10/3/10

Hoá Chất Trong Trong Thực Phẩm

Mai Thanh Truyết

Vấn đề trộn thêm các hormone tăng trưởng vào thức ăn gia súc như bò, heo, gà là một việc làm đương nhiên của những nhà chăn nuôi ở các quốc gia Tây phương trong vòng 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, qua những nghiên cứu khoa học gần đây, ảnh hưởng của các hormone tăng trưởng trên có thể gây phương hại lên sức khoẻ của con người, do đó, những nhà hoá học “xanh” thường cổ suý cho việc tiêu dùng thực phẩm “xanh” hay organic, trong đó hạn chế tối đa việc áp dụng phân bón, thuốc trừ sâu rầy, nấm móc, diệt cỏ dại, và hormone tăng trưởng trong việc chăn nuôi và trồng trọt.

Việc thực phẩm gia súc có pha trộn hoá chất hiện đang được tranh cãi qua công cuộc xuất nhập cảng thực phẩm giữa các quốc gia. Hoa Kỳ đang đối mặt với những vụ kiện tụng về sự hiện diện của hormone trong thịt bò xuất cảng qua Liên hiệp Âu Châu, Nhật Bản và Đại Hàn.

Tuy nhiên, việc cho thêm hormone hay hoá chất vào thức ăn là điều cấm kỵ do Liên Hiệp Quốc qua Cơ quan Y tế Thế giới (WHO). Nhưng điều nầy đã xảy ra ở Việt Nam và Trung Quốc.

Trung Cộng (TC) từ năm 2007, đã bị khám phá là có hoá chất độc hại melamine trong thức ăn chó, mèo xuất cảng qua Hoa Kỳ và làm chết một số súc vật được yêu chuộng của người Mỹ. Và tiếp theo đó, hàng loạt tai nạn bùng nổ ra trên khắp thế giới qua đủ mọi hình thức pha trộn melamine trong thực phẩm, sữa, bánh kẹo… từ TC, sang Hoa Kỳ, Canada, Đài Loan, Tân Tây Lan, Úc Châu, Âu Châu. Dĩ nhiên là Việt Nam không nằm trong ngoại lệ mà còn là một “trung tâm” trung chuyển hầu hết nguyên liệu cùng thành phẩm do các công ty TC hoạt động ở Việt Nam đi khắp nơi.

Còn Việt Nam, sự pha trộn hoá chất nầy thể hiện khắp nơi, trên hầu hết các mặt hàng sản xuất từ thực phẩm tiêu dùng tươi, cho đến thực phẩm khô, cũng như các thành phẩm chế biến trong ngành thực phẩm. Và, mức độ trầm trọng đã được khám phá qua sự kiện đã xảy ra ngày 2/2/2006 tại Phan Thiết. Thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã xử phạt hành chánh một cơ sở Mầm Non của tỉnh nầy vì nơi đây đã làm một sai phạm nghiêm trọng là trộn hormone thuộc nhóm corticoid vào thức ăn cho học sinh mẫu giaó và nhà trẻ.

Bài viết nầy tập trung vào hai hiểm hoạ melamine của TC và sự pha trộn hormone vào thức ăn cho trẻ em ở Việt Nam.

Hiễm hoạ melamine Trung Cộng

Có thể nói, TC đã pha trộn melamine vào thức ăn và xuất cảng đi khắp thế giới từ lâu trước khi bị khám phá vào năm 2007 tại Hoa Kỳ. Nhìn vào số lượng sản xuất hàng triệu tấn cùng số lượng nhà máy dùng cho dịch vụ nầy, từ đó chúng ta có thể hình dung được mức độ trầm trọng của vấn đề. Sự gia tăng số lượng trẻ em TC bị sạn thận ở tuổi nhỏ và số lượng bị nhập viện và tử vong khiến cho thế giới phải đặt vấn đề với quốc gia có não trạng con buôn dựa trên quan điểm “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” nầy.

Melamine là gì?

Đây là một hoá chất dùng trong kỹ nghệ trang trí nhà cửa, trộn trong một số sơn, dầu bóng, verni v.v…. Chính vì vậy, melamine không phải là một thực phẩm cơ thể có thể hấp thụ được.

Melamine có công thức hoá học là C3H6N6 và có tên hoá học là 2,4,6-Triamono-triazine (CH2N2)3, hay cũng còn có tên là cyanuramide. Đây là một chất rắn có tinh thể không màu hình tháp. Hoà tan ít trong nước. Hoá chất nầy được xếp vào loại có nguy cơ gây ra ung thư (carcinogen).

Sở dĩ melamine được pha trộn vào sữa là vì hoá chất nầy có 3 nguyên tố Nitrogen, một nhân tố có trong protein. Phẩm chất của sữa hay các thành phẩm có nguyên liệu từ sữa được đánh giá tốt khi sản phẩm có chứa một hàm lượng protein cao. Chính vì yếu tố nầy mà nhà sản xuất TC cho thêm melamine để khi được kiểm nghiệm, kết quả đo đạc của lượng protein sẽ làm tăng giá trị của thành phẩm, vì trong phân tích protein chỉ căn cứ vào nồng độ của Nitrogen, vì phương pháp phân tích không phân biệt được nitrogen trong melamine hay trong protein. Các hảng nỗi tiếng trên thế giới đều bị mắc lừa TC vì điểm nầy, khi nhập cảng sữa từ TC, trong đó có công ty Nestlé của Thuỵ Sĩ, và đa số các công ty sản xuất bánh kẹo, cà phê… trên khắp thế giới.

Melamine, vì không được cơ thể hấp thụ cho nên bị giữ lại trong thận gây nên bịnh sạn thận. Lý do là melamine cùng một chuyển hoá chất hiện diện trong khi sản xuất melamine là acid cyanuric. Hai hóa chất nầy liên kết với nhau qua cầu nối Hydrogen, do đó, không hoà tan trong nước tạo thành một hợp chất kịch độc hại nhất là đối với thận khi xâm nhập vào thực quản. Và thận bị sạn. Việc tách rời sạn thận qua mỗ xẻ rất phức tạp, do đó phẩu thuật trên có thể làm liệt thận và có thể đưa đến tử vong.

Cho đến nay, đa số trường hợp tử vong và bị sạn thận xảy ra cho các trẻ em vì các em dùng sữa là nguồn thực phẩm chính, và cơ thể của các em có quả thận còn nhỏ cho nên mức độ trầm trọng tăng cao hơn ở người lớn. (Xin tìm đọc bài Hoá chất và Dược phẩm của cùng một tác giả trên diễn đàn khoahoc.net).

Do tính chất quan trọng của vấn đề, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), vào ngày 28 tháng 11, 2008 đã xác định định mức an toàn của melamine trong cơ thể là dưới 1 mg/kg (1 phần triệu). Sở dĩ FDA lấy định mức an toàn trên, vì sau vấn nạn khám phá sự hiện diện của hoá chất nầy trong sữa trẻ em, FDA đã phân tích 74 mẫu sữa và đã tìm thấy nồng độ của melamine trong sữa Nestle’ Nutrition là 0.14 ppm, và 0.25 ppm cho nhãn hiệu sữa Mead Johnson. Và các nồng độ nầy thấp hơn 10.000 lần sữa trẻ em sản xuất ở TC gây ra thương vong cho hàng trăm nạn nhân.

Dù sao đi nữa, định mức trên đây cũng chỉ là những biện pháp an toàn tạm thời. Việc nhiễm độc melamine và định mức an toàn cần phải thêm nhiều thời gian theo dõi và thử nghiệm mới có thể có những quyết định chính xác hơn.

TC, sau sự kiện trên và để xoa dịu dư luận thế giới, đã kết án tử hình một giám đốc công ty sản xuất melamine và cho đóng cữa hàng trăm công ty khác. Nhưng sự việc chỉ đi vào quên lãng cho đến cuối năm 2009. Và những ngày cận Tết Canh Dần, Melamine đã tái xuất tràn lan ở Việt Nam qua các sản phẩm liên quan đến sữa, thậm chí đến cả cà phê pha chế sẳn cũng có sự hiện diện của melamine. (Cà phê pha sẳn còn được các nhà sản xuất thiếu lương tâm ở Việt Nam pha trộn quinine để tạo vị đắng, và cả bột xài giặt để tạo bọt!!!)

Hormone trong thực phẩm ở Việt Nam

Trở qua Việt Nam, như đã nói ở phần trên, sự kiện xảy ra ở Phan Thiết là một cảnh báo chung cho người tiêu thụ cần quan tâm đến cung cách “làm ăn” của những con buôn thiếu lương tâm hiện diện đầy rẫy trong hấu hết mọi lãnh vực ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau.

Vào năm 2006, sự việc xảy ra trên đây nhờ vào sự quan tâm của phụ huynh có con em gữi học tại trường Mầm Non Thanh Nguyên II từ hai tháng qua. Các cháu học ở đây đều có dấu hiệu tăng cân nhanh một cách bất thường. Do đó phụ huynh đã báo cáo lên Sở Y tế Phan Thiết. Sau đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh mới đến kiểm tra trường và lấy mẫu thức ăn trưa của các cháu để xét nghiệm. Kết quả cho thấy trong 5 mẫu thức ăn, có đến 4 mẫu chứa hàm lượng đáng kể hoá chất Dexamethasone. Đây là một dạng kích thích thuộc loại corticoid. Số lượng được tìm thấy là 0,12 mg/Kg trong canh, 0,19 trong thịt sốt cà, 0,15 trong tôm sốt me, và 0,27 trong canh hầm xương.

Dexamethasone là một loại hormone (diếu tố) kích thích có chứa nguyên tố Fluor. Chúng có thể được dùng trong dược phẩm vì có tính chống viêm. Tuy nhiên chất nầy rất hiếm được bác sĩ kê toa vì những tác dụng phụ rất đa dạng có thể làm xáo trộn nhiệm vụ của một số bộ phận trong cơ thể. Về phương diện hoá học, chỉ cần 1 mg/kg của hóa chất nầy cũng có thể gây tử vong cho chuột. Khi bị tiếp nhiễm dài hạn, con người có thể bị loét dạ dày, xuất huyết đường ruột, mục xương, tăng áp huyết v.v…

Tuy nhiên có một tác dụng khác của Dexamethasone là làm tăng cân nhanh giả tạo vì chúng có tính giữ nước trong các tế bào của cơ thể. Chính vì lý do nầy mà Ban quản lý của trường Mầm Non trộn lẫn Dexamethasone vào thức ăn với mục đích làm tăng uy tín của trường để thu hút và thuyết phục phụ huynh học sinh gữi con đến học. Học phí nơi đây tương đối cao khoảng 500 ngàn đồng/tháng/em. Và chủ cơ sở nầy đang dự định mở thêm một trường khác nữa lớn hơn trường hiện tại nhiều lần.

Như vậy việc trộn lẫn hoá chất kích thích vào thức ăn chỉ là một phương cách tranh thương của “con buôn” mà không nghĩ đến tác động về lâu và về dài. Và việc xử phạt hành chánh của các nhà quản lý ở Phan Thiết chỉ là một hình thức phạt vạ. Và chính hình thức nầy khiến cho phụ huynh học sinh bất bình vì đây là một cơ sở giáo dục có mục đích đào tạo mầm non cho đất nước, và người chủ trường cũng là một cán bộ đáng kính làm trong ngành giáo dục lâu năm. Đây là một việc không những gây tác hại cho trẻ em mà còn gây ra những tác động dây chuyền tiêu cực đến xã hội trong hầu hết các lãnh vực phát triển khác của quốc gia nầy. Nơi đây cũng cho chúng ta thấy thêm một não trạng mới của những người cầm quyền ở Việt Nam là bõ qua thậm chi còn bao che những việc làm sai trái của gian thương nhất là các gian thương đó là thành phần cốt cán hay là đảng viên phục vụ đắc lực cho chế độ như trường hợp điển hình trên. Nhà cầm quyền Phan Thiết đã cho qua cầu vụ án nầy vì Bà Đào Thị Dung, Giám đốc trường mà cũng là tỉnh uỷ viên của tỉnh Phan Thiết với lý do… việc lấy mẫu thức ăn không đúng quy cách?

Được biết, trước đây, một bác sĩ ở Sài gòn đã cho trẻ em xử dụng hóa chất nầy với mục đích làm tăng cân nhanh để lôi kéo bịnh nhân đến khám. Sau khi bị khám phá, vị bác sĩ nầy đã bị rút giấy phép hành nghề mở phòng mạch.

Thay lời kết

Qua hai sự kiện vừa kể trên xảy ra ở Trung Cộng và Việt Nam, một bài học lớn cho chúng ta thấy là, não trạng của những người cầm quyền trong một nhà nước độc tài, độc đoán thường có một điểm chung duy nhất. Đó là chạy theo lợi nhuận trước hết và không cần biết đến những hệ luỵ kéo theo từ những việc làm sai trái trên.

Hệ quả tiêu cực có thể xảy ra tức thời hay hàng chục năm sau, hay hơn nữa qua những kế hoạnh phát triển không đồng bộ với công cuộc bảo vệ môi trường của Việt Nam và TC.

Thực ra trong vấn đề môi trường Việt Nam, đặc biệt là việc tiếp nhiễm hóa chất độc hại trong môi trường và thức ăn đã được Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VAST) nêu lên suốt hơn 10 năm qua. Nhưng nay, tình trạng ngày càng trầm trọng hơn điển hình qua sự việc xảy ra ở trường Mầm Non và đây chỉ là một trường hợp được khám phá ra mà thôi. Trên tòan quốc có thể còn nhiều trường hợp vi phạm như trên mà chưa được khám phá?

Mức tác hại của vấn đề quá lớn và cần phải được theo dõi trong một thời gian daì. Hậu quả trước mắt của việc dùng kích thích tố nầy là làm giảm thiểu mức tăng trưởng chiều cao của trẻ em. Tuỳ theo liều lượng và thời gian xử dụng, Dexamethasone sẽ làm mất chất vôi trong xương, làm loãng xương, ngoài ra còn có nhiều phản ứng phụ như trẻ em bị tăng áp huyết, rối loạn tinh thần, bị giảm sức đề kháng, do đó khả năng bị nhiễm trùng rất cao. Đây là một trường hợp pha trộn trực tiếp hóa chất vào thức ăn. Ngoài xã hội còn có vô số trường hợp ảnh hưởng gián tiếp qua thực phẩm chứa hóa chất độc hại trong chăn nuôi và trồng tỉa.

Chúng tôi muốn nói đến sự nhiễm độc qua đường thực phẩm, nghĩa là các loại hoá chất kích thích tăng trưởng hay tăng trọng trong rau quả và gia súc đã được các nhà trồng tỉa, chăn nuôi trộn lẫn vào thức ăn cho gia súc hay nước tưới tiêu cho cây trồng. Do đó con người bị tiếp nhiễm gián tiếp qua thực phẩm chứa các hoá chất độc hại trên. Đối với rau quả, hóa chất độc hại thường được xử dụng là 2,4-D và 2,4,5-T là hai thuốc diệt cỏ trong chất Da cam, và các hóa chất dioxin-tương đương khác như DDT, và các loại thuốc diệt trùng, trừ sâu rầy, trừ nấm mốc v.v… Đối với gia súc như heo, gà, vịt, hóa chất kích thích tăng trưởng ngoài Dexamethasone, người chăn nuôi thường xử dụng là Clenbuterol. Chất sau nầy ảnh hưởng lên sức khỏe người tiêu dùng rất nặng vì đây là thêm mầm móng của bịnh ung thư cho con người rất cao. Trong một đợt kiểm tra vào tháng 6/2006 do Chi cục thú y Sài Gòn cho biết, trong 500 mẫu thịt heo ở các lò mổ và thịt bày bán ở các chợ, có gần 30% mẫu dương tính với Clenbuterol.

Hiện tại, chất sau nầy được ưa dùng hơn Dexamethasone vì heo trước khi xuất chuồng ba tuần lễ, được ăn thức ăn có chứa Clenbuterol theo tỷ lệ 1 kg/tấn thức ăn. Sau đó heo sẽ tăng trọng lượng rất nhanh, heo 3 tháng tuổi có thể cân nặng 1 tạ thay vì cần phải 5 tháng nếu nuôi theo phương pháp thông thường. Đặc biệt hơn nữa, khi dùng hóa chất nầy, thịt heo sẽ ít mở rất bắt mắt khách hàng. Tại Việt Nam, từ năm 2002 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra quyết định cấm xử dụng Clenbuterol trong gia súc, nhưng phương pháp nầy vẫn còn được một số nhà chăn nuôi vẫn áp dụng nhứt là trong thời điểm giáp Tết 2010. Nên nhớ, trước kia heo còn được cho ăn phân urea hai tuần trước khi xuất chuồng, vì làm như thế heo sẽ tăng thêm khoảng 15 – 20% trọng lượng.

Trước những tin tức dồn dập về nhiễm độc thực phẩm, đặc biệt ở những quán ăn tập thể cho công nhân viên chức qua sự chăn nuôi và trồng tỉa không “tử tế” của gian thương, và hơn nữa trước những sự hành xử thiếu đạo đức của những nhà làm giaó dục như trường hợp đã xảy ra ở trường Mầm Non Thanh Nguyên II, vấn đề được đặt ra là cần phải giải quyết tận gốc. Việc kiểm dịch ở các lò mổ hay ở các chợ chỉ có thể phát hiện và xử lý kịp thời đối với các sản phẩm động vật bị dịch. Còn đối với các loại kích thích tăng trọng cần phải lấy mẫu xét nghiệm. Và khi có kết quả dương tính thì số lượng thực phẩm đó đã được tiêu thụ hết rồi, và dĩ nhiên số người đã bị nhiễm cũng không nhỏ.

Vì vậy việc giải quyết tận gốc là cốt lõi của vấn đề. Vì Việt Nam không có khả năng chế tạo ra các hoá chất kích thích trên, cho nên phải nhập cảng. Kiểm soát hay chấm dứt việc nhập cảng đa phần từ Trung Cộng là một hình thức ngăn chận được một phần nào mức lạm dụng của gian thương.

Dĩ nhiên là công việc không dễ dàng. Nhưng nếu có quyết tâm, Việt Nam có thể làm được việc trên qua con đường giao thương chính thức với nước ngoài.

Nhưng một tệ trạng khác nữa là nạn buôn lậu qua đường biên giới, đặc biệt là biên giới phiá Bắc. Cho đến hôm nay, người Việt ở trong nước đều biết rành rọt là ai cũng có thể mua được đủ loại kích thích tố tăng trưởng cho động vật và thực vật với giá rẻ dưới các nhản hiệu có tên rất dễ thương như: Bạch Nhật Đại, Khai vị, Tăng gia Phúc đại, v. v.. Các hoá chất trên theo quảng cáo có công dụng thúc đẩy sự tăng trưởng, tăng cường và nâng cao phẩm chất của thịt, tăng cường khả năng sinh sản của động vật. Tuy nhiên, không có loại nào có ghi thành phần hóa chất trong sản phẩm trên bao bì, một quy định bắt buộc áp dụng cho tất cả hóa chất bày bán trên thị trường. Và với những tên đẹp đẽ trên, chúng ta cũng thừa rõ là những hoá chất kích thích tăng trưởng đó đã được sản xuất tại TC.

Theo một chuyên gia Việt Nam trong lãnh vực thức ăn gia súc ở Việt Nam: “Có đến 90% các cơ sở chế biến thức ăn vừa và nhỏ đều nhập cảng tiểu ngạch các thuốc tăng trọng “lậu”, hoặc nhập qua đường chính ngạch dưới dạng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi với thuế xuất rất thấp. Đồng thời họ cũng đặt hàng bao bì tại Trung Cộng, sau đó “xào xáo” lại thành sản phẩm nội địa”. Thêm nữa, thậm chí có rất nhiều văn phòng đại diện Trung Cộng cũng kinh doanh các mặt hàng trên ở Việt Nam. Và đây cũng là con đường chính thức để hợp thức hóa các sản phẩm tăng trưởng lậu từ TC.

Thẩm định laị tất cả những nguyên nhân đưa đến sự hiện diện của hóa chất kích thích trong thực phẩm cho người và gia súc ở Việt Nam, câu hỏi rốt ráo của mỗi người trong chúng ta là làm thế nào kiểm soát và chấm dứt tình trạng trên sẽ được và chỉ được lãnh đạo Việt Nam hiện tại trả lời mà thôi.

Mai Thanh Truyết
2-2010

TẠI SAO CỘNG SẢN GIẾT PHẠM QUỲNH?

Trần Gia Phụng


TẠI SAO CỘNG SẢN GIẾT PHẠM QUỲNH?, trong khi cộng sản không giết Trần Trọng Kim và toàn bộ nhân viên nội các Trần Trọng Kim, là những người đang còn hoạt động? Câu hỏi nầy cần tách ra làm hai phần để dễ tìm hiểu:

Thứ nhất: Từ khi đến Trung Hoa hoạt động năm 1924, điệp viên của Đê Tam Quốc tế Cộng sản, lúc đó có tên Nguyễn Ái Quốc, Lý Thụy, đã chủ trương “giết tiềm lực”. Giết tiềm lực là tiêu diệt tất cả những cá nhân có khả năng tiềm tàng mà không chịu theo chủ nghĩa cộng sản hay đảng Cộng Sản, có thể sẽ có hại cho đảng Cộng sản trong tương lai. Những người nầy về sau có thể sẽ hoạt động chính trị và có thể sẽ gây trở ngại, gây nguy hiểm cho sự phát triển của cộng sản.

Nạn nhân danh tiếng đầu tiên của chủ trương giết tiềm lực của Hồ Chí Minh là Phan Bội Châu (1867-1940). Phan Bội Châu bị Lý Thụy bán tin cho Pháp, để Pháp bắt Phan Bội Châu năm 1925 tại nhà ga Thượng Hải, nhằm đoạt lấy tổ chức của Phan Bội Châu. (Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, bản dịch của Nguyễn Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, California: Nxb. Văn Nghệ, 1999, tt. 84-85.)

Từ đó, Hồ Chí Minh và phe đảng thi hành chủ trương giết tiềm lực, ngầm thủ tiêu rất nhiều thanh niên sinh viên hoạt động chính trị, và nhất là năm 1945, khi nắm được quyền lực, Việt Minh (VM), mặt trận ngoại vi của đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD), đã giết hầu hết những nhân tài không theo VM.

Tại Huế, VM tìm tất cả các cách nhắm cô lập vua Bảo Đại. Cách tốt nhất là cách ly nhà vua với những người có khả năng và uy tín thân cận bên cạnh nhà vua, trong đó quan trọng hơn cả là Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi. Do đó, VM ra lệnh bắt Phạm Quỳnh và Ngô Đình Khôi cùng con của ông Khôi là Ngô Đình Huân ngày 23-8-1945. Đồng thời VM sắp đặt những người của VM như Tạ Quang Bửu, Phạm Khắc Hòe vây quanh rỉ tai nhà vua, phóng đại về kháng chiến, về Việt Minh. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, tr. 184.)

Theo David G. Marr trong Vietnam 1945, The Quest for Power, sau khi Phạm Quỳnh và hai cha con Ngô Đình Khôi bị bắt, người Nhật can thiệp một cách yếu ớt không hiệu quả. Ngày 28-8, sáu người Pháp nhảy dù xuống một địa điểm cách kinh thành Huế khoảng 20 cây số nhắm mục đích bắt liên lạc với vua Bảo Đại và các cựu quan Nam triều. Lúc đầu, VM địa phương tưởng những người Pháp nầy là người của phe Đồng Minh, cho họ trú tạm tại một ngôi nhà thờ, nhưng khi biết rằng đây là những người Pháp có ý định tìm cách liên lạc với các quan chức Nam triều cũ, VM liền giết bốn người, và cầm tù hai người đến tháng 6-1946. (David G. Marr, Vietnam 1945, The Quest for Power [Việt Nam 1945, đi tìm quyền lực] University of California Press, tt. 452-453.)

Trong khi cô đơn, lại bị Phạm Khắc Hòe xúi giục và hù dọa, vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị ngày 25-8-1945, và làm lễ thoái vị tại cửa Ngọ Môn ngày 30-8-1945, với sự hiện diện của đại diện Việt Minh là Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, và Cù Huy Cận.

Theo hồi ký của Trần Huy Liệu, sau khi Nhật đầu hàng, người Pháp nhảy dù xuống Huế, liền hỏi ngay đến Bảo Đại, Phạm Quỳnh và những người cộng tác với Pháp trước đó. Việt Minh bắt được toán người Pháp nầy và “xử lý thích đáng” Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh. (Nguyên văn lời của Trần Huy Liệu.) Theo lối chơi chữ của Trần Huy Liệu, “xử lý thích đáng” có nghĩa là thủ tiêu hai ông Ngô Đình Khôi và Phạm Quỳnh.

Nhiều người cho rằng việc người Pháp muốn kiếm cách liên lạc với cựu hoàng Bảo Đại và Phạm Quỳnh (vì lý do gì không được rõ) vô tình đã làm cho VM lo ngại, sợ rằng một khi người Pháp trở lui, Pháp sẽ nhờ Phạm Quỳnh và những người đã từng làm việc với Pháp như Ngô Đình Khôi giúp Pháp lật ngược thế cờ, đưa cựu hoàng trở lại cầm quyền.

Do đó VM vội vàng “mời” cựu hoàng Bảo Đại rời Huế ngày 4-9-1945, ra Hà Nội làm cố vấn chính phủ, để cách ly cựu hoàng với cố đô, chiếc nôi của nhà Nguyễn, đồng thời cách ly cựu hoàng với những cận thần cũ. Vì vậy VM giết ngay các ông Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi ngày 6-9 để trừ hậu hoạn. Trong khi đó, nếu người Pháp trở lui Huế, người Pháp cũng không hợp tác với Trần Trọng Kim, vì ông Kim và nội các của ông bị gán cho là thân Nhật.

Thứ hai: Khi cướp chính quyền, VM đã chủ ý giết một số người trong đó có Phạm Quỳnh. Việt Minh chủ ý giết Phạm Quỳnh vì :

1) Phạm Quỳnh muốn xây dựng nền quân chủ lập hiến tại nước ta, và cho rằng cộng sản là “nạn dịch” gây bất ổn xã hội. (Phạm Quỳnh, “Ce que sera l’Annam dans cinquante ans?” [Nước Nam sẽ ra sao năm mươi năm sau?], Essais franco-annamites (1929-1932), Huế: Nxb. Bùi Huy Tín, 1937, tr. 500.) Phạm Quỳnh muốn xây dựng nền quốc học trong khi Việt Minh muốn phổ biến chủ nghĩa cộng sản.

2) Ở trong nước, Phạm Quỳnh tiêu biểu cho giới trí thức làm văn hóa, theo chủ nghĩa dân tộc, lập trường quốc gia, bất bạo động, dấn thân hoạt động chính trị. Việt Minh giết Phạm Quỳnh để đe dọa, uy hiếp và khủng bố tinh thần giới trí thức hoạt động văn hóa trên toàn quốc. Đây là lối mà người xưa gọi là “sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người, mười ngàn người sợ).

3) Đối với nước ngoài, Phạm Quỳnh là người được Pháp ủng hộ và rất có uy tín trên chính trường Pháp. Với đường lối ôn hòa, ông còn có thể được cả Nhật, Trung Hoa (lúc bấy giờ do Tưởng Giới Thạch và Quốc Dân Đảng cầm quyền), Anh, Hoa Kỳ chấp nhận hơn là đường lối cực đoan theo Liên Xô của Hồ Chí Minh.

4) Hồ Chí Minh muốn chụp lấy ngay thời cơ tạo ra do khoảng trống chính trị sau tối hậu thư Potsdam vào cuối tháng 7-1945, nên chủ trương tiêu diệt tất cả những người nào có khả năng tranh quyền với Hồ Chí Minh, để cho ở trong cũng như ngoài nước thấy rằng chỉ có một mình Hồ Chí Minh mới xứng đáng lãnh đạo đất nước. Phạm Quỳnh đã từng là thượng thư bộ Lại, đứng đầu triều đình Huế. Đặc biệt những điều ông viết về tương lai thế giới mà ông đưa ra từ 1930 trong bài “Ce que sera l Annam dans cinquante ans?” [Nước Nam sẽ ra sao năm mươi năm sau?] đều đã diễn ra đúng theo ông tiên liệu, như mối đe dọa của Nhật Bản, nạn dịch cộng sản, xung đột Thái Bình Dương, đại hỏa hoạn ở châu Âu [thế chiến 2]. Nhờ thế mà uy tín Phạm Quỳnh lên rất cao.

Phạm Quỳnh có uy tín và tư thế lớn đối với dư luận trong và ngoài nước, là một trong những người có thể trở thành đối thủ đáng ngại của Hồ Chí Minh, nên Hồ Chí Minh quyết tiêu diệt Phạm Quỳnh để tránh trở ngại về sau.

5) Khi mới nổi dậy năm 1945, để lôi cuốn quần chúng, Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh tuyên truyền rằng Hồ Chí Minh là nhà yêu nước, chứ không phải là đảng viên cộng sản, và Hồ Chí Minh ra đi để tìm đường cứu nước, đồng thời Hồ Chí Minh tự giấu thật kín chuyện xin vào học trường Thuộc Địa Paris mà bị loại. Một chuyện nữa cũng thuộc loại “thâm cung bí sử” của Hồ Chí Minh là việc Nguyễn Ái Quốc gia nhập Hội Tam Điểm (Franc-Maçonnerie) ở Paris vào đầu năm 1922. (Jacques Dalloz, “Les Vietnamiens dans la franc-maçonnerie coloniale” [Người Việt trong hội Tam Điểm thuộc địa], tạp chí Revue Française d’Histoire d’Outre-mer, Tam cá nguyệt 3, 1998, Paris: Société Française d’Histoire d’Outre-mer, tr. 105.) Hội Tam Điểm là một hội có chủ trương chính trị đối lập với đảng Cộng Sản và là kẻ thù của đảng Cộng Sản.

Cũng trong năm 1922, theo lời mời của chính quyền Pháp, Phạm Quỳnh đến Paris diễn thuyết tại Trường Thuộc Địa (École Coloniale) ngày 31-5-1922 về đề tài “Sự tiến hóa về đường tinh thần của dân Việt Nam từ ngày đặt bảo hộ đến giờ”. Sau đó, Phạm Quỳnh ở lại Paris để đi diễn thuyết vài nơi, kể cả Viện Hàn lâm Pháp. Trong thời gian ở Paris, Phạm Quỳnh ghi nhật ký là đã gặp gỡ những “chí sĩ vào hạng bị hiềm nghi”, và không nêu tên những người ông đã gặp trong nhật ký. Tuy nhiên, trên sổ lịch để bàn, Phạm Quỳnh ghi rõ: [Thứ Năm, 13-17]: “Ăn cơm Annam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Villa des Gobelins)”. [Tờ lịch Chủ nhật 16-7]: “Ở nhà, Trường, Ái Quốc và Chuyền đến chơi.” [Chủ nhật 16-7] [Chuyền có thể là Nguyễn Thế Truyền.]

Như thế, Phạm Quỳnh là một trong những người biết rõ tung tích Hồ Chí Minh ở Paris, biết rõ Hồ Chí Minh đã gia nhập hội Tam Điểm Pháp, và đặc biệt Phạm Quỳnh còn sống cho đến 1945. (Những người khác như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh đều đã từ trần.) Phạm Quỳnh là một nho sĩ chính trực nên ông không tiết lộ cho vua Bảo Đại biết điều nầy, do đó nhà vua mới bị Phạm Khắc Hòe dẫn dụ về nhân vật Hồ Chí Minh. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, tt. 184-185.) Phải chăng vì là người đã lỡ “biết quá nhiều” về Hồ Chí Minh mà Phạm Quỳnh bị Hồ Chí Minh ám hại?

Do những lẽ trên, nếu không có những người Pháp nhảy dù xuống Huế như tác giả David G. Marr viết hay Trần Huy Liệu kể, cộng sản cũng vẫn giết Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh và Trần Trọng Kim đều là hai nhà văn hóa, và chính trị nổi tiếng trên toàn quốc. Trần Trọng Kim viết khảo cứu có tính cách hoàn toàn chuyên môn, chứ không có chủ trương chính trị lâu dài; nội các Trần Trọng Kim gồm những chuyên viên cần thiết cho việc xây dựng cơ sở căn bản trong giai đoạn chuyển tiếp từ chính quyền Pháp qua chính quyền Việt. Trần Trọng Kim ít biết về những hoạt động của Hồ Chí Minh lúc còn ở Paris.

Ngược lại, Phạm Quỳnh trước tác với một ý hướng chính trị rõ ràng: xây dựng một nền văn hóa dân tộc, bảo tồn quốc tuý, nâng cao trình độ văn hóa của dân chúng bằng cách phổ biến văn hóa Âu tây, dịch thuật những tư tưởng dân quyền của Montesquieu, Voltaire, Rousseau. Phạm Quỳnh tham gia triều đình Huế cũng nhắm đến một chủ đích rõ ràng: tranh đấu ôn hòa, nhưng cương quyết yêu cầu Pháp trả lại chủ quyền cho triều đình, và xây dựng một hiến pháp làm luật lệ căn bản của quốc gia.

Ảnh hưởng văn hóa và chính trị của Phạm Quỳnh khá rộng rãi trên các tầng lớp quần chúng, nhất là giới trí thức trung lưu, từ lớp trí thức Nho học đến cả lớp trí thức và thanh niên tân học. Tạp chí Nam Phong được các lớp người ưu tú ở các địa phương lúc bấy giờ trên toàn quốc xem như loại sách báo giáo khoa chỉ đường. Đó là điều mà cộng sản chẳng những không thể chấp nhận và cũng không thể dung thứ, vì cộng sản muốn nắm độc quyền lãnh đạo chính trị, độc quyền yêu nước, độc quyền chân lý.

Xin hãy chú ý thêm ngày Phạm Quỳnh bị sát hại. Phạm Quỳnh bị bắt ngày 23-8-1945, và bị giết ngày 6-9, nghĩa là ông không bị nhóm VM địa phương Huế giết liền khi họ nổi dậy. Vua Bảo Đại thoái vị ngày 30-8-1945 với sự chứng kiến của đại diện chính phủ Việt Minh từ Hà Nội đến là Trần Huy Liệu (bộ trưởng bộ Tuyên truyền), Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận (bộ trưởng không bộ nào tức quốc vụ khanh). Phạm Quỳnh bị giam giữ một thời gian, rồi mới bị giết ngày 6-9-1945, nghĩa là lúc đó đã có mặt của đại diện trung ương của VM và của đảng CSĐD.

Khi đã có sự hiện diện của đại diện trung ương, các cán bộ VM địa phương chắc chắn không dám tự tiện ra tay, mà chắc chắn phải có ý kiến của trung ương. Nhóm Trần Huy Liệu cũng không thể tự quyết định được việc nầy. Như vậy phải chăng chính nhóm Trần Huy Liệu đã đem lệnh từ Hà Nội vào Huế để giết Phạm Quỳnh? Và lệnh đó từ đâu, nếu không phải là từ Hồ Chí Minh?

Sau khi Phạm Quỳnh bị giết, hai người con gái đầu của ông là Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh. Dưới đây là lời kể của bà Thức:”…Tháng 8 năm 1945, Thầy tôi ra đi!…Sau đó, chị tôi [tên Giá] và tôi nhờ một anh bạn là Vũ Đình Huỳnh ngày ấy là garde-corps [cận vệ] cho cụ Hồ, giới thiệu đến thăm cụ và hỏi truyện [tức chuyện Phạm Quỳnh]. Cụ bảo: “Hồi ấy tôi chưa về…Và trong thời kỳ khởi nghĩa quá vội và có thể có nhiều sai sót đáng tiếc…” (Hồi ký viết tại Paris ngày 28-10-1992 của bà Phạm Thị Thức, nhân kỷ niệm 100 năm sinh niên Phạm Quỳnh, tài liệu gia đình.)

Phạm Quỳnh bị giết ngày 6-9-1945. Hồ Chí Minh cướp chính quyền ngày 2-9-1945, ra lệnh “mời” Bảo Đại ra Hà Nội, và Bảo Đại rời Huế ngày 4-9-1945. Như thế có nghĩa là Hồ Chí Minh đã về Việt Nam, đã cướp được chính quyền, đã nghĩ đến cựu triều đình Huế, đến việc đưa Bảo Đại ra Hà Nội, vậy chắc chắn Hồ Chí Minh không thể quên hay không biết chuyện Phạm Quỳnh. Lối lý luận của Hồ Chí Minh là cách chối tội thông thường cổ điển của VM: “Mất mùa là tại thiên tai,/ Được mùa là tại thiên tài đảng ta.)

Giết xong Phạm Quỳnh, cộng sản tính việc hủy diệt luôn hình ảnh sáng chói nhà văn hóa Phạm Quỳnh, tức giết Phạm Quỳnh lần thứ hai. Việc nầy thì không thể nói là Hồ Chí Minh không biết gì cả. Đảng Cộng Sản quy chụp cho Phạm Quỳnh tội “phản quốc, làm tay sai cho Pháp”. Gần 40 năm sau, trong Từ điển văn học, gồm 2 tập, mỗi tập trên 600 trang, gồm nhiều người viết, do Uỷ ban Khoa học Xã hội xuất bản tại Hà Nội năm 1984, vẫn không có mục “Phạm Quỳnh”. Khi viết về các nhóm văn hóa, sách nầy không thể loại nhóm Nam Phong vì nhóm Nam Phong có khá nhiều tác giả nổi tiếng.

Nói đến nhóm Nam Phong, trang 121-123, tập 2, tác giả Nguyễn Phương Chi, trong ban biên tập từ điển, vẫn còn gọi Phạm Quỳnh là “bồi bút, phản động”. Hơn thế nữa, năm 1997, trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, do nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội ấn hành, Nguyễn Q. Thắng và Nguyễn Bá Thế biên tập, mục “Phạm Quỳnh”, trang 758-759, hai tác giả nầy viết: “Hoạn lộ của ông [chỉ Phạm Quỳnh] lên nhanh như diều gặp gió vì gắn bó mật thiết với các quan thầy thực dân…Ngày 23-8-1945, Phạm bị các lực lượng yêu nước bắt ở Huế, rồi sau đó bị xử bắn ở l.[làng] Hiền Sĩ, t.[tỉnh] Thừa Thiên, hưởng dương 53 tuổi.”

Các tác giả cộng sản thường đưa ra chiêu bài yêu nước và dân tộc để quy chụp những người không theo khuynh hướng của cộng sản là phản động, phản quốc, trong khi chính vì Hồ Chí Minh khăng khăng đi theo cộng sản Liên Xô mà Việt Nam không được các nước Đồng Minh thừa nhận sau năm 1945. Cũng chính vì đảng Cộng Sản chủ trương ý thức hệ cộng sản mà gây ra mâu thuẫn quốc cộng, phá hoại tình đoàn kết dân tộc, là một trong những nguyên nhân chính đưa đến chiến tranh Việt Nam từ 1946 đến 1975, và hậu quả còn kéo dài mãi cho đến ngày nay.

Sau năm 1954, rồi 1975, chính đảng Cộng sản Việt Nam đã nhập cảng và áp dụng một cách máy móc chính sách văn hóa Mác, Mao và kinh tế chỉ huy rập theo khuôn Liên Xô và Trung Cộng, đã làm cho Bắc Việt rồi cả Việt Nam suy kiệt về mọi mặt cho đến ngày nay mà chưa tìm ra lối thoát.

Nếu nói rằng: Phạm Quỳnh hợp tác với Pháp để mưu cầu chủ quyền cho Việt Nam, bảo vệ quyền lợi của quốc gia là làm tay sai cho ngoại bang, còn Hồ Chí Minh và đảng cộng sản theo Nga Hoa, bán đứng quyền lợi đất nước, thì không phải là tay sai ngoại bang? Nếu nói rằng Phạm Quỳnh hợp tác công khai với Pháp, viết bài trình thuật rõ ràng các hoạt động của ông là phản quốc, trong khi Hồ Chí Minh làm gián điệp cho Đệ tam Quốc tế Cộng sản, cầu viện Trung Quốc và Liên Xô là không phản quốc?

Nếu nói rằng Phạm Quỳnh viết bài quảng bá học thuật Âu tây, đề cao tư tưởng dân quyền của Voltaire, Montesquieu, Rousseau là không có tinh thần dân tộc, còn cộng sản phổ biến tư tưởng Marx, Lenin, và nhất là chủ nghĩa Stalin thì gọi là gì? Phạm Quỳnh dịch thơ Corneille, Racine là bồi bút, còn Tố Hữu làm thơ gọi Stalin là ông nội, “thương cha thương mẹ thương chồng / thương mình thương một thương ông thương mười”, thì không bồi bút?

Nói cho cùng, nếu Phạm Quỳnh chỉ là người học trò bình thường của Voltaire, Montesquieu hoặc Rousseau thì cũng đáng mừng cho dân tộc Việt Nam, vì tư tưởng của các nhà học giả Pháp nầy là ánh sáng soi đường cho nhân dân toàn thế giới xây dựng nền tự do dân chủ phân quyền pháp trị.

Trong khi đó Hồ Chí Minh là “một người học trò trung thành của Các Mác và V. I. Lê-nin” (Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1975, tr. 160.), và nhất là người học trò xuất sắc của Stalin, thì thực tế lịch sử đã chứng minh rằng đó là hiểm họa độc tài đen tối khốc liệt nhất từ trước đến nay trong lịch sử Việt Nam.

Dầu sao, việc tuyên truyền của cộng sản một thời gây nhiễu xạ hình ảnh của Phạm Quỳnh và ảnh hưởng không ít đến dư luận dân chúng, làm nhiều người, kể cả vài kẻ tự mệnh danh là trí thức tiến bộ, hiểu sai về Phạm Quỳnh, và hiểu sai luôn về một số nhân vật chính trị theo khuynh hướng quốc gia dân tộc. Phạm Quỳnh đã từng nói: “Về phần tôi, tôi đã chọn con đường của tôi. Tôi là một người ở buổi giao thời và tôi sẽ chẳng bao giờ được cảm thông…”. (Thư ngày 30-12-1933 của Phạm Quỳnh gời Louis Marty, Hành trình nhật ký, Paris: Nxb. Ý Việt, 1997, phần “Dẫn nhập”, không đề trang.)

Ngày nay, sau những biến động đảo điên của thời cuộc, mọi người nên công tâm tìm hiểu Phạm Quỳnh và nhìn lại sự nghiệp của ông. Trước ngã ba đường vào đầu thế kỷ 20, giữa cựu học, Tây học, và tân học, Phạm Quỳnh chọn con đường tân học, cải tiến và hoàn chỉnh văn học Quốc ngữ để làm phương tiện xây dựng quốc học, vừa bảo vệ quốc hồn quốc túy, vừa bồi đắp thêm bằng cách du nhập những tinh hoa văn hóa nước ngoài.

Chủ trương hòa nhập văn hóa (acculturation) của Phạm Quỳnh xét cho cùng rất quý báu và cần thiết cho đất nước, vì nếu chỉ mãi mê tranh đấu chính trị và quân sự, mà không xây dựng nền văn hóa dân tộc dựa trên quốc hồn, quốc học và quốc văn, thì người Việt vẫn bị trì trệ trong sự nô lệ tinh thần. Những đóng góp của ông trong việc phát triển nền văn chương Quốc ngữ thật lớn lao. Những vấn đề văn chương, triết lý tổng hợp đông tây ông đã viết, những ý kiến do ông đưa ra trong các bài báo, kể cả những ý kiến ông tranh luận về truyện Kiều, về Nho giáo, vẫn còn có giá trị. Giấc mơ của Phạm Quỳnh về quốc học, quốc hồn lại càng cần được cổ xúy làm nền tảng giáo dục tinh thần cho mọi người Việt Nam ngày nay ở trong cũng như ở ngoài nước. Phạm Quỳnh là nhà văn hóa lớn của Việt Nam thời hiện đại.

Về chính trị, Phạm Quỳnh viết nhiều tiểu luận bằng tiếng Việt cũng như bằng tiếng Pháp để tranh đấu thực hiện lý tưởng chính trị của ông. Nhiều người thường đồng nghĩa nền quân chủ với phong kiến hoặc thực dân, nên cho rằng quan niệm quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh là thủ cựu. Cần phải chú ý là Phạm Quỳnh chủ trương bất bạo động. Ông chọn thể chế quân chủ lập hiến với hy vọng thúc đẩy Việt Nam chuyển biến một cách ôn hòa trong trật tự.

Nhìn ra nước ngoài, hiện nhiều nước trên thế giới vẫn duy trì nền quân chủ lập hiến, nhưng vẫn là những nước hết sức dân chủ như Anh Quốc, Nhật Bản, Thuỵ Điển, Bỉ …Ở trong nước, xét trên chiều dài của lịch sử, từ ngày Pháp đặt nền đô hộ năm 1884 đến năm 1945, tuy các vua nhà Nguyễn bị người Pháp khống chế, nhưng vua vẫn là biểu tượng cao cả của đất nước, nên các cuộc nổi dậy kháng Pháp từ Bắc vào Nam đều quy hướng về một mối, đó là triều đình ở kinh đô Huế. Trái lại từ năm 1945 trở đi, khi VM cộng sản cướp chính quyền, người Việt Nam bị chia rẽ trầm trọng thành nhiều phe nhóm khác nhau, theo những quan điểm khác nhau. Do đó, Phạm Quỳnh có phần hữu lý khi ông chủ trương cải cách ôn hòa, và chọn quân chủ lập hiến theo đại nghị chế thay thế cho nền quân chủ chuyên chế.

Ngày nay, cục diện chính trị Việt Nam đã thay đổi hẳn, quan niệm quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh không còn phù hợp, nhưng không thể vì thế mà phủ nhận tinh thần ái quốc, lòng can đảm và sự tận tình của ông trên con đường phụng sự quê hương. Phạm Quỳnh đã âm thầm tranh đấu bất bạo động để đòi hỏi chủ quyền cho đất nước. Ông đã hết lòng hoạt động vì nước và đã hy sinh vì lý tưởng của mình. Đó là điều thật đáng trân quý nơi Phạm Quỳnh, nhà trí thức dấn thân hoạt động chính trị.

Một điều đáng ghi nhận cuối cùng trong cách thức hành xử của Phạm Quỳnh. Ông theo đuổi một lý tưởng chính trị trường kỳ và bất bạo động, nên ông luôn luôn cố gắng làm những gì có lợi cho đất nước và đồng bào, đồng thời tránh không làm bất cứ việc gì có hại cho quốc gia dân tộc. Phạm Quỳnh sống lương thiện, không tham ô nhũng lạm, và cũng không hề gây tội ác giết hại đồng bào. Thái độ nầy là điều mà rất ít nhà hoạt động chính trị của mọi khuynh hướng thực hiện được, và là một điểm son sáng chói phân biệt Phạm Quỳnh với những người ra hợp tác với Pháp để trục lợi cầu vinh.

Đây là điều cần phải được tách bạch. Trong việc hợp tác với Pháp, có hai hạng người: hạng thứ nhất là những kẻ hợp tác để mưu cầu danh lợi riêng tư, lợi dụng quyền thế, hống hách bóc lột đồng bào; hạng thứ hai ra tham chính, làm việc với Pháp, không dựa vào quyền thế để hiếp đáp dân chúng, mà dùng quyền thế để cứu giúp đồng bào, và vẫn giữ được khí tiết riêng của mình như Nguyễn Trường Tộ, Pétrus Trương Vĩnh Ký, và biết bao nhiêu người vô danh khác…

Phải tránh vơ đũa cả nắm, và phải rõ ràng như thế mới hiểu được tâm trạng cùng sự can đảm của những nhà trí thức, trong hoàn cảnh éo le của đất nước, dấn thân hoạt động chính trị, phụng sự dân tộc, nhất thời đã bị hiểu lầm sau những cơn lốc tranh chấp chính trị kéo dài trên quê hương yêu dấu, trong đó Phạm Quỳnh là trường hợp điển hình nhất.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, Canada)


Ðọc thêm:
Nhà văn hoá Phạm Quỳnh (Nguyễn Phúc Vĩnh Ba)
Ảo tưởng Phạm Quỳnh (Nguyễn Thị Thu Nguyên)
Phạm Quỳnh  (Trần Văn Chánh - Phạm Tôn)








Đảng lãnh đạo việc bóc lột người không thể là đảng Cộng sản

Kami
 
“Không bóc lột người. Đảng chống chế độ “người bóc lột người”.
Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên”
(Hồ Chí Minh toàn tập-NXBST, tập 7, tr.237).

 
Ngày Chủ nhật, 07/03/2010 trên trang Sài gòn giải phóng online có một bản tin ngắn mang tự a đề "Luật hóa tổ chức chính trị trong doanh nghiệp tư nhân"(1) có viết: (SGGP).“Sửa đổi Điều 6 của Luật Doanh nghiệp theo hướng quy định bắt buộc việc thành lập và hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng, các đoàn thể trong doanh nghiệp”. Đó là ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại văn bản Kết luận số 64-KL/TƯ “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”.

Một trong những lý do dẫn tới việc sửa đổi này là hiện có quá ít doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể.

Đây là một vấn đề liên quan đến công tác lý luận của Đảng và nó có biểu hiện vi phạm nghiêm trọng đường lối của Đảng CSVN, đồng thời phản bội hoàn toàn Chủ nghĩa Marx-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Như chúng ta đã biết, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền tại Việt Nam theo Hiến pháp, theo Cương lĩnh và Điều lệ chính thức được công bố, Đảng cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Marx-Lenin (Marxism-Leninism) và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng.

 Nếu đối chiếu ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại văn bản Kết luận số 64-KL/TƯ “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” với nền tảng tư tưởng của Đảng CSVN trong Cương lĩnh và điều lệ chính thức thì khác nhau hoàn toàn thậm chí trái ngược nhau 180 độ so với cái gọi là kim chỉ nam, có biểu hiện của sự phản bội Chủ nghĩa Marx-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trong Chủ nghĩa Marx-Lênin được xem là kim chỉ nam trong mọi hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam để đưa Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Marx-Lenin được nghiên cứu và được coi là môn học chính trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam thì " Chủ nghĩa cộng sản là nhằm xóa bỏ hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội không giai cấp, không có quyền tư hữu  đối với phương tiện sản xuất, mà trong đó mọi người là bình đẳng, không có hiện tượng "người bóc lột người" và tiến tới sự xóa bỏ nhà nước trong một tương lai "thế giới đại đồng" khi người với người là bạn, thương yêu lẫn nhau và tại đó năng suất lao động tăng lên rất cao, của cải làm ra đồi dào tới mức phân phối của cải theo nguyên tắc: "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". Theo như lý luận của các nhà kinh điển của chủ nghĩa này thì chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu tiên của chủ nghĩa cộng sản, là giai đoạn chuyển tiếp đi lên chủ nghĩa cộng sản mà ở đó vẫn còn nhà nước để lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa cộng sản".

Theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam thì tuy đảng và nhà nước tiến hành công cuộc Đổi Mới, nhưng không phải là từ bỏ việc thực hiện chủ nghĩa xã hội, Đổi Mới chỉ là thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

Xét về khái niệm thời kỳ quá độ thì không phải là vấn đề mới, nó là vấn đề cũ đã hình thành từ nhiều chục năm nay, những năm đầu của thập kỷ 70 thế kỷ XX Liên xô đã tuyên bố hoàn thành thời kỳ quá độ tức là Liên xô đã tiến hành công hữu hóa toàn bộ TLSX thuộc sở hữu toàn dân. Cũng như ở Việt nam ta giai đoạn 1954-1986 ở Miền Bắc và 1975-1986 ở Miến Nam chúng ta tiến hành cách mạng XHCN, cải tạo lực lượng sản xuất thông qua tiến hành Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và HT hóa nông nghiệp. Tại thời điểm trên ở Liên xô, Việt nam hay bất kỳ quốc gia nào trong hệ thống XHCN không hề tồn tại hình thức kinh tế Tư bản tư nhân mà chi tồn tại một phần rất nhỏ kinh tế tư nhân (không mang t/c tư bản=bóc lột) đó là kinh tế nông nghiệp trên đất 5% giao cho nông dân và các tổ SX cá nhân mang tính gia đình.

Giai đoạn từ 1964-1986 ở miền Bắc và 1975-1986 ở miền Nam Đảng và nhà nước ta dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ Tịch và người học trò trung thành của Người là đồng chí Lê Duẩn kế thừa đã lấy CN Marx-Lê nin làm nền tảng tư tưởng, đó là thời kỳ quá độ chuẩn bị cơ sở vật chất để tiến lên CNXH ở Việt nam với nhiệm vụ trọng tâm và cơ bản nhất là công hữu hóa tư liệu sản xuất (sở hữu toàn dân), xóa bỏ và triệt tận gốc tư bản tư nhân và tư bản nước ngoài mầm mống của bóc lột. Chấm dứt tình trạng người bóc lột người.

Giai đoạn từ 1986-nay dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, Đảng tuyên bố rằng vẫn kiên định theo chủ nghĩa Maxr-Lênin và TT Hồ Chí Minh và thời kỳ Đổi mới cũng được coi là thời kỳ quá độ chuẩn bị cơ sở vật chất để tiến lên CNXH ở Việt nam với nhiệm vụ trọng tâm và cơ bản nhất lại là Tư hữu hóa tư liệu sản xuất thuộc sở hữu toàn dân thông qua chương trình Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế đa thành phần, chấp nhận kinh tế TBTN và tư bản nước ngoài, chấp nhận chế độ người bóc lột người.

Tại sao cùng là dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN lấy Chủ nghĩa Marx-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng mà nhiệm vụ trọng tâm của Thời kỳ quá độ lại đối nghịch nhau như vậy? Xin hỏi rằng " Vậy Thời kỳ quá độ trước 1986 của Bác Hồ lãnh đạo và Thời kỳ quá độ sau 1986 của Đổi mới ai đúng? Ai sai?" Không thể có chuyện cả hai giai đoạn đó cùng đúng hay cả hai cùng sai bởi bản chất khác nhau hoàn toàn. Mà chắc chắn là Thời kỳ quá độ trước đổi mới dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch không sai bởi lẽ vào giai đoạn đó tất cả các nước trong phe XHCN đều áp dụng triệt để như nhau, không có lẽ sai cả một hệ thống mà đã từng là đối trọng với hệ thống TBCN trong suốt quá trình chiến tranh lạnh

Đổi mới là quyết định đúng đắn của Đảng CSVN nhưng nó không kiên định với CM Marx-Lênin và TT Hồ Chí Minh bởi nó vi phạm nguyên tắc như GS Nguyên Đức Bình đã nói:

”Trước sau tôi vẫn không đồng ý quan điểm trong Đảng có thể có tư bản tư nhân”, vì theo Hồ Chí Minh và cũng là chủ nghiac Marx-Lenin: “Không bóc lột người. Đảng chống chế độ “người bóc lột người”. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, tr.237)”. Ông nói: “thật vô cùng nghịch lý khi nghĩ rằng kết nạp cả tư sản để mở rộng cơ sở xã hội, cơ sở quần chúng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa! Quần chúng công nông, các lực lượng vũ trang con em công nông sẽ hỏi chúng ta ngay: vậy các anh là Đảng của ai?”(2)

Việc đổi mới lấy Kinh tế thị trường thay cho Kinh tế Kế hoạch hóa tập trung (quan liêu bao cấp) là cần thiết, chấp nhận Kinh tế thị trường là nền kinh tế nhiều thành phần đương nhiên phải chấp nhận chế độ người bóc lột người. Điều nghiêm trọng là theo chỉ thị của Ban Bí thư là quy định bắt buộc việc thành lập và hoạt động của tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp tư nhân là mặc nhiên xác nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong nền kinh tế tư nhân đồng nghĩa với khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN trong việc bóc lột người.

Điều này trái hoàn toàn với Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, bởi Hồ Chủ tịch khẳng định thì “Không bóc lột người. Đảng chống chế độ “người bóc lột người”. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, tr.237)”. Điều này cũng có nghĩa là Đảng CSVN chấp nhận bóc lột thì cũng không phải là Đảng Cộng sản đúng nghĩa của nó.

Việc Đảng CSVN có còn lấy chủ nghĩa Marx-Lenin (Marxism-Leninism) và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng hay không này sẽ ảnh hưởng tới vai trò của họ được Điều 4-Hiến pháp nước CHXHCN Việt nam xác nhận "Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội."

Giả sử nếu có một ai đó phát đơn kiện điều Vi Hiến (Vi phạm Hiến pháp) này ra Tòa thì xem ra gay go cho sự độc quyền lãnh đạo của Đảng CSVN. Bởi Đảng CSVN đã và đang chấp nhận sự bóc lột và tham gia lãnh đạo việc bóc lột người thì chắc chắn không thể là đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, và càng không thể theo chủ nghĩa Mác - LêNin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Việc theo đuổi một chủ thuyết và một hệ tư tưởng nào đó như Chủ nghĩa Marx-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, nếu thấy rằng nó không còn phù hợp với thực tiễn khách quan của sự phát triển của đất nước thì sao không dám kiên quyết dứt bỏ đoạn tuyệt với nó, hay vì dùng cái chủ thuyết và tư tưởng không còn phù hợp đó vẫn có tác dụng lừa bịp được số đông người vẫn còn mù quáng chưa biết rằng những cái đó chỉ là thứ công cụ hòng "Ăn mày dĩ vãng" như nhà văn Phạm Viết Đào đã nhắc tới.

Ai cũng biết vai trò của tổ chức đảng trong các doanh nghiệp là nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của đảng trong doanh nghiệp đó. Do vậy không ai có thể gọi một đảng công khai lãnh đạo việc bóc lột người và tiến hành tư hữu hóa sở hữu toàn dân trái với Tư tưởng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Marx-Lênin là đảng Cộng sản được.

8/3/20110

------------------

(1) http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2010/3/220288/
(2) http://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_%C4%90%E1%BB%A9c_B%C3%ACnh

“Không hối lộ, Chống áp bức”

Ngô Nhân Dụng

Ngày hôm qua, Luật Sư Lê Thị Công Nhân lại bị công an Cộng Sản bắt cóc đem về “bót,” chỉ có mấy ngày sau khi được thả. Họ thay nhau thẩm vấn cô hơn 4 giờ, cuối cùng chỉ cốt để ngăn cản không cho tiếp một phóng viên ngoại quốc đã hẹn gặp để phỏng vấn cô. Hành động của công an Cộng Sản vẫn chứng tỏ chế độ này không có một khái niệm nào về liêm sỉ, không biết xấu hổ, không biết ngượng. Nó cũng chứng tỏ họ sợ thông tin, sợ sự thật, sợ những người dám nói sự thật.

Cô Lê Thị Công Nhân là một người đáng khâm phục. Cô là mẫu người bất khuất. Vì cô nhiệt thành tin vào mục đích của cuộc đời mình. Bước ra khỏi nhà tù Cộng Sản, cô vẫn tươi cười, thản nhiên, vẫn quyết dấn thân suốt đời tranh đấu cho dân Việt Nam được sống tự do. Thanh niên Việt Nam có thể noi gương cô. Nhìn vào tấm gương của cô, thế hệ trẻ ở nước ta sẽ vững tin sẽ có ngày mọi người đều được sống tự do dân chủ.

Niềm tin đó rất cần thiết. Vì hiện nay thanh niên nước ta đang bị lôi kéo vào cuộc sống đam mê vật chất, để chỉ nghĩ đến mình, không quan tâm đến người khác. Trong cuốn Lạc Ðường của nhà văn Ðào Hiếu, một nhân vật tuyên bố: “Hồi trẻ tôi thường nghĩ: Làm người thì phải có lý tưởng, phải tin vào một cái gì đó và phải biết ước mơ... Hàng triệu thanh niên cũng nghĩ như tôi vậy. Nhưng thật tội nghiệp cho thế hệ thanh niên ngày nay... khi lịch sử đã chứng minh rằng lý tưởng chỉ là cái mớ giẻ rách...” Ông Ðào Hiếu đã lớn lên ở miền Nam, học trong hệ thống trường học chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Chính trong hệ thống học đường đó, ông được các thầy cô dậy sống theo một lý tưởng. Ông đã theo mấy giáo sư mà tin tưởng vào đảng Cộng Sản, hoạt động nội thành có công, được gia nhập đảng. Sau năm 1975 ông có lúc được trọng dụng, nhưng hoạn lộ không bằng phẳng vì tính bộc trực, không chịu luồn cúi. Nhưng tại sao một người trên 65 tuổi đó lại tỏ ý chán chường như câu “lý tưởng chỉ là cái mớ giẻ rách”? Nhà văn còn kêu gọi mọi người, “Ðừng tin ai, đừng trung thành với ai, đừng hy sinh vì cái gì cả... (C)ả lũ chúng ta đang bị lừa.” (Lạc Ðường, in 2008, trang 118).

Ðời sống của cô Lê Thị Công Nhân là những lời khẳng khái bác bỏ ý tưởng bi quan yếm thế đó. Thái độ bình tĩnh và nụ cười tự nhiên của cô là một thông điệp hùng hồn nhưng rất giản dị: Chúng ta có thể sống với lý tưởng. Trong lịch sử nhân loại không thiếu gì những vụ lừa đảo, những vụ lừa đảo hàng loạt, lừa đảo cả một thế hệ, lừa đảo một nửa loài người cũng được. Nhưng cuối cùng, suốt lịch sử, loài người vẫn giữ niềm tin vào những giá trị cao hơn cuộc sống cá nhân mình. Cứ té ngã rồi lại đứng dậy. Loài người vẫn nuôi nhiều giấc mộng lý tưởng. Và đó là lý do chúng ta vẫn tiếp tục sống, tiếp tục mưu cầu hạnh phúc, xây dựng một xã hội loài người tốt đẹp hơn.

Chúng ta cảm ơn những người như Lê Thị Công Nhân, vì cô đang tặng cho tuổi trẻ Việt Nam một thứ mà xã hội đang thiếu: Niềm vui sống với một lý tưởng. Dân ta đang cần sống với niềm tin. Nói theo kiểu Phan Bội Châu đời xưa, chúng ta vẫn cần “Chấn Dân Khí.”

Hơn một thế kỷ trước đây, trong cuốn Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư (lá thư mới viết bằng máu và nước mắt, từ quần đảo Lưu Cầu), năm 1903, Phan Bội Châu nói tới ba nhu cầu thay đổi của nước ta: Học thuật, Nhân tài, và Dân khí. Ðổi Học thuật, giống như ngày nay chúng ta nói phải học hỏi khoa học kỹ thuật tiến bộ của nhân loại. Dưỡng Nhân tài, cũng giống như nhu cầu cải thiện giáo dục và đào tạo thanh niên. Phan Bội Châu viết: “Trong ba điều nói trên thì chấn dân khí là (việc cần làm) trước hết.” (Phan Bội Châu Toàn Tập, xuất bản 1990, cuốn 1, trang 145).

Cụ Phan nhận thấy: “Dân khí nước ta bị suy giảm quá tệ.” Cụ nêu lên các triệu chứng: Quen thói sợ hãi; thiếu hiểu biết; người dưới làm điều đê tiện mà không biết hổ, chịu sự ô nhục mà không biết thẹn; người trên lo trang sức cho đẹp mắt, giữ hủ lậu cho yên thân.” Tình trạng dân khí đầu thế kỷ 20 như thế. Hiện nay có thấy tốt hơn hay không, chỉ các nhà trí thức trong nước Việt Nam mới trả lời được.

Phan Bội Châu mô tả tình trạng Dân Khí tồi tệ, nói có những kẻ “Nghe một lời nói khác mình thì khiếp sợ như nghe sấm sét; thấy một người làm khác mình thì cho là quái lạ như Thục khuyển phệ Nhật, Việt khuyển phệ tuyết.”

Phản ứng của các lãnh tụ đảng Cộng Sản khi thấy Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân đứng lên dõng dạc đòi dân Việt Nam được quyền sống như những con người; đúng là họ khiếp sợ như nghe sấm sét! Ðám công an Cộng Sản thấy các ông Nguyễn Thanh Hải, cô Phạm Thanh Nghiên bầy tỏ ý kiến chống Trung Cộng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa thì cũng kinh ngạc không khác gì những con chó ở nước Thục cất tiếng sủa khi trông thấy mặt trời, con chó ở nước Việt thì sủa vang lên khi thấy tuyết; vì những loài chó này ít khi được nhìn thấy các “vật lạ” đó.

Trong thế kỷ trước, Phan Bội Châu đã đặt câu hỏi: Muốn chấn dân khí, phải làm thế nào? Một điều bất ngờ đối với những người Việt sống sau Cụ Phan 100 năm, là câu trả lời của Cụ Phan rất có tính thời sự. Cụ chỉ nêu lên hai việc phải làm. Một: “Cốt yếu là phải tuyệt đường hối lộ để khích lệ lòng liêm sỉ.” Hai: “Phải bớt lệnh áp bức để cổ võ chí khí cương cường.”

Khi đọc hai câu trong tựa đề bài này, chắc nhiều vị độc giả không nghĩ đó là những phương thuốc trị bệnh cho nước Việt Nam do Phan Bội Châu đề nghị từ thế kỷ trước:

“Tuyệt đường hối lộ,” và “Bớt lệnh áp bức.”

Cụ Phan không nêu lên hai việc cần thiết đó như là những khẩu hiệu chống chế độ thực dân Pháp, hoặc chống triều đình nhà Nguyễn nhu nhược hủ lậu. Nhưng cụ coi đó là 2 việc cần làm để giúp cho “dân khí” nước ta phấn chấn. Chấn Dân Khí nghĩa là làm sao con người Việt Nam không hèn nhát, không ỷ lại, không ích kỷ, không sợ cường quyền. Hai cụ Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu đều coi việc chấn dân khí là quan trọng nhất trong công cuộc phục hồi phẩm giá và danh dự cho dân tộc Việt Nam. Một trăm năm sau, điều này vẫn đúng.

Phan Bội Châu coi chống tham nhũng là phương tiện: Phải chấm dứt nạn tham nhũng hối lộ, thì mới tập cho người dân Việt biết thế nào là liêm sỉ. Liêm sỉ mới là cứu cánh. Trong một xã hội mà giới trẻ lớn lên thấy muốn gì cũng phải có tiền; và nếu có tiền thì cái gì cũng mua được; trong xã hội như vậy, thanh niên sẽ mất hết khái niệm về đức liêm sỉ. Trước đây nửa năm, công an Lâm Ðồng bắt đầu tấn công quậy phá các tăng ni trẻ tu tập ở Tu viện Bát Nhã; lúc đó đã có người đánh tiếng rằng vụ rắc rối này có thể thu xếp được. Người ta đưa điều kiện là phải đưa ra một triệu đô la Mỹ. Nhưng các thiền sinh trẻ tuổi ở Tu viện Bát Nhã đã từ chối. Nếu ngỏ lời kêu gọi lạc quyên, thì dù nêu ra bất cứ lý do nào, họ có thể được Phật tử khắp thế giới quyên góp, chắc cũng đủ gần triệu Mỹ kim, có thể mặc cả. Nhưng họ không làm.

Vì họ không thể đóng vai những người đi đưa tiền hối lộ, “cho tiện công việc”. Họ đang tập lối sống chính trực, lương thiện, và muốn khuyến khích mọi người sống chính trực, lương thiện. Nếu đưa tiền hối lộ thì chẳng khác gì tự phủ nhận lý tưởng sống của mình! Họ ở lại tu viện Bát Nhã để làm gì nếu chính lý tưởng của mình đã bị mất? Họ không đưa tiền hối lộ, vì họ yêu nước Việt Nam. Theo đúng lời khuyên của cụ Phan Bội Châu, họ chứng tỏ ở trong nước Việt Nam hiện nay còn rất nhiều người vẫn giữ vững liêm sỉ. Trên đời không phải cái gì cũng mua được! Các tăng ni Bát Nhã đã làm gương cho giới trẻ Việt Nam. Phan Bội Châu viết rõ ràng: “Con đường hối lộ chưa chặn hẳn thì dân khí không sao chấn được!” (Toàn Tập, cuốn 1, trang 146).

Cô Lê Thị Công Nhân, trong một hoàn cảnh khác, cũng nêu tấm gương sáng cho giới trẻ nước ta, theo đúng lời khuyên thứ hai của Phan Bội Châu. Cô và các nhà tranh đấu dân chủ khác đang đòi chính quyền Cộng Sản bớt áp bức những người dân bị oan khuất và các nhà trí thức bất đồng ý kiến. Chính họ đang “cổ võ ý khí cương cường” cho thế hệ các thanh niên đang lớn lên. Nói theo lối cụ Phan, những cuộc tranh đấu đòi tự do dân chủ của giới trí thức nước ta, từ Nguyễn Huệ Chi, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Ðan Quế hay Thích Quảng Ðộ, Nguyễn Văn Lý đều “chống áp bức” để giúp cho người dân Việt Nam hết sợ hãi. Khi đó, “công luận vững như sắt đá, chính lý sáng từ cổ kim; búa rìu không uy hiếp nổi, uy quyền không đe dọa được.” (trang 147)

Phan Bội Châu viết lá thư “Lưu Cầu” này ở Huế, nhưng mượn tên hòn đảo Nhật Bản này vì số phận của dân họ cũng giống nước Việt Nam lúc đó. Lưu Cầu, Riu Kiu, vốn là một vương quốc độc lập không thuộc giống dân Nhật, đã bị Nhật Bản chiếm nhiều lần và bị sáp nhập từ năm 1879, đổi tên là quần đảo Xung Thằng (Okinawa), họ mất nước từ đó tới nay.

Nhiều người Việt Nam cũng đang lo mối nguy mất nước, lúc này đọc lại những lời huyết lệ của cụ Phan còn thấy hợp. Muốn nước đứng vững và tiến lên, trước hết phải chấn hưng “dân khí.” Phải nâng cao tinh thần tự tin và nuôi dưỡng lý tưởng của thanh niên. Lý tưởng không phải là “những cái giẻ rách.” Lý tưởng có thật. Nó giúp cho đôi mắt của Lê Thị Công Nhân lúc nào cũng sáng ngời. Lý tưởng biến các tăng ni trẻ Bát Nhã thành những hạt giống Bồ Ðề. Và chính vì những lý tưởng vị tha, Ðức Giám Mục Ngô Quang Kiệt khuyên các giáo dân từ Vinh lên đưa tiễn ngài hãy thắng mọi sợ hãi. “Chúng ta phụng vụ trong Ðức Tin chứ không phải trong sợ hãi.” Trên đường sang Roma chữa bệnh ngài cũng yêu cầu mọi người hãy can đảm “nói sự thật” mà không sợ đàn áp. Ðó là những bản tuyên ngôn “Chấn dân khí” gửi đến tuổi trẻ Việt Nam.

Chúng ta thấy ở trong nước Việt Nam còn bao nhiêu người nuôi đức tin mãnh liệt, tin vào vào lẽ phải và sự thật, tin tưởng vào phẩm giá con người, tin con người có khả năng hướng vào điều thiện. Tất cả chúng ta có thể lạc quan. Thanh niên Việt Nam có thể sống với lý tưởng; và họ rất đáng sống với lý tưởng. Năm 1903 Phan Bội Châu còn phải chứng kiến nước ta sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và lũ quan lại hủ bại nhà Nguyễn. Nửa thế kỷ sau, dân Việt Nam đã đứng lên phá bỏ gông xiềng. Chế độ Cộng Sản sẽ tàn lụi không khác gì các chế độ thực dân và phong kiến.


http://www.nguoi-viet.com/
 
  

Trung Quốc - Dã tâm "hữu hảo" và những hành vi trắng trợn nhằm cướp trọn biển Đông



Lan Hương

VIT - Kể từ đầu năm 2010, Trung Quốc đã không ngừng gia tăng ảnh hướng xuống biển Đông trên nhiều lĩnh vực như hoạt động dầu khí, du lịch, quân sự, đánh bắt thủy hải sản... Điều này đã khẳng định về một dấu hiệu Trung Quốc muốn đơn phương khẳng định chủ quyền Biển Đông.
Đối với vấn đề biển Đông, lãnh đạo Trung Quốc đã luôn kêu gọi cần phải có hòa bình, ổn định, phát triển và hợp tác. Tại buổi họp báo sáng 06/1/2010 ở Hà Nội, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường nói rằng, chúng ta đã thiết lập cơ chế đàm phán vấn đề trên biển, thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy tiến trình đàm phán.  Để giải quyết tranh chấp, hai bên cần xuất phát từ đại cục, toàn cục và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, tạm gác lại tranh chấp, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường, thuận lợi của quan hệ hai nước. Tôi nghĩ đây là cách làm phù hợp nhất.

Tuy nhiên, ngay đằng sau lời nói trên của ông Tôn Quốc Tường, thì hoàng loạt các hoạt động cả về kinh tế và quân sự của Trung Quốc vẫn được tăng cường trên biển Đông, đặc biệt có nhiều hoạt động đã vi phạm nghiêm trọng tới chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.

Các tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam.

Tin từ Ban tác chiến Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết vào hồi 7g30 sáng ngày 03/1/2010, qua mạng thông tin biển, lực lượng biên phòng Đà Nẵng đã phát hiện có đến gần 20 tàu cá Trung Quốc xâm phạm trái phép lãnh hải Việt Nam trên vùng biển Thừa Thiên Huế để đánh bắt trộm hải sản. Ngay sau đó, các lực lượng biên phòng Việt Nam đã phối hợp để đẩy đuổi các nhóm tàu cá này ra khỏi lãnh hải. Theo lực lượng biên phòng Đà Nẵng đây không phải là lần đầu tiên, mà trước đó nhiều lần, lực lượng biên phòng Đà Nẵng đã phải dùng xuồng cao tốc đến ngay ngư trường có tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt trái phép để đẩy đuổi ra khỏi vùng biển chủ quyền.

Đặc biệt, hôm 29/1/2010, có đến 100 tàu cá Trung Quốc bị phát hiện đang đánh bắt hải sản trái phép ở vĩ độ 17, kinh độ 108’30, sát bờ biển Quảng Trị - Thừa Thiên Huế; ngày 02/2/2010, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã cử lực lượng xuất kích đuổi 30 tàu cá Trung Quốc đang xâm nhập sâu vào vùng biển miền Trung, chỉ còn cách bờ biển Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế khoảng 45 hải lý; ngày 06/2/2010, một số tàu cá Trung Quốc vẫn tiếp tục xâm phạm vùng biển miền Trung đánh bắt cá trái phép. Có tàu do mải mê đi theo luồng cá nên vô tình xâm nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam, nhưng cũng có nhiều tàu cá cố tình lấn sâu vào vùng biển miền Trung để khai thác trái phép.

Hoạt động tuần tra ngư trường

Tại buổi mít tinh kỷ niệm 15 năm "xây dựng và bảo vệ" bãi đá Vành Khăn thuộc Trường Sa hôm 09/2/2010, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Ngưu Thuấn phát biểu rằng Trung Quốc sẽ "kịp thời điều chỉnh tư duy về khai thác và quản lý nghề cá" ở khu vực Trường Sa. Vì ông cho rằng "căn cứ theo tình hình mới, tăng cường tuần tiễu ngư chính bảo vệ nghề cá trên vùng biển Trường Sa, là nhằm giữ gìn lợi ích biển quốc gia".

Lời phát biểu trên của ông Ngưu Thuấn thực sự đã đi ngược lại với nhận thức chung của lãnh đạo hai nước và đối nghịch hoàn toàn với quan điểm của ông Tôn Quốc Tường đã phát biểu hôm 06/1/2010 ở Hà Nội. Trong khi đó ông Ngưu Thuấn cũng thừa hiểu rằng, việc đưa tàu tuần tiễu ngư chính tới Trường Sa là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và làm phức tạp thêm tình hình.

Gia tăng các hoạt động quân sự

Các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại các khu vực trên Biển Đông cũng thường xuyên được duy trì. Đặc biệt là lực lượng tàu chiến và máy bay thuộc Hạm đội Nam Hải đã liên tục tiến hành các hoạt động tuần tra và tổ chức diễn tập trên Biển Đông. Mới đây nhất vào khoảng giữa tháng 2/2010, Hạm đội Nam Hải đã điều động một đội tàu khu trục tới phối hợp với các tàu của lực lượng Hải quân Đánh bộ và các tàu hậu cần tổ chức 10 khoa mục huấn luyện trên Biển Đông như: Tìm kiếm và cứu hộ, phối hợp chống khủng bố, kiểm soát trên biển và trên không, huấn luyện chiến thuật tác chiến trên biển cho sỹ quan và binh lính và các khoa mục khác.

Đẩy mạnh hoạt động khai thác dầu khí

Kể từ vài tháng gần đây Trung Quốc đã không ngừng đổi mới về công nghệ khai thác, đầu tư sản xuất các phương tiện khai thác, tăng cường mở rộng phạm vi khai thác trên vùng nước sâu ở biển Đông, cụ thể là các mỏ dầu trọng yếu thuộc bồn địa Quỳnh Đông Nam và khu mỏ ở Liwan. Trước đó ngày 18/10/2009, Trung Quốc đã chuyển giao tàu khảo sát băng cháy đầu tiên mang tên “Ocean No 6” cho Cơ quan Khảo sát Địa chất biển của tỉnh Quảng Châu để thực hiện việc thăm dò các mỏ băng cháy trên biển Đông.

Tiếp đó, ngày 26/2/2010, tạp chí Thượng Hải cho biết, Trung Quốc đã hoàn thành giai đoạn lắp ráp chiếc giàn khoan bán ngầm nội địa đầu tiên. Chiếc giàn khoan bán ngầm này do Viện Nghiên cứu 708 thuộc Tập đoàn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc thiết kế và chế tạo với tổng trị giá khoảng 06 tỷ NDT (887 triệu USD), giàn khoan có trọng lượng trên 30.000 tấn và có thể khoan ở vùng nước sâu 10.000 m, đây là một trong những giàn khoan hiện đại nhất thế giới. Giàn khoan sẽ được chuyển giao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) vào tháng 12/2010 để tiến hành tác nghiệp trên biển Đông.

Cũng để tăng cường khả năng khai thác dầu khí ở vùng nước sâu trên khu vực biển Đông, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đang có những nỗ lực để đưa Trung tâm Kỹ thuật Dầu khí Chu Hải ở tỉnh Quảng Châu đi vào hoạt động trong đầu năm tới. Trung tâm sẽ được đầu tư khoảng 30 – 50 tỷ yuan để phát triển một số dự án trọng điểm tại Trung tâm chu Hải gồm: Xây dựng dự án khí hóa lỏng (Gaolangang LNG), dự án mỏ dầu Liwan3-1, dự án điện năng Zhuahi 9F, dự án khí hóa lỏng tự động và dự án lọc dầu. Trung tâm này sẽ phục vụ cho các hoạt động khảo sát và thăm dò dầu khí của Trung Quốc trên Biển Đông

Tuy nhiên, việc Trung Quốc liên tục đưa các tàu khảo sát, giàn khoan và các phương tiện phục vụ hoạt động về dầu khí tới Biển Đông mà không được phép của Việt Nam là vi phạm vào chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo hai nước và làm phức tạp thêm tình hình trong khu vực.

Bên cạnh việc gia tăng về các hoạt động tàu cá, tàu tuần tra ngư trường, các hoạt động quân sự và hoạt động khai thác dầu khí, thì các hoạt động du lịch của Trung Quốc cũng thường xuyên được đẩy mạnh, Trung Quốc cũng đã tự ý đưa các đoàn du lịch, phóng viên ra đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng các công trình phục vụ du lịch tại khu vực đảo Hải Nam.

Nhìn lại toàn bộ các sự việc và hành động của Trung Quốc trong thời gian vừa qua thấy rằng, những lời tuyên bố hay lời kêu gọi về sự hòa bình, ổn định, phát triển và hợp tác trên khu vực Biển Đông của ông Tôn Quốc Tường, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam là hoàn toàn trái ngược, dường như lời nói của ông này không có trọng lượng.

Lan Hương