12/1/12

VỤ CƯỠNG CHẾ TIÊN LÃNG – ĐỈNH ĐIỂM XUNG ĐỘT VỀ ĐẤT ĐAI

Tân Dân, theo SGTT

Vụ việc ở Tiên Lãng (Hải Phòng) đã làm xôn xao dư luận mấy ngày qua. Đây là phản ứng tiêu cực nhất của người dân trước việc thu hồi đất tuỳ tiện ở các địa phương.

Xung đột đã lên tới đỉnh điểm khi mà bạo lực đã đối chọi cuồng nộ vào công lực. Đây cũng là một hồi chuông để cho chúng ta thấy một thực tế đầy gai góc trong việc xây dựng và thực thi pháp luật đất đai. Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân vẫn tin rằng sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó và tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng mình được pháp luật bảo vệ… Sài Gòn Tiếp Thị giới thiệu những phân tích và nhận định về vụ việc từ khía cạnh chính sách đất đai và thực thi pháp luật.

Trong khoảnh khắc tiếng súng hoa cải loạn xạ ở vùng đầm hồ Vinh Quang huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, những người nông dân nhất quyết bảo vệ tài sản của mình đã trở thành tội phạm. Trước đó những người này đã cho nổ cả mìn tự tạo để ngăn cản lực lượng cưỡng chế đến thu hồi đất đầm nhà họ.

Sáu nhân viên công lực bị trọng thương.

Vì thế, sáu người thân của gia đình họ Đoàn đã sa vào lao lý.

Luật pháp, trong trường hợp này quá rõ ràng, phải đặt dấu chấm nghiêm minh cho những hành động bạo lực nguy hiểm như vậy trong xã hội.

Nhưng tiếng súng ấy có thể đã không phải vang lên.

Ít nhất là trong hình dung của đại tá Đỗ Hữu Ca, giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, “lẽ ra trong vụ cưỡng chế ngày 5.1 ở Tiên Lãng, khi mìn phát nổ, tổ công tác của huyện phải cho rút quân ngay để xin ý kiến chỉ đạo”. Vị đại tá này cho rằng, “trong các vụ giải toả đất đai, lấy lại mặt bằng phải xác định chủ đất hoặc đang thuê đất họ không phải là tội phạm”.

Cái “ý kiến chỉ đạo” sáng suốt đó đã không được huyện “xin”. Có thể vì như ông giám đốc Công an TP Hải Phòng lý giải: “Từ sau hoà bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuần nên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế”.

Cái tập tính thuần lương ấy được ghi nhận có cả ở những anh em họ Đoàn trước khi vụ việc xảy ra. Bao nhiêu năm trời, họ chỉ biết rửa mồ hôi khó nhọc thành gia sản. Họ đinh ninh luật pháp sẽ bảo vệ sự thuần lương của họ. Nên khi ao đầm mà họ khai phá bị chính quyền địa phương thu hồi, họ đã phải cậy đến toà án. Khi bản án sơ thẩm tuyên bất lợi cho họ, họ vẫn kiên trì các biện pháp hợp pháp, kháng cáo lên toà cấp trên, để bảo vệ quyền lợi của mình.
Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới bởi họ nhất quyết rằng, sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó làm tư liệu sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu và tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng mình được pháp luật bảo vệ. Đó là cơ sở chính trị để người dân tiếp tục tin Đảng, theo Đảng.


Rời chốn công đường ấy, họ tin vào biên bản hoà giải có dấu đỏ của TAND thành phố Hải Phòng với tiêu đề “Biên bản tạo điều kiện để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án”. Theo đó, đại diện UBND huyện đã thoả thuận: nếu nguyên đơn rút kháng cáo, UBND huyện sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê đất để nuôi trồng thuỷ sản.

Ngay sau khi họ rút đơn kháng cáo, thẩm phán ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nhờ vậy, UBND huyện liên tục hối thúc chấp hành việc thu hồi đất với lý do bản án sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng vẫn có hiệu lực. Rồi huyện quyết định cưỡng chế. Đạn hoa cải lên nòng.

Vụ việc lên đến đỉnh điểm của xung đột, một phần, ở trong quá trình chấp pháp ấy. Điều băn khoăn của ông giám đốc Công an Hải Phòng: “Trong các vụ cưỡng chế, việc chuẩn bị lực lượng cũng như máy móc khá cần thiết. Tuy nhiên từ xưa đến nay các vụ cưỡng chế phải xác định quan điểm giáo dục là chính…” đã không xuất hiện bằng thực tế hiện trường. Cái cơ hội “trước khi cưỡng chế cần giải thích cụ thể để họ tự nguyện bàn giao” thật đáng tiếc chỉ là giả định.

Thực ra thì với những người nông dân bình thường, những ao đầm nuôi trồng thuỷ sản ấy là sinh mệnh của họ. Ở đó, ý chí, mồ hôi và cả nợ nần đã kết tinh vào đất đai thành ý niệm về quyền sở hữu tài sản của họ. Với họ, một nền tảng luật pháp tiến bộ, một đường lối chính trị đúng đắn là phải thừa nhận và bảo hộ cho cái quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm ấy.

Gần 20 năm qua, kể từ luật Đất đai 1993, người nông dân tin tưởng vào công cuộc đổi mới bởi họ nhất quyết rằng, sau khi hết thời hạn giao đất, họ sẽ tiếp tục được quyền sử dụng đất đó làm tư liệu sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu, tài sản trên đất là tài sản thuộc quyền sở hữu của riêng họ được pháp luật bảo vệ. Đó là cơ sở chính trị để người dân tiếp tục tin Đảng, theo Đảng.
Khu đất của ông Vươn ở vùng bãi bồi, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Ảnh: VnMedia


Vùng bãi bồi xã Vinh Quang ở huyện Tiên Lãng đã được những người nông dân biến thành vùng ao đầm nuôi trồng thuỷ sản cũng trong niềm tin như vậy.

Nhưng vẫn có một quan niệm khác mà người nông dân tại đây không cho rằng đó là đường lối của Đảng.

Đó là khi chính quyền địa phương hiểu luật Đất đai 1993 rằng, đất đai vốn là tài sản thuộc sở hữu toàn dân giao cho Nhà nước quản lý, Nhà nước có quyền thu hồi khi hết thời hiệu giao đất. Và vì là luật chỉ cho anh canh tác trong thời hạn giao đất, nên khi “lấy lại” đất, chính quyền không cần phải đền bù. Nôm na là, đất đai của nhà nước giao cho anh sử dụng trong 20 năm, tài sản trên đất ấy tính toán thế nào là chuyện của anh, hết hạn thì nhà nước lấy lại đất không cần quan tâm gì đến tài sản hình thành trên ấy. Thậm chí có trường hợp còn rục rịch, nhân dịp hết thời hạn giao đất, đòi chia lại đất đai.

Cách hiểu ấy không phải là không phổ biến, nhất là khi cả các cơ quan hướng dẫn thi hành luật cũng chưa có một tín hiệu xác quyết sẽ xử lý thời hạn giao đất 20 năm (hết hạn vào 2013) như thế nào. Ở diễn đàn Quốc hội, và tại nhiều địa phương, không ít lần mối lo này đã được trình bày gay gắt.

Thêm vào đó, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang cơ chế thị trường, cùng với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, đất đai trở thành thị trường có mức chênh lệch giá cả khủng khiếp. Người dân có đất, găm đất để chờ được đền bù theo giá thị trường. Chính quyền địa phương nhắm tới chênh lệch giá đất như một cứu cánh của ngân sách để thực thi ý chí phát triển bằng mọi giá. Nhiều đại gia giàu lên từ đất. Nhiều cán bộ mập lên trên đất. Cái vòng xoáy ấy, nhiều nơi, nhiều lúc đã bứt hệ thống chính trị ở cơ sở chệch khỏi đường lối cơ bản của Đảng là giao cho người nông dân quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, tạo nền tảng căn bản cho mục tiêu ổn định chính trị xã hội.
Với những người nông dân bình thường, ý chí, mồ hôi và cả nợ nần đã kết tinh vào đất đai thành ý niệm về quyền sở hữu tài sản của họ. Một nền tảng luật pháp tiến bộ, một đường lối chính trị đúng đắn là phải thừa nhận và bảo hộ cho cái quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm ấy.


Có thể ở vùng bãi bồi xã Vinh Quang này, thông tin quy hoạch sân bay Hải Phòng được phê duyệt đã tạo cơ sở cho chính quyền địa phương quan niệm cần sớm thu hồi lại đất nông nghiệp đã giao: đó là cách chuẩn bị tích cực cho quá trình thực hiện quy hoạch giúp cho địa phương đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Có thể, có những vị quan tư lợi, muốn lợi dụng việc thu hồi đất để “chia” lại cho người thân, cánh hẩu của mình, trong khi chờ quy hoạch.

Cũng có thể, những người nông dân cũng chờ đợi một cuộc lên giá chóng mặt sau cái quyết định quy hoạch ấy.

Tất cả những điều có thể ấy phải được tìm hiểu thận trọng, chính xác để xem nó đã tạo ra bao nhiêu phần trăm bạo lực trên những phát đạn nã vào những người thực thi công vụ.

Nhưng những viên đạn hoa cải đã nổ ra sớm hơn năm 2013, thời điểm hết hạn giao đất nuôi trồng thuỷ sản theo luật Đất đai 1993 là một báo động không chỉ dừng lại ở những vướng mắc về pháp lý. Xung đột đã lên tới đỉnh điểm khi mà bạo lực đã đối chọi cuồng nộ vào công lực. Xung đột ấy đưa những khác biệt về quan niệm trong quá trình đổi mới chính sách đất đai lên tới nút thắt không thể thoái thác, rằng phải có định nghĩa rõ ràng về quyền sở hữu với đất đai để tránh sự lạm dụng, tuỳ tiện, bất nhất trong thực tiễn đời sống.

Ở đó, quyền của người dân trên mảnh đất của mình phải được minh định và phải được bảo vệ chặt chẽ.

Ở đó, nguyên tắc nhà nước pháp quyền phải là khung thước cho công vụ, chính quyền trước hết phải bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của công dân chứ không chỉ bảo vệ lợi ích của nhà nước.
****
VỤ ÁN ĐOÀN VĂN VƯƠN Ở HẢI PHÒNG: SỰ BẤT THƯỜNG LỘ DIỆN?!

Dương Phi Anh, theo blog Quê choa

Đúng ra, bài này ban đầu có tựa đề “Sự lưu manh lộ diện?!”. Tôi viết bài NÀY lúc 2 giờ sáng ngày 11/01/2012, ngay sau khi đọc bài phỏng vấn ông Ngô Ngọc Khánh – Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng do Báo Pháp luật TP.HCM Onlinethực hiện, đưa lên. Bởi vì, trong bài còn xuất hiện hàng chục thanh niên ở khu đầm của gia đình anh Đoàn Văn Vươn vừa có cuộc cưỡng chế. Những thanh niên này tay lăm lăm hung khí, ngăn cản phóng viên chụp ảnh, thậm chí có người còn lao thẳng xe máy vào phóng viên và liên tục chửi bới rồi nhiều lần lao vào giật máy ảnh… Trong đó, “có một người trong số đó xưng là công an viên xã Vinh Quang có tên Lâm. Công an viên này nói huyện, xã chỉ đạo không cho chụp ảnh, nếu muốn chụp phải có văn bản đồng ý của chủ tịch huyện…”….

Chắc cũng không cần bình luận gì thêm về thái độ hung hăng, có tính lưu manh và sự hiện diện của những người “trên trời rơi xuống” tại khu đầm này. Nhưng, do bài đề cập đến nhiều nội dung và nghĩ rằng dùng từ “lưu manh” thì e rằng hơi chủ quan, vội vàng nên chúng tôi “tự ý đục bỏ” và thay thành tựa đề “Sự bất thường lộ diện?!”. Do chưa nắm được các nội dung và thủ tục xung quanh các quyết định của UBND huyện Tiên Lãng nên tôi quyết định nán lại một ngày để bổ sung những thông tin cần thiết cho nhận định của mình, đồng thời để đối chiếu với một số nhận định của bài hôm trước(“Vụ án Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng: tại sao dư luận bảo… “lừa dân” – Quê Choa ngày 10/01/2012).



Đúng như mong đợi, ngày 11/01/2012, có nhiều thông tin bổ ích trên các báo. Tuổi Trẻ có bài phân tích rất hay của giáo sư Đặng Hùng Võ, khẳng định “UBND huyện Tiên Lãng có nhiều cái sai”; Tờ Dân Việt có bài “Bí ẩn bất thường trong vụ kiện của ông Vươn” với nội dung “Thẩm phán Ngô Văn Anh khẳng định không hề thụ lý vụ kiện nào mà đương sự có tên là Đoàn Văn Vươn. Vậy biên bản các đương sự tự thỏa thuận là thật hay giả, ai đã lập biên bản và đóng dấu tòa án vào đó?…



Sai nhiều!



Ở đây, chỉ xin nhắc lại một vài chi tiết cần lưu ý. Qua trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Ngọc Khánh và thông tin trên báo, có thể khẳng định việc quản lý và thu hồi đất của gia đình anh Vươn và các hộ khác để “giao người khác có điều kiện hơn bằng cách đấu thầu …” là sai hoàn toàn. Nói cách khác, việc thu hồi đất của tất cả hộ dân trong khu đầm lầy là sự vi phạm trắng trợn quy định của Luật Đất đai năm 2003 (hiệu lực ngày 1-7-2004). Càng thông tin, UBND huyện Tiên Lãng càng thể hiện rõ sự tùy tiện và bất chấp luật pháp…



Trước hết, đất đầm mà gia đình anh Vươn và các hộ khác đang sử dụng thuộc “Đất có mặt nước ven biển được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản…” (Khoản 1 Điều 79 Luật Đất đai 2003). Anh Vươn và gia đình bắt đầu tiến hành đắp đê, khai hoang… từ năm 1992. UBND huyện Tiên Lãng đã có báo cáo như sau: “Năm 1993, UBND huyện Tiên Lãng đã có quyết định giao cho ông Vươn 21 ha bãi biển để nuôi trồng thủy sản, thời hạn 14 năm. Tuy nhiên, từ năm 1993-1997, ông Vươn đã tự ý đắp bờ bao để sử dụng vượt quá diện tích được giao. Năm 1997, UBND huyện có quyết định giao bổ sung 19,3 ha vượt quá cho ông Vươn với thời hạn 14 năm cũng tính từ năm 1993. Hết thời hạn giao đất, huyện ra quyết định thu hồi cả 40,3 ha bằng hai quyết định…”.



Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định các quyết định đó là giao đất và nhiều điều sai: Giao đất thì Luật Đất đai quy định hạn mức được giao đối với một hộ gia đình cá nhân không được vượt quá 2ha. Vì vậy, huyện Tiên Lãng “giao đất” cho anh Vươn tới hơn 40ha thì về diện tích giao cũng sai; thời hạn giao đất cũng phải là 20 năm…;



Mánh!



Như đã nhận định, trong rất nhiều động thái làm việc với các hộ “nhận giao đất”, UBND huyện Tiên Lãng đều muốn chuyển sang “cho thuê đất”. Bởi vì, cho thuê đất thì không “phạm” hạn mức bắt buộc 20 năm và thời hạn cho thuê sẽ “tùy thích” cho mấy năm cũng được.



Ông Chánh văn phòng Nguyễn Ngọc Khánh thì nói: “Huyện giao đất có thời hạn. Dù là đất nào đi nữa, về mặt pháp luật người ta quy định khống chế mức “trần” nhưng địa phương chúng tôi có thể giao thấp hơn, có thể giao năm năm, 10 năm hoặc 20 năm, miễn rằng không giao quá 20 năm là được. Với ông Vươn, chúng tôi giao đất có thời hạn. Thời hạn như thế nào là giữa hai bên huyện và cá nhân đó ký kết” (Sai rồi do nhầm lẫn khái niệm rồi -NV).



Điều tùy tiện và “mánh lới” hơn, ông Khánh khẳng định: “Trong quyết định nói rõ giao đất cho anh này có thời hạn, khi hết hạn anh phải bàn giao toàn bộ diện tích và tài sản trên đất”. Thật là nực cười khi nghe câu này! Hết thời hạn người dân phải bàn giao toàn bộ diện tích và tài sản trên đất một cách vô điều kiện như đã thực hiện với hộ anh Vươn thì hóa ra “anh” giao đất, cho thuê một thời gian ngắn để cho người ta “cải tạo giùm mình rồi thụ hưởng sau cũng chưa muộn” à? Thế có phải là anh “ăn trên đầu, trên cổ” người được giao đất, cho thuê đất không?…



Khi nhà báo hỏi: “Tại sao ông Vươn, ông Luân đã đề nghị thuê tiếp nhưng huyện không gia hạn mà lại phải thu hồi? Ông Chánh văn phòng Khánh vô tư trả lời: “ Đây là theo quy định. Dứt khoát phải làm các thủ tục bàn giao sau đó mới tới các thủ tục xin thuê”.



Giáo sư Đặng Hùng Võ khẳng định: Hiện nay việc giao đất theo nghị định 64 nếu tính từ thời điểm sớm nhất là từ ngày 15-10-1993 thì chưa có trường hợp nào đến hạn phải thu hồi và cũng chưa có địa phương nào xem xét xúc tiến thu hồi vì chưa có chủ trương chung là thu hồi hay giao tiếp. Với diện giao đất 20 năm đến nay Quốc hội cũng chưa quyết là hết thời hạn giao đất thì làm gì. Nên việc huyện Tiên Lãng lại chủ động làm trước về chủ trương là điểm sai nữa. Còn nếu thu hồi để giao đất cho dự án đầu tư được phép nhưng việc thu hồi này phải căn cứ vào nghị định 84. Với quyết định thu hồi 19,3ha đất đối với ông Vươn thì mục đích thu hồi không rõ ràng. Giả sử có thu hồi giao cho dự án đầu tư thì tại thời điểm ban hành quyết định ngày 7-4-2009 phải tuân thủ theo trình tự thủ tục của nghị định 84. Tức là phải qua các bước từ chủ trương thu hồi đất, kiểm đếm tài sản, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư tổng thể, ban hành quyết định thu hồi đất gửi đến từng hộ gia đình, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư chi tiết và công bố công khai tại trụ sở xã để tiếp nhận đóng góp ý kiến của người dân bị thu hồi đất… Nhưng trong quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với diện tích 19,3ha không có nội dung nào ăn nhập với nghị định 84, và đây cũng là điểm sai.



Thủ tục giám đốc thẩm thế nào?



Báo Pháp luật TP.HCM phỏng vấn ông Đặng Quang Phương, Phó Chánh án TAND Tối cao cho biết: “Trong trường hợp này, giả sử người khởi kiện nghe UBND huyện Tiên Lãng dỗ dành, dẫn tới hiểu lầm và đi đến quyết định rút kháng cáo; quyết định rút kháng cáo đó lại dẫn tới quyết định đình chỉ của TAND Hải Phòng, thì người khởi kiện có thể gửi đơn lên TAND Tối cao khiếu nại quyết định đình chỉ kia. Việc hiểu nhầm ấy chỉ có thể giải quyết bằng con đường giám đốc hoặc tái thẩm của TAND Tối cao, chứ không thể dùng luật rừng, vũ khí nóng để chống lại lực lượng cưỡng chế như sự việc đã diễn ra”.



Đúng là như thế, nhưng vẫn chưa đủ. Hiện nay, anh Vươn và một số người trong gia đình anh bị bắt, truy nã nên khủng hoảng là chắc chắn. Hành động như họ chứng tỏ họ nghĩ “chẳng thiết gì nữa” nên việc gửi đơn là không phải dễ dàng.



Trong khi đó, Luật Tố tụng hành chính quy định tại Điều 211 như sau: “1. Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 212 của Luật này để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. 2. Trường hợp Toà án, Viện kiểm sát hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì phải thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị quy định tại Điều 212 của Luật này”.



Điều 212. Người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm



“Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao…” (Đúng thẩm quyền kháng nghị quyết định tạm đình chỉ của TAND TP Hải Phòng).



Như vậy, một số cơ quan, tổ chức có quyền thông báo bằng văn bản cho Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chứ không riêng gì đương sự trong vụ án.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét