10/11/10

Việc hệ trọng hàng đầu hiện nay

Dự thảo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung và phát triển năm 2011” và các văn kiện Đại hội XI vừa được công bố hôm 15 tháng 9, bảo là để lấy ý kiến của nhân dân. Báo chí và các phương tiện truyền thông của Đảng đã đưa hàng loạt phản hồi tán thưởng, ngợi ca. Hầu hết đều hời hợt, nông cạn vì chẳng qua tất cả đều nói-theo-chỉ-đạo hoặc nói-lấy-được, không thấy cái trí và cái tâm đâu cả. May sao, đâu đó có thể đọc được một số ý kiến khá thấu đáo. Xin được lược ghi:


“Luận điểm ‘Loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội’ chỉ nên xem là một phán đoán để ngỏ, đúng như thực chất của nó. Phán đoán này vốn không có ý nghĩa chính trị thiết thực (không đề cập gì về thời gian, không gian, thời điểm, các lực lượng tác động, các phương thức). Vì vậy, càng không thể được coi là luận điểm xuất phát để xây dựng cương lĩnh chính trị. Tốt nhất là đưa khỏi dự thảo cương lĩnh một phán đoán chưa đủ cơ sở lý luận và căn cứ thực tiễn như vậy để tránh lầm lẫn trong nhận thức.

Những quan điểm bảo thủ được gán cho cái nhãn mác đẹp đẽ là trung thành với lý tưởng XHCN, đã bị lợi dụng cho những lợi ích phe nhóm với những đặc quyền đặc lợi phát sinh trong cơ chế thị trường. Nó hù dọa xã hội về mọi tai ương đe dọa, bóp nghẹt mọi ý kiến đòi thực hiện đúng nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước, chụp cho nó mọi cái mũ xấu xa… Đã có một bộ phận miệng nói XHCN, nhưng chân bước đi theo con đường man rợ mà chủ nghĩa tư bản từng bắt buộc phải đi qua vào một thời điểm lịch sử khác, trong giai đoạn tích lũy ban đầu: bóc lột, tàn phá thiên nhiên, bóc lột sức lao động, chiếm đoạt đất đai, của cải, tài sản nhà nước, lũng đoạn quyền lực. Đối với nó, XHCN là một khái niệm hoàn toàn trống rỗng, nhưng nó muốn lợi dụng đến cùng để che đậy bản chất thật và trục lợi, trước khi công khai xé bỏ hoàn toàn khi đủ điều kiện”.
(Bùi Đức Lại – nguyên cán bộ Ban Tổ chức Trung ương Đảng)

“Nếu biết cái đích đi tới được sau 35 năm độc lập thống nhất là thực trạng mọi mặt đất nước như hôm nay, liệu dân tộc ta trước đây có dám hy sinh chiến đấu hết thế hệ này đến thế hệ khác như vậy dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hay không?”.
(Nguyễn Trung - cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan )

“Quyền sở hữu toàn dân là một khái niệm kỳ quặc […]. Đó là một sự ‘sáng tạo’ chết người của những người được dân ủy thác. Không có cái gọi là sở hữu toàn dân. Đó chỉ là một từ được ‘sáng tạo’ ra để duy trì ‘quyền sở hữu thực’ của một nhóm cá nhân. Xét thực tế đó cũng chẳng khác gì quyền của vua chúa xưa kia. Nhưng chí ít vua còn công khai tuyên bố rằng là của ông ta và có quyền ban, phát cho các cận thần”.

“Chính sự không rạch ròi này là nguyên nhân của trên 98% các vụ khiếu kiện trong thời gian vừa qua. Đã đến lúc phải giải quyết tận gốc vấn đề sở hữu, nếu không tình hình khiếu kiện còn tiếp diễn và, nhiều hơn, có thể dẫn đến bất ổn xã hội trầm trọng và cản trở sự phát triển của đất nước”.
(Tiến sỹ Nguyễn Quang A – nguyên viện trưởng Viện IDS )

“Hai quốc gia Bắc Triều Tiên và Cuba kiên trì giữ nguyên mô hình xã hội chủ nghĩa xô viết, càng ngày càng lâm vào nghèo đói và bế tắc. Năm 2010 này, Cuba bắt đầu giao đất cho nông dân và các nhà đầu tư. Đầu tháng 9-2010, trả lời nhà báo Mỹ, ông Fidel Castro đã cho rằng đường lối kinh tế của Đảng Cộng sản Cuba trước đây không còn phù hợp.

Nhiều nhà nghiên cứu nhất trí rằng: Chủ nghĩa xã hội khoa học thất bại vì thật ra nó còn không tưởng hơn cả những chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa không tưởng tiền bối. Nó từ bỏ những giá trị văn minh mà nhân loại trải nghìn năm mới tìm thấy, rồi chọn cho mình những giá trị chưa hề được thử thách.

Lần này, dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XI viết: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội ” (Mục 1 – Giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường).

Thật quá mù mờ và sai trái! Các nhà lý luận của chúng ta lại quên những lời dạy cơ bản của Marx: “Vật chất có trước và quyết định ý thức”, và của Lenin: “Trên mảnh đất sản xuất cá thể, hằng ngày, hằng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản"!

Ngay sau khi nhà nước cho phép kinh doanh tư nhân đã có những đảng viên cộng sản như Lê Kiên Thành (con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn) xin ra Đảng để được làm ‘nhà hữu sản mới’. Đó là những người thức thời và sòng phẳng. Nhưng chỉ vài ba năm sau, xã hội phát hiện có không ít người vẫn đang sinh hoạt Đảng, thậm chí còn đương chức mà đã là nhà hữu sản lớn bằng thủ đoạn đứng phía sau vợ con.

Ngày nay trên đất nước ta không phải chỉ có mảnh đất sản xuất cá thể mà đang có "những nhà hữu sản mới thoát thai từ tham nhũng, đạo lý kém hơn, chụp giựt hơn, lưu manh hơn". Việc tìm cách đưa họ vào con đường phát triển tư bản văn minh, ngăn chặn họ hình thành những nhóm lợi ích đã là vô cùng nan giải rồi, huống hồ lại toan đưa họ vào định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ bằng các "nguyên tắc và bản chất” vô hình!”
(Tống Văn Công – nguyên Tổng biên tập báo Lao Động )

Trên đây chỉ là lược trích một số ít, mặc dầu đã có nhiều ý kiến thấu đáo khác nữa như vậy, một số cán bộ cách mạng kỳ cựu và trí thức vì quá bức bối vẫn yêu cầu tôi tiếp tục góp lời bàn thảo.

Ông Nguyễn Thanh Giang
Tôi đang lưỡng lự chưa biết nên hành xử thế nào vì biết rằng nói với họ chẳng qua chỉ như “đàn gẩy tai trâu”, “nước đổ đầu vịt”. Bỗng nhiên, có cuộc hẹn giữa tôi với ông Đặng Quốc Bảo – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – vào hồi 15 giờ ngày 24 tháng 9 năm 2010.

Do có một cuộc trò chuyện lý thú khác trước đó kéo dài nên tôi đến trễ 25 phút. Người giúp việc ra mở cửa có ý trách: “Ông cháu đợi ông đã lâu quá rồi!”.

Ông Bảo kể tôi nghe về cuộc thời đàm giữa ông với ông Lê Đức Anh hôm 18 tháng 9 năm 2010. Ông Lê Đức Anh mời ba người đến nhà: Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc; Nguyễn Trọng Vĩnh và ông Đặng Quốc Bảo. Tuy nhiên, chỉ mình ông Bảo đến. Ý nghĩa cuộc thời đàm cuốn hút đến nỗi đã bắt đầu từ 9 giờ sáng. Nhưng nếu không bị cái ngưỡng 12 giờ trưa chặn lại thì hai ông già ngấp nghé chín mươi vẫn chưa chịu rời nhau. Sang đến cuộc trò chuỵện này thì tôi cũng đã không thể dứt ra được nếu vợ tôi không gọi bằng điện thoại di động đến nhắc trời đã tối và nhà đang chờ cơm.

Chuyện khá dài nhưng tôi chỉ xin ghi tóm tắt ở đây đoạn mở đầu câu chuyện mà ông Lê Đức Anh đã nói với ông Đặng Quốc Bảo một cách nghiêm trọng và cho là hết sức bức thiết.

Điều rất nguy hiểm là
họ đang âm mưu dựng
Nguyễn Phú Trọng lên làm TBT
Có 4 ý chính:
1. Tình hình rất đáng quan ngại là hiện nước ngoài đang tích cực can thiệp vào vấn đề nhân sự đại hội XI của Đảng ta.

2. Điều rất nguy hiểm là họ đang âm mưu dựng Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư.

3. Người ngoan ngoãn vâng lời Trung Quốc đến mức vô nguyên tắc là Nông Đức Mạnh.

4. Dẫu chưa thỏa đáng lắm nhưng, trong tình hình này, có thể là nên chấp nhận Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng Bí thư.
Những thông tin này dường như không thể tin được nếu trước đây mấy giờ không có buổi gặp giữa ông Nguyễn Văn Hội với tôi (mà vì câu chuyện với ông Nguyễn văn Hội khá hấp dẫn nên tôi trễ hẹn với ông Đặng Quốc Bảo).

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ông Hội từng làm Đại đội trưởng ở cùng đại đội mà ông Lê Đức Anh làm chính trị viên. Trong phòng khách, ông Hội có treo hai bức ảnh ông chụp chung với hai vị chủ tịch nước đã từng đến đây thăm ông mấy lần: Lê Đức Anh và Nguyễn Minh Triết.

Không biết có phải hữu ý không nhưng cả buổi trò chuyện, ông Hội đã trình bày với tôi khá chi tiết về ông Lê Đức Anh. Những thông tin từ ông Nguyễn văn Hội, cũng như những thông tin lâu nay vẫn được nghe vì đều không có điều kiện kiểm chứng nên không thể nào đánh giá đúng về ông Lê Đức Anh và trung tướng Nguyễn Chí Vịnh. Tuy nhiên, dù ông Lê Đức Anh có man khai lý lịch và đã từng làm mật thám cho Pháp… thì chuyện ông Lê Đức Anh nói với ông Đặng Quốc Bảo vẫn làm tôi nức lòng. Tôi tâm tình với ông Bảo: “Đây là sự kiện rất hệ trọng và ngày hôm nay là một trong những ngày vui nhất đối với tôi trong những năm gần đây”.

Tôi cho rằng, khác với mẫu người cố cựu, giáo điều nên thường kiên định lập trường như Trường Chinh, loại như Lê Duẩn, Lê Đức Anh linh hoạt hơn, thực dụng hơn, dễ xoay 180° hơn. Lê Duẩn từng theo Trung Quốc chống xét lại nhưng rồi cũng đã nắm tay Liên Xô đả Trung Quốc. Lê Đức Anh từng dựng Lê Khả Phiêu lên làm Tổng Bí thư nhưng lại đã quật đổ Lê Khả Phiêu không thương tiếc… Có thể Lê Đức Anh từng thần phục Trung Quốc khi đưa ra “giải pháp đỏ” và từng mang ơn Trung Quốc đã chữa bệnh cứu mạng cho ông ta, nhưng cũng có thể ông vì còn sáng suốt nên đã trở cờ? Mà trở cờ đúng.

