29/11/11

Mỹ trong chiến lược cưa đôi Thái Bình Dương với Trung Quốc.


Name:  jiabao-barack-obama-111119061904_medium.jpg
Views: 2948
Size:  22.3 KB
Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và TT Obama taị Bali

Name:  obamahu-ap.jpg
Views: 2928
Size:  29.6 KB
President Barack Obama meets with Chinese President Hu Jintao at
the APEC Summit in Honolulu - AP
Mỹ lập căn cứ trú đóng 2500 thủy quân lục chiến tại Darwin miền Bắc Úc. Một chiến lược trong thế kỷ của Mỹ là chia đôi Thái Bình Dương với Trung quốc.

Trước đây TQ từng lên tiếng 'đòi' chia đôi Thái Bình dương với Mỹ, mọi lời đồn đoán rằng Mỹ sẽ không bao giờ chấp nhận việc nầy. Trước việc cắt giảm ngân sách quốc phòng của Mỹ trong một thập niên tới, việc chia đôi TBD giữa Mỹ và TQ nay đã thành hiện thực.

Hiện tuyến phòng thủ của Mỹ có khuynh hướng co cụm lại 'sân nhà' như căn cứ Hải Lục Không Quân tại đảo Guam, và mới đây tại Darwin miền Bắc Úc.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của hải quân TQ nhưng một mặt TQ cam kết bảo đảm an ninh hàng hải trong khu vực tại các vùng biển chung quanh TQ như vùng biển Nam Trung Quốc mà VN gọi là biển Đông và Philippines gọi là biển Tây nơi đang có tranh chấp căng thẳng.

Trong cuộc viếng thăm của Hạm đội 7 Hoa Kỳ tại Hong Kong Phó Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Đệ thất Hạm đội của Hoa Kỳ, đã tuyên bố "Hoa Kỳ tôn trọng sự bảo vệ quyền lợi của TQ trên thế giới, sự lớn mạnh về quân sự của TQ không là vấn đế miễn sao TQ hợp tác với các nước".

Ngà voi nhổ rồi không mọc lại nữa

Ama Kông
Ama Kông bỏ lại đằng sau vương quốc núi rừng vùng vẫy một đời...
Trưa một ngày đầu tháng ba 2009, tại Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc, cách biên giới Campuchia và Lào chừng vài chục cây số, một cụ già được một phụ nữ trẻ đỡ cánh tay, lọm khọm bước lên chiếc xe du lịch màu trắng.
Ông cụ 98 tuổi mặc quần soọc, mình trần, lưng còng. Cụ nhắm mắt, đôi mi mắt mỏng tang, đuôi mắt ngấn lệ. Trời nắng chói mắt, hay cụ không giấu nổi xúc động trong lòng?
Người phụ nữ đùa, như nói với một đứa trẻ : "Bộ già muốn khóc hả?". Cụ già lên xe đi Buôn Mê Thuột để sống ít lâu với một người con trai.
Cụ chính là Ama Kông, dũng sĩ săn voi và dạy voi huyền thoại mà tiếng tăm đã vượt qua biên giới Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan từ ngày cụ dâng tặng voi trắng cho những quốc vương.
Những công ty du lịch Tây Nguyên ngày nay đua nhau sử dụng hình ảnh cụ.
Hàng trăm cửa hiệu ở Tây Nguyên và những nơi khác bầy bán thuốc cường dương bổ thận mang tên Ama Kông, quảng cáo được làm bằng bốn loại cây cỏ mà loài voi ưa tìm ăn.
Chất phác, không biết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cụ không nhận được một xu tác quyền. Kinh doanh bất chính đã lan tràn tận Tây Nguyên, cướp đoạt không thương tiếc.
Chưa hết, bà Ami Lĩnh, 70 tuổi, con gái của cụ, giữa hai miếng bã trầu đỏ quạnh nhổ lọt trúng khe hở giữa hai tấm ván sàn nhà, còn tiết lộ cho tôi biết là vết thương chưa rút chỉ khâu trên lòng bàn tay trái của cụ là dấu tích nhát rựa mà của bà vợ 'út ' 43 tuổi, trước đó mấy ngày đã chém vào.
Chứng tỏ một sư tử Hà Đông còn đáng gờm hơn cả trăm thớt voi, nhất là trong chế độ mẫu hệ. Tóm lại, Ama Kông đang trải qua một thời kì không vui cho lắm và cũng không mấy vinh quang.
Tôi đã nhiều lần nhìn thấy nét mặt của cả một vùng đất bị xâm phạm, biến dạng và đánh mất bản sắc...
André Menras
Là trưởng lão của một gia đình năm thế hệ, có khoảng hai mươi người con, 43 người cháu, 27 chắt, 5 chít... săn bắt và thuần hoá được gần ba trăm con voi, thế nhưng nay trông dáng cụ phải cúi đầu rời rừng lên thành phố.
Cụ bỏ lại đằng sau vương quốc núi rừng vùng vẫy một đời, để chịu đựng những âm thanh dị kì, chát chúa, với mùi khói xăng xốc óc, ánh đèn ma quái và những bức tường của thành phố xa lạ.
Cụ ra đi. Và có thể cụ sẽ trở về, nhưng tôi sẽ không bao giờ hỏi cụ những câu hỏi mà tôi đã chuẩn bị kĩ trước khi gặp. Hình như một cuộc hẹn lỡ làng...
Lỡ hẹn với thiên nhiên
Từ năm 1969 đến nay, tôi chưa trở lại thăm vùng này trên chiếc xe gắn máy, trong đầu óc tôi còn giữ nguyên những hình ảnh hoang tàn, chết chóc.
Hàng trăm hecta cây cối trụi lá, khẳng khiu quằn quại như những bộ xương khô, nâu nâu hay xám xịt.
Hàng chục hecta đất bị những xe ủi khổng lồ của quân đội Hoa Kỳ cày xới, hoang hoá để ‘khai quang' vành đai chung quanh những căn cứ quân sự...
Nay, đúng là đâu đâu tôi cũng thấy tận mắt sức sống sôi nổi, trong cơn sốt xây dựng tràn trề sức trai bạo liệt.
Dọc đường, không có đoạn nào không có nhà cửa đang xây. Xe ben, xe lăn, xe ủi đất nhiều hơn cả những cột cây số.
Những đoạn đường mới toanh vừa hoàn thành, thênh thang, phẳng phiu.
Nhân Cơ, nơi sẽ có công trình khai thác bauxite
'Suối đỏ lựng như dòng máu tuôn chảy từ thân thể một vùng đất bị tử thương như ở Nhân Cơ'
Nhưng biết bao đoạn khác còn đang là những công trường, và bấy nhiêu cuộc hẹn lỡ dở đối với những giá trị của văn hoá và văn minh.
Đường sá đã trở thành một chiến trường mà trên đó quy luật giao thông duy nhất là : kẻ yếu muốn sống còn phải lép vế kẻ mạnh; tài xế xe đò và xe tải tác oai tác quái như những tên sát nhân hung bạo, phóng nhanh, bóp còi inh ỏi, bất chấp những chiếc xe máy tội nghiệp đi ngược chiều đã phải chạy dẹp sang bên lề đường chưa được gia cố.
Trên đường đi từ Buôn Mê Thuột về Đắc Nông, tôi phải trải qua không biết bao nhiêu giờ phút kinh hoàng lẫn phẫn uất.
Bất luận thế nào, từ nay đối với tôi Tây Nguyên không còn là ‘vùng sâu vùng xa' nữa rồi.
Không đủ thời gian và thiếu thông tin, hẳn tôi đã đi qua mà không biết rất nhiều thắng cảnh.
Song có một điều chắc chắn: cả vùng Tây Nguyên đang biến đổi theo một vận tốc chóng mặt.
Đồi xanh trở thành đồi trọc, mặt đất nhiều nơi hoang hoác như trên mặt trăng.
Dưới thung lũng, sông suối đỏ lựng như dòng máu tuôn chảy từ thân thể một vùng đất bị tử thương như ở Nhân Cơ, Gia Nghĩa tỉnh Đắc Nông.
Dân số người Kinh áp đảo dân số các sắc tộc bản địa đang sống lay lắt, như những cây rừng bị bứng rễ.
May mắn cho tôi, có một cuộc hẹn tình cờ rất thú vị tại thị xã Kontum với nhà văn Nguyên Ngọc, tác giả tác phẩm nổi tiếng ‘Đất nước đứng lên' mà nhân vật chính là anh hùng Núp.
Là người Kinh nhưng với những hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hoá, phong tục, tâm lý người dân tộc thiểu số, môi trường, thậm chí linh hồn Tây Nguyên của ông, tôi nghĩ Nguyên Ngọc là một Già làng thứ thiệt.
Nguyên Ngọc và André Menras
Nhà văn Nguyên Ngọc kể chuyện Tây Nguyên cho nhà giáo Pháp André Menras
Là thầy giáo nhưng ông không ngừng tự học mỗi ngày.
Đi nhiều với sự dẻo dai hiếm có của một ‘già làng' 77 tuổi, ông đã từng lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ nền văn hoá xã hội quí báu, độc đáo của thiên nhiên và lịch sử con người vùng ấy khi nó bị đe doạ bởi quyết tâm vô tâm của con người.
Tới đây, tôi phải nói thực lòng: trong chuyến đi ngắn ngày, tôi đã nhiều lần nhìn thấy nét mặt của cả một vùng đất bị xâm phạm, biến dạng và đánh mất bản sắc.
Vùng đất ngày hôm qua còn là cái mái nhà của toàn bộ bán đảo, hiên ngang, độc đáo, huyền bí mà bao dung, tự trọng và được kính trọng, nay đang trở thành cái bậc tam cấp lè tè, vất vưởng trước bốn phương gió chướng.
Ảo ảnh giàu sang dễ dàng đấy, nhưng chắc chắn phù du?
Viễn cảnh lợi nhuận kếch sù cho một số người, cho tất cả hay cho những ai?
Mục đích của tôi không phải là trả lời những câu hỏi ấy. Sớm muộn tương lai sẽ trả lời !
Tôi chỉ muốn nói, như Ama Kông, rằng ngà voi, một khi nhổ đi rồi, sẽ chẳng bao giờ mọc lại.
Bài là một phần của ký sự dài hơn qua lời lịch của Thái Bình đăng trên trang Diễn đàn Forum ra ở Paris. André Menras, còn có tên Việt là Hồ Cương, như lời giới thiệu, từng dạy học ở Đà Nẵng v̀à bị tù ba năm dưới thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

PHÂN HÓA GIÀU NGHÈO Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Sinh hoạt lý luận, số 2/2011, tr.2

Nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự chênh lệch về thu nhập, mức sống ngày càng rõ nét hơn, trong đó phân hóa giàu nghèo đang là một trong những vấn đề xã hội bức xúc hiện nay.
1. Nói giàu nghèo là đề cập đến thu nhập và mức sống với những chỉ báo khác nhau tùy thuộc vào từng vùng địa lý khác nhau, cũng chính từ đó có quan niệm nghèo tuyệt đối và nghèo tương đối. Ngân hàng Thế giới xem thu nhập 1 đô la Mỹ/ngày theo sức mua tương đương của địa phương so với (đô la thế giới) để thỏa mãn nhu cầu sống như là chuẩn tổng quát cho nạn nghèo tuyệt đối và từ đó có những chuẩn khác cho từng địa phương hay từng vùng được xác định, từ 2 đô la cho châu Mỹ La Tinh và Carribean đến 4 đô la cho những nước Đông Âu cho đến 14,40 đô la cho những nước công nghiệp. Đối với những xã hội được gọi là thịnh vượng, nghèo được định nghĩa dựa vào hoàn cảnh xã hội của cá nhân, nghèo tương đối có thể được xem như là việc cung cấp không đầy đủ các tiềm lực vật chất và phi vật chất cho những người thuộc về một số tầng lớp xã hội nhất định so với sự sung túc của xã hội đó .
Nghèo tương đối có thêm khách quan, tức là sự hiện hữu không phụ thuộc vào cảm nhận của những người trong cuộc. Còn nghèo tương đối chủ quan là khi người trong cuộc cảm thấy nghèo không phụ thuộc vào sự xác định khách quan. Bên cạnh thiếu sự cung cấp vật chất (tương đối), việc thiếu thốn tài nguyên phi vật chất ngày càng có tầm quan trọng hơn. Việc nghèo về văn hóa – xã hội, thiếu tham gia vào cuộc sống xã hội… được xem như một thách thức xã hội nghiêm trọng. Cả hai phương diện trên ở nước ta đều có và cũng là thách thức lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã tập trung nhiều biện pháp nhằm xóa đói giảm nghèo và có những kết quả đáng kể. Trong 2 năm (2006 – 2007), hộ nghèo tiếp tục giảm bình quân trên 300.000 hộ/năm, năm 2006 tỷ lệ hộ nghèo còn 15,5%, năm 2007 còn 14,8% (giảm được 7,2% so với cuối năm 2005). Một số địa phương cơ bản xóa hết số hộ nghèo theo chuẩn quốc gia và áp dụng chuẩn mới của địa phương cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với chuẩn nghèo quốc gia như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương. Chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm từ 2,3 lần năm 1999 xuống còn 2,09 lần năm 2004 và 2 lần năm 2008, đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 10%.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân có thể nhận thấy rằng chất lượng cuộc sống ở một số nơi có phần suy giảm, chuẩn nghèo chưa phản ánh chính xác tình trạng nghèo trong điều kiện hiện nay. Tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao; số huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao còn nhiều (61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%). Sự chênh lệch về thu nhập, sự phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng chưa được thu hẹp, còn có xu hướng giãn ra. Uớc tính đến cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là vùng Tây Bắc tới 31,5% và Đông Nam Bộ, vùng có tỷ lệ nghèo thấp nhất là 3,2%, chênh nhau 9,8 lần. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chênh lệch thu nhập giữa 20% hộ giàu nhất với 20% hộ nghèo nhất năm 2004 là 8,34 lần, năm 2006 là 8,37 lần và ước tính năm 2008 là 8,4 lần (cách tính này chưa sát với thực tế ở nước ta, nhưng cũng đã cho thấy xu hướng giãn ra là rất rõ).
Như vậy, cùng với kinh tế thị trường và nhiều nguyên nhân khác, tình trạng phân hóa giàu nghèo ở nước ta đang là một trong những vấn đề xã hội bức xúc cần được quan tâm, điều đáng lưu ý là ở nước ta tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi vẫn còn cao, gấp 1,7 – 2 lần so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số trong tổng sống nghèo trong cả nước tăng. Chênh lệch thu nhập giữa 10% nhóm giàu nhất với 10% nhóm nghèo nhất ở nông thôn là 13,5 lần; thu nhập của 53% số hộ nông dân bị thu hồi đất giảng so với trước khi chưa thu hồi đất có 34,5% số hộ có điều kiện sống thấp hơn. Cũng từ đó sự chênh lệch giàu nghèo diễn ra ở khu vực thành thị và nông thôn, tính bình quân một người lao động ở nông thôn chỉ thu nhập bằng 47,8% so với lao động thành thị.
Cùng với những người nghèo thì với kinh tế thị trường cũng đã có nhiều người giàu lên nhanh chóng. Theo các tài liệu công bố chính thức trên sàn chứng khoán Việt Nam, chưa có đại gia nào đạt tầm tỷ phú đô la, song số triệu phú cũng ngót ngét 170. Riêng 100 nhân vật giàu nhất, mỗi người đều có tài sản chứng khoán vượt 2 triệu đô la, trong đó có 2 người đạt chuẩn hội viên câu lạc bộ 100 triệu đô la. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, khoảng cách giữa mức thu nhập của các nhóm lao động ngày càng có sự chênh lệch rõ nét, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội, chênh lệch giữa người có tiền lương cao nhất so với trung bình là 42 lần (75,2 triệu đồng/tháng với mức bình quân 1,8 triệu đồng/ tháng). Tại thành phố Hồ Chí Minh con số chênh lệch còn lên đến 109 lần (240 triệu đồng/tháng so với 2,2 triệu đồng/tháng). Nhóm có thu nhập cao là các giám đốc điều hành, trưởng đại diện, trưởng phòng, cán bộ phụ trách kinh doanh… đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn dầu tư nước ngoài, công ty liên doanh, các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bác sĩ tại một số bệnh viện, phòng khám. Ngược lại, nhóm có thu nhập thấp là công nhân lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài…
Thực tế trên cho thấy, bất bình đẳng trong thu nhập ở nước ta ngày càng rõ nét và gay gắt hơn, tỷ lệ hộ nghèo tập trung chủ yếu ở những vùng khó khăn, có nhiều yếu tố bất lợi như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí thấp, trình độ sản xuất manh mún, sơ khai. Ngoài ra, còn xuất hiện một số đối tượng nghèo mới ở những vùng đang trong quá trình đô thị hóa và nhóm lao động nhập cư vào đô thị, họ thường gặp khó khăn nhiều hơn và phải chấp nhận mức thu nhập thấp hơn lao động sở tại. Đây là những yếu tố làm gia tăng tình trạng tái nghèo và tạo ra sự không đồng đều trong tốc độ giảm nghèo giữa các vùng trong cả nước.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015, theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ nghèo có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống (chuẩn nghèo cũ là 200.000 đồng/ người/ tháng), hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 – 520.000 đồng/ người/ tháng trở xuống. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/ người/ tháng trở xuống (chuẩn nghèo cũ là 260.000 đồng/ người/ tháng), hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 – 650.000 đồng/ người/ tháng. Theo Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cả nước hiện ở mức 13%. Nếu theo chuẩn nghèo mới được thông qua, tỷ lệ hộ nghèo sẽ tương đương với trên 20%.
Đề cập đến vấn đề nghèo, nhiều nhà nghiên cứu lưu ý rằng nghèo không chỉ đơn giản là mức thu nhập thấp mà từ đó còn thiếu thận trong việc tiếp cận các dịch vụ như giáo dục, văn hóa, y tế; không chỉ là thiếu tiền mặt, thiếu những diều kiện tốt hơn cho cuộc sống mà còn thiếu thể chế kinh tế thị trường hiệu quả, trong đó có các thị trường đất đai, vốn và lao động cũng như các thể chế nhà nước được cải thiện có trách nhiệm giải trình và vận hành trong khuôn khổ pháp lý minh bạch cũng như một môi trường kinh doanh thuận lợi. Nghèo còn là tình trạng đe dọa bị mất phẩm chất quý giá – đó là lòng tin và lòng tự trọng.
Khi bàn về nguyên nhân của tình trạng phân hóa giàu nghèo, mà nhất là nghèo ở nước ta cũng đã có nhiều quan niệm và cách tiếp cận khác nhau, nhưng tựu trung lại có mấy nguyên nhân sau:
Thứ nhất, nước ta là nước nông nghiệp chậm phát triển, vừa trải qua cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, nguồn nhân lực chính của nhiều hộ gia đình bị giảm sút trong chiến tranh. Cộng với thời kỳ duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp làm cho sản xuất nông nghiệp đơn điệu, công nghiệp thiếu hiệu quả, thương nghiệp chậm phát triển.
Thứ hai, khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lao động dư thừa ở nông thôn chưa dược khuyến khích ra thành thị để lao động, chưa được đào tạo để chuyển sang khu vực công nghiệp. Trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật đang là thách thức đối với lực lượng lao động ở nông thôn, trong tổng số 16,5 triệu thanh niên ở nông thôn chỉ có 12% tốt nghiệp phổ thông trung học, 3,11% có chuyên môn kỹ thuật.
Cùng với sự hạn chế về trình độ các mặt, thì diện tích đất nông nghiệp cũng đang có xu hướng giảm dần trong quá trình công nghiệp hóa, hiện dại hóa. Trong những năm qua, bình quân mỗi năm có khoảng 70.000 ha đất trồng lúa chuyển sang mục đích khác.
Thứ ba, người dân còn chịu nhiều rủi ro trong cuộc sống, sản xuất mà chưa có thiết chế phòng ngừa hữu hiệu và dễ tái nghèo trở lại như thiên tai, dịch bệnh, sâu hại, tai nạn lao động, thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng không ổn định; sự rủi ro về giá sản phẩm đầu vào, đầu ra do biến động thị trường thế giới và khu vực… Bên cạnh những rủi ro trên còn có sự “rủi ro” trong việc thay đối chính sách, sự không minh bạch và nhiều thủ tục của hệ thống hành chính, tình trạng quan liêu, tham nhũng của cán bộ và bộ máy hành chính.
Thứ tư nền kinh tế đất nước có tăng trưởng khá nhưng thiếu bền vững, nợ công tuy ở ngưỡng cho phép nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới (WB ), nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2009 đã lên đến mức 47,5% GDP; trong khi đó cách tính nợ của Việt Nam, do Bộ Tài chính cung cấp là 44,7%. Hai cách tính này có khác nhau dựa trên cơ sở thâm hụt ngân sách, Tổng cục Thống kê thông báo, thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm 2009 là 6,9%, còn WB lại đưa ra con số là 8,4%.
Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, nợ nước ngoài của Việt Nam tính đến tháng 6 năm 2009 là 29,8 tỉ USD, tương đương 30,5% GDP và có xu hướng giảm, ổn định, nghĩa là đang trong tầm kiểm soát an toàn. Thế nhưng nợ trong nước lại có xu hướng tăng, nếu tính cả số nợ trái phiếu của các công trình xây dựng để ngoài ngân sách, thì tỷ lệ nợ đã và quá 50% GDP. Điều đó đã hạn chế phần nào trong việc thực hiện các chính sách xã hội và an sinh xã hội.
2. Phân hóa giàu nghèo cho dù là hợp thức hay không hợp thức (hợp pháp hay không hợp pháp) đã và đang diễn ra ở nước ta. Tuy nhiên, từ sự phân hóa giàu nghèo như hiện nay có thể dẫn dấn phân hóa giai cấp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với thành phần kinh tế tư nhân phát triển nhanh? Trong những năm vừa qua, kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển nhanh, hiện nay đã chiếm 46% GDP; các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút ngày càng nhiều lao động, đóng góp tích cực vào giải quyết việc làm và phát triển kinh tế. Trong 3 năm (2006 – 2008), có 173.314 doanh nghiệp tư nhân mới được thành lập với tổng số vốn đăng ký 1.186.387 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế lên 381.621 doanh nghiệp (chỉ tiêu Đại hội X đến năm 2010 là 500.000 doanh nghiệp).
Về mặt lý thuyết thì trong thời kỳ quá độ, nền kinh tế nhiều thành phần tất yếu đưa tới một cơ cấu xã hội – giai cấp đa dạng và phức tạp, vì nhân tố kinh tế luôn luôn có vai trò quyết định đối với các vấn đề xã hội. Mặt khác, sự phát triển của các nhân tố xã hội luôn đan xen, ảnh hưởng và tác động lẫn nhau. Điều đó dẫn đến một cơ cấu xã hội mới đã hình thành lại có tác động trực tiếp tới sự phát triển và sự củng cố cơ cấu kinh tế, tạo cho nó đi đúng định hướng. Với cách tiếp cận này có thể xem xét trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội sẽ có một cơ cấu xã hội – giai cấp sẽ hình thành trong đó có thể có tầng lớp mới xuất hiện, về tên gọi chắc là còn nhiều ý kiến khác nhau và những băn khoăn nhất định, song cũng có thể gọi đó là “tầng lớp tư sản mới”, nó ra đời trong điều kiện của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Nhưng, cơ cấu xã hội – giai cấp phát triển trong mối quan hệ biện chứng của các nhân tố khách quan và chủ quan. Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa với tính cách là những nhân tố chủ quan mạnh nhất, tác động chi phối đến sự biến động của cơ cấu xã hội – giai cấp, phát triển theo tính chất xã hội chủ nghĩa thông qua các chính sách kinh tế – xã hội phù hợp với các điều kiện kinh tế – xã hội và lịch sử – chính trị khách quan của đất nước. Với cách tiếp cận này, có thể nhận thấy quá trình biến đổi cơ cấu xã hội – giai cấp cũ sang cơ cấu xã hội – giai cấp mới là một quá trình liên tục trong thời kỳ quá độ, nhiều thành phần kinh tế ra đời sẽ làm sống động nền kinh tế nhưng sẽ dần dần ổn định ở giai đoạn sau – khi nền kinh tế ổn định, lực lượng sản xuất đã phát triển và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa có kết quả khả quan… khi ấy sẽ diễn ra sự xích lại gần nhau giữa các giai – tầng xã hội, sẽ diễn ra sự chuyển đổi bộ phận giữa các nhóm xã hội, từ chỗ không còn cả chế độ áp bức bóc lột đến chỗ không còn cả những quan hệ bóc lột giữa người với người; đạt đến giai đoạn này thì sẽ không có sự phân hóa giai cấp mới. Đương nhiên, đạt đến giai đoạn đó cần phải có một thời kỳ dài hơn cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội…
3. Phân tầng xã hội, phân hóa giai cấp có thể được xem là một trong những vấn đề xã hội cần được quan tâm, cho dù là bắt nguồn từ nguyên nhân nào cũng đều để lại những hệ quả xã hội nhất định, trên một phương diện khác có thể tạo nên tâm lý bất an. Việc khắc phục những vấn đề trên là cả một quá trình và kết hợp nhiều biện pháp nhằm hướng tới công bằng và tiến bộ xã hội, trong tính hệ thống và những vấn đề liên quan, thì nên hướng vào các nội dung sau:
- Dưới góc độ xã hội, khắc phục và hạn chế các khuyết tật của kinh tế thị trường về phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo, tạo điều kiện cho những người bị thiệt thòi có điều kiện vươn lên để hòa nhập với cộng đồng. Thực hiện công bằng trong phân phối và thu nhập theo nguyên tắc lao động.
Dưới góc độ kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tuy rằng sự tăng trưởng kinh tế tự nó sẽ không bao hàm và giải quyết được tất cả các vấn đề xã hội, mặc dù các chương trình phát triển kinh tế sẽ là cơ sở để lồng ghép giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, xóa đói giảm nghèo. Vì thế, cùng với sự phát triển kinh tế phải kết hợp với các chương trình xã hội ở từng vùng, miền và từng dân tộc sao cho phù hợp.
Dưới góc độ luật pháp, từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và thực hiện đúng luật định, phải kiên quyết và không né tránh như những năm vừa qua…

(BÁO) CÔNG AN NHÂN DÂN VIẾT BÀI BÔI XẤU ĐẢNG?

Lưu Mạnh Anh, theo Dân Luận
Với văn phong khá chải chuốt, ngôn từ có phần gạn lọc, ý mạch xem ra khá tuôn trào tựa… nham thạch từ ngọn núi lửa nào đấy tưởng chừng mãi ngủ vùi trong quên lãng, bỗng chốc “nổ banh” đến tận trời cao nhằm mục tiêu lan tỏa sức nóng hừng hực tưởng đến cả ngàn độ bách phân của một sự dày vò nhiều ngày chất chứa uất ức, nay được dịp xổ tràn cho dịu lại; Quý Thanh định đưa người đọc đi vào tâm thức u minh trong vụ án Ts. Cù Huy Hà Vũ “được dựng lên như một biểu tượng” bằng việc nhấn nhá về: trí tuệ, anh hùng, lấp lánh, long lanh… qua cách vừa khen tặng tài năng của Ngô Bảo Châu vừa chê trách Ngô Giáo sư đã tự biến thành ngọn gió để cho nhiều kẻ “mượn gió mà bẻ măng” như Quý Thanh viết:
Việc trích dẫn Ngô Bảo Châu xét cho cùng cũng chỉ là mượn gió bẻ măng.
Cứ nhẹ nhàng mà chấp nhận nội dung bài viết mang hơi hướm:
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”
(Tố Hữu)
của Quý Thanh để cùng nhau đi vào vài nội dung của bài viết xem sao nhé!
Quý Thanh viết:
Khoảnh khắc Hector ngã xuống dưới ngọn lao của Achilles dưới chân thành Troy cũng là khoảnh khắc chàng dũng sỹ đi vào tâm thức của nhân loại như biểu tượng về một phẩm giá cá nhân và tài năng mang tính thời đại. Đó là nhân vật hiếm hoi trong thần thoại Hy Lạp chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Hector với trí tuệ và hiểu biết của mình đã phản đối chiến tranh. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chính Hector không do dự khi đối đầu với một Achilles mình đồng da sắt, một việc không khác gì tìm đến cái chết trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác.
Chỉ một khoảnh khắc ngã xuống của chàng Hector đã trở thành huyền thoại!
Dường như “hình tượng khoảnh khắc” người ta đã bắt gặp đâu đó trong dòng văn học “lãng mạn cách mạng” mà một nhà thơ “nổi tiếng” của Việt Nam đã từng “tụng ca” (chữ của Quý Thanh) rằng:
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra
Quả là hay, khi Quý Thanh ca ngợi Hector mà không chắc nhiều người dân đã có thời gian để đọc hết câu chuyện của chàng dũng sĩ này. Vậy tại sao không góp lời cảm ơn đến tác giả Quý Thanh đã đưa quan điểm thật rõ ràng khi minh định Hector: “chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khao khát quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình”.
Ngô Bảo Châu chỉ nhắc đến tên Hector, Kinh Kha…. và Quý Thanh đã “tiếp tay” để làm đậm đà bản sắc anh hùng vì dân vì nước của Hector.
Chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Phải chăng chàng Hà Vũ đang làm điều đấy?

Chàng Hà Vũ chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình
: chống khai thác bauxite, bởi khai thác bauxite dẫn đến nguy cơ ngoại bang có thể vào Quê hương mà thao túng.

Chàng Hà Vũ chiến đấu để bảo vệ chính gia đình mình
: khi “người ta” đến đập phá hàng rào ngôi nhà, nơi đang thờ phụng hai Nhà thơ lớn (Cù Huy Cận & Ngô Xuân Diệu) của Việt nam cũng là cha và bác ruột của Hà Vũ và có nguy cơ đe dọa sự an toàn vợ con chàng, Hà Vũ đã dùng Luật pháp và quyền tự do ngôn luận để chiến đấu bảo vệ an toàn tổ ấm.
Chàng Hà Vũ chiến đấu để bảo vệ chính nhân dân mình: kiến nghị trả tự do cho quân-cán-chính của chế độ VNCH, để thực hiện hòa giải dân tộc, xóa bỏ hận thù. Hình như đây là một trong các mục tiêu tối quan trọng của Đảng và Nhà nước(?)
Chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực. Còn gì để bàn cãi “trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác” bên vợ con đầm ấm, thong dong xách giá vẽ đi họa chân dung cho cụ Võ Nguyên Giáp và tận hưởng những buổi trà dư tửu hậu đàm đạo sự đời với bạn hữu… Đời người lý tưởng đến thế còn gì bằng! Liệu Quý Thanh (và bất kỳ ai) có sẵn sàng đánh đổi 10 năm (tù giam + tù nhà) để thỏa “khao khát quyền lực” và “danh vọng”?
Hóa ra, nếu Ngô Bảo Châu “có tội một” thì Quý Thanh “có tội mười” vì bỗng dưng, chính Quý Thanh làm người đọc xoay ra so sánh những việc làm của chàng Hà Vũ qua hình tượng chàng Hector!
Quý Thanh viết tiếp:
Từ trước đến nay, không ai biết đến Cù Huy Hà Vũ trong các lĩnh vực học thuật hay tư cách cá nhân. Có hai con đường để mọi người biết đến Vũ. Thứ nhất là cái bóng của những thế hệ đi trước. Thứ hai là cách gây ra những sự vụ chẳng giống ai qua những lá đơn kiện. Nó hao hao như cách những ngôi sao đánh bóng tên tuổi bằng những scandal. Khi chạm tới những giá trị cá nhân, Vũ chỉ là một kẻ nhỏ bé với những cư xử tầm thường.
Ô hay! “từ trước đến nay”, mấy ai biết chàng Hà Vũ là cái ông nào, mãi cho đến khi hai cái bao cao su đã qua sử dụng được trây đầy mặt các trang báo (có cả báo CAND). Dân mình lại vốn tính tò mò, đặc biệt hay tò mò mấy cái vụ liên quan đến bao cao su đã qua sử dụng, vì thế chàng Hà Vũ bỗng nổi danh từ đấy. Hãy nghe Huy Đức nói:
Nếu cứ để ông Cù Huy Hà Vũ nghênh ngang bên ngoài, có lẽ ông khó lòng tập hợp được sự quan tâm của quần chúng tới mức dấy lên sự sợ hãi cho chính quyền. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do ngôn luận, có lẽ ông khó lòng thu hút được sự chú ý của giới bloggers, báo chí và khó lòng trở thành một nhân vật được đề cập trong một bài feature của tờ New York Times. Nếu để ông Cù Huy Hà Vũ tự do kiện tụng có lẽ người dân sẽ thấy Chính quyền tự tin và mạnh mẽ. Và có lẽ, nếu thả ngay ông Cù Huy Hà Vũ sau cái hôm ở khách sạn, hình ảnh một người đàn ông 50s bụng phệ sẽ được nhớ lâu hơn, và khó có thể bị thay thế bởi hình ảnh một tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ, comple, cavat, trán rộng, đầu ngửng cao, ngạo nghễ đi giữa hai hàng cảnh sát.
Xem ra Huy Đức thuyết phục người dân, trong khi Quý Thanh “lý giải rất thú vị” rằng: chàng Hà Vũ nổi tiếng từ con đường “cái bóng” và con đường “đánh bóng”. Ai làm cho chàng Hà Vũ nổi tiếng? Ai dại? Ai khôn?
Thoắt cái, Quý Thanh bỗng trở nên tiểu nhân với đoạn văn sau:
Bỏ qua những mưu đồ chiếm dụng nhà đất, bỏ qua những cách ứng xử đoạn tuyệt tình nghĩa gia đình, bỏ qua quá khứ học hành và làm việc không rõ ràng, chỉ cần vài chi tiết nhỏ cũng đủ nói lên bản chất của Vũ. Đơn cử như năm 2006, Vũ tự ứng cử mình vào vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Khi trả lời về khả năng để có thể đảm đương chức vụ, Vũ nói: “Bố của tôi là nhà thơ, nhà cách mạng Cù Huy Cận. Tôi học được ở ông rất nhiều điều, nhất là nhiệt huyết. Còn nếu nói về đức và tài, tôi xin tự khẳng định là tôi thừa đủ. Đảng đã nói là cần phải lựa chọn cán bộ có đức có tài cơ mà, vậy tôi có những điều đó tại sao lại không được lựa chọn?”. Với một người có khả năng trả lời một cách kiêu ngạo và tùy tiện như vậy, hẳn cũng không phải nói thêm nhiều.
“Bỏ qua” mà lại chẳng bỏ qua (!) Một chiêu thức của kẻ tiểu nhân nhưng luôn tỏ ra người quân tử! Lịch lãm và trí tuệ hơn, Quý Thanh nên đề cập việc làm của chàng Hà Vũ có sai về lý, có phạm về luật không, hơn là bộc lộ tánh khí tủn mủn, vặt vãnh của tên hạ tiện, đấy là chưa kể đến Quý Thanh phạm “tội làm nhục người khác” theo điều 121 Luật hình sự!
Tiếp tục, Quý Thanh tự phơi bày tư tưởng chống Đảng và sai cơ bản về lý luận:
Tuy nhiên, nếu những cá nhân trên thật sự muốn dân chủ, hẳn họ phải hiểu rằng dân chủ đi đôi với trí tuệ
Những cá nhân nào “THẬT SỰ MUỐN DÂN CHỦ”? Nói như thế hóa ra “đất nước tươi đẹp” này chưa có dân chủ ư? Không đời nào! nên nhớ “dân chủ XHCN được coi là nền dân chủ kiểu mới – dân chủ gấp trăm lần dân chủ tư sản” Quý Thanh viết thế có khác nào tát thẳng vào bản mặt “nền dân chủ trăm lần hơn của Đảng ta”? Dân chủ đi đôi với trí tuệ ư? Chính xác hơn, dân chủ đi đôi với tự do. Quý Thanh ghép dân chủ đi đôi với trí tuệ hóa ra xem thường giai cấp công nhân (nghèo khó) và giai cấp nông dân (khốn khổ), hai giai cấp cho đến nay trên “giấy tờ” vẫn là đội tiên phong của “đảng ta”! Ai khôn? Ai dại?
Quý Thanh chuyển qua “dạy khôn” (hay “dạy dại”?) Ngô Giáo sư và thấp thoáng trong lời dạy bảo này là sự đố kỵ, khi lời nhận xét từ phía Ngô giáo sư về chàng Hà Vũ có vẻ làm ai đó mang danh “Giáo sư”, “Tiến sĩ”, Giáo sư – Tiến sĩ”… cảm thấy họ bị “quýnh giá thấp” mà Quý Thanh lên tiếng hộ?:
Hệ quả là chính GS cũng được biến thành một kiểu biểu tượng về trí tuệ uyên bác trên các diễn đàn. Là một tài năng trong lĩnh vực toán học, GS đã được đám đông mặc định như một trí tuệ ở một ngạch khác bao trùm hơn: hình ảnh của GS đã trở thành một cái gì đó hao hao như một nhà triết học, một nhà chính trị học, một nhà xã hội học có khả năng phán xét đúng sai cho mọi vấn đề trong cuộc sống Việt Nam. Trong khi đó hơn một nửa cuộc đời mình GS Ngô Bảo Châu làm việc, học tập và nghiên cứu ở châu Âu. Lĩnh vực chuyên môn và chắc chắn cũng là lĩnh vực GS dành nhiều thời gian nghiên cứu nhất là toán học. Cuộc sống thì rộng hơn toán học và mang nhiều những phức tạp trong mỗi toan tính của con người. Phải sống trên chính đất nước của mình, thấu hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người mới hiểu phần nào thực tại đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Cao thượng nhỉ?! “Phải sống trên chính đất nước của mình” mới “thấu hiểu”?! Không sống trên chính đất nước của mình thì không thấu hiểu?! Lý luận gì đây trời?! Hình như Quý Thanh quên mất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba lặn lội ở nước ngoài những 30 năm (từ 1911 – 1941) cũng chỉ vì “thấu hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người”?
Quý Thanh cho rằng:
Việt Nam rất cần những anh hùng.
Không! Chắc chắn là không! Việt Nam cần: tự do dân chủ, Tổ quốc vẹn toàn, thượng tôn pháp luật và “…Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và của công dân đều bị xử lý theo pháp luật” (trích điều 12 Hiến pháp).
Quý Thanh kết:
Ngạn ngữ Hy Lạp nói: “Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần”.Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng.
Mặc dù cả bài viết có nhiều điều kém thuyết phục, một số chi tiết vụn vặt, tủn mủn bên cạnh những nội dung “tự phản đề”, nhưng kết thúc của Quý Thanh lại rất có lý.
Thật chí lý! “Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng”
Câu ca dao quen thuộc ai cũng nhớ:
Tháp Mười đẹp nhất bông Sen
Việt Nam đẹp nhất có tên…
Hầu như mọi người đều công nhận hoa Sen là biểu tượng gắn liền với Đức Phật và nay “ngẫu nhiên” gắn liền với tên ai đó…!
Phải chăng từ lâu “người ta” đã biến một nhân vật nổi tiếng trở thành biểu tượng để lợi dụng?
… nhưng đến giờ, nhờ có Quý Thanh nói hộ thay?
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn
(Tố Hữu)
Một biểu tượng thanh cao, giản dị và đẹp lồng lộng!
Phải không ông Hữu Ước – Tổng biên tập Báo Công An Nhân Dân?

ĐẠI BIỂU HOÀNG HỮU PHƯỚC ĐẠI DIỆN CHO AI?

ĐẠI BIỂU HOÀNG HỮU PHƯỚC ĐẠI DIỆN CHO AI?

Hà Đình Sơn, theo BVN
Theo Vietnamnet ngày 17/11/2011:
“Thảo luận hội trường sáng nay (17/11) về chương trình xây dựng luật Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TP.HCM) phát biểu: “Đề nghị Quốc hội loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật”.[…]
Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ“, ông Phước nói.
Ông Phước khẳng định, nếu được lấy ý kiến, đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn.
Phản ứng với quan điểm cho rằng ở nước ngoài vẫn tổ chức biểu tình thì Việt Nam cũng sẽ làm được, ông Phước lần lượt nêu dẫn chứng các cuộc biểu tình xảy ra ở Anh, ở Mỹ vừa qua và kết luận, hầu hết đều biến thành bạo loạn và làm ô danh đất nước.
“Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh”, ông Phước chốt lại bài phát biểu đanh thép của mình.”
Điều 43 Luật Tổ chức Quốc hội 2001, quy định: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.
Điều 69 Hiến pháp 1992, sửa đổi, bổ sung 2001 của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
1 – Ông Phước đã ngang nhiên phủ nhận Điều 69 của Hiến pháp;
2 – Ông Phước khẳng định: “đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình” là vô căn cứ vì từ năm 1945 cho đến nay ở Việt Nam chưa có Luật trưng cầu dân ý, nhân dân chưa bao giờ được trực tiếp biểu quyết bất kể một vấn đề nào liên quan đến xã hội. Ông Phước khẳng định Luật biểu tình “dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”, thì đúng như Đại biểu Dương Trung Quốc nói: “phát biểu như vậy là xúc phạm dân”; dân là mọi tầng lớp trong xã hội trong đó có cả các nhân sĩ, trí thức; dân là “nước” chính quyền là “thuyền”, “nước chở thuyền và nước cũng lật thuyền”. Cho rằng dân dễ bị lợi dụng thì không khác gì ông xem thường dân, vậy ai đã bầu ra ông Phước? Ông Phước là đại diện của ai?
3 – Ông Phước còn dẫn ra tên cụ thể một số quốc gia có quan hệ ngoại giao với nhà nước và nhân dân Việt Nam cho rằng các cuộc biểu tình ở đó “làm ô danh đất nước” để quy nạp rằng “Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh”, như vậy ông Phước đã đi quá đà, gây bất lợi cho quan hệ quốc tế của nhà nước Việt Nam, đi ngược với chính sách hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ông Phước đang hoạt động với tư cách là Đại biểu Quốc hội, ông đã dựa trên cơ sở pháp luật để làm một đại biểu? Ông Phước có ý thức chính trị không? Ông Phước đại diện cho ai?
Thăng Long – Hà Nội, 18/11/2011
H. Đ. S.

***

Mong ông Hoàng Hữu Phước sửa lời!

“Không hiểu vì sao ĐBQH Hoàng Hữu Phước lại có thể gay gắt đến thế, hiểu sai đến thế về biểu tình? Mong ông Phước sửa lời” – Đó là cảm xúc chung của những email gửi tới Bee.net.vn sau phát biểu của ông Hoàng Hữu Phước, ĐB TP.HCM về Luật Biểu tình. Để rộng đường dư luận, Bee.net.vn xin trích đăng các ý kiến gửi về. Các ý kiến dưới đây không thể hiện quan điểm của tòa soạn.
Một nỗi buồn khó tả khi đọc bài phải biểu của đại biểu Hoàng Hữu Phước. Mong ĐB Hoàng Hữu Phước chú ý sửa lời rằng: cử tri mà tôi được tiếp xúc (nhớ là được tiếp xúc, không phải là tất cả) phản ánh rằng (có thể cho biết điểm tiếp xúc, số người tham dự, thành phần chủ yếu), thay cho cụm từ “nhân danh nhân dân”.
Với kiến thức hạn hẹp của mình thì tôi, một cử tri hiểu được rằng, luật là công cụ điều chỉnh những vấn đề thực tế của cuộc sống. Không phải cứ luật biểu tình là cho biểu tình, biểu tình vô tổ chức hay luật tham nhũng là tiếp tay cho tham nhũng… Ngoài ra, luật còn là để cụ thể hóa Hiến pháp, đảm bảo những nội dung trong Hiến pháp được thực hiện.
Ông Phước còn lấy một dẫn chứng rằng ở Mỹ đến 1960 mới có thuật ngữ “biểu tình” và “Điều nhất thiết phải khẳng định ở đây là ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay, biểu tình là để chống lại chính phủ”.
Ông quên rằng những năm chống Mỹ, người dân tiến bộ ở nhiều nước trên thế giới đã xuống đường biểu tình nhằm kêu gọi chính phủ Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Và gần đây nhất là các cuộc biểu tình của người dân Mỹ đòi chính quyền Mỹ rút quân khỏi Iraq, Afghanistan. Bên cạnh đó, ngày nay các tổ chức phi chính phủ, nhóm hoạt động xã hội cũng đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình không phải “chống chính phủ” mà là đấu tranh cho lợi ích xã hội, ví dụ trong năm 2011 tổ chức Hòa Bình Xanh (Greenpeace) đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình để chống khai thác gỗ trái phép ở Indonexia, khoan dầu ở Bắc cực… Tôi biết ông Phước từng là giảng viên tiếng Anh, ông có thể tìm thông tin này rất dễ trên các trang tin tức nước ngoài.
Tôi là người chưa từng tham gia biểu tình, ủng hộ có phản đối có. Biểu tình để bày tỏ quan điểm, thái độ về những điều sai trái, tiêu cực, phi văn hóa, đạo đức… nhằm triệt tiêu nó, để xã hội Việt Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh là điều đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, nếu biểu tình không vì mục đích ấy…thì thông qua Luật Biểu tình nhà nước có cơ sở pháp lý để can thiệp kịp thời.
Chuyên gia Nguyễn Quang A: Sốc
Chuyên gia Nguyễn Quang A. Ảnh VNN
Tôi thực sự bị sốc khi nghe phát biểu của ông Phước. Nếu ông Phước chỉ với tư cách một cá nhân, đọc bài phát biểu ấy ở đâu đó và có người nghe, hẳn người ta cũng phải đặt dấu hỏi về hiểu biết, cách sử dụng thông tin và cách đặt vấn đề của ông. Song người ta cũng chẳng cần trách ông làm gì.
Nhưng ông là một đại biểu Quốc Hội, ông đã phát biểu công khai, chính thức trên diễn đàn Quốc Hội (QH).
Ông Phước “kính đề nghị QH loại bỏ Luật lập hội và Luật biểu tình khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ QH khóa XIII này”.
Tôi tự hỏi, một “đại diện của dân” lại đề nghị các “đại diện của dân” tước hai quyền con người cơ bản được hiến định của dân!
Theo ông, nếu lập hội: để “tạo nên các đối thủ bên ngoài hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vô hiệu hóa, tiến đến xóa sổ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”; “tạo nên các hội mới nằm bên trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như 44 thành viên hiện hữu để làm phong phú hơn tổ chức hùng mạnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” đều là không cần.
Lý do để ông loại luật biểu tình:
Theo ông, cuộc biểu tình đầu tiên xảy ra năm 1913 và mãi đến các năm 1960 mới xuất hiện từ ngữ “biểu tình” ở Mỹ rồi lan ra khắp thế giới.
Ông khẳng định, “ngay từ khởi thủy và cho tới tận ngày nay biểu tình là để chống lại Chính phủ nước mình hoặc chống lại một chủ trương của Chính phủ”.
Sự hiểu của ông về biểu tình là không đúng. Bất cứ ai biết đọc, biết dùng Google và không biết gì về biểu tình cũng có thể hiểu đúng về biểu tình sau 15 phút!
Rồi ông kết luận “Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh” như sự ô danh mà các cuộc biểu tình “chiếm phố Wall” gây ra cho nước Mỹ.
Ông bảo “đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn”. Không có thăm dò dư luận sao ông biết “đa số nhân dân sẽ”…?
Tôi thực sự bị sốc.
Doanh nhân Lê Kiên Thành
Doanh nhân Lê Kiên Thành: Nói với ai nhầm lẫn khái niệm biểu tình
Bài viết này muốn nói với những ai còn nhầm lẫn khái niệm về biểu tình.
Biểu tình là sự biểu lộ tình cảm của một tập thể, cộng đồng có chung cảm xúc, suy nghĩ. Thứ tình cảm chung đó, giới nghiên cứu gọi là tình cảm công thể hay tinh thần công cảm. Đó là phần tinh hoa, cao quý nhất của một cộng đồng, một dân tộc. Với thế giới hiện đại thì việc biểu thị tình cảm, nguyện vọng chung đó, từ lâu đã là một nhu cầu tất yếu. Ở Việt Nam, chúng ta đã từng biết biểu tình mạnh mẽ, hồn nhiên, công phu và quy mô.
Lần đầu tiên tôi được hòa nhập vào dòng thác biểu tình là một cuộc mà như bây giờ dễ bị gọi là “tụ tập đông người” vào năm 1961. Mặc dù lúc đó chúng tôi không được trực tiếp sống trong dòng thác biểu tình, bởi chúng tôi là những thanh niên sống ở miền Bắc. Nhưng tất cả tâm tưởng của những chàng trai cô gái xung quanh tôi lúc đó đều nhập vào dòng thác tinh thần ấy.
Khi đó những bà má, sinh viên, trí thức… tập trung trước trại giam Phú Lợi (Bình Dương) phản đối tội ác đầu độc tù nhân của chế độ Mỹ Diệm. Hàng ngàn bà con đã sát cánh bên nhau không dao súng, không đại bác, xe tăng hô vang những khẩu hiệu đả đảo chế độ Mỹ Diệm, phản đối tội ác phi nhân tính. Họ bất chấp hiểm nguy, bắt bớ. Và cũng từ âm vang cuộc biểu tình ấy, dư luận thế giới hưởng ứng, nội bộ địch nao núng và cuối cùng trại tù không những phải chấm dứt hành động man rợ mà còn phải đóng cửa vào ít năm sau.
Cũng chính những cuộc biểu tình của nhân dân miền Nam, với những chàng sinh viên phanh áo ngực trước lưỡi lê, họng súng đã thôi thúc hàng triệu chàng trai cô gái rời làng quê, gia đình, giảng đường để xung phong vào chiến trường. Những hình ảnh của đội quân tóc dài, hay những bà má giương cao biểu ngữ ở miền Nam đã vang động đến lương tri loài người, hối thúc công lý trong sâu thẳm mỗi trái tim người. Vì vậy mà trên khắp trái đất đã có Raymond Dien thời chống Pháp và ngọn đuốc Norman Morryson thời chống Mỹ cùng triệu triệu tiếng hô vang, vung nắm tay ủng hộ Việt Nam; làm lung lạc dã tâm thực dân đế quốc. Dùng sức mạnh biển cả đó chúng ta mới chứng minh được công lý, lẽ phải, chính nghĩa ở bên mình và phi nghĩa ở phía kẻ thù.
Tinh thần công cảm khi được bộc lộ, nếu là chính nghĩa hẳn sẽ tạo nên sức mạnh vô song. Không phân biệt màu da, ngôn ngữ, nó lay động và kích thích nhiều thế hệ, tầng lớp khác nhau. Đôi khi nó vượt trên sức mạnh ngoại giao, quân sự…
Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 70 năm qua đã tận dụng khích lệ và phát huy được sức mạnh từ công cảm rất hữu dụng – biểu tình – để góp phần đưa dân tộc này từ thắng lợi này tới thắng lợi khác. Và khi chúng ta đã có chính quyền trong tay, việc luật hóa để biểu tình trở thành công cụ có ích cho Đảng, cho Chính quyền và người dân trong việc đấu tranh với cái xấu, cái phản cảm theo tôi là việc cần thiết.
Tôi không hiểu vì sao ĐBQH Hoàng Hữu Phước lại có thể gay gắt đến thế, hiểu sai đến thế về biểu tình?

LẠI MỘT KIỂU “THU MUA” THỜI BAO CẤP?

LẠI MỘT KIỂU “THU MUA” THỜI BAO CẤP?

Trong cuốn “Đêm trước đổi mới”, có một ví dụ về việc “thu mua” của nhà nước: Năm 1978 giá thành 1m2 vải calicot sản xuất tại xưởng của Công ty Dệt Thành Công là 1,5 đồng. Tuy nhiên, mét vải đó phải bán cho Nhà nước với giá 1,2đ/m2. Đây là thời kỳ dân gian có thơ “Bắt phanh trần phải phanh trần/Cho may ô mới được phần may ô”. Người dân có gì cũng phải bán cho Nhà Nước, với giá do Nhà nước ấn định, trong khi muốn mua gì thì chỉ được mua theo tiêu chuẩn, theo kế hoạch phân phối. Ông Trần Đức Nguyên, nguyên trưởng Ban nghiên cứu của Thủ tướng cho rằng từ “thu mua” (vừa thu vừa mua) được hình thành từ thực tế này.
Ngày 23-11, Ngân hàng nhà nước đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Thương mại và Chế tác Vàng Ngọc Long số tiền 100 triệu đồng, tịch thu số ngoại tệ 12.195 USD đồng thời yêu cầu Giám đốc doanh nghiệp này phải bán 10.000 USD cho một tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ. Căn cứ xử phạt là nghị định 95 vừa được ban hành và có hiệu lực ngay trong ngày 20-11. Cùng với Ngọc Long, còn có một DN tư nhân khác bị phạt, bị buộc phải bán lại ngoại tệ và Đại học FPT bị xử phạt 500 triệu đồng do niêm yết học phí bằng USD.
Có thể nói, nghị định 95 là văn bản quy phạm được thực hiện nhanh nhất từ trước đến nay.
Thế là từ nay, những người dân có USD muốn bán, cũng chỉ có thể bán cho Nhà nước, với tỷ giá do nhà nước ấn định. Quy định của nhà nước rất rõ ràng, rằng: Nếu bị phát hiện bán USD cho tiệm không có giấy phép thu đổi ngoại tệ, người vi phạm sẽ bị phạt 50-100 triệu đồng và tịch thu tang vật.
Thực ra việc cấm mua bán, giao dịch bằng USD đã có từ lâu, nhưng với quy định xử phạt, tịch thu “tang vật” rất mạnh tay, Chính phủ cho thấy sự quyết liệt của mình, hoặc trong việc chống đô la hóa nền kinh tế, hoặc trong việc tăng dự trữ ngoại tệ. Tất nhiên, sẽ không có những hoạt cảnh ấu trĩ “Chỉ vài cây số đã có tới cả chục trạm kiểm soát” như thời bao cấp, nhưng các vụ bắt giữ và xử lý cũng không phải là nhỏ. Trả lời Tuổi trẻ, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, Nguyễn Hoàng Minh cho biết chỉ riêng tại TP HCM, chỉ tính từ đầu năm 2011, đã có tới 54 vụ mua bán ngoại tệ trái phép, trong đó đã khởi tố hình sự 5 vụ và chuẩn bị khởi tố thêm 2 vụ nữa.
Nhưng liệu biện pháp ngăn sông cấm chợ này có giúp dự trữ ngoại tệ được nâng lên? Có dẹp được những cái chợ đen? Có làm giảm bớt tình trạng đô la hóa nền kinh tế?
Dự trữ ngoại tệ trong dân ước tính không hề ít hơn dự trữ ngoại tệ quốc gia. SGTT dẫn lời Kinh tế gia trưởng của ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Martin Rama cho rằng: “Người dân Việt Nam đang nắm giữ hàng tỉ USD”. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thì kể lại chuyện đã cùng phỏng đoán với Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa: “Chúng tôi giật mình khi thấy sai số là 9,7 tỉ USD. Con số này không thấy xuất hiện trong tài khoản ngân hàng. Tức là nó nằm trong túi người dân”.
Còn chính ông Nghĩa cho biết: Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia đã kiểm tra tất cả các tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ của dân cư, có người gửi ngân hàng tới 260 triệu USD (Sau này ông đính chính là 260 ngàn USD). Điều này cho thấy chúng ta không thiếu ngoại tệ nhưng dân chúng không đủ lòng tin để bán USD cho ngân hàng”.
TS. Phí Đăng Minh, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN), cũng cho biết NHNN ước tính lượng vàng trong dân tại Việt Nam hiện khoảng 300-500 tấn. giá trị tương đương 28 tỷ USD.
Ai cũng biết vàng trong ống bơ là vàng chết. Trong hoàn cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam, chỉ vào khoảng 15 tỷ USD thì rõ ràng lượng vàng chết, lượng USD cất tủ là một khoản tiền lớn mà không một nhà nước nào không muốn đưa vào lưu thông.
Nhưng không thể “giữ hộ dân” bằng cách “thu mua” một chiều, bằng biện pháp kiểu ngăn sông cấm chợ như thời bao cấp.
TS Vũ Đình Ánh, một quan chức của Bộ Tài chính từng nói: Nguyên nhân quan trọng nhất(của tình trạng đô la hóa nền kinh tế) là niềm tin vào đồng Việt Nam bị hạn chế bởi lạm phát quá cao… Đồng tiền phải thực hiện đủ các chức năng của nó: thứ nhất là thước đo giá trị, thứ hai là phương tiện thanh toán và thứ ba là phương tiện dự trữ. Nhìn ở cả 3 chức năng này, đồng tiền Việt Nam đều không thực hiện được chức năng của nó”.
Cái gốc của việc tránh USD hóa, vàng hóa phải là niềm tin của nhân dân. Bởi nếu nhân dân không còn niềm tin vào đồng nội tệ, bị phá giá bởi lạm phát chẳng hạn, thì thay vì USD bị cấm, người dân sẽ chuyển sang Euro, Yên Nhật, thậm chí, Nhân dân tệ.
Không lẽ lúc đó lại cần những nghị định 96, 97, 98 để cấm mua bán Euro, Yên, Nhân dân tệ?
Đ. T.