8/10/10

Chào mừng Ngàn năm Thăng Long

nguoivehuu

Mụ Hưu Còi đon đả:
- Ông cháu đi Hội về sớm thế .....
- Mja, sớm cái con khỉ, mụ tránh ra nào ....
Rờ đầu rờ trán, hoảng:
- Ơ, có chuyện gì? mà sao mặt ông tím lịm thế kia? ...ối Giời cao ....
- Đã bảo tránh ra ngay, không chết bi giờ ....

Lừa thế, lão Khọm lách qua thân còi 200 lb của mụ Hưu, biến gấp vô toilet .... Khiếp, tiếng như vở đường ống 60mm không bằng.

- .... Cái lão gia trưởng này, hở tý đòi chết, thế xảy ra chuyện gì hả Tiểu A Man? ...
- ...Chết thật chứ chẳng bỡn, mấy tiếng đồng hồ chen nhau đứng có mỗi một chân còn là may. Cấm nhúc nhích. Nội chưa ...bục thình tại trận, về kịp nhà mà xả là may lắm rồi đấy. Chứ không lại như ông cháu thằng Tiểu A Đẩu hồi vi vu khinh khí cầu, đến giờ đã dám ra Đình đâu ....

- Hic, hic, đáng đời lão Khọm nhà mày nhá .... hic, ai đời nghe lão Lờ Vờ quảng cáo "áo dài kín thế mà chả che cái gì" nên ...ham, bỏ bữa đi cho sớm vào, giành chỗ chứ gì.... hic hic, "Lễ Hội Áo Rài" cơ đấy ... mà ông ra đây tôi xem nào ....
- ...Thà chết bố ... dek ra, mụ cút ra đi bán đi cái đã ....thằng Tiển A Man lại đây .... cứ nói thế ...nói thế ...nhá, xong thì bảo ông, ông ra.

Tiếng thằng Tiểu A Man lanh lảnh:
- Các bác Phóng viên đó hả ? Ông Cáo không có đây, con biết nhà, xin cứ đi tất theo con, con dẫn nào ...
......................................
- ừ thì đi, biết mặc cỡ nữa cơ ....
Nói rồi mụ Hưu quẩy gánh, vừa đi vừa ...hát (?):
"Em xinh ...là xinh ...như cô Tấm ...."

ĐẠI LỄ BUỒN

TRƯƠNG DUY NHẤT

 

Không có đất nước nào lại đi nhảy múa hò reo, bắn pháo hoa làm lễ hội giữa lúc hàng chục vạn ngôi nhà đang chìm trong lũ, gân 50 người chết và hàng vạn sinh mạng đang cầu cứu.

Cứ tưởng sau sự cố nổ hôm qua, chương trình pháo hoa nghìn năm sẽ hủy. Nhưng không, chẳng những không hủy, mà còn tức tốc chi thêm tiền nhập pháo. Cứ tưởng sẽ có thêm những chiếc trực thăng bay về cứu dân vùng lũ. Nhưng không, khi ông Bí thư Quảng Bình gào xin như van lạy mới có được 2 chiếc trực thăng bay về cứu dân. Trong khi 10 chiếc trực thăng khác lại đang được tập trung cho việc tập dượt kéo mấy lá cờ duyệt binh mừng đại lễ nghìn năm.

 Cứ tưởng sẽ có Cụ này, Bác nọ bay về vùng lũ động viên dân. Nhưng không, vẫn chưa thấy ai nhấc chân khỏi Hà Nội.

 Gần 50 mạng người- quốc tang đấy chứ! Trước thời khắc này, nên ứng xử ra sao?

 Đại lễ nghìn năm sẽ thật sự để tiếng thơm nghìn năm, thật sự linh thiêng hơn nếu hủy bỏ tất cả các hoạt động phần hội, chỉ còn phần lễ. Cả cụ Lý Công Uẩn, đất trời, thần linh, tiên tổ chắc cũng chẳng ai dám gật đầu ủng hộ cho thần dân, cháu con mình hò reo nhảy múa, bắn pháo hoa giữa lúc này.

 Ừ thì khách đã mời. Ừ thì lịch đã diễn. Ừ thì tiền đã chi. Nhưng xin đừng nhảy múa hò reo nữa, đừng bắn pháo đừng duyệt binh. Chỉ một buổi lễ giản đơn nhưng vẫn là đại lễ, vẫn nghìn năm, vẫn linh thiêng, vẫn… vĩ đại!

Không có đất nước nào lại đi nhảy múa hò reo, bắn pháo hoa làm lễ hội giữa lúc hàng chục vạn ngôi nhà đang chìm trong lũ, gần 50 người chết và hàng vạn sinh mạng đang cầu cứu.Ôi Việt Nam tổ quốc tôi ơi. Ôi đất giời, thánh thần tiên tổ. Hôm qua 2 container phát nổ động một góc trời Hà Nội, cướp thêm 4 nhân mạng. Hay có điềm chi không phải khiến đất trời trút giận?

 Một đại lễ thật buồn. Sao cứ cố làm một khi cả lòng người và đất trời không thuận?

Ngoại giao sức mạnh không hiệu quả

BBC tiếng Việt

Chủ tịch Ủy ban Nobel Hòa bình loan báo trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba

Giải Nobel Hòa bình trao cho nhà bất đồng chính kiến bị tù, ông Lưu Hiểu Ba cho thấy chính sách ngoại giao dựa trên sức mạnh của Trung Quốc đã không hiệu quả và sẽ còn phải chịu sức ép mới.

Nhận định về giải thưởng cao quý trao cho cây bút Trung Quốc hiện ngồi tù, báo New York Times hôm nay 08/10 viết:

“Trao giải thưởng cho ông Lưu, Ủy ban Nobel Na Uy đã đập lại một cách không nhầm lẫn các lãnh đạo độc đoán tại Bắc Kinh vào đúng thời điểm chính quyền ngày càng không muốn dung túng bất đồng chính kiến từ trong nước.”

Tờ báo này cũng ghi nhận “thái độ khó chịu lan rộng trên thế giới về chính sách ngoại giao nắm đấm đi cùng sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc.”

Quyền lực cứng hay mềm?

Quan điểm và đường lối chung của Trung Quốc từ lâu nay bị cho là chỉ coi trọng các nước lớn, và dùng quyền lực á́p đảo.

Điều này đã từng khiến Trung Quốc bị mất thế́ vì thiếu chuẩn bị.

Vụ Ngoại trưởng Dương Khiế́t Trì “bị bất ngờ” trước tuyên bố của bà Clinton về Biể̉n Đông và thái độ của ASEAN về Biển Đông tại hội nghị Hà Nội tháng 712010 khiế́n có bình luận rằng nói ngành ngoại giao Trung Quốc bị một bàn thua.

Một bình luận viên của BBC Tiếng Trung tại London nói có các ý kiế́n ở Trung Quốc rằng vụ Hà Nội cho thấy giới ngoại giao và tình báo Trung Quốc đã không ghi nhận và báo cáo cho lãnh đạo của họ thấy một thay đổi rõ rệt trong thái độ về Biển Đông tại Việt Nam và ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, các kinh nghiệm lịch sử thời Liên Xô và ngay cả của Hoa Kỳ trước và sau vụ 09/11 cho thấy dù giới tình báo và ngoại giao có́ cung cấp thông tin, các nhà lãnh đạo hay có thói quen tự lọc tin tức theo quan điểm cố hữu của họ.

Ở đỉnh cao quyền lực, họ dễ nghĩ rằng các hội đàm cao cấp, các tuyế́n làm việc truyền thống là có hiệu quả nhất.

Chuyến thăm bất ngờ vừa qua của ông Ôn Gia Bảo sang Đức để bàn với Berlin về tỷ giá hối đoái đêm trước ngày họp với Brussels cũng nằm trong lô-gích tương tự.

Nếu “chơi tay trên” được với Đức, nền kinh tế lớn nhất EU thì Trung Quốc sẽ có thế mạnh để không nhượng bộ các nước khác trong EU.

Nhưng về mặt ngoại giao, điều này đã gây phản cảm và có thể để lại hậu quả lâu dài vì EU có́ tinh thần tôn trọng tiếng nói của mọi quốc gia nhỏ, và không phải quốc gia nào cũng đồng ý với Đức.

Thái độ đe dọa, cảnh cáo Na Uy, quốc gia Bắc Âu chỉ có chưa đầy 5 triệu dân về giải Nobel cũng đem lại kết quả ngược lại cho Trung Quốc.

Trong cuốn sách sắp phát hành”The Future of Power”, GS Joseph Nye từ ĐH Harvard nêu ý rằng sức mạnh của các chính phủ thời đại ngày nay dựa trên độ khả tín nhiều hơn là sự áp đảo về thông tin mà họ tung ra.

Trong bài trên New York Times hôm 05/10 ông cho rằng ‘ngoại giao công dân’ là điều khó cho các nền dân chủ nhưng còn khó hơn cho các thể chế độc đoán như Trung Quốc.

Lý do là quyền lực mềm đến từ xã hội, không phải từ chính phủ.

Vì thiếu quyền lực mềm nên hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, hệ thống chính trị, sức mạnh kinh tế và thế lực quân sự gia tăng “vẫn tiếp tục ả̉nh hưởng xấu đến hình ảnh của nước này ở nước ngoài”.

Sẽ còn tranh cãi

Ông Lưu Hiểu Ba đang ngồi tù ở Trung Quốc

Dù “bị Trung Quốc cảnh cáo”, Ủy ban Giải Nobel của Na Uy, cơ quan độc lập với chính phủ, đã không tỏ ra lo sợ trước sức ép từ Bắc Kinh.

Hiện chưa rõ Bắc Kinh sẽ thực hiện cảnh báo với Oslo là việc trao giải “sẽ phương hạ̣i đến quan hệ Trung Quốc – Na Uy” theo cách nào.

Nhưng ngay bây giờ, Trung Quốc đã rơi vào thế phải có thái độ trước các kêu gọi quốc tế để ông Lưu ra tù.

Chính phủ Pháp đã yêu cầu Trung Quốc thả ông Lưu để ông được đi nhận giải.

Từ Đài Loan, Dân Tiến Đảng thuộc phe đối lập thì ra thông cáo viết rằng:

“Chúng tôi đề nghị chính quyền Trung Quốc đáp ứng yêu cầu của cộng đồng quốc tế, thả ông Lưu và tôn trọng các quyề̀n của ông để ông có thể tự nhận giải Nobel”.

Trong lịch sử Đông Âu thời cộng sản, đã có những nhân vật như Boris Pasternak của Liên Xô vì sức ép của chính quyền đã̃ từ chối và không đến Thụy Điển để nhận Nobel Văn chương năm 1958.

Tại Ba Lan thời cộng sản hậu kỳ, ông Lech Walesa cũng không dám sang Na Uy nhận Nobel Hòa bình năm 1983 vì sợ không được cho trở về nước.

Có vẻ như không ít tờ báo từ Âu sang Á đều chia sẻ cách nhìn về ông Lưu, một cách nhìn khác với chính quyền Trung Quốc.

Ngay cả từ một quốc gia châu Á có tiếng là kiểm soát báo chí như Singapore, tờ The Strait Times cũng viết về ông Lưu Hiểu Ba, 54 tuổi “là một ngôi sao vận động cho nhân quyền ở Trung Quốc”.

Các báo mạng của Việt Nam cũng chạy tin này, tuy chậm hơn ở châu Âu.

Trang VnExpress lúc 17g48 viết: “Thông cáo của Ủy ban Nobel Hòa bình Na Uy cho biết, họ trao giải cho Lưu “vì cuộc đấu tranh trường kỳ bất bạo động nhằm đòi nhân quyền ở Trung Quốc”.

Hiện Trung Quốc mới nhắc lại lời nói thông lệ rằng “trao giải cho ông Lưu là đi ngược lạ̣i nguyên tắc về giải Nobel”.

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao TQ không nói rõ thế nào là điều “đi ngược nguyên tắc của giải Nobel”.

Trong phát biểu với báo giới sáng nay, giờ Na Uy, ông Thorbjorn Jagland, chủ tịch Ủy ban Nobel nói rằng “di chúc của Alfred Nobel nói nhân quyền gắn liền với hòa bình và tình ái hữu giữa các dân tộc”.

Ông Jagland cũng nói Ủy ban Nobel hy vọng Trung Quốc tham dự cuộc tranh luận về nhân quyền.

NGUỒN: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/10/101008_china_diplomacy_liuxiaobo.shtml

1.000 năm Thăng Long–Hà Nội: thi nhau xài tiền và phá!

Từ khi Hà Nội bắt đầu chuẩn bị cho đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội cho đến nay, đã có quá nhiều lời ra tiếng vào từ người dân trước những dự án xa xỉ, hoang phí không cần thiết, thậm chí phản thẩm mỹ, phản văn hóa.
Một đoạn của con đường gốm sứ, một công trình chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Gần đây lại thêm hàng loạt công trình văn hóa nghệ thuật đang khiến dư luận sôi sục, bất bình, phẫn nộ.

Bộ phim nô dịch về văn hóa

Trước hết là về bộ phim truyền hình nhiều tập “Lý Công Uẩn - đường đến thành Thăng Long” do công ty cổ phần truyền thông Trường Thành sản xuất. Theo báo Người lao động,“Được biết, sau khi xem toàn bộ 19 tập phim, cảm nhận chung của phần lớn các thành viên trong hội đồng là “yếu tố Trung Hoa rõ quá”. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi vì,“Kịch bản được viết bởi một “tay ngang”- ông Trịnh Văn Sơn - sau đó được nhà biên kịch Trung Quốc Kha Chung Hòa - tác giả kịch bản của những bộ phim nổi tiếng: Võ Tắc Thiên, Vương triều Ung Chính - “chuốt lại”.

Mới xem qua thôi mà tôi đã thấy hãi, nếu không nói kinh hoàng! Từ trang phục cho đến cảnh quan, từ áo mão cho đến búi tóc, hình ảnh toát ra cho ta thấy: Đây là một phim Trung Quốc.
GS Nguyễn Đăng Hưng
Bộ phim được thực hiện với kinh phí khoảng trên 100 tỉ đồng; ê kíp làm phim (phía nước ngoài) là những gương mặt dày dạn kinh nghiệm phim trường ở Trung Quốc: Đạo diễn Cận Đức Mậu - đạo diễn phim Tuổi trẻ Bao Thanh Thiên, Đại Tống khai quốc và đạo diễn Triệu Lôi; các chuyên gia hóa trang Trung Quốc; thuê trường quay Hoành Điếm Trung Quốc;  thuê Trung Quốc may gần 700 bộ trang phục cổ; thuê diễn viên đóng thế của Trung Quốc và hàng trăm diễn viên quần chúng người Trung Quốc...”.
Chỉ cần xem trailer của bộ phim được phát tán rộng rãi trên mạng, ai cũng phải nghĩ rằng đây là phim Tàu lồng tiếng Việt. Đó cũng là nhận xét của nhà thơ Đỗ Trung Quân khi trả lời báo Pháp luật: “Tôi nói rằng Lý Công Uẩn – Đường tới thành Thăng Long là “phim Trung Quốc nói tiếng Việt” hoặc “phim Trung Quốc không cần phụ đề”. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: “Mới xem qua thôi mà tôi đã thấy hãi, nếu không nói kinh hoàng!
Từ trang phục cho đến cảnh quan, từ áo mão cho đến búi tóc, hình ảnh toát ra cho ta thấy: Đây là một phim Trung Quốc; chẳng khác gì những phim lịch sử Trung Quốc khác mà đông đảo người Việt Nam quen xem.
Lời bình nhắc nhở diễn viên là người Việt Nam, nhưng bất cứ ai chưa thấy họ trên phim Việt Nam, đều nghĩ ngay họ là người Tàu, chỉ trừ cô gái và chiếc áo tứ thân.
Chi tiết nhỏ này không thể cứu vãn được tính bao trùm của bản sắc Trung Quốc!”
Tượng Lý Thái Tổ tại Hà Nội. Photo courtesy of cuocsongviet.com.vn

Tượng Lý Thái Tổ tại Hà Nội. 
Nỗi thất vọng, phẫn nộ của mọi người trước hết là vì số tiền khá lớn đã bỏ ra cũng như danh sách những người phía Việt Nam tham gia trong quá trình làm phim, đều là những người có tên tuổi. Trong bài “Một bộ phim lai căng” giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết:
“Nội dung bộ phim nói về thân thế và sự nghiệp vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), người khai sinh ra kinh thành Thăng Long. Phim còn thuật lại sự kiện dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long từ 1.000 năm trước. Một phim như thế, chúng ta kì vọng thưởng thức một phim hàm chứa chất sử liệu rất cao, phim sẽ cho chúng ta một cơ hội tìm lại cổ sử, sống lại một thời đại tương đối thanh bình và có thể nói là cực thịnh nhất trong lịch sử nước nhà. Chúng ta cũng kì vọng rằng những người làm phim có kiến thức sử tốt, có thái độ kính trọng tiền nhân, và thể hiện bằng cách phục dựng lại những tình tiết một cách trân trọng. Nhìn qua danh sách người làm phim thấy họ có bằng cấp đầy mình: nào là nhà phê bình nghệ thuật hàng đầu Việt Nam Phan Cẩm Thượng, giáo sư tiến sĩ Đoàn Thị Tình, hoạ sĩ Phạm Xuân Hải. Trung tâm Đào tạo Công Nghệ Thông Tin HBC Việt Nam chịu trách nhiệm về phần thiết kế bối cảnh và chuẩn bị trang phục cho diễn viên…”

Bôi bác lịch sử

Cái đau xót lớn hơn là sự vô ý thức (hay cố tình) bôi bác lịch sử, là sự tự nguyện nô dịch về mặt văn hóa của những người làm phim.
Blog của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đăng ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh: “Thật không thể được! Nếu tôi là Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, tôi sẽ cấm chiếu bộ phim này trên toàn cõi Việt Nam, bất kể trên truyền hình hay rạp".
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng: “Từ chỗ vô văn hóa đến chỗ văn hóa nô dịch chỉ là khoảng cách những bước đi nhỏ... Phim nhắc đến trên đây là một trong những bước đi ấy.
Vô văn hóa mà làm văn hóa thì chỉ là người đào mồ chôn văn hóa đích thực!
Mà mất văn hóa là mất hết, than ôi !
Một nghìn năm Thăng Long, một nghìn năm văn hóa dân tộc, ai sẽ chịu trách nhiệm cho những tổn thương này?”

