12/2/12

LỰC HÚT CỦA ĐẤT





Tương Lai

Cái gì đã đẩy bà Ba Sương, anh hùng lao động thời Đổi Mới, từng được tôn vinh là “người phụ nữ tiêu biểu của Đông Nam Á”, lại là Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ Quốc VN vào vòng lao lý bất chấp lương tri và luật pháp, ngồi xổm trên công luận của cả nước rần rần phản đối.Cái gì mà ghê gớm, mà tàn bạo làm vậy? Xin thưa đó là cái “lực hút của đất”.
Một Nông trường Sông Hậu với mênh mông hơn 4000 ha đất nông nghiệp, bỗng chốc được quy hoạch chuyển đổi thành đất “dự án” với bao mục đích rất chi là hoành tráng “vì nước, vì dân, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Ai dám cưỡng lại thì tù là cái chắc! Một bà anh hùng, cả hai cha con bả đều là anh hùng, chứ cả nông trường là anh hùng thì  mùi mẻ gì, “phen này ông quyết …cho đi hết”, bởi lẽ rồi đây, những mảnh đất chia lô thì dù có “vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng” [Tú Xương].

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm nông trường Sông Hậu khi còn là nhà lá, nhưng năng suất trồng lúa đã dẫn đầu cả nước.
Các đạo diễn bậc thầy của quy hoạch” để “chuyển đổi mục đích sử dụng” rồi “hoá giá”, rồi “đền bù, giải tỏa được thực thi trong sự “đồng thuận” của cả “hệ thống quyền lực” một cách nhanh gọn và ngoạn mục mà một đại biểu Quốc hội trong phát biểu tại nơi diễn đàn tôn nghiêm này gọi là “siêu nhanh”. Ở đây cho thấy có cả một mạng lưới khép kín và tinh nhuệ của quy trình hoá giá “của chung ai khéo vẫy vùng làm riêng”.
Xem ra các “đạo diễn bậc thầy” này cũng chẳng cần có chỉ số IQ cao để xây dựng đường sắt cao tốc mà vị dân biểu nọ đưa ra cũng tại diễn đàn nói trên! Cần gì chỉ số IQ! Chỉ cần thuyết minh làm sao cho quy trình đó là “hợp thức, hợp lý”, để rồi như chiếc đũa thần trong chuyện cổ tích, chỉ trong phút chốc, những “công bộc của dân” sở hữu một gia tài trong mơ cũng khó chứ không chỉ trong cuộc đời thực. Những căn nhà to đùng, ngạo nghễ nằm ở những vị trí mà “tấc đất” không chỉ là tấc “vàng” mà là cả “cây vàng”, gió hồ thổi lồng lộng, treo tấm gương lừng lững về sự bất công xã hội đối nghịch với khẩu hiệu “dân giàu , nước mạnh xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” trước mắt bàn dân thiên hạ. 



Thực trạng tham nhũng dưới mọi hình thức, tinh vi hay trắng trợn, kín nhẹm hay lộ liễu, đang bôi nhọ những chữ dân chủ, công bằng, văn minh trong mục tiêu phấn đấu vì một xã hội tốt đẹp mà chúng ta đang hướng đến. Nó ngạo nghễ và ngang ngược thách thức phương châm xử thế “tiên thiên ưu nhi ưu, hậu thiên hạ lạc nhi lạc” [lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ] mà “người công bộc của dân” phải theo. Có lẽ ở đây phải viện dẫn đến Các Mác để giải mã được sự thách thức đó khi ông chỉ ra rằng: “Nếu tiền là sợi dây ràng buộc tôi với đời sống con người, với xã hội, với giới tự nhiên và với con người thì tiền chẳng lẽ không phải sợi dây của mọi sợi dây sao? Nó chẳng lẽ không thắt nút và cởi nút mọi sợi dây hay sao”* .
Đồng tiền không có mùi, dù in bằng chất liệu cotton hay polymer khi nó nằm trong phong bì hay nằm trong két sắt đều rất an toàn. Nó chỉ “bốc mùi” lên khi nó bị cơ quan pháp luận sờ đến. Tuy nhiên, lại có loại thuốc “khử mùi” để rồi trong nhiều trường hợp nó trở lại được với sức mạnh vô biên của nó. Nó chỉ thật sự “bốc mùi” khi bị chínhtòa án lương tâm kiểm chứng và phán xét. Thế nhưng, sức quyến rũ ghê gớm của đồng tiền đã trục xuất lương tâm ra khỏi đời sống tinh thần của không ít người đang sở hữu nó. Để rồi, chính nó đã và sẽ nhấn chìm bao sự nghiệp của những con người nắm tiền và nắm quyền. Vì, tiền mua được quyền, quyền lại đẻ ra tiền. Cái vòng oan nghiệt này như một thứ “ma đưa lối, quỹ dẫn đường” khiến cho không thiếu những người từng có uy tín, có cống hiến bị sa đoạ, rơi vào những nghịch lý không thoát ra được để thân bại danh liệt. Làm trầm trọng thêm chuyện đáng xấu hổ này là mạng lưới pháp luật đang để cho “ruồi to chui lọt, ruồi con mắc bẫy”! Cái mạng lưới đã kiên quyết bỏ tù cho bằng được bà Ba Sương trên cái nền của những điều vừa dẫn giải ở trên. Không có bối cảnh thuận lợi ấy, không có những “tấm gương” được phơi ra trước mắt bàn dân thiên hạ như thế, không trên một cái nền xã hội như vậy, khó có nghịch lý Ba Sương. Cũng sẽ không thể có vụ “cướp ngày là quan” tại Tiên Lãng nhân danh pháp luật của “nhà nước địa phương” để thực hiện việc cưỡng chế tàn bạo và vi hiến mà rồi người chỉ huy còn biểu dương đây là một cuộc “hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay…. có thể viết thành sách”. Thật đau đớn nếu cuốn sách này được viết ra thì cái truyền thống “Vì nhân dân quên mình”, “Vì nước quên than, vì dân phục vụ” của lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ được hiểu sao đây. 



Phải đặt ‘Sự kiện Ba Sương” trong bối cảnh của những nghịch lý đó, thì mới hiểu được vì sao nó lại dằng dai một cách ngoan cố và cùi nhầy giữa “thanh thiên bạch nhật” như vậy. Xin nhớ cho rằng đến năm 2005, Nông trường Sông Hậu vẫn bán gạo và cá cho các thị trường trong và ngoài nước, làm ăn có lãi. Năm 1991, khi “tái cơ cấu” để trở thành công ty cổ phần bà Ba Sương vẫn mang lại thu nhập ổn định và phúc lợi xã hội cho khoảng 3.000 hộ nông dân trong nông trường. Thế nhưng, số phận của Nông trường đã được quyết định từ những toan tính mờ ám được “nhất trí cao” trong giới chức có quyền lực ở Cần Thơ!
Thế là, tháng 9 năm 2008, bà Sương bị Tòa án huyện Cờ Đỏ buộc tội biển thủ 9 tỷ đồng của Nông trường. Trước phiên tòa xét xử vào tháng 8 năm 2009, bà bị buộc tội lập quỹ trái phép, kết án 8 năm tù. Bà kháng cáo. Tòa phúc thẩm thành phố Cần Thơ giữ nguyên bản án của tòa cấp dưới. Công luận bị thách thức một cách trắng trợn! Và có lẽ nhà chức trách Cần Thơ chưa lường hết được sức mạnh này. Các đấng “con trời” hiện đại vẫn cứ nghĩ là họ có thể “ thắt nút và cởi nút mọi sợi dây” [C.Mác] nắm quyền trong tay, mà “quyền” đi liền với “tiền”. “Trong tay đã sẵn đồng tiền, Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì”[Nguyễn Du] !
Họ quên mất rằng họ đang sống trong thời đại của cách mạng thông tin và Internet nối mạng toàn cầu thi mọi sự bưng bít thông tin đều là ứng xử lạc điệu nếu không muốn nặng lời là ngu xuẩn. Không chỉ một vài tờ báo lớn đã lên tiếng khá trung thực, cả một rừng báo mạng “lề trái” dồn dập đưa tin. Không những thế, người ta cho đăng ý kiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong lá thư gửi Thành ủy Cần Thơ, tháng 5 năm 2008 : “Tôi biết đây là ý của các đồng chí chứ không phải của công tố viên khi khởi tố vụ án [bà Sương]” . Ông chỉ rõ : “Bà đã có những đóng góp không nhỏ cho nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Cần Thơ, Hậu Giang và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, những sai phạm nếu có thì cũng nên giải quyết có tình có lý”. Rành mạch và dứt khoát hơn nữa khi ông công khai nói rõ cái ẩn dấu đằng sau vụ án Ba Sương : “Tôi hoàn toàn không tán thành chủ trương thu hồi đất của nông trường để xây khu công nghiệp”.
Thông cảm sâu sắc với thân phận một người phụ nữ bị hàm oan một cách phi lý, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tích nước, đã lên tiếng hết sức mạnh mẽ và quyết liệt phê phán việc làm sai trái của các cơ quan quyền lực ở Cần Thơ trong việc quyết bỏ tù cho bằng được bà Ba Sương. Bất chấp đạo lý và lương tâm, dẫm đạp lên lẽ phải và sự công bằng, các cơ quan tố tụng và xét xử vẫn toa rập, cấu kết với nhau để thực hiện cho bằng được toan tính của họ. Mãi cho đến tháng 5 năm 2010, sau khi công tố viên của trung ương tìm ra những vi phạm về thủ tục tố tụng, Tòa án tối cao ra quyết định bác bỏ bản án của Tòa án Cần Thơ.
Thế nhưng, xem ra người ta chưa thể nhả ra được miếng mồi quá lớn [và theo dư luận cần kiểm chứng thì đã trot chia chac cho nhau rồi] cho dù ở trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” tháng 2 năm 2011, Công an Cần Thơ báo cáo rằng kết quả điều tra sâu hơn đã cho thấy các bằng chứng mới về tội trạng của bà Sương. Tháng 8, công tố viên tiếp tục bổ sung tội tham ô cho bà Sương và các nhân viên cấp dưới cho dù co9 ở trong tình thế nhả chẳng ra cho nuốt chẳng vào”!
Thế rồi đến những tháng cuối của năm 2011, gió bỗng xoay chiều, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần này mạnh mẽ lên tiếng- một hành xử khá hiếm hoi và rất đáng hoan nghênh- đòi hỏi phải xử lý vụ án Ba Sương một cách hợp tình hợp lý. Một ông Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam đã chỉ rõ : “Việc điều tra đã làm hoen ố tên tuổi của một nông trường từng rất có uy tín với các lãnh đạo cấp cao và từng thu được nhiều thành tựu nổi bật”. Báo cáo của Mặt trận đã đưa ra những thông tin và bằng chứng qua việc tổ chưc giám sát đã chính thức nói rõ là Bà Ba Sương vô tội với lập luận rằng quỹ phúc lợi được lập năm 1994, rất lâu trước khi bà Sương trở thành giám đốc nông trường, và vào thời điểm ấy, quỹ không hề phi pháp. Thật ra thì những điều này công luận đã từng đưa ra từ bốn năm trước đây, khi bà Ba Sương bị khởi tố, nhưng có lẽ bây giờ thì đã đến “thời điểm chin muồi” để người ta buộc phải tha con mồi!
Nhìn hình ảnh người phụ nữ vừa trải qua một dặm đường đau khổ, bị cả một hệ thống quyền lực đẩy vào bước đường cùng, đến độ không có một nơi để đặt bàn thờ thắp nén nhang cho người cha anh hùng, một nông dân chân đất thứ thiệt, đang tần ngần cầm trên tay bản Quyết định phục hồi sinh hoạt Đảng mà ngao ngán cho thân phận con người. “Ai đem nhân ảnh nhuốm mùi tà dương” câu thơ của Nguyễn Gia Thiều ở thế kỷ 18 xem ra cũng còn đắc dụng vào buổi hôm nay khi mà Ba Sương chính là nạn nhân của việc “Chết đuối người trên cạn mà chơi”!
Chỉ có điều, “dìm chết người trên cạn” tại Cần Thơ bốn năm qua cũng như tại Tiên Lãng trước tết Nhâm Thìn, hay tại Thái Bình năm 1997…không phải là do “: Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán” mà là do ‘lực hút của đất”!
Vấn đề đặt ra phải là : Nếu đã trả lại thẻ Đảng cho Ba Sương, thì những kẻ nhân danh Đảng để kỷ luật người đảng viên ưu tú đó là kẻ đã bôi nhọ thanh danh của đảng viên, chẳng lẽ không bị xử lý sao? Và rồi những đảng viên nắm quyền lực Nhà nước, nhân danh pháp luật để bỏ tù một công dân là anh hùng của chế độ, những đảng viên ấy có phải ra đứng trước vành móng ngựa thay cho Ba Sương không? Nếu như người ta chưa đủ dũng khí để làm như vậy thì lương tâm chính là “vành móng ngựa” đáng sợ nhất cho những ai còn lương tâm.

Nông trường Sông Hậu

Chao ôi đất! Miếng mồi quá béo bở, có “ngoạm một miếng rồi chuồn” như Lê Nin từng cảnh báo về những người cộng sản hư hỏng và thối nát được trao quyền cách nay đã hơn một thế kỷ, cũng “hả”. Nhất là khi mà “quôc gia công thổ” lại được trao cho người đại diện nhà nước tại địa phương quản lý! Nhân danh “sở hữu toàn dân” mà tha hồ thao túng thì tiện quá, dễ quá. Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc vừa phát biểu trong buổi giao lưu trực tuyến trên tivi đã chỉ ra điều đó : "Hễ có vướng mắc nào phát sinh thì người ta lại an ủi lẫn nhau rằng, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng mọi sai lầm đều từ đó mà ra". Từ sau 1980, Hiến pháp và Luật đất đai đã được sửa đổi nhiều, nhưng riêng điều khoản về chế độ sở hữu đất đai vẫn "dậm chân tại chỗ".
Tại sao lại kỳ quặc làm vậy.? Cũng theo ông Nguyễn Đình Lộcnhiều người không dễ dàng "buông" quy định này, bởi cơ chế "nhà nước quản lý" mang lại không ít nguồn lợi hấp dẫn cho một bộ phận quan chức và nhà đầu tư. Cái “tổ con tò vò” nằm ở chỗ này đây! Vấn đề đặt ra là Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 đều thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Chỉ đến Hiến pháp năm 1980 mới quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
Phải chăng mọi tai họa do “lực hút của đất” có cội nguồn từ đây. Đã đến lúc gióng lên tiếng chuông khẩn thiết về sửa đổi Luật Đất đai trong kỳ sửa đổi Hiếp Pháp sắp tới. Và đó là tiền đề hết sức quan trọng để giảm dần “lực hút của đất”, tức cũng là giảm dần những “hệ lụy” đe dọa đến “sự tồn vong của chế độ” như đã được sự cảnh báo ở nơi có thẩm quyền nhất!

bản gốc của tác giả
nhận ngày 12/02/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét