29/11/11

PHÂN HÓA GIÀU NGHÈO Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Sinh hoạt lý luận, số 2/2011, tr.2

Nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, nhưng đồng thời cũng tạo ra sự chênh lệch về thu nhập, mức sống ngày càng rõ nét hơn, trong đó phân hóa giàu nghèo đang là một trong những vấn đề xã hội bức xúc hiện nay.
1. Nói giàu nghèo là đề cập đến thu nhập và mức sống với những chỉ báo khác nhau tùy thuộc vào từng vùng địa lý khác nhau, cũng chính từ đó có quan niệm nghèo tuyệt đối và nghèo tương đối. Ngân hàng Thế giới xem thu nhập 1 đô la Mỹ/ngày theo sức mua tương đương của địa phương so với (đô la thế giới) để thỏa mãn nhu cầu sống như là chuẩn tổng quát cho nạn nghèo tuyệt đối và từ đó có những chuẩn khác cho từng địa phương hay từng vùng được xác định, từ 2 đô la cho châu Mỹ La Tinh và Carribean đến 4 đô la cho những nước Đông Âu cho đến 14,40 đô la cho những nước công nghiệp. Đối với những xã hội được gọi là thịnh vượng, nghèo được định nghĩa dựa vào hoàn cảnh xã hội của cá nhân, nghèo tương đối có thể được xem như là việc cung cấp không đầy đủ các tiềm lực vật chất và phi vật chất cho những người thuộc về một số tầng lớp xã hội nhất định so với sự sung túc của xã hội đó .
Nghèo tương đối có thêm khách quan, tức là sự hiện hữu không phụ thuộc vào cảm nhận của những người trong cuộc. Còn nghèo tương đối chủ quan là khi người trong cuộc cảm thấy nghèo không phụ thuộc vào sự xác định khách quan. Bên cạnh thiếu sự cung cấp vật chất (tương đối), việc thiếu thốn tài nguyên phi vật chất ngày càng có tầm quan trọng hơn. Việc nghèo về văn hóa – xã hội, thiếu tham gia vào cuộc sống xã hội… được xem như một thách thức xã hội nghiêm trọng. Cả hai phương diện trên ở nước ta đều có và cũng là thách thức lớn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã tập trung nhiều biện pháp nhằm xóa đói giảm nghèo và có những kết quả đáng kể. Trong 2 năm (2006 – 2007), hộ nghèo tiếp tục giảm bình quân trên 300.000 hộ/năm, năm 2006 tỷ lệ hộ nghèo còn 15,5%, năm 2007 còn 14,8% (giảm được 7,2% so với cuối năm 2005). Một số địa phương cơ bản xóa hết số hộ nghèo theo chuẩn quốc gia và áp dụng chuẩn mới của địa phương cao hơn từ 1,5 – 2 lần so với chuẩn nghèo quốc gia như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và tỉnh Bình Dương. Chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn giảm từ 2,3 lần năm 1999 xuống còn 2,09 lần năm 2004 và 2 lần năm 2008, đến năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 10%.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân có thể nhận thấy rằng chất lượng cuộc sống ở một số nơi có phần suy giảm, chuẩn nghèo chưa phản ánh chính xác tình trạng nghèo trong điều kiện hiện nay. Tốc độ giảm nghèo có xu hướng chậm lại, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao; số huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao còn nhiều (61 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%). Sự chênh lệch về thu nhập, sự phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa các vùng chưa được thu hẹp, còn có xu hướng giãn ra. Uớc tính đến cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là vùng Tây Bắc tới 31,5% và Đông Nam Bộ, vùng có tỷ lệ nghèo thấp nhất là 3,2%, chênh nhau 9,8 lần. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì chênh lệch thu nhập giữa 20% hộ giàu nhất với 20% hộ nghèo nhất năm 2004 là 8,34 lần, năm 2006 là 8,37 lần và ước tính năm 2008 là 8,4 lần (cách tính này chưa sát với thực tế ở nước ta, nhưng cũng đã cho thấy xu hướng giãn ra là rất rõ).
Như vậy, cùng với kinh tế thị trường và nhiều nguyên nhân khác, tình trạng phân hóa giàu nghèo ở nước ta đang là một trong những vấn đề xã hội bức xúc cần được quan tâm, điều đáng lưu ý là ở nước ta tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi vẫn còn cao, gấp 1,7 – 2 lần so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số trong tổng sống nghèo trong cả nước tăng. Chênh lệch thu nhập giữa 10% nhóm giàu nhất với 10% nhóm nghèo nhất ở nông thôn là 13,5 lần; thu nhập của 53% số hộ nông dân bị thu hồi đất giảng so với trước khi chưa thu hồi đất có 34,5% số hộ có điều kiện sống thấp hơn. Cũng từ đó sự chênh lệch giàu nghèo diễn ra ở khu vực thành thị và nông thôn, tính bình quân một người lao động ở nông thôn chỉ thu nhập bằng 47,8% so với lao động thành thị.
Cùng với những người nghèo thì với kinh tế thị trường cũng đã có nhiều người giàu lên nhanh chóng. Theo các tài liệu công bố chính thức trên sàn chứng khoán Việt Nam, chưa có đại gia nào đạt tầm tỷ phú đô la, song số triệu phú cũng ngót ngét 170. Riêng 100 nhân vật giàu nhất, mỗi người đều có tài sản chứng khoán vượt 2 triệu đô la, trong đó có 2 người đạt chuẩn hội viên câu lạc bộ 100 triệu đô la. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, khoảng cách giữa mức thu nhập của các nhóm lao động ngày càng có sự chênh lệch rõ nét, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tại Hà Nội, chênh lệch giữa người có tiền lương cao nhất so với trung bình là 42 lần (75,2 triệu đồng/tháng với mức bình quân 1,8 triệu đồng/ tháng). Tại thành phố Hồ Chí Minh con số chênh lệch còn lên đến 109 lần (240 triệu đồng/tháng so với 2,2 triệu đồng/tháng). Nhóm có thu nhập cao là các giám đốc điều hành, trưởng đại diện, trưởng phòng, cán bộ phụ trách kinh doanh… đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn dầu tư nước ngoài, công ty liên doanh, các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bác sĩ tại một số bệnh viện, phòng khám. Ngược lại, nhóm có thu nhập thấp là công nhân lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài…
Thực tế trên cho thấy, bất bình đẳng trong thu nhập ở nước ta ngày càng rõ nét và gay gắt hơn, tỷ lệ hộ nghèo tập trung chủ yếu ở những vùng khó khăn, có nhiều yếu tố bất lợi như điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, kết cấu hạ tầng thấp kém, trình độ dân trí thấp, trình độ sản xuất manh mún, sơ khai. Ngoài ra, còn xuất hiện một số đối tượng nghèo mới ở những vùng đang trong quá trình đô thị hóa và nhóm lao động nhập cư vào đô thị, họ thường gặp khó khăn nhiều hơn và phải chấp nhận mức thu nhập thấp hơn lao động sở tại. Đây là những yếu tố làm gia tăng tình trạng tái nghèo và tạo ra sự không đồng đều trong tốc độ giảm nghèo giữa các vùng trong cả nước.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015, theo đó, hộ nghèo ở nông thôn là hộ nghèo có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống (chuẩn nghèo cũ là 200.000 đồng/ người/ tháng), hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 – 520.000 đồng/ người/ tháng trở xuống. Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/ người/ tháng trở xuống (chuẩn nghèo cũ là 260.000 đồng/ người/ tháng), hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 – 650.000 đồng/ người/ tháng. Theo Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cả nước hiện ở mức 13%. Nếu theo chuẩn nghèo mới được thông qua, tỷ lệ hộ nghèo sẽ tương đương với trên 20%.
Đề cập đến vấn đề nghèo, nhiều nhà nghiên cứu lưu ý rằng nghèo không chỉ đơn giản là mức thu nhập thấp mà từ đó còn thiếu thận trong việc tiếp cận các dịch vụ như giáo dục, văn hóa, y tế; không chỉ là thiếu tiền mặt, thiếu những diều kiện tốt hơn cho cuộc sống mà còn thiếu thể chế kinh tế thị trường hiệu quả, trong đó có các thị trường đất đai, vốn và lao động cũng như các thể chế nhà nước được cải thiện có trách nhiệm giải trình và vận hành trong khuôn khổ pháp lý minh bạch cũng như một môi trường kinh doanh thuận lợi. Nghèo còn là tình trạng đe dọa bị mất phẩm chất quý giá – đó là lòng tin và lòng tự trọng.
Khi bàn về nguyên nhân của tình trạng phân hóa giàu nghèo, mà nhất là nghèo ở nước ta cũng đã có nhiều quan niệm và cách tiếp cận khác nhau, nhưng tựu trung lại có mấy nguyên nhân sau:
Thứ nhất, nước ta là nước nông nghiệp chậm phát triển, vừa trải qua cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ, cơ sở hạ tầng bị tàn phá, nguồn nhân lực chính của nhiều hộ gia đình bị giảm sút trong chiến tranh. Cộng với thời kỳ duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp làm cho sản xuất nông nghiệp đơn điệu, công nghiệp thiếu hiệu quả, thương nghiệp chậm phát triển.
Thứ hai, khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, lao động dư thừa ở nông thôn chưa dược khuyến khích ra thành thị để lao động, chưa được đào tạo để chuyển sang khu vực công nghiệp. Trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật đang là thách thức đối với lực lượng lao động ở nông thôn, trong tổng số 16,5 triệu thanh niên ở nông thôn chỉ có 12% tốt nghiệp phổ thông trung học, 3,11% có chuyên môn kỹ thuật.
Cùng với sự hạn chế về trình độ các mặt, thì diện tích đất nông nghiệp cũng đang có xu hướng giảm dần trong quá trình công nghiệp hóa, hiện dại hóa. Trong những năm qua, bình quân mỗi năm có khoảng 70.000 ha đất trồng lúa chuyển sang mục đích khác.
Thứ ba, người dân còn chịu nhiều rủi ro trong cuộc sống, sản xuất mà chưa có thiết chế phòng ngừa hữu hiệu và dễ tái nghèo trở lại như thiên tai, dịch bệnh, sâu hại, tai nạn lao động, thất nghiệp hoặc có việc làm nhưng không ổn định; sự rủi ro về giá sản phẩm đầu vào, đầu ra do biến động thị trường thế giới và khu vực… Bên cạnh những rủi ro trên còn có sự “rủi ro” trong việc thay đối chính sách, sự không minh bạch và nhiều thủ tục của hệ thống hành chính, tình trạng quan liêu, tham nhũng của cán bộ và bộ máy hành chính.
Thứ tư nền kinh tế đất nước có tăng trưởng khá nhưng thiếu bền vững, nợ công tuy ở ngưỡng cho phép nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ. Theo cách tính của Ngân hàng Thế giới (WB ), nợ công của Việt Nam tính đến cuối năm 2009 đã lên đến mức 47,5% GDP; trong khi đó cách tính nợ của Việt Nam, do Bộ Tài chính cung cấp là 44,7%. Hai cách tính này có khác nhau dựa trên cơ sở thâm hụt ngân sách, Tổng cục Thống kê thông báo, thâm hụt ngân sách của Việt Nam năm 2009 là 6,9%, còn WB lại đưa ra con số là 8,4%.
Theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, nợ nước ngoài của Việt Nam tính đến tháng 6 năm 2009 là 29,8 tỉ USD, tương đương 30,5% GDP và có xu hướng giảm, ổn định, nghĩa là đang trong tầm kiểm soát an toàn. Thế nhưng nợ trong nước lại có xu hướng tăng, nếu tính cả số nợ trái phiếu của các công trình xây dựng để ngoài ngân sách, thì tỷ lệ nợ đã và quá 50% GDP. Điều đó đã hạn chế phần nào trong việc thực hiện các chính sách xã hội và an sinh xã hội.
2. Phân hóa giàu nghèo cho dù là hợp thức hay không hợp thức (hợp pháp hay không hợp pháp) đã và đang diễn ra ở nước ta. Tuy nhiên, từ sự phân hóa giàu nghèo như hiện nay có thể dẫn dấn phân hóa giai cấp trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với thành phần kinh tế tư nhân phát triển nhanh? Trong những năm vừa qua, kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển nhanh, hiện nay đã chiếm 46% GDP; các doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút ngày càng nhiều lao động, đóng góp tích cực vào giải quyết việc làm và phát triển kinh tế. Trong 3 năm (2006 – 2008), có 173.314 doanh nghiệp tư nhân mới được thành lập với tổng số vốn đăng ký 1.186.387 tỷ đồng, đưa tổng số doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế lên 381.621 doanh nghiệp (chỉ tiêu Đại hội X đến năm 2010 là 500.000 doanh nghiệp).
Về mặt lý thuyết thì trong thời kỳ quá độ, nền kinh tế nhiều thành phần tất yếu đưa tới một cơ cấu xã hội – giai cấp đa dạng và phức tạp, vì nhân tố kinh tế luôn luôn có vai trò quyết định đối với các vấn đề xã hội. Mặt khác, sự phát triển của các nhân tố xã hội luôn đan xen, ảnh hưởng và tác động lẫn nhau. Điều đó dẫn đến một cơ cấu xã hội mới đã hình thành lại có tác động trực tiếp tới sự phát triển và sự củng cố cơ cấu kinh tế, tạo cho nó đi đúng định hướng. Với cách tiếp cận này có thể xem xét trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội sẽ có một cơ cấu xã hội – giai cấp sẽ hình thành trong đó có thể có tầng lớp mới xuất hiện, về tên gọi chắc là còn nhiều ý kiến khác nhau và những băn khoăn nhất định, song cũng có thể gọi đó là “tầng lớp tư sản mới”, nó ra đời trong điều kiện của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Nhưng, cơ cấu xã hội – giai cấp phát triển trong mối quan hệ biện chứng của các nhân tố khách quan và chủ quan. Đảng, Nhà nước xã hội chủ nghĩa với tính cách là những nhân tố chủ quan mạnh nhất, tác động chi phối đến sự biến động của cơ cấu xã hội – giai cấp, phát triển theo tính chất xã hội chủ nghĩa thông qua các chính sách kinh tế – xã hội phù hợp với các điều kiện kinh tế – xã hội và lịch sử – chính trị khách quan của đất nước. Với cách tiếp cận này, có thể nhận thấy quá trình biến đổi cơ cấu xã hội – giai cấp cũ sang cơ cấu xã hội – giai cấp mới là một quá trình liên tục trong thời kỳ quá độ, nhiều thành phần kinh tế ra đời sẽ làm sống động nền kinh tế nhưng sẽ dần dần ổn định ở giai đoạn sau – khi nền kinh tế ổn định, lực lượng sản xuất đã phát triển và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa có kết quả khả quan… khi ấy sẽ diễn ra sự xích lại gần nhau giữa các giai – tầng xã hội, sẽ diễn ra sự chuyển đổi bộ phận giữa các nhóm xã hội, từ chỗ không còn cả chế độ áp bức bóc lột đến chỗ không còn cả những quan hệ bóc lột giữa người với người; đạt đến giai đoạn này thì sẽ không có sự phân hóa giai cấp mới. Đương nhiên, đạt đến giai đoạn đó cần phải có một thời kỳ dài hơn cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội…
3. Phân tầng xã hội, phân hóa giai cấp có thể được xem là một trong những vấn đề xã hội cần được quan tâm, cho dù là bắt nguồn từ nguyên nhân nào cũng đều để lại những hệ quả xã hội nhất định, trên một phương diện khác có thể tạo nên tâm lý bất an. Việc khắc phục những vấn đề trên là cả một quá trình và kết hợp nhiều biện pháp nhằm hướng tới công bằng và tiến bộ xã hội, trong tính hệ thống và những vấn đề liên quan, thì nên hướng vào các nội dung sau:
- Dưới góc độ xã hội, khắc phục và hạn chế các khuyết tật của kinh tế thị trường về phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo, tạo điều kiện cho những người bị thiệt thòi có điều kiện vươn lên để hòa nhập với cộng đồng. Thực hiện công bằng trong phân phối và thu nhập theo nguyên tắc lao động.
Dưới góc độ kinh tế, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, tuy rằng sự tăng trưởng kinh tế tự nó sẽ không bao hàm và giải quyết được tất cả các vấn đề xã hội, mặc dù các chương trình phát triển kinh tế sẽ là cơ sở để lồng ghép giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, xóa đói giảm nghèo. Vì thế, cùng với sự phát triển kinh tế phải kết hợp với các chương trình xã hội ở từng vùng, miền và từng dân tộc sao cho phù hợp.
Dưới góc độ luật pháp, từng bước hoàn chỉnh hệ thống pháp luật và thực hiện đúng luật định, phải kiên quyết và không né tránh như những năm vừa qua…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét