10/11/10

Thêm một người nữa...

Thế là lại thêm một người nữa bị bắt và chuẩn bị “tạm cư” dài ngày trong nhà tù ở Việt Nam-tiến sĩ luật, thạc sĩ văn chương, họa sĩ Cù Huy Hà Vũ.

Rất nhiều người, trong đó có tôi, không bất ngờ trước tin ông Hà Vũ bị bắt. Ngay chính vợ ông, luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, khi trả lời phỏng vấn báo chí hải ngoại: “Chị đón nhận tin anh Hà Vũ bị bắt như thế nào, thưa chị?” cũng đã thẳng thắn trả lời: “Tôi chỉ nhận thôi, chứ tôi không đón. Tôi cũng đã cảm giác rằng, sẽ có một ngày như thế, nên mặc dù có bị sốc nhưng tôi không thật bất ngờ”. (Đàn Chim Việt, ngày 7.11)

Còn ông Cù Huy Chữ, người chú ruột của ông Hà Vũ, với cách nói rất kín kẽ, thâm trầm, cho biết những suy nghĩ bước đầu của ông về vấn đề này như sau: “…Tôi lấy ví dụ các bước đầu tiên bắt vì lý do quan hệ gái mại dâm, rồi sau đó chuyển sang kiểm tra máy vi tính rồi sau đó chuyển đến chuyện nói là chống người thi hành công vụ, rồi liên quan đến chuyện khám xét nhà, tôi có thể nói rằng những trình tự như vậy diễn ra trong xã hội chúng tôi mà tôi chứng kiến trong đời thì nhiều lắm. Các bước đi như vậy thì hết sức là rõ, nó đã nằm trong tầm hiểu biết của tôi… Cho nên tôi có thể nói một câu chung là như thế này, là tôi rất tiếc cháu Vũ không có được một vốn đời như ông Cù Huy Cận hay như tôi là chú nó đây. Chúng tôi thì quá hiểu!” (DVC Online, ngày 6.11)

Và tôi tin rằng, bản thân ông Cù Huy Hà Vũ, khi bắt đầu bằng những lời nói, việc làm phản ứng lại những sai trái, bất công, phi lý rành rành trong cái xã hội này, hơn ai hết, ông hẳn biết thừa rằng sẽ có một ngày mình phải trả giá.

Điều tôi chỉ hơi ngạc nhiên một chút là việc bắt ông Cù Huy Hà Vũ chắc chắn đã được quyết định không phải chỉ trong ngày một ngày hai, các bước đi đã được tính toán đâu vào đó, vậy mà cái kịch bản dàn dựng sẵn khi đem ra thực hiện lại thô lậu, hớ hênh, thấp tầm quá! Rõ là mất công dàn dựng mà chả ra làm sao, ngay từ đầu Hà Nội cứ cho lệnh bắt ông Cù Huy Hà Vũ vì tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” có lẽ còn ít bị “tác dụng ngược” hơn. Nhưng nếu đường đường chính chính được như vậy thì đâu phải là cung cách của nhà nước Việt Nam từ xưa đến nay? Chỉ có điều, thời buổi này thì mọi sự dàn dựng, khuất tất cũng nhanh chóng bị phơi ra thôi. Không phải chỉ từ phía dư luận, mà việc luật sư Nguyễn Thị Dương Hà làm đơn xin cùng với luật sư Trần Đình Triển đứng ra bào chữa cho chồng là câu trả lời rõ ràng nhất cho sự thất bại của kịch bản “mua dâm”, hay nhẹ hơn, “quan hệ trai gái dâm ô truỵ lạc” của Hà Nội trong vụ bắt ông Hà Vũ.
Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Thị Dương Hà

Có một thời trong xã hội Việt Nam, văn nghệ sĩ là giới bị tai ương chính trị nhiều nhất, điển hình là vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, hàng loạt văn nghệ sĩ miền Nam giai đoạn sau 1975 hay những người như nhà văn Vũ Thư Hiên, nhà văn Dương Thu Hương, nhà thơ Bùi Minh Quốc…Nhưng mấy năm gần đây có vẻ như giới văn nghệ sĩ không phải là lực lượng nói mạnh nhất, mà là các blogger-nhà báo tự do, các luật sư…Riêng giới luật sư bị bắt, bị tù hoặc gặp rắc rối với chính quyền, đã có luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Bắc Truyển, Lê Quốc Quân, Nguyễn Thị Thùy Trang, Bùi Kim Thành, Lê Công Định, Lê Trần Luật, Phan Thanh Hải (tức blogger AnhBaSG)…và bây giờ là luật sư Cù Huy Hà Vũ. Điều đó cũng dễ hiểu, luật sư là những người am hiểu về luật pháp, trong quá trình tham gia bào chữa cho các vụ án họ quá hiểu những sự bất cập, phi lý, những lỗ hổng trong nền pháp lý của nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhất là khi có điều kiện học hỏi, so sánh, đối chiếu với những chuẩn mực luật pháp văn minh hiện hành trên thế giới. Vì lương tâm, họ không thể không lên tiếng.

Càng ngày, danh sách những người bất đồng chính kiến phải vướng vào vòng lao lý càng nhiều hơn và trong số họ, rất nhiều người có tên tuổi, có học thức, có vị trí nhất định hoặc chí ít, là những người thành đạt mặt này mặt khác, trong xã hội. Không thể quy cho họ vì có nguồn gốc xuất thân phản động, con cái “nguỵ quân nguỵ quyền” hoặc là những thành phần bất tài, bất mãn nên thù ghét chế độ được. Những người như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, bộ ba trí thức trẻ gồm bác sĩ-luật sư-doanh nhân Lê Nguyên Sang, Nguyễn Bắc Truyển, và Huỳnh Nguyên Đạo, bốn nhà trí thức khác là luật sư-thạc sĩ tin học-doanh nhân Lê Công Định,Nguyễn Tiến Trung,Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long , tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ v.v. thừa sức có một cuộc sống thoải mái, thành đạt, thậm chí họ còn có những điều kiện hơn hẳn nhiều người khác. Nhưng họ đã lên tiếng và chấp nhận trả giá. Cái giá ấy lại càng đắt hơn trong một xã hội như Việt Nam, khi nhà cầm quyền không chỉ bảo thủ, cố giữ nguyên trạng thể chế chính trị bằng mọi giá mà còn thiếu hẳn cái tầm văn hóa trong cách xử lý, đối phó với chính người dân của mình, còn đám đông dân chúng vẫn u mê hoặc giả u mê, và không vượt qua được nỗi sợ hãi đã tồn tại quá lâu.

Rất nhiều khi tôi tự hỏi vì sao những người cầm quyền đất nước này, với cả bộ máy nhà nước, quân đội, công an, luật pháp, truyền thông…trong tay, lại không thể cư xử ít ra là đàng hoàng hơn với những người có tư tưởng khác với họ nhưng chỉ đấu tranh một cách ôn hoà, thay vì chơi toàn những trò “đánh dưới thắt lưng”, sử dụng đủ mọi biện pháp tiểu nhân khác nhau như bôi nhọ đời tư không chừa một ai từ nhà văn Dương Thu Hương , nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc cho đến linh mục Nguyễn Văn Lý, hoà thượng Thích Quảng Độ…; truy đuổi đến cùng không cho cơ hội làm ăn, sinh sống…như với luật sư Lê Trần Luật, blogger AnhBaSG, kỹ sư Đỗ Nam Hải…; dàn dựng những vụ án khác nhau nhằm hạ thấp thanh danh từ tội “trốn thuế” đối với trường hợp blogger Điếu Cày, “cố ý hành hung người khác” đối với nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ, “dâm ô truỵ lạc”, “chống lại người thi hành công vụ” với tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ…Và khi họ kết án người bất đồng chính kiến thì nhiều bản án phải nói là quá nặng nề, từ 5, 7, 8 năm đến 16 năm (như doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức)…

Còn báo chí truyền thông, với những trường hợp như vậy, dù biết rằng ở Việt Nam báo chí thì phải tuân theo sự chỉ đạo của Đảng và nhà nước, nhưng có lẽ trước khi hạ bút viết theo những thông tin do công an cung cấp, hoặc do lệnh của cấp trên, xin hãy cân nhắc từ ngữ, cẩn trọng trong việc sử dụng những bằng chứng được cung cấp, thay vì hùa nhau “đánh hội đồng”, bôi bẩn một con người mà người đó rất khó có cơ hội tự bào chữa, càng không có cơ hội khiếu kiện ngược trở lại. Viết tới đây tôi lại nhớ đến đức cha Ngô Quang Kiệt khi một phần câu nói của ngài bị cắt ra khỏi toàn câu làm sai lệch hẳn ý, và hàng chục bài báo đã đánh vào cái ý bị sai lệch ấy, là một trong rất nhiều ví dụ của cái sự đánh hội đồng theo lệnh từ trên! Hoặc mới đây nhất là cách đưa tin của báo chí trong vụ của tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ chẳng hạn.

Chẳng cái gì có thể mất đi hoàn toàn không dấu vết trong thời đại này. Mỗi lời chúng ta nói, mỗi câu chúng ta viết, mỗi việc chúng ta làm. Chuyện mấy chục năm trước thời chưa có internet, nhiều nhà văn thuộc hàng tên tuổi đã từng viết bài lên án, mạ lỵ nặng nề những người bạn vướng vào họa văn chương trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, đến bây giờ khi những bài viết đó được đăng lại trên mạng, không hiểu cảm giác của họ thế nào. Mong rằng những nhà báo khi viết bài theo lệnh công an ngày hôm nay cân nhắc để không phải trải qua cảm giác đó mươi, mười lăm năm sau.

Ngay cả những ai đến giờ phút này vẫn còn dễ dàng tin vào những gì nhà nước nói, để rồi dễ dàng buông ra những câu “té nước theo mưa”, hãy nghĩ lại vì sao ngày càng có nhiều người lên tiếng và chấp nhận trả giá, chính quyền này có thật là "của dân, do dân và vì dân" khi 35 năm rồi sau khi chiến tranh kết thúc vẫn không thể đem lại cho người dân cả độc lập-tự do-hạnh phúc, cả những quyền cơ bản, tối thiểu nhất của một con người như quyền được mở mồm, hay cảm giác được sống an toàn trong một xã hội mà khi có chuyện gì xảy ra họ có thể trông chờ vào sự công minh của pháp luật, sự trung thực của báo chí và sự dũng cảm của những người xung quanh?
Song Chi
Nguồn: Blog Song Chi (Đài RFA, 09/11/2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét