2/10/10

Lời trăn trối quan trọng nhất của Hưng Đạo Vương

hungdaovuong

Đời vua Trần Anh Tông (1293-1314) đức Trần Hưng Đạo lui về trí sĩ ở Vạn Kiếp. Vua Anh Tông thấy ngài bệnh nặng sắp mất liền ngự giá đến thăm. Nhà vua đã cẩn thận xin ý kiến của Hưng Đạo Vương về cách thế đối phó với giặc phương bắc, mới hỏi rằng: “Thượng phụ một mai khuất núi, phỏng có quân bắc lại sang thì làm thế nào?”
Hưng Đạo Vương tâu rằng: “Nước ta thuở xưa, Triệu Võ Vương dựng nghiệp, Hán đế đem binh đến đánh, Võ Vương sai dân đốt sạch đồng áng, không để lương thảo cho giặc chiếm được, rồi đem đại quân sang châu Khâm, châu Liêm đánh quận Tràng Sa, dùng đoản binh mà đánh được, đó là một thời. Đến đời Đinh, Lê, nhiều người hiền lương giúp đỡ, bấy giờ nước Nam đang cường, vua tôi đồng lòng, bụng dân phấn chấn; mà bên Tàu đang lúc suy nhược, cho nên ta đắp thành Bình Lỗ (thuộc Thái Nguyên) phá được quân nhà Tống, đó là một thời. Đến đời nhà Lý, quân Tống sang xâm, Lý đế sai Lý Thường Kiệt đánh mặt Khâm, Liêm, dồn đến Mai Lĩnh, quân hùng, tướng dũng, đó là có thể đánh được. Kế đến bản triều, giặc Nguyên kéo đến vây bọc bốn mặt, may được vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước đấu sức lại mà đánh, mới bắt được tướng kia, cũng là lòng trời giúp ta mới được thế.
Đại để, kẻ kia cậy có tràng trận, mà ta thì cậy có đoản binh; lấy đoản chống nhau với tràng, phép dùng binh thường vẫn phải thế. Còn như khi nào quân giặc kéo đến ầm ầm, như gió, như lửa, thế ấy lại dễ chống. Nếu nó dùng cách dần dà, như tằm ăn lá, thong thả mà không ham của dân, không cần lấy mau việc, thế ấy mới khó trị, thì ta nên kén dùng tướng giỏi, liệu xem quyền biến, ví như đánh cờ, phải tùy cơ mà ứng biến, dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà, thì mới có thể đánh được. Cách ấy cốt phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân, để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.” (1)
Đọc lại những lời cố vấn của một danh tướng từng ba lần anh dũng chiến thắng quân Nguyên, chúng ta phải lo sợ cho tương lai VN trong tình thế hiện tại do Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền.
Đối sách của Trung Cộng hiện nay với VN chính là điều mà Hưng Đạo Vương lo ngại: Họ dùng chính sách “dần dà, như tằm ăn lá,…” mới khó trị. Những gì Trung Quốc thực hiện trong 10 năm qua cho thấy rõ điều đó. Nay thì ép buộc CSVN ký kết hiệp ước đất liền và biển khơi mà phần thiệt thòi nặng nề về phía VN, rồi còn chiếm thêm một số đảo; mai lại đòi khai thác bôxít Tây Nguyên; mốt thì hối lộ chính quyền VN để được trúng những gói thầu quan trọng liên quan tới an ninh tổ quốc, và mới đây nhất là thuê những diện tích lớn rừng đầu nguồn thuộc những tỉnh giáp biên giới Việt – Trung.
Điều kiện thứ nhất trong phương kế mà Hưng Đạo Vương đưa ra là: phải biết dùng tướng giỏi và có tài ứng biến như khi chơi cờ.
Từ ba thập niên qua, VN không có chiến tranh. Trong lần giao tranh vũ trang cuối cùng năm 1988, VN đã thua và để mất một số đảo trong quần đảo Trường Sa. Chúng ta không thể biết các tướng lãnh của Quân đội Nhân dân VN hiện nay sẽ ứng phó ra sao khi có chiến tranh. Những tranh chấp ở thượng tầng lãnh đạo, giới quân sự cũng chìm ẩn hoặc bị tổng cục T-2 chỉ đạo Bộ Quốc phòng nắm chắc, hoặc chưa được nhân vật nào thuộc phe đổi mới thân Tây phương yểm trợ nên chưa có tiếng nói nào.
Chúng ta chỉ thấy các lão tướng có uy tín trong quân đội trước nay lên tiếng, tiêu biểu là Tướng Võ Nguyên Giáp về những vụ như tổng cục T2, T4, Sáu Sứ, bôxít… Nhưng dường như những tiếng kêu gào của ông chỉ rơi vào khoảng không ghê rợn mà đảng và chính quyền hoàn toàn để ngoài tai, khác hẳn thái độ trân trọng lắng nghe và tiếp thu ý kiến Hưng Đạo Vương của Vua Trần Anh Tông.
Gần đây nhất, trong lá thư đề ngày 21 tháng 1 năm 2010, hai lão tướng khác của Quân đội Nhân dân là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã mạnh mẽ phản đối nhà cầm quyền CSVN “đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích 305, 3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới”.
Hai ông cho rằng chỉ vì hám lợi nhất thời trước sự việc cho mướn rừng đầu nguồn dài hạn sẽ gây hiểm họa cực lớn tới an ninh quốc gia. Hai tướng lý luận rằng “Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì nguồn thủy lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thủy điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp…”
“Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai họa cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những ‘làng Đài Loan,’ ‘làng Hồng Kông,’ ‘làng Trung Quốc.’ Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng.” (2)
Không hiểu rồi đây tiếng nói của các vị có lòng với đất nước này sẽ bị rơi vào quên lãng như của Tướng Giáp hay không?
Nhưng những góp ý của hai lão tướng yêu nước nói trên sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tư duy các cấp lãnh đạo trong quân đội. Họ sẽ nhận thấy rằng Đảng CSVN hành động hoàn toàn chỉ vì quyền lợi của đảng mà không phải vì tổ quốc, vì nhân dân. Nhận thức đó rất có thể khiến họ sẽ không còn trung thành với đảng nữa. Những mệnh lệnh để chống lại “kẻ lạ,” nếu có, sẽ không được chấp hành nghiêm chỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.
Đó là ý thứ hai của Hưng Đạo Vương về đối sách với Trung Quốc: dùng binh phải đồng lòng như cha con một nhà mới có thể đánh được.
Đức Thánh Trần dạy những điều đó cũng là do ngài đã học hỏi kinh nghiệm cha ông trong huyền sử nước nhà. Những gì Đảng CSVN đang hành xử từ thời HCM rước chủ thuyết ngoại lai về rất giống với bài học An Dương Vương ngàn xưa.
“An Dương Vương đã xa rời nếp sống muôn dân, chỉ trông cậy vào người ngoài (thần kim quy) nên ông phải xây thành chống giặc mà trước kia các Vua Hùng không cần làm việc đó. Ông còn bước thêm một sai lầm nghiêm trọng nữa là đem nàng tiên Mỵ Châu, biểu tượng của tinh thần dân tộc gả cho Trọng Thủy, con của kẻ thùTriệu Đà.
Trọng Thủy đang là một kẻ xâm lăng khiến An Dương Vương phải xây thành, xin nỏ để chống cự bỗng ngang nhiên tung hoành tận thâm cung của Loa Thành, còn trở thành người đầu gối tay ấp của nàng tiên Mỵ Châu! “ (3)
Từ chỗ sai lầm tin vào chủ thuyết ngoại lai, Đảng CSVN bước tới giai đoạn rước giặc vào nhà. Nàng Mỵ Châu, biểu tượng cho hồn Việt, đã chấp nhận và ôm ấp giặc. Hơn thế nữa, nàng còn yêu chiều Trọng Thủy đến nỗi đưa cả nỏ thần, vũ khí giữ nước cuối cùng cho Trọng Thủy coi rồi bị lừa bịp đánh tráo, y như nhà nước hiện thời đang cho kẻ lạ khai thác bôxít Tây Nguyên, cho mướn rừng đầu nguồn dài hạn và cho trúng những vụ thầu quan trọng liên quan đến nền an ninh quốc gia.
Đảng CSVN – hình ảnh của Mỵ Châu – đã coi ý giặc hơn sự an toàn của dân nước. Nàng yêu qúy giặc hơn đồng bào, hơn quê hương, đã đàn áp sinh viên biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng, bỏ tù các nhà dân chủ và trí thức yêu nước, bịt miệng toàn dân, bỏ mặc ngư dân tự trang bị đối phó, lại còn theo ý giặc trao luôn cả nỏ thần vùng đất Tây Nguyên giữ nước, đổi lấy “4 tốt” và “16 chữ” thánh hiền vàng ngọc thiên triều đỏ ban cho.
Theo Đức Thánh Trần, tướng lãnh phải quyền biến như khi chơi cờ. Với cái nhìn ngày nay, phải hiểu đó là đường lối ngoại giao khôn khéo, biết dựa vào sức dân, vào văn hóa dân tộc, vào trí tuệ toàn dân mà đưa ra các biện pháp hữu hiệu hầu đối phó với chính sách nhẹ nhàng như tằm ăn dâu của Trung Quốc.
CSVN đã quên bẵng những bài học lịch sử cơ bản đó.
Nếu biết dựa vào sức dân và trí tuệ của nhân dân, họ đã phải đưa những hiệp ước về đất liền và phân chia vịnh bắc bộ, về khai thác bôxít, thương thảo những hợp đồng quan trọng, hoặc cho thuê rừng đầu nguồn dài hạn v.v… ra quốc hội bàn thảo, dù chỉ là chiếu lệ để toàn dân góp ý.
Đó có phải là thái độ khôn ngoan hay không? Có vì quyền lợi đất nước hay không?
Điều kiện thứ ba quan trọng hơn hết, là, “phải tự lúc bình thì khoan sức cho dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là cái thuật giữ nước hay hơn cả.”
Thế nào là khoan sức cho dân?
Thời xa xưa là bớt sưu cao thuế nặng, bớt đàn áp dân chúng, bớt ép buộc muôn dân phải bỏ công bỏ của phục dịch vua quan… Ngày nay là không đục khoét của công, phong bì bôi trơn hợp đồng, là tham nhũng hối lộ, quan liêu xu phụ; rồi còn cướp nhà cướp đất, biến quần chúng thành dân oan hoặc bắt đóng những thứ thuế có tên mà kế hoạch không bao giờ được thực hiện; hay đàn áp tôn giáo và những tiếng nói đối lập, bóp họng quần chúng với thông tin một chiều…
Tất cả những điều ấy đã mạnh mẽ tố cáo rằng đảng và nhà nước VN chỉ nắm được ngọn, bao gồm những đảng viên trung thành và các tổ chức ngoại vi ăn chia với nhau, chứ hoàn toàn không hề có kế sâu rễ bền gốc, bắt được nhịp sống của đáy tầng quốc dân như lời dạy của Đức Thánh Trần.
Vậy làm thế nào để bám rễ vào dân nhằm tạo gốc to lớn và vững chắc, được nhân dân hết lòng ủng hộ mà phát triển và bảo vệ đất nước?
Muốn đạt được các điều trên thì phải hành động theo ý trời, tức lòng mong mỏi của toàn dân.
Hiện nay nhân dân đang trông chờ điều gì?
Một cách tổng quan, đó là tự do, dân chủ và nhân quyền như bao công dân, bao tổ chức yêu nước thiết tha kêu gọi từ lâu. Nhiều người đã và đang phải chấp nhận tù đầy cho lời kêu gọi thống thiết đó. Nhưng nó đã hoàn toàn chìm vào hố sâu tĩnh lặng ghê rợn của cường quyền bạo lực nhà nước.
Muốn hiểu được ý dân, hãy bắt đầu bằng việc biết lắng nghe tiếng dân, hoà vào đời sống nhân dân hầu không rời xa dân nữa. Nghe tiếng lòng quốc dân là sao? Là phải để quốc dân nói. Muốn nghe mà bịt mồm bịt miệng người ta thì ai nói cho mình nghe? Muốn nghe mà không cho giơ tay phát biểu ý kiến, lại đe doạ rình rập bắt bớ thì ai còn thiện chí phát biểu? Nghe rồi, phải kiên quyết thực hiện ý dân, tức là nắm được mệnh trời.
Mệnh trời ai nắm, kẻ ấy sẽ được muôn dân theo về với mình.
Lời trăn trối quan trọng nhất vào lúc cuối đời của một danh tướng ba lần đại phá quân Nguyên, kết tinh từ máu xương quân dân Đại Việt, có được Đảng CSVN chú ý lắng nghe hay không?
Tạ Dzu
(1) Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim, trang 165-166
(2) Trích Thư gửi lãnh đạo, đề ngày 21/01/2010 của Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh
(3) Kinh Việt, Nam Thiên, Hoa Tiên Rồng, Brisbane (Úc) xuất bản, trang 234-235

Các Lực Lượng Nước Ngoài Tham Dự Chiến Tranh 1960-1975


Ngay trước khi ký hiệp định Genève (20-7-1954), đảng Lao Động (LĐ) đã chủ trương tiếp tục chiến tranh để bành trướng thế lực. Vì chủ trương nầy, đảng LĐ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) hay Bắc Việt Nam đã cầu viện Trung Quốc, Liên Xô và các nước cộng sản khác, nhằm bảo vệ hậu cứ Bắc Việt Nam và cung cấp võ khí tối tân để Bắc Việt Nam tấn công Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hay Nam Việt Nam. Ở thế yếu và để tự bảo vệ, Nam Việt Nam đành phải nhờ Hoa Kỳ và các nước đồng minh giúp đỡ nhằm chống lại cuộc xâm lăng của Bắc Việt Nam. Đó là lý do sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở cả hai phía tại Việt Nam.
1.- LỰC LƯỢNG HOA KỲ
Ngày 4-2-1950, Hoa Kỳ thừa nhận Quốc Gia Việt Nam do quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu. Military Assistance and Advisory Group-Indochina (MAAG-I) tức Đoàn Cố vấn Viện trợ Quân sự Mỹ chính thức thành lập ngày 17-9-1950, nhằm mục đích cố vấn và huấn luyện quân đội Việt Miên Lào.
Trong chiến tranh lạnh sau thế chiến thứ hai,(1) trước sự bành trướng của cộng sản, đại diện ba nước Australia, New Zealand, United States of Anmerica họp tại San Francisco (Hoa Kỳ) ngày 1-9-1951, ký hiệp ước thành lập khối quân sự ANZUS, nhằm hợp tác phòng thủ nếu xảy ra các cuộc tấn công trên Thái Bình Dương được xem là ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh của mỗi nước và các nước khác trong khu vực. Khối ANZUS không lập lực lượng riêng, chỉ họp hằng năm cấp bộ trưởng ngoại giao để duyệt xét tình hình và họp bất thường khi một trong ba nước thành viên yêu cầu vì an ninh bị đe dọa.
Sau hiệp định Genève (20-7-1954), lo ngại sự bành trướng của cộng sản tại vùng Đông Nam Á, Hoa Kỳ vận động ký kết Hiệp ước Hỗ tương Phòng thủ Đông Nam Á (Southeast Asia Collective Defence Treaty) tại Manila, thủ đô Phi Luật Tân, ngày 8-9-1954. Từ đó ra đời Tổ chức Liên phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization viết tắt là SEATO), gồm các nước (theo thứ tự ABC) Australia (Úc), France (Pháp), New Zealand (Tân Tây Lan) Pakistan (Hồi Quốc), Philippines (Phi Luật Tân), Thailand (Thái Lan), United Kingdom (Anh), và United States of America (Hoa Kỳ).
Trong phụ bản của hiệp ước nầy, ba nước Cambodia (Cao Miên), Laos (Lào) và Việt Nam được liệt kê trong vùng lãnh thổ được bảo vệ. Hoa Kỳ dựa vào văn bản hiệp ước nầy để minh chứng sự ủng hộ của họ đối với các chế độ chống cộng ở Đông Nam Á.
Sau khi Pháp rút lui, Hoa Kỳ thiết lập đoàn MAAG-Việt Nam tháng 10-1955, để trực tiếp cố vấn và huấn luyện quân đội Việt Nam, nhằm xây dựng cho miền Nam Việt Nam một đội quân có thể tự bảo vệ an ninh lãnh thổ. Theo đà phát triển của quân đội VNCH, đoàn MAAG-Việt Nam được chuyển thành Military Assistance Command, Vietnam (MACV) tức Bộ Tư lệnh Quân viện Việt Nam ngày 8-2-1962. Nhân số MACV lúc đó khoảng 3,000 người.
Bộ Tư lệnh Quân viện Việt Nam (MACV) là bộ chỉ huy liên quân Mỹ tại Việt Nam, nằm dưới sự chỉ huy của Pacific Command (PACCOM) tức Bộ Tư lệnh Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương. Dưới quyền MACV là tất cả các lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam, gồm có: Bộ chỉ huy Lục quân (United States Army Vietnam – USARV), Bộ tư lệnh Hải quân (Naval Forces Vietnam -NAVFORV), Không lực 7 (Seventh Air Force – 7AF), Lực lượng Thủy bộ số 3 (III Marine Amphibious Force – IIIMAF), Lực lượng Dã chiến số 1 (I Field Force, Vietnam – I FFV), Lực lượng Dã chiến số 2 (II Field Force, Vietnam – II FFV), Quân đoàn 24 (XXIV Corps), Lực lượng Đặc biệt số 5 (5th. Special Forces Group), Cơ quan Điều phối Dân sự vụ và Phát triển Nông thôn (Civil Operations and Rural Development Support – CORDS), Nhóm Nghiên cứu và Quan sát (Studies and Observations Group – SOG).(2)
Các Tư lệnh MACV là đại tướng Paul D. Harkins (từ tháng 2-1962), William C. Westmoreland (từ tháng 6-1964), Creighton W. Abrams (từ tháng 7-1968) và Frederick C. Weyand (từ tháng 6-1972). Vai trò của MACV càng ngày càng quan trọng khi Hoa Kỳ tung quân vào Việt Nam từ năm 1965.
Tháng 8-1964 xảy ra biến cố Vịnh Bắc Việt. Nguyên vào ngày 2-8-1964, khu trục hạm Maddox (Hoa Kỳ) đang tuần tra trong hải phận quốc tế trong vịnh Bắc Việt ở ngoài khơi Thanh Hóa, thì bị ba ngư lôi đĩnh Bắc Việt tấn công. Theo các tài liệu cũ của Hoa Kỳ, hai ngày sau, chiều tối 4-8-1964 hai chiến hạm Maddox và Turney Joy bị tấn công lần nữa, trong khi thi hành nhiệm vụ trong hải phận quốc tế. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều tài liệu cho thấy lần tấn công thứ hai vào tối 4-8-1964 không có thật. (Đỗ Cẩm, ) Ngày 7-8, theo yêu cầu của tổng thống Hoa Kỳ, Quốc hội Hoa Kỳ cho phép ông được sử dụng mọi biện pháp cần thiết để đánh trả, nghĩa là cho phép ông có thể đưa quân qua Việt Nam và mở rộng chiến tranh.
Trong thời gian thủ tướng Phan Huy Quát cầm quyền (từ 16-2-1965 đến 19-6-1965), những báo cáo của các giới chức Hoa Kỳ cho thấy tình hình quân sự VNCH càng ngày càng bi đát, nhất là báo cáo ngày 24-2-1965 của Cơ quan Trung ương tình báo (CIA), báo cáo vào đầu tháng 3 của tướng Westmoreland và báo cáo của cố vấn McGeorge Bundy sau khi từ Việt Nam trở về.(3) Bundy đề nghị thực hiện ngay kế hoạch “trả đũa liên tục” chống lại miền Bắc. Tổng thống Johnson liền quyết định mở chiến dịch oanh tạc thường xuyên Bắc Việt, đặt tên là Rolling Thunder, chính thức bắt đầu vào ngày 2-3-1965.
Do hoạt động của không quân Hoa Kỳ càng ngày càng gia tăng, phi trường Đà Nẵng được dùng làm nơi xuất phát các phản lực cơ bay đi oanh tạc Bắc Việt. Ngày 22-2-1965, tướng Westmoreland, tư lệnh MACV, yêu cầu tổng thống Johnson cho đổ bộ hai tiểu đoàn Thủy quân lục chiến (TQLC) Hoa Kỳ, nhằm bảo vệ căn cứ Đà Nẵng. Johnson đồng ý đề nghị nầy với điều kiện phải có sự ưng thuận của chính phủ Việt Nam.
Được lệnh của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 1-3-1965, đại sứ Taylor và phó đại sứ Alexis Johnson gặp thủ tướng Phan Huy Quát, đưa đề nghị về việc Hoa Kỳ gởi hai tiểu đoàn TQLC đến Đà Nẵng. Thủ tướng Quát chấp thuận. Ngày hôm sau, 2-3-1965, tướng Westmoreland gặp và thông báo cho các tướng Nguyễn Văn Thiệu, tổng trưởng Quân lực và Trần Văn Minh, tổng tư lệnh quân đội. Người Mỹ còn ra Đà Nẵng, gặp thiếu tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh Quân đoàn I để thảo luận kế hoạch đổ bộ. Cần nhấn mạnh là quyết định tối quan trọng nầy chỉ được thỏa thuận bằng lời chứ không bằng văn bản, giữa các giới chức Hoa Kỳ với thủ tướng Phan Huy Quát và một số tướng lãnh Việt Nam chứ, không có ý kiến của Hội đồng chính phủ hay của HĐQL.
Cuối cùng, ngày 8-3-1965, tiểu đoàn 9 TQLC Hoa Kỳ là đơn vị chiến đấu Mỹ đầu tiên đổ bộ vào bãi biển Nam Ô, phía bắc Đà Nẵng khoảng 10 cây số.(4) Các đơn vị còn lại đến Đà Nẵng bằng không vận. Việc người Mỹ bắt đầu đổ quân chiến đấu vào Việt Nam là một biến cố quan trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ tình hình Việt Nam.
Quân số Hoa Kỳ tại Việt Nam từ tháng 4-1965 là 32,000 người. Cuối năm 1965, số quân nầy tăng thành 186,000. Cuối năm 1966 là 376,800 quân. Cuối năm 1967 lại tăng nữa: 486,000 quân.(5) Sau biến cố Mậu Thân vào đầu năm 1968, quân số Hoa Kỳ lên cao điểm là 536,100 người.(6) Sau đó, từ giữa năm 1969, tổng thống Richard Nixon thay đổi sách lược, rút quân dần dần theo kế hoạch mà người Mỹ gọi là “Việt Nam hóa” và dự tính sẽ còn 405,000 vào 1972.
Sau hiệp định Paris (27-1-1973), toàn bộ quân Mỹ triệt thoái khỏi Việt Nam, MACV bị giải thể ngày 29-3-1973. Cơ quan Defense Attach Office (DAO) tức Phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ được thành lập do thiếu tướng John Murray chỉ huy và trong năm sau (1974), thiếu tướng Homer Smith thay thế, cho đến tháng 4-1975. Số quân nhân Hoa Kỳ hy sinh tại chiến trường Việt Nam lên khoảng 58, 217 người và 19 dân sự; 153,452 bị thương và 1,740 người mất tích.(7)
Cần chú ý, chính phủ các nước trên thế giới đều chỉ lo phục vụ quyền lợi nước họ, nên khi quyết định giúp đỡ một nước khác, cũng chỉ vì quyền lợi gần hay xa của nước họ. Người Hoa Kỳ rất thực dụng. Do đó, chính phủ Hoa Kỳ quyết định can thiệp vào Việt Nam vì chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ chứ không phải chỉ vì giúp đỡ VNCH. Khi đến vì quyền lợi, thì cũng vì quyền lợi người Hoa Kỳ ra đi, sẵn sàng bỏ rơi VNCH khi cần.
2.- LỰC LƯỢNG CÁC NƯỚC TRONG KHỐI TỰ DO THAM CHIẾN
Hoa Kỳ là thành viên của khối ANZUS và tổ chức SEATO, nên Hoa Kỳ kêu gọi, thúc đẩy các nước đồng minh Đông Á giúp đỡ Việt Nam. Lúc đầu là những toán chuyên viên dân sự. Dần dần nhiều nước gởi quân chiến đấu đến giúp VNCH.
Năm 1962, Australia (Úc) gởi qua Việt Nam một biệt đội cố vấn chiến tranh rừng rậm khoảng 30 người. Số quân Úc tăng dần lên đến 7,672 năm 1969 và từ năm 1970 giảm xuống trở lại (6,763 quân).(8) Khi rút hết quân về nước tháng 12-1972, Úc chỉ để lại một trung đội bảo vệ sứ quán Úc tại Sài Gòn. Số quân Úc tử trận tại Việt Nam là 521 người. (9)
New Zealand (Tân Tây Lan) gởi quân giúp Việt Nam từ tháng 6-1964 đến tháng 12-1972. Đầu tiên là một toán cố vấn 30 người năm 1964 tăng dần theo từng năm. Số quân New Zealand cao nhất vào năm 1970 là 441 người.(10) Tổng số quân tử trận tại Việt Nam là 36 người.(11)
Năm 1964, Republic of Korea (South Korea) tức Cộng Hòa Đại Hàn (hay Nam Hàn) gởi sang Việt Nam 200 quân, nhưng ngay từ năm sau (1965), quân Đại Hàn tăng lên 20,620 người, rồi lại tăng thành 45,566 quân năm 1966. Cao điểm vào năm 1969, quân Đại Hàn hiện diện ở Việt Nam là 48, 869 người. Sau đó quân số giảm dần cho đến khi rút lui đầu năm 1973. Quân Đại Hàn đóng giữ các tỉnh duyên hải từ Quảng Ngãi vào đến Bình Thuận. Các dơn vị nổi tiếng là Sư đoàn Mãnh Hổ (bản doanh ở Bình Định), Lữ đoàn Thủy quân lục chiến Thanh Long (bản doanh ở Cam Ranh) và sư đoàn Bạch Mã (bản doanh ở Tuy Hòa). Số quân tử trận khoảng 5,099, bị thương 11,232 và mất tích 4.(12)
Ngày 29-9-1964, 16 quân nhân viên Không lực Thái Lan đến Sài Gòn để giúp Không quân Việt Nam. Dần dần quân Thái Lan lên đến 6 tiểu đoàn với 11,586 quân năm 1970, đóng bản doanh trong vùng tỉnh Biên Hòa. Thái Lan bắt đầu rút quân từ tháng 3-1971 và chấm dứt giữa năm 1972.(13a) Thái Lan mất 351 quân nhân và bị thương 1,358 người.
Nước Philippines gởi Đoàn Công tác Dân vụ (Civic Action Group) qua giúp VNCH từ năm 1964. Cao điểm năm 1967, quân Philippines lên đến 534 người. Sau đó giảm xuống dần dần và chỉ còn 74 người năm 1970. Quân Philippines đảm trách các công tác dân vụ như y tế, làm đường sá, xây cầu cống, dựng nhà giúp dân tái định cư tại các tỉnh Hậu Nghĩa, Bình Dương và Tây Ninh.(13b) Số thiệt hại quân nhân Phi Luật Tân không đáng kể, 7 người chết, 2 người bị thương.
Ngoài ra, còn hai nước chỉ gởi chuyên viên kỹ thuật và y tế sang giúp VNCH là Trung Hoa Dân Quốc (Republic of China) và Tây Ban Nha (Spain). Trung Hoa Dân Quốc tức Đài Loan (Taiwan) gởi 20 người năm 1964 và 31 người năm 1970. Tây Ban Nha gởi 13 chuyên viên năm 1966 và chỉ còn 7 người năm 1970.(14)

DIỄN BIẾN QUÂN SỐ ĐỒNG MINH TỰ DO 
(14)
Quốc Gia1964196519661967196819691970
Australia2001,5574,5256,818  7,661   7,672  6,763
New Zealand30119155534516552441
Republic
of Korea   
20020,62045,56647,82950,00348,86948,537
Thái Lan162442,2056,00511,56811,586
Philippines17722,0612,0201,57618974
Republic of China20202331292931
Tây Ban
Nha
1313121007

3.- LỰC LƯỢNG CÁC NƯỚC CỘNG SẢN THAM CHIẾN
Quân đội Hoa Kỳ và các nước đồng minh trong khối Tự do đến giúp VNCH (Nam Việt Nam) có tính cách công khai, nên chẳng những người Việt Nam biết, mà cả thế giới đều biết. Ngược lại, lực lượng các nước trong khối Cộng sản đến giúp VNDCCH (Bắc Việt Nam) hết sức bí mật và được giấu kín trong thời gian chiến tranh. Sau năm 1975, tin tức dần dần mới được tiết lộ.
Để chuẩn bị chiến tranh, đầu tháng 7-1959 Hồ Chí Minh qua Moscow đề nghị Liên Xô yểm trợ Bắc Việt Nam trong cuộc chiến mà đảng LĐ đang sửa soạn tấn công miền Nam Việt Nam, nhưng Liên Xô khuyên Hồ Chí Minh nên tiếp tục mưu tìm sự thống nhất trong hòa bình.(15)
Vào lúc nầy, Nikita Khrushchev đang cầm quyền ở Liên Xô từ năm 1953. Năm 1956, trong Đại hội đảng lần thứ 20 đảng Cộng Sản Liên Xô (CSLX) tháng 2-1956, ông đưa ra chủ trương “chung sống hòa bình” giữa các nước không cùng chế độ chính trị.
Một thành tựu quân sự quan trọng của LX dưới thời Khrushchev là Liên Xô đã phóng thành công vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo ngày 4-10-1957, mở đầu kỷ nguyên chinh phục không gian. Sau những cuộc thương lượng kéo dài, ngày 5-8-1963, ngoại trưởng Liên Xô (Andrei Gromyko), ngoại trưởng Anh Quốc (Alec Douglas Home) và ngoại trưởng Hoa Kỳ (Dean Rusk) ký thỏa hiệp giới hạn thử nghiệm bom nguyên tử trên khí quyển và ngoài biển khơi, chỉ được thử nghiệm trên đất liền. Thỏa hiệp nầy chính thức có hiêu lực từ ngày 10-10-1963.
Khi Leonid Brezhnev lên làm thư ký thứ nhất đảng CSLX thay Nikita Khrushchev vào tháng 10-1964, thì LX thay đổi thái đô, viện trợ và gởi người sang giúp Bắc Việt Nam. Quân đội Liên Xô đến Bắc Việt khoảng 3,000 người, thuộc Phòng Tùy viên Quân sự Tòa đại sứ Liên Xô tại Hà Nội, đều là những chuyên viên không quân, kỹ thuật phòng không và hỏa tiễn (Bắc Việt gọi là tên lửa). Nhiệm vụ của chuyên viên LX là huấn luyện lắp ráp tại chỗ các loại máy bay chiến đấu MIG-21 và SU, huấn luyện phi công Bắc Việt lái máy bay, lắp ráp các bệ phóng hỏa tiễn và điều khiển hỏa tiễn. Ngoài ra còn có một số chuyên gia về hải quân và các binh chủng khác.
Khi phục vụ tại Bắc Việt, các quân nhân LX đều dùng thường phục, chỉ trong những buổi lễ mới dùng quân phục, sinh sống tập trung nhiều nhất ở trong một số khu vực ở Hà Nội và ở các phi trường lớn có trang bị hỏa tiễn phòng không tại Bắc Việt.(16)
Nước cộng sản lớn thứ hai đưa quân vào Bắc Việt Nam là Trung Quốc (TQ). Bắc Việt Nam nằm sát phía nam TQ. Ngày 4-9-1958, Quốc Vụ Viện TQ ra nghị quyết về ranh giới biển của TQ là 12 hải lý kể từ bờ biển, áp dụng cho toàn thể lãnh thổ TQ, bao gồm các hải đảo, trong đó có cả Hoàng Sa và Trường Sa. Để lấy lòng TQ, Phạm Văn Đồng, thủ tướng Bắc Việt, với sự đồng ý của Hồ Chí Minh và bộ Chính trị đảng LĐ, ký quốc thư ngày 14-9-1958, tán thành quyết định trên của TQ ngày 4-9-1958, nghĩa là mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Trung Quốc.
Cần chú ý thêm TQ đã thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên ngày 16-10-1964, phóng hỏa tiễn nguyên tử đầu tiên ngày 25-10-1966 và thử nghiệm quả bom khinh khí đầu tiên ngày 14-6-1967.(17) Sự thành công nầy làm tăng giá trị vị thế của TQ trong bang giao quốc tế.
Trước đây, chỉ có Liên Xô là nước cộng sản duy nhất thủ đắc bom nguyên tử, có thể đối trọng với Hoa Kỳ. Nay Trung Quốc cũng có bom nguyên tử nên càng làm cho Bắc Việt tin tưởng thêm hơn trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ. Mối bang giao Liên Xô-Trung Quốc rạn nứt từ năm 1956, khi Nikita Khrushchev chủ trương “sống chung hòa bình” giữa các nước không cùng chế độ chính trị. Nay có bom nguyên tử, TQ càng tỏ ra khiêu khích đối với Liên Xô. Riêng Hoa Kỳ, sau khi TQ nắm được bom nguyên tử, Hoa Kỳ cũng phải tính toán lại sách lược bang giao đối với Trung Quốc, tạo nhiều hệ lụy trong chiến tranh Việt Nam.
Trong khi đó, vào đầu tháng 8-1964 xảy ra biến cố Vịnh Bắc Việt. Quốc hội Hoa Kỳ liền đưa ra “Quyết nghị vịnh Bắc Việt” (Gulf of Tonkin Resolution) ngày 7-8-1964, cho phép tổng thống Hoa Kỳ thi hành các biện pháp cần thiết, kể cả việc dùng võ lực, để đối phó với tình hình tại Đông Nam Á. Trung Quốc tỏ ra quan ngại, cho rằng chẳng những Hoa Kỳ tấn công Bắc Việt mà Hoa Kỳ sẽ có thể giúp Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đổ bộ lục địa Trung Quốc. Một mặt, Trung Quốc tái bố trí lực lượng nội địa để phòng thủ, một mặt Trung Quốc tăng cường giúp đỡ VNDCCH nhằm chống lại Hoa Kỳ. (18)
Các lãnh tụ Bắc Việt là Hồ Chí Minh, Lê Duẫn, Văn Tiến Dũng liên tục qua Trung Quốc hội họp và thương lượng với các lãnh tụ Trung Quốc. Ngoài việc gởi quân viện, từ tháng 6-1965 đến tháng 3-1968, Trung Quốc gởi sang Bắc Việt Nam 320,000 quân, trú đóng ở các tỉnh và thành phố phía bắc Hà Nội, điều khiển các súng phòng không, sửa chữa đường sá, cầu cống, đường xe lửa, xây dựng các hãng xưởng, bảo vệ các tỉnh phía bắc nhằm giúp Bắc Việt kéo hết quân xuống tấn công miền Nam. Khi Trung Quốc rút quân về nước vào tháng 8-1973 (7 tháng sau hiệp định Paris), tổng số lính Trung Quốc thiệt mạng tại Việt Nam là 1,100 người và bị thương là 4,200 người.(19)
Cuối năm 1966, Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên (Bắc Hàn) gởi hai trung đoàn pháo binh phòng không và hai phi đội sang Bắc Việt Nam giúp bảo vệ Hà Nội. Kim Nhật Thành đã nói với các phi công Bắc Hàn là hãy chiến đấu trên bầu trời Bắc Việt giống như tại Triều Tiên. Khi rút về vào 1972, Bắc Hàn để lại khoảng vài chục quân nhân bị giết trong các cuộc dội bom của phi cơ Hoa Kỳ.(20)
Ngoài ra, Cuba, một nước ở Trung Mỹ theo cộng sản, cũng gởi người đến giúp Bắc Việt, qua hình thức dân sự thuộc Tòa đại sứ Cuba ở Hà Nội. Đó là những chuyên viên phụ trách khai thác tù binh Hoa Kỳ bị Bắc Việt bắt được. Đa số quân nhân Hoa Kỳ bị bắt là phi công. Theo lời kể của những tù binh Hoa Kỳ còn sống sót và trở về Hoa Kỳ sau hiệp định Paris năm 1973, các chuyên viên Cuba tra tấn một cách tàn nhẫn và có khi đánh đập đến chết một số tù binh Hoa Kỳ.(21)

KẾT LUẬN
Sau khi đất nước bị chia hai, miền Nam Việt Nam muốn sống yên ổn, hòa bình để phát triển kinh tế, nhưng lại bị Bắc Việt Nam khiêu khích và tấn công vì cho rằng miền Nam Việt Nam không thi hành việc tổ chức tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo hiệp định Genève (20-7-1954). Lý do nầy hoàn toàn không hợp lý vì hiệp định Genève chỉ là một hiệp định đình chỉ chiến sự, không nói gì đến giải pháp chính trị. Việc dự tính tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước chỉ được đề cập đến trong điều 7 bản “Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Genève 1954 về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương”. Bản tuyên bố nầy lại không có chữ ký của các nước tham dự hội nghị nên không có giá trị cưỡng hành.
Quân đội các nước cộng sản kín đáo đến giúp Bắc Việt Nam, được ngụy trang dưới hình thức chuyên viên kỹ thuật dân sự. Truyền thông Bắc Việt hoàn toàn do nhà nước kiểm soát, nên không đưa tin về việc nầy. Bắc Việt bưng bít tin tức rất kỹ, thế giới hoàn toàn không hay biết về sự hiện diện của quân đội các nước cộng sản tại Bắc Việt.
Trong khi đó, Hoa Kỳ cùng đồng minh công khai đổ quân ồ ạt vào Nam Việt Nam. Cộng sản Bắc Việt lợi dụng sự hiện diện công khai của quân nhân nước ngoài tại miền Nam Việt Nam để tuyên truyền chống VNCH và chống “đế quốc xâm lược Mỹ”, chẳng những trong dân chúng Việt Nam ở cả hai miền Bắc và Nam Việt Nam, mà cả trưóc dư luận thế giới.
Quân đội Hoa Kỳ và đồng minh vào miền Nam Việt Nam khá nhanh từ năm 1965 và cũng rút nhanh vào đầu thập niên 70. Tuy vậy, quân đội VNCH vẫn một mình chiến đấu bảo vệ miền Nam Việt Nam, và chỉ phải buông súng vì thiếu đạn dược do Hoa Kỳ cắt quân viện, trong khi Bắc Việt Nam được toàn khối cộng sản yểm trợ mạnh mẽ cho đến khi thành công năm 1975. (Trích Việt sử đại cương tập 6.)
TRẦN GIA PHỤNG
(phungtrangia@yahoo.com)

CHÚ THÍCH
1. Sau thế chiến thứ hai, thế giới chia thành hai khối rõ rệt. Khối tư bản do Hoa Kỳ đứng đầu và khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. Hoa Kỳ thử thành công bom nguyên tử lần đầu tiên ngày 16-7-1945, và đã dùng bom nguyên tử thả xuống hai thành phố Nhật Bản là Hiroshima (6-8-1945) và Nagasaki (9-8-1945), kết thúc thế chiến thứ hai. Liên Xô thử nghiệm thành công bom nguyên tử đầu tiên ngày 29-8-1949. Vì cùng thủ đắc võ khí nguyên tử, hai nước Hoa Kỳ và Liên Xô, tuy tranh chấp nhau quyết liệt, nhưng tránh trực tiếp đụng độ nhau. Tình trạng nầy gọi là chiến tranh lạnh Trong chiến tranh lạnh, Liên Xô và khối cộng sản dựa vào chiêu bài giải phóng dân tộc để tuyên truyền và bành trướng thế lực. Hoa Kỳ và khối tư bản cho rằng khi một nước bị cộng sản chiếm quyền, thì các nước lân bang dần dần sẽ bị mất vào tay cộng sản, nghĩa là một quân cờ domino sụp đổ, thì các quân cờ domino khác cũng sụp theo. Đó là nguồn gốc thuyết domino tại các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ. Vận dụng thuyết địa lý chính trị nầy, Hoa Kỳ can thiệp vào các nước Đông Nam Á, hầu ngăn chận sự bành trướng của cộng sản.
2. Wikipedia, The free encyclopedia, “Military Assistance Advisory Group”.
3. Lâm Vĩnh Thế trích dịch, Bạch hóa tài liệu mật của Hoa Kỳ về Việt Nam Cộng Hòa, Hamilton, Ontario: Hoài Việt, 2008, tt. 162-166. Đọc thêm: William Westmoreland, A Soldier’s Report, Duy Nguyên dịch, Hồi ký cựu đại tướng Westmoreland, San Jose: Nxb. Thế Giới, 1996, chương VII, “Quyết định khó khăn nhất”, tt. 171-206.
4. Làng Nam Ô nằm ven vịnh Đà Nẵng, dân địa phương gọi là Vũng Thùng. Trước đó hơn 100 năm, những TQLC Pháp đầu tiên cũng đã đổ bộ ở Vũng Thùng năm 1856. Ca dao Quảng Nam có câu: “Tai nghe súng nổ cái đùng/ Tàu Tây đã đến Vũng Thùng hôm qua.” Làng Nam Ô thuộc huyện Hòa Vang, tiếp giáp với Liên Chiểu, ngay dưới chân phía nam đèo Hải Vân.
5. Đoàn Thêm, Việc từng ngày 1965, Việc từng ngày 1966, Việc từng ngày 1967, California: Nxb. Xuân Thu tái bản, mục cuối mỗi sách: “Quân số Hoa Kỳ”.
6. Wikipedia, The Free Encyclopedia, “Việt nam War”, mục “Strenght”.()
7. Wikipedia, the Free Encyclopedia, “Vietnam War” “Casualities” [Thương vong trong chiến tranh Việt Nam]. (http://en.wikipedia.org/wiki/Vietnam_War_casualties)
8. Trung tướng Stanley Robert Larson và Thiếu tướng James Lawton Collins, Jr., Allied Participation in Vietnam, Washingtong D.C.: Department of Army, 1985, tr. 23.
9. Australian War Memorial, “Vietnam War 1962-1975”.(
)
10. Robert Larson và Lawton Collins, Jr., sđd. tr. 23.
11. Wikipedia, The Free Encyclopedia, “New Zealand in the Vietnam War”.
12. Robert Larson và Lawton Collins, Jr., sđd, chương: “The Republic of Korea”, tt. 120-156; và Wikipedia, The free encyclopedia, “Vietnam War Casualities”.
13. Robert Larson và Lawton Collins, Jr., sđd, tt.. 23, 51 (13a), 23, 63 (13b).
14. Robert Larson và Lawton Collins, Jr., sđd. tr. 23.
15. Mark Moyar, Triumph Forsaken, The Vietnam War, 1954-1965, New York: Cambridge University Press, 2006, tr. 83.
16. http://www.russiatoday.ru/news/news/21019 “USSR ’secret’ Vietnam soldiers speak out”, 16-2-2008. Xem thêm: Bản tin đài RFA (Radio Free Asia) ngày 20-2-2008. RFA còn phỏng vấn nhà báo Bùi Tín, cựu đại tá Bộ đội cộng sản Bắc Việt. Ngoài ra, tham khảo thêm BBC Vietnamese ngày 19-11-2008.
17. Google: “China Nuclear Forces”.(Trích ngày 4-6-2008.)
18. Lorenz Luthi, “The Vietnam War and Chinas Third-Line Defense Planning before the Cultural Revolution, 1964-1966″ 
Journal of Cold War Studies, Vol. 10, No. 1, Winter 2008, pp. 26-51, bản dịch của Trần Quốc Tân, “Chiến tranh Việt Nam và kế hoạch phòng tuyến ba của Trung Quốc trước Cách mạng Văn hóa, 1964-1966, (Nguồn: Tạp chí Thời Đại Mới, số 13, tháng 03-2008. (tapchithoidai.org/ThoiDai13/2008).
19. Qiang Zhai, China & Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, tr. 135.
20. Wikipedia, The Free Encyclopedia, “Koreans in Vietnam”, “Vietnam War casualties”, và BBC NEWS (Anh ngữ) các ngày 31-3-2000, 7-7-2001, và 12-7-2001.
21. http://www2.fiu.edu/~fcf/warcrimes.cuba.vietnam.html. “War Crimes: The Cuban-Vietnam Connection”, 20-2-1997. http://webcache.googleusercontent.com/ “Cuban Torturers in Viet Nam-Eye-Witness Report, 12-Apr-2004”.



CÓ 6 NGƯỜI ĐỌC GÓP Ý »


  1. Hoa Kỳ đã coi Miền Nam như là một nước vô chủ khi đưa quân sang tham chiến. Trong quyển ” Gọng kìm lịch sử”, ông Bùi Diễm- nguyên bộ trưởng tại phủ thủ tướng của chính phủ Phan Huy Quát- đã thuật lại rằng:
    ” Sáng sớm ngày 8-3-1965, tôi được thủ tướng Quát gọi đến tư gia. Vừa đến nơi, tôi đã thấy sứ thần Manfull tại đó. Bác sĩ Quát đã cho tôi biết là thuỷ quân lục chiến Hoa kỳ đang đổ bộ ở Đà Nẵng, và yêu cầu tôi cùng với ông Manfull soạn thảo thông cáo chung loan báo việc này. Ông căn dặn ” Cố làm sao càng ngắn càng hay, trình bày sự kiện như đã xảy ra“. Tôi kéo bác sĩ Quát sang phòng khác, và hỏi ông “Có gì đặc biệt về phương diện quân sự mà chúng ta không được biết, đến độ họ phải hành động một cách vội vàng như vậy?”. Bác sĩ Quát cố giữ bình tĩnh … nhưng hơi gắt gỏng “Lúc này họ đang đổ bộ lên Đà Nẵng, anh hãy làm xong bản thông cáo chung rồi chúng ta sẽ nói chuyện sau.”
    Qua hồi ký của ông Bùi Diễm, người ta thấy rõ ràng thủ tướng Quát ra lệnh cho ông Bùi Diểm xác nhận “việc quân dội Mỹ đổ xuống Đà Nẵng” là có sự đồng ý của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà.
    ( Ngưng trích)

  2. Theo lời kể của cựu Trung Tướng Yevgeni Antonov- nguyên trưởng đoàn cố vấn quân sự của Liên Xô tại Việt Nam- trong một bài báo trên tờ Pravda nhân dịp đánh dấu 30 năm cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, Liên Xô đã gởi nguyên một trung đoàn phòng không với đầy đủ vũ khí và trang bị sang Việt Nam tham chiến, và 13 người lính phòng không Liên Xô đã chết trên đất Bắc. Những chiếc máy bay Mỹ đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, kể cả chiếc chiến đấu cơ F4 Fantom của Thượng Nghị Sĩ John McCain, cũng từ hỏa tiễn của các đơn vị Hồng quân Liên Xô.
    Và trên tờ báo Asia Times ngày 18/8/2006, tác giả Richard M Bennett cho hay khoảng 200 phi công Bắc Hàn đã tham gia bảo vệ Hà nội trong các đợt tấn công của Hoa Kỳ .

  3. Hoàn toàn đồng ý với nhận định của sử gia Trần Gia Phụng rằng thực lực của cái lực lượng gọi là ” Quân đội nhân dân anh hùng” của bè đảng Cộng Sản Việt Nam nay đã bị phơi bày trần truồng, không thể chối cãi : Ngày trước, chúng ” đánh thắng được giặc Pháp, đánh đuổi được Mỹ Ngụy” và chiếm được Miền Bắc là do có sự giúp đỡ dồi dào và bất tận về nhân lực và khí giới của các đàn anh lớn, nhỏ của khối Cộng, và chiếm được Miền Nam là do quốc hội Mỹ cắt quân viện cho Miền Nam.
    Ngày nay, không còn có được những cái may mắn của những ngày trước, nên cái quân đội này biến thành “đám gà nuốt dây thun”. Không những chúng không dám nổi dậy lật đổ bè lũ Việt gian bán nước, độc tài, đần độn Mạnh, Triết, Dũng mà chúng còn để mặc cho bọn chó má Tàu Cộng mặc tình làm thịt dân lành ở Biển Đông.

  4. Muốn biết tinh thần chiến đấu của các cán binh Cộng sản ra sao, xin mời đọc những con số dưới đây:
    Kể từ 27/1/73 dê/n 28/3/73, chiếu theo điều 8/Chương 3 về việc trao trả nhân viên quân sự bị bắt, phía bên Việt Nam Cộng Hoà đã trả lại cho phía Cộng sản 26508 cán binh, bộ dội Cộng sản (và nhận về 4956 quân nhân VNCH bị bắt giữ cùng vói 1585 người Mỹ).
    Tính cho đến 4/1975, dã có hơn 200000 hồi chánh viên Việt Cộng trở về với chính nghĩa quốc gia – Chương trình chiêu hồi được khai sinh dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm – từ binh sĩ lên đến cấp thượng tá, từ du kích địa phương đến chính qui Bắc Việt .
    Thượng tá Tám Hà, chính ủy sư đoàn 5 ra hồi chánh tại Bình Dương năm 1970.
    Trung tá Huỳnh Cự ra hồi chánh tại Quảng Ngãi
    Trung tá Lê xuân Chuyên hồi chánh năm 1967 tại Bình Tuy
    Trong trận Mậu Thân, trung tá Phan văn Xương và toàn bộ trung đoàn Củu Long ra hồi chánh tập thể tại khu vục Đồng Ông Cộ (Gia Định).

  5. Thật ra các nước Dồng minh khác,ngòai Mỹ,tham dự vào Chiến tranh VN dều do yêu cầu của Mỹ,chứ
    không phải VN. MỸ tạo ra một Lực-lượng da Quốc,ngõ hầu tạo thế “chính nghiã”dối với dư luận trong và ngoài nước Mỹ.Chính quyền Phan huy Quát thời dó cũng chỉ là bù-nhìn không hơn kém.O nguyễn
    văn Thiệu lúc dó là Tổng trưởng Quốc phòng(chứ không phải Tổng trưởng Quân lực) không hay biết
    gì ngày giờ cuộc dổ quân cuả Mỹ,thật là”nhục nhã”với chức vụ. Thủ tứơng Quát dã lui vào hậu-trường
    dể giữ tiết tháo.Còn NVT thì lên như diều gặp gió.Chẳng trách Dất-nước mất là phải.!! Dừng trách ai
    hết,haỹ tự trách mình trước!!.