12/2/12

ĐỪNG BIẾN NHÂN DÂN THÀNH CÁI “MỘC”!


Cái việc MƯỢN DANH, NÚP DANH người có chức có quyền thế để hù dọa thiên hạ, hù dọa người “thấp cổ bé họng”, hù dọa NHÂN DÂN là chuyện xưa nay không hiếm. Xưa có và nay cũng có! Nhưng MƯỢN DANH, NHÂN DANH hoặc NÚP DANH NHÂN DÂN để hù dọa lại NHÂN DÂN và che đậy tội lỗi của QUAN, thì có lẽ cái thời DÂN CHỦ này mới… phát!
Lấy ví dụ nóng hổi là cái vụ cưỡng chế Tiên Lãng. Đầu tiên xin dẫn lại lời Ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng trả lời báo chí:  “Khi chúng tôi cưỡng chế, người dân nơi đây rất đồng tình (Vnexpress). Ông Công an này còn khen trận bao vậy cưỡng chế Tiên Lãng là một “trận đánh đẹp” “cần được học tập” nữa kia! – Sau ít ngày, thấy đổ cho Dân thế không còn ổn nữa, ông đại tá này có đổi giọng: “Công an Hải Phòng đã tham gia  hàng trăm vụ cưỡng chế, đều đạt kết quả tốt. Nhưng có phương pháp đúng là mọi việc êm đẹp ngay. Kể cả khi đối tượng đã tỏ thái độ chống đối rồi thì giải thích, thuyết phục vẫn có thể đem lại kết quả”. Và: “Bản chất vấn đề là bảo vệ lợi ích. Mà đã gọi là lợi ích thì sẽ có thiệt, hơn. Lấy lời phải ra mà khuyên giải họ, dẫu có không đạt được sự quy phục ngay thì cũng sẽ hiệu quả trong việc giảm bớt mức độ chống đối”. Và nữa: “Từ xưa đến nay các vụ cưỡng chế phải xác định quan điểm giáo dục là chính. Tôi xin nhắc lại lần nữa là không thể coi đối tượng giải phóng mặt bằng là tội phạm, đừng để họ đối đầu với mình khi không cần thiết” (Công an Nhân dân, 16/1)
Tiếp, xin dẫn lại lời ông Đỗ Trung Thoại, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng: “Sau khi vụ việc xảy ra, quần chúng nhân dânnhất là nhân dân các xã khu vực ven biển huyện Tiên Lãng, rất bất bình, đề nghị cơ quan chức năng phải sớm đưa ra xét xử nghiêm minh đối với những người cố tình chống đối” (Tuổi Trẻ, 18/1).
Vậy là, theo hai ông cán bộ họ Đỗ, hai vị có trách nhiệm khá quan trọng của Hải Phòng, việc cưỡng chế gia đình ông Vươn, được NHÂN DÂN đồng tình (ông Đỗ Hữu Ca nói: “RẤT ĐỒNG TÌNH”), bởi họ đã hành động theo đúng nguyện vọng của nhân dân?!.
Nhưng, xin nghe chính những người GẦN DÂN nhất, nói gì. Đây là lời ông Đoàn Văn Mễ, trưởng thôn Thúy Nẻo, xã Bắc Hưng, Tiên Lãng: “Gia đình còn nghèo nhưng Vươn vay tiền tỉ quyết đầu tư hết vào đầm nuôi trồng thủy sản cùng em trai là Đoàn Văn Quý. Năm 1993, vợ chồng Vươn kéo nhau ra bãi bồi hoang ven biển đầu tư tiền của, công sức cải tạo thành đầm nuôi trồng thủy sản. Con gái đầu của vợ chồng Vươn bị chết đuối tại đầm từ nhỏ khi theo bố mẹ đi khai hoang” (Tiền Phong, 16/1). Và đây là lời ông Phạm Văn Danh, nguyên Bí thư đảng ủy xã Vinh Quang (nơi vụ việc cưỡng chế): “Để thực hiện “canh bạc” với trời đất, ông Đoàn Văn Thiểu, bố của Vươn đã phải bán đàn vịt 1.000 con và 20 tấn thóc. Vươn huy động tất cả anh chị em cùng bà con, làng xóm cùng tiến ra vùng biển hoang… Nhiều năm vật lộn với trời đất được đền đáp bằng bờ kè dài chừng hai km, tạo nên bãi bồi màu mỡ, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Khu đầm còn là lá chắn vững chãi cho khu dân cư phía trong đê. Tôi và cả xã Vinh Quang không ngờ Vươn làm được và thành công” (Vnexpress, 11/1).
Nguy hại hơn, khi dư luận cả nước tỏ ra bất bình về hành vi đập phá ngôi nhà hai tầng của gia đình ông Vươn, ngày 17/1/2012, ông Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Đỗ Trung Thoại còn MỊ DÂN bằng “chước” ĐỀ CAO VAI TRÒ NHÂN DÂN, biến nhân dân thành cái MỘC che dấu tội lỗi (mà như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “sai cả luật và đạo lý”) cho chính các ông quan ấy với lời tuyên bố: “Lực lượng cưỡng chế không phá mà do nhân dân bất bình (với hành vi, thái độ của gia đình ông Đoàn Văn Vươn – PV) nên đã phá” (Đất Việt, 17/1). Và: “Đây chỉ là gian nhà xây lên để trông coi. Sau khi vào, tổ công tác cần rà phá bom mìn cho cả khu vực có tìm được vũ khí, vật liệu nổ. Tổ định không phá nhưngdo nhân dân bất bình nên phá vỡ” (Sài Gòn Tiếp Thị, 17/1). Và nữa: “Sau vụ nổ súng, chống người thi hành công vụ, lực lượng công an phải rà phá và tìm được vũ khí, vật liệu nổ trong nhà. Các đồng chí báo cáo không ra lệnh san phẳng nhà, nhưng do nhân dân bất bình nên vào phá, chứ còn lực lượng cưỡng chế của huyện, lực lượng công an không san phẳng nhà này” (Dân Việt, 18/1).
Khi không thể lòe dân, lừa dân được nữa thì một số quan quay ra dùng chiêu DỌA DÂN. Dọa như thế nào? Cách thông dụng nhất của các quan loại này là DỌA ĐỪNG ĐỂ “ĐỊCH”, để “KẺ XẤU” LỢI DỤNG, như cách nói của cái nhà ông Thường vụ-Trưởng ban Tuyên giáo huyện Tiên Lãng trong cuộc họp tại Thị trấn Tiên Lãng ngày 3/2/2012: “dư luận còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí không đúng bản chất sự việc gây nghi ngờ, gây phân tâm cho một bộ phận cán bộ đảng viên và quần chúng rất dễ bị các phần tử xấu lợi dụng. Nhất là trên mạng Internet và các blog” . Thế là DÂN PHẢI IM HẾT, vì đã nói đến thế, chả ai dám cãi nữa, cãi nữa để bị buộc là XẤU, là PHẢN ĐỘNG thì nguy!
Cái thói lợi dụng QUYỀN LỰC, “cả vú lấp miệng em” này tưởng sẽ như êm xuôi như mọi khi, bởi người dân đã được THUẦN DƯỠNG (!) (Câu của ngài đại tá công an họ Đỗ: “Từ sau hòa bình đến nay, người dân Tiên Lãng khá thuầnnên huyện nghĩ rằng không có việc chống đối như thế” .(Vnexpress)), ai dè laị bị báo chí dồn hỏi, bị dư luận nghi vấn rồi bị nhiều cán bộ cao cấp lên án. Nên, đến ngày 7/2/2012, tức là sau ngày có lệnh của Thủ tướng, Nhân dân cả nước lại được nghe ông Bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành tuyên bố: “huyện Tiên Lãng đã chưa thực hiện đầy đủ một số nội dung theo quy định về trình tự đền bù, hỗ trợ và thu hồi đất theo quy định của luật đất đai nên đã để xảy ra chống đối người thi hành công vụ”. Và ông Bí thư Hải Phòng còn nói rõ: “Tiên Lãng cũng không có phương án sử dụng đất sau khi thu hồi của cơ quan có thẩm quyền để công bố công khai đối với người có đất bị thu hồi; không thành lập hội đồng đền bù hỗ trợ trước khi thu hồi; không tổ chức đối thoại với người được giao đất bị thu hồi với người ký quyết định cưỡng chế thu hồi. Và nữa: “Sau cưỡng chế, lãnh đạo địa phương cũng đã để xảy ra việc nhà trông đầm nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Vươn bị phá hủy; việc tổ chức cưỡng chế vào thời điểm không hợp lý sát tết, gây phản ứng trong dư luận”.
Vậy đấy! Nếu không có sự vào cuộc của Thủ tướng, hẳn rằng một lần nữa, CÁI MỘC NHÂN DÂN lại thành vật che chở tội lỗi cho các quan chức bất chính.
_________
Những trích dẫn trong bài đều lấy từ nguồn:

HIẾN PHÁP NHÌN TỪ TIÊN LÃNG


Bài viết này đã phân tích trên diện rộng mối liên hệ giữa sự việc cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, vốn gây sự chú ý cao của công luận thời gian vừa qua, và việc sửa Hiến pháp, một trong những sự kiện chính trị quan trọng trong thời điểm này. Đảng Dân Chủ Việt Nam chia sẻ các phân tích và đề xuất của tác giả Nguyên Lâm. Những bất cập mang tính hệ thống của cơ chế nhà nước hiện nay, thể hiện trong Hiến pháp 1992 (nhưng không chỉ trong Hiến pháp 1992) là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến quyền lực không được kiểm soát, và do đó gây bao oan ức và bất công cho người dân. Các quyền con người không được minh định rõ ràng, hợp lý trong Hiến pháp, cộng với việc thiếu vắng một cơ quan bảo hiến và tòa án độc lập, đã khiến người dân không biết dựa vào đâu để tìm công lý. Hiến pháp đã xa rời cuộc sống, thất bại trong việc bảo vệ quyền lợi công dân, nhưng bản Hiến pháp tự nó không có tội. Vấn đề chính là những lãnh đạo, công chức coi thường pháp luật và Hiến pháp. Và vấn đề chính là bởi vì chúng ta chưa bao giờ có quyền lên tiếng và phúc quyết bản Hiến pháp, nên Việt Nam chưa thực sự của toàn dân, vì toàn dân. Bài viết của tác giả Nguyên Lâm cũng đã chỉ rõ rằng, giải pháp cho các vấn nạn tai Việt Nam hiện nay, mà vụ án Tiên Lãng là một ví dụ, có thể bắt đầu được giải quyết bằng cách sửa Hiến pháp cho phù hợp, để tạo cơ sơ pháp lý cho các cải cách khác. Nói như vậy cũng có nghĩa là Hiến pháp không xa rời với thực tế cuộc sống của mỗi cá nhân. Chính chúng ta cần đòi hỏi và thực thi quyền làm chủ, bắt đầu bằng quyền tham gia soạn thảo và phúc quyết Hiến pháp, để Hiến pháp thực sự vì người dân, đi vào cuộc sống, bảo vệ người dân trước lạm quyền.
Nguyên Lâm

Vụ việc Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đầu năm 2012, dù chưa xét xử ở tòa, nhưng đã có thể coi là một “án lệ” quan trọng về pháp luật đất đai, khiếu nại, khiếu kiện v.v… Nhất là trong bối cảnh sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện nay, vụ việc này có nhiều điều đáng bàn từ góc độ luật hiến pháp như: sở hữu đất đai, quyền con người, sự giám sát của người dân đối với chính quyền…

Sở hữu đất đai

Không phải ngẫu nhiên mà các vụ khiếu kiện về đất đai chiếm hơn 70% khiếu kiện nói chung. Bình luận về vụ việc ở Tiên Lãng, khá nhiều ý kiến chỉ ra căn nguyên các xung đột về đất đai xuất phát từ quy định của Hiến pháp “sở hữu toàn dân” về đất đai (xem thêm http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2012-02-02-gs-nguyen-minh-thuyet-vu-tien-lang-va-bai-hoc-long-dan; http://diaoc.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=474178&ChannelID=204). Sở dĩ nói như vậy vì tuy là “sở hữu toàn dân”, nhưng trên thực tế, không rõ chủ sở hữu đích thực là ai, trong khi đó, chính quyền địa phương lại được trao rất nhiều thẩm quyền về đất đai. Vì vậy, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai tạo nên những kẽ hở lớn để các quan chức biến chất và các “đại gia” bắt tay nhau trục lợi, đặc biệt trong thu hồi đất (nhất là đất của nông dân) cho các dự án công nghiệp, thương mại. Cộng với việc thiếu sự kiểm soát quyền lực hiệu quả, thiếu tính giải trình, minh bạch, tất cả những điều trên dẫn đến hệ quả đất đai rất dễ rơi vào tay các “cường hào mới”.

Hơn nữa, với chế độ sở hữu toàn dân, đất đai được giao, cho thuê luôn có thời hạn khiến cho người sử dụng không thể an tâm bỏ vốn đầu tư lâu dài. Đặc biệt, dù biển cả hung dữ đã không ngăn được ý chí, không lay chuyển niềm tin của anh Vươn và những người như anh, nhưng chế độ sở hữu đất đai không bảo vệ được quyền sở hữu của công dân, cộng với cách hành xử của chính quyền đã làm xói mòn niềm tin đó, càng làm chùn bước những nhà đầu tư hiện tại và tương lai, cả trong và ngoài nước. Điều này kéo theo hệ lụy xấu cho cả đầu tư của tư nhân, cũng như lợi ích chung của nền kinh tế địa phương và quốc gia.

Đáng nói là, khu đất đầm mà anh Vươn có được là nhờ mồ hôi, nước mắt và máu, thậm chí cả tính mạng của đứa con gái, nhờ suốt 5 năm làm cái việc tưởng chừng như “dã tràng xe cát” để đắp được một bờ kè dài hai cây số, tạo nên bãi bồi màu mỡ và một khu đầm nuôi tôm cá rộng gần 40 hecta. Như vậy, nếu như quyền tư hữu về đất đai được Hiến pháp và luật thừa nhận, thì phần đất do gia đình anh Vươn lấn biển, khai hoang là sở hữu của anh Vươn, chứ không phải của “toàn dân” một cách mơ hồ, để rồi chính quyền huyện có thể tự tung tự tác(1) làm gì thì làm. Khi đất đai trở thành tài sản sở hữu của tư nhân thì việc thu hồi đất không thể dễ dàng, tùy tiện.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp về sở hữu nói chung và sở hữu đất đai nói riêng cần xác lập chế độ sở hữu nhà nước thay cho chế độ sở hữu toàn dân, cụ thể trong lĩnh vực đất đai, nhà nước là chủ sở hữu đối với đất công. Đồng thời cần làm rõ các hình thức sở hữu khác, đặt biệt là ranh giới các tài sản thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân. Cần ghi nhận quyền sở hữu tư nhân đối với đất ở và đất nông nghiệp. Đặc biệt, trong khi chờ sửa đổi Hiến pháp, Chính phủ và Quốc hội cần có phản ứng về chính sách một cách nhanh nhất để trấn an những người nông dân khác đang đứng ngồi không yên vì hạn được giao đất chỉ còn hơn một năm nữa, đồng thời ngăn ngừa ý định của những quan chức biến chất rắp tâm phen này kiếm chác từ thời hạn đó.

Quyền con người

Vụ việc ở Tiên Lãng càng cho thấy, quyền sở hữu là quyền con người thiêng liêng cần được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ. Hơn nữa, chính Hiến pháp 1992 thừa nhận nền kinh tế thị trường (dù là định hướng XHCN), thì quyền sở hữu càng phải được trân trọng. Tuy nhiên, cách thể hiện các quy định về quyền trong Hiến pháp 1992 vẫn nặng tư duy Nhà nước “ban cho” công dân các quyền đó, không thể hiện rõ các quyền đó là quyền vốn có của con người. Chính vì nhiễm tư duy như vậy, chính quyền Tiên Lãng mặc nhiên coi quyền sở hữu của anh Vươn đối với phần đất do anh và gia đình khai khẩn là do họ “ban cho”, cho thì được, không cho thì thôi.

Bên cạnh đó, khi quy định về các quyền, Hiến pháp 1992 thường kèm theo cụm từ “được thực hiện theo quy định của pháp luật”. Cách thể hiện như thế vô hình trung hạn chế việc thực thi các quyền trên thực tế, vì các cơ quan nhà nước cho rằng phải có pháp luật quy định thì người dân mới được hưởng các quyền hiến định. Hơn nữa, việc sử dụng từ “pháp luật” dẫn đến cách hiểu, bất kỳ cơ quan nhà nước nào, thậm chí cấp thấp nhất cũng có thể ban hành quy định pháp luật hạn chế quyền. Không đâu xa, ngay trong vụ Tiên Lãng, chính quyền huyện đã ban hành những văn bản như giao đất thời hạn ngắn; đình chỉ, cấm tiếp tục khiếu kiện… Những văn bản đó không chỉ trái với luật, nghị định, mà còn hạn chế các quyền hiến định của người dân như quyền khiếu nại, khiếu kiện; quyền sở hữu.

Không những thế, như đã nói, trong vụ việc này vốn bắt nguồn từ vài năm nay (và nhiều vụ việc khác), chính quyền địa phương hành xử rất tùy tiện, mỗi trường hợp giao đất một kiểu(2). Điều này đã vi phạm nghiêm trọng quyền bình đẳng, một quyền rất quan trọng của con người (chứ không chỉ như Hiến pháp 1992 quy định “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”). Nói chung, Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định các quyền công dân là chưa thật đầy đủ, chưa đề cập đến các quyền con người.

Mặt khác, nhiều điều khoản về quyền công dân trong Hiến pháp 1992 nặng tính tuyên ngôn, không ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm các quyền đó. Hiến pháp 1992 chưa tạo ra cơ chế thực tế để bảo vệ các quyền con người, quyền công dân khi các quyền này bị xâm phạm.

Do đó, cần sửa đổi các quy định trong Hiến pháp liên quan đến quyền con người theo hướng đó là các quyền vốn có của con người, được Nhà nước ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ. Chỉ có luật của Quốc hội mới được hạn chế quyền con người, quyền công dân trong những trường hợp thật cần thiết (ví dụ, vì lý do an ninh, quốc phòng; trong tình trạng khẩn cấp). Các quy định trong Hiến pháp về nhóm quyền cơ bản của con người là đương nhiên được thực thi, không cần phải có quy định của pháp luật. Đồng thời, thiết kế lại các điều khoản để ràng buộc rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ các quyền này; tạo chơ chế để người dân có thể khiếu kiện, viện cầu công lý khi có sự vi phạm các quyền.

Dân giám sát “quan”

Dân có thể giám sát “quan” bằng tòa án thường, bằng cơ chế tài phán hiến pháp (Tòa án Hiến pháp, Hội đồng bảo hiến, hoặc giao cho Tòa án Tối cao), qua các cơ quan dân cử, qua các tổ chức phi nhà nước. Đối chiếu với Việt Nam, theo quy định của pháp luật, có thể kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành chính thông qua khởi kiện hành chính và hành vi hành chính của người, cơ quan hành chính có thẩm quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, mặc dù theo Hiến pháp, tòa án độc lập với bộ máy hành chính cùng cấp nhưng khi giải quyết các vụ án hành chính, toà án nhân dân cấp huyện (hoặc cấp tỉnh) rất khó quyết định Uỷ ban nhân dân cấp huyện (hoặc cấp tỉnh) thua kiện, vì phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền các cấp. Không phải ngẫu nhiên mà trong vụ Tiên Lãng, các chuyên gia pháp lý đã chỉ ra những sự việc khiến cho người ta nghi ngờ sự công tâm, minh bạch trong phán quyết của tòa án khi giải quyết khiếu kiện về thu hồi đất ở đó.

Hơn nữa, cơ chế bảo hiến ở Việt Nam còn hết sức mờ nhạt và được giao cho như một phần trong nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan như Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Việt Nam chưa có một chế định tư pháp để phán xét về những vi phạm hiến pháp đã xảy ra. Trong khi đó, trên thế giới có nhiều mô hình tài phán hiến pháp có thể nghiên cứu áp dụng. Giả sử nếu theo mô hình tòa án thường với đỉnh là tòa án tối cao thực hiện tài phán hiến pháp, thẩm phán tòa án cấp sơ thẩm như ở huyện Tiên Lãng, nếu cho rằng quyết định thu hồi đất là trái Hiến pháp, sẽ tạm dừng xem xét vụ án để chuyển cho Tòa án Tối cao xem xét vụ việc, ra phán quyết về các vấn đề Hiến pháp, sau đó tòa án cấp sơ thẩm mới xem xét tiếp. Còn trong trường hợp có Tòa án Hiến pháp, nếu công dân như ông Đoàn Văn Vươn cho rằng quyết định của UBND huyện trái Hiến pháp hoặc quyền của mình bị xâm phạm, công dân có thể kiện ra Tòa án Hiến pháp về tính hợp hiến của văn bản.

Về mối liên hệ giữa Quốc hội, HĐND và các đại biểu với cử tri, cơ chế bầu cử, cơ cấu đại biểu hiện nay chưa tạo ra sự gắn kết chặt chẽ giữa đại biểu và cử tri, đại biểu rất hầu như không chịu trách nhiệm trước cử tri, áp lực và động lực làm hài lòng cử tri, đáp ứng quyền lợi của cử tri là rất ít. Không chỉ đại biểu kiêm nhiệm các chức danh trong chính quyền, mà các đại biểu khác, ngay cả đại biểu chuyên trách cũng ít phụ thuộc vào cử tri, mà chịu sự tác động lớn từ chính quyền địa phương và các nhân tố khác. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân tại sao trong hơn một tháng qua, dù đã có nhiều người lên tiếng, nhưng chưa hề có tiếng nói nào cất lên từ nghị trường, nhất là từ các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp ở Hải Phòng. Nghị trường vẫn lặng lẽ tiếng Dân Tiên Lãng.

Từ việc phân tích trên đây, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này cần tạo cơ chế hiệu quả để người dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, quan chức nhà nước. Trước hết cần cải cách hệ thống tòa án, để chốn công đường thực sự là nơi người dân có thể viện cầu công lý. Hệ thống tòa án không nên theo đơn vị hành chính, mà thành lập các tòa án khu vực; việc bổ nhiệm thẩm phán cần có sự tham gia của nhiều chủ thể, có thể là tòa án giới thiệu người, Chủ tịch nước bổ nhiệm, Quốc hội phê chuẩn; thẩm phán nên được bổ nhiệm cho đến lúc về hưu, độ tuổi về hưu của thẩm phán cao hơn của công chức bình thường.

Cần xây dựng cơ chế tài phán hiến pháp để phán quyết về những hành vi vi phạm Hiến pháp. Có thể lựa chọn giữa phương án giao cho Tòa án Tối cao chức năng này và phương án thành lập cơ quan bảo hiến chuyên trách (Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng bảo hiến) có thẩm quyền phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Cần sửa đổi chế định bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm xác định rõ mối quan hệ giữa đại biểu dân cử với cử tri. Hạn chế việc đại biểu kiêm nhiệm các chức danh trong bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương. Về cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội, việc phân định các khu vực bầu cử không nên trùng với các đơn vị hành chính, mà có thể đan xen giữa các tỉnh để tránh sự phụ thuộc của đại biểu vào chính nquyền địa phương. Quy định cụ thể cơ chế bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.

Chính quyền địa phương

Hiến pháp năm 1992 quy định 4 cấp chính quyền (Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) nhưng trong tổ chức lại có sự rập khuôn về mô hình tổ chức, không phân biệt thẩm quyền, trách nhiệm của trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau. Điển hình là thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cả ba cấp chính quyền địa phương đều giống hệt nhau. Điều này dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; vừa đùn đẩy trách nhiệm, nhưng đồng thời tạo ra kẽ hở cho chính quyền lạm dụng, tùy theo trường hợp cụ thể, ví dụ như trong vụ Tiên Lãng chính quyền đã ban hành về những nội dung không thuộc thẩm quyền của mình. Hoặc là chính quyền địa phương mà có thẩm quyền điều động cả quân đội, nhất là để làm những việc không phải thuộc lĩnh vực quốc phòng là điều rất đáng phải bàn luận.

Có những lĩnh vực mặc dù được phân quyền cho chính quyền địa phương (như quản lý đất đai) nhưng việc quản lý của trung ương trong lĩnh vực này (xây dựng và công bố quy hoạch tổng thể) lại phân định không rõ ràng hoặc thực hiện không tốt, dẫn đến sự cát cứ của các địa phương, mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu, làm phá vỡ trật tự quản lý nhà nước. Như đã phân tích, trong vụ Tiên Lãng, chính quyền huyện đã quy định thời hạn giao đất cho nhiều cá nhân, hộ gia đình rất tùy tiện: có người được giao 4 năm; có người 10 năm…Bình luận về các quy định liên quan đến chính quyền địa phương, có chuyên gia ví von, ở Việt Nam có nguy cơ phân chia thành 63 vương quốc nhỏ. Không chỉ thế, vụ việc Tiên Lãng cho thấy, đã có hiện tượng của một “tiểu vương quốc” trong số 500 huyện trên cả nước. Sửa đổi Hiến pháp 1992 là một cơ hội để góp phần xóa bỏ tình trạng cát cứ này.

Như vậy, nhìn từ Tiên Lãng, chính quyền địa phương là một trong những nội dung rất quan trọng cần sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp 1992. Như nhiều ý kiến đề xuất, có thể tổ chức 2 cấp chính quyền địa phương gồm cấp tỉnh và dưới cấp tỉnh (có thể là thành phố hay xã). Chính quyền địa phương bao gồm cơ quan do nhân dân địa phương bầu ra (HĐND), HĐND là cơ quan đại diện ở địa phương, Uỷ ban nhân dân là cơ quan tổ chức thực hiện ở địa phương, chịu sự giám sát của HĐND.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, Hiến pháp và luật phải phân định những việc gì địa phương làm được thì trung ương không làm; những việc chỉ trung ương làm mà địa phương không làm như an ninh – quốc phòng, ngoại giao, tư pháp…; những việc cả trung ương và địa phương đều làm, nhưng có sự phân định rõ ràng. Ví dụ, từ vụ Tiên Lãng, thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần được phân định lại, không phải cấp nào cũng có thể ban hành như cấp nào, về bất kỳ lĩnh vực gì.

Những biện pháp khác nhau đang được thực hiện để giải quyết vụ Tiên Lãng. Tuy nhiên, để ngăn ngừa những vụ Tiên Lãng khác, cần đặt các vấn đề nói trên trong bối cảnh sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện nay. Từ 1992 đến 2012, nhìn từ Tiên Lãng, 20 năm đã đủ “chín” để nhận thấy nhiều quy định của Hiến pháp cần sửa đổi căn bản, ngay bây giờ. Nếu không, sẽ có nguy cơ lớn còn gây “phát nổ” ở nhiều nơi nữa.

LỰC HÚT CỦA ĐẤT





Tương Lai

Cái gì đã đẩy bà Ba Sương, anh hùng lao động thời Đổi Mới, từng được tôn vinh là “người phụ nữ tiêu biểu của Đông Nam Á”, lại là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ Quốc VN vào vòng lao lý bất chấp lương tri và luật pháp, ngồi xổm trên công luận của cả nước rần rần phản đối.Cái gì mà ghê gớm, mà tàn bạo làm vậy? Xin thưa đó là cái “lực hút của đất”.
Một Nông trường Sông Hậu với mênh mông hơn 4000 ha đất nông nghiệp, bỗng chốc được quy hoạch chuyển đổi thành đất “dự án” với bao mục đích rất chi là hoành tráng “vì nước, vì dân, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Ai dám cưỡng lại thì tù là cái chắc! Một bà anh hùng, cả hai cha con bả đều là anh hùng, chứ cả nông trường là anh hùng thì  mùi mẻ gì, “phen này ông quyết …cho đi hết”, bởi lẽ rồi đây, những mảnh đất chia lô thì dù có “vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng” [Tú Xương].

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm nông trường Sông Hậu khi còn là nhà lá, nhưng năng suất trồng lúa đã dẫn đầu cả nước.
Các đạo diễn bậc thầy của quy hoạch” để “chuyển đổi mục đích sử dụng” rồi “hoá giá”, rồi “đền bù, giải tỏa được thực thi trong sự “đồng thuận” của cả “hệ thống quyền lực” một cách nhanh gọn và ngoạn mục mà một đại biểu Quốc hội trong phát biểu tại nơi diễn đàn tôn nghiêm này gọi là “siêu nhanh”. Ở đây cho thấy có cả một mạng lưới khép kín và tinh nhuệ của quy trình hoá giá “của chung ai khéo vẫy vùng làm riêng”.
Xem ra các “đạo diễn bậc thầy” này cũng chẳng cần có chỉ số IQ cao để xây dựng đường sắt cao tốc mà vị dân biểu nọ đưa ra cũng tại diễn đàn nói trên! Cần gì chỉ số IQ! Chỉ cần thuyết minh làm sao cho quy trình đó là “hợp thức, hợp lý”, để rồi như chiếc đũa thần trong chuyện cổ tích, chỉ trong phút chốc, những “công bộc của dân” sở hữu một gia tài trong mơ cũng khó chứ không chỉ trong cuộc đời thực. Những căn nhà to đùng, ngạo nghễ nằm ở những vị trí mà “tấc đất” không chỉ là tấc “vàng” mà là cả “cây vàng”, gió hồ thổi lồng lộng, treo tấm gương lừng lững về sự bất công xã hội đối nghịch với khẩu hiệu “dân giàu , nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” trước mắt bàn dân thiên hạ. 



Thực trạng tham nhũng dưới mọi hình thức, tinh vi hay trắng trợn, kín nhẹm hay lộ liễu, đang bôi nhọ những chữ dân chủ, công bằng, văn minh trong mục tiêu phấn đấu vì một xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang hướng đến. Nó ngạo nghễ và ngang ngược thách thức phương châm xử thế “tiên thiên ưu nhi ưu, hậu thiên hạ lạc nhi lạc” [lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ] mà “người công bộc của dân” phải theo. Có lẽ ở đây phải viện dẫn đến Các Mác để giải mã được sự thách thức đó khi ông chỉ ra rằng: “Nếu tiền là sợi dây ràng buộc tôi với đời sống con người, với xã hội, với giới tự nhiên và với con người thì tiền chẳng lẽ không phải sợi dây của mọi sợi dây sao? Nó chẳng lẽ không thắt nút và cởi nút mọi sợi dây hay sao”* .
Đồng tiền không có mùi, dù in bằng chất liệu cotton hay polymer khi nó nằm trong phong bì hay nằm trong két sắt đều rất an toàn. Nó chỉ “bốc mùi” lên khi nó bị cơ quan pháp luận sờ đến. Tuy nhiên, lại có loại thuốc “khử mùi” để rồi trong nhiều trường hợp nó trở lại được với sức mạnh vô biên của nó. Nó chỉ thật sự “bốc mùi” khi bị chínhtòa án lương tâm kiểm chứng và phán xét. Thế nhưng, sức quyến rũ ghê gớm của đồng tiền đã trục xuất lương tâm ra khỏi đời sống tinh thần của không ít người đang sở hữu nó. Để rồi, chính nó đã và sẽ nhấn chìm bao sự nghiệp của những con người nắm tiền và nắm quyền. Vì, tiền mua được quyền, quyền lại đẻ ra tiền. Cái vòng oan nghiệt này như một thứ “ma đưa lối, quỹ dẫn đường” khiến cho không thiếu những người từng có uy tín, có cống hiến bị sa đoạ, rơi vào những nghịch lý không thoát ra được để thân bại danh liệt. Làm trầm trọng thêm chuyện đáng xấu hổ này là mạng lưới pháp luật đang để cho “ruồi to chui lọt, ruồi con mắc bẫy”! Cái mạng lưới đã kiên quyết bỏ tù cho bằng được bà Ba Sương trên cái nền của những điều vừa dẫn giải ở trên. Không có bối cảnh thuận lợi ấy, không có những “tấm gương” được phơi ra trước mắt bàn dân thiên hạ như thế, không trên một cái nền xã hội như vậy, khó có nghịch lý Ba Sương. Cũng sẽ không thể có vụ “cướp ngày là quan” tại Tiên Lãng nhân danh pháp luật của “nhà nước địa phương” để thực hiện việc cưỡng chế tàn bạo và vi hiến mà rồi người chỉ huy còn biểu dương đây là một cuộc “hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay…. có thể viết thành sách”. Thật đau đớn nếu cuốn sách này được viết ra thì cái truyền thống “Vì nhân dân quên mình”, “Vì nước quên than, vì dân phục vụ” của lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ được hiểu sao đây. 



Phải đặt ‘Sự kiện Ba Sương” trong bối cảnh của những nghịch lý đó, thì mới hiểu được vì sao nó lại dằng dai một cách ngoan cố và cùi nhầy giữa “thanh thiên bạch nhật” như vậy. Xin nhớ cho rằng đến năm 2005, Nông trường Sông Hậu vẫn bán gạo và cá cho các thị trường trong và ngoài nước, làm ăn có lãi. Năm 1991, khi “tái cơ cấu” để trở thành công ty cổ phần bà Ba Sương vẫn mang lại thu nhập ổn định và phúc lợi xã hội cho khoảng 3.000 hộ nông dân trong nông trường. Thế nhưng, số phận của Nông trường đã được quyết định từ những toan tính mờ ám được “nhất trí cao” trong giới chức có quyền lực ở Cần Thơ!
Thế là, tháng 9 năm 2008, bà Sương bị Tòa án huyện Cờ Đỏ buộc tội biển thủ 9 tỷ đồng của Nông trường. Trước phiên tòa xét xử vào tháng 8 năm 2009, bà bị buộc tội lập quỹ trái phép, kết án 8 năm tù. Bà kháng cáo. Tòa phúc thẩm thành phố Cần Thơ giữ nguyên bản án của tòa cấp dưới. Công luận bị thách thức một cách trắng trợn! Và có lẽ nhà chức trách Cần Thơ chưa lường hết được sức mạnh này. Các đấng “con trời” hiện đại vẫn cứ nghĩ là họ có thể “ thắt nút và cởi nút mọi sợi dây” [C.Mác] nắm quyền trong tay, mà “quyền” đi liền với “tiền”. “Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”[Nguyễn Du] !
Họ quên mất rằng họ đang sống trong thời đại của cách mạng thông tin và Internet nối mạng toàn cầu thi mọi sự bưng bít thông tin đều là ứng xử lạc điệu nếu không muốn nặng lời là ngu xuẩn. Không chỉ một vài tờ báo lớn đã lên tiếng khá trung thực, cả một rừng báo mạng “lề trái” dồn dập đưa tin. Không những thế, người ta cho đăng ý kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lá thư gửi Thành ủy Cần Thơ, tháng 5 năm 2008 : “Tôi biết đây là ý của các đồng chí chứ không phải của công tố viên khi khởi tố vụ án [bà Sương]” . Ông chỉ rõ : “Bà đã có những đóng góp không nhỏ cho nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Cần Thơ, Hậu Giang và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, những sai phạm nếu có thì cũng nên giải quyết có tình có lý”. Rành mạch và dứt khoát hơn nữa khi ông công khai nói rõ cái ẩn dấu đằng sau vụ án Ba Sương : “Tôi hoàn toàn không tán thành chủ trương thu hồi đất của nông trường để xây khu công nghiệp”.
Thông cảm sâu sắc với thân phận một người phụ nữ bị hàm oan một cách phi lý, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tích nước, đã lên tiếng hết sức mạnh mẽ và quyết liệt phê phán việc làm sai trái của các cơ quan quyền lực ở Cần Thơ trong việc quyết bỏ tù cho bằng được bà Ba Sương. Bất chấp đạo lý và lương tâm, dẫm đạp lên lẽ phải và sự công bằng, các cơ quan tố tụng và xét xử vẫn toa rập, cấu kết với nhau để thực hiện cho bằng được toan tính của họ. Mãi cho đến tháng 5 năm 2010, sau khi công tố viên của trung ương tìm ra những vi phạm về thủ tục tố tụng, Tòa án tối cao ra quyết định bác bỏ bản án của Tòa án Cần Thơ.
Thế nhưng, xem ra người ta chưa thể nhả ra được miếng mồi quá lớn [và theo dư luận cần kiểm chứng thì đã trot chia chac cho nhau rồi] cho dù ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” tháng 2 năm 2011, Công an Cần Thơ báo cáo rằng kết quả điều tra sâu hơn đã cho thấy các bằng chứng mới về tội trạng của bà Sương. Tháng 8, công tố viên tiếp tục bổ sung tội tham ô cho bà Sương và các nhân viên cấp dưới cho dù co9 ở trong tình thế nhả chẳng ra cho nuốt chẳng vào”!
Thế rồi đến những tháng cuối của năm 2011, gió bỗng xoay chiều, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần này mạnh mẽ lên tiếng- một hành xử khá hiếm hoi và rất đáng hoan nghênh- đòi hỏi phải xử lý vụ án Ba Sương một cách hợp tình hợp lý. Một ông Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam đã chỉ rõ : “Việc điều tra đã làm hoen ố tên tuổi của một nông trường từng rất có uy tín với các lãnh đạo cấp cao và từng thu được nhiều thành tựu nổi bật”. Báo cáo của Mặt trận đã đưa ra những thông tin và bằng chứng qua việc tổ chưc giám sát đã chính thức nói rõ là Bà Ba Sương vô tội với lập luận rằng quỹ phúc lợi được lập năm 1994, rất lâu trước khi bà Sương trở thành giám đốc nông trường, và vào thời điểm ấy, quỹ không hề phi pháp. Thật ra thì những điều này công luận đã từng đưa ra từ bốn năm trước đây, khi bà Ba Sương bị khởi tố, nhưng có lẽ bây giờ thì đã đến “thời điểm chin muồi” để người ta buộc phải tha con mồi!
Nhìn hình ảnh người phụ nữ vừa trải qua một dặm đường đau khổ, bị cả một hệ thống quyền lực đẩy vào bước đường cùng, đến độ không có một nơi để đặt bàn thờ thắp nén nhang cho người cha anh hùng, một nông dân chân đất thứ thiệt, đang tần ngần cầm trên tay bản Quyết định phục hồi sinh hoạt Đảng mà ngao ngán cho thân phận con người. “Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương” câu thơ của Nguyễn Gia Thiều ở thế kỷ 18 xem ra cũng còn đắc dụng vào buổi hôm nay khi mà Ba Sương chính là nạn nhân của việc “Chết đuối người trên cạn mà chơi”!
Chỉ có điều, “dìm chết người trên cạn” tại Cần Thơ bốn năm qua cũng như tại Tiên Lãng trước tết Nhâm Thìn, hay tại Thái Bình năm 1997…không phải là do “: Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán” mà là do ‘lực hút của đất”!
Vấn đề đặt ra phải là : Nếu đã trả lại thẻ Đảng cho Ba Sương, thì những kẻ nhân danh Đảng để kỷ luật người đảng viên ưu tú đó là kẻ đã bôi nhọ thanh danh của đảng viên, chẳng lẽ không bị xử lý sao? Và rồi những đảng viên nắm quyền lực Nhà nước, nhân danh pháp luật để bỏ tù một công dân là anh hùng của chế độ, những đảng viên ấy có phải ra đứng trước vành móng ngựa thay cho Ba Sương không? Nếu như người ta chưa đủ dũng khí để làm như vậy thì lương tâm chính là “vành móng ngựa” đáng sợ nhất cho những ai còn lương tâm.

Nông trường Sông Hậu

Chao ôi đất! Miếng mồi quá béo bở, có “ngoạm một miếng rồi chuồn” như Lê Nin từng cảnh báo về những người cộng sản hư hỏng và thối nát được trao quyền cách nay đã hơn một thế kỷ, cũng “hả”. Nhất là khi mà “quôc gia công thổ” lại được trao cho người đại diện nhà nước tại địa phương quản lý! Nhân danh “sở hữu toàn dân” mà tha hồ thao túng thì tiện quá, dễ quá. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc vừa phát biểu trong buổi giao lưu trực tuyến trên tivi đã chỉ ra điều đó : "Hễ có vướng mắc nào phát sinh thì người ta lại an ủi lẫn nhau rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng mọi sai lầm đều từ đó mà ra". Từ sau 1980, Hiến pháp và Luật đất đai đã được sửa đổi nhiều, nhưng riêng điều khoản về chế độ sở hữu đất đai vẫn "dậm chân tại chỗ".
Tại sao lại kỳ quặc làm vậy.? Cũng theo ông Nguyễn Đình Lộcnhiều người không dễ dàng "buông" quy định này, bởi cơ chế "nhà nước quản lý" mang lại không ít nguồn lợi hấp dẫn cho một bộ phận quan chức và nhà đầu tư. Cái “tổ con tò vò” nằm ở chỗ này đây! Vấn đề đặt ra là Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 đều thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Chỉ đến Hiến pháp năm 1980 mới quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Phải chăng mọi tai họa do “lực hút của đất” có cội nguồn từ đây. Đã đến lúc gióng lên tiếng chuông khẩn thiết về sửa đổi Luật Đất đai trong kỳ sửa đổi Hiếp Pháp sắp tới. Và đó là tiền đề hết sức quan trọng để giảm dần “lực hút của đất”, tức cũng là giảm dần những “hệ lụy” đe dọa đến “sự tồn vong của chế độ” như đã được sự cảnh báo ở nơi có thẩm quyền nhất!

bản gốc của tác giả
nhận ngày 12/02/2012

Tòa án chúng ta có nhân đạo hơn Tòa án của bọn thực dân Pháp?


Hoàng Kim (Đồng Tháp)

Tòa án chúng ta có nhân đạo hơn Tòa án của bọn thực dân Pháp?
Năm 1928, tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc liêu đã xảy ra việc 2 gia đình nông dân là Biên Toại và Mười Chức vác dao, vác mác chống lại đoàn “cưỡng chế” tịch thu lúa, giết chết một viên chức người pháp trong đoàn cưỡng chế của chính quyền thực dân Pháp.
Sự việc như sau: ông nội của các ông Biên Toại, Mười Chức khẩn hoang được 73 ha đất ruộng, để lại cho cha ông Biên Toại, Mười Chức, cha ông Biên Toại, Mười Chức chết để 73 ha ruộng này lại cho Biên Toại và Mười Chức cùng anh em.
Tên cường hào người Hoa là Bang Trắc cấu kết với quan phủ Ngô Văn H. ở Giá Rai bẻ cong luật pháp cướp đoạt hết 73 ha ruộng của gia đình Biên Toại, Mười Chức.
Bang Trắc bán 73 ha đất này lại cho bà Hà Thị Tr., nhưng gia đình Biên Toại, Mười Chức không giao đất.
Ngày 6 tháng 12 năm 1927, bà Tr. xin được án lệnh của tòa, cho phép tịch thu tất cả lúa của anh em Biện Toại.
Để thực hiện việc “cưỡng chế” tịch thu lúa, chính quyền thực dân Pháp thành lập đoàn cưỡng chế gồm có: hai viên cò Pháp là Tournier và Bouzou với bốn lính mã tà cùng viên chức của làng.
Sáng 16 tháng 2 năm 1928, đoàn cưỡng chế bắt đầu cưỡng chế tịch thu lúa.
Gia đình ông Biên Toại, Mười Chức vác dao, vác mác xông vào chém đoàn cưỡng chế, giết chết viên cò người Pháp Tournier. Phía gia đình ông Biên Toại chết 4 người.
Ngày 17/8/1928 Tòa Đại hình Cần Thơ đưa ra đình ông Biên Toại ra xét xử.
Công tố viên Moureau, thay vì buộc tội theo cương vị, lại biện hộ cho gia đình Biên Toại như một luật sư bào chữa khi nói: “tình cảnh của gia đình Biện Toại rất đáng thương: bị những kẻ không có trái tim (hommes sans coeur) đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế tiếp tay với bọn cường hào. Moreau đề nghị tòa tha bổng Biên Toại, cô Liễu (em Biện Toại) và con là Tia, giảm nhẹ cho cô Trọng và Miều (em rể Biện Toại, chồng Liễu).
Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên án: Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em út Toại) và Tia (con trai Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trọng, sáu tháng tù (đã bị tạm giam đủ sáu tháng). Miều (chồng Liễu), hai năm tù vì có tiền án ăn trộm.
Vụ án Nọc Nạn và vụ án Tiên Lãng có nhiều điểm giống nhau.
Gia đình ông Vươn và ông Quí cũng bị những kẻ không có trái tim trong UBND huyện Tiên Lãng ra lệnh thu hồi 40,3 ha đất mà không bồi thường, nên ông Vươn và ông Quí vác súng tự chế bắn vào đoàn cưỡng chế làm 6 người bị thương.
Tòa án của bọn thực dân Pháp, xử tha bổng những người nông dân Việt Nam chống lại đoàn cưỡng chế, dù họ giết chết một viên chức Pháp trong đoàn cưỡng chế.
Vậy Tòa án của chính quyền Việt Nam, xử ra sao khi những người nông dân Việt Nam chống lại đoàn cưỡng chế, chỉ làm bị thương nhẹ 6 người trong đoàn cưỡng chế?
Đại tướng Lê Đức Anh, trong buổi giao lưu trực tuyến do báo Giáo Dục Việt Nam tổ chức nói: “Tôi không tin một người có chí làm ăn cho gia đình và cho xã hội, chưa từng vi phạm pháp luật, mà lại đi chống đối chính quyền Nhà nước. Đến bây giờ tôi nghe mà vẫn không tin. Phải đặt vấn đề: Tại sao người nông dân ấy lại làm vậy? (*)
Đất của nông dân thu hồi làm gì thì phải rõ ràng, phải thông báo trước nhân dân ít nhất một năm, phải đền bù thỏa đáng cho tài sản của nhân dân, nếu lấy đất ở khu vực đó”.
Cho nên, Công lý chỉ được thực thi khi gia đình anh Vươn được tòa tuyên: tha bổng, vì Tòa án của chúng ta đương nhiên nhân đạo, công minh hơn Tòa án của bọn thực dân Pháp.
Cửa cống nối thông với hai khu đầm do Đoàn Văn Vươn quai đê lấn biển
Cửa cống nối thông với hai khu đầm do Đoàn Văn Vươn quai đê lấn biển
Chính quyền huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Vươn trái pháp luật
Hầu hết các tờ báo lớn, có uy tín trong nước điều khẳng định chính quyền huyện Tiên Lãng làm trái pháp luật, sai đạo lý khi cưỡng chế thu hồi không bồi thường 40,3 ha đất của anh Đoàn Văn Vươn.
Trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, GS. Đặng Hùng Võ – cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã chỉ ra 2 việc sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng:
“ Pháp luật về đất đai ở nước ta chưa bao giờ cho cấp huyện có thẩm quyền quy định về thời hạn và hạn điền, thế mà Tiên Lãng dám tự quy định. Theo Nghị định số 64-CP ngày 27-9-1993 về việc ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp quy định thống nhất thời hạn sử dụng đất nuôi trồng thủy sản là 20 năm. Nếu đất được giao từ ngày 15-10-1993 trở về trước thì thời hạn được tính thống nhất từ ngày 15-10-1993, nếu đất được giao sau ngày 15-10-1993 thì tính từ ngày giao (quy định hồi tố về thời hạn sử dụng đất). Đây là chính sách rất lớn về đất đai của Đảng và Nhà nước ta.
Các quyết định thu hồi đất của Tiên Lãng có căn cứ vào hết thời hạn mà không được gia hạn. Trong khi đó, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004 về thi hành Luật Đất đai (khoản 1 điều 34) quy định rằng khi hết thời hạn sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao được tiếp tục sử dụng đất với thời hạn đã quy định (20 năm), trừ một số trường hợp Nhà nước có quyết định thu hồi đất nhưng không trừ trường hợp Nhà nước thu hồi vì hết thời hạn. Đó là cái sai cơ bản thứ hai của chính quyền Tiên Lãng so với pháp luật hiện hành. Tiên Lãng đã tự quyết định trước cả những quyết định lớn về “làm gì khi hết thời hạn sử dụng đất của nông dân” mà Quốc hội sẽ quyết định trước ngày 15-10-2013” [1].
Chống lại việc cưỡng chế tài sản trái pháp luật, có phải là hành động vi phạm pháp luật?
Thế nhưng, cũng như hầu hết các tờ báo lớn trong nước, điều cho rằng ông Vươn, ông Quí có tội khi bắn súng hoa cải và cho nổ mìn tự chế gây thương tích cho 6 người của đoàn cưỡng chế.
GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng anh Vươn có tội:
“Quyết định thu hội đất và cưỡng chế thu hồi đất của địa phương là sai nên gây ra hậu quả khôn lường, bởi vì nếu quyết định đó là đúng thì người dân đã không chống lại.
Câu chuyện bắt đầu từ đó mà ra thành hậu quả xấu. Tất nhiên cũng phải thấy rõ rằng việc anh Vươn hành động như vậy là hoàn toàn trái pháp luật, cần phải xử lý nghiêm. Với tinh thần của nhà nước pháp quyền, việc xử lý các bên phải đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật” [2].
Nhìn vào nhận định trên, chúng ta nhận thấy GS Đặng Hùng Võ đã tự mâu thuẩn.
GS Đặng Hùng Võ đã định kiến khi cho rằng chống lại lực lượng cưỡng chế là sai, mà quên rằng lực lượng cưỡng chế được thành lập từ quyết định thu hồi đất sai và quyết định cưỡng chế sai.
Nếu chúng ta đặt câu hỏi ở góc độ: ông Vươn có quyền chống lại một đoàn người đến tước đoạt tài sản của mình một cách sai trái hay không? Câu trả lời sẽ là được phép.
Khi chúng công nhận rằng: do quyết định quyết định thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất của chính quyền huyện Tiên Lãng là sai, nên ông Vươn mới nổ súng (bởi vì nếu quyết định đó là đúng thì ông vươn đã không chống lại), thì chúng ta phải công nhận rằng: ông Vươn có quyền tự vệ lại việc làm sai pháp luật của chính quyền huyện Tiên Lãng.
Thêm nữa, chính quyền huyện Tiên Lãng và Tòa án thành phố Hải Phòng còn cấu kết với nhau, để lừa gạt ông Vươn rút đơn kháng án, tôi sẽ nói ở phần sau.
Tức là: việc ông Đoàn Văn Vươn chống lại đoàn cưỡng chế là chống lại việc làm sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng, để bảo vệ tài sản của mình.
Từ những quyết định sai pháp luật, chính quyền huyện Tiên Lãng thành lập một đoàn cưỡng chế để thực hiện việc cưỡng chế sai pháp luật, thì đoàn cưỡng chế này không thể đại diện cho pháp luật.
Đoàn cưỡng chế này chỉ là công cụ mà chính quyền huyện Tiên Lãng dùng để tước đoạt tài sản của nông dân.
Đoàn cưỡng chế được thành lập từ những quyết định sai pháp luật, nhằm mục đích tước đoạt tài sản của nông  dân, thì tồn tại của đoàn cưỡng chế là sai pháp luật, do đó không thể nói rằng đoàn cưỡng chế đang thi hành công vụ, vì thế, không thể kết tội ông Vươn, ông Quí chống người thi hành công vụ
Báo Pháp luật TP HCM Online cho biết: “Theo tài liệu chúng tôi có được, trong kế hoạch chuẩn bị cưỡng chế khu đầm của ông Vươn, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng nêu rõ: “Trường hợp các đối tượng đe dọa sử dụng hoặc sử dụng chất cháy nổ, chất độc thì các lực lượng công an, quân sự phải kịp thời xử lý ngăn chặn không để xảy ra hậu quả xấu và không dừng việc cưỡng chế”. Điều này cho thấy khả năng phía người bị cưỡng chế sử dụng chất cháy nổ đã được dự liệu và việc cưỡng chế được thực hiện hết sức kiên quyết” [3].
Do đó, nếu ông Vươn và thân nhân không nổ súng, nổ mìn mà dùng bất cứ biện pháp tự vệ nào khác, thì với lệnh của ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng, đoàn cưỡng chế trái luật pháp này sẽ tước đoạt hết tài sản của ông Vươn, bản thân ông Vươn và thân nhân sẽ bị bắt vì tội chống người thi hành công vụ, và Trung ương cũng như công luận sẽ không biết được sự việc xãy ra.
Vì vậy, nổ súng vào đoàn cưỡng chế là một hành động tự vệ chính đáng của gia đình anh Vươn.
Chính quyền Tiên Lãng đã cưỡng chế thu hồi đất dù trước đó hứa "sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê" để khỏi bị kiện
Chính quyền Tiên Lãng đã cưỡng chế thu hồi đất dù trước đó hứa "sẽ tạo điều kiện cho người dân được tiếp tục thuê" để khỏi bị kiện
Chỉ xem xét ở 2 vấn đề sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng mà GS Đặng Hùng Võ đưa ra chúng ta đã thấy rằng: hành động ông Đoàn Văn Vươn nổ súng vào đoàn cưỡng chế được thành lập trái pháp luật để tước đoạt tại sản của ông, là một hành động tự vệ chính đáng.
Thế nhưng, 2 nguyên nhân sai trái của chính quyền huyện Tiên Lãng mà GS Đặng Hùng Võ nêu trên chưa phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc ông Vươn nổ súng.
Nguyên nhân chính khiến ông Vươn căm phẫn đến nổ súng, là do hoàn toàn mất lòng tin vào luật pháp, uất ức vì bị chính quyền huyện Tiên Lãng và Tòa án thành phố Hải Phòng mà đại diện là thẩm phán Ngô Văn Anh cấu kết lừa gạt.
Trong Báo cáo số 11/BC-UBND: “về việc cưỡng chế thu hội đất nuôi trồng thủy sản đã hết thời hạn sữ dụng và vụ án giết người chống người thi hành công vụ tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lảng” do Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền ký, việc kháng cáo của anh Đoàn Văn Vươn được báo cáo như sau:
“Việc ông Vươn khiếu nại quyết định hành chính của UBND huyện Tiên Lãng đã được Tòa án thành phố Hải Phòng giải quyết tại quyết định đình chỉ số 02/2010 HCPT-QĐ ngày 22/4/2010 Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng có hiệu lực pháp luật là căn cứ để Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng thi hành”.
Báo cáo này không hề nói đến việc ông Vươn không đồng ý với án sơ thẩm của Tòa án huyện Tiên Lãng, nên làm đơn kháng án lên Tòa án thành phố Hải Phòng.
Báo cáo này cũng không thể hiện biên bản hòa giải được Tòa án thành phố Hải Phòng thực hiện, do Thẩm phán Ngô Văn Anh chủ tọa.
Trên báo Pháp luật TP HCM Online, về việc hòa giải của Tòa án thành phố Hải Phòng, ông Võ Văn Luân người cùng khởi kiện với ông Vươn cho biết:
“Tôi và anh Vươn cùng khởi kiện UBND huyện Tiên Lãng, cùng bị thua kiện ở cấp sơ thẩm và kháng cáo. Tại cấp xét xử phúc thẩm ở TAND TP Hải Phòng, đại diện cho UBND huyện Tiên Lãng trong vụ kiện của tôi là ông Phạm Xuân Hoa, Trưởng phòng TN&MT; đại diện UBND huyện trong vụ kiện của anh Đoàn Văn Vươn là ông Vũ Văn Hè, Trưởng phòng Tư pháp huyện Tiên Lãng…
Ngày 9-4-2010, tại trụ sở TAND TP Hải Phòng, Thẩm phán Ngô Văn Anh làm việc với tôi. UBND huyện cũng thấy yếu lý nên đồng ý thỏa thuận là chúng tôi rút đơn, đổi lại huyện sẽ không thu hồi, tiếp tục cho thuê đất.
Khi làm việc xong vụ của tôi, đóng dấu vào biên bản là đã hơn 11 giờ. Thẩm phán Ngô Văn Anh tiếp tục làm việc với anh Vươn và đại diện UBND huyện là ông Hè. Cũng như tôi, anh Vươn đồng ý rút đơn và ông Hè đồng ý rằng huyện sẽ tiếp tục cho thuê đất. Tôi cũng ngồi và chứng kiến cuộc làm việc này. Tuy nhiên, vì quá muộn, cuộc làm việc ấy không kịp lập và đóng dấu biên bản nên thẩm phán hẹn sẽ gửi biên bản về sau” [4].
Báo Pháp luật TP HCM nêu thêm chứng cớ về việc UBND huyện Tiên Lãng hòa giải với ông Vươn:
“Trong Công văn số 291/2010/CV ngày 25-6-2010 của TAND TP Hải Phòng do Thẩm phán Ngô Văn Anh ký, gửi ông Đoàn Văn Vươn có nội dung:
Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, TAND TP Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án. Ngày 9-4-2010, tại trụ sở TAND TP Hải Phòng, ông nhất trí rút đơn kháng cáo và xin thuê lại đất theo quy định của pháp luật. Đại diện UBND huyện Tiên Lãng cũng nhất trí cho ông thuê lại đất theo quy định của pháp luật, vì vậy TAND TP Hải Phòng đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ kiện”.
Qua công văn trả lời của ông Thẩm phán Anh, thì việc tạo điều kiện để ông Vươn và đại diện UBND huyện Tiên Lãng thỏa thuận với nhau nằm trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng.
Thỏa thuận đạt được là: đại diện UBND huyện Tiên Lãng nhất trí cho nông Vươn thuê lại đất theo qui định của pháp luật, đổi lại ông Vươn rút đơn kháng cáo phúc thẩm.
“Vì vậy, TAND TP Hải Phòng đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ kiện” có nghĩa là: vì lý do đã có thỏa thuận của ông Vươn và đại diện UBND huyện Tiên Lãng nên Tòa án không cần phải xét xử phúc thẩm nữa”.
Căn cứ vào biên bản thỏa thuận, ông Vươn không còn kháng án, nên ngày 22/4/2010 Tòa án thành phố Hải Phòng mới ra Quyết định số 02/2010HCPT-QĐ đình chỉ việc xử phúc thẩm.
Như vậy: Biên bản thỏa thuận ngày 9/4/2009 có giá trị thay thế cho việc xử phúc thẩm của Tòa án thành phố Hải Phòng. Tòa án thành phố Hải Phòng không xử phúc thẩm vì đã đạt được thỏa thuận hòa giải.
Một thỏa thuận nhằm giải quyết đơn kháng cáo cấp phúc thẩm của ông Đoàn Văn Vươn, được ký kết ở Tòa án thành phố Hải Phòng, dưới sự chủ tọa của Thẩm phán Ngô Văn Anh, khiến cho ông Vươn rút đơn kháng án phúc thẩm, phải có giá trị thay thế việc xử phúc thẩm, và Tòa án thành phố Hải Phòng phải có trách nhiệm giám sát 2 bên thực hiện đúng tinh thần của thỏa thuận này.
Thế nhưng, chính quyền huyện Tiên Lãng lật lọng với ông Vươn, không thực hiện đúng theo biên bản thỏa thuận cho ông Vươn thuê lại đất, mà ngày 24/11/2011 lại ra Quyết định số 3307/QĐ-UBND để cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn.
Không những không cho thuê tiếp theo thỏa thuận, mà còn tước đoạt hết 40,3 ha đất của ông Vươn mà chẳng bồi thường.
Chính quyền huyện Tiên Lãng lật lọng, còn Tòa án thành phố Hải Phòng lại bao che để chính quyền Tiên Lãng làm bậy, mà không hề yêu cầu chính quyền Tiên Lãng thực hiện đúng thỏa thuận đã ký ngày 9/4/2010.
Bà Nguyễn Thị Mai, Chánh án TAND TP Hải Phòng lại tuyên bố: “Biên bản tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án mà Thẩm phán Ngô Văn Anh lập không có giá trị pháp lý trong tố tụng hành chính. Biên bản chỉ là căn cứ để sau đó tòa ra quyết định đình chỉ việc xét xử phúc thẩm” [5].
Ông Vươn làm đơn kháng án, Tòa án thành phố Hải Phòng cử ông Thẩm phán Ngô Văn Anh tổ chức cho ông Vươn và đại diện UBND huyện Tiên Lãng thỏa thuận với nhau, có biên bản thỏa thuận rõ ràng, khiến cho ông Vươn mất quyền kháng án phúc thẩm, mà bà Chánh án Tòa án Hải Phòng nói thỏa thuận này không có giá trị pháp lý, vậy, Tòa án thành phố Hải Phòng tạo điều kiện cho 2 bên tự thỏa thuận để làm gì?
Sao không xữ phúc thẩm cho ông Vươn mà lại tổ chức một thỏa thuận không có giá trị pháp lý?
Để gạt ông Vươn rút lại đơn kháng án chăng?
Như vậy, rõ ràng đã có sự bật đèn xanh từ phía Tòa án thành phố Hải Phòng cho chính quyền huyện Tiên Lãng – rằng thỏa thuận đã ký là không có giá trị pháp lý – cho nên chính quyền huyện Tiên Lãng mới lật lọng mà quay lại cưỡng chế ông Vươn.
Tại sao thỏa thuận ký ngày 9/4/2010 lại không có giá trị pháp lý?
1) Tại vì Thẩm phán Ngô Văn Anh và lãnh đạo Tòa án thành phố Hải Phòng quá kém chuyên môn nên thay vì xét xử phúc thẩm, lại làm một việc bậy bạ là tạo điều kiện để ông Vươn và đại diện UBND huyện Tiên Lãng ký một biên bản tự thỏa thuận vô giá trị, khiến cho ông Vươn mất quyền kháng án?
Nếu đúng như vậy, thì lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng phải chịu trách nhiệm trước ông Vươn, vì đã cắc nhắc những người yếu kém lên làm lãnh đạo Tòa án thành phố Hải Phòng, để họ dựa bệ ăn lương mà làm điều bậy bạ, gây thiệt hại cho ông Vươn.
Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng phải sửa sai bằng cách thu hồi Quyết định số 02/2010HCPT-QĐ đình chỉ việc xử phúc thẩm, và xữ phúc thẩm theo đơn kháng án của ông Vươn.
2) Tại vì Thẩm phán Ngô Văn Anh và lãnh đạo Tòa án thành phố Hải Phòng cấu kết với chính quyền huyện Tiên Lãng, để gài bẫy ông Vươn ký vào một biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý, gạt ông Vươn rút đơn kháng án?
Vậy thì, phải khởi tố Thẩm phán Ngô Văn Anh và lãnh đạo Tòa án thành phố Hải Phòng và chính quyền huyện Tiên Lãng với tội danh: Lợi dụng chức vụ và quyền hạn cấu kết để lừa gạt, nhằm tước đoạt tài sản của nông dân, gây hậu quả nghiêm trọng.
Lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng cũng phải sửa sai bằng cách thu hồi Quyết định số 02/2010HCPT-QĐ, và xử phúc thẩm theo đơn kháng án của ông Vươn.
Tôi xin nhấn mạnh: dù vì bất cứ lý do gì mà Tòa án thành phố Hải Phòng làm sai, khiến cho anh Vươn mất quyền kháng án, thì UBND thành phố Hải Phòng phải sửa sai, bằng cách phục hồi quyền kháng án cho anh Vươn, chứ không thể nói một cách vô trách nhiệm rằng ông Thẩm phán Anh sai nên anh Vươn mất quyền kháng án.
Chính những câu trả lời vô trách nhiệm của Tòa án thành phố Hải Phòng theo kiểu của bà Chánh án Nguyễn Thị Mai, mà anh Đoàn Văn Vươn phẫn uất đến nổ súng.
Xin mọi người nhìn rõ để cảm thông cho tình cảnh của anh Vươn.
Nông dân chất phát Đoàn Văn Vươn, người đi tiên phong trong việc đắp đê lấn biển để nuôi trồng thủy sản, người đã dùng tất cả: tuổi trẻ, sức lực, trí tuệ, tài sản và cả xương máu để bẻ nạng chống trời.
May mắn thành công, thành quả chưa kịp hái, nợ nần chưa kịp trả, thì bị UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi trái pháp luật, trái đạo lý cưỡng đoạt sạch trơn 40,3 ha đất.
Đến huyện mong được cho thuê thêm để làm ăn trả nợ, huyện nói hết thời gian lấy lại không cho thuê nữa.
Phân trần rằng: tôi có công khai phá, nên cho tôi thuê tiếp, chứ sao lại lấy lại giao cho người khác.
Huyện bảo: đất đai của nhà nước, nên chính quyền huyện có quyền thu hồi, giao cho ai là quyền của huyện.
Ức lòng đi kiện, Tòa án huyện Tiên Lãng xử thua.
Một lòng tin vào công lý, kháng án lên Tòa án thành phố Hải Phòng, Tòa án không xử phúc thẩm mà ông Thẩm phán Ngô Văn An hướng dẫn thỏa thuận với đại điện UBND huyện Tiên Lãng.
Lập biên bản thỏa thuận rằng: UBND huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho thuê đất nếu ông Vươn rút đơn kháng cáo, thế là anh Vươn rút đơn kháng cáo.
An tâm sản xuất, chờ ngày làm giấy thuê đất theo thỏa thuận.
Đùng một cái, UBND huyện Tiên Lãng lật lọng tuyên bố rằng: do anh Vươn rút đơn kháng cáo xin phúc thẩm nên án sơ thẩm có hiệu lực, buộc anh Vươn phải giao 40,3 ha đất mà không bồi thường đồng nào.
Hỏi huyện: đã thỏa thuận ở Tòa án thành phố Hải Phòng tôi rút đơn kháng cáo, huyện sẽ cho thuê tiếp, sao bây giờ huyện lại thu hồi?
Huyện ngang ngược phủ nhận: giấy thỏa thuận không có giá trị, bản án sơ thẩm mới có giá trị.
Hỏi Tòa án thành phố Hải Phòng: đã ký thỏa thuận tại đây, sao bây giờ huyện nói không giá trị?
Tòa án thành phố Hải Phòng thản nhiên: thỏa thuận không có giá trị, căn cứ vào luật pháp, anh rút đơn kháng cáo, nên án sơ thẩm có hiệu lực thi hành.
Bà Chánh án Tòa án thành phố Hải Phòng: theo luật pháp hiện hành, chỉ có bản án phúc thẩm của Tòa án thành phố Hải Phòng mới có giá trị xóa bỏ án sơ thẩm của Tòa án huyện Tiên Lãng, còn Biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý.
Cả Tòa án đồng thanh nói: việc tại sao ông Thẩm phán Ngô Văn Anh lại tổ chức cho 2 bên thỏa thuận, thì ông kiếm Thẩm phán Anh mà hỏi.
Đi năm lần mười lượt mới gặp Thẩm phán Ngô Văn Anh.
Hỏi ông Anh: sao bà Chánh án nói Biên bản thỏa thuận mà ông lập không có giá trị pháp lý?
Thẩm phán Ngô Văn Anh tỉnh queo: theo luật định, Biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý. Tôi chỉ tạo điều kiện cho 2 bên tự nguyện thỏa thuận và lập biên bản thỏa thuận, còn nội dung thỏa thuận là do ông và đại diện UBND huyện Tiên Lãng đồng ý lập ra, vậy cho nên 2 bên phải tự nguyện thực hiện theo thỏa thuận.
Hỏi: Biên bản không có giá trị thay thế bản án phúc thẩm, thì ông để tôi kháng án, chứ sao lại kêu tôi rút đơn kháng án?
Thẩm phán Anh: ông nhớ cho kỹ nghen, ông tự nguyện rút đơn kháng án, chứ tôi không có bảo ông rút đơn kháng án.
Anh Vươn: vì có biên bản thỏa thuận huyện hứa cho tôi thuê tiếp, tôi mới rút đơn kháng án, chứ tôi không tự nhiên mà rút đơn. Mà tôi hỏi ông, nếu biên bản thỏa thuận không có giá trị pháp lý, thì ông tổ chức thỏa thuận để làm gì?
Thẩm phán Anh: ông đi thưa kiện thì ông phải biết luật, ông phải biết thỏa thuận không có giá trị pháp lý, chứ tôi không có trách nhiệm phải nói cho ông biết điều đó, còn rút đơn kháng án là ông tự nguyện, thì ông phải chịu chứ đừng trách tôi.
Anh Vươn: vậy ra, ông và Tòa án thành phố Hải Phòng, bày mưu tổ chức thỏa thuận để lừa tôi rút đơn kháng án à?
Thẩm phán Anh: Ông nói như vậy, tôi không tiếp ông nữa.
Bị lừa! Mình bị chúng nó lừa rồi! Mình bị bọn Tòa án thành phố Hải Phòng cấu kết với bọn chính quyền Tiên Lãng nó lừa rồi!
Luôn vang lên trong đầu anh Vươn, trên đường từ Tòa án thành phố Hải Phòng trở về nhà.
Nguy cơ bị cưỡng chế trắng tay cận kề, rồi đây gia đình lấy gì mà sống!
Hằng ngày, hằng đêm: nỗi phẫn uất vì bị những người thực thi pháp luật lừa gạt bốc lửa trong lòng anh, nổi lo sợ toàn bộ tài sản bị tước đoạt một cách bất công bóp nghẹt trái tim anh.
Con đường đến với pháp luật đã bị chặn.
Lòng tin vào pháp luật đã mất.
Pháp luật đã bị bịt mắt, ngày cưỡng chế đã cận kề, anh Vươn còn con đường hợp pháp nào khác để phản kháng với cường quyền?
Chỉ còn một con đường tuyệt vọng: nổ súng.
Không phải nổ súng để giết người mà:
Nổ súng: cho Trung ương biết thảm trạng của gia đình.
Nổ súng: để hy vọng pháp luật trở về.
Nổ súng: để đánh động công luận, khiến cho công luận quan tâm.
Nổ súng: để vợ dại, con thơ còn có mái nhà để ở, có nơi làm ăn sinh sống.
Nổ súng: để tìm hy vọng trong tuyệt vọng.
Chúng ta không khuyến khích công dân chống người thi hành công vụ, nhưng chúng ta cũng không thể để cường quyền áp bức nông dân.
Xin hãy đặt vấn đề như Đại tướng Lê Đức Anh: Tại sao người nông dân ấy lại làm vậy?
Xin mọi người hãy tự hỏi và tự trả lời câu hỏi: ở vào địa vị của anh Vươn, mình có nổ súng không?
Mong rằng mọi người, nhất là những người thi hành pháp luật, hãy nhìn sự việc nổ súng trong tuyệt vọng của anh Vươn với sự công tâm và lòng trắc ẩn.
Đã có tiền lệ ở vụ án Nọc Nạn.
Nông dân Tiên Lãng, nông dân Hải Phòng, nông dân cả nước mong rằng: Tòa án của ViệtNamta nhân đạo bằng hoặc hơn Tòa án của bọn thực dân Pháp.
H.K.
Tài liệu tham khảo:
(*) Bài: “ Giao lưu trực tuyến về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, Hải Phòng”

(1)    Bài: “Để thực thi nghiêm pháp luật đất đai”http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/70460/De-thuc-thi-nghiem-phap-luat-dat-dai.html
(2)    Giáo dục Việt Nam Online, bài: “ GS. Đặng Hùng Võ: PCT Hải Phòng nói không có căn cứ”.http://www.baomoi.com/Home/NhaDat/giaoduc.net.vn/GS-Dang-Hung-Vo-Pho-Chu-tich-TP-Hai-Phong-noi-linh-tinh/7740858.epi
(3)    Bài: “ Vụ Tiên Lãng ( Hải Phòng): lảnh đạo xã chứng kiến phá nhà?”http://phapluattp.vn/2012020511209309p0c1015/vu-tien-lang-hai-phong-lanh-dao-xa-chung-kien-pha-nha.htm

(4)    Bài: “ Đại diện UBND huyện có hòa giải với ông Đoàn Văn Vươn”.http://phapluattp.vn/20120111115821567p0c1015/dai-dien-ubnd-huyen-co-hoa-giai-voi-ong-doan-van-vuon.htm
(5)    Diễn đàn Doanh nghiệp Online, bài: “ Vụ việc ở Tiên Lãng: Thẩm phán TAND TP Hải Phòng đã “ lừa” ông Vươn” http://dddn.com.vn/20120130040825468cat111/vu-viec-o-tien-lang-tham-phan-tand-tp-hai-phong-da-lua-ong-vuon.htm

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN