6/3/10

Trông gà hoá cuốc

Phạm Trần

Đọc những lời phát biểu về báo chí của một số người lãnh đạo trong nước từ hai tháng đầu năm 2010, những ai còn nặng lòng với đất nước cũng phải thương hại cho những người lỡ nghiệp làm báo mà không được phép viết hay nói những điều đã nghe mắt đã thấy.

Bằng chứng có nhiều vô kể, nhưng hãy lấy chuyện gần nhất là việc hai ông Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh báo động việc 10 quan đầu tỉnh biên giới và vùng thượng nguồn bất chấp luật pháp và quyền lợi tối thượng của tổ quốc đã ngang nhiên cho các công ty của Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc thuê đất dài hạn 50 năm trên diện tích 305,3534 nghìn mẫu đất, trong đó có 264 nghìn mẫu thuộc diện quốc phòng.

Hai ông công khai bài viết chung trên báo điện tử Bauxite Việt Nam từ ngày 22-01-2010, sau khi không thấy Bộ Chính trị trả lời những đề nghị của họ gửi cho Trung ương Đảng từ đầu tháng 01/2010, yêu cầu bồi thường cho các công ty nước ngoài để giữ đất và ra lệnh đình chỉ ngay việc làm nguy hiểm này.

Việc trọng đại như thế mà tất cả trên dưới 6000 cơ quan Báo chí, đài phát thanh, truyền hình trong nước đã lặng thinh, không dám hé răng mở miệng, cho đến khi báo Tuần Việt Nam của Bộ Thông Tin-Truyền Thông, ngày 27-02-2010, có bài phỏng vấn tướng Đồng Sĩ Nguyên nói về việc này.

Sau đó đến lượt báo điện tử ViệtNamNet, cũng của Bộ Thông tin và Truyền Thông và báo Pháp Luật, xuất bản ở Sài Gòn tham gia đưa tin, viết bài điều tra và phỏng vấn một số Đại biểu Quốc Hội và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh về thư tố cáo của ông và tướng Đồng Sĩ Nguyên.

Tuy nhiên các báo “dòng chính” của đảng như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, Đài Tiếng Nói Việt Nam, Thống Tấn Xã Việt Nam và các Đài Truyền hình quốc gia cũng như các báo điện tử của Đảng và Nhà nước đều không dám đưa tin.

Vậy mà vào ngày trong cuộc họp báo đấu năm ngày 7-1-2010, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng đã khen: “Báo chí đã trưởng thành về mọi mặt, cả về chính trị, nghiệp vụ, nhanh nhạy và vững vàng hơn, đưa thông tin kịp thời, chính xác, nội dung và hình thức ngày càng phong phú hơn, có tác động tích cực tới xã hội”.

Lời nói này không khác gì đem gáo nước lạnh tạt vào mặt Ban Biên tập của các báo Hà Nội Mới, An Ninh Thủ Đô và Thông Tấn Xã Việt Nam trong thời gian họ viết bài, đưa tin về vụ Thánh Giá trên Núi Thờ của Xứ đạo Đồng Chiêm bị lực lượng Công an, Cảnh sát và Dân phòng phá sập vào sáng sớm ngày 6/1/2010. Trong vụ này, Công an, Cảnh sát đã đánh một số Giáo dân bị thương nặng khi họ ngăn cản việc phá Thánh giá. Vậy mà các báo Hà Nội Mới, An Ninh Thủ Đô và cả Thông Tấn Xã Việt Nam đã được chính quyền mớm lời chối biến không có xô xát, không có đánh đập, và rằng những người nói là bị thương là do chính các giáo dân quá khích đã lấy màu đỏ bôi bác lên để chụp hình gửi ra nước ngoài cho các “báo, đài phản động” tuyên truyền chống Nhà nước !

Đến ngày gọi là “Gặp gỡ đầu Xuân sáng 23/2/2010” với báo chí, ông Dũng lại yêu cầu: “Báo chí phải lắng nghe, chắt lọc ý kiến người dân đóng góp cho Đảng. Đồng thời, cần thông tin sắc bén, nhanh nhạy hơn nữa về bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền dân tộc”.

ViệtNamNet trích lời ông Dũng: "Báo chí là diễn đàn của nhân dân. Rất mong báo chí hãy chắt lọc, lắng nghe và phản ánh những ý kiến sáng láng, xác đáng, những ý kiến phù hợp của nhân dân đóng góp cho Đảng. Đừng bỏ sót bất kỳ ý kiến hay, bất kỳ ý kiến xây dựng nào của người dân…"

"…Rất mong báo chí đấu tranh một cách có hiệu quả, phản bác các luận điệu chống phá của các thế lực với đất nước, với Đảng hoặc những thông tin sai trái về chủ quyền lãnh thổ".

Đảng nghe Dân hay nghe Tàu?

Thứ nhất, khi yêu cầu báo chí hãy “lắng nghe và phản ánh những ý kiến sáng láng, xác đáng… Đừng bỏ sót bất kỳ ý kiến hay, bất kỳ ý kiến xây dựng nào của người dân…” thì ông Dũng có nhớ đã có bao nhiêu ngàn nhà trí thức trong và ngoài nước, kể cả Tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi “kiến nghị” và thư yêu cầu ngưng dự án khai thác bauxite trên Tây Nguyên mà ông Dũng và Bộ Chính trị vẫn “mũ ni che tai” để cho Tàu Bắc Kinh vào khai thác?

Các báo của đảng cũng theo lệnh không loan tin về phong trào chống khai thác bauxite, sau khi Bộ Chính trị, vào tháng 4/2009, quyết định cứ khai thác theo như thỏa hiệp đã ký với công ty Chalieco của Tàu Bắc Kinh. Nhưng khi Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam làm lễ khởi công xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ tại huyện Đắk RLấp, tỉnh Đắk Nông ngày 28/2/2010 thì báo đảng lại đua nhau loan tin, đăng hình Nguyễn Tấn Dũng hồ hởi khai trương!

Thứ nhì, cũng trong dịp đi thăm chúc Tết và họp giao ban báo chí đầu năm, Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các báo “làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền với những bài viết, bài bình luận sắc sảo hơn và tính chiến đấu cao hơn; tích cực tham gia đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá Nhà nước, đấu tranh chống tham nhũng… những thông tin sai trái về chủ quyền lãnh thổ”.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng phải nhớ chuyện các ông bỏ tù một số nhà báo của hai tờ Thanh Niên và Tuổi Trẻ vì đã hăng hái tham gia phong trao chống tham nhũng cách nay vài năm. Ông Dũng còn ra lệnh cho Công an, Cảnh sát đàn áp thanh niên và đồng bào tự phát xuống đường ở Sài Gòn và Hà Nội tháng 12/2007 chống Tàu có âm mưu thi hành chính sách bá quyền, chiếm đất và lãnh hải của Việt Nam.

Vậy ai là thủ phạm đã đưa ra các thông tin được gọi là “sai trái về chủ quyền lãnh thổ”? Ngoài ra chính quyền CSVN cũng đã bất lực trước các cuộc tấn công hung bạo của hải quân Tàu nhắm vào các ngư dân Việt Nam đánh cá quanh Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều nhất trong năm 2009.

Thậm chí khi đảng Cộng sản Việt Nam tìm mọi cách đàn áp những người yêu nước lên tiếng chỉ trích âm mưu xâm lược của Tàu bằng kinh tế, ngoại giao và quân sự thì Trung Hoa lại dung túng một số tờ báo ở Hồng Kông và báo điện tử ở lục địa lên tiếng khuyến cáo nhà cầm quyền Bắc Kinh phải sẵn đánh Việt Nam càng sớm càng tốt !

Mạng Hoàn Cầu của Tàu, theo một bài viết của chuyên gia về Trung Hoa, ông Dương Danh Dy, dành cho BBC ngày 3/3/2010 thì ngày 7/2/2010 đã có bài lên án Việt Nam muốn “quốc tế hóa Biển Đông”.

Mạng Hoàn Cầu viết: “Biện pháp tốt nhất để hóa giải nguy cơ tại Biển Đông là nhằm thẳng vào kẻ cầm đầu, thực thi chiến thuật “muốn bắt giặc phải bắt vua trước” kiên quyết đánh Việt Nam, bắt vua giặc Việt Nam trước, trấn áp các cường đạo nhỏ khác, rồi giải quyết triệt để nguy cơ Biển Đông”.

Theo Ông Dương Danh Dy thì: “Mạng này phân tích rằng hiện nay, muốn đối phó với Việt Nam muốn từ mặt quân sự đánh bại Việt Nam đòi lại chủ quyền ở Biển Đông "không phải là chưa có đầy đủ điều kiện, không phải là không có hàng không mẫu hạm thì không đánh được, cũng không phải đánh Việt Nam là khống chế không nổi chiến tranh càng không phải là sĩ quan, binh lính chúng ta không thể đánh nhau, mà điều then chốt là phải quả đoán đưa ra lựa chọn”.

"Trong điều kiện hiện nay phải dùng quyết tâm như năm xưa chống Mỹ viện Triều để đối phó với Việt Nam, chỉ cần có lòng anh hùng khí khái giống như chống Mỹ viện Triều, nhất định Trung Quốc sẽ đánh thắng cuộc xung đột cục bộ này".

Báo Tàu viết như chửi vào mặt cả nước Việt Nam, thế mà cái làng báo của Đảng CSVN vẫn cúi đầu lắng nghe được thì thử hỏi chuyện một số quan đầu tỉnh cho Tàu thuê đất, phá rừng để trồng cây công nghệ có nhằm nhò gì mà phải làm ồn lên thế!

Phản dân chủ

Vì vậy, theo Đài Tiếng Nói Việt Nam ngày Thứ Sáu, 26/02/2010, khi trả lời cuộc phỏng vấn của Thông tấn Express của Ấn Độ, Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội đã nói một câu phản ảnh tính “phản dân chủ” của đảng CSVN: “Chúng tôi nói là ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng”.

Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật nguyên văn như thế này: “Về câu hỏi liên quan đến chế độ chính trị ở Việt Nam, hãng thông tấn này đặt câu hỏi: "Chủ tịch có nghĩ rằng, đã đến lúc chín muồi để Việt Nam có hệ thống đa đảng hoặc có các đảng khác ngoài Đảng cộng sản Việt Nam để có thể tính tới các quan điểm của nhiều nhóm sắc tộc khác nhau, nhiều dân tộc khác nhau. Ví dụ như Việt Nam có Uỷ ban Dân tộc để giải quyết vấn đề này?”

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trả lời:

"Chúng tôi quan niệm là kinh tế và hệ thống chính trị bao giờ cũng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chúng tôi chủ trương phát triển kinh tế đồng thời cũng đổi mới từng bước hệ thống chính trị một cách vững chắc cho phù hợp. Và đã rút ra kinh nghiệm là đổi mới kinh tế phải đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị.

Thực tiễn các bạn thấy là đất nước chúng tôi về chính trị xã hội ổn định, nhân dân được làm chủ. Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ. Các đoàn thể cũng có tiếng nói và đang làm nhiệm vụ phản biện và giám sát xã hội, đất nước vẫn đang phát triển, đang đi lên. Từ thực tế thì thấy là chúng tôi thực hiện một đảng vẫn là hiệu quả nhất.

Hiện nay, tôi được biết là trên thế giới, dư luận cũng rất quan tâm là tại sao Việt Nam chỉ có một Đảng lãnh đạo, một đảng lãnh đạo thì có dân chủ không, tại sao lại không thực hiện chế độ đa đảng. Vấn đề này thì ý kiến tranh luận khác nhau. Nhưng riêng tôi thì tôi nghĩ không phải là nhiều đảng thì nhiều dân chủ hơn, hai đảng có ít dân chủ hơn, mà một đảng thì lại có ít dân chủ nữa.

Mỗi nước có hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Điều quan trọng là xã hội có phát triển không, nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không. Đó là tiêu chí quan trọng nhất.

Tôi không phản đối và cũng không định kiến với các nước có chế độ đa đảng. Thậm chí có nước có vua, có nước có Thủ tướng, có nước không có Thủ tướng, có nước có Tổng thống lại có cả Thủ tướng. Mỗi nước có một mô hình tổ chức khác nhau và tôi rất tôn trọng.Tôi nghĩ cũng không nhất thiết là kinh tế thị trường thì phải đa đảng. Chúng tôi nói là ở Việt Nam chưa thấy sự cần thiết khách quan cần phải có chế độ đa đảng. Ít nhất là cho đến bây giờ".

Nghe ông Trọng nói hào sảng như thế thì tôi muốn hỏi: Nếu thực tế “nhân dân được làm chủ” thì tại sao cái Quốc hội lại chỉ do các đảng viên của đảng CSVN chiếm hết?

Và nếu “Các đoàn thể cũng có tiếng nói và đang làm nhiệm vụ phản biện và giám sát xã hội” thì tại sao cái tổ chức Mặt trận Tổ quốc chỉ được phép đóng bai bù nhìn cho chế độ chứ có ai được “phản biện” hay “giám sát” ai đâu?

Rõ ràng là Nguyễn Phú trọng đã trông Gà hóa Cuốc nên mới ăn nói loạng quạng như vậy.

Phạm Trần
04/03/2010

Nền tư pháp biến nạn nhân thành tội phạm

Dư luận trong nước đang xôn xao bàn tán về một vụ án chưa từng thấy: một hiệu trưởng trường trung học lợi dụng quyền lực của mình ép buộc các nữ sinh vị thành niên dưới quyền nhiều lần phục vụ sinh lý, bằng cách dọa các em "đánh tụt điểm" về các môn học và «cho điểm xấu về đạo đức.»

Bà con ta gọi là vụ án "ép dâm ở Hà Giang", vụ án "con heo Sầm Đức Xương", theo tên của viên hiệu trưởng dâm ô này.

Vụ án bị tiết lộ từ đầu năm 2009, gây nên dư luận rộng lớn, toà án nhân dân tỉnh Hà Giang mở phiên toà sơ thẩm ngày 6/11/2009, xử rất qua loa, vội vã, không có luật sư bào chữa, tuyên án Sầm Đức Xương 53 tuổi, 10 năm tù giam về tội "mua dâm" và nữ sinh Nguyễn Thuý Hằng 19 tuổi 6 năm tù giam, nữ sinh Nguyễn Thị Thanh Thuý 18 tuổi 5 năm tù giam về tội "môi giới mãi dâm".

Gia đình 2 em Hằng và Thuý cực kỳ ngạc nhiên và phẫn nộ, các thày cô giáo và bạn học của 2 em hết sức bực bội yêu cầu phải xem xét lại vụ án này; Sầm Đức Xương cũng kêu oan, viện lẽ bị liệt dương nặng từ 4 năm nay.

Từ trong nhà tù, 2 em Hằng và Thúy liên tiếp viết đơn kêu cứu, những lá đơn đầy nước mắt, gửi gia đình, bạn bè, các cấp chính quyền, các báo... tha thiết đòi có luật sư bênh vực các em, bênh vực sự thật, trong đó 2 em tố cáo cơ quan điều tra của công an tỉnh Hà Giang đã bắt các em”ký khống”dưới những trang giấy trắng để họ viết sau nội dung ở bên trên, coi đó là lời khai của bị cáo.

Thế là toà án Hà Giang buộc phải để cho luật sư gặp các bị cáo, chuẩn bị cho phiên xử phúc thẩm vì các bị cáo đều kháng án.

Luật sư Trần Đình Triển thuộc đoàn luật sư Hà Nội được cử lên Hà Giang cãi cho hai em Hằng và Thuý. Ngày 1/2/2010 Toà án tỉnh Hà Giang mở phiên toà phúc thẩm, những tưởng sẽ lại chóng vánh y án sơ thẩm, như mong muốn và tính toán của chính quyền và tỉnh uỷ Hà Giang.

Nhưng thời thế đã thay đổi. Đã đến lúc mong muốn của các quan chức trong đảng, chính quyền và công cụ công an, toà án của họ không còn khống chế được dư luận và lòng dân. Và "khủng hoảng" đã nổ ra giữa phiên tòa.

Theo tin từ trong nước luật sư Trần Đình Triển với công tâm và bản lĩnh của mình đã đóng góp phần quyết định vào cuộc”phá án”ngoạn mục này. Luật sư Triển nêu rõ trước toà: vụ án xảy ra khi 2 em Hằng, Thúy còn vị thành niên (dưới 18 tuổi), nên việc tuyên án không tính đến điều đó là phi pháp.

Quan trọng hơn, việc cơ quan điều tra của công an tỉnh bắt 2 em ký khống những trang giấy trắng cần làm rõ, nếu vậy thì cuộc điều tra đã phạm pháp từ khi mở đầu. Hai em còn tố cáo cơ quan điều tra bắt 2 em ký tuyên bố «tự nguyện từ chối luật sư». Ông đòi phải mở lại cuộc điều tra từ đầu.

Quan trọng hơn nữa, trong nhà tù 2 em Hằng và Thúy đã ghi lại tên, địa chỉ, chức vụ, cả số điện thoại của một số quan chức cao nhất tỉnh, từ chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô đến ông Bích trưởng ban tổ chức Công an tỉnh, ông Tiến, ông Minh, 2 cán bộ công an tỉnh, ông Tấn, em ruột giám đốc công an tỉnh, ông Đinh Xuân Hùng giám đốc Ngân hàng tỉnh, ông Hướng giám đốc hải quan cửa khẩu Thanh Thủy...đều là những kẻ đã ép các em làm tình với họ nhiều lần qua môi giới của Sầm Đức Xương.

Các em nói rõ là một số bạn cùng lớp đã bị ép buộc như 2 em, và các em cực nhục chịu đựng chỉ vì sợ bị đánh tụt điểm, sợ bị đuổi học, sợ bị gia đình mắng, sợ cha mẹ buồn lòng, các em không hề vì tiền. "Thầy Xương dặn họ cho tiền thì nhận, không cho thì thôi, luôn phải vui cười với họ”.

Toà án buộc phải ngừng xử phúc thẩm, huỷ án sơ thẩm, để xem xét lại từ đầu.

Nhưng vẫn với ông quan đầu tỉnh Nguyễn Trường Tô bỉ ổi đến vậy, vẫn với bí thư tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất chỉ đạo trực tiếp vụ xử sơ thẩm đầy bê bối, vẫn những bộ xậu công an và toà án mục nát đến tận cùng như thế, cuộc điều tra và xét xử lại sẽ được tiến hành ra sao ?

Khi tất cả các báo trong nước đều im re, chỉ đưa tin xét lại từ đầu vụ án, nhưng không có một lời bình luận, thì vụ án vẫn có nguy cơ bị "khoanh lại" và bị ỉm.

Ở một nước dân chủ có tự do báo chí đầy đủ, lập tức các Ban biên tập sẽ cử lên tại chỗ những cây bút lão luyện nhất chuyên về điều tra, về phá án, những mũi nhọn về viết phóng sự, tin nhanh, phỏng vấn, phóng thẳng đến gia đình, nhà trường, gặp thầy cô giáo, bạn thân của 2 em Hằng và Thuý, đóng góp bằng tài năng, tâm huyết, ngòi bút sắc sảo của mình vào sự nghiệp công bằng xã hội. Hứng khởi, thích thú biết bao nhiêu.

Theo tôi cảm nghĩ, đầu têu vụ án này chính là các quan chức CS đầu tỉnh cùng tay chân thân tín ngành công an, cậy quyền thế, thừa tiền, dửng mỡ, thèm thuồng hưởng lạc những gái tơ, xem chán phim con heo nhập từ Bắc Kinh, Đại Hàn, Hồng Kông, Chicago... nảy ra sáng kiến dùng hiệu trưởng Sầm làm tên ma cô đầu sỏ để dử 15 em học sinh ngây thơ trong trắng làm lũ nô lệ tình dục. [Sầm khai thường huy động nhóm 15 em học sinh từ 13 đến 17 tuổi vào dinh tỉnh uỷ để múa hát, mua vui cho các quan chức cao cấp cùng các nhà doanh nghiệp lớn Ngân hàng, Hải quan, Xuất nhập khẩu có máu mặt trong tỉnh].

Khi bị lộ, họ đưa tên trùm ma cô Sầm Đức Xương ra hy sinh, tuyên án tù 10 năm về tội "mua dâm", còn độc ác nhẫn tâm tuyên án 2 em nạn nhân của chính họ 6 năm và 5 năm tù giam, vu cho tội”môi giới mãi dâm.”

Những tên tội phạm tự tung tự tác, nắm trọn quyền hành chính, điều tra, công an, xử án, đổi trắng thay đen, biến nạn nhân thành tội phạm như trở bàn tay. Mà chính họ là tội phạm chủ mưu. Nhưng nào có phải riêng ở Hà Giang đâu!

Cũng như thế, 16 nhà dân chủ yêu nước thương dân, xót xa vì mất đất, mất đảo, vì ngư dân ta bị tàn sát thì vào tù, còn những kẻ ươn hèn quỳ gối trước kẻ bành trướng thì đóng vai quan toà!

Vụ án Hà Giang được xử công khai, minh bạch, công bằng, đúng luật, đúng người, đúng tội sẽ là một dấu hiệu lành mạnh của đất nước vào Xuân Canh Dần.

Trong và ngoài nước, bà con ta hãy truyền tin, bàn tán, bình luận, góp ý, động viên an ủi 2 em Hằng, Thúy và gia đình, động viên luật sư Trần Đình Triển, lập những nhóm "cô thầy giáo, học sinh, sinh viên, phụ nữ bảo vệ 2 em Hằng, Thúy", đòi trả tự do ngay cho 2 em khi chờ xét xử công minh từ đầu.

Trong thời đại thông tin nhanh nhậy, công luận có sức mạnh khôn lường.