30/3/12

MYANMAR GIẢI PHÓNG CHÂU Á NHƯ THẾ NÀO


Robert D. Kaplan, Stratfor

Việc Myanmar mở rộng tự do và bình thường hóa quan hệ với thế giới bên ngoài đang diễn ra có khả năng làm ảnh hưởng sâu sắc đến địa hình chính trị ở châu Á – và tất cả cho sự tốt lành.

Về mặt địa lý, Myanmar thống trị vịnh Bengal. Đó là nơi mà các lĩnh vực ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ phủ lên nhau. Myanmar cũng dồi dào với dầu hỏa, khí đốt tự nhiên, than đá, kẽm, đồng, gỗ, đá quý và thủy điện, cùng với một số mỏ uranium. Là phần thưởng của khu vực Ấn-Thái Bình Dương, Myanmar đã bị khóa chặt bởi chế độ độc tài trong nhiều thập kỷ, ngay cả lúc Trung Quốc tước dần dần các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hãy nghĩ rằng Myanmar như là một Afghanistan khác về tiềm năng để thay đổi một khu vực: mấu chốt là, mảnh ráp của địa hình chiến lược quan trọng bị tàn phá bởi chiến tranh và một chính phủ không hiệu quả, nếu được bình thường hóa, sẽ mở ra các tuyến đường thương mại cho mọi hướng.

Kể từ khi triều đại nhà Nguyên của Trung Hoa (dân tộc Mông Cổ) xâm lược Myanmar vào thế kỷ 13, Myanmar đã bị bao trùm bởi một Đại Trung Hoa, khi không có rào cản địa lý khó vượt qua hay những chướng ngại kiến trúc như Vạn Lý Trường Thành để tách hai vùng đất – mặc dù rặng Đọan Hoành Sơn chia biên giới hai nước. Đồng thời, trong lịch sử Myanmar đã từng là nhà của cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ – theo xã hội học là một thiểu số trung gian – đã tạo điều kiện cho Anh quốc nắm chặt Myanmar như là một phần của một Đại Ấn Độ – Anh.

Nhưng nếu tiếp tục trên con đường cải cách như mở các mối liên kết với Hoa Kỳ và các nước láng giềng, chứ không phải vẫn còn là một vùng đất có nguồn tài nguyên thiên nhiên bị Trung Quốc khai thác, Myanmar sẽ phát triển thành một trung tâm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên theo quyền lợi của riêng của họ, thống nhất các tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á tất cả vào một sinh thể liên tục. Và mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar sẽ giảm bớt trong điều kiện tương đối, Trung Quốc vẫn sẽ được hưởng lợi vô cùng. Thật vậy, Côn Minh, tỉnh Vân Nam phía nam của Trung Quốc,sẽ trở thành thủ đô kinh tế của khu vực Đông Nam Á, nơi dòng sông và các tuyến đường sắt từ Myanmar, Lào và Việt Nam sẽ hội tụ.

Phần lớn hoạt động của cơ sở hạ tầng này đã được tiến hành. Tại Ramree đảo ngoài khơi bờ biển Tây Bắc Arakan của Myanmar,người Trung Quốc đang xây dựng đường ống dẫn dầu và khí thiên nhiên từ châu Phi, vùng Vịnh Ba Tư và vịnh Bengal qua trung tâm của Myanmar đến Côn Minh. Mục đích là để giảm bớt sự phụ thuộc của Trung Quốc trên eo biển Malacca, thông qua đó bốn phần năm số nhập khẩu dầu thô của đang đi ngang qua hiện nay. Cũng sẽ có tuyến đường sắt tốc độ cao dọc theo tuyến đường này vào khoảng năm 2015.

Ấn Độ cũng đang xây dựng một trạm thiết bị năng lượng tại Sittwe, phía bắc của Ramree, trên bờ biển của Myanmar, nơi sẽ có tiềm năng dẩn khí thiên nhiên ngoài khơi phía tây bắc thông qua Bangladesh đến vùng rộng lớn có số nhân khẩu loan như mực là Tây Bengal[,] một bang của Ấn Độ. Tuyến đường ống dẫn của Ấn Độ thực sự sẽ chia thành hai hướng, với một tuyến đường khác đề xuất ở phía bắc bao xung quanh Bangladesh. Hàng hóa thương mại sẽ theo tuyến đường cao tốc mới sắp được xây dựng cho Ấn Độ. Kolkata(*), Chittagong và Yangon cuối cùng rồi sẽ là một phần của một thế giới Ấn Độ Dương, hơn là những thành phố trong ba quốc gia riêng biệt,.

Thực tế nổi bật ở đây là việc giải phóng Myanmar, phần đông bắc của Ấn Độ cho đến nay có đất liền bao quanh, nằm ở phía bên kia của Bangladesh, cũng sẽ được mở ra bên ngoài. Đông Bắc Ấn Độ đã bị thiệt thòi vì vị thế địa lý xấu và kém phát triển, kết quả là nó đã trải qua khoảng hàng chục cuộc nổi dậy trong những thập kỷ gần đây. Được bảo vệ bởi đồi núi và rừng rậm, vùng đông bắc Ấn Độ bị cắt khỏi Ấn Độ cách chính xác bởi vùng Bangladesh cật lực nghèo khó ở phía tây và bởi Myanmar, về phía đông, cho đến nay là một vùng kín không phát triển. Tuy nhiên, việc mở cửa chính trị của Myanmar và phát triển kinh tế làm thay đổi địa hình chính trị thực tế này, bởi vì cả hai miền đông bắc Ấn Ðộ và Bangladesh sẽ được hưởng lợi từ đổi mới chính trị và kinh tế của Myanmar.

Với việc đói nghèo được suy giảm phần nào trong tất cả các khu vực này, áp lực trên Kolkata(*) và Tây Bengal sẽ được giảm nhẹ trong việc hấp thụ những người tị nạn kinh tế. Điều này tăng cường vô hạn cho Ấn Độ, nơi có đất giáp với các quốc gia nửa mùa trong tiểu lục địa (Pakistan, Nepalvà Bangladesh) đã làm suy yếu khả năng của họ để trù họach quyền lực chính trị và quân sự ra ngoài vào châu Á và Trung Đông. Nói rộng hơn, một Myanmar tự do hóa thu kéo Ấn Độ sâu hơn vào châu Á,để Ấn Độ có thể cân bằng cách hiệu quả đối với Trung Quốc.

Nhưng trong khi tương lai vẫy gọi với những cơ hội, hiện tại vẫn còn chưa đảm bảo. Việc chuyển đổi chính trị ở Myanmar đang chỉ bắt đầu,và nhiều thứ vẫn có thể đi sai. Vấn đề là, giống như tại Nam Tư và Iraq, địa phương tính và dân tộc tính làm chia rẻ.

Myanmar là một vương quốc rộng lớn được cấu tạo xung quanh trung tâm của thung lũng sông Irrawaddy. Ngôn từ Miến tộc dành cho thung lũng này là Myanmar, do đó cũng là tên chính thức của đất nước. Nhưng 1/3 dân số không phải là dân tộc Miến Điện, ngay cả những khu vực thuộc dân tộc thiểu số nằm rải rác ở các vùng biên giới tính ra là bảy trong số 14 bang của Myanmar. Những vùng đồi núi quanh thung lũng Irrawaddy có dân cư của tộc Chin, Kachin, Shan, Karen và Karenni, những người này cũng có quân đội riêng của họ và các lực lượng không chính quy, đã từng chiến đấu với quân đội quốc gia mà người Miến kiểm soát kể từ thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh.

Tệ hơn nữa, những khu vực đồi núi của các sắc tộc thiểu số đông dân cư thì lại nội xẻ. Ví dụ, khu vực Shan cũng là quê hương của người Was, Lahus, Paos, Kayans và dân các bộ tộc khác. Tất cả các nhóm này là các sản phẩm của lịch sử di cư từ Tây Tạng, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và Cambodia, như thế người Chin ở miền tây Myanmar hầu như không có gì chung với người Karen ở miền đông Myanmar. Cũng không có một cộng đồng ngôn ngữ và văn hóa giữa các tộc Shans và tộc người Miến Điện, ngoại trừ Phật giáo của họ. Cũng như Arakanese, người thừa kế một nền văn minh vùng ven biển chịu ảnh hưởng của Hindu Bengal, họ cảm thấy đặc biệt bị ngắt kết nối từ phần còn lại của Myanmar và so sánh hoàn cảnh của họ với những dân tộc thiểu số bị tước quyền công dân ở Trung Đông và châu Phi.

Nói cách khác, chỉ đơn giản tổ chức các cuộc bầu cử thì không đủ nếu tất cả các cuộc bầu cử mang lại sức mạnh dân tộc Miến Điện mà không thỏa hiệp với các dân tộc thiểu số. Quân đội lên nắm quyền ở Myanmar vào năm 1962 để kiểm soát các vùng biên giới dân tộc thiểu số đông dân cư xung quanh thung lũng Irrawaddy.Quân đội đã quản lý cho một nửa thế kỷ. Myanmar có vài tổ chức hoạt động mà không phải là quân sự chiếm ưu thế. Một hệ thống với quyền lực hào phóng trao cho các dân tộc thiểu số phải được xây dựng từ đầu, hội nhập hòa bình các dân tộc thiểu số bất kham đòi hỏi phải tổ chức sôi động của liên bang.

Myanmar, đó là sự thật, trở nên ít áp lực và cởi mở hơn với thế giới bên ngoài. Nhưng bên trong và chính nó không làm nên một nhà nước thể chế hoá cách khả thi. Tóm lại, để Myanmar thành công, ngay cả trong việc kiểm soát dân thường, quân đội sẽ phải đóng một vai trò quan trọng trong nhiều năm tới, bởi vì nó chủ yếu là những cán bộ biết làm thế nào để điều động.

Nhưng với nguồn tài nguyên thiên nhiên bao la của họ và dân số khá lớn 48 triệu, nếu Myanmar có thể xây dựng các tổ chức xuyên-sắc tộc trong những thập kỷ tới, nó có thể tiến gần thành một sức mạnh hạng trung với quyền lợi của riêng họ – một cái gì đó mà không nhất thiết phải gây tổn hại cho lợi ích của Ấn Độ và Trung Quốc, và, bằng cách này, sẽ mở ra thương mại trên toàn châu Á và thế giới Ấn Độ Dương.

(*) Xưa gọi là Calcutta

AI XÂY “CHỦ NGHĨA TƯ BẢN MAN RỢ” Ở VN?



Lý luận gia Marxist và nhà nghiên cứu chính trị về đảng Cộng sản Việt Nam từ trong nước, ông Lữ Phương cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay không hề “liên quan” gì tới Chủ nghĩa Marx, mà chỉ đang “lợi dụng” chủ thuyết này trong việc xây dựng một thứ “chủ nghĩa tư bản man rợ, rừng rú.”
Trao đổi với bbcvietnamese.com hôm thứ Bảy, 26/02/2012, trong chuyên đề về trí thức, Đảng Cộng sản và phản biện xã hội, nhà nghiên cứu độc lập này khẳng định chủ nghĩa Marx “đích thực” không có quan hệ gì đến thực tiễn Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử nhiều chục năm qua và hiện nay.
Ông nói: “Tôi thấy, Chủ nghĩa Marx chẳng dính dấp gì đến thực tại Việt Nam cả. Thứ nhất, những người nhân danh chủ nghĩa Marx để họ quản lý, lãnh đạo xã hội, họ cho rằng ‘tiến lên chủ nghĩa xã hội’, nói một cách văn vẻ, thì họ ngộ nhận, họ hiểu lầm, họ không hiểu gì cả.
“Còn nói trắng ra, họ lợi dụng, họ bóp méo hoàn toàn chủ nghĩa Marx, không dính dấp gì ở đây, nó là một chủ nghĩa Lênin, Stalin hóa, và nó là của Mao Trạch Đông. Cho nên những người nhân danh cái này để gọi là lãnh đạo Việt Nam, thì hoàn toàn không có cơ sở thực tế.
“Còn những người nào mà qua thực tế lãnh đạo nhân danh chủ nghĩa Marx này mà phủ định Marx, phê phán một cách vội vàng cũng không đúng luôn. Ý của tôi, chủ nghĩa Marx không dính dấp gì đến xã hội Việt Nam, cho nên họ không thể nhân danh chuyện này để đưa đất nước đến tương lai cả.”
Nhà nghiên cứu nhấn mạnh những ai “mượn” chủ nghĩa Marx “chân chính” như lâu nay vẫn làm ở Việt Nam để giành quyền lãnh đạo đất nước chỉ là “ngộ nhận hoặc lừa dối, huyễn hoặc” mà thôi.
‘Độc tài hay dân chủ
Theo Lữ Phương vấn đề ở Việt Nam hiện nay là không phải là theo chủ nghĩa Marx đích thực hay không đích thức mà là “vấn đề độc tài hay không độc tài”, vấn đề “phát triển hay không phát triển”, vấn đề “độc tài hay dân chủ.”
Nhà nghiên cứu cho rằng hoàn toàn có thể sử dụng các phạm trù, khái niệm, lăng kính của chính chủ nghĩa “Marx đích thực” để phóng chiếu và soi vào thực tế của xã hội VN, nhận diện “mặt thật” của tầng lớp thống trị, nhân dân bị trị hiện nay, qua đó nhận diện rõ được bản chất của “Đảng Cộng sản” cầm quyền mà vốn lâu nay theo ông vẫn “mượn” chủ nghĩa Marx để biện minh cho quyền lực độc tôn, thống đoạt từ tay nhân dân.
“Dùng chính khái niệm của Marx, tức là một phóng chiếu lộn ngược, thì tức là anh nhân danh những điều thế này, thế khác, nhưng trong thực tế, nó làm ngược hoàn toàn… Thí dụ như Marx nói xã hội công dân sẽ dần dần, từ từ nuốt chửng cái nhà nước thì bây giờ đây, nhà nước này lại trở thành một thứ nhà nước tuyệt đối, nhà nước vĩnh viễn.
“Thí dụ như giai cấp công nhân lãnh đạo thì bây giờ là giai cấp bị bần cùng hóa và người ta đang phải đấu tranh chống lại chủ nghĩa tư bản man rợ hiện giờ. Nông dân cũng vậy, bây giờ là cướp đất, cướp nhà của người ta. Tức là một cái phóng chiếu lộn ngược lại hoàn toàn.”
Ở phần cuối của cuộc trao đổi với Quốc Phương của BBC, ông Lữ Phương khẳng định vấn đề của Việt Nam hiện nay là “chống chủ nghĩa tư bản man rợ” để xây dựng một “chủ nghĩa tư bản văn minh.”
Trên con đường này, ông khuyến nghị tầng lớp trí thức Việt Nam, ở trong hay ngoài nước, dù trong đảng cộng sản, hay không, cần phải “đoàn kết” với nhau, tránh “chia rẽ, bất hòa,” tỉnh táo chung tay xây dựng đất nước vì tương lai và công cuộc “dân chủ” của dân tộc.
Lữ Phương cảnh báo: “Vấn đề dân chủ không phải là cuộc chiến tranh. Tôi có kinh nghiệm trải qua chiến tranh. Chiến tranh nói thế nào đi nữa, thì nó cũng có thời gian chấm dứt. Nhưng cuộc dân chủ có hàng loạt những vấn đề.
“Ví dụ cái đảng này là một yếu tố thôi, nhưng còn dân trí, còn các tầng lớp trí thức, các tầng lớp khác, hàng loạt vấn đề khác nhau. Chứ không phải có những nơi làm một cuộc đảo chánh xong rồi, chẳng hạn chúng ta tổ chức được đa đảng, bầu cử đâu vào đó rồi, nhưng xã hội vẫn dẫm chân tại chỗ với tất cả những tệ nạn, những khuyết tật, bệnh trầm kha của một xã hội chậm tiến.”
Để giải quyết vấn đề, lý luận gia cho rằng “mấu chốt” của Việt Nam hiện nay và tương lai vẫn phải là một “xã hội dân sự”, một “xã hội công dân” trong quan hệ đối diện nhà nước, với các công dân có trách nhiệm, có ý thức, có năng lực, không bị “huyễn hoặc,” là những người sẽ giúp tìm lời giải đáp đưa đất nước, dân tộc thực sự đạt được dân chủ, tiến bộ đích thực.

TIẾN TRÌNH TỰ DO HÓA CỦA MIANMA SẼ TÁC ĐỘNG ĐẾN TOÀN KHU VỰC CHÂU Á

TTXVN (Niu Yóoc 23/3), trích từ basamnews


Mạng phân tích thông tin tình báo chiến lược Stratfor của Mỹ, ngày 21/3, đăng bài của Robert D.Kaplan cho rằng tiến trình tự do hóa và bình thường hóa quan hệ với thế giới bên ngoài của Mianma hiện nay có thể sẽ tác động sâu sắc đến tình hình địa chính trị tại châu Á.

Về mặt địa lý, Mianma thống trị vịnh Bengal. Đó là nơi phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc và Ấn Độ chồng chéo lên nhau. Mianma cũng có rất nhiều dầu mỏ, khí đốt, than, kẽm, đồng, đá quý, gỗ, thủy điện cũng như urani. Là quốc gia nổi bật của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Mianma đã bị hạn chế bởi chế độ chuyên quyền trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi Trung Quốc đã lấy dần các nguồn tài nguyên của nước này. Mianma như một Ápganixtan khác về tiềm năng làm thay đổi một khu vực. Đây là miếng ghép quan trọng chiến lược trong một câu đố nhưng bị tàn phá bởi chiến tranh và một chính phủ không hiệu quả mà nếu chỉ cần bình thường hóa sẽ giúp mở ra các con đường thương mại đi tất cả các hướng.



Từ thời nhà Nguyên của Trung Quốc xâm lược Mianma trong thế kỷ 13, Mianma đã núp dưới cái bóng của Đại Trung Hoa, không có rào cản địa lý hay những kiến trúc không thể vượt qua như Vạn Lý Trường thành để chia tách hai quốc gia này – dù dãy núi Hoành Đoạn dọc biên giới hai nước. Đồng thời, Mianma có lịch sử là nơi cư trú của cộng đồng kinh doanh Ẩn Độ, một cộng đồng trung gian thiểu số về mặt xã hội, nhưng giúp Anh nắm Mianma như là một phần của Đại Ấn Độ thuộc Anh.

Tuy nhiên, nếu Mianma tiếp tục con đường cải cách của mình bằng việc mở những kết nối với Mỹ và các nước láng giềng, thay vì vẫn là một vùng đất đầy nguồn tài nguyên bị Trung Quốc khai thác, thì nước này sẽ phát triển thành một trung tâm năng lượng và tài nguyên, quy tụ được tiểu lục địa Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á vào một quần thể cơ bản, linh động. Và mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mianma sẽ giảm đi một cách tương đối, nhưng Trung Quốc sẽ vẫn vô cùng có lợi. Thực vậy, Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam ở phía Nam Trung Quốc có thể trở thành thủ đô kinh tế của Đông Nam Á, nơi các tuyến đường sông và đường sắt từ Mianma, Lào và Việt Nam hội tụ.

Đa số các hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng này đang được thực hiện. Tại đảo Ramree, ngoài khơi bờ biển Arakan phía tây bắc Mianma, Trung Quốc đang xây dựng đường ống để vận chuyển dầu mỏ và khí đốt từ châu Phi, vịnh Ba Tư và vịnh Bengal qua trung tâm Mianma đến Côn Minh. Mục đích là giảm sự phụ thuộc vào eo biển Malacca, nơi hiện tại 4/5 lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua. Cũng sẽ có một tuyến đường sắt cao tốc chạy dọc theo tuyến đường này vào năm 2015.

Ấn Độ cũng đang xây dựng một cảng năng lượng trên bờ biển của Mianma tại Sittwe, phía Bắc Ramree, để có thể vận chuyển khí đốt ngoài khơi lên phía tây bắc, thông qua Bănglađét đến khu vực rộng lớn đông dân là bang Tây Bengal của Ấn Độ. Các hàng hóa thương mại cũng sẽ đi theo tuyến đường cao tốc mới được xây dựng đến Ấn Độ. Kolkata, Chittagong và Yangon sẽ không còn là thành phố riêng rẽ tại 3 quốc gia mà cuối cùng sẽ là một phần của thế giới Ấn Độ Dương.

Thực tế nổi bật ở đây là bằng việc giải phóng Mianma, vùng đất ở phía Đông Bắc Ấn Độ, kẹt trong lục địa và phía bên kia Bănglađét, sẽ được mở cửa ra với thế giới bên ngoài. Vùng Đông Bắc Ấn Độ có điều kiện địa lý xấu và kém phát triển và do đó đã chứng kiến nhiều cuộc nổi dậy trong những thập kỷ gần đây. Khu vực rừng núi Đông Bắc Ấn Độ bị chia cắt với khu vực chính của Ấn Độ bởi nước Bănglađét vô cùng nghèo đói ở phía tây và Mianma, một quốc gia cho đến nay vẫn khép kín va kém phát triển, ở phía đông. Tuy nhiên, sự mở cửa về chính trị và phát triển về kinh tế của Mianma sẽ làm thay đổi thực tế địa lý này vì cả vùng Đông Bắc Ấn Độ và Bănglađét sẽ hưởng lợi từ sự đổi mới chính trị và kinh tế của Mianma.

Với việc đói nghèo giảm đi phần nào tại tất cả các khu vực, áp lực đối với Kolkata và Tây Bengal trong việc phải tiếp nhận những người tị nạn kinh tế sẽ giảm đi. Điều này sẽ ngay lập tức tăng cường sức mạnh cho Ấn Độ. Việc có biên giới trên bộ với những quốc gia bán bất ổn trong tiểu lục địa (Pakixtan, Nêpan và Bănglađét) đã hạn chế khả năng phát huy sức mạnh chính trị và quân sự ra châu Á và Trung Đông của Ấn Độ. Nói rộng lớn hơn, một Mianma tự do sẽ kéo Ấn Độ vào châu Á sâu hơn, do đó Ấn Độ có thể cân bằng hơn trong việc chống lại Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong khi tương lai vẫy gọi nhiều cơ hội, thì hiện tại vẫn chưa được bảo đảm. Sự chuyển đổi chính trị ở Mianma mới chỉ bắt đầu và vấn có nhiều khả năng đi sai đường, vấn đề khó khăn, cũng giống như tại Nam Tư và Irắc, đó là sự chia rẽ khu vực và sắc tộc.

Mianma là một vương quốc lớn được tổ chức xung quanh thung lũng trung tâm sông Irrawaddy. Tên của thung lũng này trong tiếng của bộ tộc Miến Điện là Mianma, do đó cũng là tên chính thức của quốc gia này. Tuy nhiên, khoảng 1/3 dân sô Mianma không phải là người dân tộc Miến Điện. Khu vực biên giới của người thiểu số chiếm tới 7 trên tổng số 14 bang của Mianma. Các khu vực đồi núi xung quanh thung lũng Irrawaddy là nơi cư trú của người Chin, Kachin, Shan, Karen và Karenni – những dân tộc có lực lượng quân đội và quân không chính quy riêng của mình. Những lực lượng vũ trang này đã đánh nhau với lực lượng quân đội quốc gia do người Miến Điện kiếm soát từ giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh.

Tệ hơn, các khu vực đồi núi của người dân tộc thiểu số này cũng bị chia rẽ về mặt sắc tộc ngay từ bên trong. Ví dụ như khu vực của người Shan cũng là nơi trú ngụ của người Wa, Lahu, Pao, Kayan và các bộ tộc khác. Tất cả các nhóm này đều là sản phẩm của lịch sử di dân từ Tây Tạng, Trung Quốc, Ấn Độ, Bănglađét, Thái Lan và Campuchia, cho nên người Chin ở miền Tây Mianma gần như chẳng có gì chung với người Karen ở miền Đông Mianma. Cũng không có điểm gì chung về ngôn ngữ và văn hóa giữa người Shan và người Miến Điện, ngoài việc tôn giáo của họ là đạo Phật, về phần người Arakan, bộ tộc kế thừa nền văn minh ven biển quốc tế bị chi phối bởi người Bengal theo đạo Hindu, họ cảm thấy đặc biệt bị chia tách với phần còn lại của Mianma và so sánh tình cảnh khó khăn của họ với những bộ tộc bị tước quyền công dân ở Trung Đông và châu Phi.

Nói cách khác, chỉ đơn giản tổ chức bầu cử là không đủ nếu cuộc bầu cử lại đưa người dân tộc Miến Điện, những người không thỏa hiệp với các dân tộc thiểu số, lên nắm quyền. Quân đội lên nắm quyền tại Mianma vào năm 1962 để kiểm soát các vùng đất biên giới của người thiểu số xung quanh thung lũng Irrawaddy. Quân đội đã nắm quyền nửa thế kỷ. Mianma có rất ít cơ quan hoạt động mà không bị quân đội thống trị. Một hệ thống với nhiều quyền lực được trao cho các dân tộc thiểu số phải được xây dựng từ đâu. Tập hợp hòa bình các dân tộc thiểu số đòi hỏi phải có các cơ quan liên bang vững mạnh.

Đúng là Mianma đang trở nên ít hà khắc hơn và mở cửa với thế giới bên ngoài hơn. Tuy nhiên, điều đó thực chất không tạo ra một nhà nước được thể chế hóa và có thể đứng vững. Tóm lại, đối với Mianma, để thành công, thậm chí với việc những người dân sự nắm quyền, lực lượng quân đội sẽ vẫn phải đảm nhận một vai trò quan trọng trong những năm tới vì các quan chức quân đội mới là người biết cách điều hành các công việc.

Nhưng với nguồn tài nguyên thiên nhiên bao la và dân số khá lớn lên đến 48 triệu người, nếu Mianma có thể xây dựng các tổ chức bao gồm tất cả các sắc tộc trong những thập kỷ tới, nước này cỏ thể tự mình tiến gần đến việc là một cường quốc trung bình – một điều không nhất thiết gây tổn hại đến các lợi ích của Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng lại có thể giải phóng thương mại cho toàn châu Á và thế giới Ấn Độ Dương./.

KỂ CHUYỆN DÒNG SÔNG HƯƠNG

TRẦN ĐỨC ANH SƠN



1. Bùi Giáng có hai câu thơ viết về Huế, rất hay, nhưng gây nhiều thắc mắc: Dạ thưa xứ Huế bây giờ. Vẫn còn núi Ngự, bên bờ sông Hương. Có người khen: “Bùi thi sĩ chỉ bằng hai câu lục bát đã dựng nên một tượng đài vĩnh cửu cho vẻ đẹp trữ tình của xứ thần kinh”. Nhưng cũng có kẻ bảo: “Bùi tiên sinh là dân Quảng nên chê Huế thật là khéo: nói tới, nói lui thì Huế cũng chỉ có “núi Ngự – sông Hương” mà thôi. Bây giờ hay muôn đời thì vẫn thế”. Chẳng ai hay thi sĩ họ Bùi có gửi gắm ẩn ý gì trong hai câu thơ ấy không, nhưng có một điều chắc chắn là ông đã nhìn nhận sông Hương và núi Ngự như hai “thành tố cơ bản” làm nên nét quyến rũ diệu kỳ của xứ Huế. 
Thực vậy, khi nói về Huế, không thể không nhắc đến sông Hương, con sông làm nên vẻ đẹp Huế; con sông đóng vai trò “xương sống” trong việc kiến tạo diện mạo của văn hóa Huế Xuất bản Bài đăngvà định hình tính cách Huế.
Với tôi, sông Hương quả là một dòng sông kỳ lạ.
Một dòng sông, từ lúc rời khỏi cửa rừng cho đến khi giáp mặt biển khơi, chỉ dài hơn ba chục cây số, theo lẽ thường, hẳn nước phải sâu và chảy xiết. Vậy nhưng, lòng sông Hương không sâu; nước sông chảy rất chậm như lưu luyến với thành quách rêu phong mà không muốn hòa cùng đại dương.
Một dòng sông “trái tính, trái nết”: Hạ đến, nước sông thi thoảng đổi chiều, chảy ngược lên phía thượng nguồn, đem vị mặn của đại dương lên tận chân núi Ngọc Trản, làm cho dân tình cố đô phải khốn khổ vì “nước lợ”, khiến đồng lúa bị nhiễm mặn, cá tôm trong đồng ngoi ngóp thở… Nhưng khi đông về, sông như hợp sức với trời, tuôn nước nhấn chìm thành quách, cung điện, đền đài, nhà cửa, ruộng đồng… làm thiên hạ điêu linh, cơ cực, khiến nhạc sĩ Phạm Đình Chương, vì cảm thương cho dân Huế, mà than: “…trời hành cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương thấm tràn mặt Thuận An để làm biển khơi…”.
Một dòng sông mà Nguyễn Du thì ví như “mảnh trăng lắng đọng nỗi buồn kim cổ” (Hương giang nhất phiến nguyệt. Kim cổ hứa đa sầu); Cao Bá Quát thì thấy tựa “thanh kiếm dựng giữa trời xanh” (Trường giang nhất kiếm lập thanh thiên).
Một dòng sông mà Thu Bồn đã tinh tế nhận ra: Con sông dùng dằng con sông chảy. Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu; trong khiNguyễn Trọng Tạo thì ước ao: Sông Hương hóa rượu ta đến uống. Ta tỉnh, đền đài ngả nghiêng say.
Một dòng sông kỳ lạ là bởi so với nhiều dòng sông trên toàn cõi Việt Nam, thì sông Hương chỉ xứng hạng “em út” về chiều dài, độ sâu, lưu vực, lưu lượng nước…; lại không có được cái uy phong, hùng vĩ cần có của DÒNG SÔNG MẸ của một vùng đất đã được triều Nguyễn chọn làm kinh đô của cả nước. Vậy nhưng, không dòng sông nào ở Việt Nam lại đi vào thi, vào họa, vào nhạc, vào văn, vào đáy sâu lòng người (cả dân bản xứ lẫn khách viễn phương)… nhiều như sông Hương.
Dòng sông ấy còn kỳ lạ bởi chỉ riêng cái tên của nó cũng đã khiến bao bậc thức giả, văn nhân, sử gia… từ cổ chí kim, lao vào cuộc truy nguyên và luận bàn:
Có người cho rằng, do thượng nguồn dòng sông có loài cỏ thơm, tên thạch xương bồ, mọc ngút ngàn dọc theo hai triền sông. Chính mùi hương của loài cỏ này đã ướp đẫm dòng sông, làm cho nước sông trở nên thơm và ngọt. Từ đó mà sông có tên là sông Hương: sông của mùi thơm. Bởi vậy dân Tây mới dịch tên sông thành Rivière des Parfums hay Perfume River.
Có truyền thuyết kể rằng: sau khi kế vị ngôi báu từ tiên chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687), chúa Nguyễn Phúc Thái (1687 – 1691) vẫn đóng thủ phủ ở vùng đất Kim Long – Hà Khê. Một đêm, chúa nằm mơ thấy một bà già đầu tóc bạc phơ bảo với chúa rằng: “Chúa công hãy thắp một nén hương, rồi từ đồi Hà Khê đi dọc theo con sông này về phía hạ lưu, đến chỗ nào hương tàn thì đó là nơi đóng đô và cơ nghiệp của nhà chúa sẽ muôn đời bền vững”. Chúa giật mình thức giấc, cho là điềm lạ, bèn thắp nén hương và đi về phía hạ lưu của dòng sông như lời chỉ giáo của bà tiên trong mộng. Khi nén hương trên tay chúa cháy tàn, là lúc chúa tìm thấy một vùng đất có vị thế rất đẹp: phía trước có ngọn núi trông như cái bình phong che chở, lại có con sông lớn bao bọc ở mặt nam và hai con sông nhỏ quây sau mặt bắc, tạo nên thế đất “hoành long”, “tứ thủy triều quy”, xứng là “cát địa”. Chúa mừng rỡ quyết định rời phủ cũ đến đây lập phủ mới, gọi là phủ Phú Xuân (năm 1687). Từ đây, mở ra một kỷ nguyên thịnh vượng cho cả xứ Đàng Trong. Và để ghi nhớ công ơn bà tiên đã bày cho việc thắp hương đi tìm đất dựng nghiệp ở hạ lưu của dòng sông huyền thoại, chúa bèn đặt tên cho dòng sông ấy là sông Hương.
Song các sử gia thì giải thích tên sông là do tên huyện mà ra. Sách Ô châu cận lục của Dương Văn An (viết năm 1555) cho biết sông Hương vốn là con sông cái chảy qua huyện Kim Trà nên gọi là sông Kim Trà. Về sau, huyện Kim Trà đổi thành huyện Hương Trà nên tên sông Kim Trà cũng đổi thành sông Hương TràSông Hương chẳng qua là do người Huế gọi tắt từ sông Hương Trà mà có. Trong một đoạn văn viết về sông Hương in trong Ngự chế thi sơ tập, vua Minh Mạng cho hay: “Sông này tức sông Hương Trà, vì vị ngọt dịu nên mới có tên vậy. Các sông ở phương nam không sông nào hơn được. Phát nguyên từ vùng núi non chập chùng, xa mấy trăm dặm, phân làm hai nhánh chảy xuống, gọi tên là nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch. Đến làng La Khê mới hợp lại và có tên là Hương Trà” (Hương thủy, Vĩnh Cao dịch).
Còn Po Dharma, một học giả người Pháp gốc Chăm, khi về Huế tham dự Hội thảo về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật chất vùng Huế vào tháng 3.1994, thì cho rằng: địa danh Huế khởi nguyên từ một từ Chăm cổ được phát hiện trong một văn bia. Chữ Chăm cổ này phiên âm Latinh là Hue, có nghĩa là mùi thơm. Theo Po Dharma, chữ Hue trong văn bia Chăm cổ nói trên dùng để chỉ “một thành phố của Champa ở gần một con sông. Tên thành phố ấy – Hue – nghĩa là mùi hương”. Hóa ra, tên của sông Hương lại gắn liền với tên của một thành phố cổ của người Chăm, nơi dòng sông chảy qua, mà nay chính là thành phố Huế.
Chỉ một cái tên nhưng đã tiêu tốn biết bao giấy mực và trí lực của các bậc thức giả suốt mấy trăm năm, nhưng đến cuối thế kỷ XX, Hoàng Phủ Ngọc Tường vẫn thảng thốt kêu lên: “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”Và đến giờ vẫn chưa có ai đủ sức trả lời câu hỏi của ông. Đó cũng là một điều kỳ lạ của dòng sông này!
2. Một ngày cách đây đúng 15 năm, tôi theo thầy Trần Quốc Vượng đi điền dã ở vùng thượng nguồn sông Hương. Khi đang cùng thầy lội qua dòng Hữu Trạch ở gần xóm Trẹm thuộc huyện Hương Trà, chợt thầy kêu tôi dừng lại, rồi đưa cho tôi xem một hòn cuội vỡ thầy vừa nhặt được dưới lòng sông cạn. Thầy bảo: “Đây là một cái end-chopper(công cụ chặt có ghè đẽo) của người tiền sử. Sông Hương của cậu có chủ từ lâu lắm rồi. Từ những di vật đã được phát hiện ở Ngọc Hồ, A Lưới và Nam Đông trong các chuyến điền dã trước đây, nay có thêm cái end-chopper này, tôi đồ rằng, chủ nhân xa xưa của xứ Huế từng sống đâu đó trong các hang đá trong vùng núi Kim Phụng, hay trên những cồn bãi ở thượng nguồn của con sông này. Nếu có điều kiện, chúng ta nên tổ chức một chuyến điền dã vào sâu trong thượng nguồn sông Hương và vùng núi Kim Phụng, chắc chắc sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị về họ”. Tiếc là, chúng tôi chưa kịp thực hiện chuyến điền dã ấy thì thầy đã thành người thiên cổ.
Còn nhớ, lúc nghỉ chân phía dưới một ngọn thác, chúng tôi gặp một người sơn tràng đang dẫn ba bè nứa về xuôi, cũng ghé vào nghỉ. Ông ấy cho hay: “Nếu đi nguồn Tả Trạch, phải vượt qua hơn năm chục thác nước lớn nhỏ; còn đi nguồn Hữu Trạch thì phải vượt qua mười bốn cái thác rất nguy nan thì mới về đến bến Tuần. Dân đi bè bầy tui ai cũng thuộc bài vè vượt thác. Bài vè kể đầy đủ tên thác, tên vực từ đầu nguồn đến cuối nguồn, nên mỗi khi đi thác, cứ nói theo bài vè là biết về tới ngang mô. Hết bài vè thì cũng vừa vặn về tới bến Tuần”.   
 Bến Tuần là tên người dân địa phương gọi ngã ba Bằng Lãng, nơi nguồn Tả Trạch hợp lưu với Hữu Trạch thành con sông Hương, do ngày trước nơi đây có một trạm tuần kiểm của triều đình nhà Nguyễn, chuyên kiểm soát lâm sản và thu thuế sơn tràng. Theo học giả Vương Hồng Sển, vì cảnh trí nơi rất hữu tình và quyến rũ, nên khi đi ngang qua đây, vua Minh Mạng đã tức cảnh làm bài thơ chữ Nôm:“Một thức nước in trời. Đò ai chiếc lá khơi. Non cao xem vòi vọi. Dòng biết thấy vơi vơi. Mắng khúc Thương Lang gảy. Ưa tình lữ khách chơi. Mong chờ yên sóng gió. Qua lại mặc người đời”. Về sau, vua cho viết bài thơ và vẽ cảnh minh họa nội dung bài thơ lên những chiếc tô sứ ngự dụng hiệu đề chữ Nhật (日), ký kiểu tận bên Trung Hoa.
Hợp lưu ở Bằng Lãng, sông Hương bắt đầu khúc lãng du của mình, xuôi qua những làng quê yên ả thanh bình và những ngọn đồi rợp bóng cổ tùng, rồi đột ngột chuyển mình chảy lên phía bắc. Bước chuyển đột ngột ấy tạo ra một khúc quanh ôm lấy chân núi Ngọc Trản và một vực nước sâu thẳm ở ngay dưới chân ngôi điện Hòn Chén. Vào thời kỳ trước Việt (chữ của GS. Trần Quốc Vượng), đây là nơi thờ phụng nữ thần Po Inu Naga của người Chăm. Khi vào “tiếp quản” hai châu Ô – Lý, người Việt cũng tiếp nhận vị nữ thần của người Chăm làm MẸ XỨ SỞ và cung kính gọi bà là Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Họ tu bổ ngôi đền Champa đổ nát thành điện Hòn Chén, rồi đưa thêm các nữ thần của người Việt như Liễu Hạnh Công Chúa, Tứ Vị Thánh Nương, Mẫu Thoãi (Thủy thần)… và thờ cúng trong ngôi điện và khai sinh một tôn giáo của riêng xứ Huế: Thiên Tiên Thánh Giáo, mà dân gian vẫn nôm na gọi là đạo lên đồng. Điện Hòn Chén và đạo lên đồng đã mang lại cho khúc sông này không khí u tịch, kỳ bí và điệu chầu văn rộn rã, cùng và những bước nhảy như mê, như cuồng của các “đồng cô bóng cậu” trong những đêm vía Mẫu vào tháng Ba và tháng Bảy. Ngược lại, dòng Hương như một nét bút vẽ tuyệt của tạo hóa điểm tô cho ngôi điện, tạo thành một bức tranh sơn thủy hữu tình khiến một thi nhân khi viếng thăm ngôi điện cổ đã phải thốt lên: Sông xanh uốn khúc như rồng lượn. Núi thẳm nhìn theo dáng cọp ngồi.
Rời núi Ngọc Trản, dòng Hương len lỏi qua vùng đồi Vọng Cảnh – Hương Hồ, rồi lững lờ chảy giữa những ruộng lúa xanh mướt, những vườn cây trái lúc lỉu và những vườn hoa huệ trắng một màu tinh khiết của các làng Long Hồ, Lương Quán, Nguyệt Biều…, trước khi chuyển hướng một lần nữa ở trước Linh Tinh môn của Văn Miếu Huế, nơi thờ Đức Khổng Tử và vinh danh 293 vị tiến sĩ của triều Nguyễn
Ở ngay giữa khúc quanh ấy, dòng Hương bỗng hào phóng phân thủy, tạo nên chi lưu Bạch Yến chảy vòng sau lưng ngọn đồi Hà Khê, để tắm mát cho những cánh đồng ở miệt Chợ Thông, An Hòa, Đức Bưu, rồi lại hòa vào sông Hương ở Bao Vinh, Tiên Nộn. Trong khi ấy, dòng Hương vẫn miên man hành trình về xuôi, tiếp tục ru vỗ chân đồi Hà Khê, nơi văng vẳng tiếng chuông hôm của đại hồng chung Thiên Mụ, ngôi quốc tự nổi danh của xứ Huế với huyền tích về một Bà Trời (Thiên Mụ) đã tiên định Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng sẽ là vị chân chúa khởi nghiệp Đàng Trong khi ngài viếng thăm nơi này vào mùa hạ năm 1601. Dòng Hương chảy qua trước ngôi chùa cổ đã sinh ra một bến sông tuyệt đẹp. Vua chúa triều Nguyễn, vì cảm mến vẻ đẹp của bến sông này nên đã cho người dựng nơi bến sông một Điếu ngư đình để buông câu, nhưng không phải để sát sinh mà để ngắm cảnh và suy gẫm thế sự hưng vong. Sông Hương đã hòa quyện với cảnh sắc của miền Hà Khê tạo nên thế đất long hồi cố tổ, giống như con rồng vươn mình ra vực thẳm và quay đầu nhìn lại về núi mẹ. Chính vẻ đẹp này đã khiến A. Bonhomme, Công sứ Thừa Thiên thời thuộc Pháp phải cất lời tán tụng: “Nước trong vắt và tinh khiết của dòng sông chảy quanh chân đồi làm cho ta nghĩ đến cái biển mênh mông Phật giáo, và đứng trên đỉnh tháp trông thấy những ngọn núi tựa bên nhau, người ta sẽ liên tưởng là đỉnh núi Mérou” (Văn bia chùa Thiên MẫuBAVH 1915. Lê Quang Thái dịch). Và linh mục Léopold Cadière khi nghiên cứu về quốc tự Thiên Mụ cũng đã khẳng định: “Chính chùa Thiên Mụ là điểm chiếu của kinh thành Huế”.
Sau mấy lần uốn lượn và đổi hướng, từ chùa Thiên Mụ trở đi, sông Hương như ôm trọn cuộc đất “đại cát” của Kinh Thành Huế và trở thành tấm gương cho cung điện, thành quách soi bóng. Ngoài vị thế là SÔNG CHỦ của kinh đô, nay dòng Hương đảm nhiệm thêm vai trò “minh đường” cho Kinh Thành Huế, còn hai hòn đảo nhỏ trên sông là cồn Hến và cồn Dã Viên thì trở thành “tả thanh long” và “hữu bạch hổ” chầu hầu trước mặt Kinh Thành. Khi xây dựng Kinh Thành Huế (1805 – 1833), vua Gia Long còn cho đào thêm các con sông hộ thành ở các mặt: đông, tây và bắc, nối với sông Hương và tạo nên thế chi thủy giao giới(các nguồn nước giao hòa với nhau) để tăng thêm tốt lành cho cuộc đất mà Kinh Thành Huế tọa lạc. Theo thuật phong thủy, một cuộc đất có các mạch núi đồi uốn lượn, gấp khúc; có các nguồn nước vây bọc tứ bề thì long mạch kết tụ và có nhiều sinh khí. Có lẽ vì thế nên vua Gia Long đã quyết định xây dựng Kinh Thành ở nơi mà chúa Nguyễn Phúc Thái đã lựa chọn từ gần 120 năm trước như để tỏ lòng hiếu thuận và vâng mệnh tổ tiên.
Chảy ngang giữa lòng Huế, dòng Hương được điểm tô bởi những hòn ngọc của kiến trúc cung đình Huế và tàng ẩn những giai thoại lưu danh muôn thuở: một Nghênh Lương Đình và những câu thơ ai oán kể về vị vua yêu nước Duy Tân; một Phu Văn Lâu vinh danh các nhà khoa bảng của triều Nguyễn; một Thương Bạc Viện quan hệ mật thiết với Tứ Dịch Quán, nơi triều Nguyễn đón tiếp các sứ đoàn nước ngoài; một cây cầu Trường Tiền được ví như chiếc lược bạc cài lên suối tóc mềm mại mang tên Hương giang… Mỗi công trình kiến trúc ấy đều gắn với một chuỗi huyền thoại và sử tích, cả cổ lẫn kim, làm say lòng bao thế hệ người Huế. 
Và trên hành trình xuôi về phá Tam Giang để đổ ra cửa Thuận An, những mạch nguồn của dòng Hương tiếp tục được nuôi dưỡng bởi những huyền thoại liên quan đến ngôi miếu thờ Kỳ Thạch Phu Nhân ở ngã ba Sình; đến tòa thành Hóa Châu và những sử tích thời Trần trên đất Thuận Hóa; những trận huyết chiến ở Thảo Long Tam Điều trong cuộc chiến với quân Pháp vào năm 1883. Cho đến khi hòa mình với biển Đông, dòng sông ấy như vẫn còn lưu luyến với huyền thoại Thai Dương Phu Nhân hóa đá ở cửa Thuận An…
3. Người ta nói rằng, dịp Festival Huế năm nay sẽ có một lễ hội mang tên Huyền thoại sông Hương, được hứa hẹn là hoành tráng và đặc sắc. Không biết người ta sẽ tổ chức lễ hội ấy ra sao, nhưng tôi mong ước đó sẽ là một thiên sử thi hùng tráng của dòng Hương, được kể lại bởi những huyền thoại, sử tích gắn liền với dòng sông kỳ lạ này trong suốt mấy trăm năm qua. Hành trình huyền thoại ấy bắt đầu từ những cánh rừng đại ngàn; những thác ghềnh cheo leo; len lỏi giữa những ngọn đồi cô tịch; xuyên qua những cồn bãi, ruộng vườn xanh tốt; lững lờ chảy giữa thành quách rêu phong và phố thị sầm uất, rồi vỡ òa trong sóng nước đại dương.
Sông Hương là báu vật thiên nhiên ban tặng cho Huế, là mạch nguồn không ngừng nghỉ của dòng chảy văn hóa Huế xưa, nay và mai sau. Không chỉ kể chuyện dòng Hương bằng những huyền thoại, người Huế cần phải có những hành động thiết thực để bảo vệ và tôn vinh sông Hương. Đừng để dòng Hương chỉ chảy trong huyền thoại mà không bao giờ vươn ra tới biển như có người đã từng cảnh báo.
T.Đ.A.S.

http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/03/29/k%E1%BB%83-chuy%E1%BB%87n-dong-h%C6%B0%C6%A1ng/

Nữ thánh đi bầu cử

Aung San Suu Kyi, hay là nữ thánh đi bầu cử

 Marek Rybarczyk  - Newsweek  - Lê Diễn Đức dịch
 
Lời người dịch: Bài viết của ký giả M. Rybarczyk đăng trên tuần báo quốc tế Newsweek ngày 23/3/2012, ấn bản tiếng Ba Lan, phân tích tình hình Miến Điện nhân cuộc bầu cử lịch sử vào ngày 1/4/2012, sau 22 năm kể từ khi nhà cầm quyền quân sự Miến Điện huỷ bỏ chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi, ban hành thiết quân luật và quản thúc bà.
 
Trong bài tác giả có nói đến sự giống nhau của cuộc bầu cử tại Miến Điện trong ngày 1/4/2012 với cuộc bầu cử tử do đầu tiên trong hệ thống cộng sản diễn ra tại Ba Lan ngày 4/6/1989 và nhìn nhận Tổng thống Miến Điện hiện nay rất có thể sẽ là một Jaruzelski Miến Điện. Ông W. Jaruzelski là đại tướng, nhà lãnh đạo cao nhất cuối cùng của đảng và nhà nước cộng sản Ba Lan. Vì sao? Liệu Lộ trình dân chủ của Miến Điện sẽ lặp lại con đường của Ba Lan?
 
Năm 1989, trước áp lực đòi dân chủ mạnh mẽ phong trào “Đoàn Kết”, Tướng Jaruzelski đã đồng ý thương lượng với phe đối lập, chấp nhận bầu cử tự do: cho 100% số ghế của Thượng viện và cho 35% số ghế quốc hội (Hạ viện).
 
Những người cộng sản Ba Lan đã bị "nockout" thảm hại: tất cả 35% số ghế quốc hội và 100% số ghế Thượng viện rơi hết vào phe đối lập trong cuộc bầu cử này. Một chính phủ không cộng sản đầu tiên ra đời. Công thức điều hành được chia: Thủ tướng của các anh (đối lập), Tổng thống của chúng tôi (cộng sản). Ông Jaruzelski trở thành Tổng thống chuyển tiếp của nước Ba Lan mới.
 
Vào tháng 1/1990, đảng cộng sản Ba lan tuyên bố giải tán và cuối năm đó Ba Lan tổ chức bầu cử tổng thống, Thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết Lech Walesa, Giải Nobel Hoà bình năm 1983, giành chiến thắng.
 
Năm 1991, trong cuộc bầu cử quốc hội tự do, phe đối lập giành chiến thắng, kết thúc chế độ toàn trị tại Ba Lan sau 44 năm cầm quyền của đảng cộng sản.
 
Sau hơn 20 năm xây dựng dân chủ tự do, trong các cuộc thăm dò dư luận xã hội Tướng W. Jaruzelski vẫn giành được sự ủng hộ cao của người Ba Lan, có lúc gần 50%, là con số lớn trong một nước hơn 38 triệu dân.
 
Với thực tế trên, mặc dù có nhiều đánh giá gây tranh cãi, ông W. Jaruzelski đã được nhiều nhà quan sát chính trị cho là một nhà độc tài thức thời, khôn ngoan.
 
********
 
 
 
 Là tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất thế giới và bây giờ phải giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và tìm ra phương pháp kéo Miến Điện ra khỏi suy sụp kinh tế, liệu bà Aung San Suu Kyi có qua được sự thử thách tự do này?
 
Quân đội đang cầm quyền tại Miến Điện. Nhưng linh hồn của đất nước thuộc về một người phụ nữ kín đáo, nhà lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi. Những tấm hình nhăn nheo của bà được gắn vào túi áo trên ngực của dân chúng và được chỉ trỏ cho nhau bởi những người lái xe taxi lậu, chủ các cửa hiệu, sinh viên trong thành phố lớn nhất của đất nước, Rangoon. Cách đây không lâu, việc làm này có nguy cơ bị bắt giữ. Nhưng không phải hôm nay.
 
Miến Điện đang trải qua một mùa xuân chính trị. Ngày 1 tháng Tư sẽ tổ chức cuộc bầu cử nghị viện. Lần đầu tiên trong gần 22 năm, phe đối lập có cơ hội để giành 47 ghế trong quốc hội 600 ghế. Không nhiều nhặn gì, nhưng nó sẽ là cái tát đối với quân đội cầm quyền kể từ năm 1962. Cuộc bỏ phiếu có thể mở đường cho những thay đổi tương tự như cuộc bầu cử chuyển tiếp ở Ba Lan vào năm 1989.
 
Những niềm hy vọng không phải là vô căn cứ, bởi vì chế độ độc tài đang suy yếu. Các phương tiện truyền thông đối lập được hoạt động. Nhà chức trách đã hợp pháp hóa quyền đình công. Dân chúng diễn hành trong những chiếc áo in hình Suu Kyi. Báo chí tuy vẫn bị kiểm duyệt, nhưng đã có thể đăng ảnh lớn của biểu tượng dân tộc: người phụ nữ gầy gò với hoa cài trên mái tóc mà người Miến Điện xem gần như là một vị thánh. Dù sao thì đây cũng là con gái của Tướng Aung San nổi tiếng, cha đẻ của Miến Điện độc lập. Khi bà đi vận động tranh cử, đứng trên chiếc xe hở mui, người ta chạy theo, vẫy vẫy những chiếc nơ đỏ và hét lên: "Amay Suu" (Mẹ Suu). Với quân đội đã kiểm soát đất nước trong nửa thế kỷ thì bà là kẻ thù số một. Cựu lãnh đạo chính quyền quân sự, tướng Than Shwe, thậm chí còn cấm nói đến tên mình trong sự hiện diện của bà.
 
Trong mắt của phương Tây bà là biểu tượng của cuộc đấu tranh vì dân chủ. Năm 1991, bà nhận Giải Nobel Hòa bình, một năm trước đó Nghị viện châu Âu trao tặng giải thưởng Sakharov. Năm ngoái, Luc Besson đã xây dựng bộ phim "Lady" nói về bà. Những lời kêu gọi của San Suu Kyi được hiển thị trên màn hình lớn của ban nhạc rock U2 trong buổi trình diễn. Bà được xem đơn giản là người kế thừa Mahatma Gandhi. Cũng giống như ông, trong cuộc đấu tranh cho tự do chỉ nhìn nhận phương pháp hòa bình. Bà không bao giờ mặc áo chống đạn. Có lần trong cuộc biểu tình, một binh sĩ cầm súng đi thẳng tới bà và sẵn sàng bắn. Nhưng cuối cùng anh ta đã không dám!
 
Bà bắt đầu cuộc tranh đấu cho nền dân chủ vào tháng 8 năm 1988, khi quân đội đã thẳng tay giết chết khoảng 3.500 sinh viên biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Từ Anh quốc, bà San Suu Kyi trở về Miến Điện. Bà đã theo học tại đại học Oxford và kết hôn với một chuyên gia ngành Phật giáo, ông Michael Aris. Bà có ý về nước một thời gian ngắn chỉ để chăm sóc người mẹ bị đột quỵ. Tuy nhiên bà đã bị sốc trên đất nước của mình. Tại Rangoon bà tận mắt chứng kiến binh lính giết chết sinh viên, bắn vào đầu họ từ khoảng cách chỉ vài bước. Bà không còn lương tâm nào để quay lại cuộc sống yên bình ở Oxford nữa. Bà thành lập đảng đối lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, và đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 1990, nhưng giới cầm quyền quân sự đã không thừa nhận và ban hành tình trạng thiết quân luật.
 
Miến Điện đóng cửa với thế giới: người nước ngoài hiếm khi nhận được chiếu khán nhập cảnh, còn nếu thì chỉ thời gian ngắn. Ngay cả với chồng bà đang chờ chết vì ung thư và hai con trai bà muốn được nhìn thấy mẹ mình, cũng không. Trong 20 năm tiếp theo với một số lần đứt quãng, thì 15 năm San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia. Tại biệt thự bên bờ hồ ở Rangoon bà viết những lời tuyên bố, thiền và nghe những bản nhạc yêu thích của Bach và Mozart. - "Không bao giờ bà lo lắng, tức giận ngay cả với những kẻ thù của dân chủ. Bà đã đạt đến sự tĩnh tâm mà chỉ có một số tu sĩ Phật giáo đạt được" - Bác sĩ riêng của bà, tiến sĩ Tin Myo Win, cho biết.
 
Trong bốn bức tường khép kín, người phụ nữ đối lập liên kết với thế giới bên ngoài bằng radio. Bà không có máy tính hay điện thoại di động. Thay vì chúng, bà say sưa nghe BBC World Service. Nhờ đó mà bà theo dõi sát sao thông tin hàng ngày về địa ngục tiếp theo mà quân đội đã nhấn chìm dân Miến Điện. Trong năm 2007, quân đội đàn áp dã man cuộc nổi dậy của các tu sĩ Phật giáo, được gọi là "cuộc cách mạng màu vàng nghệ". Hàng trăm người biểu tình đã đến trước nhà bà San Suu Kyi để tưởng tỏ lòng kính trọng.
 
Một năm rưỡi nay San Suu Kyi đã lấy lại được quyền được tự do. Chính quyền quân sự đang suy yếu kết luận rằng việc trả lại tự do cho nhà dân chủ đối lập nằm trong lợi ích của họ. Họ công bố xây dựng "một nền dân chủ có kỷ luật". Họ hy vọng rằng trong bối cảnh này, San Suu Kyi sẽ kêu gọi Mỹ và Liên minh châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm trọng.
 
Chủ nghĩa xã hội quân sự
 
Nền kinh tế của Miến Điện, mặc dù có nguồn lực đáng kể về khí đốt và dầu hoả, đã bị phá hoại bởi chủ nghĩa xã hội do quân đội đưa ra, hay đúng hơn là bởi một thứ hỗn hợp mang tính địa phương gồm những giáo điều vô lý nhất của chủ nghĩa Mác, lẫn với triết lý của Phật giáo. Cuộc khủng hoảng triền miên càng sâu sắc hơn trong năm 2008, khi cơn bão Nargis tàn phá đất nước. Hai trăm ngàn người bị chết.
 
Trong tháng mười hai năm ngoái nhà cầm quyền quân sự cho phép bà San Suu Kyi gặp người đứng đầu ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton (vị đại sứ Mỹ có mặt tại Myanmar sau 20 năm). Nhà hoạt động đối lập năm nay 66 tuổi, ​​từ một tháng nay tham gia chiến dịch bầu cử. Tuy nhiên, sau nhiều năm bị cách ly và vấn đề sức khỏe bà đã không còn thực hiện được các hoạt động chính trị một cách tốt nhất. Trong chuyến thăm gần đây tới phía bắc đất nước bà bị xỉu vì choáng, các bác sĩ đã phải cho bà uống và tiêm thuốc hỗn hợp vitamin với protein. Chính bà cũng than phiền rằng chiến dịch bầu cử đã gây khó khăn cho bà trong việc thiền định hàng ngày.
 
Trong cuộc bầu cử vào ngày 1 tháng Tư San Suu Kyi nằm trong khu vực làng Wah Thi Ka. Cư dân của làng thắp sáng bằng điện từ bình ác-quy của xe hơi. Họ thiếu nước uống và vẫn cày ruộng bằng bò. "Mẹ Suu" nhận thức rất rõ những vấn đề này và nổi tiếng có tài trong các cuộc trò chuyện với những nguời dân bình thường. Toát ra từ bà sự lôi cuốn của một nhà lãnh đạo. - "Một số người nói rằng để có thể chết yên tĩnh, chỉ cần nhìn bà là đủ" - Một cư dân của làng Ka Thi Wah nói với các phóng viên Mỹ.
 
ất nước Miến Điện với 59 triệu người là một trong 20 quốc gia nghèo nhất trên thế giới (660 USD thu nhập GDP bình quân đầu người một năm), và 1/3 dân số sống dưới mức nghèo. Để duy trì một đội quân 400 ngàn lính phải chi tới 40% GDP quốc gia. Phần còn lại bị ăn cắp phần lớn bởi các quan chức quân sự và doanh nhân bắt tay với chính phủ. Chỉ 1% GDP được dành cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, Tướng Than Shwe đã từng mơ ước làm bom hạt nhân và xem xét mua lại đội bóng đá Manchester United. Ông muốn để dành 1 tỷ USD cho việc này, bởi vì cháu ông là một fan hâm mộ bóng đá... Điều này đã không xảy ra, nhưng chế độ đã chi rất nhiều tiền bạc xây dựng thủ đô mới Naypyidaw. Nhà ở của các quan chức được bao quanh bởi sân golf nối với Rangoon bằng đường cao tốc có tám lằn xe. Quân đội vẫn tiếp tục chia lợi nhuận từ các hợp đồng bán dầu và khí đốt cho Trung Quốc.
 
Trong khi đó thủ đô cũ Rangoon bị tàn phá. Nhưng trên các mái nhà ngày càng có nhiều ăng-ten vệ tinh hơn, thứ mà hai năm trước đây bị cấm. Nhưng điều này không có nghĩa là các vị tướng thực sự mềm mỏng và muốn trao cho lực lượng đối lập quyền lực như món ăn sẵn trên đĩa. Đúng hơn họ đang cho bà San Suu Kyi một sự thử thách của tự do. Họ hy vọng rằng huyền thoại về con người của bà, cũng giống như trong trường hợp của nhiều nhà bất đồng chính kiến ​​từ Trung và Đông Âu sẽ tiêu tan khi đối mặt với những vấn đề bi kịch của đất nước.
 
Cạm bẫy của nhà cầm quyền
 
Nhà lãnh đạo của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ giờ đây dành cả ngày ở văn phòng của đảng mình, một tòa nhà tồi tàn ở trung tâm thành phố Rangoon. Bà phải đối đầu với những chia rẽ trong phe đối lập, mà cho đến nay vẫn chưa vượt qua hết sự sợ hãi đối với chính quyền quân sự. Bà cũng phải trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo. - "Tôi chỉ là một biểu tượng hữu ích của phong trào thống nhất" - Bà nói khiêm tốn. Nhưng chính bà là người sẽ thương lượng với nhà cầm quyền trả lại tự do cho hàng trăm nhà bất đồng chính kiến đang ở trong quần đảo ngục tù Miến Điện: hệ thống nhà tù, các trại lao động, những phòng tra tấn mà trong đó những nhà đối lập bị tra tấn bằng điện, bị hãm hiếp và bị đánh bằng gậy kim loại. Chính bà là lãnh đạo phe đối lập sẽ tranh đấu với Tổng thống Thein Seine đòi cải cách tiếp theo. Con người được đưa ra bởi nhà cầm quyền quân sự (đến năm 2010 là tướng) đang đứng đầu chính phủ dân sự mới này có thể là một Jaruzelski Miến Điện.
 
Nhà hoạt động đối lập đoạt Giải thưởng Nobel Hoà bình cũng có vấn đề rất lớn: rất tốt với bà khi thốt lên những lời kêu gọi cao cả tới các nhà lãnh đạo nước ngoài, nhưng tệ hơn sẽ là - vạch ra một chương trình cải cách kinh tế. - "Đây là một trong tất cả các yếu tố của rủi ro. Nếu giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử, bà sẽ phải đối diện với chính sách thuế và cải cách hệ thống y tế" - Thant Myint-U, sử gia, tác giả của các ấn phẩm về lịch sử Miến Điện bị cấm gần đây ở Rangoon, nói. - "Chúng tôi phải cẩn thận trong việc đánh giá tình hình. Không có đảm bảo nào cho những cải cách sẽ tiếp tục. Các lý do cho tự do hóa chế độ không rõ ràng. Quân đội vẫn còn vi phạm quyền con người, hãm hiếp và tra tấn tù nhân" - Anna Roberts chủ tịch Burma Campaign UK, một tổ chức tại Anh hoạt động vì tự do của Miến Điện, nói với Newsweek.
 
Đất nước này đang một bước để tới nền dân chủ khát khao. Tuy nhiên, ăn mừng chiến thắng của bà Aung San Suu Kyi là quá sớm.●
 
Ngày 29/12/2013
 
Bản Việt ngữ © 2012 Lê Diễn Đức 

Nhân quyền hay dân quyền?

Nguyễn Quốc Khải
Cập nhật: 14:02 GMT - thứ năm, 29 tháng 3, 2012
Cuộc biểu tình vì nhân quyền Việt Nam trước ngày phái đoàn vào Toà Bạch Ốc 7/2
Thỉnh nguyện thư của cộng đồng Mỹ gốc Việt về nhân quyền cho Việt Nam đệ nạp lên Tổng thống Barack Obama qua mạng của Tòa Nhà Trắng ngày 7/2 bắt đầu bằng câu "Chúng tôi thỉnh nguyện chính phủ Obama ngưng mở rộng thương mại với Việt Nam, hi sinh nhân quyền".
Đề nghị được nêu ra ở ba dòng cuối cùng:

Vậy Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương và Hệ thống Ưu đãi Thuế quan Phổ quát là gì và chúng có thể được sử dụng để hỗ trợ cho cuộc tranh đấu nhân quyền ở Việt Nam hay không?"Chúng tôi thỉnh cầu tổng thống sử dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Strategic Economic Partnership Agreement - TPP) và Hệ thống Ưu đãi Thuế quan Phổ quát (Generalized System of Preferences - GSP) để buộc chính quyền cộng sản Việt Nam trả tự do lập tức và vô điều kiện cho những nhà hoạt động nhân quyền đang bị bắt giữ hoặc giam cầm trong các nhà tù tại Việt Nam. Bày tỏ cho thế giới biết rằng Hoa Kỳ đặt tự do trên hết."
Hiệp định và Hệ thống thuế
Hiệp Định TPP đặc biệt nhấn mạnh đến những lãnh vực sau đây: (a) bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; (b) xuất xứ hàng hóa; (c) chính sách cạnh tranh; (d) bảo vệ quyền lao động; (e) hạn chế khu vực xí nghiệp quốc doanh; (f) bảo vệ môi sinh ; (g) bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ; (h) yểm trợ doanh thương vừa và nhỏ; (i) mở rộng tiếp cận thị trường; (j) bảo đảm công nghệ thông tin tự do.
Các điểm về bảo vệ quyền lao động, hạn chế khu vực xí nghiệp quốc doanh, mở rộng tiếp cận thị trường, và bảo đảm công nghệ thông tin tự do chắc chắn sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam cải tổ kinh tế.
Riêng điều kiện về bảo vệ quyền lao động, Việt Nam sẽ phải cho công nhân thành lập công đoàn độc lập, có quyền đình công và quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Quyền lao động là một phần của nhân quyền.
Nếu chính quyền cộng sản Việt Nam chấp thuận điều kiện này, công nhân Việt Nam và những người tranh đấu cho nhân quyền nói chung sẽ thắng một trận lớn.
Thực hiện năm 1976, Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát cho phép sản phẩm từ các quốc gia đang phát triển này được nhập cảng miễn thuế vào Hoa Kỳ. Tính đến đầu năm 2012, 129 nước đã gia nhập chương trình GSP và 4.800 loại hàng được xuất cảng sang Hoa Kỳ, chiếm 1/3 hàng nhập cảng vào Mỹ.
Những nước đang phát triển phải thỏa mãn các tiêu chuẩn sau để được nhận GPS:
  • Mức độ phát triển kinh tế, kể cả tổng sản phẩm quốc gia trung bình đầu người (per capita GNP), mức sống của người dân và những yếu tố kinh tế khác mà Hoa Kỳ xét thấy thích hợp.
  • Cho sản phẩm của Hoa Kỳ tiếp cận thị trường một cách quân bình và hợp lý và sản phẩm thô như khoáng sản, cao su, bông gòn, trà, cà phê…
  • Bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu trí tuệ.
  • Làm giảm bớt những hàng rào ngăn cấm tự do thương mại, đặc biệt về khu vực dịch vụ.
  • Không phải là nước cộng sản, ngoại trừ nước này có liên hệ thương mại bình thường với Hoa Kỳ; là hội viên của Tổ Chức Mậu dịch Thế giới (WTO); hội viên của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF); và không bị chỉ đạo bởi cộng sản quốc tế.
Trong số đó, Việt Nam có chừng 1.000 loại sản phẩm hội đủ tiêu chuẩn để được nhập cảng vào Mỹ như đồ sứ, sản phẩm điện tử (không nhạy cảm), đồ gỗ, kim loại quý, nữ trang giả, rổ rá, bao tải, túi, xắc tay..
Để nhận GSP, quốc gia xuất khẩu phải bảo vệ đầy đủ quyền lao động được quốc tế công nhận trên năm lãnh vực: quyền lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, cấm cưỡng bách lao động, ấn định tuổi tối thiểu của trẻ em có thể đi làm và cấm những hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em, và điều kiện làm việc có thể chấp nhận được đối với mức lương tối thiểu, số giờ làm việc, và an toàn nghề nghiệp và sức khoẻ.
Yêu cầu liên tục
Chính phủ Việt Nam đã chính thức gửi văn thư cho chính phủ Hoa Kỳ để xin được hưởng quy chế GSP vào tháng 5-2008. Trong dịp thăm viếng Hoa Kỳ hồi tháng 6-2008, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập vấn đề này trong thông cáo chung của hai nước Việt - Mỹ.
Vào thời điểm đó, Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam tức Committee to ProtectVietnameseWorkers, (CPVW-USA), một thành viên của Liên Minh Chống Nô Lệ Mới ở Á châu, Coalition to Abolish Modern-Day Slavery in Asia (CAMSA), đã trình bày với Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ rằng, trên nguyên tắc cơ quan này ủng hộ việc Việc Nam xin gia nhập GSP vì chương trình này sẽ giúp nông dân và công nhân Việt Nam bán sản phẩm sang Hoa Kỳ dễ dàng hơn.
Tuy nhiên CPVW-USA xác định rằng Việt Nam chưa đủ điều kiện để gia nhập GSP. Mặc dù CSVN được rất nhiều công ty lớn của Mỹ ủng hộ, cho tới ngày hôm nay, Hoa Kỳ chưa chấp nhận cho Việt Nam được hưởng quy chế GSP
Vào đầu năm nay, trong chuyến viếng thăm Việt Nam của một phái đoàn gồm bốn thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa đã yêu cầu Hoa Kỳ cho Việt Nam hưởng quy chế GSP.
Như nêu trên, Hà Nội hội đủ mọi điều kiện ngoại trừ quyền lao động nhưng bị coi là vi phạm là quyền lập hội, quyền tụ tập, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, lao động trẻ em và điều kiện làm việc và lương bổng.
Quyền của công nhân
"Việt Nam bị cho là vi phạm quyền lập hội, quyền tụ tập, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, lao động trẻ em"
Nguyễn Quốc Khải
Công dân không có quyền tụ tập tại Việt Nam. Nếu tụ tập từ năm người trở lên đều phải xin phép chính quyền địa phương (Điều 5.2 của Nghị Định 38/2005/NĐ-CP về trật tự công cộng, ký ngày 18-3-2005).
Thông tư của Bộ Công An số 09/2005/TT-BCA ngày 5-9-2005 giải thích rõ hơn về hoạt động tập trung từ năm người ở nơi công cộng bị chi phối bởi Nghị Định 38/2005/NĐ-CP.
Người lao động Việt Nam không có quyển tổ chức và thương lượng tập thể và đình công bột phát không do cá nhân, nhóm, hay chính phủ chính thức tổ chức nên sức mạnh thương lượng tập thể rất yếu.
Theo luật, bất cứ một cuộc đình công nào đều phải có sự chấp thuận của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chính quyền địa phương theo một thủ tục kéo dài và rườm rà.
Thực tế cho thấy Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa bao giờ khởi xướng, tổ chức, hoặc cho phép bất cứ một cuộc đình công nào. Do đó tất cả các cuộc đình công tại Việt Nam được xem là bất hợp pháp.
Gần đây, chính quyền ban hành thêm một nghị định có tính cách chống người lao động bằng cách buộc người lao động tham gia đình công bất hợp pháp phải bồi thường thiệt hại cho chủ nhân.
Luật Việt Nam đòi hỏi rằng tuổi tối thiểu để làm việc là 18. Trẻ em trong lứa tuổi 15-18 có thể được tuyển vào làm việc, nếu chủ công ty có giấy phép của cha mẹ và Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội nhưng bộ này không có phương tiện để có thể cưỡng bách việc thi hành luật. Do đó tình trạng lao động trẻ em vẫn tiếp diễn ở Việt Nam.

Muốn nhận quy chế GSP, Việt Nam phải cho công nhân hưởng các quyền bình thường như lập nghiệp đoàn
Theo Văn phòng Dân Chủ, Nhân Quyền, và Lao Động tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, trẻ em Việt Nam bị buôn bán ở trong nước cũng như ở nước ngoài, đáng chú ý nhất là Campuchia, để khai thác tình dục. Việc buôn trẻ em ở trong nước bao gồm cả những trường hợp trẻ em bị bắt làm nghề ăn mày và bán hoa, đặc biệt ở Sài Gòn và Hà Nội. Một số trẻ em khác lại bị buôn ngược lại từ Campuchia và đưa vào Sài Gòn.
Luật Lao Động Việt Nam cam kết bảo vệ người lao động như bất cứ một quốc gia phát triển nào. Tuy nhiên, trên thực tế, phần đông công nhân Việt Nam phải chịu thiệt thòi một cách đáng kể vì tiền lương thấp, ngày làm việc dài, không trả lương giờ phụ trội, điều kiện làm việc thiếu an toàn về sức khỏe, không bảo hiểm và không tiền hưu trí.
Thuế – Thương mại - Nhân quyền
Về quyền lao động, Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Chiến Lược Xuyên Thái Bình Dương và Hệ Thống Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Quát không khác nhau một nhưng có sự khác biệt quan trọng giữa chúng
Hệ thống Ưu đãi Thuế quan phổ quát (GSP) - là một công cụ hoàn toàn nằm trong tay Hoa Kỳ và Việt Nam ở vào vị trí xin - cho.
Còn Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương là một tổ chức đa quốc gia và Việt Nam và Hoa Kỳ còn ở trong giai đoạn thương thuyết để Việt Nam gia nhập.
Tuy là một nước lớn và đóng một vai trò quan trọng trong Hiệp định, Hoa Kỳ không phải là quốc gia chủ nhân của nó.
Giới chức Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố rằng vấn đề nhân quyền ở Việt Nam đã cản trở hai quốc gia tiến xa hơn nữa trong quan hệ ngoại giao và hợp tác chiến lược.
Trong dịp viếng thăm Việt Nam hồi tháng 10-2010, ngoại trưởng Hillary Clinton đã bày tỏ mối lo ngại về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Bà tuyên bố với báo chí tại Hà Nội rằng "Với một dân tộc đặc biệt và năng động, Việt Nam đang trở thành một quốc gia vĩ đại với một tiềm năng vô giới hạn. Và đó cũng nằm trong những lý do khiến chúng tôi phải bày tỏ sự quan tâm về việc bắt giữ và kết án những người bất đồng chính kiến ôn hòa, tấn công những nhóm tôn giáo, và hạn chế tự do Internet."

Chuyến thăm Việt Nam của bốn thượng nghị sỹ Hoa Kỳ trong tháng 1 có tính bước ngoặt
Vào đầu năm nay, trong chuyến viếng thăm Việt Nam, thượng nghị sĩ John McCain, đáp lại lời yêu cầu của Việt Nam muốn mua võ khí của Hoa Kỳ, đã tuyên bố rằng "có một số hệ thống võ khí mà Việt Nam muốn mua của chúng tôi và chúng tôi muốn chuyển giao những võ khí này cho họ, nhưng điều này sẽ không xảy ra ngoại trừ Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền của họ".
Việt Nam rất muốn gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương vì các nước trong khối sẽ là một thị trường lớn cho hàng hóa của Việt Nam. Một khi đã thỏa mãn những tiêu chuẩn cao để gia nhập, Việt Nam sẽ thu hút được đầu tư của khối và những quốc gia khác.
Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương sẽ giúp Việt Nam độc lập hơn với Trung Quốc về phương diện kinh tế vì Trung Quốc sẽ khó thỏa mãn những điều kiện để vào tổ chức này.
Nếu cần Hoa Kỳ có thể đòi hỏi thêm điều kiện về nhân quyền để gạt hẳn Trung Quốc ra ngoài.
Mặt khác, Quy chế Ưu đãi Thuế phổ quát hoàn toàn có lợi cho Việt Nam vì nếu được hưởng Việt Nam có thể gia tăng số lượng và trị giá hàng xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ mà không phải trả thuế nhập cảng.
Nhưng TPP và GSP cũng sẽ là hai cơ hội lớn để Hoa Kỳ áp lực Việt Nam cải thiện nhân quyền.
Việt Nam thường làm ngơ hoặc bác bỏ những lời chỉ trích vi phạm nhân quyền của các cơ quan nhân quyền quốc tế và những quốc gia văn minh trên thế giới. Tuy nhiên đối với hai TPP và GSP, với chủ trương rõ ràng của Hoa Kỳ khiến chính quyền cộng sản Việt Nam khó có thể làm ngơ được.
Trong hơn 10 năm vừa qua, cứ hai năm toàn bộ Hạ Viện được bầu lại, Hoa Kỳ lại có một quốc hội mới, cộng đồng người Mỹ gốc Việt lại vận động để Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam được thông qua tổ chức lập pháp này, nhưng chưa bao giờ thành công.
Chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á không cho phép Hoa Kỳ mạnh tay với Việt Nam về nhân quyền. Do đó, ta không thấy một dấu hiệu nào khiến cho dự luật này có nhiều may mắn hơn đối với Quốc Hội thứ 112 hiện nay.
Đâu là mục tiêu khả thi của chúng ta? Về phương diện chiến thuật, dự luật nhân quyền chỉ là một cái bóng. Nhưng Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương và Hệ thống Ưu đãi Thuế quan Phổ quát mới thực sự là mục tiêu có thực.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn riêng của tác giả Nguyễn Quốc Khải ở Washington D.C. Hoa Kỳ. Bản dài hơn 'Vận động Nhân quyền, đâu là mục tiêu khả thi?' đã được đăng tải trên một số trang mạng tiếng Việt ở nước ngoài.