26/2/11

Lãnh thổ giá rẻ

Lãnh thổ giá rẻ

Cứ hễ viết bất cứ một sự thật trái tai gai mắt xảy ra trong nước thì cứ y như là… do “ Thế lực thù địch”…
Tấm biển kèm kế bên do tôi “chộp” được từ báo trong nước – Mặc dù không biết họ in biển đó có ý gì, để làm gì, nhưng tôi thấy nó thật có ý nghĩa để minh họa và làm tựa cho những bài tôi “ copy” “ sao y bản chính” từ các báo của Việt Cộng để bà con mình đọc chơi.
Hôm thứ Ba, ngày 22.2.2011/ 17:40 báo Lao Động phát hành tại Việt Nam có bài:
Thác nước Detian – Trung Quốc – Thiên đường hạ giới
(LĐO) – Nằm ở thị trấn Thạc Long, huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, thác nước Detian (hay còn gọi là thác Đức Thiên) từng được biết đến là một trong 10 thác nước hùng vĩ nhất thế giới và cũng nằm trong danh sách những cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời nhất đất nước Trung Hoa.Thác Detian nằm ngang biên giới hai nước Trung Việt, hình thành ba bậc, rộng hơn 100 mét, độ chênh lệch gần 50 mét, phong cảnh vô cùng tráng lệ. Mỗi mùa xuân – hạ – thu – đông, thác Detian lại có một dáng vẻ riêng.
Mùa xuân, hai bên bờ sông Quy Xuân hoa mộc miên (hoa gạo) nhuộm đỏ dòng thác trắng muốt. Mùa hè, tiếng thác nước ầm ầm, xối xả. Đến mùa thu, từng lớp từng lớp ruộng bậc thang bên thác nước ngả màu vàng ruộm, dòng nước trở nên trong vắt. Bước vào mùa đông thì mực nước ở thác hạ thấp, dòng nước phẳng lặng, yên ả.
( Bài này sau vài tiếng thì BBT báo Lao Động gở xuống nhưng, anhbasàm dẫn vô đây…còn y nguyên bằng chứng: Đây là bộ nhớ cache http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Thac-nuoc-Detian–thien-duong-chon-ha-gioi/33564 của Google. )
Híc..Híc…Thác Detian (Đức Thiên ) sao giống y như thác Bản Giốc của Việt Nam vậy ta ( kèm hình để so sánh nha )
Thác Nước Bản Giốc – Việt Nam
Thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Bản Giốc là một thác nước cao hùng vĩ và đẹp nhất của Việt Nam, không chỉ là điểm du lịch hấp dẫn mà còn là nguồn thủy điện lớn trong tương lai. (http://dulichvietnam.asia/vn/?product.item.4934 )
Kết luận: Thác Detian (Đức Thiên ) và Thác Bản Giốc là một! Detian – Ban Gioc Falls
Có bản đồ nữa nè…
Coi thêm ông Thứ trưởng bộ Ngoại Giao Việt Cộng – Vũ Dũng tuyên bố:
“… Biên giới là một lịch sử dài nên qua lại xâm canh, xâm cư rất bình thường. Sau Hiệp định 1999 hai nước đang giải quyết vấn đề này. Chỗ nào thuộc về Trung Quốc thì trả về Trung Quốc, phần nào của Việt Nam thì trả về cho Việt Nam. Tuyệt nhiên không được hiểu là ta bị mất đất”. bài trả lời phỏng vấn của các phóng viên Báo Pháp luật Tp.HCM
Hu ..Hu!!…Lãnh thổ Việt Nam đâu có mất, chỉ bán rẻ thôi, coi hình dời cột mốc đây:
thụyvi
( Hầm Nắng, 23 – 2 – 2011 )
Những tài liệu trên trích từ trang Anh Ba Sàm: + Quảng cáo du lịch của Trung Quốc về địa danh Đức Thiên-Detian Waterfall in Guangxi; + Bài gốc: Paradise on earth: Detian Waterfalls in S China; + Ảnh gốc: Paradise on earth: Detian Waterfalls in S China attract visitors; + Trên Nhân dân Nhật báo: Paradise on earth: Detian Waterfalls in S China attract visitors; + Quảng cáo trên trang CRI từ năm 2005: Detian Waterfall; + Trên Wikipedia tiếng Anh, rõ ràng 2 tên này là của một cái thác: Detian – Ban Gioc Falls.

DI CHÚC Số 1 của Linh mục tù nhân lương tâm Tađêô Nguyễn Văn Lý

DI CHÚC Số 1 của Linh mục tù nhân lương tâm Tađêô Nguyễn Văn Lý In
Viết bởi Lm. Nguyễn văn Lý   
Nhà Chung Tổng Giáo phận Huế, ngày 02-02-2011
Ngày 15-3-2011 Nhà cầm quyền (NCQ) Cộng sản Việt Nam (CSVN) sẽ đưa tôi vào lại trại giam, tiếp tục áp bức tôi chịu bản án ngày 30-3-2007 tù giam 8 năm và 5 năm quản chế mà tôi luôn phủ nhận, vì nó hoàn toàn bất công và trái Công pháp Quốc tế. Để quyết liệt phản đối, tôi sẽ tuyệt thực vô thời hạn liên tục nhiều đợt nối tiếp nhau và khước từ mọi điều trị của bạo quyền CS (bệnh tai biến mạch máu não 3 lần gây liệt tay-chân phải từ tháng 5-2009, hiện đã khỏi khoảng 60% và thi thoảng bị xuất huyết chi dưới đến nay đã 6 lần). Vì không biết chắc những gì sẽ xảy ra, tôi xin gửi lại vài điều cần thiết cho Giáo hội, thân nhân và toàn thể Đồng bào Việt Nam (VN) thân yêu trong và ngoài Nước, thay cho các Di chúc tôi đã viết hàng năm mỗi khi có điều kiện (Giáo luật), như là nỗ lực cuối cùng để hoàn thành trách nhiệm với Đồng bào, Dân tộc, Tổ quốc, Giáo hội và Thiên Chúa theo lương tâm thôi thúc đòi buộc.
I. Vài chuyện riêng.
1. Tạ ơn và tạ tội : Con tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho con muôn hồng ân trong gần 65 năm làm người và gần 64 năm được sinh ra làm con dân Nước Việt, được làm con Chúa và Hội Thánh Công giáo, được ăn học làm Linh mục gần 37 năm, được chia sẻ kiếp tù đày của hàng triệu người Việt 5 lần gần 17 năm (còn thêm 5 năm nữa) và bị quản chế 8 lần 15 năm (còn thêm 5 năm và vô thời hạn). Xin Chúa và mọi người tha thứ tất cả lỗi lầm của con do chưa sống xứng đáng đời một Tín hữu Công giáo, và chưa biết đấu tranh hiệu quả giúp Dân tộc VN thoát khỏi chế độ CS gian manh bạo tàn.
2. Về thân xác : Sau khi con qua đời, kính xin Tòa Tổng Giám mục Huế cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn cầu nguyện cho con không có xác cũng được. Xin trao xác con cho bệnh viện nào gần nhất có thể lấy được một số nội tạng cấy ghép được cho những ai cần : giác mạc, tim, gan, thận, gân, mạch,… Sau đó xin trao cho Đại học Y Huế giúp sinh viên học giải phẩu. Khi không còn sử dụng nghiên cứu nữa, nếu Đại học Y gửi lại thi thể, kính xin Tòa TGM Huế chôn táng con với một hòm gỗ rẻ tiền nhất của Dân nghèo. Xin ghi 2 bên quan tài : Chúa Là Sự Sống Lại, Tự Do Tôn Giáo Hay Là Chết. Xin miễn mọi hoa đèn phúng điếu/tiệc chia ly tốn kém. Sau Thánh Lễ Tạ Ơn, xin hết lòng ghi ơn mọi người, kính xin mọi người yên lặng chia tay nhanh, tiết kiệm thời giờ tối đa.
Trên mộ, dưới chân Thánh giá, xin ghi :         Con chỉ là hạt sương long lanh ngọn lá,
Phút chốc bốc hơi không dấu vết Chúa ơi,
Con chỉ là hạt bụi cuộc đời,
Một làn gió thoảng cuốn mất thôi !
Dưới chân mộ, xin ghi :  Đời con là một chuỗi ngày thiếu sót với Chúa và với mọi người. Xin tha thứ.
Nếu Đại học Y Huế đã tiêu hủy, xin Gia tộc và mọi người thay vì đau lòng, phải vui mừng đợi ngày gặp lại nhau trong Nước Chúa với thân xác phục sinh hiển vinh.
3. Tôi không nợ/hứa gì ai, chỉ để lại ít sách vở/đồ dùng, xin Sở Quản lý Nhà Chung và Gia tộc chia cho các Linh mục, Nữ tu con đi tu của tôi, các cháu, Bạn hữu và các sinh viên/học sinh sử dụng hữu ích.
II. Phải làm gì trước hiện trạng của Giáo hội Công giáo, các Tôn giáo và Tổ quốc VN ?
1. VN chưa có Tự do Tôn giáo (TDTG) thực sự và đầy đủ cho 6 TG hiện diện (Cao Đài, Công Giáo, Hồi Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Tin Lành). TDTG gồm 4 điều chính yếu liên quan chặt chẽ với nhau mọi TG đều phải được quyền có, nhưng chưa có :
1.1. Các Tôn giáo (TG) phải được thừa nhận tư cách pháp nhân và được đối xử công bằng : Tại VN, chưa có TG nào được thừa nhận tư cách pháp nhân cả, chỉ mới được phép đăng ký có mặt. Một số Giáo hội Tin Lành tư gia chưa được phép đăng ký và chưa được đối xử công bằng hợp lý.
1.2. Các TG phải được tự do phát triển theo khả năng mình có, chỉ bị pháp luật ràng buộc như mọi công dân/tổ chức khác, để không xâm phạm tự do của cá nhân/tổ chức khác : Tại VN, điều này chưa TG nào có được. Chỉ TG nào hoàn toàn tùng phục NCQ CSVN mọi mặt, mới được tự do làm nô lệ cho bạo quyền CS mà thôi. Sau đây chỉ là vài thí dụ minh chứng :
+ Suốt 260 năm Đạo Công giáo bị bắt bớ từ thời vua Lê chúa Trịnh chúa Nguyễn đến thời Văn Thân (1617-1877), tuy nhiều lúc Giáo hội Công giáo (GHCG) phải sinh hoạt lén lút, bị triệt hạ, tàn sát…nhưng các quyền thiêng liêng cơ bản nhất như tuyển chọn chủng sinh, đào tạo/phong chức/bổ nhiệm linh mục/giám mục GHCG đều chủ động, không bị mất. Còn trong chế độ CS, luôn được rêu rao là tự do ưu việt gấp ngàn lần các Nước khác, tất cả các quyền cơ bản này GHCG đã bị mất vào tay bạo quyền CSVN ! Các TG chỉ được sinh hoạt trong vòng chiếc thòng lọng siết cổ các TG mà thôi. Điều này chính xác 100%.
+ GHCG VN có duy nhất một Học viện Giáo hoàng Piô X tại Đà Lạt để đào tạo các Linh mục tốt nghiệp cử nhân thần học, thì đã bị "được phép trao nhượng" hoàn toàn không thỏa đáng ngay sau năm 1975 để làm trường đảng. Tiểu chủng viện Hoan Thiện nơi đào tạo Linh mục, số 11 đường Đống Đa, Huế bị Công an CS dùng bạo lực cưỡng chiếm rất tàn nhẫn tháng 12-1979 để bị làm Festival Hotel,… NCQ CSVN đang nỗ lực để đạt tiêu chuẩn 1 giáo viên dạy 25-50 học sinh/sinh viên mà tình trạng giáo dục hiện nay suy đồi đến thế, trong khi tỷ lệ của GHCG VN hiện là 1 Linh mục phải phục vụ trên 20.000 Giáo dân, chưa kể số Lương dân trong vùng và nhu cầu thiếu Linh mục rất trầm trọng ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Châu Phi, Châu Âu,… nhất là 26 Giáo phận không có Giáo phận nào có Tiểu chủng viện (bị tịch thu/đóng cửa), chỉ có 6 Đại chủng viện, khiến chất lượng đào tạo linh mục yếu kém hoặc rất yếu kém do thiếu nền tảng nhân bản từ đầu.
+ Mọi Tín đồ và Tu sĩ, Giáo sĩ đều bị buộc phải học và tin yêu Chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ nghĩa Xã hội (CNXH), Con người và Tư tưởng Hồ Chí Minh (HCM) từ Mẫu giáo, Tiểu học, Trung học, Đại học, Chủng viện, Thiền viện, Tu viện, Học viện. Tín đồ, Tu sĩ, Giáo sĩ nào không muốn, thì cũng phải ép lương tâm tự dối lòng, học và làm bài sao cho qua được các kỳ thi. Đặt bút xuống viết bất cứ một loại giấy hành chính…  "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" là đã nói dối viết dối. Cầm tiền giấy in hình ông HCM rất nhiều người chỉ muốn xé ngay, nhưng mọi người đều vẫn phải cất giữ để sinh sống là đã tự dối. Tôi đã công khai khẳng định rất nhiều lần : VN đang là một trường dạy buộc nói dối tinh vi và khổng lồ. Văn hóa Dân tộc bế tắc tận nền tảng.
1.3. Các TG hoặc các Tín đồ được tham gia đời sống xã hội, chính trị… theo đúng niềm tin TG của mình: Tại VN, điều này chưa TG nào có được. Chưa TG nào có riêng một tờ báo, nhà in, nhà xuất bản, giờ phát thanh/truyền hình, nói gì đến đài phát thanh/truyền hình, trường tiểu/trung/đại học, viện nghiên cứu, hội đoàn chính trị… lại càng xa vời. Chỉ vài năm gần đây, viện mồ côi, nhà khuyết tật, dưỡng đường bệnh nhân AIDS… NCQ CSVN không thể lo xuể, mới hé ra cho vài TG "được phép làm từ thiện, được quyền thương người" với bao nhiêu khó khăn về thủ tục, cơ sở, nhân sự,…
1.4. Muốn có TDTG thực sự đầy đủ, các TG phải có Tự do Ngôn luận (TDNL) để rao truyền niềm tin TG của mình theo đúng tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc (LHQ), căn cứ trên các Văn bản Công pháp Quốc tế :
+ Công Ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị, của LHQ ngày 16-12-1966, VN xin tham gia ngày 24-09-1982 : Mọi người có quyền TDNL. Quyền nầy bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ (điều 19,2).
+ Tuyên ngôn QT Bảo vệ những người đấu tranh cho Nhân quyền” ngày 9.12.1998 : Mọi người đều có quyền : Lưu giữ, tìm kiếm, thu đạt, nhận và bảo quản những thông tin về tất cả các quyền con người và tất cả các tự do căn bản, nhất là được toàn quyền tiếp cận với những thông tin liên quan đến cách ứng dụng các quyền và các tự do qua những hệ thống lập pháp, tư pháp hay hành chánh quốc gia (điều 6.a) ; Xuất bản, thông báo cho người hay phổ biến tự do mọi ý kiến, mọi thông tin và mọi kiến thức về các quyền con người và các tự do căn bản, y theo sự qui định của những văn bản QT liên quan đến các quyền con người và những văn bản QT khác có thể áp dụng (điều 6.b) ; Nghiên cứu, thảo luận, đánh giá và lượng định sự tôn trọng, trên pháp lý cũng như trong thực hành, tất cả các quyền con người và tất cả các tự do căn bản, và làm cho công chúng chú ý đến vấn đề này bằng cách này hay mọi cách thích hợp khác (điều 6.c).
+ Luật Ký kết, Tham gia và Thực hiện Điều ước Quốc tế do NCQ CSVN ban hành ngày 24.6.2005, hiệu lực ngày 01.01.2006 : Trong trường hợp văn bản qui phạm pháp luật trong nước và điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có qui định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng qui định của điều ước quốc tế (điều 6,1). Việc ban hành văn bản qui phạm pháp luật phải bảo đảm không làm cản trở việc thi hành điều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có qui định về cùng một vấn đề (điều 6,2). Nghĩa là khi có điều nào trong Luật pháp của một Nước thành viên LHQ khác với hoặc mâu thuẫn với Luật Quốc tế, thì phải áp dụng Luật Quốc tế là Văn bản pháp lý có giá trị ràng buộc cao hơn.
Nhưng trong thực tế, quyền TDNL tại VN hiện nay thua xa tại nước Anh thời Karl Marx (1840-50), tại nước Pháp thời Nhóm Người Việt Yêu Nước hoạt động (1910-30), và ngay tại VN thời Pháp thuộc khi cụ Huỳnh Thúc Kháng xuất bản báo Tiếng Dân tại Huế năm 1927 và  Ông Nguyễn An Ninh xuất bản báo La cloche fêlée (Tiếng chuông rè/rạn) ở Sài Gòn năm 1923 chống lại Thực dân Pháp. Thời đó, riêng tại Nam Kỳ, Việt Nam, các đảng viên cộng sản, nếu đấu tranh bất bạo động, dù công khai, vẫn không bị bắt.
+ Nhìn vào các sinh hoạt TG có tính lễ hội, những ai nói ở VN hiện nay họ vẫn đang sinh hoạt TG bình thường hoặc là do mù nhận thức, hoặc cố tình ép lương tâm nói dối. Dù tất cả mọi người tại VN nói VN đang có TDTG, thì riêng tôi vẫn xác quyết VN chưa có TDTG thực sự, đang bị mất những điều cơ bản nhất.
+ Muốn có TDTG, TDNL trước tiên phải thoát Họa Mất Nước do "diễn biến hòa bình từ từ nô lệ" Trung Cộng (TC) tham lam và tàn bạo, đồng thời phải thoát khỏi chế độ CS độc tài gian trá.
2. Tại sao phải chống Giặc Tàu và phải cấp bách giải thể chế độ CSVN ?
Tổ quốc VN đang phải gánh chịu các tổn hại cực kỳ to lớn :
2.1. Tổn hại toàn diện trong thân phận kiếp người : Khi đẩy Dân tộc và Tổ quốc VN ngày càng nô lệ TC, Đảng CSVN đã và đang làm tổn thương tình yêu Nước thiêng liêng và danh dự của người VN khắp nơi trên thế giới, quốc nội lẫn hải ngoại, nghiêm trọng nhất là đang biến gần 87 triệu người Việt quốc nội và con cháu ngàn đời sau, trở thành những nô lệ của các tộc người Trung Hoa, vì TC vừa đông hơn, vừa mạnh hơn, tham lam hơn và nhất là tàn ác hơn. Kể cả sau này khi Trung Hoa đã thoát khỏi Chế độ CS, kiếp nô lệ ấy vẫn tiếp tục đè nặng trên Dân tộc Việt.
2.2. Tổn hại lãnh thổ - lãnh hải của Tổ quốc ngàn đời :
Đảng CSVN đã và đang tiến hành biến Tổ quốc VN thành thuộc địa của TC, biến Dân tộc VN thành nô lệ của TC. Dưới chế độ CS, Tổ quốc VN chúng ta đã :
- mất từ 760 km2 đến 1.000 km2 ở vùng biên giới lãnh thổ phía Bắc.
- mất từ 11.000 km2 đến 20.000 km2 ở vùng  biên giới lãnh hải Vịnh Bắc Việt.
- mất nhiều địa điểm mang tính lịch sử như Ải Nam Quan, Bãi Tục Lãm, phân nửa thác Bản Giốc... và nhiều cao điểm chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng.
- mất Quần đảo Hoàng Sa và phần lớn quần đảo Trường Sa, là tài nguyên về khoáng sản, hải sản và là tiền đồn phía Đông Tổ quốc.
- mất quyền kiểm soát vùng Tây Nguyên do việc để cho TC khai thác bôxit, mất quyền kiểm soát hơn 300 ngàn hecta rừng đầu nguồn và hàng chục ngàn hecta duyên hải do việc để cho TC thuê mướn lâu dài.
+ Do đâu và bởi ai mà một phần lãnh thổ và lãnh hải trọng yếu của Tổ quốc Việt Nam, vốn vẫn nguyên vẹn qua hàng ngàn năm dựng Nước và giữ Nước, tự dưng lại bị mất vào tay Trung Cộng cách quá dễ dàng từ khi Đảng CSVN cướp Chính quyền năm 1954 ? Các tội đồ này và các đồng lõa không được phép và không xứng đáng tiếp tục khiên cưỡng độc đoán lãnh đạo Đất nước này, ngoài ý chí của toàn Dân nữa.
+ Nếu VN là đệ tử, nô lệ của TC, thì làm sao chống lại TC được ? Vì thế, "phải tiến hành thiết lập Chế độ Dân chủ Đa nguyên Đa đảng VN Thăng tiến Hòa bình, văn minh thân thiện giữa Cộng đồng Quốc tế, để đủ sức vừa ngăn chặn hiệu quả TC bành trướng tham lam, vừa dựa vào Công pháp Quốc tế giúp thu hồi lại phần lãnh thổ và lãnh hải trọng yếu của Tổ quốc VN đã bị mất vào tay TC, chấm dứt tình trạng nô lệ TC ngày càng lộ rõ không thể biện minh trước Quốc Dân và Quốc tế."
(Trích Thư yêu cầu trả lời dứt khoát với Quốc Dân về lãnh thổ và lãnh hải của Tổ quốc đã bị CSVN trao nhượng cho Trung Cộng tôi gửi ông Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình ngày 30-1-2011).
+ Hơn nữa, "Chế độ Cộng sản độc tài vô thần duy vật đã trở thành một đại họa vô cùng cay đắng cho Nhân loại, một thử nghiệm đã hoàn toàn thất bại trên toàn cầu về một ước mơ công bằng, hòa bình, văn minh, thịnh vượng không bao giờ đạt. Mọi người có chút lương tri và tâm trí đều không muốn chế độ vô luân này tồn tại thêm giây phút nào trên hành tinh này nữa. Riêng tại Việt Nam, suốt 80 năm qua, kể từ năm 1930 khi Đảng CS Đông Dương, tức là Đảng CSVN, có mặt trên Quê hương chúng ta, thì hận thù, gian trá, áp bức, cướp đoạt, bất công, bạo lực, đấu tố, khủng bố, chiến tranh… triền miên xâu xé Tổ quốc và Đồng bào chúng ta, dưới đủ mọi hình thức, vừa thô bạo vừa tinh vi, khiến không một người Dân Việt nào được an tâm vui sống trọn vẹn dù chỉ một ngày. Trãi nghiệm quá khổ đau chán ngấy này trong mỗi người chúng ta không nên kéo dài thêm ngày nào trên Dân tộc và trong tâm hồn con cháu thơ ngây vô tội của chúng ta nữa."
(Trích Lời Kêu Gọi Tiến Hành Giải Thể Chế Độ CS Để Thiết Lập Chế Độ Dân Chủ Đa Nguyên Đa Đảng VN Thăng Tiến Hòa Bình của tôi ngày 01-01-2011, viết tắt LKG THGTCDCS).
3. Làm thế nào để giải thể chế độ CS tại VN ?
3.1. Dân tộc Việt Nam có truyền thống anh hùng hàng ngàn năm qua, nhưng sau hơn 60 độc tài toàn trị, CS đã phạm một tội ác cực kỳ to lớn là đã lấy đe dọa, khủng bố, đàn áp và dối gạt làm cho phần lớn Đồng bào VN hiện nay bị biến chất và thoái hóa, trở nên bạc nhược và rất bạc nhược. CS đã ranh ma thiết lập độc tài toàn trị dựa trên 2 vũ khí truyền đời : lừa dối và đe dọa, biến Toàn Dân VN thành nạn nhân nô lệ.
3.1.1. Phải lấy Sự Thật để thắng dối trá. Phải sưu tập và chuyển tải Sự Thật thật sâu rộng trong mọi giới Đồng bào trong và ngoài Nước. Nhưng Sự Thật phải được chuyển đến mọi người bằng nhân ái, cảm thông, ôn hòa, văn minh, lịch sự mới tác dụng tốt. Sự Thật được chuyển bằng hận thù cay độc thì không thể hữu hiệu.
3.1.2. Phải lấy Nhận Thức, Trí Tuệ và Giác Ngộ để thắng sợ hãi. Giới Bình dân sợ mất hộ khẩu, bị đuổi học, mất việc làm… an nguy của cả gia đình. Họ trông đợi giới Lãnh đạo, Nhân sĩ, Trí thức xông ra gánh vác để họ nương theo. Đáng tiếc là các giới Nhân sĩ này lại đang có địa vị, nhiều quyền lợi, càng sợ mất nhiều thứ hơn : sợ mất nhiệm sở ngon, sợ con cái mất đại học, mất du học, mất việc làm lương cao, mất tương lai hoành tráng… nhưng luôn "khôn khéo" che đậy lòng ích kỷ và nhu nhược của mình bằng các lập luận ngụy trang với những kiểu nói "mưu sĩ dạy đời, uyên bác thâm trầm, nhạy bén sâu sắc, làm ra vẻ ẩn sĩ nhẫn nại chờ thời" (đại loại : Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống; Tôi còn trách nhiệm với bao người, tôi tham gia thì nhiệm vụ cao cả ai gánh vác thay? Giả như con cái tôi trưởng thành rồi, thì tôi… ; Lúc này chưa đến lúc, liều lĩnh chỉ có chết; Làm sao trứng chọi được đá ? Để những người chuyên môn, còn mình chỉ cần theo dõi là đủ; Làm không đúng thời điểm, lẽ ra đến lúc dân có thể đứng lên thì nay dân không thể đứng lên được…).
+ 90 triệu Dân VN cần cùng nhau nhận thức cho thật chuẩn xác : Chế độ CSVN thực sự cần đào thải thay thế không ? a) Nếu ai cho rằng không cần, thì cứ an tâm cúi đầu cho nó tiếp tục lừa dối và đe dọa, kéo lê kiếp nô lệ truyền qua đời con cháu chắt chít…cho đến khi nào nó tự mục ruỗng đến mức tự hũy, mất hàng trăm năm nữa. b) Nếu ai cho rằng, dù CS kéo dài thêm một ngày cũng không thể để nó tồn tại, cũng "không thể sửa chữa nó, mà phải thay thế nó"(TT Nga Boris Yeltsin), vì nó là "dối trá, và chỉ là dối trá" (ĐGH Gioan-Phaolô II) thì phải hiệp lực quyết tâm thay thế nó. "Dù một hệ thống quyền lực mục ruỗng đến đâu, nó cũng tự đề kháng để tồn tại, cho đến khi có một lực mạnh hơn xô nó ngã" (Lê-nin). c) Còn những ai vừa thấy cần phải thay thế nó, nhưng không dám làm gì, chỉ ngồi đợi người khác làm cho mình hưởng thì… Chúng ta kêu gọi CS từ bỏ độc quyền mà giới Nhân sĩ chúng ta còn bám níu quyền lợi hơn CS nữa, thì có tự mâu thuẫn không ? Giới Nhân sĩ mà ngồi đợi cho giới Bình dân đấu tranh và thiết lập đời tự do cho mình hưởng thì quá phi lý, phải tự hổ thẹn mà xông ra gánh vác, mới là đáng mặt sĩ phu quân tử.
+ Lẽ ra trong chế độ CS, thanh niên nam nữ không nên sinh con buộc con cái phải làm nô lệ. Nay đã sinh các em rồi, thì phải nỗ lực giải thoát con cái. Lo cho con em học bổng, thành đạt… vẫn không quan trọng bằng giúp giải thoát các em khỏi bệnh dối trá và sợ hãi của kiếp nô lệ đúng nghĩa. Hơn 60 năm qua, nhất là từ 1975 đến nay, chúng ta đã quá lo toan chuyện phụ tùy mà cố tình dối lòng lờ đi chuyện chính yếu.
+ Làm điều chính đáng, dù một người cũng luôn kiên vững không sợ. Nay một tập thể đông, không lẽ CS dám đuổi học cả trăm/ngàn/vạn sinh viên/học sinh ? Và cho dù bị đuổi học thì cũng chưa là gì, so với việc bị kéo lê kiếp nô lệ của dối trá và sợ hãi. Toàn Dân phải rũ bỏ sợ hãi, cùng đồng loạt đứng lên, lấy lại khí phách uy dũng của giòng máu Lạc Hồng. Giới Nhân sĩ phải tiên phong, giới Bình dân phải hỗ trợ. Đôi bên bổ sung nhau, cùng giúp nhau đứng lên tự làm cuộc trưng cầu ý dân tự phát, bằng các cuộc đấu tranh/biểu tình ôn hòa bất bạo động toàn diện tự phát (ĐT/BTÔHBBĐTDTP) hàng loạt.
3.2. Đấu Tranh/Biểu Tình Ôn Hòa Bất Bạo Động Toàn Diện Tự Phát : Trong 2 Bản Hướng dẫn ĐT/BTÔHBBĐTDTP ngày 01 & 20-01-2011, tôi đã trình bày khá đầy đủ về lý do, thời gian, địa điểm, hình thức, phương cách. Nay xin nhắc lại các điểm chính yếu và nói rõ hơn các điểm cần.
3.2.1. Trong một chế độ độc tài toàn trị, NCQ CS không bao giờ tổ chức hoặc cho phép trưng cầu ý dân. Dân phải tự nói lên nguyện vọng, ý chí của mình bằng cách lặp đi lặp lại với bất cứ hình thức nào để biểu tỏ cách kiên định, ôn hòa cho đến khi đạt hiệu quả, thông qua thơ văn, vè, nhạc, hát, kịch, phim, tranh, biểu ngữ, cầu nguyện, Lễ nghi Tôn giáo, mệt nhọc, khổ hạnh, đói khát, nhịn ăn, nhịn uống, mồ hôi, nước mắt, bệnh tật, xương máu, sinh mạng của một/nhiều người, nhưng kiềm chế tuyệt đối không dùng đến bất cứ một loại vũ khí/hung khí nào có thể gây thương tích thể xác hoặc sát thương bất cứ đối tượng nào, kể cả gây tổn thương qua các hình thức ngôn ngữ thông thường. Nơi người Chiến sĩ Dân chủ Hòa bình (NCSDCHB), mọi hình thức đấu tranh đều là biểu tình và mọi hình thức biểu tình đều là đấu tranh. Đấu tranh tạo áp lực cao nhất và hiệu quả hòa bình vững bền nhất là ĐT/BTÔHBBĐTDTP của cá nhân, nhất là của tập thể.
3.2.2. ĐT/BTÔHBBĐTDTP : Việc giáo dục và chuyển đổi tâm hồn con người là kỳ công của riêng chính Thượng Đế, con người không thể tự làm được. Do đó, trong đấu tranh, NCSDCHB hằng ngày phải luôn thiền định - cầu nguyện cho đồng đội và đối phương cùng nhau thăng tiến và thăng hoa vươn lên Chân-Thiện-Mỹ, nhờ đó biết luôn đấu tranh trong cao thượng, ung dung, ôn hòa cả trong ngôn ngữ : không la hét, mắng chửi, nguyền rủa, mạ lỵ, xúc phạm đối phương. NCSDCHB chân chính phải loại trừ mọi mầm mống phẩn uất, căm ghét, hận thù, muốn báo oán, trả đũa ra khỏi tâm trí mình, mới đủ sức mạnh cần thiết để đấu tranh cho Sự thật, Công lý, Tình thương, Tự do, Nhân phẩm, Nhân quyền, Dân chủ, Đa nguyên, Văn hóa, Văn minh, Đạo đức quân bình, lành mạnh, trong sáng và chân chính. Lòng căm ghét, hận thù sẽ làm NCSDCHB yếu đuối và không thể cảm hóa được đối phương, rất khó phát triển hàng ngũ. Dù rất kiên định và quyết liệt đấu tranh bền bỉ không khoan nhượng, NCSDCHB chân chính trong suốt quá trình sử dụng ĐT/BTÔHBBĐTDTP chỉ có 2 thái độ mà thôi : CẢM PHỤC những ai đạo đức, anh hùng và CẢM THÔNG tất cả những ai sai lầm và tội lỗi. Không nên và không được có thái độ thứ 3 nào khác nữa. Chỉ sai lạc và nguy hại mà thôi. Hại cho mình và hại cho đời. NCSDCHB chấp nhận mọi hi sinh mất mát của bản thân/gia đình/tổ chức để khôn ngoan phân hóa, cô lập các phần tử cực đoan gian ác, và thu phục các thành phần phục thiện của đối phương. Lý tưởng đạo đức phải cao để lôi kéo đối phương vươn lên, chứ không phải là mơ hồ ảo tưởng.
3.2.3. Vũ khí ĐT/BTÔHBBĐTDTP : Bất cứ điều gì trung thực, ôn hòa và nhân ái nơi bản thân NCSDCHB cũng là vũ khí hoặc được biến thành vũ khí, luôn làm đối phương bị động, lúng túng, run sợ và bất lực : lời nói, thơ văn, lời ca, tiếng hát, biểu ngữ, im lặng, điệu bộ, cười, khóc, ánh mắt, đột quỵ, nhà tù, chay tịnh, tuyệt thực, bệnh tật, bị thương, khước từ điều trị,… và tột đỉnh là cái chết. Thường cái chết của một lãnh đạo phong trào luôn kéo theo sự chấm dứt cả một chế độ hay một chính sách : Mahatma Mohandas Karamchand Gandhi ở Ấn Độ (1948), Mục sư Martin Luther King ở Mỹ (1968), Linh mục Zerzy Piepoluszko ở Ba Lan (1984)…
3.2.4. Nếu người lãnh đạo phong trào chưa vững tin vào hiệu quả tuyệt đối và tất yếu của ĐT/BTÔHBBĐTDTP, thành phần tham gia có những tham vọng riêng, ảo tưởng nôn nóng vượt quá năng lực mình, thích mạo hiểm phiêu lưu theo cá tính, cố chấp theo định kiến xơ cứng lỗi thời, thiếu kiềm chế trước cám dỗ nông cạn của bạo động, thiếu kiên nhẫn do đợi chờ quá mỏi mệt lâu ngày, đám đông tham gia chưa thấm nhuần sức mạnh chân chính của ĐT/BTÔHBBĐTDTP, thì luôn phát sinh 1 trong 3 hậu quả tác hại :
3.2.4.1. Không thể thành công : bất bạo động nửa vời, pha trộn quá nhiều bạo động, dù chỉ bạo động trong lời nói (hằn học, cay cú, độc ngôn, đâm chọc, cường điệu, mỉa mai, thô tục). Khi bị tấn công mà không thể kiềm chế, nhất là giới trẻ liều lĩnh trả đũa, chấp nhận đi tù, là rơi vào bẫy đối phương. Khi các thành viên nòng cốt bị bắt, phong trào sẽ dao động, khó kéo dài liên tục. Tệ hại hơn, một số bạn bị bắt chịu không nổi nhục hình hoặc bị lừa, chắc chắn sẽ sơ hở khai báo lung tung, càng làm cho phong trào đi xuống, có khi tan rã hẳn.
3.2.4.2. Thành công với nhiều đổ vỡ : Phải tốn nhiều công sức hàn gắn sửa chữa, có khi phải mất hàng trăm năm hoặc lâu hơn, do không bất bạo động tuyệt đối và toàn diện (cách mạng Pháp 1789…).
3.2.4.3. Không thành công chân chính thật sự : Chỉ đạt một số thành tích tạm bợ hời hợt bề ngoài trước mắt, không thể ổn định vững bền, chắc chắn phát sinh những bất công, sai lầm, gian trá và các tội ác mới, vì liều lĩnh lấy sai lầm này chữa trị sai lầm kia, lấy tội ác mới lớn và nhiều hơn thay cho tội ác cũ, với cường độ gấp nhiều lần, rồi lấy tuyên truyền mà bịp lừa và bít lấp bằng thủ đoạn nuôi dưỡng sự sợ hãi và gian trá (phong trào CS quốc tế, nhất là tại VN và TC…).
+ Cần phải dứt khoát khẳng định và xác tín : Chỉ có ĐT/BTÔHBBĐTDTP mới luôn dẫn đến thành công vững bền, không đổ vỡ, trong khoan dung, đạo đức, trung thực, nhân ái, công lý, thăng tiến, thăng hoa, văn hóa, văn minh, hòa bình mà thôi. Không có con đường nào khác, không những cho Việt Nam mà còn cho cả hoàn cầu. "Khi phê phán đối phương, chỉ nên phê phán đến 80% tội lỗi của đối phương thôi, chừa lại 20% cho bức xúc, để nếu do bức xúc mà cuồng nộ lên, thì cũng không vượt quá sự thật, tránh gây bất công cho đối phương" (Mahatma Gandhi). Một sự thật, lẽ phải được nêu lên trong căm thù uất hận thì không còn là sự thật nguyên vẹn nữa, dễ bị méo mó mờ đục, lại phản cảm biến thành sự dối trá - bất công mới. Tiêu chuẩn đạo đức phải cao, dù số đông chưa đạt tới, vẫn hấp dẫn thúc giục vươn lên.
+ Sẽ có một số người ham mê bạo lực và chạy theo thành công nông cạn, xuyên tạc rằng đây chỉ là con đường và phương pháp đấu tranh cuội, viển vông, do CS mớm cho, cốt để CS tiếp tục cai trị lâu dài. Chúng ta tỉnh táo không nghe theo lập luận thiếu nền tảng đạo đức đó, quyết tâm đấu tranh cho một Việt Nam thật sự đạo đức, thăng tiến và hòa bình vững bền, chứ không chỉ là bạo lực thay cho bạo lực, gian ác thay cho gian ác, hận thù thay cho hận thù, mê lầm thay cho mê lầm, chìm đắm trong lẩn quẩn. Phải thay chế độ CS bằng một chế độ tốt hơn nhiều lần về mọi mặt, vươn lên xây dựng một chế độ tối ưu.
3.2.5. Thời gian & Địa điểm : Bất cứ lúc nào, nơi đâu. Lúc đầu, chưa cần kéo đi xa, chưa cần về thành phố lớn (tốn kém, dễ bị tổn thất không/chưa cần thiết). Chưa cần xảy ra trước cơ quan bạo quyền (thách đố quá mức cần thiết). Chỉ cần thật sự xảy ra đâu đó là có tiếng vang, là đã được nói lên cho những ai cần nghe biết rồi, nhất là suốt năm 2011 này (có thể kéo dài qua 2012-2013…). Rồi lan dần ra đều khắp Nước.
3.2.6. Cách thức biểu tình tự phát rất đơn giản, nhanh gọn tại chỗ, ít tốn tiền, tránh bị đàn áp :
3.2.6.1. Cá nhân : Làm bất cứ gì cho đối phương hiểu điều mình muốn nói là đủ (có các biểu ngữ cầm ở tay, mang trước ngục/sau lưng… thì tốt hơn). Riêng tôi, dù ở đâu, sẽ liên tục ĐT/BTÔHBBĐTDTP suốt đời.
3.2.6.2. Tập thể : Sau một buổi học/thi các giáo viên/giảng viên học sinh/sinh viên đã sẵn; sau một lớp học/huấn luyện/tập huấn/hội họp các học viên/bộ đội/công an/nông dân/công nhân đã sẵn; sau phiên chợ, ca lao động, các tiểu thương/đại lý/lái xe-tàu đã sẵn; sau Lễ nghi Tôn giáo tại một ngôi Chùa, Thánh Thất, Nhà Thờ, Tín đồ đã sẵn… tự phát qui tụ tại bất cứ nơi nào (20-50-100-200-1.000… người), hát Ca Khúc/Thánh Ca…, đưa cao Biểu ngữ (lớn-dài hoặc chỉ 1 tờ giấy đưa cao). Hô khẩu hiệu ôn hòa, trật tự. Chỉ cần kéo dài 5-10-20-30… phút là đã biểu tình thành công trong giản dị, tiết kiệm thời gian, sức lực, tiền bạc,… Mọi thành phần xã hội rất dễ tự phát thực hiện, bất cứ lúc nào và nơi đâu. Hoặc thân nhân, xóm làng trong một cuộc Dân oan/đơn vị Tôn giáo đòi lại nhà đất bị cưỡng chiếm, trong một phiên tòa bất công,… có thể tự phát thành một cuộc biểu tình rầm rộ, chấn động. Riêng các Tôn giáo phải biết tận dụng lợi thế vô cùng uy dũng của mình: Một Bạch thư, Thư chung, một buổi Thờ tự, Thánh Lễ, Tế Đàn, một cuộc Rước Kiệu, Hành Hương, một buổi Cầu nguyện chung, dù chỉ một Lời Nguyện được xướng lên… Tất cả đều có thể trở thành một phương cách đấu tranh/biểu tình rất ôn hòa mà hiệu quả rất cao, làm cho bạo quyền hết sức run sợ và lung lay tận gốc, nhưng đành chịu hoàn toàn bất lực, không sao đối phó hoặc ngăn cản được.
+ ĐT/BTÔHBBĐTDTP đơn giản, đến thời điểm thích hợp sẽ biến thành các cuộc tuần hành cần thiết, cuốn theo mọi giới Đồng bào, kể cả Cán bộ, Công an CS…
3.3. Tẩy chay bầu cử Quốc hội (QH) độc đảng dân chủ giả hiệu 22-5-2011 (& 2016, 2021…) : Không phải chúng ta tẩy chay làm cho QH này không thành hình. Dù một số khá lớn cử tri không đi bầu, CS vẫn có đủ mọi thủ đoạn để thay phiếu, bỏ phiếu bù… làm cho QH này vẫn thành hình. Nhưng chúng ta  tẩy chay để QH này thành hình trong gian manh. Chính các Đại biểu QH này tự thấy họ không ngay chính, không phải là Đại biểu của Dân, mà chỉ là tay sai của ĐCSVN và ĐCSTC, tự họ sẽ góp phần áp lực tiến lên đa nguyên đa đảng. Chúng ta đã gượng ép tự dối 12 lần trong 65 năm, không thể tự dối thêm lần thứ 13 nữa. Kính xin các Nhân sĩ, Trí thức phải tiên phong nêu gương làm chỗ dựa cho giới Bình dân, thay vì đợi chờ ngược lại.
3.4. Đặc biệt gửi đến lực lượng Công an (CA) và Quân đội (QĐ) CSVN. "Tổ Quốc đã rơi vào tay ngoại bang một phần lãnh thổ và lãnh hải cực kỳ quan trọng về an ninh-chiến lược, Đất Nước đã bị lệ thuộc đế quốc Tàu Cộng ngày càng chìm đắm trong mọi lãnh vực. Quí Bạn hãy DỨT KHOÁT ĐỨNG HẲN VỀ PHÍA DÂN TỘC, để luôn làm nhiệm vụ hết sức cao cả là bảo vệ an ninh-quốc phòng cho Tổ quốc, luôn là chỗ dựa đáng tin cậy của Đồng bào, nhất là những người Dân Oan mất đất mất nhà, Dân Nghèo cả về nhân phẩm-nhân quyền, cả về cơm ăn-áo mặc. Quí Bạn hãy gây áp lực để một số nhỏ cấp lãnh đạo ĐCSVN không thể tiếp tục duy trì địa vị độc tôn, hầu lợi dụng chức quyền vơ vét thêm tài sản quốc dân, buộc họ phải trả lại quyền Dân chủ trọn vẹn cho Toàn Dân…" (LKG THGTCDCS… số 2). Nếu Quí Bạn để Đất nước mãi mãi nô lệ TC và chìm đắm trong sợ hãi và dối trá do CS áp đặt, thì trách nhiệm của Quí Bạn trước Tổ quốc, Anh Linh của Tổ Tiên và Hồn Thiêng Sông Núi không trao trút cho ai được ! Quí Bạn hãy quả cảm đứng lên gánh vác trọng trách cao cả Lịch sử và Đồng bào giao phó.
4. Thời cơ đã thực sự chín muồi : Hiện nay, nội bộ cấp lãnh đạo cao nhất CSVN đã bế tắc về đường lối, lục đục về tổ chức, đã phân hóa rõ rệt về nhân sự, cơ hội giải thể chế độ CS đã trong tầm tay Dân Việt, nếu không biết tận dụng cơ hội này thì biết đến bao giờ ? Dân Ba Lan, Nga, Liên Xô, Đông Âu (Dân văn hóa cao hơn : ít sợ hãi và khó chấp nhận dối trá hơn), Tuynidi, Ai Cập (bộ máy độc tài lỏng lẻo hơn CS)… nên đã thành công. VN muốn thành công, tùy sự quyết tâm của mỗi người trong 90 triệu người Việt. Nếu không tận dụng cơ hội này thì phải cam phận cúi đầu vĩnh viễn làm nô lệ CS và TC. Trong chế độ CS độc quyền toàn trị, người Dân đối kháng không thể nào tổ chức "đoàn luật sư, công đoàn, đoàn sinh viên, đoàn thanh niên, hiệp hội phụ nữ…" của riêng Phong trào Dân chủ được. Ngay cả "Liên đoàn Tăng Ni, Tu sĩ, Hiền sĩ, Đạo sĩ, Mục sư, Linh mục,…" dù muốn, cũng không thể thành lập được ngay từ đầu. Phải vừa Tiến Hành Giải Thể vừa Xây Dựng và Kiện Toàn Tổ Chức. Thiết nghĩ đó là phương cách tối ưu hiện nay tại VN.
+ Nếu liên tục áp lực đồng loạt cả Nước, buộc BCT ĐCSVN chọn : Khôn ngoan chấp thuận đa nguyên-đa đảng; hoặc nhận lãnh một cuộc chính biến tất yếu phải xảy ra do 1 trong 2 lực lượng CA/QĐ đảm nhiệm.
5. Đây là thời điểm rất thích hợp để các Tổ chức đấu tranh dân chủ công bố với Quốc Dân Dự án Chính trị của mình để Toàn Dân lựa chọn và an tâm kỳ vọng vào một tương lai VN đạo đức hơn, văn minh hơn, ổn định hơn và vững bền hơn, qua một lộ trình Dân chủ hóa Đất nước thiết thực phù hợp; hướng dẫn Đồng bào làm nhiệm vụ lịch sử, bằng các cuộc biểu tình ôn hòa, kiên định, hiệu quả, và bằng các hình thức đấu tranh bất bạo động hữu hiệu khác. Nếu Tổ chức nào chưa sẵn Dự án Chính trị khoa học phù hợp thì nên sát nhập vào Tổ chức khác có Dự án Chính trị hợp lý, hứa hẹn hiệu quả cao cho Đất nước hơn.
6. Xin Quí Luật sư, các Chuyên viên và các Tổ chức Dân chủ chuẩn bị một bản Hiến pháp hoàn hảo ngăn ngừa độc tài hữu hiệu, Luật Bầu cử và Tổ chức Quốc hội hợp lý, Luật Tổ chức Chính phủ gọn nhẹ hiệu quả, Luật Tổ chức Viện Bảo hiến khoa học, giúp cả những người chưa giỏi vẫn có thể điều hành Đất nước đạo đức, hòa bình và thịnh vượng; đồng thời chuẩn bị một cuộc Bầu cử Quốc hội tự do công bằng văn minh để đưa Hiến pháp đi vào cuộc sống.
7. Xin cảm ơn mọi người thiện chí đã vui lòng đọc Bản Di Chúc quá dài này. Kính chúc mọi người sớm được sống trong một Nước VN tự do, dân chủ, đa nguyên đa đảng, hòa bình, đạo đức và an vui.
Trong nhà tù hay bất cứ trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn hiệp thông tiếp tục đấu tranh không ngừng. Xin mọi người luôn cầu nguyện cho tôi. Hẹn gặp lại mọi người đông đủ trên Thiên đàng và trong cõi vĩnh hằng.
Viết tại Nhà Chung Tổng Giáo phận Huế, ngày 02-02-2011
Tù nhân Lương tâm Tađêô Nguyễn Văn Lý
Linh mục Công giáo Tổng Giáo phận Huế

HCM & vụ bán Cụ Phan Bội Châu cho Pháp

HCM & vụ bán Cụ Phan Bội Châu cho Pháp

Trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc, Phan Bội Châu (1867-1940) thường được nhắc đến như một chí sĩ, một nhà cách mạng nổi bật. Là một nhà nho ưu thời mẫn thế, Phan Bội Châu đã chọn cho mình con đường cứu nước, cứu dân mà kẻ sĩ xứng danh nào cũng không thể từ chối khi đất nước lâm nguy theo câu nói đã thành châm ngôn: Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.
Mới 17 tuổi, Phan Bội Châu đã thảo hịch Bình Tây Thu Bắc và tích cực vận động thành lập Thí Sinh Quân để góp sức vào phong trào kháng Pháp đương thời.
Nhưng phong trào Cần Vương cũng như lực lượng triều đình Huế lúc đó không đủ sức đương cự với quân Pháp nên tất cả đều tan rã. Trong khi người Pháp tiếp tục tiến hành bình định để củng cố chính quyền thực dân, Phan Bội Châu không từ bỏ chí hướng đã có. Vừa dùng ngòi bút sáng tác thơ văn để nung nóng nhiệt tình cứu nước, ông vừa bôn ba tìm gặp các phần tử đấu tranh để gây dựng lực lượng chống Pháp.
Phan Bội Châu đã tiếp xúc với nhiều người từng chiến đấu trong hàng ngũ Cần Vương của Phan Đình Phùng, từng tới Yên Thế gặp Đề Thám, bàn tính việc đấu tranh với nhiều nhân vật trí thức yêu nước như Nguyễn Hàm, Đặng Thái Thân…và đặc biệt đưa ra chủ trương “giao kết giáo đồ” vận động Tín đồ Thiên Chúa Giáo. Đây là một chủ trương hết sức mới mẻ vì vào thuở đó vẫn có định kiến là Tín đồ Thiên Chúa Giáo ủng hộ thực dân Pháp.
Phan Bội Châu cho rằng cuộc đấu tranh chỉ thành công khi đạt được sự hợp quần Dân tộc và tin tưởng tuyệt đối ở lòng yêu nước của giáo dân.
Thực tế chứng minh Phan Bội Châu hoàn toàn nghĩ đúng vì sau đó phong trào nhận được sự đóng góp rất lớn của Tín đồ Thiên Chúa giáo, gồm cả các vị Linh mục ở nhiều giáo xứ như Linh mục Thông xứ Mộ Vinh, Linh mục Truyền xứ Mỹ Dụ, Linh mục Thông xứ Quỳnh Lưu, Nghệ An và Linh mục Ngọc xứ Ba Đồn, Quảng Bình… Phan Bội Châu đã ghi lại trong Phan Bội Châu niên biểu rằng “công ơn các người giáo dân phù giúp rất nhiều” và ghi lại một kết quả rất đáng kể của chủ trương là “các đám mây mù nghi ngờ giữa Lương Giáo, quét một trận sạch bông”. (1)
 Năm 1905, Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kính, Tăng Bạt Hổ xuất dương qua Trung Hoa rồi Nhật Bản, bắt đầu phát động phong trào Đông Du cứu nước. Trong số giáo đồ Thiên Chúa Giáo hưởng ứng phong trào có Tu sĩ Mai Lão Bạng với biệt danh Già Châu đã đích thân đưa một nhóm thanh niên tới tận Hong Kong gặp Phan Bội Châu năm 1908 và sau đó trở thành cộng sự viên đắc lực của Phan Bội Châu.
Suốt 20 năm lưu vong ở Nhật Bản, Trung Hoa, Thái Lan, Phan Bội Châu kết giao với nhiều nhân vật tên tuổi trong chính giới Trung Hoa, Nhật Bản như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Dật Tiên, bá tước Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu), tử tước Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Ki)… thành lập Việt Nam Quang Phục Hội cùng nhiều hội đoàn khác thúc đẩy, hỗ trợ các phong trào đấu tranh ở trong nước bằng sách báo tuyên truyền và giúp đỡ võ khí… (2)
Phan Bội Châu trở thành tiêu biểu của lòng yêu nước, động cơ kích động thu hút mọi người tham gia hoạt động lật đổ ách thực dân, trở thành kẻ đại quốc phạm đối với chính quyền bảo hộ Pháp nên đã bị kết án tử hình khiếm diện vào năm 1913 cùng với Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và Nguyễn Hải Thần.
Sau khi Lênin cướp chính quyền thành công tại Nga, Phan Bội Châu đã nghĩ tới việc kết giao với người Nga để tìm thêm sự yểm trợ cho lực lượng đấu tranh Việt Nam. Trong Phan Bội Châu niên biểu (3), Phan Bội Châu khen Lênin có tài về chiến lược đấu tranh cách mạng nên có ý muốn gửi một số du học sinh nhờ Liên Xô giúp đỡ cho việc huấn luyện. Vì thế năm 1920, Phan Bội Châu đã đi Bắc Kinh gặp hai người Nga và ghi lại cuộc gặp gỡ đó như sau:
“Năm Canh Thân (1920), tháng 11, tôi nghe được người của Đảng Xã Hội Cộng sản của nước Hồng Nga nhóm họp ở Bắc Kinh khá nhiều mà đại bản doanh của họ chính là nhà Bắc Kinh đại học. Tôi vì tính sẵn ham lạ mà nghiên cứu chân lý của đảng Cộng sản…
Tôi đi Bắc Kinh… tới thăm Thái Nguyên Bồi tiên sinh… Thái mới giới thiệu tôi với hai người Nga, một người lao nông Nga La Tư du Hoa đoàn đoàn trưởng (tên chữ Nga tôi không nhớ được), một người là Hán văn tham tán Lạp tiên sinh là thuộc viên của đại sứ Gia-Lạp-Hãn.
Lần này là lần thứ nhất mà tôi trực tiếp kết giao với người Nga. Tôi có hỏi Lạp tiên sinh rằng: “Người nước tôi muốn đi du học quý quốc, nhờ tiên sinh chỉ vẽ đường lối cho”.
Lạp nói rằng: “Chính phủ Lao Nông đối với đồng bào thế giới ở nước Nga rất là hoan nghênh, người Việt Nam nay du học lại tiện lợi lắm. Do Bắc Kinh đến Hải Sâm Uy, đường thủy, đường bộ thông được cả. Do Hải Sâm Uy đến Xích Tháp có đường sắt vào Tây Bá Lợi Á, đi thấu được vào Mạc Tư Khoa, kể hành trình chỉ có 10 ngày thôi. Học sinh tới Nga tất trước phải đến Bắc Kinh, có đại sứ nước Lao Nông ở đó, vào xin lĩnh chứng thư và giấy giới thiệu. Được chứng thư của đại sứ thì từ Xích Tháp đến Mạc Tư Khoa, các tổn phí tiền xe và thực dụng thảy có chính phủ Lao Nông ưu đãi cho. Kể từ Việt Nam đến đất Nga, nhu phí chỉ trong 200 đồng chắc dễ biện lắm. Nhưng du học sinh trước khi vào học tất phải quyết tâm thừa nhận những điều kiện như dưới này:
             1 – Tín ngưỡng chủ nghĩa Cộng sản.
            2 – Học thành rồi, về nước tất phải gánh lấy những việc tuyên truyền chủ nghĩa Lao Nông.
  3 – Học thành rồi, về trong nước mình phải ra sức làm những sự nghiệp cách mệnh.
Còn như phí tổn chi dụng trong khi tại học và khi về nước, nhất thiết do chính phủ Lao Nông đảm nhiệm.
Bấy nhiêu lời như trên là những lời mà lúc ấy tôi hội thoại với ông Lạp. Ông Hoàng Đình Tuân dùng tiếng Anh thông dịch cho tôi … Người Nga khi nói chuyện với tôi biểu hiện một cách hòa ái thành thực, tư sắc rành thấy là không đạm không nồng. Tôi còn nhớ một câu rằng: “Chúng tôi được thấy người Việt Nam là bắt đầu từ ông. Ông nếu dùng được chữ Anh làm một bản sách kể cho hết chân tướng người Pháp ở Việt Nam đem cho chúng tôi, chúng tôi cảm tạ mà không dám quên”. (4)
Sau lần tiếp xúc này, Phan Bội Châu trở về Quảng Châu không gặp gỡ người Nga nữa mà chỉ lo trung hưng Quang Phục Hội theo tình hình mới, nhất là sau khi xẩy ra vụ Phạm Hồng Thái ám sát toàn quyền Merlin tại Sa Điện.
Phan Bội Châu gặp Tưởng Giới Thạch, Lý Tế Thâm đề nghị giúp đưa du học sinh Việt Nam vào trường Hoàng Phố và bàn với các đồng chí cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội đổi thành Việt Nam Quốc Dân Đảng dựa theo khuôn mẫu Trung Hoa Quốc Dân Đảng.
Phan Bội Châu hoàn tất việc soạn thảo các văn kiện căn bản như đảng cương, chương trình vào tháng 9 năm Giáp Tý tức khoảng tháng 10-1924 giao cho Hồ Tùng Mậu đưa về trong nước lấy thêm ý kiến, rồi rời Quảng Châu về Hàng Châu.
Theo hồi ức Phan Bội Châu niên biểu, Phan Bội Châu không rõ Hồ Tùng Mậu có chuyển tài liệu về nước không nhưng từ khoảng đầu năm 1925, Phan Bội Châu nhiều lần nhận được thư góp ý của Hồ Chí Minh.
Đây là thời gian Hồ Chí Minh báo cáo với Đệ Tam Quốc Tế về việc vừa lập xong nhóm bí mật Cộng sản Đoàn với 8 người thuộc Tâm Tâm Xã trong đó có con rể Phan Bội Châu là Vương Thúc Oánh đang hoạt động ở Thái Lan được Hồ Tùng Mậu đích thân qua gặp đưa về Quảng Châu.
Hồ Chí Minh đang cùng nhóm này sắp xếp biến Tâm Tâm Xã thành Việt Nam Thanh Niên Đồng Chí Hội vào tháng 6-1925 là thời gian mà người Việt Nam tranh đấu tại Trung Hoa dự trù tổ chức lễ tưởng niệm liệt sĩ Phạm Hồng Thái hy sinh ngày 19-6-1924 (tức ngày 15-5 Giáp Tý).
Sự có mặt của Phan Bội Châu trong dịp này là điều mong đợi của mọi người và cũng hoàn toàn hợp ý Phan Bội Châu đang muốn nhân dư vang tiếng bom Phạm Hồng Thái hun nóng nhiệt tình tranh đấu. Do đó, Phan Bội Châu rời Hàng Châu ghé Thượng Hải theo dự trù xuống thuyền tại đây về Quảng Châu.
Phan Bội Châu thuật lại: “Mười hai giờ đồng hồ chính trưa ngày 11 tháng 5 âm lịch (5) , xe lửa Hàng Châu đi đến Bắc trạm, tôi vì cớ nóng gởi bạc cho ông Trần nên gởi đồ hành lý ở nhà chứa đồ mà tay tôi xách một cái kha-băng nhỏ. Vừa ra cửa trạm thì thấy có một cái cỗ xe hơi, xe khá lịch sự, đứng xung quanh có 4 người Tây, tôi không nhận được ra người Pháp. Bởi vì xứ Thượng Hải người Tây nước nào cũng có, khách sang trọng biết chừng nào mà kể, đem xe hơi rước khách cũng là thông lệ của các lữ quán to.
Tôi có biết đâu chiếc xe hơi này là đồ gian của kẻ cướp bắt cóc người. Tôi mới ra khỏi cửa trạm vài ba bước thì thấy có một người Tây hung dữ lại trước mặt tôi dùng tiếng quan thoại mà nói với tôi rằng:
 – Trứa cơ xe hấn hảo, xính xin xang xàng xe! – Xe này rất tốt, mời tiên sinh lên xe!
Tôi đương cự rằng:
– Ngộ bú giảo! – Tôi không cần!.
Thình lình người Tây nữa ở sau xe ra, hết sức đẩy tôi lên xe. Máy xe tức khắc vặn, tôi đã vào tô giới Pháp rồi. Xe chạy đến bờ bể thì binh thuyền nước Pháp đã chực sẵn. Tôi từ đó thành ra người tù phạm ở trong tàu binh”. (6)
Tin Phan Bội Châu bị bắt trở thành làn sóng thúc đẩy bùng nổ một phong trào đấu tranh lan rộng khắp các miền đất nước và ngay tại chính quốc Pháp.
Gần như mọi thành phần, mọi giới đều lên tiếng đòi tha Phan Bội Châu, xóa bỏ bản án tử hình khiếm diện năm 1913. Nhiều phần tử trí thức, sinh viên học sinh, đại diện các nghiệp đoàn… nối nhau gửi thư bênh vực Phan Bội Châu tới Hội Quốc Liên, tòa án quốc tế La Haye, Quốc Hội và chính phủ Pháp. Những nhân vật nổi tiếng thân Pháp như học giả Phạm Quỳnh cũng công khai yêu cầu ân xá cho Phan Bội Châu.
Dư luận sôi nổi kéo dài nhiều ngày trước và sau ngày 23-11-1925 là ngày khai diễn phiên tòa tại Hà Nội. Ngay giữa phòng xử luôn rộ lên những tiếng phản đối và đã có một người đứng ra xưng rõ họ tên quê quán là Nguyễn Khắc Doanh, người xã Trình Xuyên, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đệ đơn xin Tòa cho được chết thay Phan Bội Châu.
Trong Việt Sử Tân Biên, Phạm Văn Sơn đã ghi lại cảnh hàng trăm bà già buôn thúng bán bưng quỳ dọc theo phố hàng Đường, Hà Nội dâng thỉnh nguyện thư xin ân xá cho Phan Bội Châu vào lúc Toàn Quyền Alexandre Varenne vừa nhậm chức đi thị sát qua khu phố này. (7)
Đây là lần đầu chính quyền thuộc địa Pháp đứng trước một phong trào đấu tranh quyết liệt và có quy mô bao trùm toàn cõi Việt Nam. Kết quả, Tòa chỉ đưa ra một án tù treo và Toàn Quyền Varenne phải cử Khâm Sứ Trung Kỳ Pierre Pasquier đích thân tới phòng giam Hỏa Lò gặp Phan Bội Châu, sắp xếp việc đưa đi an trí tại Huế.
Phan Bội Châu bị bắt khiến hàng ngũ Dân tộc yêu nước mất một điểm tựa mang tính chỉ đạo nhưng đã củng cố thêm niềm tin đặt vào các phong trào đấu tranh và hun nóng nhiệt tình của mọi giới ở trong nước.
Riêng Phan Bội Châu cho tới khoảng 1928-1929 khi ngồi viết Phan Bội Châu niên biểu vẫn không hiểu vì sao mật thám Pháp lại biết rõ hành trình của mình để chờ sẵn tại Bắc trạm Thượng Hải, ngoài một mối nghi ngờ: “Ai dè lúc tôi ra đi, thì cái thời giờ hành động của tôi đã có kẻ nhất nhất mật báo với người Pháp mà cái người mật báo đó lại chính là người ở chung với tôi, từng nhờ tôi nuôi nấng… Người ấy nghe nói tên là Nguyễn Thượng Huyền… gọi cụ Thượng Hiền bằng ông chú, thông chữ Hán, đã từng đậu cử nhân, chữ Pháp, chữ quốc ngữ cũng đủ xài. Tôi nhân yêu tài nó, lưu nó làm thư ký còn như nó làm ma cho Pháp thì tôi có nghĩ tới đâu!” (8)
Phan Bội Châu không cho biết đã được nghe ai nói Nguyễn Thượng Huyền làm ma (tức mật thám) cho Pháp và báo rõ hành trình của ông, tuy nhiên có vẻ tin theo.
Vào lúc Phan Bội Châu được nghe nói như thế thì tại Hà Nội, năm 1928, nhà xuất bản Nam Đồng Thư Xã cho phát hành tập tài liệu Ai bán đứng cụ Phan Bội Châu? của tác giả Nhượng Tống nêu đích danh người báo cho mật thám Pháp bắt Phan Bội Châu là nhóm Lý Thụy, Lâm Đức Thụ.  Nhượng Tống phát giác sự việc trên dựa theo nhiều nguồn tin từ những người xung quanh Phan Bội Châu tại Trung Hoa.
Vào thời điểm đó, Lý Thụy cũng như Lâm Đức Thụ không phải những nhân vật tên tuổi trong hàng ngũ đấu tranh và cũng chưa tiêu biểu nổi cho một xu hướng chính trị rõ rệt nào ngoài tư cách người của tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội vừa được thành hình.
Điều mọi người biết về Lâm Đức Thụ chỉ là còn có tên Trương Béo hoặc Hoàng Chấn Đông, tên thật là Nguyễn Công Viễn, từng tham gia Tâm Tâm Xã của Phan Bội Châu và có tương quan với tòa lãnh sự Pháp tại Hong Kong.
Như vậy, những nguồn tin mà Nhượng Tống nhận được chắc chắn không do dụng ý chống Cộng nhắm xuyên tạc về lãnh tụ Hồ Chí Minh như các tác giả Cộng sản Việt Nam sau này nêu ra. Trên thực tế, cái tên Hồ Chí Minh chỉ xuất hiện từ tháng 8-1945 và năm 1928 không ai biết Lý Thụy là Nguyễn Ái Quốc.
Hơn nữa, dù năm 1949 Nhượng Tống bị Cộng sản ám sát tại Hà Nội, nhưng vào năm 1928, Nhượng Tống chưa hề đặt Cộng sản vào thế thù địch.
Nhượng Tống bước vào làng báo năm 1924 chuyên hoạt động về văn hóa cho đến cuối tháng 12-1927 mới gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học. Tập tài liệu Ai bán đứng cụ Phan Bội Châu? có thể được viết từ trước thời điểm này để ấn hành kịp vào năm 1928 và như thế Nhượng Tống không những chưa biết Lý Thụy là cán bộ Đệ Tam Quốc Tế mà thậm chí còn không biết Lý Thụy là ai nữa. Người ta đã biết tới cuối năm 1929, Việt Nam Quốc Dân Đảng còn cử người qua Thái Lan liên lạc với Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội đề nghị giúp đỡ võ khí để khởi nghĩa.
Thực ra, không chỉ riêng Nhượng Tống nhận được các tin tức cho biết Lý Thụy và Lâm Đức Thụ chủ mưu bán đứng Phan Bội Châu. Năm 1948, trên tạp chí Cải Tạo tại Hà Nội số tháng 10-1948 được Joseph Buttinger trích lại (9), Đào Trinh Nhất đã viết bài Một bí mật chưa ai nói ra nêu tên Hồ Chí Minh là kẻ chủ mưu bán đứng Phan Bội Châu cho mật thám Pháp.
Đặc biệt hơn, chính Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là người từng có Lâm Đức Thụ bên cạnh nhiều năm ở Trung Hoa cũng ghi lại sự việc này như sau: “Cuối tháng 5 năm 1925, Lâm Đức Thụ viết thư và gửi tiền lên Hàng Châu cho ông Phan Bội Châu, mời về Quảng Châu nhân dịp kỷ niệm Phạm Hồng Thái ngày 19 tháng 6, làm một cuộc tuyên truyền lừng lẫy cho cách mệnh Việt Nam. Ông Phan nhận được thư và tiền, liền đi Thượng Hải để đáp tàu thủy về Quảng Châu. Ông Phan đi rồi, mãi không thấy có thư từ gì về, bọn Hồ Học Lãm ở Hàng Châu lấy làm lạ, viết thư hỏi các đồng chí ở Quảng Châu. Thư trả lời nói không thấy ông Phan xuống đó,  ai cũng lo.
Hơn một tháng sau, Lâm Chi Hạ, chủ nhiệm Quân Sự Biên Tập Xứ, tiếp được một phong thư từ Sán Đầu gửi tới, có kèm theo một mảnh thư do ông Phan viết, mới biết là ông bị bắt rồi.
Gửi thư ấy đến Lâm Chi Hạ là một học sinh Tàu.
Người này cho biết rằng nhân dịp nghỉ hè, từ Thượng Hải về Sán Đầu thăm nhà, gặp ông Phan ở trên tàu thủy, ông Phan thừa lúc người đi kèm không ở cạnh, nói chuyện với y và viết mảnh giấy ấy, nhờ y gửi đi Hàng Châu cho Lâm Chi Hạ.
Cứ như lời ông Phan nói trong mảnh giấy ấy thì khi ông đi xe lửa từ Hàng Châu đến Thượng Hải, vừa ra khỏi cửa ga, liền bị mấy người cảnh sát tô giới Anh núm lấy, điệu lên xe hơi đưa đến tô giới Pháp giao cho người Pháp. Ông bị giam ở đó ít lâu, rồi bị giải về nước bằng tàu thủy.
Lâm Đức Thụ ở Quảng Châu, lúc đầu cố phao vu cho người này người khác để che lấp tội ác của mình nhưng về sau thấy ông Phan bị bắt về đến trong nước, thành ra một cuộc tuyên truyền có hiệu lực cho cách mệnh, Lâm Đức Thụ mới khoe với mọi người đó là công hắn, vì chính hắn bắt ông Phan.
Hắn lại nói sở dĩ bắt ông Phan là vì hắn nghĩ ông đã trở nên già hủ, không thích hợp với thời đại mới nữa, ở ngoài bất quá biết làm mấy câu văn tuyên truyền hão bằng chữ Nho, chẳng được chuyện gì, không bằng đưa ông về nước lấy bản thân ra làm lợi khí tuyên truyền, lại có ích hơn” (10)
Những ý kiến mà Cường Để ghi là của Lâm Đức Thụ đã được Hoàng Văn Chí dựa theo tài liệu của nhạc phụ là Sở Cuồng Lê Dư  xác nhận là ý kiến của Hồ Chí Minh.
Lúc đó, nhóm Lâm Đức Thụ rất tin theo Hồ Chí Minh và đang tính toán biến Tâm Tâm Xã thành tổ chức riêng.
Một vấn đề khiến cả nhóm ưu tư là có thể gặp trở ngại khi Phan Bội Châu không đồng ý, vì Phan Bội Châu đang tiến hành việc cải tổ Việt Nam Quang Phục Hội thành Việt Nam Quốc Dân Đảng theo khuôn mẫu Trung Hoa Quốc Dân Đảng.
Lê Dư theo Phan Bội Châu hoạt động trong Tâm Tâm Xã nhưng gần gũi với Lâm Đức Thụ. Vì thế, Lê Dư đã được nghe nhắc tới ý kiến của Hồ Chí Minh – lúc đó mang tên Lý Thụy và biệt danh Vương Sơn Nhị. Theo Lê Dư, Hồ Chí Minh đã nói: “Cụ đã gần đất xa trời mà chẳng nên công việc gì, chi bằng bán cụ cho Pháp lấy tiền cho Đảng ta”.
Một người trực tiếp nghe Hồ Chí Minh phát biểu như trên là Vương Thúc Oánh. Vương Thúc Oánh là người thứ 7 trong 9 hội viên bí mật của Cộng sản Đoàn thành lập vào tháng 2-1925. Lúc đó, Vương Thúc Oánh rời Thái Lan theo Hồ Tùng Mậu về Quảng Châu và luôn có mặt trong mọi phiên họp bàn bạc về hoạt động của nhóm.
“Trong cuốn sách tự thuật in vào năm 1962, Vương Thúc Oánh cho biết trong phiên họp khoảng đầu năm 1925 của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, một hội vừa mới được Lý Thụy móc nối và thành lập, và Vương Thúc Oánh có hiện diện trong buổi họp đó, Lý Thụy nói: “Cụ Phan ái quốc thật, nhưng cụ đã quá già, đầu óc rất khó hấp thụ những trào lưu tư tưởng mới. Cụ lại quá thành thực, dễ tin người …”
Lý Thụy đã lý luận hãy để cho cụ Phan trở thành biểu tượng đấu tranh bằng cách để người Pháp bắt giam cụ Phan xong rồi Hội tổ chức các cuộc đấu tranh cho cụ. Song song, khi bán tin cho người Pháp bắt cụ, người Pháp phải gởi lại cho Hội một số tiền và Hội dùng số tiền này để phát triển lực lượng. Lý luận “nhất cử lưỡng tiện” này đã được các thành viên trong Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội biểu quyết chấp thuận”. (11)
Vương Thúc Oánh là con rể Phan Bội Châu cũng không thể phản đối và số tiền nhận được từ người Pháp trong vụ này, theo Vương Thúc Oánh, là 10 vạn quan, tức 100 ngàn quan.
Vụ “bán người” này được hầu hết các tác giả khác nhắc tới trong số có Đào Văn Hội, tác giả Ba nhà chí sĩ họ Phan, cho biết thêm một chi tiết khác: “Sau khi Phan Bội Châu đi Hàng Châu, Lý Thụy và Lâm Đức Thụ đã triệu tập các nhà cách mạng tại Quảng Châu lại, trừ Nguyễn Hải Thần, để bàn về vấn đề tài chánh. Không ai đưa ra được giải pháp nào về vấn đề này. Lâm Đức Thụ đã đề nghị hy sinh cụ Phan Bội Châu Và hội nghị đã ủy cho Lâm Đức Thụ và Phan Vị đến tiếp xúc với tòa tổng lãnh sự Pháp ở Hương Cảng để thương lượng”.  (12)
Về phía các tác giả ngoại quốc, David Halberstam và J. P. Honey là những người rất có thiện cảm với Hồ Chí Minh cũng xác nhận việc “bán người” trên.
Honey viết: “Việc Hồ Chí Minh bán đứng nhà ái quốc nổi tiếng Phan Bội Châu cho Pháp lúc ấy đang sống lưu vong ở Trung Hoa minh họa chân dung (cá tính) đích thực của con người đó (tức HCM). Sau này ông ta đã chứng minh cho đồng chí thấy việc làm đó là chính đáng bằng cách nêu lên 3 lý do thúc đẩy ông ta làm:
– Một, Phan Bội Châu không phải cộng sản mà là người “quốc gia” và có thể sẽ là đối địch với cộng sản trong kế hoạch kiểm soát phong trào kháng chiến chống Pháp. Phản Phan Bội Châu là loại bỏ được một đối thủ tương lai.
– Hai, món tiền thưởng nhận được của Pháp có thể được dùng một cách tối ưu để phát triển phong trào cộng sản Việt Nam.
– Ba, việc Pháp xử tử Phan Bội Châu sẽ tạo nên một không khí phẫn nộ mạnh trong nước lúc ấy đang cần có.
Biện luận kiểu đó chứng tỏ không còn nghi ngờ rằng Hồ cực đoan, tàn nhẫn và có óc tính toán.” (13)
Khác với J. P. Honey, David Halberstam không nhìn sự việc như một biểu hiện tính chất cực đoan, tàn nhẫn của con người Hồ Chí Minh mà đặt trên căn bản những cái lợi thu được cho hoạt động của Hồ Chí Minh: “Nhà ái quốc già Phan Bội Châu, bạn của thân phụ Hồ, lúc ấy đang ở Quảng Đông. Tại đây ông đã thu hút một số đông thanh niên Việt đang sống lưu vong. Còn Hồ Chí Minh thì nay là một chiến sĩ cách mạng chuyên nghiệp được rèn luyện tại Mạc Tư Khoa. Ông ta coi Châu chẳng có chút hy vọng nào và còn là một vấn đề trở ngại. Châu đối với Hồ chỉ còn là thứ di tích của quá khứ để tôn thờ. Xem ra Châu không phải một nhà cách mạng mà chỉ là một kẻ chống đối trong một địa phương hạn hẹp muốn có chút thay đổi. Đối với nhóm của Hồ, cụ Phan là con người chỉ biết an phận ngồi bàn chuyện đâu đâu trong khi thế giới đang biến chuyển và thời cuộc đang hối thúc phải hành động.
Một phụ tá của Hồ (14) bỗng nảy ra ý kiến có thể cho đoàn thể có một tài khoản lớn đồng thời làm phấn chấn lòng yêu nước trong nước. Anh ta đề nghị với Hồ nên hy sinh Châu cho đại nghĩa quốc gia. Lúc ấy Châu là lãnh tụ quốc gia nổi tiếng nhất tại Quảng Đông. Bán Châu cho Pháp, bọn họ sẽ được thưởng, trong khi đó, việc bắt giữ và xử án Châu sẽ dấy động lòng dân và kéo chú ý của quốc tế. Phản ứng của quốc tế sẽ rất mãnh liệt nên Pháp sẽ không thể xử tử Phan Bội Châu.
Ông Hồ đồng ý và vào tháng 6 năm 1925, Châu nhận được giấy mời dự buổi họp đặc biệt của những nhà cách mạng Việt Nam. Khi ông tới Thượng Hải thì bị mấy người lạ mặt bắt cóc đưa về sở của người Pháp rồi từ đó về Hà Nội.
Người ta tin rằng kẻ trung gian của Hồ đã nhận được 150 ngàn đồng của người Pháp trao cho. Châu bị xử khổ sai chung thân, nhưng mấy tuần sau được ân xá. Toàn quyền Pháp lúc ấy mời Châu đến tư dinh nghỉ đêm, nhưng vị ái quốc lão thành ngay cả lúc ấy cũng còn khước từ không chịu hợp tác với thực dân.
 Tuy nhiên, ông đã bị loại khỏi sân khấu chính trị, và tại QuảngĐông, Hồ Chí Minh nhanh chóng thâu dụng một số những thanh niên Việt lưu vong từng quây quần xung quanh Phan Bội Châu. Từ đó Hồ Chí Minh bắt đầu thành lập nhóm riêng của ông ta.” (15)
Theo Halberstam, Hồ Chí Minh quyết định theo gợi ý của một phụ tá và số tiền nhận được là 150 ngàn. Đây là hai chi tiết tương đối dị biệt so với các tác giả khác. Ngoài ra, mọi chi tiết đều phù hợp, đặc biệt về lý do chủ yếu thúc đẩy hành động bán người là thanh toán trở ngại trên đường phát triển ảnh hưởng Cộng sản. Halberstam ngưỡng mộ Hồ Chí Minh như một thần tượng nên không thể có dụng ý xuyên tạc để bôi xấu thần tượng. Ngược lại, Halberstam còn coi hành động này phản ảnh tài trí hơn người của Hồ Chí Minh vì vừa loại trừ được một trở ngại vừa có thêm tài chính, có thêm điều kiện nhân tâm thuận lợi và có động cơ cụ thể thúc đẩy việc đấu tranh.
Tuy nhiên có thể chính Halberstam vẫn không tin lý lẽ của mình đủ thuyết phục mọi người nhìn sự việc theo hướng đã mở, vì nhiệt tình yêu nước của Phan Bội Châu và cái án tử hình khiếm diện đã có từ 1913. Bởi lẽ, bất kỳ lý do nào cũng không cho phép đặt một người nhiệt tình yêu nước dưới máy chém của kẻ thù.
Cho nên, Halberstam đã nhấn mạnh về tuổi già vô dụng của Phan Bội Châu và sự tin tưởng Pháp không dám ra tay sát hại ông. Gần như Halberstam chỉ lập lại những biện bạch do chính Hồ Chí Minh (hoặc một phụ tá) nêu ra trong các buổi họp cho rằng Phan Bội Châu già yếu không còn thích hợp với việc đấu tranh và cho rằng người Pháp không dám xử tử Phan Bội Châu.
 Lúc đó Phan Bội Châu mới 58 tuổi và là nhân vật nổi bật đối với cả quần chúng trong nước lẫn chính giới Nhật Bản – Trung Hoa nên biện bạch trên không phản ảnh thực tế mà chỉ xuất phát từ dụng tâm cố tình triệt hạ.
Về sự tin tưởng người Pháp không dám xử tử Phan Bội Châu thì có thể coi như cách trấn an để ai còn nghi ngại sẽ xuôi theo chứ không dựa trên cơ sở nào.
Thực ra, theo các tác giả khác, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề hy sinh Phan Bội Châu để tạo một biểu tượng đấu tranh và đã nói hành vi xử tử Phan Bội Châu sẽ gây căm phẫn trong quần chúng tức là không che giấu ý định đẩy Phan Bội Châu vào cái chết để khai thác.
Dù nhìn sự việc theo cách nào, việc Phan Bội Châu rơi vào tay mật thám Pháp đã đem lại cho Hồ Chí Minh nhiều lợi điểm trong bước đầu phát triển ảnh hưởng.
Trước hết là cảnh huống đột ngột mất ngọn đuốc chỉ đạo của những người đang hoạt động chống Pháp tại Trung Hoa – Thái Lan, vì hầu hết những người này đều hưởng ứng phong trào Đông Du hoặc hưởng ứng các hội đoàn chịu ảnh hưởng Phan Bội Châu. Mất Phan Bội Châu, tất cả trở thành mất phương hướng nên dễ dàng ngả theo tuyên truyền Cộng sản hoặc dễ dàng liên kết với Cộng sản để sẽ trở thành công cụ. Chứng cớ cụ thể là ngay những người từng có nhiều năm tranh đấu như Hồ Học Lãm, Nguyễn Hải Thần… cũng trở thành con cờ bị vận dụng từ thập niên 1930.
Kế tiếp, sự vắng mặt của Phan Bội Châu đã mở ra khung cửa lớn cho những nỗ lực tiếp cận với chính quyền Trung Hoa Dân Quốc. Cánh cửa đó từ trước gần như bị che khuất bởi uy danh Phan Bội Châu thì lúc này luôn bỏ ngỏ cho bất kỳ kẻ nào khôn khéo. Hồ Chí Minh có lợi thế hơn bất kỳ ai hết vì có Quốc Tế Cộng sản yểm trợ sau lưng trong lúc chính quyền Trung Hoa đang thi hành chính sách Liên Nga Dung Cộng. Tình hình này giúp Hồ Chí Minh dễ dàng tranh thủ sự ủng hộ của nhiều nhân vật chính quyền Trung Hoa, thậm chí nhận được cả sự ủng hộ của phu nhân lãnh tụ Tôn Dật Tiên, bà Tống Khánh Linh,
Thuận lợi hơn nữa là khung cảnh đấu tranh gần như hoàn toàn mới ở trong nước, nhất là quyết định thủ tiêu Việt Nam Quang Phục Hội do chính Phan Bội Châu đưa ra chưa kịp có bước tiếp nối.
Biến cố Phan Bội Châu bị bắt khiến nhiều tầng lớp quần chúng thức tỉnh, đồng thời khó tránh gây hoang mang cho các hội đoàn đấu tranh dưới ảnh hưởng của Phan Bội Châu đang chưa biết tiến lui ra sao. Có thể hình dung địa bàn quốc nội gần như bỏ ngỏ cho những ai đã có định hướng khai thác.
Điều này đã giải thích về sự phát triển tương đối mau chóng của Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội là tổ chức do một Tổng Bộ lãnh đạo gồm người Cộng sản nhưng vẫn tuyên truyền đường lối Tam Dân Chủ Nghĩa, vẫn trưng hình Tôn Dật Tiên, Phạm Hồng Thái và nhất là vẫn không rời danh nghĩa Phan Bội Châu.
Thuận lợi đáng kể hơn hết đối với bản thân Hồ Chí Minh là dẹp xong một trở ngại lớn. Từ tháng 6-1923, Hồ Chí Minh đã có mặt tại Liên Xô, được chọn là ủy viên Quốc Tế Nông Dân, được huấn luyện tại Đại Học Cộng sản Mạc Tư Khoa, được kết nạp vào Đệ Tam Quốc Tế công tác tại Cục Phương Đông và nhất là đặt trọn niềm tin vào lãnh tụ Lênin như đã viết trên báo Pravda ngày 27-1-1924: “Khi còn sống, Người là cha, là thầy, là đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cách mạng xã hội. Lênin bất diệt sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. (16)  
Với niềm tin này, Hồ Chí Minh nhìn thấy Phan Bội Châu vốn nhiệt thành yêu nước theo chủ nghĩa Dân tộc chắc chắn không bao giờ tôn thờ Lênin. Như thế, dù muốn dù không, Phan Bội Châu đã trở thành kẻ đại địch, nhất là với vị thế và uy tín mà Phan Bội Châu đang có.
Nhiệm vụ của Hồ Chí Minh tại Cục Phương Đông sẽ hết sức nặng nề trong trường hợp Phan Bội Châu tiếp tục tồn tại để lãnh đạo các phần tử đấu tranh. Trong quan điểm chiến lược sách lược do Lênin vạch ra, vấn đề liên minh là trọng yếu nhưng chỉ có thể liên minh trong tư thế nắm vững quyền chỉ đạo. Phương sách đối phó duy nhất trong trường hợp gặp những kẻ cản trở thế liên minh này là loại trừ. Việc Phan Bội Châu bị vĩnh viễn loại khỏi chính trường hoàn toàn phù hợp với quan điểm chiến lược sách lược mà Lênin đã vạch ra.
Tuy vậy, vẫn có những tác giả tránh né đề cập hoặc bác bỏ việc Hồ Chí Minh bán đứng Phan Bội Châu.
Trước hết, hết thẩy các tác giả Cộng sản Việt Nam đều không bao giờ nhắc đến việc này. Một câu viết gần như trở thành khuôn đối với các tác giả này là gán cho người nhắc đến vấn đề những từ xuyên tạc, vu cáo và cũng không nói rõ xuyên tạc, vu cáo điều gì. Chẳng hạn, trong Phan Bội Châu niên biểu, nơi bài mở đầu, Chương Thâu viết: “Về nguyên văn chữ Hán, Phan Bội Châu niên biểu có khá nhiều bản, trong số này, may mắn còn bảo tồn được hai bản gốc có thủ bút của cụ Phan (bản của Huỳnh Thúc Kháng và bản của Anh Minh)… Ông Nguyễn Văn Xuân … đã chỉ trích sai lầm đối với giới học thuật miền Nam lúc đó là vì sao lại không tin, không dựa vào Anh Minh? Theo chúng tôi, sở dĩ người ta không thể tin Anh Minh vì chính Anh Minh đã có nhiều việc làm khuất tất, mờ ám, nhất là y đã cố tình xuyên tạc tài liệu Phan Bội Châu để nhắm mục đích chống Cộng một cách khá lộ liễu” (17).
Cũng trong Phan Bội Châu niên biểu, đoạn Phan Bội Châu nhắc đến việc giao dịch với Hồ Chí Minh, Chương Thâu đã nhấn mạnh mấy chữ  “ông đã nhiều lần viết giấy cho tôi” và ghi thêm trong chú thích như sau: Ở đây ta chú ý là: đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trao đổi với cụ Phan bằng thư từ chứ không phải trực tiếp bàn bạc, vì khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc về đến Quảng Châu thì cụ Phan đã đi Hàng Châu từ trên dưới một tháng rồi. (18) 
Có thể Phan Bội Châu không gặp Hồ Chí Minh tại Quảng Đông, nhưng ở đây dụng ý của Chương Thâu chỉ muốn đẩy xa Hồ Chí Minh khỏi vụ án Phan Bội Châu.
Trong khi đó, một tài liệu khác của Cộng sản Việt Nam giao cho UNESCO là tập Bác Hồ những năm tháng ở nước ngoài của Đặng Hòa lại dành nhiều trang tả cuộc gặp gỡ rất thân thiết giữa 2 người như sau: “Với địa chỉ do cơ quan Borodin cung cấp, ông Nguyễn lên Hàng Châu tìm gặp cụ Phan Bội Châu.  Sau hai mươi năm trời mới gặp lại, ông thấy cụ vẫn quắc thước và tràn đầy nhiệt huyết như xưa. Còn cụ Phan, cụ rất mừng khi gặp lại ông Nguyễn, con trai cụ Phó Bảng làng Sen thân thiết. Những năm đầu thế kỷ, khi cụ khởi xướng phong trào Đông Du, đã có lần cụ ngỏ ý với cụ Phó Bảng để anh Nguyễn lúc đó mới 14 tuổi đi theo con đường của cụ. Nhưng người thiếu niên của dòng họ Nguyễn Sinh đó đã đi con đường của riêng anh, con đường khác với các bậc cha chú đương thời.
Gặp lại nhau, hai bác cháu hàn huyên trò chuyện. Những kỷ niệm của quá khứ được nhắc đến. Ông Nguyễn còn đọc lại cho cụ Phan nghe hai câu thơ trong cuốn Túy Viên mà 23 năm trước, năm 1901 trong bữa rượu say với cụ Phó Bảng tại nhà ông Nguyễn, cụ Phan đã đọc:
Mỗi phận bất vong ghi trúc bạch
Lập thân tối hạ thị văn chương
(Mỗi bữa không quên ghi sử sách
Lập thân hèn nhất là văn chương)
Trong cuộc đàm luận, cụ Phan đã giới thiệu với ông Nguyễn danh sách 14 người yêu nước đã cùng cụ hoạt động bấy lâu. Trong danh sách đó, có một số thanh niên mà cơ quan Borodin đã cung cấp cho ông hôm trước.
Vài năm sau cuộc hội kiến lịch sử này, khi Phan Bội Châu đã trở thành Ông Già Bến Ngự để quãng đời cuối cùng trôi qua trên đất Huế, đã có đôi lần khi các thanh niên yêu nước hỏi cụ:
Bây giờ cụ về nước thì ở nước ngoài còn có người Việt Nam nào thay cụ dẫn dắt đồng bào được nữa?
Cụ đã không ngần ngại mà trả lời rằng:
Vẫn còn, còn có Nguyễn Ái Quốc, ông Nguyễn giỏi hơn tôi, ông sẽ làm được việc đó! (19)
Tuy viết dài về cuộc gặp gỡ, Đặng Hòa không nhắc một chữ đến việc Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt mà còn vẽ ra sự ngưỡng mộ cảm phục của Phan Bội Châu đối với Hồ Chí Minh bằng một chứng liệu vu vơ, nhất là nhắc đến cái tên Nguyễn Ái Quốc mà Hồ Chí Minh giấu kín vào lúc đó.
Một tài liệu khác của Cộng sản Việt Nam đề cập tới vụ này cũng không với một tình tiết nào ngoài việc đặt Phan Bội Châu dưới sự dắt dẫn của lãnh tụ Hồ Chí Minh – một điều không thể nào có chiếu theo hoàn cảnh thực tế lúc đó tại Hoa lục: “Trên đường đi từ Hàng Châu tới Quảng Đông dự kỷ niệm một năm ngày liệt sĩ Phạm Hồng Thái hy sinh trong vụ nổ bom mưu sát Toàn Quyền Đông Dương Meclanh ở Sa Điện, cũng nhân đó để gặp gỡ các đồng chí của mình tiến hành cải tổ Việt Nam Quốc Dân Đảng theo gợi ý của Nguyễn Ái Quốc, Phan Bội Châu bị mật thám Pháp bắt cóc ở nhà ga Thượng Hải và đưa về Việt Nam. Sự kiện này đã cắt đứt những khả năng tốt đẹp của Phan có thể vươn tới trong sự nghiệp cứu nước của mình dưới tác động của tình hình cách mạng thế giới và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc” (20)  
Riêng Hồ Chí Minh gần như tuyệt đối không nhắc đến vụ Phan Bội Châu bị bắt. Trong các bài viết, Hồ Chí Minh luôn kể lại những ngày thành lập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội, nhưng chỉ một lần nói tới tên Phan Bội Châu khi dùng bút hiệu Trần Dân Tiên và gần như còn đặt nội vụ vào một thời gian khác hẳn: “Vừa nghiên cứu làm việc để sống, ông Nguyễn vẫn ra sức làm việc cho tổ quốc mình. Ông bắt đầu tổ chức đồng bào Việt kiều ở Trung Quốc. Tổ chức này gọi là Hội Việt Nam Thanh Niên Cách mạng Đồng Chí…
Hoạt động của Hội Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí bắt đầu lan vào trong nước. Thực dân Pháp gián tiếp giúp đỡ rất nhiều.
Vì sao vậy?
Trong khi tài liệu và báo chí của ông Nguyễn bí mật lọt vào nước rất khó khăn thì bọn thực dân làm to chuyện để yêu cầu đàn áp. Đó là một quảng cáo rất tốt cho công việc của ông, làm cho đồng bào chú ý, làm cho họ càng thích được nghe tuyên truyền cách mạng.
Hơn nữa, thực dân Pháp đã phạm một sai lầm là bắt nhà lão sĩ yêu nước Phan Bội Châu, lúc bấy giờ ở Trung Quốc và muốn kết án tử hình cụ Phan. Tất cả nhân dân Việt Nam nổi dậy chống lại vụ án này và yêu cầu thả cụ Phan. Chưa bao giờ có một phong trào quần chúng rộng rãi như vậy. Đây là một dịp tốt cho ông Nguyễn tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước. (21)
Trong lúc các tác giả Cộng sản Việt Nam tránh né vấn đề thì William J. Duiker dựa vào mối nghi ngờ của Phan Bội Châu để bác bỏ việc Hồ Chí Minh dính vào việc bán người.
Duiker viết chính Phan Bội Châu đã cho biết kẻ chỉ điểm cho Pháp bắt mình là Nguyễn Thượng Huyền.
Thực ra, qua những dòng trong Phan Bội Châu niên biểu, Phan Bội Châu chỉ cho biết được nghe nói như thế và tin theo chứ không hề xác định với bằng chứng nào. Sự việc này đã được sử gia Phạm Văn Sơn đề cập và cho rằng Phan Bội Châu nghi oan cho Nguyễn Thượng Huyền.
Chính Nguyễn Thượng Huyền đã lên tiếng khi biết nội vụ vào dịp về Việt Nam – “khoảng năm 1965, cụ Nguyễn Thượng Huyền có về Việt Nam và đăng một bài cải chính nói rõ vụ việc trên tờ “Bách Khoa” số 73”. (22)  
Như vậy, trong ba người được nêu tên liên hệ đến vụ bán người thì hai người đã lên tiếng. Nguyễn Thượng Huyền đối diện thẳng với vấn đề để chứng minh sự vô can của mình còn Lâm Đức Thụ, theo ghi nhận của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, đã khoe đó là thành tích do chính mình đạt được.
Vào năm 1925, Lâm Đức Thụ là người thân tín của Hồ Chí Minh được dành cho vai trò lãnh đạo cao nhất của tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội nên không thể không bàn bạc với Hồ Chí Minh về mọi công việc.
Ngoài ra, những người từng có mặt trong tổ chức trên như Lê Dư, hoặc quan trọng hơn nữa như Vương Thúc Oánh đều cho biết sự việc đã diễn tiến ra sao.
Cho nên chỉ dựa vào việc Phan Bội Châu nghi ngờ Nguyễn Thượng Huyền thay vì Hồ Chí Minh chưa thể đủ lý do để kết luận. Đối với Phan Bội Châu, cả Nguyễn Thượng Huyền lẫn Hồ Chí Minh đều như con cháu nên đều được tin cậy. Phan Bội Châu nghi Nguyễn Thượng Huyền chỉ vì Nguyễn Thượng Huyền đang ở kề cận biết rõ hành trình của mình và đã có người tới nói rằng Nguyễn Thượng Huyền làm việc đó.
Dù biện minh của Duiker được đánh giá ra sao thì vẫn cho thấy Duiker không nhìn vấn đề như Halberstam mà coi hành vi bán người là điều không thể chấp nhận.
Duiker vốn ngưỡng mộ Hồ Chí Minh nên cố đẩy hành vi này cho kẻ khác. Tuy nhiên, Duiker không thể phủ nhận một sự việc hiển nhiên là lời cáo buộc của Hà Huy Tập về trách nhiệm của Hồ Chí Minh trong việc đẩy hàng trăm người vào tay mật thám Pháp.
Trong tác phẩm của mình, Duiker đã ghi: “…Hà Huy Tập nhân dịp báo cáo gửi Mạc Tư Khoa về kết quả của đại hội đảng, đã tấn công thêm mấy đòn vào Nguyễn Ái Quốc. Trong thư ngày 31-3-(1932) gửi cho Dalburo, ông đã ghi là các đảng viên ở Đông Dương và Xiêm đang công khai đấu tranh chống di sản của ý thức hệ “cách mạng Dân tộc” của Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội và lãnh tụ của tổ chức này là Nguyễn Ái Quốc. Tập đề xuất buộc Quốc phải tự kiểm điểm để nhìn nhận đã phạm sai lầm trong quá khứ
“Mấy tuần sau Tập trở lại tấn công Quốc, bảo nhiều đại biểu của đại hội Macao đã quy trách, ít nhất một phần, cho Quốc về vụ hơn 100 đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng, và của Thanh Niên Đồng Chí Hội bị Pháp bắt. Vì Quốc đã biết Lâm Đức Thụ là gián điệp mà vẫn dùng. Tập cũng cáo buộc Quốc đã bất cẩn bắt mỗi học viên ở học viện Quảng Đông phải nộp cho Quốc một tấm ảnh, cũng như tên, họ, địa chỉ của thân nhân. Những tài liệu này sau rơi vào tay Pháp. Vì vậy “Quốc không bao giờ có thể cho là mình không có trách nhiệm về những hành động đó”. (23)
Về việc này, Việt Thường cẩn thận hơn William J. Duiker, đã ghi nguyên văn một đoạn trong báo cáo của Hà Huy Tập gửi QT3 đề ngày 20-4-1935 như sau:
“Trước và sau đại hội của đảng, một số đồng chí khi nói chuyện với nhau thường bàn về đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ). Họ cho rằng Quốc chịu trách nhiệm về việc mật thám bắt hơn 100  hội viên đoàn thanh niên, bởi vì:
a) Quốc biết rõ Lâm Đức Thụ là một tên khiêu khích nhưng vẫn làm việc với hắn.
b) Quốc đã phạm sai lầm khi yêu cầu mỗi thanh niên nộp hai bức ảnh, ghi rõ tên thật, địa chỉ, tên cha mẹ, ông bà, cụ kỵ cùng với tên của từ 2 đến 10 người bạn.
c) Ở trong nước, ở Xiêm (Thái Lan) và ở trong tù, người ta vẫn còn bàn tán đến trách nhiệm của Quốc, trách nhiệm mà anh ta không dám chối.(24)
Theo Hà Huy Tập, Hồ Chí Minh đã sai lầm khi đòi hỏi những người gia nhập tổ chức phải khai rõ lý lịch, nộp hình ảnh và tin cậy Lâm Đức Thụ nên những tài liệu này rơi vào tay mật thám Pháp khiến hàng trăm người đã bị bắt.
Hà Huy Tập cũng cho rằng Hồ Chí Minh thiếu trung thành với tinh thần quốc tế vì tỏ ra nghiêng theo chủ nghĩa Dân tộc.
So nguyên văn báo cáo của Hà Huy Tập với lời tường thuật của Duiker có một khác biệt là Hà Huy Tập không nói Đông Dương Cộng sản Đảng mà chỉ nói hội viên đoàn thanh niên trước đó tức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội do Hồ Chí Minh giao cho Lâm Đức Thụ lãnh đạo một thời gian.
Về việc này, Duiker viết:  “Có lẽ Nguyễn Ái Quốc đã được đọc những báo cáo như thế (của HHT) khi chúng đã tới Mạc Tư  Khoa. Ông ta nghĩ gì về lời phê bình của Tập đối với hành động của ông thì không biết. Nhưng thái độ chung của ông được bộc lộ trong một lá thư gửi cho ai đó ở Bộ Phương Đông vào tháng 1-1935: Ông than phiền rằng trình độ hiểu biết về chủ nghĩa lý thuyết của các học viên Đông Nam Á từng theo học ở Mạc Tư Khoa rất thấp. Nhiều người không hiểu thế nào là cách mạng dân chủ tư sản, hay thế nào là sự liên hệ của cách mạng ruộng đất với chính nghĩa chống đế quốc(25)
Hồ Chí Minh chê những sinh viên Đông Nam Á – trong đó có Trần Phú, Hà Huy Tập đã phê bình ông – là đúng vì quả tình họ không hiểu cách hành động của Hồ Chí Minh và cũng chưa nắm vững quan điểm chiến lược sách lược liên minh giai đoạn của Lênin.
Vận dụng chiêu bài chủ nghĩa Dân tộc trong thời điểm đó là một bước đi sách lược cần thiết. Vì chỉ bằng bước đi này mới có thể xâm nhập các tổ chức và cuốn hút quần chúng để gây dựng lực lượng.
Bước đi cần thiết thứ hai là không nương tay với những phần tử cản đường và Hồ Chí Minh đã trù liệu đối phó bằng sự mượn tay mật thám Pháp nên kết thân với Lâm Đức Thụ là người đang cộng tác với Pháp.
Dù đã nắm được tổ chức Tâm Tâm Xã xoay chuyển thành Việt Nam Thanh Niên Đồng Chí Hội, Hồ Chí Minh vẫn hiểu hầu hết hội viên của tổ chức này thuộc hàng ngũ quốc gia yêu nước. Do đó, yêu cầu khai rõ lý lịch với các chi tiết về nơi ở, người thân khi có việc cần và nộp hình không phải khuyết điểm như Hà Huy Tập đã nghĩ mà là một việc được tính kỹ để thanh toán các phần tử sẽ biến thành trở ngại như phản đối chủ nghĩa Cộng sản hoặc thiếu trung thành với Đệ Tam Quốc Tế. 
Khi xẩy ra các sự việc này, Hồ Chí Minh chỉ cần nhắc Lâm Đức Thụ cung cấp tài liệu cho mật thám Pháp.
Cho nên, mặc dầu có những báo cáo trên, Hồ Chí Minh vẫn được tin cậy ở vai trò cán bộ đại diện Đệ Tam Quốc Tế tại Đông Nam Á, còn những người như Trần Phú, Hà Huy Tập dù nối tiếp nhau giữ chức tổng bí thư Đông Dương Cộng sản Đảng vẫn chỉ là cán bộ thuộc một chi bộ địa phương.
Những báo cáo của Hà Huy Tập không tác hại tới vị thế của Hồ Chí Minh nhưng là chứng liệu cụ thể về tương quan giữa Hồ Chí Minh với mật thám Pháp vào những năm cuối thập niên 1920 đầu thập niên 1930. Mối tương quan này đã khiến hàng trăm người yêu nước rơi vào vòng tù tội do bàn tay của Hồ Chí Minh.
Vì thế, việc bán Phan Bội Châu cho mật thám Pháp có thể coi là sự việc khơi gợi cho một phương pháp hành xử của Hồ Chí Minh và cũng có thể coi là hành vi mở đầu cho một phương pháp đã được trù tính trước.
Trong sự biện bạch, Duiker cố loại Hồ Chí Minh khỏi vụ bán Phan Bội Châu và có những lời lẽ lấp lửng để người đọc thấy hàng trăm người bị bắt về sau chỉ do Hồ Chí Minh lầm tin Lâm Đức Thụ. Nhưng cũng chính Duiker đã quả quyết Hồ Chí Minh luôn nắm vững đường lối đấu tranh Lênin tức là Tín đồ cuồng nhiệt của chủ thuyết bá đạo Sergey Nechayev. Mọi lời biện bạch trở nên không cần thiết vì với một người như thế, việc gì cũng có thể xảy ra. 
Riêng với Phan Bội Châu dù tên tuổi luôn được các tác giả Cộng sản Việt Nam nhắc đến như một vết son tô điểm thêm cho huyền thoại Hồ Chí Minh, nhưng chính Hồ Chí Minh từng nêu rõ ý mình như sau: “Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. (26)
Đẩy một kẻ “rước beo cửa sau” vào tù ngục hoặc vào cõi chết đâu có phải điều khó khăn với một người đã chọn bá đạo làm phương châm hành động.
Vả lại, từ sau khi qua các lớp huấn luyện tại Mạc Tư Khoa, Hồ Chí Minh đã chọn con đường không chấp nhận tinh thần yêu nước là yêu Dân tộc. Từ giữa năm 1923, đối với Hồ Chí Minh, yêu nước là phải yêu xã hội chủ nghĩa.
Phan Bội Châu đã quay lưng lại với xã hội chủ nghĩa ngay từ cuộc gặp gỡ đại diện Nga tại Bắc Kinh năm 1920 do tinh thần yêu Dân tộc.
Vì thế, nếu Phan Bội Châu bị đối xử như cách đối xử dành cho những phần tử thuộc Tâm Tâm Xã không chấp nhận Cộng sản sau năm 1925 cũng là chuyện bình thường.
Minh Võ – HCM, Nhận định Tổng hợp – Chương 45

CHÚ THÍCH CHƯƠNG 45
(01) Phan Bội Châu Niên Biểu hay Tự Phán là tác phẩm được biên soạn trong thời gian Phan Bội Châu bị quản thúc tại Huế từ 1925 đến 1940. Tác phẩm viết bằng Hán văn do chính Phan Bội Châu tự dịch ra Việt văn, mang tính hồi ức về nhiều nhân vật, sự việc đã qua từ thời thiếu niên tới lúc bị bắt đưa về Huế và được in thành tập 6 của bộ Phan Bội Châu Toàn Tập do Chương Thâu biên soạn, Nxb Thuận Hóa, Huế 1990. Phan Bội Châu Niên Biểu đã được Nguyễn Khắc Ngữ chú giải, Nhóm Nghiên Cứu Sử Địa ấn hành tại Sài Gòn 1973 và được Huy Phong – Yến Anh sưu tầm trích lại trong Exploring the Hồ Myth, Thằng Mõ, Cali xb 1998.
(02) Ngoài Phong trào Duy Tân và Đông Du, Phan Bội Châu còn sáng lập Việt Nam Quang Phục Hội, Việt Nam Cống Hiến Hội, Tâm Tâm Xã, và ba tổ chức có tính liên quốc gia Chấn Hoa Hưng Á Hội, Đông Á Đồng Minh Hội, Điền Quế Việt Liên Minh Hội. Ông cũng là người có sáng kiến phát hành Việt Nam Quang Phục Quân Quân Dụng Phiếu để gây quỹ hoạt động cách mạng…Ông đã có những trước tác khá quan trọng như  Liên Á Sơ Ngôn, Tân Việt Nam  toàn thư, Ngục Trung Thư…  
(03) Phan Bội Châu Toàn Tập – Nxb Thuận Hóa, Huế 1990 – Tập 6,  tr. 271-273. Theo chú thích thì tên người Nga trưởng đoàn Du Hoa Đoàn có thể là Iurine Voitinski, tên Nga của viên tham tán (được gọi là Lạp tiên sinh) là Khodorov và tên đại sứ Nga lúc đó là Karakhan.
(04) Nguyên văn trong Phan Bội Châu niên biểu, bản do Chương Thâu biên tập: “Nguyễn Ái Quốc tiên sinh từ Mạc Tư Khoa kinh thành nước Nga về đến Quảng Đông, ý ông chưa lấy chương trình, đảng cương này làm hoàn thiện, ông đã nhiều lần viết giấy cho tôi, bảo phải sửa sang nhuận sắc lần nữa, nhưng chưa được bao lâu thì tôi bị bắt về Hà Nội”.Phan Bội Châu niên biểu, bản do Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt chép là: “…thường thường bàn với tôi nên sửa đổi lại…”Phan Bội Châu niên biểu, bản do Nguyễn Khắc Ngữ chú giải chép là: “…ông đã nhiều lần nhắc tôi thay đổi…”  (05)  Tức ngày 30-6-1925.
(06)-(08)  Phan Bội Châu Toàn Tập – Nxb Thuận Hóa, Huế 1990 – Tập 6,  tr. 290-291, 289-290
(07)-(22)  Việt Sử Tân Biên – Phạm Văn Sơn,  Sàigòn 1972 –  Q.7,  tr. 254, 229
(09)  Vietnam, a dragon embattled – Joseph Buttinger, Tome I, tr. 153
(10)  Cuộc đời Cách Mạng – Cường Để, Saigon 1968,  tr. 121
(11)  Huyền thoại Cộng sản – Hoàng Duy Hùng, Hưng Việt, Cali 1999,  tr.139-140
(12)  Theo Những bí ẩn lịch sử đàng sau cuộc chiến Việt Nam – Lữ Giang, Cali, 1998,  tr. 69-72.
(13)  North Việt Nam Today –  J.P Honey,  tr. 4.                (14)  Ám chỉ Lâm Đức Thụ.
(15)  Ho –  David Halberstam,  tr. 44- 45.                           (16)  Biên niên tiểu sử –  Tập I,  tr. 210
(17)-(18)  Phan Bội Châu Toàn Tập – Nxb Thuận Hóa, Huế 1990 – Tập 6,  tr. 23 & tr.288
(19)  Bác Hồ những năm tháng ở nước ngoài – UNESCO … Hà Nội 1999,  tr. 96-98
(20)  Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919-1945– Nxb Giáo Dục, Hà Nội 2001,   tr.90-91
(21)-(26)  Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch – Nxb Văn Học 2001, tr. 71-72,11
(23)-(25)  Ho Chi Minh, a life – Duiker, tr. 222.       (24)  Sự tích con yêu râu xanh – tr. 271.