Giá như trong kỳ họp lần tới, các vị đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ công khai báo cáo toàn bộ chi phí cho Đại lễ 1000 Thăng Long. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.
Blogger Thanh Chung
Trang blog Gốc Sậy thì dẫn lời tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên:  “Điện ảnh Việt Nam, những người quản lý ngành văn hóa Việt Nam đã và đang làm 1 việc “vô tiền khoáng hậu”: Làm phim về lịch sử dân tộc mình bằng những bối cảnh của đất nước khác. Mà quốc gia ấy, trong thời ấy và ngay cả bây giờ ‘không bao giờ muốn chúng ta bảo tồn được bản sắc của mình’.
… đau đớn là việc “tự chuyển hóa” này đang được thực hiện một cách chủ động…”
Từ bộ phim này, nghĩ rộng ra những vấn đề khác, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn than thở: “Chưa bao giờ Việt Nam chịu ảnh hưởng Trung Quốc sâu đậm như hiện nay…
Chẳng lẽ 1000 năm ròng rã chưa đủ để chúng ta trưởng thành, để chúng ta thoát khỏi ách thống trị văn hóa của Trung Quốc? Tại sao Nhật và Hàn Quốc thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc, còn ta thì không? Thật ra, có lẽ câu hỏi là: chưa thoát hay chưa muốn thoát?”
Bộ phim đã bị Hội đồng duyệt phim quốc gia quyết định hoãn phát sóng cho đến khi sửa chữa xong theo yêu cầu của hội đồng, mà ai ở trong nghề đểu biết đây là một việc làm rất khó, rất mất thời gian và chuyện “Việt hóa” trở lại bộ phim này hầu như không thể làm được, trừ phi vứt hết quay lại còn dễ hơn. Điều này lẽ ra sẽ không phải xảy ra nếu như bộ phim được giám sát kỹ ngay từ khâu kịch bản ban đầu.
Trang Dân báo đưa thêm một thông tin đáng chú ý khác: “Bộ phim lai căng “Đường đến thành Thăng Long” – Đài truyền hình VN góp vốn 10 tỷ đồng?”: “Dân Làm Báo nhận được thông tin  từ một bạn tỏ ra khá am hiểu chuyện nội bộ  ở  Đài Truyền hình VN, bạn đọc có nick “Dân VTV nói” cho biết : Trong dự án phim Lý Công Uẩn – Đường đến thành Thăng Long, đài truyền hình VN có  góp vốn 10 tỷ đồng từ tiền ngân sách nhà nước …
Nay phim đứng trước nguy cơ thất bại hoàn toàn như góp ý của vị lãnh đạo Đài lúc ban đầu, không biết 10 tỷ đồng này sẽ ra sao? Và ai sẽ chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư này???
Các nghệ nhân đổ đồng nung chảy cho ra đời chiếc trống đầu tiên trong 100 trống đồng mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Photo courtesy of dddn.com.vn

Các nghệ nhân đổ đồng nung chảy cho ra đời chiếc trống đầu tiên trong 100 trống đồng mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Photo courtesy of dddn.com.vn
Bộ phim thứ hai, là phim nhựa “Khát vọng Thăng Long” (tên ban đầu là Chiếu dời đô) chưa ra mắt, nhưng có khả năng cũng sẽ lai căng ít nhiều vì cũng thuê trường quay của Trung Quốc. Còn nhớ bộ phim này từ khi còn là kịch bản nằm trên giấy đã đủ thứ chuyện lùm xùm tranh cãi về kịch bản, rồi ai là đạo diễn, đơn vị đầu tư, nhà sản xuất…Ngay từ hồi đó, dư luận đã choáng với con số 200 tỷ đồng được Hãng phim Truyện VN, đơn vị được đặt hàng sản xuất bộ phim truyện nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn gửi cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Một con số đáng giật mình trong hoàn cảnh sản xuất và phát hành phim VN hiện nay. Nhiều người tỏ ra lo ngại: bỏ ra 200 tỷ đồng liệu bộ phim ra đời trong tương lai có xứng với “đồng tiền bát gạo”?
Tổng thư ký hội khoa học lịch sử VN Dương Trung Quốc trong bài trả lời báo Người lao động ngày 26.3.2008 đã cho rằng phim về Lý Công Uẩn là thiếu tính khả thi vì sự khó khăn về sử liệu thời kỳ này cho đến trang phục, đạo cụ, bối cảnh v.v…
Thế nhưng người ta vẫn làm và nay theo báo Thể thao văn hóa “Khát Vọng Thăng Long - Phim chưa ra mắt đã có thể bị kiện?” về vấn đề kịch bản, người tuyên bố kiện công ty Kỷ Nguyên Sáng là nhà văn-nhà báo Phạm Tường Vân, với lý do công ty này không giải quyết những quyền lợi của chị để đi đến thanh lý hợp đồng thuê viết kịch bản, chưa kể bộ phim có thể sẽ sử dụng ít nhiều nội dung kịch bản chị đã viết. Xem ra, phía sau hậu trường bộ phim này còn lắm chuyện mà chất lượng của bộ phim thì hãy còn…đợi đấy!

Những chương trình nghệ thuật tốn kém

Báo chí đưa tin, trong 10 ngày đại lễ sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức hàng ngày tại các địa điểm khác nhau. Nhìn qua nội dung chương trình có nhiều điều dễ khiến người dân có cảm giác phô trương, lố lăng mà blogger Gốc Sậy đã vạch ra trong bài “Bát man tấn công đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà nội”, còn cách đưa tin của một số báo, ngay cả báo điện tử Chính phủ nước CHXHCNVN thậm chí có những chi tiết không chính xác, ví dụ như chi tiết:
Dự án đã hỏng từ gốc, nên tốt nhất là dỡ đi làm lại, biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật cộng đồng đúng nghĩa..”
Họa sĩ Trần Lương

“…Đặc biệt, phần âm nhạc với sự chỉ đạo của Nhạc sỹ Thế Việt sẽ có nhiều tiết mục đặc sắc như: màn hoà tấu trống hội, nhạc nước theo nghi thức cung đình, nhạc đăng đàn, nhạc múa “lục cúng hoa đăng”, nhạc “Bát man tấn công”…”Blogger Gốc Sậy:
“May nhờ đọc tin Gấp rút các chương trình nghệ thuật mừng Đại lễ của Vietnamplus.vn  (08/09/2010) tôi mới hiểu”… là nhạc “Bát man tấn cống.”
“Té ra là TIẾN CÚNG (tấn cống).
Và không phải là Người Dơi Batman mà là 8 (tộc) man di.”
Nhà báo, blogger Đào Tuấn nói rõ: “Theo GS Trần Văn Khê: Bát man tấn cống thuộc “Bát ngự”, gồm 8 bài được sáng tác để nghinh giá lúc vua Thành Thái vào Nam . …Về bài Bắc Man tấn cống có chút dị biệt trong cách gọi. GS Lê Văn Tiếng trong quyền Cầm ca Tân điệu và Trần Hữu Trang gọi là Bát man tấn cống. Theo thiển ý thì bát man đúng hơn vì đó là chỉ 8 người thuộc về dân tộc man di mọi rợ phía Nam, người Trung Quốc hay dung chữ Nam man.” Tác giả nhận xét: “Còn hai chục ngày nữa là đến lễ thượng thọ cho Thăng Long ngàn tuổi. Không biết khi 1000 chiếc trống đồng cùng được gõ thì dân tình sẽ ngơ ngác náo loạn thế nào. Chả phải là trống ngũ liên chỉ được gõ đập khi thủy hỏa đạo tặc xảy ra đó sao. Hay là những nhà tổ chức đang chứng tỏ sự “rợ” của mình cho hòa hợp khi bản “bát man tấn cống” cất lên hoan hỉ trong dịp đại lễ.”
Một đoạn của con đường gốm sứ, một công trình chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. RFA photo.
Một đoạn của con đường gốm sứ, một công trình chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. RFA photo.
Blogger Thanh Chung thì băn khoăn trước cái tin trên báo Lao Động về chương trình “1 vạn người cùng nhảy múa trong dịp Đại lễ”, do Sở VH-TT&DL Hà Nội kết hợp cùng Hội nghệ sĩ múa Hà Nội tổ chức. “Nhẩm tính, chỉ riêng 10 ngàn bộ trang phục cho những người tham gia cũng ngốn hết vài trăm triệu. Mặc xong một lần lại cho vào kho, đợi thêm một ngàn năm nữa.” Rồi còn tiền cho các vũ công, biên đạo múa, tiền luyện tập cho 10 ngàn người không chuyên trở thành diễn viên đường phố, tiền ghép nhạc, tổng diễn tập v.v… “nếu chỉ huy động chừng một phần ba hoặc môt phần năm trong con số dự kiến thì cũng đã rất hoành tráng. Lại còn tiết kiệm được tiền đóng thuế của dân.” …Tác giả kết luận: “Giá như trong kỳ họp lần tới, các vị đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ công khai báo cáo toàn bộ chi phí cho Đại lễ 1000 Thăng Long. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, việc gì cũng dân, chỉ mỗi việc “ăn chia” là dành riêng cho những “đầy tớ nhân dân đã bị lộ”. Tổ chức cho một vạn người xuống đường nhảy múa mà độc giả như bị… đánh úp. Còn gần một tháng liệu có kịp không? Hay Sở VH – TT&DL Hà Nội rút kinh nghiệm dự án “Cổng chào”, “lắm thầy thối ma” - Tiền đã được duyệt chi mà không sao chi được. Miếng ăn đã đến miệng, lần này quyết giữ. Cứ lẳng lặng mà... tiêu.”

Con đường gốm sứ… đầy vết nứt, vỡ

Một công trình lớn khác rất được mọi người kỳ vọng là “Con Ðường Gốm Sứ”, một bức tranh tường quá khổ dài gần 4 km, được khởi công từ năm 2008, nay mới bị dư luận khám phá là có nhiều vết nứt, chỗ vỡ, bong tróc. Theo báo Vietnam Net: “Các bức tranh trên dự án ‘Con đường gốm sứ’ (Hà Nội) đã xuất hiện một số vết nứt, có vết ngắn vài gang tay, có vết dài hàng mét; ngoài ra còn một số mảng vỡ nhỏ. Nếu đi lướt qua thì trông không rõ, nhưng đứng lại quan sát thì thấy như ‘hạt sạn trong bát cơm”. Các báo khác cũng đồng loạt đưa tin về công trình dự kiến sẽ được nhận bằng kỷ lục Guiness thế giới nhưng chưa khánh thành đã nứt này. Báo VNExpress dẫn lời một số nhà sử học, nghệ sĩ, họa sĩ cảnh báo công trình này có thể trở thành một thứ “rác văn hóa” do sự xâm lấn của tính thương mại trong một công trình văn hóa, sự thiếu thống nhất, đồng bộ về nội dung, chủ đề và không có thiết kế tổng thể… Thậm chí, như nhận xét của họa sĩ Trần Lương “đây là công trình "không thể sửa chữa được về mặt nghệ thuật, mà chỉ khắc phục được phần nào đó về tính lịch sử". "Dự án đã hỏng từ gốc, nên tốt nhất là dỡ đi làm lại, biến nó thành một tác phẩm nghệ thuật cộng đồng đúng nghĩa...”
Có cảm giác như công trình, dự án nào cũng cố đấm ăn xôi làm cho bằng được,  như thể đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội này quả là một cơ hội …ngàn năm mới có một lần để người ta đua nhau xài tiền chùa của nhà nước (tức tiền thuế của nhân dân) hoặc kiếm tiền (nếu là dự án của tư nhân, hay kêu gọi vốn từ xã hội)… chẳng cần bận tâm đến chất lượng, giá trị văn hóa lịch sử… Trong lúc đất nước còn nghèo, nhân dân còn bao nhiêu thứ cần kíp hơn, ngay chính Hà Nội cũng còn bao nhiêu thứ quan trọng hơn phải giải quyết từ giao thông, môi trường, hạ tầng cơ sở… thay vì những công trình, dự án hoang phí giá trị thì ít mà phá hoại thì nhiều này!

Lý Thái Tổ về liệu có vui không?

Đọc trên một tờ báo bản tin thời tiết như sau: Thời tiết khu vực Hà Nội khá lý tưởng trong vài ngày tới Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ vẫn duy trì công tác dự báo thời tiết theo hình thức báo cáo liên tục trong dịp đại lễ. Lãnh  đạo ngành khí tượng cũng khẳng định, bên cạnh đội ngũ chuyên gia được tăng cường nhằm phục vụ công tác dự báo thời tiết cho Đại lễ.
Lại có tin một chuyên gia tuyên bố sẽ đuổi mưa, ngăn bão cho suốt 7 ngày đại lễ. Thậm chí Chủ tịch Hà Nội còn dự định sẽ bắn mây để ngăn mưa trong 3 ngày, nhưng kinh phí trên 3 tỷ đô la đã làm họ bỏ ý định đó. Người ta có cảm tưởng mỗi giọt mưa rơi xuống thủ đô sẽ làm hoen ố hương sắc của cô gái mỹ miều Hà Nội. Trong khi đó, miền Trung, mưa đang rơi, không phải 1 giọt mà hàng tỷ tỷ giọt đang rơi xuống hàng vạn mái đầu, cuốn trôi đi những mái tranh che nắng che mưa cho những mảnh đời nghèo khổ. Có ai nghĩ đến việc đuổi mưa, ngăn bão cho họ? Nhà thơ Trần Nhượng giải bày tâm trạng của ông trước hai cảnh đời trái ngược:
“Riêng tôi thì tôi thấy một nơi thì tưng bừng lễ hội còn một nơi thì nước đang lũ, ở miền Trung thì đang chìm nổi nhân dân. Đấy cũng là tâm trạng riêng tôi và tôi cũng muốn gửi gấm đến mọi người là: chúng ta  cũng nên nghĩ đến đồng bào của mình. Thế thôi!”
Và ông kết thúc bằng hai câu thơ:
“Chúng ta đang tưng bừng Hà Nội,
Ở miền Trung đang chìm nổi nhân dân.”
Nhà thơ Thái Hữu Tình cũng bày tỏ sự đồng cảm với nhà thơ - họa sĩ Trần Nhương qua những câu thơ trong bài “Mẹ bảo dừng ngay lễ hội”, xin trích:

 Đứa Hà Nội cứ vui thú tiệc tùng,
Ngập trong rượu bia Lễ hội.
Đứa miền Trung,
Ngập trong phong ba lụt lội.
Sao chúng mày không biết thương nhau?

Hoa hậu Thăng Long áo dài lê trăm mét.
Nước mắt miền Trung,
Tuôn dài theo Lũ Quét!
Nước ngập băng mái nhà,
Dân chết!
Lý Thái Tổ về liệu có vui không?

Nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đoạt giải Nobel Hòa bình 2010

Photo courtesy of Nobelprize.org
Ông Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010

2010-10-08
Khôi nguyên Nobel Hòa Bình 2010 là nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, hiện đang ngồi tù ở Trung Quốc.


Thông cáo của Ủy Ban Nobel Hòa Bình cho biết ông được chọn vì “cuộc tranh đấu trường kỳ bất bạo động nhằm đòi hỏi nhân quyền tại Hoa Lục”.

Với những người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền, Lưu Hiểu Ba không phải là một nhân vật xa lạ. Thế giới bên ngoài biết đến ông từ khi ông tham gia cuộc biểu tình ở Thiên An Môn hồi 1989, và sau đó là một loạt những vụ bắt bớ, giam cầm mà ông phải gánh chịu.


Ông Lưu Hiểu Ba sinh ngày 28 tháng 12 năm 1955, theo học và tốt nghiệp tiến sĩ ở Đại Học Sư Phạm Bắc Kinh, từng được mời giảng dậy ở các đại học nước ngoài như Đại học Columbia và Đại Học Hawaii ở Hoa Kỳ, hay Đại Học Oslo ở Na Uy.
Ông nổi tiếng với những bài viết phân tích triết học, nhưng thật sự được chú ý đến vì lúc biến cố Thiên An Môn xảy ra, ông đang ở nước ngoài, nhưng quyết định quay về để tham gia với giới trẻ cùng lứa tuổi.
Lần đầu tiên ông bị bắt là vào năm 1991, khi nhà nước Bắc Kinh cáo buộc ông tội có tư tưởng chống phá cách mạng. Đến năm 1996, ông lại bị đi tù lao cải 3 năm về tội phá rối trật tự xã hội, chỉ vì những lời phát biểu chỉ trích Đảng Cộng Sản.
Năm 2007, ông lại bị công an triệu lên làm việc, sau khi các bài viết kêu gọi đổi mới chính trị của ông được phổ biến trên internet ở nước ngoài.
Đến ngày mùng 8 tháng 12 năm 2008, ông cùng với khoảng 300 nhà trí thức khác quyết định ký tên chung trong bản Hiến Chương 08, trong đó đòi hỏi nhà nước Trung Quốc phải tôn trọng quyền phát biểu tư tưởng của người dân, phải tôn trọng nhân quyền và tổ chức bầu cử tự do.
Ông và bạn bè cũng đồng ý chọn ngày mùng 10 tháng 12 để công bố bản Hiến Chương vì đó chính là ngày kỷ niệm 60 năm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền chào đời.
000_Hkg4120783-250.jpg

Những người biểu tình đòi tự do cho ông Lưu Hiểu Ba bên ngoài Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 08/10/2010. AFP photo
Nhưng ngay buổi tối mùng 8, ông bị công an bắt giữ trong lúc bản hiến chương đang được chuyền tay để lấy chữ ký của những người đồng ý hướng. Sau một năm trời bị giam cầm, đến tháng 12 năm ngoái ông lãnh bản án 11 năm tù với nhiều tội danh khác nhau, từ tội tuyên truyền chống phá cách mạng cho tới tội âm mưu lật đổ chính quyền.

Lúc đó cơ quan thông tấn của nhà nước là Tân Hoa Xã có phổ biến bản tin nói rằng ông đã thành khẩn khai báo và nhận tội. Đương nhiên những người từng hoạt động hoặc đi sát với những hoạt động của ông đều biết đó là chuyện không đúng với sự thật.
Theo giới quan sát, mọi người trên thế giới chờ đợi tin ông được lãnh Nobel Hòa Bình 2010 đã từ lâu. Bằng chứng rõ rệt nhất là trước khi giải được công bố, rất nhiều đoàn thể, nhân vật thế giới lên tiếng kêu gọi trao giải cho ông, xem ông là nhân vật xứng đáng nhất để lãnh giải năm nay.
Đương nhiên chỉ có lãnh đạo và nhà nước Trung Quốc là không hài lòng, nếu không nói là họ đã đưa ra phản ứng bực tức, khó chịu.
Cũng vì lý do này, trước khi công bố trao giài Nobel cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, chính Chủ Tịch Ủy Ban Nobel là ông Thorbjoern Jagland có đưa ra phát biểu nói là khi công bố giải thưởng, thế nào cũng có tranh cãi. Điều đáng mừng là cả thế giới vui mừng, chỉ có một thiểu số thật nhỏ, rất nhỏ là không hài lòng.
Thế giới bên ngoài đã có dịp đọc những bài viết của ông Lưu Hiểu Ba, mỗi bài đều có những điểm đáng chú ý, nói đúng hơn là phải chú ý, nhưng câu không thể nào quên được là câu ông viết rằng “lên tiếng trình bày quan điểm chính trị không phải là một cái tội” và “đối lập với nhà nước không có nghĩa là muốn lật đổ chính quyền”.
Rất nhiều người đề cử ông Lưu Hiểu Ba cho giải Nobel Hòa Bình năm nay, trong đó có cả những Khôi Nguyên Hòa Bình như Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đức Giám Mục Desmond Tutu và Cựu Tổng Thống Vaclav Havel của Cộng Hòa Tiệp.
(Nguyễn Khanh tường trình từ Washington DC)

Khi Đặng Thái Sơn không thể...

Đặng Hữu Phúc.

Theo ông, Hà Nội đang xuống cấp, ông nói: Càng màu mè, ồn ào, lại càng là biểu hiện của văn hóa thấp, văn hóa "chợ". Và ông cảnh cáo: "Chúng ta đang xây dựng một đất nước "dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" đúng quá. Nhưng nếu chỉ là khẩu hiệu và ta lại làm không như thế thì người gây nên "diễn biến hoà bình" là chính chúng ta chứ không phải kẻ thù mà ta tưởng tượng ra.

Bài này đã được đăng trên TuanVietnam hôm 5 tháng Mười năm 2010.
Văn hóa đang xuống cấp so với chính ta?

Người ta nói Hà Nội là thanh lịch. Thanh lịch theo cách nói bây giờ là văn minh. Hà Nội 1000 năm với tôi thấy có nhiều chuyện đáng để ta suy ngẫm.

Tôi nhớ cách đây vài chục năm, sau giải phóng, khi Hà Nội vẫn còn tàu điện, chuyện nhường ghế cho người già, cho trẻ em là việc bình thường, nhặt được của rơi đem trả, là chuyện tất nhiên. Giờ thì rất hiếm. Mạnh ai người nấy hưởng. Thời kì mới hòa bình lập lại thì "giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha", thấy ăn cắp là bắt ngay, thấy kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu thì lập tức can thiệp. Bây giờ mà dính vào có khi còn bị nó đánh, giờ thì người ngay sợ kẻ gian. Chuyện đánh nhau vì "nhìn đểu" không còn lạ lẫm. Va chạm xe máy, hoặc một câu nói có thể vác dao vác gậy đánh, giết nhau. Đi ngoài phố nhiều sự nguy hiểm. Tất cả những điều kể trên, tôi nghĩ nó liên quan đến văn hoá.

Một điều đáng buồn, đó là những đỉnh cao trí tuệ của chúng ta như Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu lại không nhận được sự đãi ngộ hoặc hưởng ứng mạnh mẽ ở trong nước. Có lẽ Đặng Thái Sơn mà biểu diễn tới đêm thứ 3 ở Hà Nội bây giờ chắc cũng chẳng có mấy ai xem. Không thể "địch" lại với Hương Lan, Tuấn Vũ, Tuấn Ngọc... Hồi cuối tháng 8 vừa qua, show diễn hát theo yêu cầu của họ ở Nhà Hát Lớn giá 1 triệu rưỡi đến 1 triệu 7 cho 1 vé. Biểu diễn hàng nửa tháng trời mà vẫn kín chỗ, không có vé mà mua. Mà hình như họ ăn khách Thủ đô đến ngỡ ngàng, vượt cả sự tưởng tượng của chính họ, nên họ lại đã quảng cáo biểu diễn tiếp tại Nhà hát lớn sau Đại lễ 1000 năm.

Như vậy, "sự kiện âm nhạc" nổi bật trong thời gian trước thềm Đại lễ lại là những đêm nhạc "Sến" của Hương Lan, Tuấn Vũ (!!!) Những chuyện này trước đây không thể xảy ra.

Còn nhớ năm 1970, dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh Beethoven, 10 đêm nhạc Beethoven ở Nhà Hát Lớn lúc nào cũng đông nghịt người. Bây giờ chắc không thể được như thế, ngay mới đây thôi, hai tối 17&18/9/2010, chương trình hòa nhạc "VNSO Beethoven cycle Vol.5" với nghệ sĩ piano nổi tiếng người Nhật Michie Koyama (Người đoạt cả 2 giải quốc tế vào loại lớn nhất: Chopin và Tchaikovsky) thì vắng người xem.

Hàng năm nghệ sĩ Đặng Thái Sơn thường có ít nhất 10-15 buổi concert tại Nhật, nhiều buổi tại Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc...và trên khắp thế giới , còn tại Việt Nam nếu tính đêm diễn trọn vẹn thì 3 hay 4 năm Sơn mới làm một concert tại Việt Nam. Đơn giản vì ngày nay không còn nhiều khán giả biết thưởng thức thứ âm nhạc chuyên nghiệp tinh hoa, và văn hoá nghe nhạc (im lặng tuyệt đối) còn rất thấp. Bây giờ thì số đông người ta chọn nghe Hương Lan - Tuấn Vũ.

Vậy văn hóa Hà Nội đang xuống cấp so với chính ta?

Tại sao lại có hiện tượng này?

Xin lấy một câu chuyện thời sự sau để giải thích phần nào hiện tượng trên.

Thời gian gần đây, người Việt Nam theo dõi các chương trình thời sự trên Ti vi không khỏi kinh hoàng về hiện tượng: hàng trăm con bò ở Thái Nguyên và Long Xuyên được người dân chăn thả, nuôi theo cách cho chúng đến ăn ở những bãi rác thải của thành phố. Rác thải (kể cả rác thải y tế) này còn được phun thuốc diệt ruồi nên đến ruồi cũng tránh xa. Vậy mà qua màn ảnh nhỏ, chúng ta thấy cả đàn bò hàng trăm con ăn rác bẩn một cách ngon lành, béo tốt và điều khủng khiếp nhất ở đây là: chúng không còn chịu ăn cỏ tươi nữa? Chúng đã thích nghi với món ăn mới sau khi đã được rèn luyện thành thói quen. Tạo hoá sinh ra trâu, bò hoặc voi ...vv chủ yếu ăn cỏ (trời sinh voi trời sinh cỏ mà), vậy mà chúng không ăn được cả những thứ trời sinh đó nữa khác nào chúng đã đi ngược lại với tạo hoá, ngược lại thiên nhiên, ngược lại quy luật, vậy thì sẽ có sự trả giá thôi, chắc chắn là như thế!

Đấy là chuyện món ăn vật chất, còn món ăn tinh thần thì cũng có điểm tương đồng: nếu ta cứ khuyến khích thế hệ trẻ nghe và ta cứ quảng bá những loại nhạc "rác", nhạc bình dân, ca khúc quần chúng mãi, thì rồi sẽ đến một lúc họ sẽ quay lưng lại với Bach, Beethoven, Chopin.. với Quan họ, Chèo, Ca trù... với văn hoá đích thực. Đó sẽ là chuyện tất yếu và đã xảy ra rồi.

Thăng Long và 1000 năm lịch sử

Ta nên tự hào như thế nào về lịch sử 1000 năm Thăng Long? Ở con số 1000 hay ở những gì ta đã làm được? Làm một phép so sánh. Châu Phi tuy có lịch sử phát triển rất lâu đời, được coi là nguồn gốc của loài người từ cả triệu năm nhưng đến giờ này vẫn là một lục địa chậm phát triển nhất trên thế giới, vẫn đói nghèo và bệnh tật. Trong khi những quốc gia trẻ như Mỹ, mới trên 200 năm, như Singapore với 30, 40 năm lại là những đất nước có chỉ số phát triển con người rất cao, nằm ở những vị trí hàng đầu. Vậy rõ ràng là không phải tự hào ở cái con số 30 năm, 200 năm hay 1000 năm... mà ở cái ta đã làm được cái gì, hiện tại ta đang ở vị trí nào trên thế giới?

Tại những thủ đô văn minh cũng thường có rất nhiều khoảng không, không gian xanh xen kẽ hợp lý với đô thị giúp người dân nghỉ ngơi, thư giãn. Càng màu mè, ồn ào, lại càng là biểu hiện của văn hóa thấp, văn hóa "chợ". Ở tầng văn hóa cao, con người thích sống gần với thiên nhiên, thích yên lặng. Vì vậy ở những nước văn minh, việc quy hoạch tỉ lệ cây xanh, tỉ lệ mặt hồ, tỉ lệ khoảng không cho con người hít thở không khí rất lớn.

Tâm con người như mặt nước. Càng bình lặng thì đáy càng trong, con người càng suy ngẫm được điều thiện, điều tốt. Nhưng sống giữa lòng thủ đô, tâm người Hà Nội như một mặt nước luôn xao động, muốn vào công viên để thư giãn thì trong công viên, quanh hồ cũng lắp biển quảng cáo, lắp đèn màu nhấp nháy, nhạc "rác" mở ầm ĩ... Tai và mắt người Hà Nội luôn bị khuấy động của chuyển động ánh sáng, âm thanh hỗn loạn. Thật là không nơi nào bình yên mà ẩn nấp, thư giãn. Tâm người ta không yên thì khó có thể làm được những điều tử tế.

Thủ đô to nhất hay thủ đô sạch nhất?

Chúng ta đang quá chú ý về lượng, về "thành tích" mà bỏ qua "chất". Những "con đường gốm sứ dài nhất thế giới", "chiếc bánh chưng, bánh dầy to nhất thế giới", "thủ đô to nhất" .... tại sao không cố để thành "con đường đẹp nhất thế giới", "gạo ngon nhất thế giới", "thủ đô sạch nhất thế giới"?... một điều gì đó ghi dấu ấn sự tinh túy và trí tuệ của con người.

Hương Lan và Tuấn Vũ. Nguồn: tuanvietnam.net
Văn hóa, giáo dục và y tế của ta đều đáng báo động. Chúng ta đang khôi phục văn hóa lễ hội tràn lan. Nhưng những nét truyền thống đã bị đứt đoạn do bị cấm nhiều chục năm, không ai còn nhớ được phiên bản gốc. Vì vậy các lễ hội trong khắp cả nước na ná giống nhau và không có nét riêng của vùng miền.

Ta đừng tự hào, nhưng cũng đừng tự ti. Cần nhìn vào thực tế xem văn hóa chúng ta có gì. Nếu ta bình tĩnh nhìn sang xung quanh, di sản về văn hóa của các nước bạn như Lào, Campuchia, Myanmar ... cũng có thể thấy vốn liếng văn hóa của ta còn rất khiêm tốn. Họ có những di tích hàng nghìn năm như đền Angkor, chùa Luang Prabang hay chùa Vàng, trong khi kiến trúc Việt không có bao nhiêu những nét văn hóa truyền thống. Còn các công trình văn hoá, tượng đài mới xây, mới sửa, thiên về chính trị, các nhà thầu thuộc "cánh hẩu" với nhau thì chỉ có những sản phẩm văn hoá chắp vá, lai tạp phá hỏng bao không gian công cộng vốn đã đẹp.

Làm sao để lấy lại nét văn hóa xưa?

Khác với nhiều người, tôi không cho rằng sự ảnh hưởng của kinh tế thị trường sẽ giết chết văn hóa. Như Singapore, họ không có lịch sử phát triển lâu đời, lại phát triển kinh tế thị trường mạnh mẽ, nhưng tại sao họ vẫn văn minh? Tôi cho rằng do họ có chính sách đúng và giáo dục của họ hiệu quả.

Môi trường giáo dục của ta đang hỏng nghiêm trọng. Từ chuyện học sinh nữ đánh nhau, thầy mua dâm học trò, đổi tình lấy điểm, mua điểm... Những người có điều kiện (ngay cả trong ngành giáo dục) đều tìm cách cho con đi học ở nước ngoài.

Những thầy giáo già vẫn còn tâm huyết đa phần thuộc về thế hệ cũ. Như vậy bản thân họ cũng không phải nhận được sự giáo dục hiện tại, mà kết quả của những đức tính này đã có từ lối sống cách đây nhiều năm. Các em học sinh bây giờ ít ý thức tập trung nghiên cứu và cống hiến hơn. Trong một xã hội đầy ắp công nghệ thông tin, nếu không tỉnh táo, con người sẽ bị "phân mảnh" nhiều hơn, không có chiều sâu.

Thay đổi theo: "Chân lý thuộc về kẻ đúng!"

Chúng ta phải thay đổi từ cách nghĩ đến hành động. Tôi đọc được một bài viết mới đây trên Vietnamnet mang tên "Trung Quốc: Cải cách hay là chết!". Bài báo viết: "Bí quyết thành công của Mỹ không nằm ở phố Wall hay thung lũng Silicon mà nằm ở hệ thống luật pháp tồn tại lâu đời và cả hệ thống nằm sau nó". Ông tướng Lưu Á Châu của Trung Quốc cho rằng. "Hệ thống của Mỹ được đánh giá là được thiết kế bởi những thiên tài và dành cho những người ngu ngốc cũng có thể vận hành. Một hệ thống tồi khiến cho một người tốt cũng hành xử tồi. Trong khi một hệ thống tốt sẽ khiến ngay cả một người tồi có thể hành xử rất tốt"

Trong một đất nước có lịch sử lâu đời như Trung Quốc, Sử kí Tư Mã Thiên ghi chép, từng cho rằng "Chân lý thuộc về kẻ mạnh" và Mao Chủ tịch nói "súng đẻ ra chính quyền". Nhưng giờ đây, họ cũng phải thay đổi. Khi nào "Chân lý thuộc về kẻ đúng" thì lúc đó mới có văn minh.

Vào dịp kỉ niệm 1000 năm, với một đất nước còn chưa phát triển, chúng ta nên lắng nghe, suy nghĩ và tìm hướng thay đổi, hơn là ăn mừng khoa trương, ồn ã, lãng phí. Làm thế nào để thủ đô của ta có thể tập trung những gì tinh túy, đẹp đẽ nhất, chứ không phải những gì màu mè, hình thức nhất!

Chúng ta đang xây dựng một đất nước "dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" đúng quá. Nhưng nếu chỉ là khẩu hiệu và ta lại làm không như thế thì người gây nên "diễn biến hoà bình" là chính chúng ta chứ không phải kẻ thù mà ta tưởng tượng ra.