái nhìn khinh rẻ. Chúng tôi nhớ đến chuyện tô phở có giá 35 đô ở Hà Nội rồi rùng mình ớn lạnh trước khoảng cách giàu nghèo mà cái cây này, tô phở kia đã phân định ranh giới.
Một miếng ngon, một thú chơi kiểng và những thú tiêu khiển trưởng giả khác của tầng lớp quan chức cộng sản và tư bản đỏ ngày càng trở nên dã man hơn trước số phận chạy ăn từng bữa của hàng triệu gia đình nghèo ở Việt Nam.
“Chỉ tiếc là bứt mấy cái lá của cây này bán không ai mua chớ nếu có người mua, ăn cướp ăn trộm gì em cũng bứt hết đem chia cho người nghèo. Mỗi chiếc lá của cây này tính sơ sơ cũng hơn cả năm tiền lương công nhân chớ phải chơi đâu.” Người bạn đi cùng chúng tôi nói.
Ðại gia chơi cây kiểng lộc vừng có giá 9.9 tỉ đồng này là thách thức trắng trợn đối với người nghèo và môi trường tự nhiên ở Việt Nam. (Hình: Phùng Thức/Người Việt)
Xe hơi đắt tiền, du thuyền, máy bay riêng, biệt thự, sơn hào hải vị… bất cứ thứ gì của tầng lớp quan lại cộng sản và tư bản đỏ cũng đều là hàng “khủng.” Và trong cơn phát cuồng tranh nhau khoe của, hình ảnh cái cây lộc vừng này chính là đỉnh điểm của một cái Tết mất dần đất đai, mất rừng, mất sông, mất biển, mất dần những nguồn sống của lương dân.
Sự thật là không thiếu những kẻ dư sức có tiền đưa được cây lộc vừng chín tỉ chín này về biệt thự riêng và điều đó cũng là để thách thức trắng trợn của tầng lớp nhà giàu bất minh trước hàng triệu người nghèo khó.

Hải quan sân bay và nữ Việt kiều đáng gờm

Ký sự của Tuy Nguyễn

Tôi có về VN đôi lần. Vài người bạn khuyên tôi kẹp vài tờ vào pastport nếu muốn nhanh chóng thủ tục. Tôi theo lời và quả nhiên công việc thông suốt sau vài câu hỏi xã giao. Một lần tôi thấy một thanh niên Việt kiều rất trẻ, chừng 20 thôi, với tuổi đó có lẽ anh sinh ra sau khi gia đình rời VN và trưởng thành ở nước ngoài. Anh ấy đến quầy làm thủ tục bên cạnh trước tôi. Anh ta đi một mình, có lẽ lần đầu về thăm quê hương.Tôi thấy hành lý xách tay của anh ta chỉ là một ba-lô nhỏ. Không biết có gì trở ngại, anh ta làm thủ tục khá lâu, lại còn phải đứng qua một bên chờ, nhường chỗ cho người kế tiếp. Còn tôi thì rất nhanh chóng để tiếp tục ra khu vực nhận hành lý. Một lúc sau tôi cũng thấy anh ta ra và nhận hành lý chỉ là một vali không nặng lắm, trong khi nhiều người khác, như tôi, 2 vali to nhét phồng. Kể chuyện lại với ông bạn già, ông bạn chép miệng : ” Tội nghiệp thằng nhỏ. Chắc không biết thủ tục đầu tiên ! “.
Tôi cứ phân vân. Anh ta có lẽ biết chứ, nhưng tuổi trẻ, sinh ra và học hành ở một nước được giáo dục về lòng tự trọng, anh ta thấy mắc cỡ khi làm cái thủ tục đầu tiên, do đó dù biết, anh ta vẫn đã không làm ! Còn tôi, ở “tuổi nhi nhĩ thuận”, dù học và hiểu, nhưng đã quen sống trong một xã hội thay đổi, vì lương tâm đã bị mòn răng, thậm chí bị bẻ răng, nên đành theo thời để cầu an. Tôi cảm thấy mắc cỡ và mong tuổi trẻ luôn giữ được sự tự trọng, cứng cỏi vào đời.
Bánh máy bay vừa chạm phi đạo, không khí nhốn nháo hẳn lên. Dù đã được nhắc nhở là ngồi yên cho tới khi máy bay ngừng hẳn, những tiếng lách cách mở khoá bụng cũng vẫn vang lên đâu đó. Và trong khi máy bay còn từ từ lăn bánh vào trạm, nhiều người đã đứng bật dậy, kêu gọi nhau, lôi kéo vali trên cao xuống để chuẩn bị sẵn sàng. Đa số đều lộ vẻ nôn nóng.
Cửa máy bay vừa mở là đoàn người đã chen chúc nhau đi xuống, bước vội lên xe bus để được đưa vào nhà ga. Và rồi tất cả đều phải ngừng lại, xếp hàng dài rồng rắn trước các trạm hải quan. Chẳng ai bảo ai mà không khí bỗng dưng yên lặng một cách bất ngờ. Có lẽ mọi người đều mang tâm trạng hồi hộp chờ tới phiên mình. Chợt một giọng phụ nữ cất lên không lớn lắm nhưng cũng đủ lớn như cố tình cho nhiều người chung quanh đều nghe thấy “Phi trường quốc tế ở đâu cũng mát mẻ, có mỗi Tân Sơn Nhất của mình là nóng quá !”.
Không chỉ tôi, mà mọi người đều giật mình quay nhìn người vừa phát biểu. Một người khuyên can nho nhỏ “Chị đừng nói lớn quá, coì chừng cán bộ họ nghe thấy”. Không ngờ chị lại trả lời tỉnh bơ ” Trời ơi, tôi thấy nóng thì tôi nói nóng, có gì đâu mà sợ !”
Thế rồi tới phiên chị bước lên. Vừa đưa giấy tờ, chị vừa nửa cười nửa nghiêm nói “Ồ, đâu cũng nóng, chỉ có chỗ cán bộ ngồi là mát quá !” Biết bị châm chích vì cái máy lạnh dưới chân, nhưng vị cán bộ trẻ tuổi không biết nên phản ứng thế nào, chỉ nhìn chị một chút rồi trả lại giấy tờ, cho qua.
Đến quầy soát hành lý, chị cùng người nhà lôi kéo, đẩy theo khá nhiều vali , thùng, bọc lỉnh kỉnh, tổng cộng cũng đến mười món, từ từ chất lên quầy… đi qua máy kiểm soát. Trong khi vị cán bộ phụ trách đang theo dõi qua máy thì một nữ cán bộ đứng đằng sau bước ra lớn tiếng ra lệnh cho vị cán bộ tiếp nhận:
- Đẩy tất cả các thùng này vào kho !
Mọi người đều quay lại nhìn, không ngờ chị cũng lớn tiếng lại :
- Chị nói gì nói lại coi ? Tôi cấm chị không được đẩy hành lý của tôi đi đâu !
Tuy bị bất ngờ với phản kháng mạnh mẽ, cô nàng cán bộ vẫn nói cứng :
- Tôi nghi ngờ nên cần đem những thùng này vào kho để kiểm soát.
Chị bình tĩnh chỉ vào cái máy dò hành lý hỏi :
- Cái máy này có làm việc không ?
- Đương nhiên là có.
- Tôi tưởng nó không làm việc thì vứt nó đi cho rồi. Thế nãy giờ chị có làm việc không ?
- Đương nhiên là tôi cũng đang làm việc.
- Nếu làm việc thì chị có nhìn vào máy không ? Nếu nhìn thì chị cũng đã biết hành lý tôi chứa đựng những gì. Tại sao chị dám đòi đẩy hành lý của tôi vào kho của chị. Chị định tịch thu hành lý của tôi hả ?
Câu chuyện trở nên gay cấn, mọi người hình như đều đổ dồn mắt, lắng tai nghe cuộc đối thoại giữa hai “nữ hổ”. Tôi tò mò quan sát chị kỹ hơn. Trông chị còn khá trẻ, có lẽ chưa tới 40, dáng người nhỏ nhắn, xem chừng không hơn 100 pounds. Mắt to, mũi cao, da trắng, phải công nhận là chị thuộc loại “người đẹp”, giọng nói miền Trung lai Nam dễ nghe, nhỏ nhẹ nhưng cứng cỏi, biểu lộ người có học và có bản lãnh, chẳng dễ gì bắt nạt…
Bị hỏi dồn liên tục, cô nàng cán bộ lộ rõ vẻ bất ngờ, mặt biến sắc… chống chế:
- Tôi không có ý tịch thu hành lý của chị, tôi bảo đẩy vào kho của nhà nước để kiểm soát chứ không phải kho của tôi.
Trong khi nữ cán bộ dịu giọng lại, thì chị càng cương quyết hơn:
-Chị không được đẩy hành lý của tôi đi đâu hết ! Chị muốn kiểm soát thì cứ việc mở ra ngay tại đây. Tôi cấm chị đem hành lý của tôi đi chỗ khác. Chính sách nhà nước kêu gọi Việt kiều về quê, giúp xóa đói giảm nghèo, tôi tốn bao nhiêu tiền mua quần áo về tặng cho người nghèo mà chị lại muốn làm khó dễ. Chị muốn đi ngược lại chánh sách của nhà nước à ?
Bất ngờ bị dồn cho một thôi một hồi bằng những lời lẽ quá “nặng ký” trước bao con mắt chăm chú theo dõi, nữ cán bộ mặt tái xám, lúng túng chưa biết trả lời thế nào… thì vừa lúc một vị cán bộ khác từ đâu bước vội đến nói nhỏ vào tai nàng cán bộ ta vài câu… rồi quay qua dịu giọng dàn xếp:
-Thôi được rồi, chị cứ đem hành lý đi đi..
Vừa nói vừa ra lệnh cho mấy vị trẻ tuổi quanh đó giúp đẩy hành lý chị nhanh ra cổng. Những người đi sau tự nhiên được hưởng mọi sự dễ dàng, được cho đi qua nhanh chóng, chẳng bị hỏi han chi. Aì nấy đều cảm thấy nhẹ nhõm, thú vị và không khỏi thầm cám ơn người phụ nữ thông minh, can đảm.
**
Thời gian qua mau, lại đến ngày trở về Mỹ. Đề phòng mọi bất trắc, gia đình tôi ra phi trường sớm hơn 2 tiếng đồng hồ. Đến sớm nên làm thủ tục giấy tờ, gửi hành lý khá nhanh chóng. Lên đến phòng đợi vẫn còn hơn cả tiếng. Khoảng 20 phút trước giờ lên phi cơ thì bỗng dưng nghe loa phóng thanh gọi lớn tên 5 người đến quầy kiểm soát gấp, 2 vợ chồng tôi đều có tên trong số đó. Đến nơi thì cô cán bộ lạnh lùng nói:
- Hành lý quý vị có vấn đề nên cần xuống gặp hải quan.
Rồi cô ta bảo tụi tôi đi theo một cán bộ mặc sắc phục.
Một ông trung niên đi trước tôi bực bội la toáng lên:
-Hải quan Việt Nam lộn xộn quá ! Tôi đi khắp nơi chẳng bao giờ gặp phiền phức như thế này. Về đến Mỹ cũng rất dễ dàng. Tại sao cứ về đến Việt Nam thì bị khó dễ ?
Anh chàng cán bộ dẫn đường mặt mũi khá trẻ vội phân trần:
- Chú ơi, tụi cháu cũng rất khổ vì mấy vụ này. Cháu chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn mọi người xuống hải quan, nhưng cứ bị đổ trút mọi giận dữ lên đầu !
Thật ngạc nhiên… vì lần đầu tiên nghe được lời nhỏ nhẹ phân trần từ một cán bộ mặc sắc phục, tôi đề nghị với tất cả:
- Được rồi, mình cứ bình tĩnh xuống đó coi họ làm gì. Chúng ta cứ đồng lòng, nhất định không để họ làm khó dễ, đòi ăn hối lộ.
Trên đường đi, cô vợ nhát gan của tôi lo lắng nói nhỏ “Anh ơi, chết rồi, mình có mấy chai mắm tôm chua với một số DVD cô Thúy gửi mua, thế nào cũng bị khó dễ. Hay là cho tụi nó ít tiền cho rồi”. Tôi bực mình nói liền “Không ! Nhất định không cho một đồng nào hết ! Mấy thứ đó có phải đồ quốc cấm đâu mà sợ !”. Vợ tôi vẫn lo lắng “Thế lỡ tụi nó cứ đòi tịch thu thì sao ?” “Giỡn hoài, muốn tịch thu của anh đâu phải dễ. Anh sẽ đấu lý tới cùng. Anh sẽ đòi hỏi phải trưng ra giấy tờ chỉ rõ những món nào không được đem ra khỏi Việt Nam chớ. Không có giấy tờ, văn bản, thì làm sao tịch thu của mình được. Mỹ không cấm đem mắm vào… mà Việt Nam lại cấm mang mắm đi.. thì thật là vô lý !”
Dọc đường, lại phải đi qua một trạm kiểm soát giấy tờ nữa. Không hiểu sao, sau khi xem giấy tờ của cả nhóm thì cán bộ trạm này lại bảo rằng hải quan vừa gọi lên cho biết 4 người trong nhóm có thể trở về phòng đợi, chỉ còn lại một cô gái khoảng 18 tuổi phải tiếp tục theo cán bộ xuống hải quan..
Bị trơ trọi, cô bé lo sợ.. quay qua hỏi ý kiến, cầu cứu vợ tôi. Sau vài câu hỏi han mới biết đây là một cô học trò người Việt đi một mình và không hiểu nhiều tiếng Việt. Cô nói trong hành lý cũng có một số DVD. Vợ tôi trấn an là không sao đâu, họ chỉ muốn “làm tiền” thôi. Cô bé càng sợ, cho biết là vì cô không còn tiền Việt Nam. Vợ tôi dúi vội tờ 20 ngàn vào tay cô bé trước khi bước đi.
Nghe kể lại, tôi bực mình:
- Anh đã bảo không muốn hối lộ mà sao em còn dạy cô bé hối lộ ?
- Tại em thấy tôi nghiệp, cô ta không biết tiếng Việt thì làm sao cãi lý với tụi cán bộ.
- Thì tụi cán bộ cũng đâu biết tiếng Anh, làm sao mà khó dễ cô bé được ?
Khi chúng tôi đi trở lại phòng đợi thì mọi người đã lên phi cơ gần hết và loa phóng thanh đang đọc tên 3 hành khách khác “yêu cầu đến quầy kiểm soát gấp vì phi cơ sắp khởi hành”. Từ xa, 3 người đang đi nhanh lại. Tôi quay nhìn thì ngạc nhiên khi thấy đi đầu chính là người phụ nữ mảnh mai đầy can đảm hôm nọ. Tò mò, tôi nán lại chờ xem có màn gì “vui” không. Chị bước nhanh nhưng vẻ mặt bình thản đưa boarding pass cho cán bộ kiểm soát. Anh ta nhìn chị một chút rồi lạnh lùng ra lệnh:
- Yêu cầu chị bỏ mũ ra.
Chị tỉnh bơ trả lời:
-Tôi thấy không có luật nào buộc hành khách phải bỏ mũ trước khi lên phi cơ hết !
Nói xong chị vẫn đứng yên. Chuyện bỏ mũ ra cũng không có gì quan trọng, nhưng có lẽ vì thái độ hống hách, bất lịch sự của tên cán bộ.. khiến chị bực mình, không chịu thua. Tên này cũng tỏ vẻ nóng mặt, gằn giọng nhắc lại:
- Tôi yêu cầu chị bỏ mũ ra.
Chị cười trả lời:
- Tôi chỉ sợ lấy mũ ra, thấy tóc đẹp quá.. anh té xỉu thôi !
Vừa nói chị vừa nâng cao chiếc mũ nhỏ nhắn khỏi đầu rồi lại bỏ xuống ngay chứ không lấy hẳn mũ ra, vừa để chứng tỏ chị không có gì trong tóc và cũng vừa để biểu lộ thái độ không chịu thua.
Tên cán bộ càng tức giận hơn:
- Vậy yêu cầu chị đứng qua một bên để tôi kiểm vé mấy người kia, rồi sẽ giải quyết với chị sau.
Không ngờ chị cũng chẳng vừa:
- Tôi không bước đi đâu hết. Tôi đến trước thì anh phải giải quyết với tôi trước. Chừng nào xong thì mới tới những người khác.
Mọi người chung quanh đều giật mình khi thấy câu chuyện chẳng có gì mà bỗng dưng trở nên căng thẳng, bế tắc. Ai cũng tò mò, hồi hộp không biết chuyện gì sẽ tiếp theo đây khi mà đã tới giờ máy bay sắp sửa cất cánh.
Vị cán bộ mặt đanh lại, rất tức giận, suy nghĩ vài giây. Có lẽ hắn cũng nhận ra rằng chẳng thể làm gì được người phụ nữ cương cường nhưng hữu lý này, nên cuối cùng đành phải hầm hầm thảy giấy tờ lại cho chị và để chị bước qua.
Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm, lần lượt đưa giấy tờ và bước cả vào phi cơ.
Vào trong, dò tìm chỗ ngồi thì tôi chợt ngạc nhiên thích thú khi thấy chị đang ngồi xuống ngay cùng hàng ghế với tụi tôi. Vừa ngồi, tôi vừa cười, mở lời làm quen:
- Xin chào người phụ nữ vô cùng can đảm !
Chị hơi ngạc nhiên nhìn tôi rồi cũng cười trả lời:
- Can đảm gì đâu anh, khó ưa thì có !
Tôi cười nói nhỏ:
- Có lẽ chỉ khó ưa với Việt cộng thôi, còn đám “Việt kiều” tụi tôi thì thấy chị rất cam đảm và dễ ưa.
- Trời đất, em tưởng anh thấy em dữ như vậy thì cần tránh xa chứ.
- Ồ, không đâu, tôi càng thấy vui được ngồi gần chị để hỏi han thêm nhiều chuyện.
Chị bật cười, tinh nghịch trả lời:
- Bộ bây giờ đến phiên anh muốn làm công an thẩm vấn hả ?
- Không có đâu. Tôi thấy công an là sợ gần chết, làm sao dám đóng vai công an. Vả lại, tôi mà là công an thật, thì thấy chị là chạy xa chứ làm gì dám hỏi han.
- Anh nói quá, làm như em là “cọp cái” không bằng !
- Không phải vậy. Tại chị không biết đó thôi. Tôi may mắn về chơi cùng thời gian với chị nên đã được chứng kiến cả hai lần chị đối đầu với cán bộ hải quan và lần nào cũng thắng.
Chị ngạc nhiên, trố mắt nhìn tôi, rồi lấy hai tay bụm mặt, duyên dáng cười nói:
- Chết rồi, lần nào gặp anh cũng thấy em như “bà Chằng Lửa”, mắc cở quá !
Nói chuyện xã giao một chút, khi bớt khoảng cách, chị chợt đề nghị:
- Nãy giờ anh cứ gọi em bằng “chị” nghe xấu hổ lắm. Thôi anh gọi bằng “em” hay bằng tên đi.
Tôi cười nói đùa:
- Ý chị muốn nói tôi già phải không ?
Chị nhìn tôi một chút rồi bật cười:
- Anh hỏi cắc cớ quá, thật còn khó trả lời hơn khi nói chuyện với công an nữa.
Tôi cũng bật cười theo:
- Ok, vậy tên chị là gì.. nào.. để tôi gọi.
- Mai Linh.
- Ủa, vậy Mai Linh cùng họ Mai với tôi à?
Cô cười tinh nghịch:
- Không, em là họ nhà vua, tên là Mai Linh chứ không phải cùng họ Mai với anh.
- Thì họ Mai tôi cũng có thời làm vua chứ bộ.
Sau một lúc chuyện trò vui vẻ, tôi mới từ từ hỏi:
- Mai Linh qua Mỹ lâu chưa ?
- Dạ, cũng chưa lâu lắm.
- Vậy là Mai Linh đã từng sống với cộng sản ?
- Đúng rồi, hồi cộng sản vô… gia đình em kẹt lại, ba em bị bắt đi tù cải tạo. Còn lại mẹ và mấy chị em, thật khổ vô cùng ! Đi học cũng không được, đi làm cũng không xong. Gia đình phải cố bươn chải mà sống qua ngày.
- Thế gia đình Mai Linh sinh sống bằng cách nào ?
- Thì làm đủ thứ nghề, thượng vàng, hạ cám, cái gì ra tiền đều phải làm.
- Có lúc nào khá không ?
- Cũng có. Mới đầu thì khổ lắm, nhưng từ từ học khôn. Có thời gian gia đình em mở quán ăn ở Vũng Tàu, ngay bãi trước. Lúc đó đã có một quán phở của một bà Bắc kỳ Hà Nội, tụi em mở quán bán cả phở lẫn bún ngay bên cạnh. Mỗi khi xe đò các nơi đến, thấy mấy chị em chào đón vui vẻ thì đều qua bên quán tụi em hết.
- Vậy mà bà ta để yên cho Mai Linh à ?
- Đâu có, bà ta dữ lắm, cứ chạy ra ngoài đứng chửi tục tỉu hoài.
Tôi cười trêu:
- Chửi nhau là bà ta thua chắc rồi. Một mình Mai Linh… bà ta cũng đủ chết, huống chi cả mấy chị em cùng hè nhau chửi… thì bà ta chạy có cờ !
Mai Linh cười hiền đáp:
- Đâu có anh. Dại gì mà chửi nhau với họ, mà muốn chửi cũng không lại mấy bà Bắc kỳ đó đâu !
- Thế rồi gia đình Mai Linh làm sao ?
-Mấy chị em đặt một máy phát thanh hát nhạc thật lớn.. chĩa qua phía bà ta. Thành ra bả chửi gì… tụi em đâu có nghe mà chỉ có gia đình bả nghe thôi.
Được dịp , tôi hỏi qua chuyện mà tôi vẫn thắc mắc:
- Có phải vì thế mà Mai Linh ghét cộng sản không ?
- Sao anh hỏi vậy ?
- Tôi thấy thường người ta ngán, tránh có chuyện với tụi cán bộ hải quan, nhưng Mai Linh thì ngược lại, hình như Mai Linh thích “kiếm chuyện” với tụi nó phải không ?
Suy nghĩ một chút, Mai Linh trả lời:
- Anh nói có phần đúng. Em rất ghét thái độ hống hách, muốn “làm tiền” của tụi nó. Em về nhiều lần rồi chứ. Lần nào em cũng mong đụng độ với tụi nó và lần nào em cũng thắng 100 phần trăm.
- Bộ Mai Linh không sợ bị tụi nó làm khó sao ?
- Có gì mà phải sợ chứ. Mình về tiêu xài, nói chung là làm lợi cho dân, có mang đồ quốc cấm về đâu mà phải sợ, phải để cho tụi nó bắt nạt.
- Nhưng nhiều người vẫn sợ, vẫn cứ hối lộ.
- Thì tại họ dại, họ nối giáo cho giặc. Em nói thật, chỉ cần 100 người làm như em là sẽ hết sạch cái vụ tham nhũng, hối lộ tại phi trường !
- Thế có bao giờ Mai Linh bị làm tiền ở hải quan chưa ?
- Có chứ. Một lần em cũng mang nhiều hành lý về, tụi nó cũng đòi mở ra khám. Em cự thì một đứa nói nhỏ “Chị bồi dưỡng cho một chút đi !”. Em tức mình nói lớn “Tôi không hối lộ” rồi chỉ cái bảng treo trên tường “Anh không thấy bảng nói cấm hối lộ sao ? Lẽ ra anh thấy ai hối lộ còn phải bắt họ vì tội phạm pháp nữa, chứ sao lại đòi hối lộ ?” Tụi nó sợ quá, đẩy em đi cho mau.
- Trời đất, khó có ai mà gan lỳ như Mai Linh. Thường thì mọi người đều e dè khi nói chuyện với tụi nó.
- Không phải lỳ mà là hiểu luật, hiểu tâm lý tụi nó. Tụi nó đòi hối lộ là tụi nó gian, tụi nó phải sợ mình là người ngay, chứ sao lại có chuyện người ngay đi sợ kẻ gian. Chính vì sự sợ hãi vô lý của nhiều người mới tạo ra cái thói hống hách, coi thường người dân của đám công an, cán bộ VC. Anh nghĩ có phi lý không… chứ khi mà mình làm việc quần quật, đổ mồ hôi để có tiền, rồi tự dưng phải dâng cho tụi nó ăn ? Đã thế, chúng không cám ơn, mà ngược lại chính mình lại còn phải khúm núm trước chúng nữa. Tại sao nhiều người không nghĩ ra như vậy ?
Càng nói chuyện tôi càng thấy mến phục Mai Linh. Con người bình thường nói chuyện rất vui vẻ, nhỏ nhẹ, nhưng khi “đụng trận” thì thật cứng cỏi, quyết liệt, và khi lý luận thì thật sắc bén, thâm trầm.
Tôi chợt cảm thấy mình may mắn, chuyến đi này đã được gặp một nữ anh thư, một con cháu đích thực của Bà Trưng, Bà Triệu. Mong rằng chị làm ăn khấm khá để có thêm nhiều dịp qua lại các phi trường Việt Nam./.

So sánh hai chế độ độc đoán của Việt Nam và Trung Quốc

So sánh hai chế độ độc đoán của Việt Nam và Trung Quốc
Hội thảo "Các chế độ độc đảng ở Đông Á"
Thanh Phương
Các chế độ độc đoán ở châu Á có gì khác và giống nhau ? Giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam có gì tương đồng và những gì dị biệt ? Đó là những câu hỏi mà các chuyên gia sẽ tìm cách giải đáp trong một cuộc hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 29/6 đến ngày 1/7 tại trường Đại học Thành phố Hồng Kông.
Tham gia hội thảo này sẽ có nhiều nhà nghiên cứu từ nhiều nước Hoa Kỳ, Mêhicô, Áo, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, Anh Quốc, Nhật Bản, Úc. Trong số các diễn giả cũng có mặt những chuyên gia quen thuộc trên làn sóng RFI như giáo sư Carl Thayer, Vũ Quang Việt, Ngô Vĩnh Long.

Giáo sư Jonathan London trong một chuyến đi tại Lào Cai năm 2006
Giáo sư Jonathan London trong một chuyến đi tại Lào Cai năm 2006
Đứng ra tổ chức cuộc hội thảo này là một giảo sư trẻ, Jonathan London, Khoa Nghiên cứu quốc tế và châu Á thuộc Trường Đại học Thành phố Hồng Kông. Tuy là người Mỹ nhưng giáo sư Jonathan London nói và viết tiếng Việt rất giỏi, vì anh đã sống làm việc ở Việt Nam nhiều năm và nay vẫn thường về Việt Nam làm việc. RFI phỏng vấn giáo sư London.

Phỏng vấn Giáo sư Jonathan London

Ngày xuân nhớ, tiếng ru xa vời

Là người Việt, ai trong chúng ta lớn lên cũng đều qua thuở nằm nôi, thuở ấy được: Bà, mẹ, chị…ru cho ngủ. Tiếc rằng lúc đó chúng ta không thể biết bằng cảm nhận  nào, qua những lời ru ấy khiến ta ngon giấc!? Dù bụng đang đói, đôi khi nhà nghèo khiến mẹ kiệt dòng sửa, có khi trong người “bé ta” đang bị chứng bịnh nào đó. Nơi miền quê xa xôi, thời chưa mở mang nước còn nghèo, bệnh viện nông thôn chưa có, bác sỹ, y tá cũng không. Bệnh qúa lắm, đứa bé ấy mới được đưa tới thầy lang vườn! Nghĩ ra mới biết, trong lời ru có một phần không nhỏ trợ thêm dòng sửa mẹ, thay cả thuốc men.
  Chừng, lớn khôn hơn một tí, lời ru con (em) văng vẳng bên tai, nhập vào hồn từ lúc nào không hay. Để khi có dịp đi xa, chẳng phải xa gì mấy, chỉ cần từ quê ra phố trọ học. Bất chợt ở đâu đó lời ru vọng lại, khiến lòng mình buồn nhớ man mác. Cái nhớ có thứ tự lớp lang đàng hoàng. Đầu tiên nhớ tổng thể cả làng quê, sau đến nhớ nhà, rồi mới nhớ mẹ. Nỗi nhớ có khi chạy theo chiều ngược. Nghĩa là lâu qúa không nghe ai hát ru con, trong lòng bổng nhớ quê, nhớ ngôi nhà cũ, vườn xưa, nhớ mẹ và nhớ những lời ru xa vắng…
Thú vị hơn, những lời ru đơn mộc bên chiếc nôi, trong lũy tre làng từ các Bà, Các, Mẹ, các Chị.  Họ chưa hề là “nhà” văn, “nhà” thơ, thậm chí với xã hội “trọng nam khinh nữ” họ chưa hề đến trường, lớp. Thế nhưng những lời ru con, ru em, ru cháu đã đóng góp đáng kể vào văn học bình dân, dân gian của dân tộc mình. Có thể nói đất nước bao ngàn năm tuổi cùng lớn lên theo lời ru của mẹ.
Giá như trước bài luận văn, ông thầy cho tả chiếc nôi. Có lẽ muôn học trò đều bắt đầu: Cái nôi bằng tre, có bốn quai bằng dây dừa, do ông nội, hay ông ngoại vót tre đan chiếc nôi hình bầu dục, được treo bằng cái móc trên xà nhà… Nhưng Mẹ chỉ vỏn vẹn hai câu:
“Hai tay cầm bốn quai nôi,
Tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương”
ru, đưa con là một định luật thành văn hẳn hòi:
Đố ai nằm võng không đưa
Ru con không hát đò đưa không chèo.
Không những đưa ra luật ru con, mẹ ta (được hiểu có bà, chị nữa. Mẹ là một đại diện) còn kèm theo những luận chứng khó cải: Nằm võng không đưa? Đò đưa không chèo? Ai có hình ảnh thực tế chứng minh ngược lại: Võng không đưa, đò không chèo, thì khi đó ru con mới không còn cần thiết!
Từ thưở lọt lòng, mẹ đã dạy con lòng hiếu thảo:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
(Trích Quốc Văn Giáo Khoa Thư)
Người Việt có truyền thống hiếu học nhờ từ bé mẹ đã âu lo:
Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc cầu kiều
muốn con hay chữ phải yêu mến thầy.
Trong hai câu đầu nói lên cảnh khổ ải của một vùng quê nào đó, đường sá bị trắc trở, bởi sông suối. Đò ngang không chèo thì dễ hiểu vì lượng người qua lại thưa thớt, chưa đủ để ai đó “đầu tư” ghe thuyền, quan cấm đò dọc, trong lịch sử thời vua chúa, thời chiến tranh cũng chưa thấy nói nơi nào quan cấm? Có thể hư cấu là chuyện thường tình trong văn chương, phần tiếp xuống dưới chúng ta sẽ gặp đôi khi lời ru không cần ý nghĩa, chỉ có vai trò câu đệm mà thôi.
Cầu kiều? Kiều là đẹp, trong cảnh khổ ải như vậy có ai mơ tưởng tới cầu kiều, nhưng thay chữ kiều sẽ không hợp vận chữ yêu ở câu dưới, nhưng điểm chính trong nội tâm người mẹ cây cầu ấy phải đẹp, trịnh trọng, bề thế trong tâm thức, có như thế mới xứng với  nguyện vọng: Muốn con hay chữ, muốn con biết tôn sư trọng đạo,
điều trọng thầy được làm gương, điều dẫn từ phụ huynh, nhờ đó dù có con học hay không, người thầy giáo được toàn xã hội trọng vì. Thầy Giáo là thiên chức của xã hội, một nghề cao quý.
Từ tám câu trong lời mẹ ru nêu trên, có thể kết thành một đoạn giáo lý trong Đạo Dân Tộc, viết trên trang giấy trắng tinh, đầu đời cho con thơ của mẹ.
Thôi thúc con say giấc nồng, mẹ còn bổn phận trước quân giặc Tàu xâm lăng:
Con ơi con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà quản tượng cỡi voi bành vàng.
Bao nhiêu anh hùng đuổi giặc xâm lăng, làm nên công nghiệp lưu truyền sử xanh, ai dám nói không từ cái nôi hun đúc chí cả do lòng nhiệt huyết từ người mẹ?
Lời ru em của chị:
Ru em cho théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim
Trong ngôn ngữ Việt thật phong phú, chữ théc nghĩa là ngủ, dành cho tuổi bé bi chưa thôi nôi, hình như càng ngày người ta ít dùng nó, thưở xa xưa chợ cũng chia ngăn nắp đến khó hiểu, tại sao mua cau ở Nam Phổ, mua trầu phải qua chợ Dinh? Trong khi đó trầu cau hai thứ không thể tách biệt cũng có thể cau Nam Phổ ngon có tiếng, mà trầu không bằng chợ Dinh và ngược lại?
Hay chàng ở Nam Phổ, nàng quê chợ Dinh?
Vì sao Triều Sơn bán nón, không chịu bán luôn kim, kim là dụng cụ chằm nón. Sự ngăn nắp đến khó hiểu, thêm nữa chợ Dinh chỉ bán áo con trai? Có thể trên đây những “tiệm” nổi tiếng chuyên bán những mặt hàng cá biệt, nhất định như  Nam Phổ có trầu thơm . Chợ Dinh có cau ngon.
Ngày xưa với lễ giáo khắt khe, không những từ trong gia đình gìn giữ, ngoài xã hội những ánh mắt nghiêm nghị cũng là sợi dây vô hình nhắc nhở cho mọi người, đặc biệt với phái nữ, nên đôi hồi các chị mượn tao nôi để ý nhị thổ lộ tình mình:
Cất lên một tiếng la đà
Cho chim nhớ tổ, cho ta nhớ mình…
Tiếng “mình” thường dùng cho hai vợ chồng. Trai, gái đang độ yêu nhau chưa gọi nhau bằng mình, trường hợp trên có thể người vợ trông chồng từ phương xa. Có thể đi chinh chiến, cũng không loại trừ sa đà món “phở” lại quên lối về. Sở dĩ không dám đoan chắc cảm hứng nầy từ chị hay mẹ là tác giả, vì còn liên tục với bốn câu:
Có phải trưa nay chị nhớ người thương
Nên mượn cớ ru em để lòng mình thương nhớ
Có phải ngàn năm thương thương nhớ nhớ
Khiến tiếng đàn bầu nghe xé ruột vò gan…
Không những mượn tao nôi để thố lộ, chị còn mượn luôn em bé để phản hồi “Có phải trưa nay…………..Nên mượn cớ ru em….” rõ ràng đây là một màn độc thoại. Vậy chữ mình ở trên được dùng cho trường hợp ngoại lệ, cũng hợp lý khi mình thố lộ với chính lòng mình và cho tình yêu đã đến hồi chín muồi, hôn nhân chỉ còn là thời gian.
Lời bà ru cháu:
“Cái ngủ cháu ngủ cho lâu,
Mẹ còn đi cấy ruộng sâu chưa về…”
Hay:
 “Ừ, cái ngủ mày ngủ cho say,
Mẹ mày vất vả chân tay tối ngày.
Vì đường sá trắc trở, phương tiện giao thông không có. Nên nhiều người suốt đời không dời chân khỏi làng mình, nên lấy chồng về làng khác kể như xa đến “nghìn trùng”, nhờ cảm giác không tương ứng thực tế này chúng ta mới có lời ru não lòng:
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.
Hoặc:
 Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng
Thương cha nhớ mẹ qúa chừng bạn ơi:
 Không biết lời van xin này kết qủa ra sao, nhìn vào lời khích lệ của đấng sinh thành, e rằng kết qủa có tỷ lệ khá thấp. Lời khích lệ hóm hỉnh nhưng khá nghiêm:
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiểng, nhớ quê thì đừng
Đấy!  thương cha nhớ mẹ cơ, còn nhớ lung tung, nhớ vớ vẫn như nhớ kiểng tức nhớ cảnh, nhớ quê (xóm) thì đừng…hòng nghe con! Nói thế thôi, mẹ cha nào không thương nhớ con, con nhớ một mẹ cha nhớ tới mười phần, song vì ngày ấy quý bà, quý mẹ chúng ta được gã chồng sớm qúa, e rằng tuổi chưa vững, tâm chưa định còn ham vui chểnh mảng chuyện chồng con, gia đình, nên mới vậy.
Dấu ấn lịch sử:
Trăm năm bia đá thì mòn. Đúng như thế bảng vàng bia đá bền vững tới đâu cũng đến hồi tàn phai, chỉ có bia miệng ngàn đời còn lưu, khi hát ru em với bốn câu này:
Ầu ơ ……………..
            Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
            Gió nào độc bằng gió Gò Công
            Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng
            Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi
Đồng bào đều nhớ trận bảo lụt kinh hoàng nhất trong lịch sử, xảy ra ngày 16 tháng 3 năm 1904, riêng tỉnh Gò Công đã có hơn 5000 người chết. Cơn bão lụt tàn phá toàn miền Tây.
Đất dụng võ chúa Nguyễn Ánh cũng tại miền Tây, thanh niên, trai tráng vùng này mộ quân theo chúa và cuộc chinh chiến không biết ngày tàn, nên vẳng lên lời thương nhớ bên vành nôi:
Ra đi em một ngó chừng
Ngó sông sông rộng ngó rừng rừng cao.
cũng có khi theo chân chúa bôn tẩu tận Khờ Me, để mấy mùa mù u chín rụng không thấy chàng về, Sầu Riêng thổ sản của miền Tây, nhưng ở đây dùng chữ mù u tượng hình, thật khéo:
Nước ròng chảy thấu Nam Vang
Mù U chín rụng sao chàng bặt tăm.
 Với tựa đề: Mùa xuân nhớ tiếng ru xa vời, không chỉ riêng độ xa nửa vòng địa cầu, còn điều khác:
 Tôi sinh ra miền Trung, năm 1974 theo đơn vị về Cần Thơ, mua nhà ở Vĩnh Long, bên cạnh nhà có bà chị hát ru em buồn da diết, có lúc chịu không nổi tôi thả ra đường đi bộ qua bên kia cầu Khưu Văn Ba, đi – đi miết, vừa đi vừa nhẩm lại mấy lời ru của chị, thật buồn cười như thằng bé sợ ma đã co dò chạy, đầu cứ ngoái lại đằng sau! Cũng chính vì thế tôi thuộc nhiều lời ru xứ miền tây, thời điểm rời Việt Nam, 1996 tôi có hai đứa con – 99% lời ru cho hai cháu ngủ là phần tôi! Có lần tôi ru cho thằng bé vừa ngủ, định đi tắm heo, con chị sơ ý làm thằng bé thức giấc khóc thét. Tôi trừng phạt bắt con chị lúc ấy mới bốn tuổi: Phải ru cho em ngủ lại, tôi không ngờ cháu cất lời ru:
“chiều chiều ra đứng tây lầu tây tây lầu tây, thấy cô tang tình gánh nước tưới cây,  tưới cây ngô đồng – xui ai, xui trong lòng, trong lòng tôi thương, thương anh tưới cây ngô đồng. Hồng Hà ngăn cách đôi bờ sông, đôi bờ sông nhớ thương sao mà thương nhớ – nhớ thương nhớ thương, mong chờ thương nhớ”
Giọng nó hát mới buồn như ai oán làm sao, từ đó nghe ai hát ru con, tôi đều nhớ “tưới cây ngô đồng” buồn qúa. Bẵng đi mười lăm năm sống đất khách, không hề nghe ai hát ru con, tới nhà đồng hương chơi, họa hoằn lắm mới thấy bé bi nằm võng, nhưng võng được móc vào khung sắt có độ đong đưa rất nhỏ, hơn nữa bebi ở đây ít khóc để mẹ ru,
Tháng ba vừa rồi, tôi về thăm nhà (hiện ở Long Thành) và nhất định phải về Quảng Nam, Quế Sơn, miền sơn cước. Nơi mình được chôn nhau cắt rốn, 57 năm trước, để nghe lời ru con, để được buồn một trận cho đích đáng! Gần nửa thế kỷ xa quê, thế nhưng chỉ có bốn ngày ở lại, bao nhiêu bà con anh em mừng vui, làm tôi sém quên mất thèm khát thiết tha. Bỗng nhiên một sáng thức dậy tôi hỏi chú em họ: Này Hồng, tôi về đây đã ba ngày, dạo cùng xóm trên làng dưới, tịnh nhiên không nghe tiếng ru con, là sao chú? Hồng phì cười cho đây là câu hỏi ngớ ngẫn số một, (tôi đoán vậy) nhưng sau đó Hồng đượm buồn nói: Làng mình nghèo qúa anh ơi, nên con cháu vừa chớm lớn đã bỏ quê kiếm sống ở phương trời xa, chúng nó lập gia đình cũng không về quê, đến nổi người già than rằng: Trai trẻ bỏ đi hết, mai mốt chết biết ai chôn. Anh coi, tình cảnh như vầy kiếm đâu ra lời ru chân quê cho anh nghe.
 Sáng hôm sau xuôi Nam, lần thứ hai tôi mang lời ru em đi khỏi xứ, hành trang lần này cũng là hành trang cũ từ 46 năm trước. Trên một đầu thúng phía trước có một đứa bé, đầu sau là sản nghiệp một đời người mang theo trên con đường chạy giặc, tản cư. 46 năm sau trở về, rồi lại ra đi cũng chỉ những lời ru cũ, trong tâm khảm của đứa bé xa xưa:
Chiều chiều ông Lữ đi câu
cái ve cái chén, cái bầu sau lưng
hay: Mẹ ơi đừng đánh con đau
    Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ
Ôi buồn thay, rau ốc cạn nguồn, con người cùng sức. Tôi không ngờ mình trở về nơi ngày xưa trù phú còn bây giờ xơ xác, cằn khô. Lời ru em cũng theo chân người đi biệt xứ./.
Ông Bút.

Đầu năm xông đất nhà Tiến Sỹ

Đầu năm xông đất nhà Tiến Sỹ

Ở Việt Nam người ta than rằng: Thời đại ra ngỏ gặp tiến sỹ! Ở ngoài Hà Nội có câu nói độc hơn “Dắt một con bò sang Liên Sô, khi dắt về nó cũng thành Tiến Sỹ”. Hai câu nói trên nhằm chế diễu tình trạng lạm phát tiến sỹ tại Việt Nam, cùng với tệ nạn mua bằng trắng trợn, kèm theo bằng giả tràn lan, đồng thời phản ảnh nền học vấn tại quốc gia, một thời từng đầu sỏ phe Cộng Sản. Nguyễn Phú Trọng là một tiến sỹ được “dắt” qua Liên Sô, khi “dắt” về trở thành Tiến Sỹ, môn triết học Max Lê! Hiện nay đang đứng đầu guồng máy cai trị Việt Nam.
Tuy nhiên đầu năm ai lại thèm xông đất tiến sỹ có trình độ ngang hàng với con bò, phải xông đất tiến sỹ thứ thiệt. Tốt nghiệp tại trường đại học Harvard lừng danh thế giới thì mới khỏi phí công đầu năm.
Mời quý độc giả đọc báo Cộng Sản (trích chữ in nghiêng)
Tháng 5-2010, Trần Phương Ngọc Thảo (Sài Gòn) và Lê Anh Vinh (Hà Nội) là hai nghiên cứu sinh Việt Nam có mặt trong lễ nhận bằng tiến sĩ tại Trường Harvard, ngôi trường danh tiếng nhất nước Hoa Kỳ, và cũng là thứ nhất của thế giới Trần Phương Ngọc Thảo là tiến sĩ kinh tế học và Lê Anh Vinh là tiến sĩ toán học. Ngay sau đó, cô tiến sĩ 26 tuổi này đã quay về Việt Nam, bỏ qua nhiều lời mời làm việc tại những nơi cô từng thực tập như WB, IMF.
 Không “trở thành người của ban lãnh đạo Ngân hàng Đông Á” như nhiều người nghĩ, cô còn từ chối nhiều lời mời làm việc lương cao mà chọn làm công tác giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế Sài Gòn, nơi cô có thể truyền lửa và những hiểu biết đã gom góp được ở thế giới bên ngoài cho các bạn trẻ.
Báo Cộng Sản đã chạy một tựa đề rất lớn như thế để ca ngợi về đức tính cao cả của cô sinh viên không tham bạc tiền, mà dốc lòng về xứ để phục vụ. Nếu đó là sự thật, thì ngày nay cả thế giới ai cũng biết lãnh đạo Cộng Sản tham lam số một, ăn bất kể thứ gì có thể. Từ lãnh đạo cấp tỉnh trở lên đều có bạc tỷ gởi ngân hàng Thụy Sĩ, có biệt thự cao cấp tại Mỹ, khi gần xong nhiệm kỳ vội vàng cho cậu ấm cô chiêu kế vị, với lòng tham như vậy chắc họ cũng chẳng đoái hoài gì chuyện góp sức của một hạt cát, dù là hạt cát xuất thân từ Harvard. Họ có liêm sĩ gì khi nhìn vào tấm gương tuổi trẻ. Nhưng đó mới chỉ là: NẾU ĐÚNG LÀ SỰ THẬT, với Cộng Sản thì làm gì có sự thật! Muốn biết sự thật dốc lòng về xứ của cô sinh viên Thảo, chúng ta nhìn sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu thì rỏ, Ngô Bảo Châu vừa chấm chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất, đã có biệt thự cao cấp giá bạc triệu đô, được đánh phèn la từ đầu đường xó chợ. Đúng là vinh quy bái tổ, từ “tấm gương” mua chuộc này đã hấp dẫn không cứ riêng người bạn trẻ nói trên. Nên nhớ ở Mỹ là nơi đào tạo anh tài, do đó cung và cầu họ không khan hiếm để trả giá cao, nên Châu, Thảo, mới quay về xứ chứ thơm thảo gì.
Các bạn trẻ ngày nay có cái may mắn, mà thế hệ đàn anh sống dưới chế độ này  không bao giờ có được. Thầy Hồ Chí Minh là Mao Trạch Đông coi trí thức như cục phân, chế độ Cộng Sản từng ra sức “Đào tận gốc trốc tận rễ Trí – Phú – Địa Hào” nền giáo dục Cộng Sản được phản ảnh chính xác với câu tục ngữ: “Tú Tài giữ dê A, B, C đi dạy” Ngày nay chúng giả vờ ngậm vòi đu đủ thổi đít nhân tài để xóa đi một phần mặc cảm ngu xuẩn trong qúa khứ. Chứ không phải “đảng và nhà nước” thực bụng với nhân tài. Các bạn trẻ làm sao biết được chính phủ Miền Nam Việt Nam từ thuở khai sinh Việt Nam Cộng Hòa đã tôn trọng trí thức, có đâu bảy chục năm sau Cộng Sản mới tập tò học vỡ lòng về cách xử dụng nhân tài. Đã thế chưa biết xấu hỗ còn la to, người ta cười chết, chưa nói cái tập tò học mót ở hình thức nhằm mị dân,
Tuổi trẻ tội nghiệp
(Trích: Người sinh viên đầu tiên được kết nạp Đảng tại Mỹ
Với nụ cười tươi và đôi mắt rất sáng, Trần Phương Ngọc Thảo nhỏ bé như một cái chấm nhưng vẫn sáng lung linh giữa những người bạn cao to của các nước. Ở sân trước ngôi trường danh tiếng ấy, dù trong lòng cũng rất phấn khích nhưng tôi vẫn cảm thấy lo lắng khi Thảo với nụ cười hạnh phúc rạng rỡ đã căng to lá cờ Việt Nam chụp hình cùng bạn bè và người thân. Khi sang đây, tôi đã được nghe kể nhiều về vụ biểu tình chống việc treo cờ Việt Nam tại văn phòng Khoa Ngôn ngữ của Đại học bang Massachusette (University Massachusette – Umass) của một bộ phận người Việt sống tại đây. Họ biểu tình, đòi gỡ bỏ “cờ đỏ sao vàng” và bắn tiếng hăm dọa đủ điều đến Nguyễn Thị Minh Phương, một nghiên cứu sinh Việt Nam tham gia giảng dạy môn tiếng Việt tại Umass.
Minh Phương không chỉ treo cờ Việt Nam mà còn kiên quyết bảo vệ lá cờ ở vị trí công khai trong Umass dù gặp nhiều áp lực. Lần ấy, tôi sang thăm Thảo, được chứng kiến một buổi họp chi bộ của bảy nghiên cứu sinh Việt Nam tại Boston và chứng kiến cách mà những đảng viên trẻ đang sống bên ngoài Tổ quốc đã “chiến đấu” để bảo vệ mình và bảo vệ lá cờ Việt Nam tại Mỹ.
Sinh hoạt của Chi bộ Lưu học sinh tại Boston gặp nhiều khó khăn vì các đảng viên – sinh viên đang sống chung trong một cộng đồng đa quốc tịch, mà ở đó vẫn còn một bộ phận người Việt quá khích, sẵn sàng “làm khó” khi biết họ là đảng viên Cộng sản. Hiểu rất rõ tình hình nhưng Thảo vẫn kiên trì suốt hai năm liền, kể từ khi cô bày tỏ ý muốn vào Đảng với anh Vũ Minh Khương, đảng viên của Chi bộ Lưu học sinh tại Boston.
Tháng 4-2007, được sự phê chuẩn của Ban Cán sự Đảng Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, nghiên cứu sinh Trần Phương Ngọc Thảo có quyết định kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Chi bộ phải bàn nhau tìm địa điểm nào khả dĩ an toàn để làm lễ kết nạp Đảng cho Thảo, không phải đón những người khách “không mời mà đến”. Cuối cùng, Ngọc Thảo mượn được một phòng họp nhỏ trong ký túc xá sinh viên của Đại học Harvard.
 Ngô Việt Phương, Bí thư Chi bộ Lưu học sinh, nói với tôi: “Ngày kết nạp Đảng của cháu ở quê nhà, buổi lễ được nhiều người chung tay tổ chức rất trang trọng, có nhiều người thân đến chia vui. Ở bên này, trong tình thế này, em Thảo phải quán xuyến gần hết mọi việc và…”, Ngô Việt Phương bỏ lửng câu nói, quay sang Ngọc Thảo đang cười lặng lẽ đón mọi người ở cửa phòng họp, trong ngày lễ quan trọng của đời mình. Trong không khí tĩnh lặng nhưng trang trọng của buổi sáng rất lạnh ở bên ngoài Tổ quốc, giọng đọc quyết định kết nạp Đảng cho Thảo của bí thư chi bộ nghe sao… rất khác; giọng đọc giấy giới thiệu Thảo của Minh Phương nghe cũng… khác và tiếng Thảo hát Quốc ca Việt Nam, đọc lời tuyên thệ trước ảnh Bác trên đất Mỹ nghe cũng… rất lạ. Cái cảm giác “rất gai người” ấy với Thảo hẳn sẽ là hạnh phúc mãi không quên. Trần Phương Ngọc Thảo là sinh viên Việt Nam đầu tiên được kết nạp Đảng tại Mỹ. (ngưng trích)

Các bạn trẻ trình độ có thừa, mới được bén mảng đến thềm đại học Harvard, nhưng xem bộ kiến thức chẳng khá gì, vì các bạn thoát ra từ cái nôi cộng sản, làm sao không biết sách cộng sản in ra bạt ngàn cho không, họ đều viết về thành tích kết nạp đảng của họ trong nhà tù thực dân “đế quốc” nhà tù họ mô tả biết bao nhiêu hung hãn, kèm kẹp thấu xương tủy. Thế nhưng từ trung ương đảng trở xuống phần nhiều đều được móc nối kết nạp từ xà lim, từ nhà tù. Vậy hà cớ gì trên xứ tự do bậc nhất của thế giớ sau 35 năm mới có một người đầu tiên được kết nạp đảng? Các bạn cứ đọc báo đảng, chịu khó lật mặt trái sự thật ở ngay trước mắt, câu trả lời không cần trình độ cũng đủ sáng tỏ. Ngày nay dù tắc kè đổi màu da để tồn tại và cai trị, thế gian này vẫn kinh tởm hai chữ Cộng Sản, do đó 35 năm trên xứ Mỹ mới có 1 người và lần đầu tiên được kết nạp vào đảng, thêm một người dù hiền lương (nai tơ) dù trí thức cũng thêm vây cánh cho quân cướp ngày, hà hiếp đồng bào.
Cũng theo báo đảng: “Đại bộ phân kiều bào là khúc ruột ngàn dặm” vì sao với kiến thức một đại học Harvard, bạn Thảo không nhờ truyền thông báo chí loan tải “tin mừng kết nạp” để khúc ruột ngàn dặm ấy đến chung vui, bảo vệ lễ kết nạp? Đến nổi phải lén lút chọn địa điểm vắng bóng người để kết nạp? Trong khi đó thành phần “qúa khích” chỉ là thiểu số? Báo Cộng Sản nói bạn là chấm nhỏ tự hào giữa những người ngoại quốc to con, nhưng trong hình bạn rất cô đơn khi căng lá cờ máu, ở một hình khác ngày bạn nhận bằng tốt nghiệp thì đúng: Bạn là chấm nhỏ giữa những người bạn ngoại quốc to con. Nhưng khi bạn căng lá cờ ấy lên chung quanh không còn ai, ở xứ Mỹ này chẳng ai sợ ai, khi mình không phạm pháp, ngay trong hãng xưởng cũng thế, dù manager có ghét mình vạn lần cũng không làm gì được, ví dụ: Ngày mai muốn nghỉ đi chơi ít hôm, cứ việc nói “tôi lấy 3 ngày vacation để đi chơi, manager cũng không thể vì ghét mà nói: No, nhưng với lá cờ máu thì người ta cho là chuyện mọi rợ đáng xấu hỗ, nên hình chụp không ai đứng bên cạnh. Hơn thế nữa bạn Thảo không hề biết lá cờ mà bạn cầm trên tay không phải lá cờ “Việt Nam” như bạn lầm tưởng, thoạt nguyên thủy nó là cờ của đảng Cộng Sản  Đông Dương cũng nền đỏ sao vàng, nhưng cờ CSĐD với năm cạnh tù lù không thẳng và nhọn như bây giờ.
Ngày 6-1-46, Hồ Chí Minh ma giáo lường gạt các đảng phái quốc gia, bầu ra quốc hội và chọn lá cờ cô cầm trên tay và cho là cờ VN, bên kia Trung Cộng cũng cờ đỏ một ngôi sao vàng lớn bốn vệ tinh nhỏ vây quanh, bốn sao nhỏ tượng trưng cho: Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Kampuchia &  Lào (Đài Loan, Tây Tạng họ xem là đương nhiên thuộc Trung Hoa lục địa, nên không sao trăng gì cả)
Ngày nay tuổi trẻ các bạn có điều kiện hơn lớp đàn anh rất nhiều, Nhưng bị nhồi sọ bưng bít qúa nhiều, người dân nước nào cũng trông mong thế hệ trẻ xây dựng nước nhà cường thịnh, nhưng mong gì vào những kiến thức như Thảo, Bảo Châu? Các bạn cũng là nạn nhân thôi, có điều khổ lụy dân tộc bị nối dài không có ngày mai.
Theo hình chụp với ghi chú “cô ngang nhiên và tự hào” nhưng tìm đâu ra tố chất đó,  vì hình này chụp giữa trời, ai biết cô đứng ở đâu? Sài Gòn, Huế, Hà Nội, Hoa Kỳ? Hơn nữa bài và hình xuất hiện là lúc cô đã “dốc lòng” về nước phục vụ “nhân dân.” Bài báo ca ngợi cô lên tận mây xanh, nhưng đến cuối bài thì đuôi ô trọc ló ra: Bố cô là “Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á và mẹ cô là Tổng Giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận” Ô hay một con chuộc sa hũ nếp hà cớ gì phải chui ra? Một Thảo cũng không làm mờ phai hình ảnh hơn hai trăm cô gái không mảnh vải che thân cho bốn thằng Đại Hàn “coi mắt” Chưa kể cha mẹ cô hôm nay đại gia ngày mai là tội đồ làm sao biết được. Báo Cộng Sản ngợi ca Minh Phụng, Năm Cam những đại gia hào phóng công việc từ thiện, biết năng nổ, có sáng tạo trong kinh doanh. Nhưng cũng chính nó đưa họ lên đoạn đầu đài chớ ai khác, kẹt cho cô ở chổ: Khoe mặt với lá cờ máu, phô trương kết nạp đảng, ngày mai khi sáng trời khó tìm ngách mà chui. Ai cũng biết Mỹ là đồng minh với VNCH xưa kia, bây giờ đối tác không thể tách rời với “CHXHCNVN” Vậy cô không cần lo với chính quyền Mỹ, điều đáng ngại “nhân dân” mà thôi.
Đại Học Harvard: Thành lập ngày 8 tháng 6 năm 1836, tính đến ngày bạn Thảo “Vinh quy bái tổ” đã 174 năm, chừng này thời gian có hàng khối Sinh Viên tốt nghiệp.  Phần nhiều Tổng Thống Hoa Kỳ, những danh tiếng khác cũng xuất thân từ đây. Nhưng từ đây cũng khối kẻ vô danh tiểu tốt suốt đời. Cần nói đâu xa, ngay trong Cộng Đồng Việt Nam cũng có Tiến Sỹ Harvard Lê Phước Sang, suốt đời có ra gì. Đang rần rần chống Cộng, nghe tin Nguyễn Tấn Dũng lên ngôi, vội vàng chạy về kiếm cơm. Tệ hơn phiến mẫu đùm bọc Hàn Tín, thuở hàn vi. Bà ta chẳng cần mơ màng, tự thân Hàn Tín tìm về chốn xưa tạ ơn.
Từ đó suy ra đại học Harvard hay bất cứ đại học danh tiếng nào cũng khó rèn luyện được nhân cách cho con người!
Ông Bút.