4/9/11

HOẢ LÒ: Đàn Bò Sữa

http://baovecovang.wordpress.com/2009/12/03/ho%E1%BA%A3-lo-dan-bo-s%E1%BB%AFa/


Đàn Bò Sữa

Mới chín giờ sáng, nắng đã gắt. Lại một ngày nóng dữ. Hàng chục nữ tù nhân đổ năm bao tải chặt cứng những túi ni-lông ra cạnh bể nước trước phòng. Đó là những túi ni-lông gia đình các phạm nhân đựng quà gửi vào. Họ rửa sạch sẽ từng túi một, rải ra phơi khắp sân. Ngoài khoản ni-lông, còn có khoản dép nhựa. Tù ở các buồng chung phải đi chân đất. Giầy dép thu, vất vào kho. Ban giám thị Hỏa-Lò đem bán hai khoản này. Tiền thu được, mua lợn, nuôi cạnh nhà bếp. Bọn cấp dưỡng có trách nhiệm phải nuôi chúng bằng cơm tù, rau tù. Trong chuồng, lúc nào cũng ủn ỉn bảy, tám “ông ỷ” béo nục nịch. Thỉnh thoảng, quản giáo, công an võ trang lại thịt một “ông”, liên hoan. Tù không được một miếng. Mùa hè, sân gạch nóng bỏng. Tù không giầy dép, ngồi ăn quà, ăn cơm, chân dát rộp. Mùa đông, sân gạch lạnh ngắt, chân buốt giá, tê tím, như kim châm.

Chẳng mấy khi được ngồi ngoài hiên thoáng đãng, cạnh bể nước. Tha hồ vốc nước lên mặt, lên cánh tay, cho nó mát da, mát thịt. Các ả vừa thủng thẳng làm, vừa chuyện trò:

- Thằng bé tội quá. Gầy còm, ghẻ lở đầy mình.

- Hôm mới vào, trông nó kháu khỉnh. Cái mồm lúc nào cũng toe toét cười.

- Nó giống mẹ nó nhỉ. Tao cũng ước có một đứa con.

- Có con, để mày mang đầy nó vào tù với mày!

- Khổ thân thằng bé, mới có mười tháng đã là tù nhân rồi!

- Mẹ nó không có sữa nuôi nó.

- Ăn uống thế, mà đòi có sữa!

- Không ai có sữa hộp để cho nó.

- Dạo này, nó ốm, khóc quấy quá.

- Bố nó đi chiến đấu ở Căm-pu-chia, bị mìn chết. Mẹ nó chỉ có một bà chị. Bà này nghèo dớt mồng tơi, lại đông con, không dám nhận nuôi nó.

- Gia đình bố nó ở tận Quảng-Bình. Nghe đâu cũng đói lắm. Đường xá xa xôi. Tiền đâu tầu xe mà ra tận Hà-Nội đón nó về.

- Kể nó cũng liều. Là giáo viên, mà dám đem cả “Nghĩa vụ quốc tế” của Đảng ra chửi. Bị bắt là phải.

- Liều cái gì? Được tin chồng chết, nó đau khổ quá, hoá điên, mới làm vậy. Nó bảo vợ chồng nó yêu nhau lắm.

Tiếng mụ quản giáo, the thé:

- Mấy con đượi, nhanh tay lên, rồi vào. Đừng có lợi dụng ngồi mát, tán hươu, tán vượn với nhau. Bận sau, để những đứa khác làm. Không khiến chúng bay nữa. Có tí ni-lông, mà dềnh dàng, từ sáng đến giờ chưa xong. Quen thói nằm ngửa, ăn sẵn.

Các ả vội vã nhanh tay. Một lúc sau, xong việc, kéo nhau vào.

Đương ở ngoài, bước vào phòng như bước vào lò hấp. Phòng nữ tuy không quá đông như các phòng nam, nhưng cũng chật ních. Mùi cầu tiêu, mùi mồ hôi, mùi máu mủ ghẻ lở, lậu, giang mai, kinh nguyệt, quện vào nhau, lan tỏa. Tệ hơn phòng nam. Các ả đói meo, gầy teo, da dẻ nhăn nheo, ghét bẩn, đầu tóc bù xù. Những đường cong tuyệt mỹ trở thành những đường thẳng khẳng khiu. Không thể gọi là phái đẹp được nữa. Trừ những mụ tự giác, những mụ tham ô, buôn bán, và dăm bảy “nữ quái” trấn lột được của người khác mà ăn, là còn có da, có thịt.

Buổi chiều, đếm tù xong, mụ quản giáo khóa phòng lại. Trong phòng, gần hai trăm ả, kẻ cởi quần, kẻ cởi áo, nằm, ngồi ngổn ngang, lấy những miếng giẻ con, thấm máu mủ, ghẻ lở cho nhau. Mấy mụ tự giác, mấy nữ quái, phanh ngực, ngồi ở đầu phòng, gần cửa, chuyện trò.

Mụ trưởng phòng đã ngoài bốn mươi, nhưng vóc dáng thanh mảnh, trông còn tươi mát, bế đứa nhỏ trong tay, nựng:

- Cô thương cháu quá. Tí hon thế này, mà đã tù. Chỉ tại mẹ cháu trẻ người non dạ, ăn nói dại dột. Ngoan nào! Cô sẽ kiếm sữa cho cháu. Cười đi! Khổ thân cháu tôi quá. Ăn toàn cháo loãng. Mẹ nó có còn đường không? Cô giáo đừng ăn của con đấy nhé.

- Cảm ơn các chị thương cháu, cho nó. Em đâu nỡ ăn của con. Đường còn đủ nó ăn vài hôm nữa. Cháu nó ghẻ lở quá. Lại sốt. Em lo lắm. Ông y sĩ cho uống át-pi-rin, nó cứ ọe ra. Thuốc bôi ghẻ, thì đợi mãi chưa có. Nó quấy suốt đêm, không chịu ngủ. Gầy xọp đi. Không hiểu mẹ con em kiếp trước phạm tội gì, mà trời đầy đọa đến thế này. Bố nó bỏ mạng xứ người. Mẹ con em thì vào tù đã năm tháng rồi.

Nói xong, cô giáo ôm mặt, nức nở.

Mụ trưởng phòng an ủi:

- Đừng khóc nữa. Sẽ được về thôi. Trên thế nào cũng xét, chiếu cố cho mẹ con em. Em thật là dại. Bao nhiêu người chồng chết, con chết. Có ai dám cả gan chửi như em đâu. Em phải làm đơn, nhận hết khuyết điểm. Xin Đảng khoan hồng cho mẹ con em.

- Em đã nhận hết tội lỗi. Làm hai lá đơn rồi. Có thấy gì đâu. Thực ra, em không chửi. Em chỉ kêu khóc là “nghĩa vụ quốc tế” đã giết chồng em. Thế rồi, bị bắt ngay.

- Giữa trường học, mà kêu thế, ảnh hưởng lắm. Em phải thấy tội em nghiêm trọng.

Một nữ quái trẻ măng, thân hình thon thả, mặt trái xoan, mũi dọc dừa, da trắng mịn, đôi mắt to, đen láy, bĩu môi:

- Nói một câu như thế, mà cũng bỏ tù mẹ con người ta! Em cũng vậy. Có làm hại gì tới chế độ đâu, mà cũng bắt bớ. Em ngủ với bọn sứ quán Tây phương, thì việc gì tới Đảng? Em không có sức đi công trường đắp đường, gánh đá. Em kiếm tiền theo lối của em. Thuận mua, vừa bán. Có ăn trộm, ăn cắp của ai đâu.

- Mày là “phò tây” còn kiếm ra tiền. Bọn tao, ngày đi lao động, tối đi “kiếm thêm”, vẫn chưa đủ tiêu. Thế mà cũng tù ra, tù vào. Có lần, gặp thằng đểu. Nó đèo tao ra tận ngoại thành. Đã chơi quỵt thì chớ. Nó còn lấy cả quần, phóng xe đi mất. Lần ấy, may gặp một bác già cứu. Bác cho tao cái quần của bác, mặc quần đùi, đèo tao trở về. Tao nhớ ơn suốt đời. Tiếc rằng không gặp lại được bác ấy.

- Mày tưởng “phò tây” không nguy hiểm à? Mỗi lần ra vào sứ quán, tao phải nằm phục xuống sàn xe. Lần này, vừa ra khỏi xe, xuống đường, là bị “chôm” ngay. Còn bị nghi là gián điệp nữa!

Mụ trưởng phòng thở dài, nhớ lại thời xa xưa:

- Nói thực với các em, chị cũng tiếp Tây nhiều lắm. Chúng nó sang trọng, lịch sự. Cho chị nào tiền, nào ra-đi-ô, đồng hồ, xe đạp. Chị sống như một bà hoàng. Chị không phải lén lút như các em bây giờ đâu. Hồi đó, chị ở Hải-phòng. Bố Mẹ chị bán thuốc tây. Chị được ăn học. Nói tiếng Pháp khá trôi chảy. Chị tích cực hoạt động nên được kết nạp vào Đoàn. Chị được điều sang làm việc ở khách sạn Bắc-Kinh, gần ngang cầu Hạ-Lý. Đó là nơi các đồng chí chuyên gia y tế Tiệp-Khắc ở. Trước khi nhận công tác, chị được gặp một đồng chí trong Ban Bí-Thư thành-ủy, căn dặn là phải phục vụ các đồng chí chuyên gia hết mình. Đồng chí đó giơ ngón tay lên, nhấn mạnh: “Nhớ rằng phục vụ vô điều kiện. Thỏa mãn mọi yêu cầu của các bạn Tiệp. Chắc cháu hiểu chú muốn nói gì? Đây là công tác cách mạng. Đòi hỏi phải hy sinh. Bao đồng chí đã hy sinh cả cuộc sống cho cách mạng cơ mà. Nhiệm vụ của cháu rất vẻ vang”. Nhìn thấy người Tiệp họ ăn uống, mà thương cho các cán bộ của mình. Các loại thịt, các loại hải sản, thừa mứa. Bữa nào cũng phải đổ đi. Mứt sen mình biếu, họ chê ngọt, đổ đầy thùng rác. Cán bộ mình ăn có 18 đồng một tháng. Họ ăn những 180 đồng. Lại hưởng giá cung cấp, rẻ thối. Hoa quả, đồ hộp, bia rượu, không tính. Lương bác sĩ của họ hai nghìn đồng. Lương đầu bếp, sáu trăm đồng. Trong khi lương bác sĩ mình có sáu mươi đồng. Đầu tiên, chị tưởng có mình chị được giao trách nhiệm đó. Sau, chị mới biết có nhiều cô trẻ đẹp cũng làm như chị. Họ không làm việc ở khách sạn. Họ chỉ được ô-tô đưa tới vào buổi tối, hoặc buổi trưa. Tùy theo yêu cầu. Cô nào, cô ấy áo dài tha thướt, nước hoa thơm ngát. Trong đời phục vụ cách mạng của chị, chỉ có giai đoạn đó là vinh quang nhất. Mấy năm sau, chị được kết nạp vào Đảng. Được Đảng giới thiệu, cho lấy chồng. Lần này, bị tù, chỉ vì tham ô hai mươi tấn gạo. Nhân viên của chị ngồi bán hàng, đứa nào cũng giầu. Chúng nó ăn cò con, năng nhặt, chặt bị. Chẳng ai bắt được cả. Tiêu chuẩn nhân dân mười cân một tháng. Chúng cân cho chín cân rưỡi. Mỗi ngày, bán ra bao nhiêu là tấn gạo. Chúng kiếm vô số. Có điều, chúng phải biếu xén đủ mặt.

Nữ quái bất bình:

- Chị cũng làm như em, thì chị được coi là làm nhiệm vụ vẻ vang, được kết nạp vào Đảng. Em thì bị bêu rếu, bị bắt bỏ tù. Chẳng còn trời đất nào cả!

- Chị làm theo lệnh của Đảng. Còn em, là tự ý em. Khác nhau là ở chỗ đó. Nhưng thôi, chúng ta hãy tìm cách kiếm sữa cho thằng bé này.

Mụ đu đưa thằng bé, nựng:

- Khổ thân cháu cô. Còm quá! Thương quá!

- Ai mà chẳng thương. Nhưng những người có tiếp tế, không ai có sữa. Biết làm thế nào?

Nữ quái hớn hở:

- Em đã có cách. Tụi công an đi tuần ban đêm, biết chúng ta mùa hè không mặc quần áo. Chúng thường trèo lên chỗ song sắt trên cao nhòm vào. Thèm ứ tới tận họng. Tại sao chúng ta không giở nghề ra, kiếm sữa cho thằng cháu? Đêm, em sẽ ra đứng ở cửa dụ chúng. Thằng nào muốn đụng vào người em, em bắt phải đưa hai hộp sữa. Lão chánh giám thị ra lệnh bắt phải mặc quần áo. Làm như nghiêm lắm! Nhưng chính em, một lần đi tiểu ban đêm, nhìn thấy nó trèo lên, nhìn vào. Một hôm, em đi cung về, mắt lão hấp ha, hấp háy, vờ vẫn hỏi chuyện, còn giáo dục em. Mồm sặc hơi rượu.

- Lão ta đứt mạch máu não, chết hơn một tuần rồi. Lão đã trắng trợn tán tỉnh chị mấy lần. Đàn ông toàn một ruộc cả. Sáng kiến em hay đó. Bắt đầu ngay đêm nay đi.

Cô giáo nhìn nữ quái, ngập ngừng:

- Chị cảm ơn lòng tốt của em. Không ngờ em thương cháu đến như vậy. Nhưng chị không muốn em gặp phiền phức. Lộ chuyện, em có thể bị cùm.

Nữ quái cong cớn:

- Vì thằng bé, cùm, em cũng không sợ. Phục vụ nó còn tốt hơn phục vụ cách mạng!

Mụ trưởng phòng cười:

- Em nói xỏ xiên chị. Nhưng em nói đúng. Chị không giận. Nhớ phải thành công. Thận trọng một chút.

Đêm đó nữ quái ngồi ngay ở cửa. Cả phòng đã ngủ. Muỗi vo vo từng đàn, tha hồ hút máu trên tấm thảm người trần trụi, nham nhở ghẻ lở. Những tiếng mê sảng, thảng thốt, thỉnh thoảng bật ra, ú ớ, nức nở. Nghe tiếng giầy, nữ quái gục đầu xuống đùi gối.

- Đêm hôm không ngủ, ngồi ở đây làm gì?

Ả ngẩng đầu lên, cười:

- Báo cáo cán bộ, nóng quá, em không ngủ được. Ngồi đây cho thoáng một chút. Phòng bí quá.

Ả đứng lên. Chiếc áo không cài khuy tự động phanh ra. Hai tên công an không rời mắt khỏi hai trái tuyết lê chắc nịch, núm hồng hấp dẫn.

- Em có chuyện muốn báo cáo riêng với một trong hai cán bộ.

Một tên đưa mắt nhìn tên bạn, nói:

- Cậu ra ngoài canh.

Tên kia đi khỏi. Ả nói ngay, nũng nịu:

- Mấy hôm nay không có cơm. Em không ăn được bo bo. Em bị đau ngực lắm. Em muốn xin cán bộ hai hộp sữa.

Tên võ trang, giọng nhân đức:

- Phải cố mà ăn, giữ sức khỏe chứ. Được, ba giờ đêm mai, tôi sẽ cho sữa. Đau thế nào? Tù mà ốm đau là khổ lắm.

- Cảm ơn cán bộ. Em đau ở chỗ này. Nhức lắm.

Ả chỉ tay vào ngực. Tên võ trang thò ngay tay vào, mân mê.

Ả để yên khoảng một phút, rồi lùi lại:

- Thôi, em đi ngủ. Đêm mai, em đợi cán bộ. Nhớ cho em hai hộp sữa. Em sẽ đền bù lại thỏa đáng.

Ả đi vào.Tên võ trang đứng tần ngần một lúc, rồi bỏ đi.

Sáng hôm sau, như thường lệ, gã nhà bếp tới lấy thùng nước đặt ngoài cửa mang đi.

Mụ trưởng phòng gọi lại:

- Anh bạn cấp dưỡng, tôi muốn nhờ anh một việc.

Gã nhà bếp dừng lại, nhìn quanh, vẻ e ngại:

- Có việc gì, nói nhanh lên.

- Phòng tôi có một cháu bé mới mười tháng. Nó không ăn được. Chúng tôi có kẹo, bánh. Anh đổi dùm cho một hộp sữa để nó uống. Nếu có thể, anh kiếm cho ít kháng sinh. Nó sốt cao mấy hôm rồi. Ông y sĩ bảo trại hết thuốc kháng sinh, phải đợi. Anh làm phúc giúp hộ.

- Được, tôi sẽ cố.

Gã xách thùng về nhà bếp, nghĩ ngợi. Cánh nhà bếp thường được ông quản giáo phụ trách dẫn ra phố mua bán. Kiếm hộp sữa, không có gì là khó. Nhưng nội quy cấm ngặt việc liên lạc với các phòng. Mồm đàn bà bép xép. Lộ ra thì bị tống đi trại lập tức. Vợ gã phải mất mười cây vàng mới mua được chân làm bếp ở Hỏa-Lò. Gã cũng muốn giúp thằng bé. Nhưng bản thân gã quan trọng hơn nhiều. Không thể làm liều được. Còn chuyện thuốc kháng sinh, thì gã đã có sẵn. Ông y sĩ mới đưa cho gã ba chục viên tétra, dặn gã nghiền ra, rắc lên chỗ mông con lợn bị chuột gậm. Con lợn này béo quá, không đi đứng được. Cứ nằm ềnh ra. Ban đêm, chuột tới gậm mông ăn. Nhà bếp đã phải cấp tốc đan chiếc lồng bàn tre, úp lên nó. Cho thuốc thằng bé uống, nhỡ nó làm sao, thì đại họa. Thôi, việc thiên hạ, không nên bận tâm tới.

Đêm hôm đó, trước giờ hẹn, nữ quái đã đợi sẵn.

Tên võ trang hôm qua mò tới, cười nhăn nhở:

- Anh bận quá, chưa có thì giờ ra phố. Hẹn em đêm mai, khoảng một giờ. Tuy không phải phiên tuần tra của anh, nhưng vì em, anh sẽ mang sữa tới. Cho anh xem chỗ đau của em đi.

Nữ quái ức lắm, định chửi. Nhưng cố kìm lại. Vì hy vọng có hai hộp sữa đêm mai, ả chiều lòng, cho hắn mân mê một phút. Hắn hăng máu, đưa tay xuống phía dưới.

Ả lùi lại, nói nhỏ:

- Trong phòng có người vừa dậy. Hẹn anh tối mai.

Rồi đi vào, mặc tên võ trang đứng đờ đẫn ngoài song sắt.

Nữ quái về chỗ nằm, uất ức, mặt bừng bừng.

Mấy cô bạn nằm cạnh thì thào hỏi:

- Thế nào? Thất bại à?

- Gặp phải thằng bọ, chỉ muốn gỡ gạc, không muốn chi, phải không?

- Phải có cách nào chứ? Chẳng lẽ chịu lỗ với nó sao?

Nữ quái thì thầm, bàn tán kế hoạch tác chiến với mấy cô bạn. Tất cả đồng tình, quyết tâm phải làm bằng được. Phải thu hoạch lớn là đằng khác.

Sáng dậy, thấy không có sữa, mụ trưởng phòng than thở với nữ quái:

- Chị đã nhờ thằng nhà bếp. Nhưng nó sợ, không dám giúp. Em thì đã mất công toi hai đêm. Thôi, để chị xin phép bà quản giáo viết thư về gia đình. Chồng chị sẽ gửi sữa cho chị. Nhưng sớm nhất là tận cuối tháng mới có.

Nữ quái tươi cười:

- Chị cứ an tâm. Em hứa với chị đêm mai là có sữa. Có thể đêm nay đã có, không biết chừng.

Gần một giờ đêm, nữ quái đợi ở cửa. Ả đã mất hai đêm công cốc rồi, nên hận lắm. Ả nhất định không chịu thất bại. Gặp thằng đểu, ả phải đểu hơn. Vỏ quít dầy phải có móng tay nhọn.

Tên võ trang cay cú lại mò tới, tay không.

Ả đon đả:

- Em nhớ anh quá. Chỉ sợ anh không đến. Em đâu có phải vì hai hộp sữa, để em bỏ cả ngủ, chờ anh. Chỗ đau của em đã đỡ rồi. Nhờ anh xoa hộ lần này nữa là khỏi.

Tên võ trang vui mừng:

- Nếu em thật lòng yêu anh. Khi ra tù, chúng ta sẽ cưới nhau.

Hắn thò tay qua song sắt, say sưa xoa bóp. Hai tay nữ quái giữ chặt cánh tay hắn. Một cô bạn nấp sẵn ở bên tường nhẩy tới, nhanh như cắt, tháo chiếc đồng hồ đeo tay của hắn. Đó là nghề chuyên môn của ả. Tất cả diễn ra chớp nhoáng vài giây.

Nữ quái vểu mỏ, nói vào cái mặt nghệt ra của tên võ trang:

- Đồ bọ chó! Mỗi lần hai hộp. Đúng 11 giờ tối mai, mà không mang sáu hộp sữa tới, bà sẽ mang cái đồng hồ Seiko này báo cáo với Ban Giám-Thị. Bà không dọa mày đâu. Đúng 11 giờ, bà không thức đợi được!

Nói xong, ả bỏ vào phòng, không thèm nghe hắn ấp úng xin xỏ.

Sau khi nhận đủ sáu hộp sữa, giả lại đồng hồ cho tên võ trang, nữ quái đưa tất cả cho mụ trưởng phòng, vẻ đắc thắng:

- Chị giữ lấy. Mỗi ngày pha cho cháu nhỏ nửa hộp. Hết, em lại kiếm “con bò sữa” khác.

Mụ trưởng phòng thán phục:

- Công nhận em có bản lĩnh. Mưu kế thực. Xứng đáng với danh hiệu “nữ quái”. Bọn võ trang rồi sẽ khốn đốn với em.

- Từ nay trở đi, em phải chơi lối tiền trao, cháo múc. Không để rắc rối như lần này nữa.

Thằng bé có sữa uống, đã mập ra đôi chút. Mụ trưởng phòng kiếm được thuốc ghẻ, bôi cho nó. Ghẻ cũng đỡ. Không thuốc men gì, cơn sốt của nó cũng tự nhiên khỏi.

Cô giáo đưa con cho nữ quái bế, cảm động:

- Từ nay, em là mẹ nuôi của nó. Lớn lên, chị sẽ kể chuyện cho nó, bảo nó phải coi em như mẹ. Em đã cứu sống nó đấy.

Nữ quái nâng niu thằng bé trên tay, cười rất tươi. Ả vui trong lòng, vì thấy mình đã làm được một việc tốt.

Ngày lại ngày trôi đi. Trong vòng một tháng, đã có thêm ba tên võ trang nộp sữa cho nữ quái.

Mụ trưởng phòng cười vui:

- Đúng là một “đàn bò sữa”. Nữ quái chăn bò cừ thật!

Những ngày đầu tháng tám. Thời tiết nóng lạ thường. Mặt trời chói lóa dội lửa xuống. Tường, sàn xi-măng, mái ngói, phả hơi nóng ra, hầm hập, ngột ngạt. Trong phòng đầy người, mùi hôi tanh nồng lên.

Mụ quản giáo ngồi dưới quạt trần, cau có:

- Trời đất gì mà như cái lò lửa. Quạt máy chỉ toàn quạt hơi nóng vào người. Tắt mẹ nó đi. Đài nói nhiệt độ lên tới bốn mươi độ. Đợt nóng này còn kéo dài nhiều ngày.

Các nữ tù nhân, mình mẩy nổi mụn đỏ. Ngứa. Rát. Ban đêm không thể ngủ được. Thằng bé lại sốt cao. Át-pi-rin, sữa, uống vào, đều ọe ra. Rôm sẩy đầy người. Nó khóc tới nghẹt thở. Mẹ nó chỉ còn xương với da, mắt quầng thâm, ôm con, lo lắng. Mất ngủ nhiều đêm liền, quá mệt.

Một buổi sớm, cô giáo thiếp đi. Khi tỉnh dậy, thấy thằng con bé bỏng há hốc cái miệng nhỏ xíu, mắt trợn lên, bất động. Hai bàn tay tí hon nắm chặt. Cô sợ quá, ôm con vào lòng. Nó đã tắt thở. Cô hoảng loạn, kêu ầm lên, nước mắt dàn dụa:

- Con tôi chết rồi! Con tôi chết rồi!

Cả phòng xôn xao. Trưởng phòng, nữ quái, mấy ả nữa đổ xô tới. Nó đã chết thật. Cô giáo gục đầu vào ngực con, ngất xỉu. Nữ quái úp mặt vào hai bàn tay, nức nở.

Trưởng phòng nước mắt dòng dòng, ra cửa kêu:

- Báo cáo cán bộ! Phòng nữ có người chết!

Một lúc, mụ quản giáo cùng một tên tù tự giác tới. Mụ mở cửa, hỏi:

- Ai chết?

- Báo cáo cán bộ, thằng bé con.

- Đưa nó ra.

Trưởng phòng vào, định bế thằng bé ra. Mẹ nó đã tỉnh lại, ôm ghì con trong lòng, gào lên, điên loạn:

- Con của tôi, nó phải ở với tôi! Không ai có quyền đưa con tôi đi đâu!

Thấy cô giáo mắt trợn trừng, ôm chặt con không rời.

Trưởng phòng bối rối, dỗ:

- Em bình tĩnh lại. Cháu nó đã mất. Nên để người ta đưa đi chôn cất, cho nó được mồ êm, mả đẹp. Em giữ đây làm sao được. Nghe chị. Chị cũng đau khổ, thương cháu lắm.

Cô giáo ôm chặt con hơn:

- Không, không được, tôi phải giữ nó với tôi!

Mụ quản giáo ngoài cửa sốt ruột, bảo tên tự giác:

- Vào mang nó ra!

Tên tự giác vào phòng. Nó giật đứa bé khỏi tay cô giáo, đẩy cô ngã chúi xuống. Rồi ôm đứa bé đi ra. Cửa khóa lại.

Cô giáo vùng dậy, chạy theo, gào thét:

- Trả con tôi! Trả con tôi! Tôi tự tử chết!

Cô đập đầu vào song sắt. Trưởng phòng, nữ quái ôm chặt lấy cô. Máu từ đầu chảy xuống, hòa với nước mắt, đỏ lòm. Hai người khiêng cô vào, đặt lên sàn. Nữ quái xé áo mình, băng vết thương trên đầu, lau máu trên mặt cô.

Khi tỉnh lại, miệng cô lảm nhảm:

- Trả con tôi, trả con tôi. Con ơi, mẹ thương con quá!

Sợ cô giáo tự sát, suốt ngày, suốt đêm, nữ quái cùng mấy ả thay nhau ngồi bên, an ủi cô.

Sau cái đập đầu vào song sắt. Cô giáo không chết. Cô chỉ trở thành người mất trí. Lúc cười, lúc khóc, lúc ngồi thừ ra, lúc ôm túi quần áo trong tay như ôm con, hôn hít. Ngày nào cô cũng múa hát. Giọng cô khàn. Nhưng cô múa rất dẻo. Cô chỉ hát một bài duy nhất. Bài hát đã được các thầy, các cô dạy, từ thủa cô còn là một nhi đồng sáu, bảy tuổi. Cô vừa múa, vừa hát, miệng tươi cười:

Ai yêu bác Hồ-chí-Minh hơn các em nhi đồng
Bác chúng em, dáng cao cao, người thanh thanh
Bác chúng em mắt như sao, râu hơi dài
Bác chúng em, vì đất nước, quên thân mình
Bác nay tuy đã già rồi
Già rồi, nhưng vẫn vui tươi
Mong sao Bác sống muôn đời
Để dìu dắt nhi đồng thành người…

Một hôm, ăn cơm ngoài sân, cô đứng lên múa hát. Mụ quản giáo đương đọc tờ “Nhân Dân” cũng phải ngừng đọc, nhìn. Mụ khen cô múa hát giỏi. Thấy tờ báo có ảnh Bác Hồ to tướng, cô năn nỉ xin mụ quản giáo. Cô mất trí, nhưng hiền, không phá phách, mất trật tự. Mụ cũng thương hại. Mụ cắt hình Bác ở báo ra cho cô.

Từ đó, đêm đêm, cô đặt ảnh Bác ở đầu chỗ nằm, quỳ xuống, xụt xùi khóc lóc, cầu khấn: “Cháu lạy Bác. Chồng cháu đã hy sinh vì cách mạng. Bác thương tha cho mẹ con cháu! Mẹ con cháu biết có tội với Đảng rồi. Xin Bác khoan hồng, thương tha cho! ”

Nhìn cảnh tượng đó, trưởng phòng, nữ quái, nước mắt ứa ra.

Thế rồi, một sáng đầu tháng mười, ông y sĩ vào dẫn cô đi. Cô được đưa tới một trại giam người điên bên Châu-Quỳ, Gia-Lâm.

Trưởng phòng thì thầm với nữ quái:

- Chắc nó được đưa đi bệnh viện Việt-Đức điều trị. Bác Hồ phù hộ đấy. Bác thiêng lắm. Hôm Bác mất “Người tuôn nước mắt, Trời tuôn mưa” * cơ mà!
*Thơ Tố-Hữu.

Nguyễn Chí Thiện

Hôn em, Kỷ niệm_ Duyen Anh(tt)

CHƯƠNG HAI
Căn nhà bố tôi thuê ở xế cổng huyện đường, đối diện với bức tường đất dầy kín dây bìm. Chim cuốc sống trong những hang hốc tường thành huyện. Khi hoàng hôn phủ xuống phố huyện, họ hàng nhà cuốc kêu rỉ rả. Tiếng cuốc kêu hòa với tiếng trống thu không trên chòi huyện, nghe nó buồn bã làm sao. Tôi lại uống những ngụm buồn này như đã nuốt những miếng buồn ở thị xã. Thoạt tiên bố tôi mở cửa hiệu chữa xe đạp. Ông đã chơi chiếc Saint Étienne, đã mất nhiều thì giờ chăm sóc nó và đã học được cách lau dầu, chữa xe tại một hiệu sửa chữa xe đạp. Phố huyện chưa có hiệu chữa xe. Ông bèn thử thời vận vá chín, vá sống săm lốp xe đạp, xe tay. Bố tôi mua hai chiếc xe con, ba chiếc xe lớn cho thuê giờ, thuê ngày. Bố tôi rất có công với phong trào đi xe đạp ở huyện Phụ Dực. Học trò trường huyện đã nhờ hai chiếc xe con mà biết đi xe đạp. Họ thuê một giờ, nửa giờ. Cái đồng hồ báo thức đặt trên bàn. Bố tôi sảng khoái trả lời những thân chủ tới hỏi xem đã hết giờ chưa bằng tiếng Tây: “ Encore 5 minutes, 20 minutes encore…”! Những đêm trăng không còn chiếc xe đạp nào rảnh rỗi. Đàn ông, đàn bà ở phố huyện thuê xe tập miệt mài ở bãi đá bóng. Chừng họ biết đi, biết “nhảy pê đan” , họ thuê xe cả ngày, làm những chuyến du lịch sang Ninh Giang hay qua Hải Phòng… Mẹ tôi, dịp này bày thêm cái bàn bán nước chanh đá, bia và nước ngọt. Đời sống của dân Miền Bắc cơ cực lắm. Muốn thưởng thức cốc nước chanh đường có cục đá lạnh, phải lên tận thị xã. Mà, một đời người, cơ chừng, rất hiếm hoi một chuyến đi tỉnh. Mỗi ngày, me tôi ra Ngã tư Môi đón xe Thái Bình – Hải Phòng nhận đá ướp bằng mạt cưa đựng trong cái túi cói. Một anh “ét” giúp đỡ mẹ tôi, lấy tiền công rẻ. Nhờ nước đá, quý thân chủ đạp xe toát mồ hôi đã chiếu cố nước chanh tận tình. Và bước đầu lập nghiệp của bố tôi trôi chảy.
Tôi đi học trường huyện. Tôi học rất dốt. Tháng nào cũng đội sổ và bị bắt nạt hoài. Chiếc áo chùng đen của tôi không ngày nào không có vết phấn. Bạn cùng lớp đã đè tôi xuống sân cỏ, dùng phấn bảng vẽ nhảm nhí sau lưng áo tôi. Tôi đến trường với nhiều chiếc kẹo hối lộ. Thiếu kẹo bánh là khốn khổ, khốn nạn. “Cóp pi” bài tính đố mất 4 chiếc kẹo. Nhờ vẽ, mất 2 chiếc. Hôm nào bị giữ vở luân chuyển, vừa tốn kẹo vừa lạy lục muốn khóc. Tôi không hiểu tại sao cái đám bạn học của tôi lại tàn tệ với tôi như thế. Trường tôi có hai cây ngâu, nếu sáng sớm trời mưa, nước đọng trên lá ngâu đầm đìa. Nhiều lần tôi bị ướt hết áo vì trò chơi quái ác của bạn học. Chúng nó rủ tôi tới gần cây ngâu. Một đứa kéo mạnh cây ngâu rồi chạy nhanh. Tôi khờ khạo hứng nước. Lắc đầu không chịu dại dột, lần sau chúng đẩy tôi tới. Và tôi sợ hãi sân trường, đi học muộn, bị thầy quở mắng, bị đánh đòn và bị quỳ. Tôi oan uổng, tôi bị ngộ nhận. Nỗi oan uổng và ngộ nhận như một cái lưới bủa xuống đời tôi, tới nay, tôi chưa biết cách gỡ. Tôi không thù hận những người bạn học thuở xưa nhưng tôi khinh bỉ những kẻ chỉ biết phán xét tôi qua những vu khống, những kết tội mang nặng đố kỵ, hờn ghen khi tôi bước xuống cuộc đời. Vì tôi sợ hãi sân trường nên giờ ra chơi tôi phải trốn vào chuồng xí. Một bận, sự vắng mặt của tôi ở sân chơi bị phát giác. Bạn cùng lớp đã nhốt tôi luôn trong đó. Chúng nó dùng đinh đóng chặt cánh cửa. Tôi khóc lớn, kêu gào. Ông tùy phái đã “giải phóng” tôi, đưa tôi lên lớp, trình rõ sự tình với thầy giùm tôi. Thầy bảo nói tên đứa tai ác. Tôi không dám nói. Tôi biết, trận mưa đấm sẽ rơi xuống thân thể tôi trên đường về. Tôi chán trường chán lớp, vì vậy tôi phải nghĩ cách nghỉ học. Và cách hay nhất là giả vờ ốm. Rồi tôi ốm thật, ốm bởi sợ đi học, sợ bạn, sợ thầy, sợ bàn ghế, sợ sân trường.
Nhưng ốm thật hay ốm giả vờ tôi vẫn bị đẩy tới trường, tới chốn tù ngục trong ý nghĩ của tôi. Tôi tiếp tục dâng hiến bánh kẹo để được yên thân. Và để được yên thân lâu bền, tôi phải ăn cắp tiền của mẹ tôi. Mẹ tôi bắt quả tang tôi cuỗm mấy đồng bạc. Bà hỏi ngọn ngành. Tôi thú tội. mẹ tôi không đánh tôi. Hôm sau, mẹ đưa tôi tới trường, chờ tôi vào lớp. Giờ ra chơi mẹ tôi đứng ngoái hàng rào trông chừng tôi. Tan học, mẹ tôi đón tôi về. Cứ thế, con gà mẹ bảo vệ chú gà con ròng rã tháng trời. Những thằng quái ác bị mẹ tôi chỉ mặt từng đứa. Chúng hết hành hạ tôi mà tẩy chay tôi. Tôi lủi thủi như một kẻ bị khu trừ ở sân trường. Tôi có vẻ giống thằng Vọng. Không, tôi sướng hơn thằng Vọng nhờ mẹ tôi, song tôi thua thằng Vọng tài đá bóng và học giỏi. Thằng Vọng còn được thằng Vũ bênh vực che chở. Tôi thì chẳng ai bênh vực. Người ta đã ngạc nhiên khi đọc những truyện viết về thời thơ ấu của tôi. Và người ta đều tưởng rằng những ông nhóc hào hùng, độ lượng, quấy nhộn là tôi thuở nhỏ, hoặc ít ra cũng mang tâm sự của tôi. Chả có dáng dấp tự truyện gì ở Thằng Vũ, Thằng Côn, Con Thúy, Thằng Khoa cả. có chăng là sự bất hạnh trải dài theo những nhân vật bất hạnh nhất, bị bạc đãi nhất trong tiểu thuyết của tôi. Tôi không muốn những đứa trẻ gieo đau khổ cho những đứa trẻ. Tôi muốn chúng nó thương yêu nhau, đùa nghịch với nhau, trao gửi kỷ niệm lẫn nhau, chúng nó đừng thù ghét nhau quá sớm. Rồi chúng sẽ biết thù ghét khi rời nhà trường và khi những chiếc roi oan nghiệt quật nát mặt chúng nó không xót thương. Mỗi người chỉ có một lần làm tuổi nhỏ. Tôi thì không có cái lần tuyệt vời đó. Cái lần ta sống những tháng năm đẹp nhất đời ta. Tôi đành sống lại bằng những nhân vật nhỏ bé của tôi trong xã hội truyện tuổi thơ đôn hậu. Ở đó, tôi đá bóng tuyệt cú mèo như Bồn lừa, tôi bắn súng cao su trứ danh như thằng Luyến, tôi nghịch ngợm như thằng Vũ, tôi thất tình như thằng Côn, tôi được bạn bè công kênh như thằng Vọng. Và tôi khỏe. Tôi hạ bất cứ kẻ nào bắt nạt bạn tôi. Và tôi học giỏi, tôi được thầy khen. Ở đó, tôi quên tôi đã là thằng Long hèn yếu phải chui vào chuồng xí trốn hình phạt tàn nhẫn của bạn cùng lớp. Những nhân vật tuổi thơ của tôi giúp tôi giải tỏa nỗi ẩn ức ngày xưa còn bé. Tôi nhìn tôi qua thằng Vũ. Tôi rất tự hào nếu những đứa trẻ đang có mặt ở những sân trường hôm nay bằng tuổi tôi hôm xưa đều là những thằng Vũ. Thằng Vũ yêu cha mẹ, anh em. Thằng Vũ thương thầy, thương bạn. Thằng Vũ dại gái, cuối cùng thằng Vũ yêu nước, thằng Vũ lên đường bảo vệ vùng trời chứa chan kỷ niệm của nó. Tôi quên hẳn tâm sự bùi ngùi của tôi khi tôi sống với những nhân vật tuổi thơ của tôi.
Ngoài sân trường tôi vẫn đóng vai một thằng bé lép vế. Tôi ham chơi đùa, thèm chơi đùa. Những đứa trẻ phố huyện cho tôi chơi chung sau khi tôi đã van nài khô nước bọt. Chơi nhảy cừu tôi cứ bị làm cừu cho chúng nó nhảy. Chơi bi hầm, chúng nó âm mưu hầm vỡ bi của tôi. Chơi con vụ chúng nó giao hẹn “thóc đâu bồ câu đấy”. Tha con vụ của tôi ra bờ ao, bổ văng con vụ của tôi xuống ao và bắt tôi ngồi trên bờ. Hoặc chúng nó giao hẹn “ dắt vụ lấy vụ, vở vụ lấy đinh” mài nhọn đinh con vụ, nhắm con vụ của tôi bổ dính để đoạt. Chơi đánh đáo ăn tiền, hễ tôi ăn chúng nó vồ tiền. Chơi đánh đáo đấm, hễ tôi thua chúng nó đấm oằn người, tôi được: đấm thật khẽ. Đi tắm ao chúng nó dìm tôi uống nước sặc sụa. Tôi phải nằm nhà, đánh đai tuổi thơ của mình bằng những cuốn “ Quốc văn giáo khoa thư ”. Tôi nghe chim cuốc kêu rỉ rả. Tiếng trống thu không hay tiếng trống cầm canh dội vào tận hồn tôi một nỗi niềm không biết định nghĩa. Có thể, đó là tiếng trống gợi mộng mơ. Giá tôi hiểu lớn lên tôi viết văn, chắc chắn, tôi đã bằng lòng với khung trời hắt hiu này. Văn chương nó thoát ra từ nỗi cô đơn. Ai đó đã nói thế. Văn chương của tôi không thoát ra từ nỗi cô đơn nào, dù tâm hồn tôi đã thấm từng giọt cô đơn thuở lên chín. Có thể là tôi sợ hãi nỗi cô đơn, tôi không dám kêu thét hãi hùng, không biết kêu thét hãi hùng. Tôi viết văn với một ý nghĩ của riêng tôi: Văn chương không dùng để hô phong hoán vũ, không dùng để kể khổ mà chỉ dùng để mua vui, để giải thoát những cảnh sầu não của người đời. Vậy thì, giá tôi hiểu lớn lên tôi viết văn để bằng lòng cái khung trời hắt hiu cua huyện lỵ Phụ Dực, cái khung trời ấy cùng những tiếng buồn thảm ấy, chắc chắn, đã không giúp ích gì cho tiểu thuyết của tôi. Đâu phải chỉ có nỗi buồn làm nên văn chương? Đâu phải chỉ có nỗi cô đơn tạo ra tác phẩm?
Tôi đã sống cùng những vạt nắng úa thả hoàng hôn tím trên giậu bìm. Bình thản như thế và thầm lặng như thế. Bạn thân nhất của tôi là những nhân vật trong những bài tập đọc, những cậu chuyện kể ở hai bộ “Quốc văn giáo khoa thư” và “Luân lý giáo khoa thư” . Những thằng bé chăm chỉ, những thằng bé lười biếng, những thằng bé “đầu bù tóc rối, mặt mũi nhem nhuốc, tay chân dơ bẩn” , những thằng bé sợ ma, những thằng bé lễ phép, những thằng bé trốn học đã an ủi tôi và không bao giờ bắt nạt tôi. Cửa hiệu sửa chữa và cho thuê xe đạp của bố tôi hết nhộn nhịp vào mùa đông. Mưa dầm gió bấc chẳng ai thiết ra ngoài đường. Những ngày nhàn rỗi này, đôi tay của bố tôi không đen bẩn dầu mỡ. Ông thường ngồi trên chiếc ghế đẩu, ôm cậy lục huyền cầm, nhìn mưa ngoài trời mà tưởng mưa trong lòng mình. Ông đã thấy Nam kỳ qua màn mưa. Ông đã thấy sân khấu cải lương Nam kỳ. Bố tôi bèn thoát thực tại. Ông viễn du. Ông mơ mộng: Một bầu rượu, một túi thơ, cùng với giai nhân sống ngoài vòng cương tỏa, hoặc thả thuyền dưới ánh trăng trong hoặc đưa nhau tới chốn non bồng … Bố tôi tay đàn, miệng nói lối rồi ca vọng cổ. Vọng cổ, nơi thần tiên của bố tôi, nơi không có dao cầu, thuyền tán, không có máy vá chín săm lốp và những cái “lắc lê” thô lỗ. Nơi không có những con ốc vặn dài tay vẫn không chịu nhúc nhích. Nơi ấy, bố tôi đóng vai thiên tử, ban danh vọng và tình yêu cùng khắp thiên hạ. Bố tôi vọng tưởng nơi ấy, vọng tưởng chuỗi ngày đẹp nhất đời của bố tôi bằng những lời ca trau chuốt, mỹ miều. Cuối cùng, ông tự ví nơi ấy như nàng Thôi Oanh Oanh và ông là Trương Quân Thụy: Hỏi trăng, trăng chỉ thờ ơ. Hỏi nước, nước lại hững hờ xuôi chảy. Muốn tìm em anh tìm đâu cho thấy? Trăm năm tâm sự một ngọn đèn … tàn
Ngọn đèn đã thật sự tàn bởi những giọt nước mắt, đã thật sự tàn bởi lòng thương yêu vợ con. Hình tưởng một lãng tử tóc lộng đường xa, hồn đầy mộng ước, bằng lòng định cư đời mình ở một xó xỉnh làm anh thợ sửa chữa xe đạp, tôi đã nghẹn ngào tội nghiệp bố tôi. Bố tôi giống con ngựa bị té trong một cuộc đua hào hứng và không tiếp tục chạy đua được nữa, người ta cho về kéo xe. Có lẽ, cái tâm sự một ngọn đèn tàn của bố tôi đã biến bố tôi thành một người trào lộng thay vì một người cay cú. Bố tôi ưa đùa bỡn cả lúc ông giận dữ. Với bố tôi, không có gì là quan trọng. Tất cả đều đáng cười, trừ kỷ niệm theo gánh hát lưu lạc Nam kỳ của bố tôi. Bố tôi cũng biết làm thơ. Rất tiếc những bài thơ của bố tôi đã không in thành một pho thơ “lưu truyền hậu thế” để tôi có thể liệt thi-sĩ-bố-tôi vào khuynh hướng nào. Ông thích những bài thơ mang nặng tính chất … hiếu hỉ. Đã bảo bố tôi ưa đùa bỡn mà. Sự nghiệp thi ca của bố tôi, tôi thuộc lõm bõm 2 bài. Giá tôi thuộc hết, tôi đã viết thêm một cuốn truyện khôi hài nhẹ nhàng về một thi sĩ … hiếu hỉ. Vậy mà thi-sĩ-bố-tôi vẫn có tri kỷ và đôi tri kỷ này gửi ở trong trí nhớ của tôi một giai thoại thi ca … hiếu hỉ. Dạo ấy khoảng năm 1947 gia đình tôi di cư về huyện Tiền Hải. Bố tôi phát động “phong trào đi xe đạp” tại ngã ba chợ. Vì mang trong cơ thể “giòng máu lang thuốc” nên bố tôi quen hai hiệu bán thuốc nơi đây. Một hiệu tên Phú Hậu, nhãn hiệu “Rồng xanh”, hiệu kia là Phú Mỹ, nhãn hiệu “Rồng vàng” . Ông Rồng xanh lấy em gái ông Rồng vàng. Hai ông cùng làm một nghề và hai cửa hiệu sát nách nhau, cạnh tranh nhau ra mặt. Ông chủ hiệu Phú Hậu kết thân luôn với ông thợ cắt tóc bất đắc dĩ. Ông này tản cư và túng quẫn quá, xoay nghề phó húi kiếm ăn chờ ngày “kháng chiến thành công” . Trong một bữa ăn kỷ niệm đệ tứ chu niên của cửa hiệu Phú Hậu, thi-sĩ-bố-tôi cảm khái viết một bài thơ:
Rồng xanh bên cạnh Rồng vàng.
Chữ đề Phú Hậu nét vàng chưa phai.
Tạp hóa thuốc Bắc gồm hai.
Bán buôn bán lẻ đơn sai chẳng hề
Lại thêm có thợ lành nghề …
Bài thơ bất hủ của thi-sĩ-bố-tôi được trịnh trọng lồng vào khung kính treo trước của hiệu Phú Hậu. Nửa tháng sau, ông Phó Húi ghé qua nhà tôi, tự giới thiệu tên tuổi, “khen” bài thơ của bố tôi (!) và yêu cầu sửa chữ chưa ở câu hai thành chữ không
Rồng xanh bên cạnh rồng vàng
Chữ đề Phú Hậu nét vàng không phai.
Không phai, “thằng” Phú Mỹ mới tức hộc máu mồm. Dương Khuê phó húi sảng khoái nói và Nguyễn Khuyến thợ sửa xe đạp gật đầu cảm phục. Đến nỗi bố tôi, tôi được hớt tóc, cạo mặt, lấy ráy tai miễn phí. Đó là tài hiếu hỉ bằng văn thơ của bố tôi. Đó cũng là chuyện sau này. Bây giờ, tôi đang hình tưởng một lãng tử bằng lòng định cư đời mình ở huyện lỵ Phụ Dực. Ở đây, ngoài tiếng chim cuốc, tiếng chim bìm bịp, tiếng trống thu không, tiếng đàn vọng cổ, ngoài những vạt nắng úa thả hoàng hôn tím trên giậu thành, tôi còn được nghe tiếng nhạc ngựa và nhìn những ông chánh tổng, những ông lý trưởng đầu đội khăn xếp, mặc áo chùng the, quần trắng, lưng thăt lưng màu, vai đeo ống* cưỡi ngựa không yên lên huyện hầu quan. Một ông chánh tổng hay một ông lý trưởng thường mang theo vài tên tuần đinh tháp tùng. Bọn tháp tùng chạy bộ sau và giữ ngựa khi chánh tổng vô huyện đường. Cảnh tương thật đẹp mắt nếu không có những người dân quê trốn thuế bị trói giật cánh khỉ. Bị quất roi mây cùng khắp thân thể và vợ con họ khóc lóc trong tiếng nhạc ngựa rộn rã, trong màu sắc thắt lưng và trong vẻ quan trọng ghê gớm của thầy chánh, thầy lý. Tôi đã bị bắt nạt và tôi tin rằng những người dân quê đang bị bắt nạt. Tôi thương họ. Và, chưa hiểu thế nào là bất bình, chưa hiểu thế nào là công lý, là lẽ phải trái, sự phạm tội và hình phạt, tôi đã nghiêng hết tình cảm đôn hậu của tuổi thơ về phía những người bị trói, bị đánh đập mỗi ngày, bị đưa lên huyện, bị tống vào nhà giam. Tâm hồn tôi rực rỡ những đóa hoa mơ. Tôi mơ đào một con đường từ gầm giường của tôi tới nhà giam trong huyện đường, dắt những người bị nhốt về làng của họ. Có khi nào giấc mơ trở thành sự thật đâu. Nhưng giấc mơ đào đường hầm đã mở lối cho những giấc mơ, cho một cõi mơ của cả đời tôi.
Vào cuối năm lớp ba, mẹ tôi lên thị xã sinh đứa con thứ tư. Tôi được theo. Mẹ con tôi trọ nhờ nhà ông Cai. Mẹ tôi phải chờ ngót một tuần lễ mới lại bà đỡ Giới. Bà sinh con gái. Bố tôi đã dặn đặt tên nó là Vũ thị Chi Mai. Suốt ngày tôi ở phòng mẹ tôi, quanh quẩn chiếc nôi buông tấm màn lan tiêu trắng. Mẹ tôi khỏe mạnh, lại sinh con rạ nên không hề mất sức. Đợi em tôi bú được, chúng tôi sẽ về Phụ Dực. Tôi đã thay em tôi bú để mẹ tôi khỏi vắt sữa căng đầy vú: “Con bú đi, vắt bỏ phí lắm” . Mẹ tôi nói thế. Tôi bú tiếp sức em tôi đến ngày nó đầy tháng. Chín tuổi, miệng tôi còn hôi sữa mẹ. Còn hôi sữa mẹ mà đã mộng mơ. Nửa tháng sau me con tôi rời thị xã trên chuyến xe hàng Thái Bình – Ninh Giang. Những chuyến xe Thái Bình – Ninh Giang đi qua huyện Phụ Dực rất hiếm. Tuần lễ một lần, Xe thường dừng trước cửa nhà tôi để đỗ khách hoặc chết máy. Mỗi lần xe qua là một biến cố lớn của trẻ con phố huyện. Nếu xe chết máy, trẻ con xúm coi bỏ cả ăn cơm. Xe chạy chậm, dù nó mang dấu hiệu “Con Sóc”. Ghế gỗ ngồi đau ê ẩm. Quảng đường hai chục cây số, ít nhất, xe chết máy sáu bận. Tài xế văng tục hò hét “ét”. “Ét” nạt nộ hành khách nhà quê và quay “ma ni ven” toát mồ hôi. Xe đã nằm ăn vạ trước cửa nhà tôi suốt đêm. Lần này nó nằm ăn vạ ở Đồng Bằng. Mẹ tôi bế em tôi ngồi bên lề đường, không dám ngồi trên xe sợ “ét” thay cái bánh “kích” làm nghiêng xe có thể lật đổ. Thay bánh xong thì chết máy, Mẹ tôi phải thuê xe tay, gần nửa đêm mới tới nhà. Tôi không sao quên được chuyến xe bất hạnh đó. Mẹ tôi, đôi mắt của mẹ tôi, tiếng thở dài của người và tiếng khóc của em tôi. Cuộc đời của chúng tôi, hình như, đã được an bày trên những chuyến xe bất hạnh.
Tôi đã kể những ông chánh tổng thắt lưng dài đỏ hoe cưỡi ngựa không yên da. Những ông chánh tổng đã ở lại phố huyện để thuê xe đạp tập đi, tập nhảy “pê đan” tập xuống “pê đan” và sắm xe đạp thay ngựa. Xe đạp tạo cuộc cách mạng đẩy ngựa về chuồng. Người phát động cuộc cách mạng là bố tôi. Ông đã ăn nên làm ra nhờ cách mạng. Những người cách mạng đều ăn nên làm ra. Có kẻ đổ mồ hôi, nước mắt. Có kẻ chỉ mất nước bọt. Bố tôi vội vàng đáp ứng nhu cầu cách mạng bằng cách lên tỉnh tìm một người thợ. Và bố tôi đóng vai trò chủ nhân, ông viết thêm hàng chữ: “Nhận sơn xì, sơn hấp xe đạp” dưới tấm bảng cũ: “Cho thuê, sửa chữa, vá chín, vá sống săm lốp xe đạp, xe tay”. Ông đi khắp nơi mua xe đạp cũ, đem về sơn lại, kẻ chỉ rất đẹp. Ông “mạ kền” vành, “ghi đông” , đĩa, chắn xích, “may ơ” bằng ngân nhũ. Tôi phải ca ngợi tài năng của bố tôi một chút. Ông không học ai mà biết sơn xì, sơn hấp. Tôi tiếp tay bố tôi, chiều chiều, lấy con dao cạo lớp sơn cũ rồi lấy giấy nhám đánh bóng. Bố tôi sơn xong cái khung xe, cái “phuốc” , bỏ vô thùng gỗ lớn, khép cửa lại, đợi nó khô. Đó là sơn hấp. Còn sơn xì ly kỳ hơn. Ông bắt tôi bơm hơi vào cái bình sắt nhỏ. Từ cái bình, có một cái ống sắt bé chuyền hơi lên hộp sơn. Bố tôi bấm nút, sơn phun ra như màn sương. Sơn bám vào khung xe, đó là sơn xì. Khi sơn khô, bố tôi dùng râu dê, kẻ những đường chỉ trắng, đỏ, xanh lên thật khéo léo. Chiếc xe cũ mèm, lúc lắp đủ lệ bộ, trông hào nhoáng kiểu nhà quê. Và các ông chánh tổng, lý trưởng đặt tiền mua trước tấp nập.
Cuộc cách mạng xe đạp cao quý của bố tôi, như bao cuộc cách mạng cao quý khác, rồi cũng chìm vào quên lãng, cũng thả hoàng hôn tím xuống giậu bìm. Bố tôi không đợi nó chết hẳn. Ông dẹp hiệu khi nó còn đầy đủ cơ hội vươn lên, xoay qua nghề làm đại lý rượu Văn Điển. Tôi lại làm quen với mùi rượu, với những cái thùng gỗ hình bầu dục đánh đai bằng nhiều sợi dây sắt, với những cái chai, với những cái nhãn in câu đề cao phẩm chất rượu Văn Điển mà nay tôi còn nhớ “Uống say không nhức đầu, ngủ dậy không đắng miệng vì chế bằng gạo nếp và men thuốc Bắc”. Bấy giờ có hai hãng rượu. Rượu Phông Ten của Nhà nước và rượu Văn Điển của tư nhân. Bà cả Ngõa, mẹ cậu Phạm Mộng Dzực làm đại lý rượu Phông Ten và thuốc phiện. Rượu Phông Ten giá rẻ hơn rượu Văn Điển và không cần dán nhãn hiệu, gắn si kín nút. Cậu Dzực chơi với bố tôi, kết nghĩa anh em với bố tôi. Cậu là tay đua xe đạp, đã tham dự vòng đua quanh Đông Pháp**. Tôi hay tới nhà cậu Dzực đứng xem người ta mua thuốc phiện đựng trong cái ngao đồng. Những người nghiện nom thật tang thương. Họ mua thuốc bằng tiền và bằng cả văn tự ruộng đất. Có người mua bằng xà tích bạc của vợ. Tôi đã đọc những truyện kể về những người nghiện thuốc phiện trong Luân lý giáo khoa thư và thuộc lòng hai câu:
Trai tráng sĩ cũng so vai rụt cổ,
Gái thuyền quyên cũng mặt bủng da chì
Thằng bé chín tuổi lại sớm thắc mắc: Tại sao sách khuyên người ta không nên hút thuốc phiện, uống rượu mà không cấm người ta bán thuốc phiện, bán rượu? Thắc mắc đó, thằng bé chẳng biết hỏi ai. Vì bố nó đang bán rượu! Mỗi tuần, ba bốn chiếc xe đò chất đầy những thùng rượu gốc từ thị xã về đại lý Phụ Dực. Thùng rượu vần lên chiếc bục cao. Bố tôi chỉ dẫn người nhà, thả cái vòi cao su vào cái rốn thùng rượu, dùng miệng hút cho rượu chảy lấy đà để đong vô từng chai. Rồi đút nút. Rồi nấu những bánh si lớn chảy ra, dốc ngược chai rượu nhúng vào si kín nút. Rồi đóng dấu Văn Điển đè lên. Sau hết, dán nhãn hiệu quanh chai “Rượu Văn Điển – ngon và bổ” . Ngon và bổ lúc đầu thôi, nó bị rượu Phông Ten đánh chết. Bố tôi chuyển nghề buôn bã rượu. Ông thuê miếng đất rộng, đào hầm, xây gạch, trát vữa, lên thị xã mua bã rượu tận hãng đem về bán cho dân quê nuôi lợn thay cám. Lợn chê bã rượu. Công việc làm ăn của bố tôi thất bại. Ông chưa kịp toan tính nghề mới thì quan huyện đổi đi nơi khác. Quan huyện mới về là ông Phạm Gia Đĩnh. Cuộc sống buồn tẻ nhưng bình thản của dân huyện Phụ Dực chợt nghe một nỗi lao đao…
* Ống dài chừng cánh tay và to bằng vỏ viên đạn đại bác. Như ống quyển của thí sinh ngày xưa. Trong đựng văn thư và giấy tờ quan trọng. Đôi khi, cả tiền hối lộ quan huyện và tiền trà nước cho bọn nha lại.
** Hồi đó không gọi là Đông Dương.
CHƯƠNG BA

Quan huyện Phạm Gia Đĩnh cho đòi tất cả những người buôn bán ở phố huyện vào hầu quan. Quan hỏi thăm sự buôn bán và truyền mỗi người đóng một khoản tiền để quan xây tường huyện. Bố tôi về, than thở:

- Làm ăn khó rồi.

Ông nói nhỏ:

- Thằng này ăn tiền.

Tôi hỏi:

- Quan huyện ăn được tiền hở bố.

Bố tôi đưa tay bịt miệng tôi:

- Con quên câu vừa hỏi đi. “Thằng này” là thằng bố mày đây này! Quan huyện mới phúc hậu lắm. Quan cho mọi người uống trà Tàu.

Quan huyện mới có chiếc ô tô đít vịt, sơn đen bóng loáng. Tiếng còi xe của quan huyện làm nhiều người sợ hãi. Chính quan huyện đã hò hét lính lệ đốc thúc tội nhân và phu phen ở các làng gửi lên phá bỏ hàng giậu bìm. Không đầy một tháng, dinh quan huyện được vây quanh bởi bốn bức tường gạch cao. Một trong bốn bức tường án ngữ tầm nhìn của tôi. Những con cuốc biến mất, những con bìm bịp biến luôn. Biến luôn những con ong đen cả ngày lởn vởn trên những chùm hoa mò hèn mọn. Tôi chẳng còn thấy những vạt nắng thả hoàng hôn tím xuống giậu bìm. Và tôi chạnh nhớ bờ giậu bìm hôm nào, tiếng cuốc kêu hôm nào. Tôi ghét tường gạch cao. Tôi ghét đổi mới, ghét quan huyện mới. Nhưng một thằng bé con mà nói với người lớn về nỗi buồn thì người lớn cười rộ và thường cho nó chiếc kẹo hay đồng bạc. Thế là nó hết buồn. Tôi chẳng biết nói với ai rằng tôi nhớ giậu bìm, nhớ tiếng chim cuốc, nhớ vạt nắng chiều, nhớ chiếc xe song mã của quan huyện cũ. Hình tưởng một ông nhãi ranh cố vươn dài đôi tay mà chẳng ôm gọn một nỗi tương tư, tôi thấy yêu ông nhãi quá. Cuộc đời huyện lỵ mới chỉ nghe một gợn sóng chứ thực ra quan huyện Đĩnh chưa ném viên đá xuống ao tù.

Tôi vẫn học trường huyện, đã leo lên lớp ba. Trường lớp, đối với tôi không có gì quyến luyến cả. Nó đã trở thành bãi tha ma từ hôm tôi đau bụng “vãi” ra quần. Cả trường chế giễu tôi là “thằng đủn ìa” . Mẹ tôi đến quét rửa lớp học, rồi mang kẹo bánh “biếu” từng đứa học lớp tôi, van xin chúng tha tôi, đừng chế giễu tôi. Chúng đã không tha. Đã chẳng có đứa nào giống thằng bé đại lượng trong bài tập đọc tiếng Pháp “L’ enfant généreux.” Và tôi, tôi cứ phải tới trường làm tấm bia chịu muôn vàn mũi tên nhọn hoắc. Vào dịp này, bố tôi đã chọn được nghề mới: Nghề buôn bông. Ông mua ba chục chiếc cán bông, thuê người cán loại bỏ hạt ra. Mỗi sáng ông ngồi trên xe bò đi cân bông ở các chợ. Người chú họ của tôi giúp bố tôi công tác kéo xe bò. Chú làm bò. Người quê nội tôi làm bò! Ông Năm chân đơn là em ruột ông nội tôi. Ông có hai con trai: Chú Phương nhớn và chú Phương hen (Cũng hen như bác Khoát bên ngoại)! Chú Phương nhớn học võ với ông Tôi Đại Hồng ở Ô Mễ. Chú cao lớn, khỏe mạnh, các bắp thịt no tròn. Chú là con rể ông đồ Bảng. Chú Phương nhớn thường cõng tôi đi tắm. Có chú, tôi không bị bọn nhãi lấy quần áo dấu trên ngọn cây phải cởi truồng khóc sướt mướt chạy về nhà. Chú Phương dậy thực sớm luyện võ ở sân. Một hôm, tôi gặp chú luyện võ, tỉnh ngủ ngay. Tôi hỏi:

- Này chú, chú tập võ để làm gì?

- Để khỏi bị bắt nạt và có sức khỏe bênh vực những người yếu đuối bị bắt nạt. Võ giỏi mới thành hiệp sĩ.

Hiệp sĩ. Hai tiếng mới mẻ và quyến rũ tôi một cách lạ lùng. Tôi lại hỏi:

- Hiệp sĩ là gì hở chú?

Chú xoa đầu tôi:

- Là kẻ trừ gian, diệt bạo.

Chú Phương nhớn kém bố tôi năm, sáu tuổi. Chú học hết lớp ba trường làng, không có tiền lên tỉnh học tiếp, chú xoay sang học võ và cắt tóc. Chú định mở hiệu cắt tóc trước cửa nhà tôi nhưng bố tôi nhờ chú kéo xe bò.

- Tại sao chú không đi trừ gian diệt bạo?

Chú cười:

- Cháu hiểu gian là gì bạo là gì không đã nào?

Tôi lắc đầu

- Cháu không hiểu.

Chú thở dài:

- Vì chưa giỏi lắm chú đang tập luyện thêm.

- Rồi chú sẽ giỏi chứ?

- Khi nào chú hết phải … kéo xe bò! Nhưng cần gì, cứ biết võ như chú cũng chẳng ai dám bắt nạt. Cháu có bị ai bắt nạt không?

- Có.

- Nào, kể chú nghe họ đã bắt nạt cháu của chú ra sao?

Tôi kể cho chú Phương nhớn nghe những nỗi khổ cực mà một đứa bé yếu đuối như tôi cam chịu. Chú tôi cười ròn rã:

- Cháu phải học võ.

Ngay buổi tối, chú Phương nhớn dạy tôi đánh côn. Chú nhặt một khúc tre đực vừa tầm tay tôi, chỉ dẫn tôi múa khúc tre. Múa mỏi tay. Múa toát mồ hôi. Hôm sau tôi cầm đũa ăn cơm, tay rời rã. Chú Phương nhớn lấy rượu thuốc bóp. Chú khích lệ:

- Tay cháu sẽ chai đá. Đứa nào đấm cháu, đứa ấy … gẫy tay.

Tôi thích lắm. Khi tay tôi bớt ê ẩm, chú dạy tôi đỡ đòn. Chú dùng một khúc tre, đánh cho tôi đỡ. Tôi sốt ruột “báo thù” thường hỏi chú:

- Tập bao lâu sẽ làm chúng nó gẫy tay?

- Chóng mà.

- Chóng là mấy tháng?

- Tập đi, cháu. Đừng hỏi. Cháu sẽ không làm chúng nó gãy tay đâu.

- Sao thế chú?

- Vì trông thấy cháu, chúng nó đã sợ hãi.

Tôi tập côn được hơn một tháng mới chợt nhớ không đứa nào đánh đập tôi bằng gậy. Chả lẽ, lúc nào mình cũng mang theo cây côn? Tôi bảo chú tôi:

- Chú dạy cháu võ tay chân đi.

- Cháu muốn học quyền cước à.

- Quyền cước là gì?

- Là đấm đá.

- Dạ cháu muốn học đấm đá.

Chú Phương lớn chiều tôi, dạy tôi cách gồng mình, xuống tấn. Rồi chú dạy bài Mai hoa quyền. Tôi vừa thuộc bài Mai hoa quyền thì bố tôi biết tôi học võ. Ông cấm chỉ. Chú Phương nhớn chối quanh: “Em dạy cháu tập thể dục” Bố tôi nói riêng với tôi:

- Con nên học chữ. Chữ giỏi sẽ làm quan và sẽ bắt nhốt hằng trăm tên cướp giỏi võ bằng một lời nói. Học võ ăn thua gì. Giỏi như chú Phương mày thì cũng chỉ đi đến nước … đi hớt tóc rong.

Chú Phương không dám dạy võ tôi nữa. Nhưng chú dạy tôi đọc truyện kiếm hiệp. Chú dấu giếm đưa tôi cuốn Quỳnh Giao nữ hiệp của tác giả Thanh Đình. Tôi đọc tới đâu mê tới đó. Và thương hại chú Phương nhớn. Chú là một hiệp sĩ. Bây giờ nhớ tới người chú họ. Tôi mường tượng một hiệp sĩ cô đơn. Trời đất thừa chỗ. Chỉ thiếu một chỗ dung thân cho kẻ trừ gian diệt bạo. Đên nỗi chú tôi phải kéo xe bò, phải làm anh thợ hớt tóc rong qua ngày đoạn tháng. Tôi đọc Quỳnh Giao nữ hiệp, mê nhất những đoạn người hiệp sĩ nửa đêm phi thân qua cổng thành vào dinh tên quan huyện gian ác, nhảy lên mái nhà, rở một viên ngói nhìn xuống thấy tên quan huyện gian ác đang đếm tiền vàng. Người hiệp sĩ phóng một mũi dao nhọn từ trên cao cắm phập xuống mặt bàn với một tấm giấy. Tên quan huyện tay chân rụng rờI, mãi mới rút mũi dao, gỡ tấm giấy ra coi “Súc sinh, hôm nay ta tha chết cho mi, khi khác sẽ trở lại lấy đầu mi” ! Tên quan huyện chưa kịp nhìn lên, hiệp sĩ đã buông một chuỗi cười ngạo mạn, tung mình biến mất trong đêm tối. Những đoạn này thật sảng khoái. Nó làm tôi nghĩ lại giấc mơ đào một đường hầm. Nó ảnh hưởng ghê gớm đến đoạn đời viết báo của tôi sau này. Đọc xong Quỳnh Giao nữ hiệp, chú Phương nhớn dúi vào tay tôi cuốn Không không nhi , tiếp theo Quỳnh Giao nữ hiệp. Rất tiếc chú đã không sống với chúng tôi lâu hơn để tôi được đọc nhiều tiểu thuyết kiếm hiệp.

Nghề buôn bông của bố tôi thất bại. Nghề bật bông se cúi cũng thất bại. Thất bại luôn nghề kéo sợi. Cái “cơ sở” tiểu công nghệ của bố tôi giải tán. Nhân công gồm toàn đàn bà, con gái người làng Tường An, quê nội nhà tôi, lần lượt vác cán bông, guồng sợi, xa chỉ về làng. Chú Phương nhớn vác hòm hớt tóc đi mưu sinh. Và bố tôi buồn rầu ngồi ôm cây lục huyền cầm, dài cổ ngâm nga những câu vọng cổ trác tuyệt mà tưởng tiếc miền có sầu riêng, măng cụt. Hôm chú Phương nhớn ra đi, chú đòi lại hai cuốn truyện kiếm hiệp rồi cho tôi cuốn sách mỏng. Chú dặn dò:

- Cháu đọc kỹ, bắt chước thằng Còm mà chịu đòn sẽ hết bị bắt nạt.

Tôi nhớ lời chú dặn, gối đầu giường cuốn Thằng Còm phục thù của Lê Văn Trương. Thằng này giống tôi in hệt. Nó còm nhom và bị bắt nạt khổ sở. Ông bõ già dạy nó cách chiến thắng. Nó hết hèn nhát. Đánh lại bất cứ đứa nào bắt nạt nó. Thua cũng đánh. Hôm nay thua mai hẹn đánh nữa, đánh sưng vù mặt mày vẫn đánh tiếp. Đánh đến khi địch thủ sợ hãi sự gan lì, can đảm của Thằng Còm , dơ tay hàng và không dám bắt nạt nó. Thằng Còm chiến thắng bạn bè. Thằng Còm, sau này phục thù cho bố nó. Tôi phục chú Phương nhớn. Tôi tin chú tôi muốn giúp tôi hết bị đứa nào bắt nạt hôm nay và mai sau. Tôi đã bắt chước Thằng Còm. Và tôi bị đánh thâm tím mắt. Bố tôi không phải là ông bõ già trong truyện. Ông hỏi tôi tại sao đi đánh nhau. Tôi thưa chú Phương nhớn dạy tôi cách chiến thắng. Bố tôi dậm chân, rít qua kẽ răng:

- Phương nhớn, cái thằng chó chết!

Bố tôi không hỏi tôi những đứa nào đã đánh tôi. Ông đích thân lấy muối đắp vào miếng bông thấm nước nóng, ấp vô mắt tôi. Ông nhẹ nhàng nói:

- Con phải chăm học. Giỏi chữ, nhớ chưa? Chữ giỏi sẽ chiến thắng tất cả.

Chăm học, tôi rất muốn. Nhưng bố tôi nào hiểu muốn được chăm học, muốn được giỏi chữ, tôi phải bắt được những đứa chuyên bắt nạt tôi giơ tay hàng; phải được chơi ngang nhau với trẻ con phố huyện, đứa nào đấm tôi đau, tôi đấm lại nó đau, đứa nào vồ tiền của tôi, tôi đè nó ra, lấy lại đủ. Bố tôi nào hiểu tôi học dốt chỉ vì tôi sợ trường lớp, bạn bè.

- Chúng đánh con trước.

- Thì con chạy.

- Chúng nó chế giễu con.

- Thì con nhịn.

- Con chạy, con nhịn chúng nó không tha.

- Chạy mãi, nhịn mãi chúng nó phải tha.

- Thế hèn nhát, thế không can đảm.

- Con ạ, nhịn nhục được, kiên nhẫn được mới là người can đảm.

Bố tôi hỏi tiếp:

- Hằng ngày con đều thấy những tên cướp giỏi võ bị trói giật cánh khỉ bị dẫn vào nhà lao huyện chứ?

Tôi trả lời:

- Vâng.

- Tại sao con biết không?

- Tại họ ăn cướp.

- Con sai rồi. Tại họ không có chữ mà chỉ có võ.

Tôi nhớ chú Phương nhớn đã nói về người hiệp sĩ trừ gian diệt bao, bèn thưa:

- Tại họ chưa giỏi võ lắm.

Bố tôi quát:

- Tại chúng nó ít học, cậy sức khỏe vũ phu nẩy ý đầu trộm đuôi cướp bắt nạt người yếu. Không một tên tướng cướp nào có học cả. Có học đã không làm tướng cướp.

Tôi không dám làm theo lời chú Phương dặn nữa. Và tôi lại đi học, lại tiếp tục khúm núm sợ hãi. Như vậy, sự học của tôi chả đi tới đâu. Tôi đội sổ đều đều. Tôi lủi thủi một mình với cái súng cao su gạc ổi, săn đuổi những con chim sẻ hèn mọn. Đó là niềm vui duy nhứt của thời thơ ấu của tôi. Ít ra, tôi cũng bắt nạt được lũ chim. Niềm vui ấy đã phải trả một giá quá đắt. Một hôm, viên đạn đất sét “suýt chết chú chim sẻ” – luôn luôn suýt chết và suýt được – của tôi lạc vào trán thằng nhóc chăn bò sữa cho quan huyện. Nó là con lão bếp. Thằng nhóc lăn ra ăn vạ. Tôi chạy về mặt tái mét, lên giường đắp chăn trốn nấp. Bố nó bắt đền bố tôi năm chục đồng. “Nếu không, sẽ trình quan”. Lão bếp dọa bố tôi. Bố tôi muốn yên thân, phải đền. Cái súng cao su của tôi bị chặt nát. Bố tôi không đánh mắng tôi. Ông lại bình thản ngồi đánh đàn, hát vọng cổ, mường tượng sân khấu Nam kỳ, nơi ông đã ước mơ đóng vai thiên tử và ban lệnh chặt đầu phường giá áo túi cơm, chặt đầu quân gian ác.

Người lãng tử mơ làm thiên tử, bây giờ, mở hiệu bán bánh kẹo. Bán buôn, bán lẻ. Ông chú Phương hen của tôi được gọi từ quê tới. Mỗi sáng sớm mang cái ngăn kẹo bánh đầy đem bán ở ngôi chợ bên kia đường số 10. Ông này hay ăn gian, ăn bớt nên tối nào cũng xảy ra cuộc tính tiền và cãi mắng. Chú Phương hen cả đời mong mỏi một điều. Được diện chiếc áo the thâm, chiếc quần chúc bâu và ăn vã một cân giò lụa. Chắc chú tôi ăn bớt tiền của bố tôi cho sự mong mỏi đó. Chưa bao giờ tôi thấy chú tôi mặc quần dài trắng. Ngày tôi bỏ nhà vào Sài Gòn, tôi còn nhìn rõ chú tôi kéo xe bò dưới nắng hạ. Hai người vợ của chú (chú hen mà lấy những hai vợ) đẩy xe, mồ hôi tầm tã. Chú là một người vô sản chính tông, một bần cố nông cùng mạt. Xã hội chủ nghĩa hẳn đã không đáp ứng sự mong mỏi của chú tôi. Chẳng biết, ở miền Bắc, chú tôi còn sống để tiếp tục thay bò kéo xe? Tháng Ba năm Ất Dậu, chú thoát chết đói nhờ sống với gia đình tôi. Mẹ chú thì chết đói. Bà nội tôi chôn giùm mẹ chú bằng manh chiếu. Ba năm, sau “cách mạng tháng tám thành công”, hai người con trai về làng cải táng mẹ, vẫn không đủ tiền mua cái tiểu sành, phải bỏ xương mẹ vào cái cong đựng nước. Có đảo chính, có cách mạng nhiều người quê nhà tôi cứ nghèo khổ và cứ cải táng bố mẹ mình, anh em mình và cứ bỏ xương cả vào những cái nồi chân*. Nghề bán kẹo bánh có vẻ phát đạt. Nên đầu năm Giáp Thân, bố tôi hoan hỉ phóng ngọn bút lông viết bài khai bút mà tôi chỉ còn nhớ năm câu cuối:

Mai Viên chữ hiệu rõ ràng.
Vườn mai đua nở vẻ vang đời đời.
Viết mau đem dán lên chơi.
Dán cho thiên hạ kẻ cười người khen.
Trần ai ai biết ai hèn.

Niềm hoan hỉ của bố tôi không kéo dài. Mùa xuân mẹ con tôi đi chơi hội chợ Đồng Bằng, bố tôi nằm nhà hát vọng cổ. Chúng tôi trú chân tại nhà bác Bằng, bạn của bố tôi.

Chúng tôi đã xem đua thuyền, xem bơi trải … Buổi trưa một mình tôi leo lên gác, ra sân thượng chơi. Tôi không biết phía dưới sân thượng có người ta ở. Mót đái quá, tôi đã đái bừa. Chốc lát, tôi nghe thấy tiếng ồn ào dưới nhà. Tôi trở vào, đứng trên đầu cầu thang nhìn xuống. Một người đàn ông tay chỉ lên gác, miệng chửi thô lỗ. Ông ta nhất định đòi lên gác “đập vỡ mặt đứa nào đái xuống vại nước của nhà ông” . Tôi bắt đầu run sợ. Bác Bằng níu chặt ông ta, ghìm chân ông ta. Mẹ tôi chạy vội lên, đứng trước mặt tôi. Mẹ tôi bằng lòng đền tiền cả nước lẫn cái vại sành. Ông hàng xóm nhà bác Bằng không chịu. Ông ta chỉ muốn đánh tôi. Mọi việc rồi cũng xong. Buổi chiều mẹ đưa anh em tôi về, thay vì ngủ lại một đêm. Tôi ngồi trên xe tay, suy nghĩ lời dạy của chú Phương nhớn và của bố tôi. Và trong lòng tôi nhóm dậy một tia lửa oán hờn. Tôi ghét cay ghét đắng những kẻ cậy khỏe. Họ thiếu độ lượng với tôi, một thằng bé gầy còm, yếu đuối. Nhịn nhục những kẻ hung bạo có phải là một hành động can đảm? Tôi muốn hỏi bố câu đó. Nhưng tôi biết bố tôi sẽ trả lời tôi bằng câu thành ngữ “Tránh voi chẳng hổ mặt nào” ! Tôi nhớ chú Phương nhớn, nhớ công việc của một hiệp sĩ là trừ gian diệt bạo. Tại sao cuộc đời có tướng cướp? Chắc gì tất cả các tướng cướp đều vô học? Thắc mắc này lởn vởn ở đầu óc tôi trên đường về huyện lỵ. Về tới nơi, nó tiêu tan vì cậu Dzực bảo bố tôi vào huyện hầu quan từ trưa, có lẽ, từ lúc tôi vô tình đái xuống vại nước của người đàn ông vũ phu. Mẹ tôi khóc. Cậu Dzực an ủi mẹ tôi đủ điều. Chập tối bố tôi về, dáng dấp thiểu não. Ông gom hết tiền mặt, chút ít nữ trang của mẹ tôi, đem vô huyện nộp quan lớn Phạm Gia Đĩnh. Bố tôi thản nhiên không than vãn, không cằn nhằn. Ông nhẹ nhàng gỡ bài Khai bút, gấp nhỏ, cất đi. Và, dù lúc đó mẹ tôi chưa nguôi tiếng khóc tiếc của, bố tôi vẫn bắc ghế giữa sân, tay đàn miệng ca vọng cổ thương nhớ viễn phương. Còn tôi, tôi mơ làm hiệp sĩ trổ mái ngói, phóng mũi dao nhọn xuống bàn quan huyện Phạm Gia Đĩnh với bức thư báo tử.

Một thằng bé không được tham dự những cuộc chơi với những thằng bé bằng tuổi nó thì nó buồn lắm, nó mơ mộng và thơ thẩn như một thi sĩ. Tôi đã mộng mơ làm hiệp sĩ và thơ thẩn trên những bờ ruộng cánh đồng sau phố huyện. Những buổi sáng mặt trời dậy muộn, nhìn về phía Kiến An, tôi thấy dãy núi nằm dài giống con voi phủ phục. Đó là núi Voi. Trong sương mờ, hàng chục chiếc xe tay nối đuôi nhau chạy qua Ninh Giang, tôi tưởng những bước chân phu xe và bánh xe chạy, quay lơ lửng giữa bầu trời đục. Cảnh đẹp của riêng tôi chẳng chịu cùng tôi quyến luyến mãi. Một vụ cướp hàng, giết người, phá xe đã xảy ra gần bến đò Ninh Giang, thuộc huyện Phụ Dực, mở đầu cho những vụ đánh cướp và cho những hình phạt tàn bạo từ tháng giêng năm sau, năm Ất Dậu. Ăn Tết xong, bỗng nhiên, thóc cao gạo kém lạ thường. Trộm cướp nổi lên như rươi. Mỗi sáng, tuần đinh dẫn lên huyện hằng chục tên trộm cướp. Thoạt tiên, quan huyện Phạm Gia Đĩnh bắt hai người tuần đinh dùng cây tre đực dài, đánh đập tội nhân. Tội nhân in hệt miếng sắt nung đỏ đặt trên cái đe. Và hai người đánh là hai ông thợ rèn. Tội nhân kêu thét hãi hùng. Tội nhân say đòn đái ỉa cả ra quần mà không hề biết. Nhiều đứa trẻ trèo lên những cây gáo bên đường, xem quan huyện chứng kiến tuần đinh đánh tội nhân. Tôi thì tôi sợ hãi. Tiếng kêu xin tha, tiếng kêu đau khổ bay qua bức tường gạch dầy khiến tôi nhớ lại cảnh xử trảm ở pháp trường trong truyện kiếm hiệp. Tôi vụt mơ vai người hiệp sĩ đơn thương độc mã lao vào pháp trường vung gươm chém hết đao phủ và giải thoát tội nhân.

Kẻ phạm pháp càng ngày càng đông. Tuần đinh, lính lệ đánh đập từ sáng sớm tới tối mịt vẫn không xuể. Và nhà giam chật chỗ. Cả ngày, phố huyện bị nghe những tiếng thét rợn người. Một ông lục sự xin quan huyện xét lại hình phạt, bị quan huyện đè ra, sai lính lệ nhét phân của tù nhân đầy miệng, bắt ông lục sự nuốt chững. Quan huyện bày thêm hình phạt mới. Là cắt gân tội nhân. Ông xếp nhà thương bỏ công việc phát thuốc, tiêm thuốc cho bệnh nhân, hằng ngày tới cổng huyện theo lệnh quan. Tội nhân bị trói tay vào cây gáo, sát cổng huyện. Hai tên lính lệ giữ chặt để tội nhân hết giãy dụa. Ông xếp nhà thương lấy con dao thật sắc, cắt gân ở trên gót tội nhân và hứng máu chảy vào cái “xô”. Tội nhân rú lên như con lợn bị chọc huyết. Tên lính lệ khác đạp đá tội nhân, đe dọa còn rú sẽ bị cắt nốt gân bên chân trái. Nhưng tội nhân vẫn rú thét kinh hoàng.

Dân phố huyện chỉ dám xem cắt gân một lần. Họ bỏ về hết. Trẻ con bịt tai, nhắm mắt cút dần. Thân nhân của tội nhân không dám bén mảng. Họ chờ chồng, cha, anh của họ xa hàng cây số. Cắt gân một tội nhân xong, ông xếp nhà thương dùng bông thấm “canh ky dốt” đắp lên chỗ bị cắt và băng lại. Tội nhân rú lần cuối và thiếp đi. Người ta cởi trói tội nhân để trói tội nhân khác. Tội nhân đã chịu hình phạt bị lôi ra một chỗ. Ở đó, khi ông ta tỉnh, ông ta lăn lộn, rên xiết, quằn quại. Cắt gân tội nhân là tội nhân phải bỏ nghề trộm cướp và huyện khỏi mất công nuôi tù. Mỗi ngày, ít nhất ông xếp nhà thương cắt gân chừng hai mươi tội nhân. Đến tối mịt, quan huyện ra lệnh phóng thích tội nhân, mặc họ lết trên đường đá răm tìm về làng. Thân nhân họ chờ họ, chở họ bằng cáng hay cõng họ. Tôi đã nhìn những người bị cắt gân vừa bò lết vừa rên xiết trên đường. Phố huyện khi lên đèn, buồn thiu và cô quạnh. Nhà nhà đóng hết cửa liếp. Lúc đó, phố huyện cơ hồ bãi tha ma. Và những người chịu hình phạt của quan huyện Phạm Gia Đĩnh cơ hồ ma qủy kéo nhau đi dự một bữa tiệc đầu lâu.

Không còn gì rùng rợn và thảm não hơn cảnh tượng này. Cứ thế mà tiếp tục, quan huyện Phạm Gia Đĩnh đã bắt ông xếp nhà thương cắt gân hằng chục người mỗi ngày. Ông xếp nhà thương bị dọa “mất gân” nếu không chịu cứa lưỡi dao sâu hơn vào gót tội nhân. Quan huyện rất bằng lòng hình phạt cắt gân, hình phạt khiến kẻ chịu đựng kêu rú, quằn quại và tàn phế suốt đời. Và thân nhân của những kẻ chịu đựng hình phạt đã khóc cạn nước mắt. Tại sao người ta phải đi ăn trộm, ăn cướp? Theo bố tôi thì tại người ta dốt chữ. Bấy giờ, nếu tôi hỏi tại sao người ta dốt chữ, bố tôi sẽ trả lời tại người ta lười học. Trẻ con không có quyền đặt những câu hỏi hoặc chẳng bao giờ nó được thỏa mãn những câu hỏi của nó. Tôi không mấy tin những người bị cắt gân trước cửa nhà tôi là những người lười biếng. Nhưng tại sao họ trở thành tướng cướp , tôi chưa đủ trí khôn tìm hiểu. Chỉ biết tôi không thích ai bị cắt gân, tôi thương hại những người bị cắt gân, tôi ghét quan huyện. Và tôi mơ làm hiệp sĩ, nửa đêm rở ngói dinh quan huyện, ném xuống một lưỡi dao nhọn đính kèm bức thư đòi mạng.

*Nồi chân là thứ nồi đất lớn, thường dùng đựng nước tiểu. Ở nhà quê miền Bắc, mỗi nhà có một cái nồi chân đặt dưới gốc cây chuối vườn sau để đi tiểu vô đó và lấy nước tiểu tưới rau.