12/1/12

Miến Điện dân chủ hóa hay tự diễn biến?


Cập nhật: 11:04 GMT - chủ nhật, 25 tháng 12, 2011
Tổng thống U Thein Sein (phải) và Ngoại trưởng Clinton
Chính quyền Miến Điện do Tổng thống U Thein Sein (phải) đứng đầu được cho là đang thay đổi đúng lúc.
Các diễn biến chính trị tại Miến Điện trong những tháng vừa qua phải nói là rất bất ngờ và ngoạn mục.
Từ một hình ảnh độc tài quân phiệt bị thế giới lên án và cô lập trong suốt 20 năm qua, bỗng chốc chính quyền Tổng thống U Thein Sein đã được thế giới ca ngợi là biết thay đổi đúng lúc khi trả tự do cho khoảng 200 tù nhân chính trị trong số 2000 ngàn tù nhân chính trị đang bị giam giữ; nới rộng kiểm soát báo chí, công nhận đảng đối lập Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ và mở đường cho bà Aung San Suu Kyi ra ứng cử dân biểu quốc hội bổ khuyết tại Rangoon.
Những thay đổi nói trên có vẻ nằm trong sự chủ động của phía chính quyền Miến Điện. Nói cách khác, người ta không thấy những cuộc xuống đường rầm rộ xảy ra ngay trước đó như những diễn biến dân chủ hóa tại Đông Âu, hay Trung Á và Bắc Phi, khởi động bằng các áp lực đấu tranh của quần chúng trên đường phố với hình ảnh xuống đường biểu tình của hàng trăm ngàn người.
Tại Miến Điện, những hình ảnh xuống đường biểu tình rầm rộ của quần chúng có xảy ra nhưng từ nhiều năm trước như cuộc biểu tình của thanh niên, sinh viên tại Rangoon vào năm 1988, hay cuộc xuống đường của Tăng Ni năm 2007; cả hai cuộc biểu tình đòi dân chủ đều bị đàn áp đẫm máu và bị công luận thế giới lên án nặng nề.
"Việc Tổng thống U Thein Sein tiến hành một số bước dân chủ hóa như hiện nay phản ảnh khuynh hướng thay đổi của tập đoàn tuớng lãnh, chứ không chỉ riêng gì Thein Sein, và đến từ hai áp lực chính"
Nếu diễn biến dân chủ hóa xảy ra ở Đông Âu, Trung Á và Bắc Phi là do những áp lực quần chúng hạ tầng, thì diễn biến dân chủ hóa tại Miến Điện vừa qua đã xảy ra từ những tháo gỡ ở thượng tầng.
Nhiều bài viết đã phân tích một số nguyên do như chính quyền Miến Điến muốn giảm bớt các ảnh hưởng của Trung Quốc nên phải thay đổi để tiếp cận với khối ASEAN và Phương Tây, hay chấp nhận đối thoại với bà Aung San Suu Kyi và lực lượng đối kháng để qua đó giải tỏa cấm vận kinh tế của thế giới nhằm cải tổ tình hình suy thoái trầm trọng hiện nay.
Những nguyên do nói trên, thật sự không phải là những đe dọa sinh tử đối với nhóm quân phiệt Miến Điện. Nói cách khác, thiểu số tướng lãnh và thân nhân của họ trong chính quyền Miến sẵn sàng dập tắt mọi chống đối của quần chúng và dựa vào Trung Quốc để thao túng quyền lực độc tôn.
Việc Tổng thống U Thein Sein tiến hành một số bước dân chủ hóa như hiện nay phản ảnh khuynh hướng thay đổi của tập đoàn tuớng lãnh, chứ không chỉ riêng gì Thein Sein, và đến từ hai áp lực chính, đó là đòn cấm vận của Hoa Kỳ và Âu Châu, và phong trào dân chủ hóa đang trổi dậy khắp nơi từ đầu năm 2011.
Bà Aung San Suu Kyi (phải) và ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton
Bà Aung San Suu Kyi (phải) lần đầu tiên tiếp kiến ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Miến Điện.
Đòn Cấm Vận
Việc nhóm quân phiệt Miến hủy bỏ kết quả bầu cử quốc hội năm 1991, không chịu trao quyền lãnh đạo đất nước cho bà Aung San Suu Kyi và Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ chiếm 361 ghế trên tổng số 465 ghế quốc hội, đã là nguyên nhân chính khiến cho Liên Hiệp Quốc và các quốc gia dân chủ trên thế giới đã ủng hộ những biện pháp cô lập ngoại giao và phong tỏa kinh tế đối với Miến Điện.
Từ năm 1991 đến năm 2011, Miến Điện hoàn toàn bị cô lập và chỉ còn có thể trao đổi buôn bán với Trung Quốc và một số quốc gia độc tài.
Trong số những quốc gia đưa ra các biện pháp trừng phạt, chính quyền Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu Châu là những nước đã tạo áp lực nặng nề từ cúp viện trợ ODA, ngưng hợp tác kinh tế, ngưng trao đổi ngoại giao cho đến phong tỏa thương mại đối với các công ty có quốc tịch Miến Điện, không cấp chiếu khán nhập cảnh cho các quan chức, cán bộ và thân nhân của những người liên hệ trong chính quyền quân phiệt.
"Đa số những công ty này nằm trong sự điều hành trực tiếp hoặc gián tiếp của một số tướng lãnh và thân nhân liên hệ như vợ, con gái, con trai, cháu vân, vân..."
Từ năm 2003, sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua đạo luật Tự Do và Dân Chủ Miến Điện, các biện pháp cấm vận Miến Điện đã được Hoa Kỳ, Quốc Hội Âu Châu gia tăng sức ép đáng kể qua những biện pháp đánh thẳng vào quyền lợi của một số công ty và nhất là thành phần cán bộ trung tầng đang phục vụ chế độ quân phiệt như cấm xuất cảng, phong tỏa các trương mục, đông lạnh tất cả tài sản của cấp lãnh đạo và gia đình nhóm quân phiệt Miến.
Bản báo cáo của Congressional Research Service (CRS) của Quốc hội Hoa Kỳ về tình hình cấm vận Miến Điện phổ biến ngày 1 tháng 11 năm 2011 và Bản báo cáo của Commission Implementing Regulation (EU) số 383/2011 vào ngày 18 tháng 4 năm 2011, cho thấy chính quyền quân phiệt Miến Điện chịu những thiệt hại đáng kể từ chính sách cấm vận của các quốc gia Phương Tây, đặc biệt là vấn đề phong tỏa chuyển ngân và đông lạnh tài sản đối với hơn 1000 công ty Miến và vài ngàn cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ trung tầng và thân nhân của họ.
Các công ty Miến Điện bị phong tỏa tài sản hiện nay đa số liên hệ đến việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên, chia làm 7 loại công ty như:
Những công ty liên quan đến gỗ (Wood), chế biến, xuất khẩu gồm 428 công ty. Những công ty về Sắt và Thép (Iron & Steel) gồm 9 công ty; Những công ty về hầm mỏ (Mining) có 62 công ty; Những công ty cung cấp về dịch vụ và dụng cụ hầm mỏ (Mining Equipment & Supplies) gồm 54 công ty; Những công ty về đá quý (Gems) gồm 473 công ty; Những công ty sản xuất về ngọc bích (Jade) gồm 27 công ty; và những công ty về bạc (Silversmiths) gồm 40 công ty.
Đa số những công ty này nằm trong sự điều hành trực tiếp hoặc gián tiếp của một số tướng lãnh và thân nhân liên hệ như vợ, con gái, con trai, cháu vân, vân...
Danh sách đen
Danh sách những cá nhân bị Hoa Kỳ và Cộng đồng Âu Châu quyết định đóng băng tài sản tại hải ngoại, dựa theo tài liệu công bố hồi tháng 11 năm 2007 đến nay gồm 7 nhóm tướng lãnh được phân loại, liệt kê như sau:
Các tướng lãnh và vợ con đã và đang lãnh đạo nhóm quân phiệt Miến Điện gồm 21 người như Tướng Than Shwe (Chủ tịch Hội Đồng Hòa Bình và Phát Triển Quốc Gia SPDC), bà Kying Kyaing (vợ Tướng Than Shwe), bà Thandar Shwe (con gái Tướng Than Shwe), Tướng Zaw Phyo Win (Bộ trưởng mậu dịch), Tướng Maung Aye (Phó chủ tịch SPDC), Tướng Min Aung Hlaing (Tổng tư lệnh Quân đội Miến Điện); Tướng Arnt Maung (về hưu)...
Các tướng lãnh đang là tư lệnh hay phó tư lệnh các vùng, các sư đoàn và thân nhân liên hệ gồm có 59 người như Tướng Tun Than (tư lệnh vùng Rangoon), Tướng Ye Aung (tư lệnh vùng Mandalay), Tướng Soe Lwin (tư lệnh vùng Sagiang), Tướng Aung Kyaw Zaw (tư lệnh vùng Đông Bắc Miến Điện), Tướng Soe Hunt (tư lệnh vùng Bago và Magwe), Tướng Win Myint (phó tư lệnh phía Nam Miến), Tướng Tint Swe (phó tư lệnh vùng Đông Nam Miến Điện)...
Các lãnh đạo nhà nước, các Bộ trưởng và thân nhân liên hệ trong guồng máy chính phủ gồm có 117 người như U Thein Sein (hiện là Tổng thống Miến Điện), bà Khin Khin Win (vợ của Tổng thống Thein Sein), Tin Aung Myint Oo (Phó Tổng thống Miến), Đại tá Naing Lin Oo (con trai Tướng Tin Aung Myint), Tướng Thein Htak (Bộ trưởng hầm mỏ), Tướng Thein Htay (Bộ trưởng phát triển công nghiệp), ông Soe Maung (Chánh văn phòng Tổng thống), bà Nang Phyu Phuy Aye (vợ của Soe Maung)...
"Mặc dù những người này đã xin giải ngũ và được bầu vào quốc hội trong kỳ tổng tuyển cử tháng 10 năm 2010 nhưng tên và những thân nhân của họ vẫn còn nằm trong danh sách bị phong tỏa tài sản"
Các Thứ trưởng, Giám đốc các Bộ và Tổng Cục và thân nhân liện hệ trong guồng máy chính quyền trung ương và các địa phương gồm có 105 người như Tướng Kyaw Nyunt (Thứ trưởng quốc phòng), Đại tá Aung Thaw (thứ trưởng quốc phòng); Maung Myint (Thứ trưởng ngoại giao), Tint Lwin (Thứ trưởng truyền thông, bưu chính và điện tín), ông Kyaw Kyaw Win (Thứ trưởng dân số và di dân), ông Kyaw Zan Myint (Thứ trưởng nội an)...
Các tướng lãnh và thân nhân đã hay đang tại ngũ trong quân đội Miến Điện gồm 158 người như Tướng Khin Maung Win (Giám đốc công ty công nghiệp quốc phòng), Tướng Naung Thein (Giám đốc trung tâm kỹ thuật quốc phòng), Tướng Tin Ngwe (Tư lệnh lực lưọng đặc biệt), bà Khin Thida (vợ tướng Tin Ngwe), Đại Tá Aung Tun (Tư lệnh lữ đoàn 66), Hnin Wuryi Win (vợ Đại Tá Aung Tun)...
Các Sĩ Quan chỉ huy cảnh sát và các trại tù gồm 21 người như Tướng Kyaw Tun (Chỉ huy lực lượng cảnh sát Burma và trại tù Trung ương), Tướng Aung Saw Win (Chỉ huy lực lượng cảnh sát điều tra đặc biệt), Trung Tá Tin Thaw (Chỉ huy Viện kỹ thuật điều tra)...; và
Các cán bộ phụ trách những cơ quan chuyên biệt như báo chí, truyền hình, hành chánh, kinh doanh phục vụ cho chính quyền quân phiệt Miến gổm 508 người như Tin Aye (Tối cao pháp viện), Tin Aung Aye (Nguyên Tối cao pháp viện), Mya Than (Quyền giám đốc ngân hàng thương mại)...
Trong số những cá nhân nằm trong danh sách bị đông lạnh tài sản nói trên có tên của Tổng thống U Thein Sein, Phó Tổng thống Tin Aung Mynt Oo, Tư lệnh Quân Đội Min Aung Hlaing, Bộ trưởng Quốc Phòng Tin Ngwe… là những nhân sự đang lãnh đạo chính quyền “dân sự” Miến Điện hiện nay.
Mặc dù những người này đã xin giải ngũ và được bầu vào quốc hội trong kỳ tổng tuyển cử tháng 10 năm 2010 nhưng tên và những thân nhân của họ vẫn còn nằm trong danh sách bị phong tỏa tài sản của Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu. Chính cái “vòng kim cô” cấm vận này đã ảnh hưởng đến nguồn tài chánh sống còn mà họ đã vơ vét cho thân nhân và gia đình trong hơn 20 năm qua dưới chế độ độc tài quân phiệt.
Thay Đổi Để Sống Còn
Lãnh đạo Miến Điện tiếp Thủ tướng Việt Nam
Lãnh đạo Miến Điện, Tổng thống U Thein Sein tiếp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm chính thức.
Những nhà lãnh đạo Miến Điện đã đứng trước hai sự chọn lựa để sống còn.
Một là tiếp tục giữ độc quyền thống trị để vơ vét tiền bạc quốc gia làm của riêng; nhưng sẽ bị Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây không những đông lạnh tài chính mà còn bị lên án và cô lập.
Hai là chấp nhận “dân chủ hóa” với sự tôn trọng các quyền chính trị căn bản của người dân để thoát ra khỏi vòng cô lập của thế giới.
"Thay vì bị nhận chìm trong cơn lốc dân chủ và mất trắng tài sản đang cất giấu ở hải ngoại, nhóm quân phiệt Miến Điến đã phải “tự diễn biến hòa bình” để cứu chính họ"
Với những chuyển biến của thế giới toàn cầu hóa ngày nay, tình hình đã không cho phép các lãnh đạo quân phiệt Miến Điện tiếp tục cố thủ trong ốc đảo bần cùng như thời chiến tranh lạnh.
Tài sản vơ vét được họ không thể cất giấu một cách an toàn ở trong nước vì sẽ bị phe nhóm khác phanh phui vô cùng nguy hiểm; nhưng mang ra cất giấu tại hải ngoại thì sẽ mất trắng do lệnh phong tỏa của Hoa Kỳ và Cộng đồng Âu Châu như hiện nay.
Sự tháo chạy của Ben Ali tại Tunisia, sự đầu hàng của Mubarak tại Ai Cập và nhất là cái chết thê thảm của Gadhafi tại Lybia đã là bài học cho chính lãnh đạo Miến Điện thấy rằng một khi bà Aung San Suu Kyi đã ra khỏi nhà tù sau 20 năm bị cô lập vào tháng 11 năm 2010 vừa qua, Miến Điện khó tránh khỏi cơn lốc dân chủ hóa đến từ sức bật của khối quần chúng nghèo khổ và bất mãn.
Thay vì bị nhận chìm trong cơn lốc dân chủ và mất trắng tài sản đang cất giấu ở hải ngoại, nhóm quân phiệt Miến Điến đã phải “tự diễn biến hòa bình” để cứu chính họ.

Lưu Hữu Phước & mối tình dành cho cô gái Huế


  23.06.2010
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - Ảnh: nhantai.thv.vn
HƯƠNG CẦN
      
(Chuyện ít ai biết trong làng âm nhạc)

Nhạc sỹ, Giáo sư viện sỹ Lưu Hữu Phước (1921-1989) là tác giả của rất nhiều hành khúc nổi tiếng. Với tài năng của mình, từ bài hát này đến bài hát khác, ông đã góp phần nuôi dưỡng những phong trào cách mạng to lớn.

Những bước đi rầm rộ của hàng vạn, hàng triệu đồng bào theo nhịp hát “Lên đàng”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Học sinh hành khúc”... trước đây và sau này là “Giải phóng miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”... đã làm rung chuyển cả đất nước. Phải nói rằng âm nhạc Lưu Hữu Phước đã có sức mạnh động viên, cổ vũ phi thường...

Thế nhưng Lưu Hữu Phước không chỉ có những hành khúc vang dội. Ông cũng có những tình ca cháy bỏng như “Trên Sông Hương”, “Ai nhớ ai”... Một điều ít ai biết là con người tài hoa ấy đã từng có một mối tình đầu đầy bí hiểm với một người con gái Huế.

Lá thư của người không quen biết

Đầu năm 1943, lúc bấy giờ nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đang học ở Hà Nội nhưng cũng đã nổi tiếng với các bài hát của mình như “Tiếng gọi thanh niên” (1941), “Bạch Đằng Giang” (1941), “Hội nghị Diên Hồng” (1942)... Một hôm ông đang phổ nhạc cho vở nhạc kịch thơ Tục lụy (nay gọi là Trần duyên) của Thế Lữ thì nhận được một là thư gửi từ Huế, ký tên Thu Hương.      

Đó là lá thư của cô gái Huế mà Lưu Hữu Phước chưa hề quen biết. Người viết lá thư ấy tỏ lòng ngưỡng mộ tài năng của nhạc sỹ trẻ, ca ngợi bài hát “Ta cùng đi” và ngõ ý muốn trao đổi thư từ với nhạc sỹ. Có một điều đáng nói là trước đó cũng có nhiều cô gái viết thư tỏ tình, mến mộ... song đều không được Lưu Hữu Phước để tâm đến. Thế nhưng tự nhiên nhận được lá thư này, bỗng nhiên Lưu Hữu Phước đâm ra nghĩ ngợi. Nhớ lại chuyện này, người bạn thân của ông là nhà hoạt động cách mạng Mai Văn Bộ kể: “Tôi tò mò hỏi Phước: ”-Phước nghĩ xem, tại sao Thu Hương ca ngợi bài “Ta cùng đi” mà không ca ngợi bài hát nào khác của Phước? ”Phước nói ngay: ”- Thu Hương đề nghị cùng trao đổi ý kiến về cả hai phương diện nghệ thuật và tư tưởng. Chưa có bức thư nào khác có nội dung như thế cả!” Câu trả lời của Phước bật ra như có sẵn trong đầu, khiến tôi chợt hiểu: thì ra Phước đã nhìn thấy ở Thu Hương một cô gái trình độ, có bản lĩnh và chưa chi đã có sự cảm thông, đồng tình, đồng điệu với nhau rồi! Phước ngồi thừ ra. Lần đầu tiên tôi thấy Phước trong tư thế đó. Phải chăng Phước đang nghĩ về cố đô và đang lắng nghe tiếng hò trên sông Hương, như 7 năm về trước, khi Phước còn là một học sinh của trường Collège Cần Thơ? Thôi, Thần lương tâm (biệt danh của Lưu Hữu Phước - người viết) mắc bệnh tương tư rồi. Và từ đó, tôi gọi gác trọ của chúng tôi là ‘‘Gác TT”...

Từ đó, Lưu Hữu Phước thư đi thư lại với người con gái Huế có tên là Thu Hương mà Phước chưa một lần gặp mặt.

Huế - không phải là điểm hẹn tình yêu

Khoảng đến cuối năm 1943, Hà Nội bị bom đạn dữ dội, trường đại học đóng cửa, Lưu Hữu Phước cùng nhóm bạn bè thân là Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ (sau này cùng với Lưu Hữu Phước và một số người khác lập nên nhóm Hoàng Mai Lưu nổi tiếng) rời Hà Nội trở về Nam. Họ trở về bằng xe lửa. Bỗng nhiên khi tàu dừng ở Ga Huế, Lưu Hữu Phước xách va-li xuống xe và tuyên bố sẽ ở lại Huế để đi tìm Thu Hương. Những người bạn đồng hành rất ngạc nhiên, Huỳnh Văn Tiểng can ngăn song không thể thay đổi ý định của Lưu Hữu Phước.

Một sinh viên tên là T đã đón Lưu Hữu Phước rồi đưa đi tìm người con gái mà những cánh thư mỏng manh đã từng làm nhạc sỹ mất ăn, mất ngủ. Theo địa chỉ của Thu Hương ghi cho, Phước và T dẫn nhau đi tìm. Hồi đó thành phố Huế chưa mở rộng như bây giờ, chỉ nhỏ như bàn tay con gái, những tưởng đi tìm nhà người đẹp sẽ dễ dàng song rốt cuộc lại không hề như thế. Bởi vì khi tìm đúng tên đường, lần theo số nhà, nhưng chưa đến số nhà Thu Hương ghi cho trong thư hẹn hò thì đã hết ngõ đường. Hỏi những người trong xóm đó thì ai cũng lắc đầu:”- Không có Thu Hương nào ở đây cả”. Không tìm ra người đẹp mình từng mộng tưởng, hẹn hò mà trời Huế đã về chiều. Quá thất vọng trong bóng chiều buông, chàng nhạc sỹ cảm thấy như mình đang đứng ở “ngõ cụt Liêu Trai” ngay trên xứ Huế. Bí quá, Lưu Hữu Phước đành nghe theo lời T ở lại nhà người quen của T để đi thăm Huế một tuần.

Bài tình ca đầu tiên      

Thay vì gặp một Thu Hương, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đã gặp nhị Kiều xứ Huế lúc bấy giờ là L.L và L.Đ, cả hai đều là em của T. Nghe chàng sinh viên kiêm nhạc sỹ nổi tiếng Lưu Hữu Phước đang có mặt ở nhà L.L và L.Đ, khoảng trên ba mươi nữ sinh Huế đã tìm đến và thế là đã từng diễn ra một cuộc trình diễn nhạc Lưu Hữu Phước ở Huế cách đây 67 năm. Trước những tà áo tím ngưỡng mộ mình, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước đã hứng khởi giới thiệu một số bài hát như “Bạch Đằng Giang”, “Hồn tử sỹ” và không thể thiếu bài “Ta cùng đi” đã từng làm nên duyên nợ với Huế của chàng trai Nam bộ.

Những ngày sau đó, T đưa nhạc sỹ Lưu Hữu Phước thăm viếng các lăng tẩm hoàng cung, đi thuyền sông Hương và có lần L.L cùng L.Đ đưa Lưu Hữu Phước đi thăm quê ở ngoại ô thành Huế. Không tìm thấy Thu Hương ở Huế, nhưng tình cảm của chị em L.L, L.Đ đã làm cho Lưu Hữu Phước khuây khỏa. Mơ hồ như trong số họ có bóng dáng của Thu Hương.

Bút tích bản "Hương Giang dạ khúc" của Lưu Hữu Phước tặng Thu Hương

Những ngày vui qua nhanh, nhạc sỹ Lưu Hữu Phước từ biệt Huế mà lòng biết bao lưu luyến, trong tim canh cánh một nỗi niềm “Thu Hương-nàng là ai?”. Trở về Nam, nhạc sỹ đã sáng tác bài tình ca đầu tiên “Hương giang dạ khúc” theo phong cách dân ca Huế. Từ Sài Gòn, bài tình ca đã được gửi ra Huế cho Thu Hương, đồng thời cho cả L.L và L.Đ. Cô em L.Đ đã dành giữ bức thư, còn người chị L.L đằm thấm hơn thì giữ lấy phong bì có đóng dấu bưu điện Sài Gòn. Bài “Hương giang dạ khúc” có rất nhiều từ “hương”, như vừa để nhắn gửi đến nàng Thu Hương, vừa gửi về xứ sở đã để lại trong tâm hồn nhạc sỹ nhiều ấn tượng quá đẹp. Trong đó có những câu da diết: “Làn hương thu mờ trong bóng chiều, vờn run ánh ngà, nhẹ đưa đưa xa... Làn hương ơi! Làn hương mờ xóa bóng ai yêu kiều trong mơ...”

Năm 1944, Mặt trận Việt Minh kêu gọi, lệnh chuẩn bị khởi nghĩa đến với những người sinh viên yêu nước. Lưu Hữu Phước hát vang bài “Xếp bút nghiên”, bỏ học đi về Nam. Trước khi lên đường, chàng nhạc sỹ Lưu Hữu Phước thức suốt đêm đốt hết tất cả những bức thư của Thu Hương cùng các thư từ kỷ vật đã lưu niệm từ mười năm qua. Không chỉ thế, khi về ngang Huế, nhạc sỹ đã cắt một đoạn bài hát “Xếp bút nghiên” gửi cho Thu Hương theo địa chỉ “Ngõ cụt Liêu Trai” mà mình đã đến tìm nhưng không gặp người. Đoạn cắt ấy là: “Hèn thay đời nhàn cư! Hèn thay vui yêu đương! Lúc quê hương cần người. Dứt làn tơ vương”... Những lời ấy nói thay cho nhạc sỹ một quyết tâm cắt đứt mối tình đầu để lên đường tranh đấu...

Thu Hương - nàng là ai?

Những tưởng câu chuyện đến đó là kết thúc, thế nhưng mọi chuyện về người con gái xứ Huế bí hiểm mang tên Thu Hương đã dần dần sáng tỏ vào một ngày của năm 1948. Mai Văn Bộ kể lại, lúc ấy ông đang hoạt động bán công khai ở Sài Gòn - Chợ Lớn thì có người phụ nữ tìm đến gặp, tự giới thiệu là L.L. “Nàng có khuôn mặt hơi dài, trán cao, một cái nhìn rất sâu và rất tri thức sau cặp kính trắng”- Mai Văn Bộ tả. Rất tự nhiên, L.L cho biết là nàng đã có chồng và đang làm ăn buôn bán ở Sài Gòn, Hương Cảng, Singapore. Quanh co một hồi, L.L hỏi tin tức của Lưu Hữu Phước. Mai Văn Bộ cho biết là nhạc sỹ đang ở Việt Bắc và chưa có vợ. Ông nhớ là ông nhấn mạnh Lưu Hữu Phước chưa có vợ và cảm thấy như L.L muốn nói điều gì đó song lại thôi, vội vàng từ giã ra về. Ông Mai Văn Bộ đưa tiễn người đẹp ra ngõ, thế nhưng khi về đến nhà, ông mới giật mình vì một câu hỏi xoáy lên: “L.L có phải là Thu Hương không?”. Ông vội chạy ra ngõ tìm nhưng muộn mất rồi, không còn thấy bóng người đâu cả.

Sau Hiệp định Geneve, nhóm Hoàng Mai Lưu găp nhau ở Hà Nội. Lưu Hữu Phước kể cho mọi người nghe là năm 1946, nhạc sỹ đã gặp L.L ở Hà Nội. Lúc ấy nàng đã có chồng, thế nhưng L.L không những vẫn giữ thái độ thân tình của người quen cũ, mà còn tích cực giúp nhà xuất bản Hoàng Mai Lưu II ấn hành một số bài hát, trong đó có bài “Hương giang dạ khúc” của nhạc sỹ không tên, tặng cô Thu Hương. Nghe chuyện L.L tìm gặp Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước thở dài: “Yêu người trong mơ, gặp người cụ thể, chưa biết hẹn hò gắn bó thì người ta đã đi lấy chồng”.

Nói vậy nhưng có phải L.L đã núp dưới tên Thu Hương để mê hoặc Lưu Hữu Phước không? Câu hỏi ấy vẫn chưa dễ dàng kết luận.

Câu trả lời chỉ đến 18 năm sau đó, vào năm 1961. Ông Mai Văn Bộ kể: “Tháng 8 năm 1961, Trần Văn Khê dự Hội nghị Âm nhạc của Hội quốc tế nghiên cứu Âm nhạc (S.I.M) tại New York. Gần địa điểm Hội nghị, có một tiệm ăn Việt Nam. Thấy Khê đến, hai vợ chồng chủ tiệm đón tiếp rất niềm nở. Trước ngày Khê rời New York, hai vợ chồng, nhất là người vợ khẩn khoản mời Khê ăn một bữa bánh khoái, vì hai vợ chồng đều là người Huế.

Sau bữa ăn, người vợ tự giới thiệu là L.L. và hỏi Khê có còn nhớ bài hát “
Hương Giang dạ khúc” của Lưu Hữu Phước. Dĩ nhiên là Khê còn nhớ bài hát và L.L đã đề nghị Khê hát.

Khê kể lại rằng khi L.L yêu cầu Khê hát bài “
Hương giang dạ khúc”, Khê bồi hồi nhớ lại cuộc đi thăm Huế một tuần lễ của Phước và nói : “Vâng, tôi còn nhớ và cũng còn hát được bài hát mà Phước viết sau chuyến thăm Huế cuối năm 1943 để tặng một bạn gái tên là Thu Hương’’.

L.L. không nói gì, nét mặt của nàng cũng không biểu lộ một điều gì. Nàng ngồi im, chờ nghe Khê hát.

Khê lại thoáng nghĩ L.L ắt có liên quan đến Thu Hương.

Với ý nghĩ trên đây, Khê hát bài “Hương giang dạ khúc” với tất cả tình bạn nồng nàn đối với Phước. Lúc đầu L.L còn nhìn Khê và nghe Khê hát. Nhưng sau đó, nàng nhìn xuống đất như để lẩn tránh cái nhìn của Khê vào mắt nàng.

Khê tiếp tục hát: “...Làn hương ơi. Làn hương mờ xóa bóng ai yêu kiều trong giấc mơ”

Đến đây, L.L gục xuống, ôm mặt khóc nức nở và nói qua hơi thở:

- Thu Hương ngày ấy là... em! 
Em xin lỗi anh Phước...

Người chồng - chắc có biết tâm tình vợ ôm hai vai vợ, tìm lời an ủi. Khê xúc động, cặp kính nhòa nước mắt.

Cuối cùng, tuy vì những lí do không giống nhau nhưng cả ba đều khóc”.
L.L - Thu Hương không còn nữa. Khi trên đường bay về Việt Nam, một tai nạn máy bay đã đưa nàng ra đi vĩnh viễn, mang theo cuộc đời có quá nhiều uẩn khúc của nàng. Từ bức thư đầu tiên của Thu Hương gửi cho Lưu Hữu Phước đến khi L.L bật khóc và thú nhận “Thu Hương ngày ấy là em”, tính ra đã 18 năm đi qua. Còn mãi đến năm 1976, nhạc sỹ Trần Văn Khê gặp nhạc sỹ Lưu Hữu Phước và nhắc lại chuyện cũ, bấy giờ Lưu Hữu Phước mới biết chắc L.L là Thu Hương ngày ấy, thì cũng đã 33 năm đi qua.

Ở Huế, người ta thường hay nhắc đến mối tình của một người con gái gửi ảnh và những dòng thư cho nhà thơ Hàn Mặc Tử, để rồi nhà thơ có bài thơ bất hủ “Đây thôn Vỹ Dạ”. Thế nhưng chuyện những dòng thư của Thu Hương và xuất xứ của bài “Hương giang dạ khúc” và câu chuyện ly kỳ trên đây thì không phải ai cũng biết.

Xứ Huế thường có những bí ẩn bất ngờ dành cho những con người tài hoa rất mực một cách lạ lùng như thế.
(SDB – 3-2010)

Hàn Mặc Tử--10 bài thơ hay nhất


HÀN MẶC TỬ
(Nguyễn Trọng Trí, sinh 22 tháng 9, 1912 – mất 11 tháng 11, 1940)
 


1.Bẽn lẽn
Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi.

Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe.

Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẻn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em.

2.Buồn ở đây
Rao rao gió thổi phương xa lại
Buồn đâu say ngấm áo xuân ai
Lay bay lời hát, ơ buồn lạ
E buồn trong mộng có đêm nay .

Nắng sao như nắng đời xưa ấy
Nắng vàng con mắt thấy duyên đâu
Muốn gởi thương về người cổ độ
Mà sao tình chẳng nói cho đau .

Chiều xưa khúc nhạc nóng ran lên
Không có ai đi để lỗi thuyền
Nguồn thơ ứa mãi hai hàng lệ
Tờ giấy hoa tiên cũng ướt mèm.
(Thượng Thanh Khí)

3.Biển hồn ta
Máu tim ta tuôn ra làm bể cả
Mà sóng lòng rồn rập như mây trôi
Sóng lòng ta tràn lan ngoài xứ lạ
Dâng cao lên, cao tột tới trên trời.

Ôi ta đã mửa ra từng búng huyết
Khi say sưa với lượn sóng triền miên
Khi nhận lấy trong thâm tâm cay nghiệt
Giọng hờn đau trăm vạn nỗi niềm riêng.

Ta muốn níu hồn ai đương hiển hiện
Trong lòng và đang tắm máu sông ta
Ta muốn vớt ai ra ngoài sóng điện
Để nhìn xem sắc mặt với làn da.

Ôi ngông cuồng! Ôi rồ dại, rồ dại!
Ta đi thuyền trên mặt nước lòng ta
Ôi ngông cuồng, ôi rồ dại, rồ dại
Ta cắm thuyền chính giữa vũng hồn ta.

4.Cửa sổ đêm khuya
Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương
Lạ cảnh buồn thêm nỗi vấn vương
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương
Xa người nhớ cảnh tình lai láng
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá
Hòa đàn sẵn có dế bên tường.

5.Đà Lạt Trăng Mờ
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ!
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.

Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nưới hò reo,
Để nghe tơ liễu rung trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.

Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm.
Hư thực làm sao phân biệt được!
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.

Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng...

6.Đây Thôn Vĩ Dạ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên,
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay...
Thuyền ai đậu bến Sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa,
Áo em trắng quá nhận không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?

7.Đêm Không Ngủ
Non sông bốn mặt mơ màng
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an.
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ
Buồn giúp công danh dế dạo đàn.
Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.

8.Đôi Ta
Mà anh hay em trong tim đều rạn
Đều chôn sâu hình ảnh một người mơ
Bây giờ đây quấn quít hiện bây giờ
Chỉ biết có đôi ta là đang sống
Đang cho nhau ngọt ngào và đang mộng
Cố làm lơ không biết đến thời gian
Đến bông hoa tàn tạ với trăng ngàn
Đến những tình duyên chung quanh thất vọng
Nhiều hành tinh tan đi vì đã lỏng
Ôi muôn năm! Giấc mộng đã đời chưa ?
Lúc ấy sóng triều rên rỉ chưa bưa
Cứ nhắm mắt, cứ yêu nhau như chết
Cứ sảng sốt, tê mê và rũ liệt
Đừng nghe chi âm hưởng địa cầu đang
Vỡ toang ra từng mảnh, cả không gian
Cả thời gian, từ tạo thiên lập địa
Đều trộn trạo, điều hòa và xí xóa
Thành hư không như tình ái đôi ta .
Trong im lìm, lẻ loi trong dãy động,
Cũng hình như, em hỡi, động Huyền Không
Mà đêm nghe tiếng khóc ở đáy lòng,
Ở trong phổi, trong tim, trong hồn nữa .
Em cố nghĩ ra một chiều vàng úa,
Lá trên cành cành héo hắt, gió ngừng ru:
"Một mối tình nức nở giữa âm u,
Một hồn đau rã lần theo hương khói,
Một bài thơ cháy tan trong nắng rọi,
Một lời run hoi hóp giữa không trung,
Cả niềm yêu, ý thơ, cả một vùng,
Hóa thành vũng máu đào trong ác lặn",
Đấy là tất cả người anh tiêu tán,
Cùng trăng sao bàng bạc xứ Say Mơ
Cùng tình em tha thiết như văn thơ
Ràng rịt mãi cho đến ngày tận thế.

9.Em Lấy Chồng
Ngày mai tôi bỏ làm thi sĩ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ
Tôi sẽ đi tìm mỏm đá trắng
Ngồi lên để thả cái hồn thơ.


10.Hồn Là Ai
Hồn là ai là ai? tôi không biết
Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười
Hồn vội mớm cho tôi bao ánh sáng
Tôi chết giả và no nê vô vạn
Cười như điên, sặc sụa cả mùi trăng
Áo tôi là một thứ ngợp hơn vàng
Hồn đã cấu, đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm
Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực
Hai chúng tôi lặng yên trong thổn thức
Rồi bay lên cho tới một hành tinh
Cùng ngả nghiêng lăn lộn giữa muôn hình
Để gào thét một hơi cho rởn ốc
Cả thiên đường trần gian và địa ngục

Hồn là ai? là ai! tôi không hay
Dẫn hồn đi ròng rã một đêm nay
Hồn mệt lả mà tôi thì chết giấc

VỤ CƯỠNG CHẾ TIÊN LÃNG – ĐỈNH ĐIỂM XUNG ĐỘT VỀ ĐẤT ĐAI

Tân Dân, theo SGTT

Vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đã làm xôn xao dư luận mấy ngày qua. Đây là phản ứng tiêu cực nhất của người dân trước việc thu hồi đất tuỳ tiện ở các địa phương.

Xung đột đã lên tới đỉnh điểm khi mà bạo lực đã đối chọi cuồng nộ vào công lực. Đây cũng là một hồi chuông để cho chúng ta thấy một thực tế đầy gai góc trong việc xây dựng và thực thi pháp luật đất đai. Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân vẫn tin rằng sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó và tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng mình được pháp luật bảo vệ… Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu những phân tích và nhận định về vụ việc từ khía cạnh chính sách đất đai và thực thi pháp luật.

Trong khoảnh khắc tiếng súng hoa cải loạn xạ ở vùng đầm hồ Vinh Quang huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, những người nông dân nhất quyết bảo vệ tài sản của mình đã trở thành tội phạm. Trước đó những người này đã cho nổ cả mìn tự tạo để ngăn cản lực lượng cưỡng chế đến thu hồi đất đầm nhà họ.

Sáu nhân viên công lực bị trọng thương.

Vì thế, sáu người thân của gia đình họ Đoàn đã sa vào lao lý.

Luật pháp, trong trường hợp này quá rõ ràng, phải đặt dấu chấm nghiêm minh cho những hành động bạo lực nguy hiểm như vậy trong xã hội.

Nhưng tiếng súng ấy có thể đã không phải vang lên.

Ít nhất là trong hình dung của đại tá Đỗ Hữu Ca, giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, “lẽ ra trong vụ cưỡng chế ngày 5.1 ở Tiên Lãng, khi mìn phát nổ, tổ công tác của huyện phải cho rút quân ngay để xin ý kiến chỉ đạo”. Vị đại tá này cho rằng, “trong các vụ giải toả đất đai, lấy lại mặt bằng phải xác định chủ đất hoặc đang thuê đất họ không phải là tội phạm”.

Cái “ý kiến chỉ đạo” sáng suốt đó đã không được huyện “xin”. Có thể vì như ông giám đốc Công an TP Hải Phòng lý giải: “Từ sau hoà bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuần nên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế”.

Cái tập tính thuần lương ấy được ghi nhận có cả ở những anh em họ Đoàn trước khi vụ việc xảy ra. Bao nhiêu năm trời, họ chỉ biết rửa mồ hôi khó nhọc thành gia sản. Họ đinh ninh luật pháp sẽ bảo vệ sự thuần lương của họ. Nên khi ao đầm mà họ khai phá bị chính quyền địa phương thu hồi, họ đã phải cậy đến toà án. Khi bản án sơ thẩm tuyên bất lợi cho họ, họ vẫn kiên trì các biện pháp hợp pháp, kháng cáo lên toà cấp trên, để bảo vệ quyền lợi của mình.
Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới bởi họ nhất quyết rằng, sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó làm tư liệu sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu và tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng mình được pháp luật bảo vệ. Đó là cơ sở chính trị để người dân tiếp tục tin Đảng, theo Đảng.


Rời chốn công đường ấy, họ tin vào biên bản hoà giải có dấu đỏ của TAND thành phố Hải Phòng với tiêu đề “Biên bản tạo điều kiện để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án”. Theo đó, đại diện UBND huyện đã thoả thuận: nếu nguyên đơn rút kháng cáo, UBND huyện sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê đất để nuôi trồng thuỷ sản.

Ngay sau khi họ rút đơn kháng cáo, thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nhờ vậy, UBND huyện liên tục hối thúc chấp hành việc thu hồi đất với lý do bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng vẫn có hiệu lực. Rồi huyện quyết định cưỡng chế. Đạn hoa cải lên nòng.

Vụ việc lên đến đỉnh điểm của xung đột, một phần, ở trong quá trình chấp pháp ấy. Điều băn khoăn của ông giám đốc Công an Hải Phòng: “Trong các vụ cưỡng chế, việc chuẩn bị lực lượng cũng như máy móc khá cần thiết. Tuy nhiên từ xưa đến nay các vụ cưỡng chế phải xác định quan điểm giáo dục là chính…” đã không xuất hiện bằng thực tế hiện trường. Cái cơ hội “trước khi cưỡng chế cần giải thích cụ thể để họ tự nguyện bàn giao” thật đáng tiếc chỉ là giả định.

Thực ra thì với những người nông dân bình thường, những ao đầm nuôi trồng thuỷ sản ấy là sinh mệnh của họ. Ở đó, ý chí, mồ hôi và cả nợ nần đã kết tinh vào đất đai thành ý niệm về quyền sở hữu tài sản của họ. Với họ, một nền tảng luật pháp tiến bộ, một đường lối chính trị đúng đắn là phải thừa nhận và bảo hộ cho cái quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm ấy.

Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới bởi họ nhất quyết rằng, sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó làm tư liệu sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu, tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng họ được pháp luật bảo vệ. Đó là cơ sở chính trị để người dân tiếp tục tin Đảng, theo Đảng.
Khu đất của ông Vươn ở vùng bãi bồi, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Ảnh: VnMedia


Vùng bãi bồi xã Vinh Quang ở huyện Tiên Lãng đã được những người nông dân biến thành vùng ao đầm nuôi trồng thuỷ sản cũng trong niềm tin như vậy.

Nhưng vẫn có một quan niệm khác mà người nông dân tại đây không cho rằng đó là đường lối của Đảng.

Đó là khi chính quyền địa phương hiểu luật Đất đai 1993 rằng, đất đai vốn là tài sản thuộc sở hữu toàn dân giao cho Nhà nước quản lý, Nhà nước có quyền thu hồi khi hết thời hiệu giao đất. Và vì là luật chỉ cho anh canh tác trong thời hạn giao đất, nên khi “lấy lại” đất, chính quyền không cần phải đền bù. Nôm na là, đất đai của nhà nước giao cho anh sử dụng trong 20 năm, tài sản trên đất ấy tính toán thế nào là chuyện của anh, hết hạn thì nhà nước lấy lại đất không cần quan tâm gì đến tài sản hình thành trên ấy. Thậm chí có trường hợp còn rục rịch, nhân dịp hết thời hạn giao đất, đòi chia lại đất đai.

Cách hiểu ấy không phải là không phổ biến, nhất là khi cả các cơ quan hướng dẫn thi hành luật cũng chưa có một tín hiệu xác quyết sẽ xử lý thời hạn giao đất 20 năm (hết hạn vào 2013) như thế nào. Ở diễn đàn Quốc hội, và tại nhiều địa phương, không ít lần mối lo này đã được trình bày gay gắt.

Thêm vào đó, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, cùng với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, đất đai trở thành thị trường có mức chênh lệch giá cả khủng khiếp. Người dân có đất, găm đất để chờ được đền bù theo giá thị trường. Chính quyền địa phương nhắm tới chênh lệch giá đất như một cứu cánh của ngân sách để thực thi ý chí phát triển bằng mọi giá. Nhiều đại gia giàu lên từ đất. Nhiều cán bộ mập lên trên đất. Cái vòng xoáy ấy, nhiều nơi, nhiều lúc đã bứt hệ thống chính trị ở cơ sở chệch khỏi đường lối cơ bản của Đảng là giao cho người nông dân quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, tạo nền tảng căn bản cho mục tiêu ổn định chính trị xã hội.
Với những người nông dân bình thường, ý chí, mồ hôi và cả nợ nần đã kết tinh vào đất đai thành ý niệm về quyền sở hữu tài sản của họ. Một nền tảng luật pháp tiến bộ, một đường lối chính trị đúng đắn là phải thừa nhận và bảo hộ cho cái quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm ấy.


Có thể ở vùng bãi bồi xã Vinh Quang này, thông tin quy hoạch sân bay Hải Phòng được phê duyệt đã tạo cơ sở cho chính quyền địa phương quan niệm cần sớm thu hồi lại đất nông nghiệp đã giao: đó là cách chuẩn bị tích cực cho quá trình thực hiện quy hoạch giúp cho địa phương đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Có thể, có những vị quan tư lợi, muốn lợi dụng việc thu hồi đất để “chia” lại cho người thân, cánh hẩu của mình, trong khi chờ quy hoạch.

Cũng có thể, những người nông dân cũng chờ đợi một cuộc lên giá chóng mặt sau cái quyết định quy hoạch ấy.

Tất cả những điều có thể ấy phải được tìm hiểu thận trọng, chính xác để xem nó đã tạo ra bao nhiêu phần trăm bạo lực trên những phát đạn nã vào những người thực thi công vụ.

Nhưng những viên đạn hoa cải đã nổ ra sớm hơn năm 2013, thời điểm hết hạn giao đất nuôi trồng thuỷ sản theo luật Đất đai 1993 là một báo động không chỉ dừng lại ở những vướng mắc về pháp lý. Xung đột đã lên tới đỉnh điểm khi mà bạo lực đã đối chọi cuồng nộ vào công lực. Xung đột ấy đưa những khác biệt về quan niệm trong quá trình đổi mới chính sách đất đai lên tới nút thắt không thể thoái thác, rằng phải có định nghĩa rõ ràng về quyền sở hữu với đất đai để tránh sự lạm dụng, tuỳ tiện, bất nhất trong thực tiễn đời sống.

Ở đó, quyền của người dân trên mảnh đất của mình phải được minh định và phải được bảo vệ chặt chẽ.

Ở đó, nguyên tắc nhà nước pháp quyền phải là khung thước cho công vụ, chính quyền trước hết phải bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của công dân chứ không chỉ bảo vệ lợi ích của nhà nước.
****
VỤ ÁN ĐOÀN VĂN VƯƠN Ở HẢI PHÒNG: SỰ BẤT THƯỜNG LỘ DIỆN?!

Dương Phi Anh, theo blog Quê choa

Đúng ra, bài này ban đầu có tựa đề “Sự lưu manh lộ diện?!”. Tôi viết bài NÀY lúc 2 giờ sáng ngày 11/01/2012, ngay sau khi đọc bài phỏng vấn ông Ngô Ngọc Khánh – Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng do Báo Pháp luật TP.HCM Onlinethực hiện, đưa lên. Bởi vì, trong bài còn xuất hiện hàng chục thanh niên ở khu đầm của gia đình anh Đoàn Văn Vươn vừa có cuộc cưỡng chế. Những thanh niên này tay lăm lăm hung khí, ngăn cản phóng viên chụp ảnh, thậm chí có người còn lao thẳng xe máy vào phóng viên và liên tục chửi bới rồi nhiều lần lao vào giật máy ảnh… Trong đó, “có một người trong số đó xưng là công an viên xã Vinh Quang có tên Lâm. Công an viên này nói huyện, xã chỉ đạo không cho chụp ảnh, nếu muốn chụp phải có văn bản đồng ý của chủ tịch huyện…”….

Chắc cũng không cần bình luận gì thêm về thái độ hung hăng, có tính lưu manh và sự hiện diện của những người “trên trời rơi xuống” tại khu đầm này. Nhưng, do bài đề cập đến nhiều nội dung và nghĩ rằng dùng từ “lưu manh” thì e rằng hơi chủ quan, vội vàng nên chúng tôi “tự ý đục bỏ” và thay thành tựa đề “Sự bất thường lộ diện?!”. Do chưa nắm được các nội dung và thủ tục xung quanh các quyết định của UBND huyện Tiên Lãng nên tôi quyết định nán lại một ngày để bổ sung những thông tin cần thiết cho nhận định của mình, đồng thời để đối chiếu với một số nhận định của bài hôm trước(“Vụ án Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng: tại sao dư luận bảo… “lừa dân” – Quê Choa ngày 10/01/2012).



Đúng như mong đợi, ngày 11/01/2012, có nhiều thông tin bổ ích trên các báo. Tuổi Trẻ có bài phân tích rất hay của giáo sư Đặng Hùng Võ, khẳng định “UBND huyện Tiên Lãng có nhiều cái sai”; Tờ Dân Việt có bài “Bí ẩn bất thường trong vụ kiện của ông Vươn” với nội dung “Thẩm phán Ngô Văn Anh khẳng định không hề thụ lý vụ kiện nào mà đương sự có tên là Đoàn Văn Vươn. Vậy biên bản các đương sự tự thỏa thuận là thật hay giả, ai đã lập biên bản và đóng dấu tòa án vào đó?…



Sai nhiều!



Ở đây, chỉ xin nhắc lại một vài chi tiết cần lưu ý. Qua trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Ngọc Khánh và thông tin trên báo, có thể khẳng định việc quản lý và thu hồi đất của gia đình anh Vươn và các hộ khác để “giao người khác có điều kiện hơn bằng cách đấu thầu …” là sai hoàn toàn. Nói cách khác, việc thu hồi đất của tất cả hộ dân trong khu đầm lầy là sự vi phạm trắng trợn quy định của Luật Đất đai năm 2003 (hiệu lực ngày 1-7-2004). Càng thông tin, UBND huyện Tiên Lãng càng thể hiện rõ sự tùy tiện và bất chấp luật pháp…



Trước hết, đất đầm mà gia đình anh Vươn và các hộ khác đang sử dụng thuộc “Đất có mặt nước ven biển được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản…” (Khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai 2003). Anh Vươn và gia đình bắt đầu tiến hành đắp đê, khai hoang… từ năm 1992. UBND huyện Tiên Lãng đã có báo cáo như sau: “Năm 1993, UBND huyện Tiên Lãng đã có quyết định giao cho ông Vươn 21 ha bãi biển để nuôi trồng thủy sản, thời hạn 14 năm. Tuy nhiên, từ năm 1993-1997, ông Vươn đã tự ý đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích được giao. Năm 1997, UBND huyện có quyết định giao bổ sung 19,3 ha vượt quá cho ông Vươn với thời hạn 14 năm cũng tính từ năm 1993. Hết thời hạn giao đất, huyện ra quyết định thu hồi cả 40,3 ha bằng hai quyết định…”.



Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định các quyết định đó là giao đất và nhiều điều sai: Giao đất thì Luật Đất đai quy định hạn mức được giao đối với một hộ gia đình cá nhân không được vượt quá 2ha. Vì vậy, huyện Tiên Lãng “giao đất” cho anh Vươn tới hơn 40ha thì về diện tích giao cũng sai; thời hạn giao đất cũng phải là 20 năm…;



Mánh!



Như đã nhận định, trong rất nhiều động thái làm việc với các hộ “nhận giao đất”, UBND huyện Tiên Lãng đều muốn chuyển sang “cho thuê đất”. Bởi vì, cho thuê đất thì không “phạm” hạn mức bắt buộc 20 năm và thời hạn cho thuê sẽ “tùy thích” cho mấy năm cũng được.



Ông Chánh văn phòng Nguyễn Ngọc Khánh thì nói: “Huyện giao đất có thời hạn. Dù là đất nào đi nữa, về mặt pháp luật người ta quy định khống chế mức “trần” nhưng địa phương chúng tôi có thể giao thấp hơn, có thể giao năm năm, 10 năm hoặc 20 năm, miễn rằng không giao quá 20 năm là được. Với ông Vươn, chúng tôi giao đất có thời hạn. Thời hạn như thế nào là giữa hai bên huyện và cá nhân đó ký kết” (Sai rồi do nhầm lẫn khái niệm rồi -NV).



Điều tùy tiện và “mánh lới” hơn, ông Khánh khẳng định: “Trong quyết định nói rõ giao đất cho anh này có thời hạn, khi hết hạn anh phải bàn giao toàn bộ diện tích và tài sản trên đất”. Thật là nực cười khi nghe câu này! Hết thời hạn người dân phải bàn giao toàn bộ diện tích và tài sản trên đất một cách vô điều kiện như đã thực hiện với hộ anh Vươn thì hóa ra “anh” giao đất, cho thuê một thời gian ngắn để cho người ta “cải tạo giùm mình rồi thụ hưởng sau cũng chưa muộn” à? Thế có phải là anh “ăn trên đầu, trên cổ” người được giao đất, cho thuê đất không?…



Khi nhà báo hỏi: “Tại sao ông Vươn, ông Luân đã đề nghị thuê tiếp nhưng huyện không gia hạn mà lại phải thu hồi? Ông Chánh văn phòng Khánh vô tư trả lời: “ Đây là theo quy định. Dứt khoát phải làm các thủ tục bàn giao sau đó mới tới các thủ tục xin thuê”.



Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định: Hiện nay việc giao đất theo nghị định 64 nếu tính từ thời điểm sớm nhất là từ ngày 15-10-1993 thì chưa có trường hợp nào đến hạn phải thu hồi và cũng chưa có địa phương nào xem xét xúc tiến thu hồi vì chưa có chủ trương chung là thu hồi hay giao tiếp. Với diện giao đất 20 năm đến nay Quốc hội cũng chưa quyết là hết thời hạn giao đất thì làm gì. Nên việc huyện Tiên Lãng lại chủ động làm trước về chủ trương là điểm sai nữa. Còn nếu thu hồi để giao đất cho dự án đầu tư được phép nhưng việc thu hồi này phải căn cứ vào nghị định 84. Với quyết định thu hồi 19,3ha đất đối với ông Vươn thì mục đích thu hồi không rõ ràng. Giả sử có thu hồi giao cho dự án đầu tư thì tại thời điểm ban hành quyết định ngày 7-4-2009 phải tuân thủ theo trình tự thủ tục của nghị định 84. Tức là phải qua các bước từ chủ trương thu hồi đất, kiểm đếm tài sản, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư tổng thể, ban hành quyết định thu hồi đất gửi đến từng hộ gia đình, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư chi tiết và công bố công khai tại trụ sở xã để tiếp nhận đóng góp ý kiến của người dân bị thu hồi đất… Nhưng trong quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với diện tích 19,3ha không có nội dung nào ăn nhập với nghị định 84, và đây cũng là điểm sai.



Thủ tục giám đốc thẩm thế nào?



Báo Pháp luật TP.HCM phỏng vấn ông Đặng Quang Phương, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết: “Trong trường hợp này, giả sử người khởi kiện nghe UBND huyện Tiên Lãng dỗ dành, dẫn tới hiểu lầm và đi đến quyết định rút kháng cáo; quyết định rút kháng cáo đó lại dẫn tới quyết định đình chỉ của TAND Hải Phòng, thì người khởi kiện có thể gửi đơn lên TAND Tối cao khiếu nại quyết định đình chỉ kia. Việc hiểu nhầm ấy chỉ có thể giải quyết bằng con đường giám đốc hoặc tái thẩm của TAND Tối cao, chứ không thể dùng luật rừng, vũ khí nóng để chống lại lực lượng cưỡng chế như sự việc đã diễn ra”.



Đúng là như thế, nhưng vẫn chưa đủ. Hiện nay, anh Vươn và một số người trong gia đình anh bị bắt, truy nã nên khủng hoảng là chắc chắn. Hành động như họ chứng tỏ họ nghĩ “chẳng thiết gì nữa” nên việc gửi đơn là không phải dễ dàng.



Trong khi đó, Luật Tố tụng hành chính quy định tại Điều 211 như sau: “1. Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 212 của Luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. 2. Trường hợp Toà án, Viện kiểm sát hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 212 của Luật này”.



Điều 212. Người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm



“Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao…” (Đúng thẩm quyền kháng nghị quyết định tạm đình chỉ của TAND TP Hải Phòng).



Như vậy, một số cơ quan, tổ chức có quyền thông báo bằng văn bản cho Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chứ không riêng gì đương sự trong vụ án.

Chống “tự diễn biến” là đấu tranh với chính mình


QĐND - Thứ Hai, 09/01/2012, 0:11 (GMT+7)
QĐND - “Tự diễn biến” là nguy cơ đã được Đảng ta cảnh báo từ nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và chỉ ra đó là hệ quả của suy thoái về tư tưởng, chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hay nói cách khác, chống tự diễn biến phải bắt đầu từ chống suy thoái về tư tưởng chính trị trong Đảng. 
Tại Hội nghị Trung ương bốn (Khóa XI) Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nếu Đảng ta không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ, thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên”.
Thực tiễn cho thấy, chính do không thường xuyên và tự giác tu dưỡng, rèn luyện, học tập mà một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có những biểu hiện xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, xa rời các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, phai nhạt chất cộng sản trong con người mình, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích của tập thể, dẫn đến lợi dụng chức vụ, quyền hạn được Đảng và nhân dân giao cho để tham ô, tham nhũng, móc ngoặc. Tình trạng liên kết, đồng lõa giữa bộ phận này với bộ phận khác “lách luật”, bẻ cong đường lối, chính sách của Đảng để trục lợi (lợi ích nhóm) chính là hình thức tham nhũng tập thể, nếu không có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn thì con “bạch tuộc” tham nhũng này sẽ còn lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác và đây là nguy cơ của nguy cơ tự diễn biến từ bên trong nội bộ Đảng. 
Có thể nói hầu hết những cán bộ, đảng viên phạm tội tham ô, tham nhũng là do bản thân họ đã quên nhiệm vụ đầu tiên của người đảng viên là phải “Tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước…”. Không ít người từng là cán bộ, đảng viên tốt, thậm chí đã từng có những đóng góp, cống hiến cho Đảng, cho đất nước, nhưng do thiếu rèn luyện, thiếu tu dưỡng, thiếu học tập và bồi dưỡng về nhận thức lý luận chính trị... đã sa vào “vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân”, tự biến mình thành kẻ phản lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Nhiều người thấy cái đúng không ủng hộ, thấy cái sai không dũng cảm đấu tranh, ngược lại còn trực tiếp hoặc gián tiếp đồng tình với những nhận thức sai lệch, những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch phản động và cơ hội chính trị...
Những hiện tượng kể trên cho thấy công tác tổ chức, cán bộ; chất lượng sinh hoạt đảng, công tác quản lý cán bộ đảng viên ở một số đơn vị, địa phương lâu nay rất lỏng lẻo, yếu kém. Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng ở một số nơi coi nhẹ hoặc bỏ qua nguyên tắc tập trung dân chủ; nguyên tắc phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng, hoặc nếu có thì chỉ là hình thức, chiếu lệ. 
Những đảng viên có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, nhận thức lệch lạc về quan điểm, đường lối hoặc có biểu hiện hư hỏng, tham ô, tham nhũng... có thể trốn tránh được pháp luật nhưng không thể qua được tai mắt nhân dân. Sự giàu có một cách bất thường, những biểu hiện thiếu gương mẫu trong lời nói và việc làm, thậm chí sa đọa về đạo đức, lối sống của họ... khiến nhân dân xa lánh, mất lòng tin vào họ, đồng nghĩa với xa lánh, mất lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Và đó chính là kết quả của "tự diễn biến".
Ai sẽ là người đứng ra để “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị” trong Đảng, như Nghị quyết Trung ương bốn (Khóa XI) đã đề ra? Lẽ đương nhiên không ai có thể làm thay, mà chỉ có chính cán bộ, đảng viên mới làm được. Đó là công việc hệ trọng của Đảng, đòi hỏi một quyết tâm rất cao, đoàn kết thống nhất từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương đến toàn thể cán bộ, đảng viên mới làm được. 
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên nhằm phát huy những mặt mạnh, khắc phục những mặt yếu trong Đảng, làm cho Đảng ta ngày càng vững mạnh, thực hiện tốt sứ mệnh và vai trò lãnh đạo đối với cách mạng Việt Nam. Hơn 80 năm qua, kể từ ngày thành lập, Đảng ta cũng đã nhiều lần tổ chức xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện nay, phải đặt nhiệm vụ chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất, lối sống trong Đảng lên hàng đầu. Tuy nhiên, đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, đây là công việc “vô cùng khó khăn, phức tạp, thậm chí có thể nói là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ diễn ra ngay trong mỗi con người, mỗi tổ chức” vì thế lại càng cần quyết tâm và đoàn kết cao hơn, với những giải pháp, bước đi phù hợp. Trước hết, trong toàn Đảng phải mở một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để mọi cán bộ, đảng viên nhận thức đúng thực trạng suy thoái tư tưởng, chính trị trong Đảng là rất nghiêm trọng. Tình trạng suy thoái trong Đảng lại đang bị các thế lực thù địch lợi dụng tiến công, phá hoại, đánh thẳng vào hệ tư tưởng, Cương lĩnh, đường lối chính sách của Đảng, kích động chia rẽ nội bộ, chia rẽ Đảng, Nhà nước và nhân dân, hòng làm tan rã Đảng ta, chế độ ta. Từ suy thoái về tư tưởng, chính trị dẫn đến suy thoái về tổ chức, đạo đức, lối sống, văn hóa… Nếu không được khắc phục thì đây là nguy cơ dẫn đến mất Đảng, mất chế độ.
Phải nhận thức thật đầy đủ, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, chống suy thoái về tư tưởng, chính trị nói riêng là công việc rất khó, rất phức tạp, nhưng nhất thiết phải làm bằng được. Việc này “không thể không làm vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ” - đúng như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. 
Về các giải pháp, thì giải pháp quan trọng nhất (cũng là giải pháp lâu nay còn coi nhẹ) là phải thực hiện phương châm làm từ trên làm xuống và phải lấy sự gương mẫu của cấp trên làm chuẩn mực cho cấp dưới làm theo, như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định”; Tuyệt đối tránh lợi dụng phê bình và tự phê bình để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau, nhưng cũng phải tránh làm lướt, tự phê bình và phê bình chung chung.
Quy rõ trách nhiệm người đứng đầu và để đạt hiệu quả, Trung ương phải xử lý kỷ luật ngay những đảng viên vi phạm kỷ luật và người đứng đầu tổ chức của đảng viên đó với phương châm “ít mà mạnh còn hơn nhiều mà yếu”.
Đảng ta đã nhận rõ thiếu sót khuyết điểm và đã  nêu quyết tâm xây dựng và chỉnh đốn Đảng để thực sự “Đảng là đạo đức, là văn minh". Mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng về tầm quan trọng, ý nghĩa và tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh này. Đặc biệt, phải thấy chống "tự diễn biến", chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống là cuộc đấu tranh của mỗi cán bộ, đảng viên với chính mình. Vì vậy, đòi hỏi tính tự giác và gương mẫu rất cao. Cán bộ cấp càng cao, càng có chức, có quyền càng phải tự giác và gương mẫu. Chiến thắng được chính mình, cán bộ, đảng viên mới lấy lại được lòng tin của nhân dân. Nhân dân tuyệt đối tin theo Đảng thì không có thế lực thù địch nào có thể thực hiện được âm mưu thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng để chống phá cách mạng nước ta.
Huy Thiêm

Lời chúc Tết đến Đảng Cộng sản VN


Cập nhật: 10:32 GMT - thứ năm, 12 tháng 1, 2012
Ngày 3 tháng 2 tới đây đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tròn 82 tuổi và trải qua gần một thế kỷ ra đời, tồn tại và phát triển, đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và tôi hy vọng họ vẫn sẽ là một phần của dân tộc Việt Nam.
Chính trị lạc hậu và thể chế độc đoán gây ách tắc giao thông, lộn xộn cơ sở hạ tầng
Những sai lầm, thất bại hay công lao, thành tựu của đảng Cộng sản Việt Nam trong quá khứ tôi không đề cập trong bài viết này. Những điều đó hãy để cho lịch sử và nhân dân phán xét.
Trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến những vấn đề bức xúc của xã hội Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Và tôi cũng đưa ra những quan điểm mang tính cá nhân góp ý cho đảng Cộng sản tự chỉnh đốn và thực hiện tiến trình dân chủ vì tương lai đất nước của chúng ta.
Trong những ngày cuối tháng 12 của năm 2011, đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức hội nghị trung ương lần thứ tư. Một trong ba vấn đề cấp bách mà hội nghị trung ương lần này đề cập đó là: ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của các bộ đảng viên vì điều này liên quan đến sự tồn vong của đảng Cộng sản.
Vậy vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên đảng Cộng sản xuất phát từ đâu? Điều đó gây ra những ảnh hưởng gì trong đời sống xã hội hiện tại của đất nước, dân tộc Việt Nam?
Vì đâu suy thoái?
Nguyên nhân: Theo quan điểm của tôi, nguyên chính là do thể chế chính trị độc đảng hiện nay không còn phù hợp với một xã hội Việt Nam hiện đại và mở cửa hội nhập với cộng đồng quốc tế. Trong một đất nước với gần 90 triệu dân mà chỉ có một đảng Cộng sản với hơn ba triệu đảng viên, đại diện cho một hệ tư tưởng duy nhất thì đó là một sự áp đặt hết sức vô lý và bất công với hơn 80 triệu người dân.
Trong khi có hàng triệu người Việt Nam qua con đường du học, du lịch, lao động, qua internet, qua các phương tiện truyền thông quốc tế. Họ đã, đang và sẽ tiếp tục được tiếp thu những hệ tưởng, tư duy tiến bộ trên khắp thế giới.
Theo Hiến pháp Việt Nam, họ có quyền tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình, họ có quyền thành lập các tổ chức, đảng phái chính trị để đại diện cho những quan điểm, tư tưởng của họ.
"Các cán bộ, đảng viên đã sa vào 'vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân', tự biến mình thành kẻ phản lại mục tiêu, lý tưởng của đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân…"
Báo Quân đội Nhân dân
Các tổ chức, đảng phái chính trị này có quyền đại diện cho các từng lớp nhân dân khác nhau để giám sát hoạt động lãnh đạo đất nước của chính quyền, của đảng Cộng sản. Các tổ chức, đảng phái chính trị cũng có quyền cử các thành viên của mình tham gia ứng cử vào quốc hội cũng như các cơ quan dân cử cấp địa phương. Nhưng trên thực tế, những hoạt động chính trị của họ đang bị cấm đoán, sách nhiễu, bắt giữ, cầm tù.
Xuất phát điểm từ sự lạc hậu của hệ thống chính trị độc đảng, dẫn đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, các cơ quan, tổ chức kinh tế của Nhà nước diễn ra trong nội bộ và khép kín của đảng Cộng sản.
Những người có tài, có đức nhưng họ không phải là đảng viên đảng Cộng sản, nên họ không có cơ hội được cống hiến tài năng của mình để phục vụ nhân dân và đất nước.
Từ đó phát sinh những đảng viên cơ hội trong chính nội bộ của đảng Cộng sản, nạn con ông, cháu cha, nạn chạy chức, chạy quyền. Suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống bắt nguồn từ đây.
Sự lạc hậu của hệ thống chính trị và sự độc quyền về chính trị cũng làm cho các cán bộ đảng viên có tư tưởng độc đoán, chuyên quyền, tư lợi. Khi họ đã dành được vị trí lãnh đạo thì họ lại đặt lợi ích của bản thân lớn hơn lợi ích của nhân dân. Họ không những tìm mọi cách để duy trì quyền lực mà còn tìm cách thăng tiến không phải bằng tài năng mà bằng tiền bạc. Bán các vị trí chức quyền bên dưới, dùng tiền mua chức cao hơn. Sách nhiễu nhân dân để kiếm tiền, tìm cách tham ô ngân sách.
Sự hậu thuẫn của Đảng góp phần dẫn tới vụ đổ bể của Tập đoàn nhà nước lớn thứ hai là Vinashin.
Trong bài viết của tác giả BấmHuy Thiêm đăng trên trang web báo Quân đội Nhân dân ngày 9/1 năm 2012 đã thừa nhận những vấn nạn tham nhũng trong các cán bộ, đảng viên đảng Cộng sản:
“Tình trạng liên kết, đồng lõa giữa bộ phận này với bộ phận khác “lách luật”, bẻ cong đường lối, chính sách của đảng để trục lợi (lợi ích nhóm) chính là hình thức tham nhũng tập thể, nếu không có giải pháp hữu hiệu thì con “bạch tuộc” tham nhũng này sẽ còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác..., các cán bộ, đảng viên đã sa vào 'vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân', tự biến mình thành kẻ phản lại mục tiêu, lý tưởng của đảng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân…"
Sự lạc hậu của hệ thống chính trị tất yếu sẽ dẫn đến nạn chia bè phái và địa phương chủ nghĩa trong nội bộ của đảng Cộng sản. Đây cũng là nguyên nhân gây ra sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống của các bộ đảng viên.
Sự lạc hậu của hệ thống chính trị dẫn đến sự thiếu công khai và minh bạch trong mọi vấn đề và mọi lĩnh vực của xã hội. Từ đó mà nẩy sinh ra tiêu cực, tham nhũng và suy thoái về đạo đức và lối sống của các bộ đảng viên diễn ra là điều tất yếu.
Những vấn đề bức xúc của xã hội Việt Nam hiện nay: Sự lạc hậu của thể chế chính trị độc đảng dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên đã gây ra những hậu quả vô cùng xấu cho xã hội. Nguyên tổng bí thư đảng Cộng sản Lê Khả Phiêu đã thừa nhận rằng: “Tham nhũng đã trở thành quốc nạn, thành giặc nội xâm của tộc”.
Trong các xã hội dân chủ, tham nhũng chỉ mang tính chất cá biệt. Chúng nhanh chóng bị phát hiện và ngăn chặn bởi các đảng chính trị đối lập, bởi báo chí tự do. Còn ở Việt Nam, tham nhũng diễn ra từ trung ương đến địa phương, diễn ra ở mọi ngành, mọi cấp, mọi lĩnh vực. Những điều mà người dân có thể thấy được hàng ngày khi họ phải chi những khoản tiền phong bì cho các quan chức hành chính để xin các giấy phép kinh doanh, đầu tư, xây dựng, …
Họ phải chi tiền phong bì khi con cái họ đi học, chuyển trường, họ phải cho tiền bác sĩ khi đến các cơ sở y tế của Nhà nước để khám chữa bệnh. Họ phải đút lót khi có người thân bị vướng vào vòng lao lý, khi họ có tranh chấp cần đến sự giải quyết của tòa án. Khi họ đi trên đường giao thông chứng kiến nạn mãi lộ. Còn chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tội thì diễn ra ở những nơi kín đáo, riêng tư nên người dân chỉ có thể biết được khi chúng bị phát hiện và đưa lên báo chí.
Méo mó và ách tắc
Sự lạc hậu và yếu kém của thể chế chính trị độc đảng còn thể hiện rõ nét trong việc xây dựng, kiến trúc đô thị, giao thông. Khi đến thăm những quốc gia dân chủ, văn minh chúng ta có thể thấy ngay bộ mặt kiến trúc đô thị, giao thông của họ theo qui hoạch đẹp đẽ,, hợp lý và thuận tiện cho người dân.
Còn ở Việt Nam, bởi các quan chức chính quyền năng lực yếu kém lại bị suy thoái về tư tưởng và đạo đức nên xây dựng và kiến trúc đô thị không giống nơi nào trên thế giới với những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo, những con đường không hoàn chỉnh với những nút thắt cổ chai tồn tại cả chục năm trời mà không được giải quyết.
Một đảng chân chính không điều hành bằng quân đội, cảnh sát
Xây dựng những con đường giao thông đắt nhất thế giới trong khi nước ta chưa thoát khỏi nghèo. Nạn ách tắc giao thông sảy ra ngày càng nghiêm trọng ở các thành phố lớn.
Sự lạc hậu của thể chế chính trị độc đảng còn tạo ra một đội ngũ các bộ đảng viên yếu kém và thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, kiểm tra và giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hàng trăm các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng, có chứa các chất độc hại cho sức khỏe của nhân dân được nhập khẩu và bày bán công khai trên hè phố, trong các khu thương mại.
Các mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng kém chất lượng và độc hại được sản xuất, tiêu thụ trong nước cũng không được kiểm soát và ngăn chặn. Những điều này không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe, tính mạng của các thế hệ người Việt Nam hôm nay mà còn ảnh hưởng đến cả các thế hệ mai sau.
Sự lạc hậu của thể chế chính trị với đội ngũ các bộ đảng viên yếu kém về năng lực và phẩm chất đạo đức trong lĩnh vực quản lý, sử dụng và thu hồi quyền sử dụng đất đai đã gây nên hàng trăm nghìn vụ khiếu kiện, khiếu nại trên toàn quốc, làm hàng chục ngàn người dân mất đất đai, nhà cửa phải sống trong điều kiện tồi tệ, tạm bợ, không ổn định, gây bức xúc cho đông đảo nhân dân.
Trên đây tôi chỉ xin nêu một số hậu quả xấu do sự suy thoái tư tưởng, đạo đức và lối sống của các bộ đảng viên đã và đang diễn ra trong xã hội mà bất kỳ người dân Việt Nam nào cũng có thể chứng kiến trực tiếp hoặc đọc, hoặc xem, hoặc nghe trên các phương tiện truyền thông chính thống của Nhà nước. Những vấn đề bức xúc đang diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đang gây nên sự thất vọng và phẫn nộ của đa số nhân dân.
Các quan chức Cộng sản tham nhũng và tham quyền nên hiểu một điều: Quyền lực và của cải rồi cũng sẽ mất đi, đó là những thứ không thể mang theo khi qua đời.
Chỉ có một thứ mà quí vị để lại đó là tiếng xấu cho muôn đời con cháu và một thứ mà quí vị mang theo đó là tội ác để chịu sự phán xét cuối cùng của Thượng Đế.
Vậy giải pháp nào cho đảng Cộng sản Việt Nam tự chỉnh đốn mình?
Công khai và dân chủ
Theo quan điểm của tôi, chỉ có một giải pháp duy nhất cho đảng Cộng sản Việt Nam đó là: “Công khai hóa và dân chủ hóa”. Đảng Cộng sản Việt Nam cần tiến hành đồng thời cả hai:
Thứ nhất là công khai hóa gồm:
Các cán bộ, đảng viên có chức, có quyền từ trung ương đến địa phương phải tiến hành kê khai tài sản và thu nhập hàng năm của bản thân và các thành viên trong gia đình cho toàn dân được biết. Việc kê khai tài sản và thu nhập nếu chỉ diễn ra trong nội bộ mà không công khai cho nhân dân biết thì điều này chẳng có ý nghĩa gì. Nhân dân là chủ nhân của đất nước, nhưng không biết được tài sản và thu nhập của những “người đầy tớ” thì thật đáng mỉa mai.
Công khai hóa thông tin trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao mà không thuộc bí mật quốc gia.
Thứ hai là dân chủ hóa: Đảng Cộng sản phải tiến hành song song dân chủ hóa trong nội bộ của đảng và dân chủ hóa xã hội.
Dân chủ hóa trong đảng Cộng sản: Đảng Cộng sản nên cho phép các đảng viên của mình được tự ứng cử và bầu cử trực tiếp các chức danh lãnh đạo cấp ủy từ trung ương đến địa phương. Cần có sự cạnh tranh tự do và công bằng cách chức danh lãnh đạo của đảng Cộng sản trong các kỳ đại hội của mình.
Xuân về LS Đài chúc mọi đảng viên Cộng sản mạnh khoẻ, có dũng khí để tự chính đốn và dân chủ hóa
Những đảng viên cơ hội, yếu kém năng lực sẽ bị loại bỏ, từ đó tạo nên động lực và sức sống cho chính đảng Cộng sản.
Dân chủ hóa xã hội: Có hai yếu tố cấu thành bắt buộc phải có trong một xã hội dân chủ mà đảng Cộng sản Việt Nam phải chấp nhận đó là:
Yếu tố thứ nhất là tự do báo chí hay báo chí độc lập tức là đảng Cộng sản phải chấp nhận quyền làm báo chí tư nhân của công dân. Đây là quyền con người về chính trị đã được Hiến pháp Việt Nam năm 1992 ghi nhận. Báo chí là một thực thể quyền lực, hoạt động độc lập với chính quyền, thay mặt nhân dân để giám sát và phản ánh mọi hoạt động bình thường cũng như bất thường của chính quyền.
Báo chí thông tin đến người dân tất cả các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao, … Một quốc gia không thể tối đa hóa sự ổn định chính trị, tốc độ tăng trưởng kinh tế và dân chủ nếu không có sự tự do báo chí và lan truyền thông tin. Chính phủ không được phép can thiệp vào các hoạt động bình thường của báo chí.
Yếu tố thứ hai là sự ra đời và hoạt động hợp pháp của các tổ chức, đảng phái chính trị khác nhau trong xã hội. Đảng Cộng sản Việt Nam phải thừa nhận và công nhận sự ra đời và hoạt động của các tổ chức, đảng phái chính trị khác một cách bình đẳng. Bởi đó là quyền Hiến định mà mỗi công dân Việt Nam đều được hưởng ngang nhau. Đảng Cộng sản không nên coi các tổ chức, đảng phái chính trị khác là thế lực thù địch, phản động. Mà phải coi họ là đối tác để vừa đấu tranh vừa hợp tác với nhau vì lợi cuối cùng và cao nhất của đất nước và dân tộc.
Trong một xã hội dân chủ, cuộc đấu tranh giữa các đảng phái chính trị không phải là một cuộc chiến sinh tử mà là một cuộc cạnh tranh để phục vụ nhân dân. Đảng Cộng sản nên coi các tổ chức, đảng phái khác là động lực để đảng Cộng sản tiến hành tự dân chủ trong đảng một cách mạnh mẽ, hoàn thiện chính mình để nhận được sự ủng hộ của nhân dân.
Một đảng chính trị chân chính là một đảng phải có đội ngũ đảng viên có đạo đức, có năng lực và trách nhiệm với nhân dân và Tổ quốc. Một đảng được gọi “ đảng là đạo đức, là trí tuệ, là văn minh” là một đảng dám chấp nhận sự cạnh tranh tự do và công bằng thông qua cuộc bầu cử dân chủ đa đảng. Và đảng đó sẽ dành được đa số phiếu của nhân dân, dành được quyền lãnh đạo bằng uy tín và năng lực của mình.
Một đảng chân chính không bao giờ bảo vệ quyền lãnh đạo của mình bằng quân đội, cảnh sát và nhà tù. Một đảng chân chính không bao giờ duy trì quyền lãnh đạo của mình bằng việc cấm các đảng chính trị khác ra đời và hoạt động.
Một mùa Xuân mới đang về, cũng là lúc đảng Cộng sản Việt Nam tròn 82 tuổi, tôi chúc toàn thể đảng viên đảng Cộng sản mạnh khỏe, có đủ niềm tin và dũng khí để tự chỉnh đốn mình bằng cách tiến hành công khai hóa, dân chủ hóa trong đảng và dân chủ hóa xã hội đáp ứng khát vọng tự do dân chủ của cả dân tộc Việt Nam.
(Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 2012)
Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà đấu tranh dân chủ, hiện sống tại Hà Nội, người từng bị tù ở Việt Nam. Mời quý vị gửi cả các bài phản biện lại quan điểm của tác giả hoặc ủng hộ Đảng Cộng sản Việt Nam về Diễn đàn BBC.