Về Nguyễn Phú Trọng, trong bài “Rất đáng phàn nàn về ông Nguyễn Phú Trọng” đề ngày 7 tháng 5 năm 2007 tôi đã viết:
[…] “Ông Nguyễn Phú Trọng qua chuyến viếng thăm Trung Quốc, với cương vị Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đầu tháng 4 năm 2007 vừa qua, vừa không biểu thị được tự trọng dân tộc, lại có thái độ tự ty của kẻ chư hầu nên rất đáng chê trách ! […]

Vậy mà tiếp ông Nguyễn Phú Trọng hôm 9 tháng 4 năm 2007, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc đã cao giọng căn dặn: hai bên cần “giải quyết ổn thỏa vấn đề biên giới, lãnh thổ, thực hiện tốt các hiệp định liên quan, cùng nhau giữ gìn ổn định của vùng biển Nam Trung Quốc.

Thật là ngạo mạn và dớ dẩn. Tôi sang thăm anh như một người bạn láng giềng để giao hảo và xem có gì cùng có lợi thì bàn nhau hợp tác mà làm, sao anh lại dám giao nhiệm vụ cho tôi phải “giữ gìn ổn định vùng biển Nam Trung Quốc ”. Chỗ nào đúng là “vùng biển Nam Trung Quốc” của anh thì anh lo mà “giữ gìn ổn định” lấy chứ. Tôi có là tay sai, là chư hầu của anh đâu mà anh có quyền giao nhiệm vụ ? Tôi cũng không thèm tham lam như anh để rồi lăm lăm làm mất ổn định cái “vùng biển Nam Trung Quốc” nào đó của anh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tên là Tần Cương lại còn trâng tráo gọi hành động của ta là “xâm phạm chủ quyền lãnh thổ cũng như chủ quyền và quyền cai quản của Trung Quốc” . Ông ta lếu láo trịch thượng: “Trung Quốc bầy tỏ hết sức quan tâm việc này và đã giao thiệp nghiêm khắc với Việt Nam” (Tôi dù lớn, dù nhỏ cũng là bạn anh, anh có định nghiêm khắc thì cũng chỉ có thể nghiêm khắc với các con dân của các anh thôi chứ ! Ví dụ, hãy nghiêm khắc dạy con dân của các anh rằng đừng có dại dột noi gương cha ông mà kéo nhau sang vùi xác ở gò Đống Đa chẳng hạn…) […]

… Rõ ràng kiểu hành xử của Trung Quốc như vậy, xét cách nào cũng không chấp nhận được. Thế mà ông Nguyễn Phú Trọng đã không có nổi một phản ứng, dù rất nhẹ nhàng, tinh tế. Ông vẫn dẫn vợ đi thăm thú đó đây thoải mái và cười vui hơi nhiều!

Đành rằng đang trong không khí “tay bắt mặt mừng”, chẳng tiện đối đáp chát chúa làm gì, nhưng ít ra khi Ngô Bang Quốc giao nhiệm vụ “giữ gìn ổn định biển Nam Trung Quốc”, Nguyễn Phú Trọng, chẳng hạn, cũng nên “báo cáo” lại rằng mong các đồng chí hãy giữ gìn ổn định Biển Đông Việt Nam để thực hiện “Chiến lược Biển” quan trọng mà Hội nghị Trung ương IV của Đảng chúng tôi vừa nêu ra.

Phô trương thắng lợi chuyến đi, bài “Ấn tượng Trung Hoa” đăng báo Nhân Dân số ra ngày 11 tháng 4 năm 2007 trình bầy cuộc thăm viếng Trung Quốc của ông Nguyễn Phú Trọng viết: “Đáng mừng là, cùng với thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế, Trung Quốc đang thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều hơn tới Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam xây dựng một số nhà máy, công trình như nhà máy gang thép Thái Nguyên, nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, nhiệt điện Quảng Ninh, nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám ở Ninh Bình…”.

Cả một nước Trung Hoa vĩ đại, “cùng với thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế”, khi “thể hiện sự quan tâm ngày càng nhiều hơn tới Việt Nam” mà chỉ hỗ trợ xây dựng được mấy nhà máy “thủ công” như thế. Vậy mà cũng “đáng mừng là” lắm sao ! […]

Thế mà ông Nguyễn Phú Trọng cười vui hoan hỷ hơi nhiều, cảm ơn hơi nhiều, hứa học tập và noi gương hơi nhiều. (Vì vẫn còn đeo đẳng cái tư tưởng nô lệ ý thức hệ hơi nặng).

Ngạc nhiên hơn là, ông Nguyễn Phú Trọng oang oang báo cáo với Trung Quốc và với toàn thế giới rằng: “Từ ngày nhận lãnh cương vị chủ tịch Quốc hội, nước đầu tiên tôi đi thăm là Trung Quốc”. […]

Nhẽ ra, dẫu ông Nguyễn Phú Trọng có muốn tranh thủ Trung Quốc như thế nào đấy thì ông cũng chỉ cần biểu thị bằng hành động là đã đủ. Nói ra như vậy hết sức vô chính trị. Chẳng nhẽ ông Nguyễn Minh Triết lên làm chủ tịch nước, ông Nguyễn Tấn Dũng lên làm thủ tướng chính phủ mà không sang thăm ngay Trung Quốc là không đúng bằng ông Nguyễn Phú Trọng hay sao? Chẳng nhẽ đối với Việt Nam, tất cả các nước đều chỉ được xếp hàng sau Trung Quốc hay sao?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chọn Nhật Bản, chủ tịch Nguyễn Minh Triết chọn Lào là những nước đến thăm đầu tiên (chứ không phải Hoa Kỳ hay Trung Quốc) là rất thông minh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc trước để tháng 6 này chủ tịch Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ thì cũng phải đạo thôi. Nhưng, như đã nói, chỉ cần biểu thị bằng hành động thế là đủ, hà tất phải “nhất bộ nhất bái” thiên hạ làm gì!

Có cụ cách mạng lão thành đặt câu hỏi: “Hay là họ muốn vỗ vào mặt nhau, muốn chèn nhau để được ưu tiên đón nhận ân huệ và sự bảo trợ của Trung Quốc?” […]

Một thiếu nhi Tháng Tám của tôi khi xưa, sau này học đại học văn khoa với Nguyễn Phú Trọng cho biết rằng, ở lớp anh ta học rất bình thường, cũng chẳng có hoạt động xã hội sôi nổi gì, vậy mà không biết nhờ đâu anh ta thăng quan nhanh thế ?

Thực vậy, ông Nguyễn Phú Trọng từ một học sinh trơn vào đại học. Đường đi thênh thang, dễ dãi quá khiến ông không có được cái tư chất, cái bản lĩnh, cái nghị lực của người được gian nan thử thách, được xã hội đào luyện. Ông cũng không có thực tế tham gia chiến trường, không kinh qua hoạt động kinh tế hay khoa học công nghệ mà chỉ là một “thợ cạo giấy”. Hồi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội bị nhận xét là “lú như Trọng”. Phụ trách công tác lý luận thì toàn lý luận cùn. Sử dụng bừa bãi giấy mực, tiền của của nhân dân để “nói lấy được” những luận điểm cũ rích, lạc hậu đến mức đã thành phản động. Làm công tác tư tưởng bằng xiềng gông tinh thần, thuyết phục quần chúng bằng công an văn hóa và bằng tòa án xử theo chỉ thị...

Càng đáng phàn nàn nữa là, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi chủ nhiệm Ủy ban An ninh Quốc phòng Lê Quang Bình yêu cầu báo cáo tình hình Biển Đông với đầy đủ những sự cố hết sức đáng quan ngại để Quốc hội xem xét thì Nguyễn Phú Trọng gạt đi và nói: “Tình hình Biển Đông năm qua không có gì mới”. Sự lấp liếm thật là trâng tráo!

Cho nên, vấn đề hệ trọng hơn mọi vấn đề hệ trọng hiện nay là phải ngăn chặn cho được âm mưu của nước ngoài đưa Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư.

Vì sao đây là vấn đề hệ trọng hơn cả?

Hãy thử so sánh với vấn đề tham nhũng. Tham nhũng đang là quốc nạn hết sức nhức nhối và tai hại. Tuy nhiên, dẫu người Việt Nam tham nhũng của nhau hàng chục, hàng trăm tỷ thì cũng không đau xót bằng bọn ngoại bang kia tham nhũng cả đất nước, cả dân tộc này. Họ không chỉ tham nhũng Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa… mà còn mồi chài, đút lót để giành được hàng loạt hợp đồng béo bở để ăn bẫm (hơn 90% các dự án nhiệt điện đều do Trung Quốc thắng thầu !?). Rồi họ phá kế hoạch của ta (tất cả 6 dự án điện do TKV ký với Trung Quốc: Cao Ngạn, Sơn động, Nông Sơn, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Mạo Khê đều chậm tiến độ ). Rồi biến đất nước này thành bãi rác chứa những đồ thải loại như xi măng lò đứng, như những nhà máy đường chưa hoạt động đã phải đắp chiếu…

Xâm lăng đã đành, thực dân đã đành, khốn khổ hơn, họ còn sẽ biến dân tộc này thành bầy lính lệ chiến đấu cho mục tiêu vươn lên đối địch với Hoa Kỳ của họ.

Thế giới trở nên đa cực, Trung Quốc không những chưa có khả năng mà cũng chưa có tiền đề trở thành một cực của thế giới. Việc trưng ngọn cờ XHCN hiện nay chỉ là sự lừa bịp nhằm lôi cuốn những kẻ nhẹ dạ, ngu dốt tự nguyện làm lâu la cho họ. Chính Đặng Tiểu Bình thừa nhận rằng Trung Quốc chưa thể làm kiểu con cọp, con beo gì mà chỉ có thể làm kiểu con mèo tư bản thôi.

Tư bản làm kinh tế thị trường, họ cũng phải xoay sang làm kinh tế thị trường. Tư bản thừa nhận tư nhân tham gia các hoạt động y tế, giáo dục, họ cũng phải chuyển sang xã hội hóa y tế, giáo dục... Họ có theo Mác nữa đâu. Họ có làm xã hội chủ nghĩa nữa đâu. Nước của họ vẫn là cộng hòa nhân dân kia mà. Họ vẫn làm con mèo tư bản đấy chứ. Có điều là con mèo mang màu sắc Trung Quốc thì còn dở hơn con mèo tư bản rất nhiều. Không những không giàu mạnh hơn mà còn bất công hơn, khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn xa hơn, dân chủ nhân quyền tồi tệ hơn…

Thế mà, họ không chỉ dụ dỗ, mua chuộc được một số kẻ nào đó bằng lời hứa bảo vệ ngai vàng và bằng tiền mà còn bằng cái gọi là ý thức hệ!

Việc gì Nông Đức Mạnh phải sang Trung Quốc để ra tuyên bố chung: “Hai bên cùng lập nhiều cơ chế hợp tác giữa các bộ, ngành, giữa các địa phương giáp biên giới hai nước, đặc biệt là cơ chế Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương để chỉ đạo và điều phối sự hợp tác Việt Nam-Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực”. Việc gì giữa thời bình mà phải tuyên bố: “Hai nước sẽ thiết lập đường dây nóng giữa các nhà lãnh đạo” ?… Rồi xây dựng đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam nối thẳng từ Trung Quốc vào Hà Nội. Rồi thường xuyên mở các hội thảo chung Trung-Việt để lĩnh hội chủ trương, đường lối xây dựng và bảo vệ chế độ...

Không biết người ta vô tình hay tình nguyện chấp nhận sự đô hộ mềm của ngoại bang một cách tội lỗi như vậy!

Sự nô lệ về ý thức hệ đã xúi bẩy và ép buộc người ta làm cải cách ruộng đất, giết hại hàng vạn đồng bào, đồng chí mình, trong đó có rất nhiều nhân tài kinh tế, nhiều người có công lớn với cách mạng. Rồi đẩy nhanh lên hợp tác xã cấp cao, phá họai nền nông nghiệp. Rồi diệt tư thương, tiểu thủ công, phá hoại công thương nghiệp… Thế chưa đủ đau xót sao, chưa đủ thúc giục lương tâm họ buộc họ phải thức tỉnh sao mà cứ u mê để ma đưa lối-quỷ dẫn đường mãi thế!

Cho nên, trong khi điều 4 Hiến pháp vẫn còn đó thì việc kịp thời ngăn chặn khả năng có một Tổng Bí thư thần phục Bắc triều là việc vô cùng hệ trọng không chỉ với ĐCSVN, mà cả dân tộc.
Nguyễn Thanh Giang
Ngày 10/10/2010
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
Điện thoại: 84 – 04 – 35 534 370

Tân Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam không thần phục Trung Quốc?

Bài viết “Việc hệ trọng hàng đầu hiện nay” của ông Nguyễn Thanh Giang có ghi lại bốn ý chính mà ông Lê Đức Anh trao đổi với ông Đăng Quốc Bảo:

1. Tình hình rất đáng quan ngại là hiện nước ngoài đang tích cực can thiệp vào vấn đề nhân sự đại hội XI của Đảng ta.

2. Điều rất nguy hiểm là họ đang âm mưu dựng Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư.

3. Người ngoan ngoãn vâng lời Trung Quốc đến mức vô nguyên tắc là Nông Đức Mạnh.

4. Dẫu chưa thỏa đáng lắm nhưng, trong tình hình này, có thể là nên chấp nhận Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng Bí thư.

Phát biểu của ông Lê Đức Anh đặt ra hai vấn nạn. Một là Trung Quốc đang là chỗ dựa vững chắc cho đảng cộng sản Việt nam, giúp đảng có thể trụ được để bảo vệ quyền lực. Vậy liệu có thể có một Tổng Bí Thư Đảng không thần phục Trung Quốc hay không? Hai là, với tình hình hiện nay, Trung Quốc có còn là chỗ dựa đủ vững chắc cho Đảng Cộng Sản Việt Nam không?

Vấn nạn thứ nhất đã được kiểm nghiệm với thực tế cho thấy khó có thể có một Tổng Bí Thư Đảng không thần phục Trung Quốc. Bởi vì không thần phục Trung Quốc thì đảng sẽ bơ vơ và sớm muộn sẽ bị mất quyền lực, cùng với mọi đặc quyền đặc lợi, không chừng còn phải trả lời về những lạm quyền trong quá khứ. Dưới thời Lê Duẩn, đảng không thần phục Trung Quốc và dựa vào Liên Xô, khi chỗ dựa Liên Xô bị sụp đổ, đảng đã phải quay về dựa vào Trung Quốc để có thể trụ được, như Hồi Ức của Ông Trần Quang Cơ đã ghi lại. Như vậy việc kêu gọi của ông Lê Đức Anh ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng, con đỡ đầu của Lê Đức Anh mà nguồn tin khác còn cho là con ruột của ông, chỉ là việc hù doạ trong đảng để đưa con mình lên. Nhất là hiện nay Nguyễn Tấn Dũng đang bị mất uy tín với dân chúng và trong đảng vì nhiều vụ tham nhũng tầy trời và vì quá bất tài. Điều đó cho thấy là Đại Hội đảng lần thứ XI sắp tới cũng sẽ chỉ có thể bầu được một Tổng Bí Thư đảng thần phục Trung Quốc không nhiều thì ít để đảng tiếp tục bám trụ. Và như vậy mọi việc sẽ vẫn như cũ.
Ông Lê Đức Anh còn khả năng bảo vệ
ông Nguyễn Tấn Dũng không?


Vấn nạn thư hai là thực tế đang mau chóng khiến Trung Quốc không còn là chỗ dựa vững chắc cho Đảng Cộng Sản Việt Nam nữa. Ngày sụp đổ của chế độ cộng sản Trung Quốc, theo một kịch bản tương tự như của Liên Xô hai mươi năm trước đây, đã gần kể. Tình hình sẽ không thể như trước được nữa. Nó hứa hẹn những thay đổi dồn dập và ngoạn mục.

Giải Nobel Hoà Bình cho Lưu Hiểu Ba vừa đem lại cho đối lập dân chủ Trung Quốc một biểu tượng lớn vừa đặt Trung Quốc vào thế đối đầu với dư luận của cả thế giới. Giải Nobel hòa bình có sức mạnh tinh thần và hiệu quả của nó. Đừng quên rằng Liên Xô đã bắt đầu tiến trình sụp đổ khi Sakharov được giải Nobel Hòa Bình.

Quan trọng hơn là lập trường dân chủ hóa mạnh mẽ của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo. Ông này là nhân vật thứ hai của chế độ nhưng lại là lãnh tụ được lòng dân nhất. Bộ Chính Trị Trung Quốc không thể cách chức và bịt miệng ông ta như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương trước đây. Họ không có cái uy của Đặng Tiểu Bình. Ôn Gia Bảo sẽ còn là một biểu tượng dân chủ mạnh hơn cả Lưu Hiểu Ba.

Thêm vào đó, Trung Quốc hiện rất bị cô lập vì thái độ hung hăng. Lý do của thái độ bá quyền là vì các lãnh tụ hiện nay đều xa lạ với quân đội và không kiểm soát được quân đội. Họ luôn luôn phải lấy lòng quân đội bằng cách lên gân, nhưng như thế lại càng bị cô lập thêm. Sự cô lập này sẽ đưa đến ác cảm với hàng hoá Trung Quốc nếu chính quyền Bắc Kinh tiếp tục ngoan cố thách thức thế giới, trong khi Trung Quốc sống nhờ xuất khẩu khá nhiều.

Một nghiên cứu của giáo sư Désirée Van Gorp thuộc bộ môn International Business Strategy của Đại học Nyenrode tại Breukelen, Hà Lan, cho biết 17% các công ti Hà Lan đã rút khỏi Trung Quốc. Có bốn lí do khiến các hãng này rời Trung quốc. Lí do đầu tiên là việc quản trị các hãng xưởng khó khăn vì ngôn ngữ và văn hoá. Ba lí do còn lại là tiền tốn phí cao hơn dự liệu, phẩm chất kém và việc sản xuất chậm. Ngoài ra những hãng xưởng được phỏng vấn còn cho biết thêm một số lí do khác, như rất khó kiếm được những nhân viên thích hợp, nghĩa là những nhân viên có trình độ học cao, có kiến thức chuyên biệt để làm các công việc như khảo cứu và phát triển (research and development). Với các hàng thời trang thì phẩm chất và được bán đúng thời điểm là những yếu tố quan trọng. Việc vận chuyển từ Trung Quốc tới Âu châu mất khoảng từ 30 đến 35 ngày cho nên nhiều khi mất đi yếu tố bán đúng thời điểm.

Như vậy Trung Quốc sẽ không có chọn lựa nào khác là dân chủ hóa và sẽ rất bối rối. Một kịch bản tương tự như đã thấy tại Đông Âu và Liên Xô khi bức tường Berlin sụp đổ sắp xảy ra cho Trung Quốc và Việt Nam.

Ở đây có một điều quan trọng cũng cần được lưu ý là các chế độ chư hầu KHÔNG đợi mẫu quốc sụp đổ rồi mới sụp đổ. Chúng sống trong niềm tin là chế độ mẫu quốc sẽ bền vững. Ngay khi mẫu quốc chao đảo, chúng sụp đổ. Các chế độ Đông Âu đã sụp đổ trước Liên Xô. Đó cũng sẽ là điều chúng ta sắp chứng kiến tại Việt Nam.

Vậy Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn gì? Muốn đi vào lịch sử như là một đảng đã có công đóng góp vào việc dân chủ hoá và phát triển đất nước hay là một đảng chỉ vì quyền lợi của mình đã thần phục Trung Quốc tới cùng? Tương lai của đảng tùy thuộc vào những quyết định nhân sự của đảng ở kì đại hội đảng lần thứ XI này.
Phan Bá Việt
(Hà Lan)

Cộng đồng người Khmer tại miền Nam

Nguyễn Văn Huy



Phạm Đỉnh: Tìm hiểu các cộng đồng sắc tộc có mặt trên đất nước Việt Nam là một việc cần thiết cho một sự hiểu biết đúng đắn cho quản lí xã hội. Dự Án Chính Trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên khẳng định rằng: "Việt Nam là đất nước xây dựng trên các cộng đồng". Bài viết của Nguyễn Văn Huy là một đóng góp cho việc nhìn lại một cộng đồng trong đại gia đình các cộng đồng sắc tộc tại Việt Nam.


CỘNG ĐỒNG NGƯỜI KHMER TẠI MIỀN NAM

Nguyễn Văn Huy

Đầu tháng 8-2005, một nhóm gồm 25 tăng sĩ Phật giáo tiểu thừa và 80 người Việt gốc Khmer tụ tập trước trụ sở Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh xin hưởng qui chế tị nạn. Những người này đến từ nhiều nơi khác nhau trên đồng bằng sông Cửu Long (Mekong) Việt Nam và đang tạm trú trong một chùa tại Phnom Penh. Sở dĩ có sự tụ tập này là vì họ bị buộc phải dời khỏi ngôi chùa vừa nói nên đến đây xin tị nạn. Những người này lo sợ cho số phận của họ vì trước đó một tuần chính quyền Campuchia đã cưỡng bách hồi hương về Việt Nam gần 100 người Thượng sau khi bị khước từ quyền tị nạn, vì tình nghi có tham gia vào những cuộc xuống đường hồi tháng 4-2004 vừa qua trên Tây Nguyên.

Các tổ chức Khmer Krom

Trả lời phỏng vấn của đài RFA (đài Á Châu Tự Do, phát thanh tại Hoa Kỳ) ngày 3-8-2005, những người này cho biết họ đã trốn sang Campuchia vì bị cáo buộc hoạt động cho một tổ chức của người Khmer ở Mỹ, một số sãi thường xuyên bị công an mời lên làm việc… Nhiều người nói thêm là họ không được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, đất đai bị tịch thu, không được sử dụng internet và bị cấm nghe các đài phát thanh của nước ngoài.

Sự thật như thế nào ? Sự hiện diện của những người Việt gốc Khmer này tại Phom Penh đã có từ lâu, ít nhất là từ nhiều tháng qua, và số phận của họ không có gì là bị đe dọa. Qua hình ảnh, người ta thấy những người này đều ăn mặc sạch sẽ, dáng người khỏe mạnh, cười nói tự nhiên trước ống kính các phóng viên quốc tế và được cảnh sát Campuchia tận tình giúp đỡ. Tổ chức mà họ bị cáo buộc tham gia mang tên KKF (Khmer Kampuchea-Krom Federation), trụ sở đặt tại Comlumbus, Ohio, Hoa Kỳ, do các ông Edward Tuon Son (chủ tịch), Kim To (tổng thư ký), Tran Manrinh (phát ngôn viên) lãnh đạo. Tổ chức KKF có một website KKN (http://www.khmerkrom.net), một đài phát thanh tên VOKK (Voice of Kampuchea-Krom Radio, trụ sở đặt tại Pennsauken, New Jersey), một hội sinh viên Phật giáo KKKUBS (Khmer Kampuchea Krom Union Bouddhist Students), do nhà sư Yieng Vanna làm chủ tịch và hội các tu sĩ Phật giáo KKBM (Khmer Krom Buddhist Monks), trụ sở đặt tại Phom Penh.

Chủ trương của KKF là đòi Việt Nam trả lại lãnh thổ Kampuchea Krom, tức toàn bộ lãnh thổ miền Nam Việt Nam từ Bà Rịa, Đồng Nai, Sông Bé đến Hà Tiên và mũi Cà Mau. Tổ chức KKF không ngừng gởi thư đến các định chế quốc tế tố cáo chính quyền cộng sản Việt Nam đàn áp người Việt gốc Khmer tại Việt Nam và dựng đứng nhiều chuyện ghê rợn như 10.000 người Khmer Krom bị thiêu sống năm 1945, hàng ngàn người Khmer Krom bị giết thả trôi sông từ 1976 đến 1979, hàng ngàn người Khmer Krom bị tàn sát tại Trà Vinh và Vĩnh Long từ 1984 đến 1990, v.v.

Hàng năm, cứ đến ngày 6-4, tổ chức KKF này vận động các sư sãi Khmer tại Việt Nam làm lễ kỷ niệm ngày chính quyền Pháp chuyển giao lãnh thổ Nam Kỳ (Cochinchine) cho Việt Nam (6-4-1949) và tố cáo các chính quyền Việt Nam cai trị lãnh thổ này như một thuộc địa (!). Chính sau những dịp này, vì sợ các chính quyền cộng sản địa phương bắt, một số sư sãi và thành viên KKF sinh sống trên đồng bằng sông Cửu Long dẫn gia đình sang Campuchia lánh nạn. Chính quyền Campuchia sẵn sàng cho họ tị nạn nhưng tất cả đều muốn được Mỹ cho tị nạn.

Một sự kiện cũng cần ghi nhận là chống Việt Nam gần như là đồng thuận chung của tất cả đảng phái chính trị tại Campuchia, nhất là vào những dịp tranh cử. Hiện nay tổ chức KKF được những đảng lớn như Funcipec, Sam Rainsy ủng hộ và giúp đỡ. Sở dĩ có sự đồng thuận này là vì lãnh thổ miền Nam trù phú hơn Campuchia nhiều lần và ước muốn của mọi người Khmer là thu hồi lại, trong khi phần lãnh thổ phía tây-bắc kém trù phú hơn (hiện nay là các tỉnh của Thái Lan : Trat, Chantaburi, Prachinburi, Burinam, Surin, Sisaket, Ubon Ratchathani, trước kia thuộc lãnh thổ đế quốc Angkor) không hề được nhắc tới. Phần đất kém trù phú này và lãnh thổ Nam Lào được người Khmer gọi là gọi là Kampuchea Leu (Campuchia Thượng). Lãnh thổ chính của người Khmer hiện nay là Kampuchea Kandal (Campuchia trung tâm), gồm các vùng đất quanh Biển Hồ (Tonlé Sap).

Những nhóm dân cư đầu tiên tại miền Nam

Những nhóm Khmer Krom thường viện dẫn những lý do lịch sử và văn hóa để chứng minh chủ quyền của người Khmer trên lãnh thổ miền Nam. Sự tiếp cận này tuy hợp lý nhưng không đúng. Người Khmer chưa hề làm chủ vùng đất này. Đế quốc Angkor trong thời cực thịnh nhất, từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 12, cũng chưa bao giờ làm chủ vùng đất này vì một lý do giản dị : người Khmer không có mặt trên đồng bằng sông Cửu Long. Cho đến nay khoa khảo cổ học không tìm thấy đền đài nào của thời Angkor trên đồng bằng sông Cửu Long. Cũng nên biết nền văn minh chói sáng của các thời đại Angkor thể hiện qua các công trình kiến trúc bằng đá, tất cả đều tập trung quanh khu vực Siem Reap và Battambang. Thời kỳ sau đó, từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ 17, lãnh thổ của vương quốc Chân Lạp chỉ quanh quẩn từ khu vực phía nam hồ Tonle Sap đến khu Mỏ Vẹt phía đông, và từ Stung Treng phía bắc đến Tàkeo về phía nam, mỗi khu vực do một tiểu vương chiếm giữ và đánh phá lẫn nhau. Những danh xưng như Moat Chruk (Châu Đốc), Phsar Dek (Sa Đéc), Toek Khmau (Cà Mau), v.v. chỉ xuất hiện sau này khi người Khmer theo chân người Việt và người Minh Hương đến khai phá đồng bằng sông Cửu Long, từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19. Di tích xưa nhất của người Khmer : các chùa chiền có cùng niên đại với sự xuất hiện của người Hoa và người Việt, nghĩa là cách đây khoảng 300 năm.

Những khám phá khảo cổ gần đây cho thấy những cư dân đầu tiên trên lãnh thổ miền Nam cách đây từ 8 đến 10.000 năm là người Melanesien, da đen, tóc quắn, thấp người, sinh sống bằng nghề hái lượm ; nhóm này đã đồng hóa những nhóm Veda có mặt cách đây trên 15.000 năm. Về sau là các sắc dân Indonesien di cư từ miền Tây Ấn Độ, cách đây từ 2.500 đến 4.000 năm, đến lập nghiệp, nhóm này đồng hóa những nhóm Melanesien có mặt trước đó. Địa bàn cư trú của những người này là những vùng đất cao, xa biển, có nhiều rừng và sông ngòi. Dấu vết người Indonesien được tìm thấy nhiều nhất tại tỉnh Đồng Nai và Kiên Giang, với những dụng cụ bằng đá và sắt.

Vào đầu công nguyên, ở vùng địa đầu miền Nam Việt Nam, những nhóm Indonesien bản địa, người Môn, đã kết hợp lại cùng nhau xây dựng vương quốc Phù Nam. Di chỉ Óc Eo ngày nay là một chứng tích. Hấp dẫn bởi sự phồn vinh của Phù Nam, nhiều nhóm Malayo-Polynesien (Nam Đảo) từ vùng biển phía nam đổ bộ lên vịnh Hà Tiên sinh sống, truyền bá luôn văn hóa và tổ chức xã hội theo khuôn mẫu Ấn Độ mà họ đã hấp thụ. Trong thế kỷ thứ 5, Phù Nam bị suy yếu dần vì nạn hải tặc ; đến giữa thế kỷ thứ 7, Phù Nam bị những nhóm Khmer từ cao nguyên Korat tràn xuống tiêu diệt và thành lập đế quốc Angkor. Đồng bằng sông Cửu Long trở thành một vùng đất hoang, địa bàn sinh trú của các bầy thú dữ và rắn độc.

Trong suốt thời kỳ hưng thịnh nhất của đế quốc Angkor, trung tâm chính trị và văn hóa được thiết lập phía bắc hồ Tonlé Sap, quanh Battambang và Siem Reap, nơi các đền Đế Thiên (Angkor Wat), Đế Thích (Angkor Thom) được xây dựng. Gần như tất cả dân cư sinh sống quanh trung tâm này đều bị bắt về làm nô lệ để xây dựng đền đài. Khi đế quốc Angkor bị người Xiêm La (Thái Lan) tiêu diệt vào giữa thế kỷ 15, không người Khmer nào dám phiêu lưu xuống đồng bằng sông Cửu Long lánh nạn hay lập nghiệp vì sợ rừng thiêng nước độc. Gần như tất cả dân cư Khmer đều tập cư quanh nơi tiếp giáp Biển Hồ và sông Mekong, tức thủ đô Pnom Penh ngày nay. Về sau, để tránh cảnh lụt lội, một số di dân phiêu lưu xuống những gò đất cao (giồng) tại Đồng Tháp và Châu Đốc định cư.

Mở rộng miền Đông

Theo Mak Phoeun (Histoire du Cambodge de la fin du XVIe siècle au début du XVIIe, EFEO, Paris, tr. 178), cho tới cuối thế kỷ 17 vùng đất phía Đông Nam, Prei Nokor (Gia Định) chỉ chính thức được sáp nhập vào lãnh thổ vương quốc Chân Lạp dưới triều Paramaraja III (1566-1576). Lý do là Paramaraja III muốn ngăn chặn sự xâm nhập của người Champa (Chăm và Thượng) vào sâu trong nội địa Chân Lạp, lúc đó đã có mặt đông đảo tại Barea (Bà Rịa) và Daung Nay (Đồng Nai). Trong quá khứ, Chiêm Thành và Chân Lạp đã nhiều lần tranh chấp và xâm chiếm lãnh thổ lẫn nhau. Đi theo đoàn quân này là một số nông dân Khmer phiêu lưu đến Tuol Ta Mauk (Thủ Dầu Một) và Kanhchoeu (Cần Giờ) khai khẩn đất hoang.

Để tách khỏi sự kềm chế của Xiêm La, năm 1620 Jayajettha II (1619-1627) muốn kết nghĩa sui gia với chúa Nguyễn ở Đàng Trong bằng cách cho người sang Phú Yên xin cưới công chúa Ngọc Vạn. Hậu ý của Jayajettha II là muốn được quân Việt tiếp cứu khi bị Xiêm La tấn công, đây là một tính toán chiến lược quan trọng vì người Việt ở quá xa lãnh thổ Chân Lạp nên không lo ngại bị xâm chiếm vì có vương quốc Champa làm khu trái đệm. Trong thời kỳ này, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), đang tranh chấp với chúa Trịnh, rất cần nguồn lương thực để nuôi quân ; có được một đồng minh chiến lược như Chân Lạp để làm hậu cần thì không gì quí bằng. Cả hai đều ngại kết hợp với người Chăm tại Panduranga để làm đồng minh. Bù lại, Jayajettha II nhượng cho Sãi vương quyền khai thác lãnh thổ Prei Nokor trong vòng 5 năm để làm nơi thu mua và vận chuyển hàng hóa (súc vật và lúa gạo) ra miền Trung. Kompong Trabei (Bến Nghé, tức Sài Gòn hiện nay) là nơi tồn trữ súc vật.

Từ 1622 đến 1623, quân Xiêm La tiến chiếm khu vực tây-bắc Biển Hồ và xúi giục các lãnh chúa địa phương chống lại Udong, thủ phủ Chân Lạp. Chống không lại, Jayajettha II cử người sang xứ Đàng Trong cầu cứu. Sau vài trận giao tranh, quân Xiêm bị đánh bật ra khỏi lãnh thổ, nhiều người bị bắt làm tù binh. Từ đó vua Khmer rất cần sự hiện diện của quân Việt trên lãnh thổ của mình, việc thu hồi hai nhượng địa Prei Nokor và Kompong Trabei không còn đặt ra nữa. Để tăng cường địa bàn hậu cần này, chúa Nguyễn đưa tù nhân bị đày biệt xứ và khuyến khích cư dân miền Bình Trị Thiên vào đây lập nghiệp.

Năm 1627, khi Jayajettha II qua đời, Chân Lạp trở nên loạn lạc. Anh em, chú bác và con cháu các dòng vương tôn tranh ngôi báu lẫn nhau, tất cả đều nhờ Xiêm La hoặc Đàng Trong vào can thiệp. Năm 1658 quân Xiêm tiến chiếm toàn bộ lãnh thổ phía tây-bắc Biển Hồ, Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) mang quân sang lấy lại. Nhưng sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Chân Lạp không giải quyết được gì, các dòng vương tôn tiếp tục tranh chấp lẫn nhau ngôi báu.

Năm 1674, Nặc Ông Nộn (Ang Nan hay Padumaraja) bị Nặc Ông Đài (Jayachettha III), người anh con chú bác, nhờ quân Xiêm giúp chiếm ngôi vua. Ông Nộn chạy sang Khánh Hòa (dinh Thái Khang) cấu cứu. Chúa Hiền sai Nguyễn Dương Lâm (tổng trấn Khánh Hòa) và Nguyễn Đình Phái (tham mưu) đưa Nặc Ông Nộn về chiếm lại Sài Gòn (Prei Nokor), Gò Bích (Longvek) và Nam Vang (Phom Penh), rồi vây thành Long Úc (Oudong). Nặc Ông Đài chạy vào rừng trốn, em là Nặc Ông Thu (Ang Sor hay Jayajettha IV) ra hàng. Từ đó Chân Lạp bị chia ra làm hai : Nặc Ông Thu làm đệ nhất vương cai trị vùng đất cao phía tây sông Mekong, thuộc ảnh hưởng của Xiêm La, thủ đô đóng tại Long Úc ; Nặc Ông Nộn làm đệ nhị vương cai trị vùng đất phía đông sông Mekong, tức miền Đông Nam phần (Châu Đốc, Đồng Tháp, Gia Định), thuộc ảnh hưởng của chúa Nguyễn, thủ đô đặt tại Prei Nokor (Sài Gòn). Nhưng tình hình vẫn không yên, cậy thế được quân Xiêm hay quân Việt bảo vệ, lãnh tụ hai phe Khmer tiếp tục tranh chấp lẫn nhau để giành độc quyền lãnh đạo lãnh thổ trung tâm. Cho đến gần cuối thế kỷ 17, khu vực Sài Gòn - Gia Định là một vùng tranh chấp, không thế lực nào làm chủ quyền thật sự.

Năm 1679 hai vị tướng nhà Minh - Dương Ngạn Địch (tổng binh quận Long Môn, tỉnh Quảng Tây) cùng phó tướng Hoàng Tiến, và Trần Thượng Xuyên (tổng binh các quận Cao-Lôi-Liêm, tỉnh Quảng Đông) cùng phó tướng Trần An Bình - không chịu hàng nhà Thanh, mang 3.000 quân bản bộ đi trên 50 chiến thuyền tới bể Tư Dung (Đà Nẵng) xin tị nạn, chúa Hiền chấp thuận và được đưa vào miền Đông khẩn hoang đất mới. Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến đem binh thuyền vào cửa Soài Rạp và Đại Tiểu, đồn trú tại Lộc Dã (Đồng Nai), Mỹ Tho (Định Tường) và Cao Lãnh (Cai Lậy). Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài) và Trần An Bình cùng binh sĩ dừng lại ở cù lao Phố (Nông Nại Đại Phố, hay Đồng Nai đại phố), Bàn Lân (Biên Hòa) và Đề Ngạn (Gia Định cũ) lập nghiệp. Nhiều người Minh Hương tị nạn trước đó tại những làng xã dọc bờ biển miền Trung cũng xin miền Đông lập nghiệp với hai binh đoàn này.

Từ đó hai đoàn quân Minh triều cùng với người Minh Hương vỡ đất phá rừng, đào kinh, cất phố, lập chợ, đưa văn hóa, văn minh và kỹ thuật cao của Trung Hoa vào thẳng miền Nam Việt Nam. Họ chọn những vị trí thuận lợi cho việc giao thông (những vùng đất cao cạnh mé sông) và tập trung khai thác những vùng đất mới.

Cũng nên biết miền Đông vào thời này còn rất hoang dã, nhiều huyền thoại của người Hoa còn lưu truyền cho đến nay, như huyền thoại về các võ sư người Hoa đến đất Gia Định tìm long mạch để khôi phục lại nhà Minh., từ đó xảy ra nhiều chuyện đấu võ giữa các võ sư phái Thiếu Lâm Tự và các võ sư bản địa, nhất là với phái võ Bình Định của Tây Sơn tại 18 thôn Vườn Trầu. Năm 1770 ông Tăng Ân, một võ sư người Hoa, đánh cọp bằng tay không tại chợ Tân Cảnh (Gia Định). Năm 1786, ông Võ Tánh đánh cọp tại thôn Vườn Trầu. Đất Gia Định thời đó còn nổi tiếng về ma quái và bùa phép. Nhiều am miếu, chùa chiền của người Hoa được xây dựng trong địa bàn Biên Hòa (cù lao Phố) và Gia Định như chùa Quan Đế năm 1694, chùa Giác Lâm do Lý Thoại Long xây năm 1774, chùa Kim Chương (hay Kim Chung) năm 1775, chùa Gia Thạnh năm 1789, Quan Võ Miếu năm 1820, chùa Bà Thiên Hậu... để tạ ơn các vị thần và trấn áp ma quỷ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Sau khi tạm ổn định cư trú và muốn phát triển vùng đất mới, Trần Thượng Xuyên kêu gọi những thương nhân gốc Hoa từ các quốc gia khác (Singapore, Mã Lai, Trung Hoa) đến buôn bán và làm phát triển nền kinh tế của vùng đất mới. Thương thuyền các nước Trung Hoa, Nhật Bản, Java qua lại trao đổi và buôn bán rất tấp nập.

Trong giai đoạn này sự phân chia lãnh thổ cư trú giữa các thành phần chủng tộc cũng khá đặc biệt. Quân và lưu dân Việt Nam trú đóng mạn bắc Sài Gòn (Bà Rịa và Bến Nghé). Quân Minh triều cũ và người Minh Hương đồn trú tại Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho và Định Tường. Dân chúng Khmer tập trung tại Phú Lâm và các làng xã dọc hai bờ sông Cửu Long, đông nhất là tại Sóc Trăng. Ba thành phần sắc tộc này, do điều kiện sinh kế, đã sống xen kẽ và nương tựa lẫn nhau. Người Khmer thích ở nhà sàn, định cư trên những vùng đất cao (giồng), người Việt và Hoa thích nhà trệt và sống trong các vùng đất thấp (đồng bằng). Sự giao lưu giữa ba thành phần này có lúc rất hài hòa nhưng cũng có lúc rất gay go vì ngôn ngữ và văn hóa bất đồng.

Năm 1698, Minh vương Nguyễn Phúc Chu phong Nguyễn Hữu Kính làm Kinh lược sứ lãnh thổ miền Đông, ông lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lấy đất Biên Hòa lập Trấn Biên dinh và đất Gia Định lập Phiên Trấn dinh. Ông chiêu mộ lưu dân ngũ Quảng (Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên) vào khai khẩn đất hoang. Từ đó toàn bộ đất đai miền Đông được sát nhập vào sổ bộ Việt Nam. Những thành phố, làng xã mang tên Khmer đều được phiên âm ra tiếng Nôm (dựa theo cách phát âm của người Hoa). Theo Trịnh Hoài Đức (Gia Định thành thông chí), vào đầu thế kỷ 18, đất Gia Định rộng 1.000 dặm, dân số được hơn 40.000 hộ (200.000 người), đa số là người di dân gốc Việt, số còn lại là người Hoa và Khmer sinh sống bằng nghề buôn bán và làm rẫy.

Khai phá miền Tây

Năm 1671, một người Hoa tên Mạc Cửu (Mạc Kính Cửu), quê ở Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người lên thuyền rời khỏi Phúc Kiến. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả, phái đoàn Mạc Cửu đổ bộ lên một vùng đất hoang trong Vịnh Thái Lan. Sau khi dò hỏi và biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng Chân Lạp, phái đoàn liền tìm đường đến Oudong xin tị nạn, nhưng lúc đó nội bộ Chân Lạp có loạn. Mạc Cửu gặp Nặc Ông Thu (Ang Sur, Jayajettha III) và ở lại hợp tác cho đến năm 1681. Vì không được tin cậy, Mạc Cửu từ giả nhà vua và được chấp thuận khai khẩn vùng đất hoang trong vịnh Thái Lan mà không phải trả một khoảng thuế nào. Cũng nên biết trong giai đoạn này uy quyền của vua Chân Lạp không ảnh hưởng gì trên những vùng đất ven biển, vịnh Thái Lan là nơi hành nghề của các đám hải tặc gốc Hoa và Thái vì thương thuyền qua lại nơi này rất đông.

Mạc Cửu là một người giỏi tổ chức. Nhận thấy có khả năng khai thác nguồn lợi từ những đám hải tặc trong vịnh này mang lại, ông lập ra 7 sòng bạc dọc bờ biển để kinh tài : Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Kompong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Mán Khảm (cảng của người Mán, rtức người Khmer), sau đổi thành Căn Khẩu (Căn Kháo hay Căn Cáo). Tiếng đồn vang xa, lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi trong vịnh Thái Lan xin vào đây lập nghiệp, dần dần vùng đất này trở thành một lãnh địa phồn vinh với tên gọi mới : Căn Khẩu Quốc. Đảo Koh Tral cũng đổi tên thành Phú Quốc (vùng đất phú cường). Nhiều gia đình Khmer trong nội địa đã di cư đến đây lập nghiệp và sinh sống bằng nghề phục dịch. Những tay phiêu lưu giang hồ tứ xứ đến đầu quân dưới trướng Mạc Cửu ngày càng đông và là một đe dọa uy cho quyền Xiêm La đang lên trong vùng.

Năm 1708 Mạc Cửu liên lạc được với Minh vương Nguyễn Phúc Chu và năm 1711 được mời ra Huế tiếp kiến. Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu. Năm 1724, Mạc Cửu dâng luôn toàn bộ đất đai và được phong làm đô đốc cai trị lãnh thổ Căn Khẩu, đổi tên thành Long Hồ dinh. Từ 1729, Long Hồ dinh nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan. Mạc Cửu mất (1735), con là Mạc Sĩ Lân, sau đổi thành Mạc Thiên Tứ, được phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Gia đình họ Mạc được Ninh vương Nguyễn Phúc Trú nâng lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh đổi tên thành trấn Hà Tiên. Năm 1739, Mạc Thiên Tứ lập thêm bốn huyện : Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (bắc Bạc Liêu).

Thời bấy giờ nội bộ Chân Lạp tiếp tục có loạn, các vương tôn tranh nhau ngôi báu. Mỗi dòng đều cậy nhờ quân Việt hoặc quân Xiêm vào giúp đỡ. Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên) để được về Nam Vang cai trị. Năm 1758, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn (Ang Ton II) lên làm vua và được tặng thêm lãnh thổ Tầm Phong Long (Châu Đốc và Sa Đéc). Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp : Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel đến làng Peam), nói chung là toàn bộ vùng biển ven duyên quanh đảo Phú Quốc, Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Thật ra đây là những vùng đất hoang, không người Khmer nào sinh sống tại đây vì sình lầy và lụt lội quanh năm. Võ vương sát nhập tất cả các vùng đất mới vào trấn Hà Tiên, giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.

Từ đó các lãnh thổ miền Tây được qui thành ba đạo : Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), Tân Châu đạo (Tiền Giang) và Châu Đốc đạo (Hậu Giang). Long Hồ dinh được chuyển về Tầm Bào (Vĩnh Long) thuộc Châu Đốc đạo. Năm 1759, công cuộc bình định đất đai miền Nam xem như hoàn tất.

Cộng đồng người Khmer dưới triều Nguyễn

Trong cuộc tranh chấp giữa các vua chúa Chân Lạp, cộng đồng người Khmer tại miền Nam giữ thái độ trung lập. Dân chúng Khmer thường tìm cách tránh xa nơi nào có giao tranh, hoặc di cư về những vùng đất cao dọc hai bờ Tiền Giang và Hậu Giang (Ba Thắc) sinh sống (Trà Vinh, Sóc Trăng ngày nay) lập nghiệp. Khi thấy chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn nhiều lần đánh bại (1776-1777), cộng đồng người Khmer tại Trà Vinh có nổi lên ủng hộ nhưng bị Đỗ Thành Nhân cùng binh đoàn Đông Sơn tàn sát rất dã man năm 1780. Từ đó người Khmer giữ thái độ trung lập trong các cuộc tranh chấp giữa người Việt và người Hoa tiến chiếm các tỉnh miền Đông và miền Tây, cộng đồng người Khmer tránh xa những nơi hành quân và tranh chấp giữa quân Việt và quân Pháp.

Dưới thời Gia Long (1802-1820), toàn bộ lãnh thổ miền Nam tương đối ổn định. Khu vực biên giới giữa Việt Nam (Gia Định, Vĩnh Thanh) và Chân Lạp , tuy chưa được phân chia một cách rõ ràng nhưng rất ổn định. Chủ quyền trên các hải đảo trong vịnh Thái Lan cũng đã rõ ràng : đảo Phú Quốc, đảo Thổ Châu thuộc về nhà Nguyễn. Toàn bộ lãnh thổ Chân Lạp từ Phnom Penh đến hữu ngạn sông Hậu Giang (Kandal, Takeo, Kocong) đặt dưới quyền bảo hộ của nhà Nguyễn.

Năm 1817, Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) tuyển mộ người Việt và người Khmer đào kinh Núi Sập (Thoại Hà) từ Hậu Giang đến Rạch Giá. Từ đầu năm 1818, tướng Lê Văn Duyệt chỉ huy 55.000 dân công, trong đó dân công Việt được tuyển mộ ở Vĩnh Thanh và Định Tường do Thoại Ngọc Hầu điều khiển, dân công Khmer tuyển mộ ở Trà Ôn (đồn Uy Viễn) do Nguyễn Văn Tồn (một tướng gốc Khmer được Gia Long ban họ Nguyễn) chỉ huy đào kinh Vĩnh Tế, nối liền Châu Đốc với Hà Tiên đến năm 1823 thì hoàn tất. Từ đó đồng bằng sông Cửu Long đông đảo dần, người Việt và người Khmer sinh sống xen kẽ với nhau. Các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sa Đéc, Sóc Trăng, Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ trở nên trù phú. Do đất đai còn rộng, nhiều gia đình Khmer tự ý thay đổi chỗ ở khi có người Việt hoặc người Hoa đến lập nghiệp kế bên. Cũng nên biết người Khmer rất tôn trọng sự thuần chủng, những cuộc hôn nhân dị chủng, nhất là với phái nữ, rất khó được chấp nhận. Thêm vào đó yếu tố tôn giáo cũng rất quan trọng, đa số người Khmer theo văn hóa Ấn Độ và Phật giáo tiểu thừa nên không muốn có sự chung chạ trong các lễ đưa nước, rước nước…

Dưới thời các chúa Nguyễn và Gia Long, cộng đồng người Khmer hưởng qui chế tự trị. Sang thời Minh Mạng, chính sách đồng hóa (về văn hóa), dưới tên gọi "nhất thị đồng nhơn", nghĩa là phải coi họ là người (như chúng ta), được áp dụng chung cho tất cả các sắc tộc, kể cả những cộng đồng người Khmer sinh sống từ lâu tại miền Nam : Trà Ôn (Châu Đốc), Lạc Hóa (Cầu Kè, Tiểu Cần), Ba Thắc (Sóc Trăng, Kế Sách), Ô Môn (bắc Cần Thơ), Hà Tiên. Quyền hạn của giới tăng lữ Phật giáo tiểu thừa cũng bị giới hạn. Chịu không nổi chính sách đồng hóa của Minh Mạng, năm 1820 nhiều lãnh tụ Khmer như Achar Kuy (Chauvai Kuy), Teva Som ở Trà Cú kêu gọi dân chúng Khmer nổi lên chống lại, tất cả đều bị dẹp trong biển máu. Từ sau khi Lê Văn Khôi bị đánh dẹp năm 1835, cộng đồng người Khmer càng bị trù dập nhiều hơn : phải sống cố định, phum, sóc đổi thành làng, xã và họ tên của mỗi người phải được phiên âm tiếng Việt như Sơn, Thạch, Kim, Kiên…

Chính sách đồng hóa này gây bất mãn trong cộng đồng người Khmer. Năm 1838, một người tên Gi, giữ chức an phủ, và một viên quản cơ Khmer ở vùng biên giới Hà Tiên-An Giang cấu kết với quân Xiêm chống lại triều đình ; cuộc nổi dậy bị thất bại và tất cả các thủ lãnh đều bị giết. Năm 1840, người Khmer tiếp tục chống đối ở vùng biên giới này, hàng ngàn người Khmer từ núi Thất Sơn tràn qua biên giới đốt phá làng xã, chợ búa của người Kinh tại Kiên Giang, Rạch Giá, Tri Tôn.

Dưới thời Thiệu Trị, những cuộc nổi loạn của người Khmer xảy ra nhiều hơn, đặc biệt là tại Lạc Hóa (Trà Vinh, Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Chong), tức Trà Vinh (nay là Vĩnh Bình). Cuộc nổi dậy kéo dài 7 tháng, từ tháng 3 đến tháng 10-1841, thủ lãnh là Sana Som (Lâm Sum). Lâm Sum dùng bùa phép xui giục dân chúng Khmer địa phương theo nếu không sẽ bị hại, đa số người Khmer vì sợ thần thánh đã nghe theo. Khoảng 8.000 quân nổi loạn chiếm cứ một vùng đất dài hơn 30 km dọc hai bờ sông Hậu Giang. Thừa thắng xông lên, dân chúng Khmer sinh sống tại Sóc Trăng, Ba Xuyên, Trà Tâm, Sóc Sâm do Sana Tía lãnh đạo và tại Thất Sơn, Vĩnh Tế, Rầy Đéc, Cần Sư, Tịnh Biên, Hà Dương, Hà Âm, được quân Xiêm La do Phi Nhã Chất Tri (Chakri) lãnh đạo, cũng nổi lên chống lại quân triều đình. Nhà Nguyễn phải gởi những tướng nổi tiếng nhất của triều đình thời đó (Bùi Công Huyên, tổng đốc, tham tán trấn Tây Thành, Nguyễn Tấn Lâm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Tri Phương, Trương Minh Giảng) đến dẹp, tất cả đã phải rất khó khăn mới dẹp được yên.

Từ sau 1842, quan quân triều Nguyễn tỏ ra rất dè dặt với người Khmer, người Kinh từ miền Trung và những tội nhân thường phạm được ồ ạt đưa vào sống xen kẽ với người Khmer tại Lạc Hóa, Ba Xuyên, Tịnh Biên, nhiều kinh lạch được đào thêm để sự di chuyển của quân đội được dễ dàng, đặc biệt là trên kinh Long An Hà, nhiều đồn điền quân sự được thành lập dọc vùng biên giới (Giang Thành, Vĩnh Tế). Cộng đồng người Khmer tại đồng bằng sông Cửu Long bị cô lập hoàn toàn với triều đình Chân Lạp. Nói chung, cho đến khi Pháp chiếm đóng Lục Tỉnh, toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long đã được tổ chức rất nề nếp, mỗi địa phương quan trọng đều có một quan gốc Kinh cai trị.

Dưới thời Pháp thuộc, khu vực biên giới miền Nam và Cambodge đã được xác định lại khá rõ ràng. Tại một vài nơi như Cà Mau và Rạch Giá, người Pháp để người Khmer cai quản người Việt nên đã xảy ra nhiều cuộc tranh chấp đáng tiếc giữa hai cộng đồng năm 1868. Tuy nhiên đời sống người Khmer trong thời kỳ này thấp hơn người Kinh, vì người Khmer rất sợ giới quan quyền nên chịu nhiều thiệt thòi về ruộng đất và quyền lợi. Thêm vào đó, các quan chức Pháp rất coi thường người Khmer vì cho rằng không có kiến thức, trừ những người đã có chức phận từ thời nhà Nguyễn. Tên họ những người Khmer bị đặt một cách tùy tiện như Danh cho đàn ông và Thị cho đàn bà.

Trong những năm mất mùa vì lụt lội hay bão tố, cộng đồng người Khmer đã cùng người Kinh nhiều lần nổi lên chống lại những chính sách ức hiếp của người Pháp như năm 1928 tại Rạch Giá (vụ Ninh Thạnh Lợi) chống tịch biên ruộng đất và đòi dân sinh do chủ điền Chọt, Mốc và Cồ Cui cầm đầu. Nhưng nói chung, cộng đồng người Khmer vẫn thích sống tách biệt với cộng đồng người Việt và người Hoa. Trong thập niên 1940 phong trào Việt Minh có tiếp cận cộng đồng này, nhưng không đạt hiệu quả mong muốn, chỉ vài người như Lâm Phát (phó chủ tịch ủy ban hành chánh kháng chiến tỉnh Cửu Long), Maha Thông (hội trưởng hội Khmer Issarak), Thạch Ngọc Biên đã tỏ ra tích cực hợp tác. Tại một vài nơi, quân đội Pháp không dám vào Cầu Kè, Cầu Ngang, Hòa Tú, Lộc Hòa, Trường Khánh, Trà Vinh do Việt Minh chiếm giữ.

Cộng đồng người Khmer tại miền Nam ngày nay

Sau 1954, cộng đồng người Khmer đặt dưới quyền lãnh đạo của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Cộng đồng người Khmer cũng như rất nhiều cộng đồng sắc tộc khác rất bất mãn trước các dụ số 2, 7 và 57 (1956) nhằm đồng hóa họ theo người Kinh của chính quyền Ngô Đình Diệm. Lợi dụng cơ hội này, cán bộ cộng sản nằm vùng chiêu dụ được một số sư sãi Khmer như nhà sư Achar Lui Sarat, vì thành phần sư sãi rất được dân chúng Khmer nghe theo, chống lại chính quyền miền Nam. Để chống lại chính quyền miền Nam, họ lập ra hội Phật giáo tiểu thừa Theravada và hội Phật giáo người Việt gốc Miên (Khemaranikay) để lôi kéo người Khmer về phía mình. Nhiều nhân sĩ Khmer được bầu vào quốc hội như Sơn Thái Nguyên, Keo Seo Mây (Thạch Ngô). Nhiều đảng phái chống cộng được thành lập và được sư ủng hộ của chính quyền miền Nam như Đảng khăn trắng, Khmer Srei (Khmer tự do), Khmer Krom. Khu vực Trà Vinh, Trà Cú, Tri Tôn, Châu Thành, Lạc Hòa trở thành nơi tranh chấp giữa hai phe quốc gia và cộng sản, tất cả đều muốn tranh thủ các vị sư sãi, tức những nhà lãnh đạo tinh thần của người Khmer.

Ngày 20-9-1964, dưới sự đỡ đầu của tướng Khmer gốc Chăm, Les Kosem, tổ chức Fulro Khmer do Chau Dera lãnh đạo được thành lập tại Phnom Penh với ý đồ đòi lại lãnh thồ miền Nam, để cùng với người Chăm thành lập một quốc gia riêng. Tổ chức này có đưa người về miền Nam vận động giới sư sãi Khmer ủng hộ nhưng không mấy được theo vì người Khmer tại miền Nam không muốn bị một người Khmer gốc Chăm lãnh đạo. Mặc dầu vậy, cộng đồng người Khmer tại miền vẫn bị chính quyền Sài Gòn theo dõi khắc khe hơn, những sĩ quan và binh sĩ gốc Khmer bị kiểm soát chặt chẽ hơn và gần như tất cả những quân nhân và công chức cao cấp gốc Khmer được thuyên chuyển sang những đơn vị do người Kinh điều khiển.

Trong cuộc thảo luận ngày 30-12-1966 tại quốc hội Sài Gòn, danh xưng sắc tộc thiểu số được áp dựng cho tất cả các sắc tộc khác trừ người Khmer và người Hoa. Lý do là vì nếu được nhìn là người sắc tộc thì được miễn quân dịch, do đó thanh niên gốc Hoa và Khmer đều phải gia nhập quân đội. Nhưng chính quyền và dân chúng miền Nam vẫn nhìn người Khmer tại miền Nam với con mắt đầy nghi kỵ, vì những hành vi tàn ác của những thành phần Khmer cực đoan tại Cam-bốt đối với người Việt, nhất là sau năm 1970 khi xác người Việt bị giết thả trôi trên sông Tiền và sông Hậu. Sau khi quân đội Mỹ và miền Nam làm chủ chiến trường Cam-bốt sau 1971, sự giao thương qua lại giữa cộng đồng người Khmer tại miền Nam với Cam-bốt đã rất khắn khít. Nhân dịp này những thành phần Khmer quá khích tại Cam-bốt thành lập tổ chức Kampuchia Khmer Krom (KKK) để xúi giục người Khmer tại miền Nam Việt Nam đòi sáp nhập lãnh thổ miền Nam vào Cam-bốt. Tuy có làm nhiều cố gắng, những dân biểu gốc Khmer trong quốc hội đã tỏ ra bất lực trong việc giải tỏa ý đồ này.

Sau ngày 30-4-1975, cộng đồng người Khmer tại tỉnh Cửu Long được đảng cộng sản ưu đãi vì những thành tích chống chính quyền miền Nam trước đó. Sự kiện này càng làm cộng đồng người Khmer bị cô lập hơn vì đa số dân chúng miền Nam không ưa cộng sản. Với thời gian, cộng đồng người Khmer, cũng như toàn thể dân chúng miền Nam, nhận thấy sự tuyên truyền của chế độ cộng sản chỉ là láo khoét, cuộc sống của họ không khá gì hơn nếu không muốn nói là cơ cực hơn bởi các chính sách hợp tác hóa, đánh tư sản, v.v. Từ đó giới sư sãi của dân chúng Khmer nhìn chế độ cộng sản với con mắt nghi kỵ, nhất là từ sau 1979 khi Hà Nội chiếm đóng Campuchia. Đa số người Khmer miền Nam chống lại sự chiếm đóng này và cũng phần nào ủng hộ chủ trương sáp nhập lãnh thổ miền Nam vào Campuchia. Điều này không đúng với sự thật. Nhìn lại lịch sử, tổ tiên người Khmer tại miền Nam không phải là những người đầu tiên khai phá đồng bằng sông Cửu Long, công lao này thuộc về người Kinh và người Hoa.

Cộng đồng người Khmer tại miền Nam hiện nay khoảng 1,2 triệu người, đa số (90%) sinh sống trên lãnh thổ các tỉnh Cửu Long, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang và Minh Hải, số còn lại sinh trú và lập nghiệp quanh Sài Gòn và Tây Ninh.

Nguyễn Văn Huy

Một hình thức nổi dậy tại Việt Nam

Cao trào bảo vệ môi sinh ở Việt Nam, nổi lên vào năm ngoái nhằm phản đối việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, đang sôi sục trở lại. Tai nạn bùn đỏ độc hại ở Hungary vào ngày 4 tháng Mười đã thôi thúc hơn 2.000 người trong đó có những công dân hàng đầu đã ký một kiến nghị mới, kêu gọi nhà nước ngừng những dự án trị giá gần 15,6 tỉ Mỹ kim để tránh rủi ro gây ra thảm họa tương tự tại Việt Nam.

Vào đầu năm 2008, chính phủ Việt Nam công bố một dự án khai thác bô-xít và biến chế quặng này thành chất alumina, một giai đoạn trung gian trong việc sản xuất nhôm. Những người phê bình dự án bô-xít đã nêu rõ những tàn phá có thể xảy đến cho môi trường sinh thái tế nhị của vùng Tây Nguyên – nơi sinh sống của nhiều nhóm dân tộc thiểu số ở Việt Nam và là đất trồng trọt các nông phẩm lợi nhuận cao – và những rủi ro trong việc tích trữ những lượng bùn đỏ độc hại khổng lồ, một phó sản trong việc tinh chế alumina, ở thượng nguồn đồng bằng sông Cửu Long với số lượng dân cư đông đảo .
Vỡ đê ngăn bùn đỏ ở Hungary

Giới học giả Việt Nam cũng hoài nghi lợi nhuận kinh tế của dự án vì nhu cầu điện năng rất lớn, mà cả nước lại đang thiếu hụt, và dự án này đòi hỏi xây dựng một đường sắt dài 250 cây số và một hải cảng riêng biệt. Dự án này đòi hỏi chất alumina, một sản phẩm có lợi nhuận tương đối thấp, phải được xuất khẩu sang một thị trường duy nhất là Trung Quốc, khiến cho công nghiệp Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào một ông khách đầy quyền lực.

Yếu tố Trung Quốc đã tạo nên phần chống đối mạnh mẽ nhất. Đối tác liên doanh trong dự án bô-xít là Tập đoàn Nhôm của Nhà nước Trung Quốc (Chinalco). Mặc dù chính phủ Việt Nam lên tiếng phủ nhận, nhưng hiện nay đã có hằng trăm nếu không phải hàng ngàn công nhân Trung Quốc đang làm việc tại các công trường khai mỏ. Mối đe dọa cho an ninh quốc gia do sự hiện diện của người nước ngoài ở đây đã được nêu ra trong một loạt thư kiến nghị của vị tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp và các vị lãnh đạo quân sự khác đã về hưu.

Những tiếng nói phản kháng mạnh mẽ chưa từng thấy này đã khiến chính phủ Việt Nam phải lúng túng. Sau nhiều tháng trôi qua với sự xuất hiện của những bài báo chỉ trích trên một số nhật báo tiến bộ và những phê phán mạnh mẽ hơn trên các blog trong nước, chính phủ đã phải tổ chức một cuộc hội thảo “khoa học” vào tháng Tư 2009 để thảo luận về những mối ưu tư này. Giới lãnh đạo đã bày tỏ thiện chí lắng nghe những người phê bình nhưng không có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ lưu ý đến những ý kiến của phía phản biện. Bộ Chính Trị đảng Cộng sản hứa sẽ cho xúc tiến một cuộc nghiên cứu về ảnh hưởng của dự án lên môi trường, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy công bố kết quả. Cuối cùng, ông Nguyễn Tấn Dũng, người biểu trưng cho giới lãnh đạo Hà Nội, đã cho phép xúc tiến dự án đã khởi sự tại hai địa điểm. Hành động này của chính phủ đã khiến một nhóm học giả nổi tiếng khởi xướng một phong trào ký kiến nghị trực tuyến vào ngày 12 tháng Tư 2009, chỉ một vài ngày sau cuộc hội thảo. Nhằm kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam ngưng các dự án bô-xít, bản kiến nghị này cuối cùng đã thu thập được 2.746 chữ ký (4/11/2010) từ một liên minh trí thức bao gồm đủ mọi thành phần có quan hệ các cơ quan nhà nước, các cán bộ và sĩ quan đã nghỉ hưu, các nhà bất đồng chính kiến và các chuyên gia Việt Nam hải ngoại. Điểm đáng lưu ý là những người vận động kiến nghị đã thành lập một trang mạng không có sự chi phối của nhà nước với danh xưng Bauxite Việt Nam, kêu gọi các tiếng nói phản biện thẳng thắn đối với dự án khai thác bô-xít.

Đến tháng Mười Một năm 2009, trang mạng Bauxite Việt Nam đã thu hút gần 20 triệu luợt truy cập của người đọc và gây cơn thịnh nộ của chính quyền. Theo một nguồn tin thành thạo trong chính phủ Việt Nam, công an đã bắt giữ người đứng đầu trang mạng và ép buộc ông ta phải giao mật mã của website.
Sau đó công an đã âm mưu chuyển tên miền (web domain) của Bauxite Việt Nam từ vị trí gốc của nó tại Pháp sang một công ty cho thuê máy chủ tại Hồng Kông, với ý định xóa sạch tất cả nội dung và khai thác thông tin của người sử dụng. Trong trò chơi mèo và chuột trong lãnh vực công nghệ thông tin, những người hậu thuẫn trang Bauxite Việt Nam đã phục hồi phần lớn nội dung và mở lại trang mạng. Nhà cầm quyền Việt Nam sau đó cố gắng đánh sập trang mạng Bauxite Việt Nam bằng các mũi tấn công từ chối dịch vụ được phân bố (DDOS). (Chính quyền đã phủ nhận họ núp đằng sau các cuộc tấn công mạng này). Nỗ lực này của nhà cầm quyền – đã bị đại công ty công nghệ mạng Google và công ty an ninh mạng McAfee vạch trần qua các cuộc điều tra – trong đó liên quan đến các tin tặc đặt cở sở ở Việt Nam phát tán mã độc hại (malicious code) vào máy vi tính của người sử dụng internet khắp thế giới và điều khiển các máy vi tính vô danh đến trong một mạng lưới âm binh “botnet” rộng lớn nhằm tấn công website của Bauxite Việt Nam.

Mặc dù website này tạm thời ngưng hoạt động vào cuối năm 2009 và đầu năm này, nhưng nó vẫn tiếp tục hoạt động gần như suốt năm nay bất chấp thỉnh thoảng vẫn bị tin tặc tấn công. Cùng lúc nhà cầm quyền đánh vào hạ tầng cơ sở kỹ thuật của phong trào bảo vệ môi sinh, cảnh sát đã sách nhiễu một số người tham gia. Suốt năm nay công an thường xuyên thẩm vấn những người sáng lập phong trào và bắt giữ một vài người đã ký vào kiến nghị.

Đồng loạt phản đối

Mãi cho đến khi thảm họa môi trường xảy ra tại Hungary, hình như dự án khai thác bô-xít tại Việt Nam vẫn được xúc tiến bất chấp sự chống đối của quần chúng. Nhưng sự kiện bùn đỏ tràn ngập nhiều thị trấn tại Hungary không những gây chấn động cho các cộng đồng sống dọc theo sông Danube mà còn gây ảnh hưởng lên chính trị Việt Nam.
Bùn đỏ đổ ấp vào nhà dân Hungary

Đảng Cộng sản Việt Nam đang đương đầu với một cuộc chống đối rộng lớn nhất và có tổ chức nhất trong ký ức lịch sử gần đây, và phần lớn thành phần chống đối phát xuất ngay trong nội bộ. Hơn hẳn bản kiến nghị năm ngoái, bản kiến nghị tiếp nối kêu gọi ngưng khai thác bô-xít hiện nay đang thu hút sự hậu thuẫn của nhiều đại biểu Quốc Hội, quan chức chính phủ và nhiều nhân vật sáng giá trong Đảng Cộng sản. Khoảng 10 tướng lãnh hồi hưu đã ký vào bản kiến nghị gần đây nhất. Thậm chí em trai của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên bí thư tỉnh ủy An Giang, đã công khai ủng hộ bản kiến nghị này.

Cũng không nên đánh giá thấp tinh thần của quân đội đối với các dự án khai thác bô-xít này. Có một mối lo ngại ngấm ngầm trong Quân đội Nhân dân Việt Nam về sự xâm lấn của Trung Quốc. Người dân Việt Nam nhận thấy Bắc Kinh đang thực sự vươn cánh tay xâm lược đặt lên duyên hải Việt Nam bằng cách thường xuyên bắt giữ các tàu đánh cá Việt Nam và tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông thuộc lãnh hải Trung Quốc. Người ta được biết một vị tướng kỳ cựu giữ chức Chủ Tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã chỉ trích nghị quyết của Bộ Chính Trị cho phép Trung Quốc tiếp cận vùng Tây Nguyên chiến lược. Thêm nhiều chống đối từ các sĩ quan cấp cao có lẽ đang âm ỉ.

Để giảm thiểu lòng bất bình trong quân đội, giới lãnh đạo Hà Nội đã dành sự tôn kính đặc biệt cho một biểu tượng đầy khí thế – Đại tướng Võ Nguyên Giáp – mà mạng Bauxite Việt Nam đã dùng chân dung để trang điểm cho mạng Bauxite . Gần đây, nhân ngày sinh nhật thứ 100 của vị đại tướng, các nhân vật chóp bu trong Đảng đã đến bên giường ông trong bệnh viện để bày tỏ lòng kính trọng và gắn thêm một huy chương lên quân phục của tướng Giáp.

Nhiều nhà quan sát vẫn tiếp tục đặt câu hỏi tại sao các cấp lãnh đạo Đảng Cộng sản Viêt Nam lại hăm hở xúc tiến dự án khai thác bô-xít bất chấp những vấn đề như môi sinh, kinh tế và an ninh quốc phòng. Dư luận cho rằng, không khác gì với cấp lãnh đạo Châu Phi cũng đang tiếp nhận những dự án to lớn của Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam đã bị mua chuộc. Tin loan truyền trong giới blogs cuối năm vừa rồi cho rằng Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã được Trung Quốc hối lộ 150 triệu Mĩ Kim để hỗ trợ dự án bô-xít.

Nhìn nhận những chi phí to lớn đã bỏ vào dự án, phong trào bảo vệ môi sinh cho rằng hủy bỏ dự án bô-xít sẽ là một “quyết định đau đớn chưa từng có trong lịch sử kinh tế của chúng ta”, nhưng thà “chúng ta chịu đau khổ bây giờ còn hơn để lại hậu quả nghiêm trọng cho tương lai”. Phải chờ xem giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ phải giá nào trả nếu họ làm ngơ trước cơn bão tố đang âm ỉ này.
Người Hà Nội
2-11-2010
Nguồn : Asia Times

Thêm một người nữa...

Thế là lại thêm một người nữa bị bắt và chuẩn bị “tạm cư” dài ngày trong nhà tù ở Việt Nam-tiến sĩ luật, thạc sĩ văn chương, họa sĩ Cù Huy Hà Vũ.

Rất nhiều người, trong đó có tôi, không bất ngờ trước tin ông Hà Vũ bị bắt. Ngay chính vợ ông, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, khi trả lời phỏng vấn báo chí hải ngoại: “Chị đón nhận tin anh Hà Vũ bị bắt như thế nào, thưa chị?” cũng đã thẳng thắn trả lời: “Tôi chỉ nhận thôi, chứ tôi không đón. Tôi cũng đã cảm giác rằng, sẽ có một ngày như thế, nên mặc dù có bị sốc nhưng tôi không thật bất ngờ”. (Đàn Chim Việt, ngày 7.11)

Còn ông Cù Huy Chữ, người chú ruột của ông Hà Vũ, với cách nói rất kín kẽ, thâm trầm, cho biết những suy nghĩ bước đầu của ông về vấn đề này như sau: “…Tôi lấy ví dụ các bước đầu tiên bắt vì lý do quan hệ gái mại dâm, rồi sau đó chuyển sang kiểm tra máy vi tính rồi sau đó chuyển đến chuyện nói là chống người thi hành công vụ, rồi liên quan đến chuyện khám xét nhà, tôi có thể nói rằng những trình tự như vậy diễn ra trong xã hội chúng tôi mà tôi chứng kiến trong đời thì nhiều lắm. Các bước đi như vậy thì hết sức là rõ, nó đã nằm trong tầm hiểu biết của tôi… Cho nên tôi có thể nói một câu chung là như thế này, là tôi rất tiếc cháu Vũ không có được một vốn đời như ông Cù Huy Cận hay như tôi là chú nó đây. Chúng tôi thì quá hiểu!” (DVC Online, ngày 6.11)

Và tôi tin rằng, bản thân ông Cù Huy Hà Vũ, khi bắt đầu bằng những lời nói, việc làm phản ứng lại những sai trái, bất công, phi lý rành rành trong cái xã hội này, hơn ai hết, ông hẳn biết thừa rằng sẽ có một ngày mình phải trả giá.

Điều tôi chỉ hơi ngạc nhiên một chút là việc bắt ông Cù Huy Hà Vũ chắc chắn đã được quyết định không phải chỉ trong ngày một ngày hai, các bước đi đã được tính toán đâu vào đó, vậy mà cái kịch bản dàn dựng sẵn khi đem ra thực hiện lại thô lậu, hớ hênh, thấp tầm quá! Rõ là mất công dàn dựng mà chả ra làm sao, ngay từ đầu Hà Nội cứ cho lệnh bắt ông Cù Huy Hà Vũ vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” có lẽ còn ít bị “tác dụng ngược” hơn. Nhưng nếu đường đường chính chính được như vậy thì đâu phải là cung cách của nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay? Chỉ có điều, thời buổi này thì mọi sự dàn dựng, khuất tất cũng nhanh chóng bị phơi ra thôi. Không phải chỉ từ phía dư luận, mà việc luật sư Nguyễn Thị Dương Hà làm đơn xin cùng với luật sư Trần Đình Triển đứng ra bào chữa cho chồng là câu trả lời rõ ràng nhất cho sự thất bại của kịch bản “mua dâm”, hay nhẹ hơn, “quan hệ trai gái dâm ô truỵ lạc” của Hà Nội trong vụ bắt ông Hà Vũ.
Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Thị Dương Hà

Có một thời trong xã hội Việt Nam, văn nghệ sĩ là giới bị tai ương chính trị nhiều nhất, điển hình là vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, hàng loạt văn nghệ sĩ miền Nam giai đoạn sau 1975 hay những người như nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà văn Dương Thu Hương, nhà thơ Bùi Minh Quốc…Nhưng mấy năm gần đây có vẻ như giới văn nghệ sĩ không phải là lực lượng nói mạnh nhất, mà là các blogger-nhà báo tự do, các luật sư…Riêng giới luật sư bị bắt, bị tù hoặc gặp rắc rối với chính quyền, đã có luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Quốc Quân, Nguyễn Thị Thùy Trang, Bùi Kim Thành, Lê Công Định, Lê Trần Luật, Phan Thanh Hải (tức blogger AnhBaSG)…và bây giờ là luật sư Cù Huy Hà Vũ. Điều đó cũng dễ hiểu, luật sư là những người am hiểu về luật pháp, trong quá trình tham gia bào chữa cho các vụ án họ quá hiểu những sự bất cập, phi lý, những lỗ hổng trong nền pháp lý của nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là khi có điều kiện học hỏi, so sánh, đối chiếu với những chuẩn mực luật pháp văn minh hiện hành trên thế giới. Vì lương tâm, họ không thể không lên tiếng.

Càng ngày, danh sách những người bất đồng chính kiến phải vướng vào vòng lao lý càng nhiều hơn và trong số họ, rất nhiều người có tên tuổi, có học thức, có vị trí nhất định hoặc chí ít, là những người thành đạt mặt này mặt khác, trong xã hội. Không thể quy cho họ vì có nguồn gốc xuất thân phản động, con cái “nguỵ quân nguỵ quyền” hoặc là những thành phần bất tài, bất mãn nên thù ghét chế độ được. Những người như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, bộ ba trí thức trẻ gồm bác sĩ-luật sư-doanh nhân Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, và Huỳnh Nguyên Đạo, bốn nhà trí thức khác là luật sư-thạc sĩ tin học-doanh nhân Lê Công Định,Nguyễn Tiến Trung,Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long , tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ v.v. thừa sức có một cuộc sống thoải mái, thành đạt, thậm chí họ còn có những điều kiện hơn hẳn nhiều người khác. Nhưng họ đã lên tiếng và chấp nhận trả giá. Cái giá ấy lại càng đắt hơn trong một xã hội như Việt Nam, khi nhà cầm quyền không chỉ bảo thủ, cố giữ nguyên trạng thể chế chính trị bằng mọi giá mà còn thiếu hẳn cái tầm văn hóa trong cách xử lý, đối phó với chính người dân của mình, còn đám đông dân chúng vẫn u mê hoặc giả u mê, và không vượt qua được nỗi sợ hãi đã tồn tại quá lâu.

Rất nhiều khi tôi tự hỏi vì sao những người cầm quyền đất nước này, với cả bộ máy nhà nước, quân đội, công an, luật pháp, truyền thông…trong tay, lại không thể cư xử ít ra là đàng hoàng hơn với những người có tư tưởng khác với họ nhưng chỉ đấu tranh một cách ôn hoà, thay vì chơi toàn những trò “đánh dưới thắt lưng”, sử dụng đủ mọi biện pháp tiểu nhân khác nhau như bôi nhọ đời tư không chừa một ai từ nhà văn Dương Thu Hương , nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cho đến linh mục Nguyễn Văn Lý, hoà thượng Thích Quảng Độ…; truy đuổi đến cùng không cho cơ hội làm ăn, sinh sống…như với luật sư Lê Trần Luật, blogger AnhBaSG, kỹ sư Đỗ Nam Hải…; dàn dựng những vụ án khác nhau nhằm hạ thấp thanh danh từ tội “trốn thuế” đối với trường hợp blogger Điếu Cày, “cố ý hành hung người khác” đối với nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ, “dâm ô truỵ lạc”, “chống lại người thi hành công vụ” với tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ…Và khi họ kết án người bất đồng chính kiến thì nhiều bản án phải nói là quá nặng nề, từ 5, 7, 8 năm đến 16 năm (như doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức)…

Còn báo chí truyền thông, với những trường hợp như vậy, dù biết rằng ở Việt Nam báo chí thì phải tuân theo sự chỉ đạo của Đảng và nhà nước, nhưng có lẽ trước khi hạ bút viết theo những thông tin do công an cung cấp, hoặc do lệnh của cấp trên, xin hãy cân nhắc từ ngữ, cẩn trọng trong việc sử dụng những bằng chứng được cung cấp, thay vì hùa nhau “đánh hội đồng”, bôi bẩn một con người mà người đó rất khó có cơ hội tự bào chữa, càng không có cơ hội khiếu kiện ngược trở lại. Viết tới đây tôi lại nhớ đến đức cha Ngô Quang Kiệt khi một phần câu nói của ngài bị cắt ra khỏi toàn câu làm sai lệch hẳn ý, và hàng chục bài báo đã đánh vào cái ý bị sai lệch ấy, là một trong rất nhiều ví dụ của cái sự đánh hội đồng theo lệnh từ trên! Hoặc mới đây nhất là cách đưa tin của báo chí trong vụ của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ chẳng hạn.

Chẳng cái gì có thể mất đi hoàn toàn không dấu vết trong thời đại này. Mỗi lời chúng ta nói, mỗi câu chúng ta viết, mỗi việc chúng ta làm. Chuyện mấy chục năm trước thời chưa có internet, nhiều nhà văn thuộc hàng tên tuổi đã từng viết bài lên án, mạ lỵ nặng nề những người bạn vướng vào họa văn chương trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, đến bây giờ khi những bài viết đó được đăng lại trên mạng, không hiểu cảm giác của họ thế nào. Mong rằng những nhà báo khi viết bài theo lệnh công an ngày hôm nay cân nhắc để không phải trải qua cảm giác đó mươi, mười lăm năm sau.

Ngay cả những ai đến giờ phút này vẫn còn dễ dàng tin vào những gì nhà nước nói, để rồi dễ dàng buông ra những câu “té nước theo mưa”, hãy nghĩ lại vì sao ngày càng có nhiều người lên tiếng và chấp nhận trả giá, chính quyền này có thật là "của dân, do dân và vì dân" khi 35 năm rồi sau khi chiến tranh kết thúc vẫn không thể đem lại cho người dân cả độc lập-tự do-hạnh phúc, cả những quyền cơ bản, tối thiểu nhất của một con người như quyền được mở mồm, hay cảm giác được sống an toàn trong một xã hội mà khi có chuyện gì xảy ra họ có thể trông chờ vào sự công minh của pháp luật, sự trung thực của báo chí và sự dũng cảm của những người xung quanh?
Song Chi
Nguồn: Blog Song Chi (Đài RFA, 09/11/2010)