5/2/11

Ngày xuân nhớ, tiếng ru xa vời

Là người Việt, ai trong chúng ta lớn lên cũng đều qua thuở nằm nôi, thuở ấy được: Bà, mẹ, chị…ru cho ngủ. Tiếc rằng lúc đó chúng ta không thể biết bằng cảm nhận  nào, qua những lời ru ấy khiến ta ngon giấc!? Dù bụng đang đói, đôi khi nhà nghèo khiến mẹ kiệt dòng sửa, có khi trong người “bé ta” đang bị chứng bịnh nào đó. Nơi miền quê xa xôi, thời chưa mở mang nước còn nghèo, bệnh viện nông thôn chưa có, bác sỹ, y tá cũng không. Bệnh qúa lắm, đứa bé ấy mới được đưa tới thầy lang vườn! Nghĩ ra mới biết, trong lời ru có một phần không nhỏ trợ thêm dòng sửa mẹ, thay cả thuốc men.
  Chừng, lớn khôn hơn một tí, lời ru con (em) văng vẳng bên tai, nhập vào hồn từ lúc nào không hay. Để khi có dịp đi xa, chẳng phải xa gì mấy, chỉ cần từ quê ra phố trọ học. Bất chợt ở đâu đó lời ru vọng lại, khiến lòng mình buồn nhớ man mác. Cái nhớ có thứ tự lớp lang đàng hoàng. Đầu tiên nhớ tổng thể cả làng quê, sau đến nhớ nhà, rồi mới nhớ mẹ. Nỗi nhớ có khi chạy theo chiều ngược. Nghĩa là lâu qúa không nghe ai hát ru con, trong lòng bổng nhớ quê, nhớ ngôi nhà cũ, vườn xưa, nhớ mẹ và nhớ những lời ru xa vắng…
Thú vị hơn, những lời ru đơn mộc bên chiếc nôi, trong lũy tre làng từ các Bà, Các, Mẹ, các Chị.  Họ chưa hề là “nhà” văn, “nhà” thơ, thậm chí với xã hội “trọng nam khinh nữ” họ chưa hề đến trường, lớp. Thế nhưng những lời ru con, ru em, ru cháu đã đóng góp đáng kể vào văn học bình dân, dân gian của dân tộc mình. Có thể nói đất nước bao ngàn năm tuổi cùng lớn lên theo lời ru của mẹ.
Giá như trước bài luận văn, ông thầy cho tả chiếc nôi. Có lẽ muôn học trò đều bắt đầu: Cái nôi bằng tre, có bốn quai bằng dây dừa, do ông nội, hay ông ngoại vót tre đan chiếc nôi hình bầu dục, được treo bằng cái móc trên xà nhà… Nhưng Mẹ chỉ vỏn vẹn hai câu:
“Hai tay cầm bốn quai nôi,
Tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương”
ru, đưa con là một định luật thành văn hẳn hòi:
Đố ai nằm võng không đưa
Ru con không hát đò đưa không chèo.
Không những đưa ra luật ru con, mẹ ta (được hiểu có bà, chị nữa. Mẹ là một đại diện) còn kèm theo những luận chứng khó cải: Nằm võng không đưa? Đò đưa không chèo? Ai có hình ảnh thực tế chứng minh ngược lại: Võng không đưa, đò không chèo, thì khi đó ru con mới không còn cần thiết!
Từ thưở lọt lòng, mẹ đã dạy con lòng hiếu thảo:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
(Trích Quốc Văn Giáo Khoa Thư)
Người Việt có truyền thống hiếu học nhờ từ bé mẹ đã âu lo:
Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc cầu kiều
muốn con hay chữ phải yêu mến thầy.
Trong hai câu đầu nói lên cảnh khổ ải của một vùng quê nào đó, đường sá bị trắc trở, bởi sông suối. Đò ngang không chèo thì dễ hiểu vì lượng người qua lại thưa thớt, chưa đủ để ai đó “đầu tư” ghe thuyền, quan cấm đò dọc, trong lịch sử thời vua chúa, thời chiến tranh cũng chưa thấy nói nơi nào quan cấm? Có thể hư cấu là chuyện thường tình trong văn chương, phần tiếp xuống dưới chúng ta sẽ gặp đôi khi lời ru không cần ý nghĩa, chỉ có vai trò câu đệm mà thôi.
Cầu kiều? Kiều là đẹp, trong cảnh khổ ải như vậy có ai mơ tưởng tới cầu kiều, nhưng thay chữ kiều sẽ không hợp vận chữ yêu ở câu dưới, nhưng điểm chính trong nội tâm người mẹ cây cầu ấy phải đẹp, trịnh trọng, bề thế trong tâm thức, có như thế mới xứng với  nguyện vọng: Muốn con hay chữ, muốn con biết tôn sư trọng đạo,
điều trọng thầy được làm gương, điều dẫn từ phụ huynh, nhờ đó dù có con học hay không, người thầy giáo được toàn xã hội trọng vì. Thầy Giáo là thiên chức của xã hội, một nghề cao quý.
Từ tám câu trong lời mẹ ru nêu trên, có thể kết thành một đoạn giáo lý trong Đạo Dân Tộc, viết trên trang giấy trắng tinh, đầu đời cho con thơ của mẹ.
Thôi thúc con say giấc nồng, mẹ còn bổn phận trước quân giặc Tàu xâm lăng:
Con ơi con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà quản tượng cỡi voi bành vàng.
Bao nhiêu anh hùng đuổi giặc xâm lăng, làm nên công nghiệp lưu truyền sử xanh, ai dám nói không từ cái nôi hun đúc chí cả do lòng nhiệt huyết từ người mẹ?
Lời ru em của chị:
Ru em cho théc cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh
Chợ Dinh bán áo con trai
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim
Trong ngôn ngữ Việt thật phong phú, chữ théc nghĩa là ngủ, dành cho tuổi bé bi chưa thôi nôi, hình như càng ngày người ta ít dùng nó, thưở xa xưa chợ cũng chia ngăn nắp đến khó hiểu, tại sao mua cau ở Nam Phổ, mua trầu phải qua chợ Dinh? Trong khi đó trầu cau hai thứ không thể tách biệt cũng có thể cau Nam Phổ ngon có tiếng, mà trầu không bằng chợ Dinh và ngược lại?
Hay chàng ở Nam Phổ, nàng quê chợ Dinh?
Vì sao Triều Sơn bán nón, không chịu bán luôn kim, kim là dụng cụ chằm nón. Sự ngăn nắp đến khó hiểu, thêm nữa chợ Dinh chỉ bán áo con trai? Có thể trên đây những “tiệm” nổi tiếng chuyên bán những mặt hàng cá biệt, nhất định như  Nam Phổ có trầu thơm . Chợ Dinh có cau ngon.
Ngày xưa với lễ giáo khắt khe, không những từ trong gia đình gìn giữ, ngoài xã hội những ánh mắt nghiêm nghị cũng là sợi dây vô hình nhắc nhở cho mọi người, đặc biệt với phái nữ, nên đôi hồi các chị mượn tao nôi để ý nhị thổ lộ tình mình:
Cất lên một tiếng la đà
Cho chim nhớ tổ, cho ta nhớ mình…
Tiếng “mình” thường dùng cho hai vợ chồng. Trai, gái đang độ yêu nhau chưa gọi nhau bằng mình, trường hợp trên có thể người vợ trông chồng từ phương xa. Có thể đi chinh chiến, cũng không loại trừ sa đà món “phở” lại quên lối về. Sở dĩ không dám đoan chắc cảm hứng nầy từ chị hay mẹ là tác giả, vì còn liên tục với bốn câu:
Có phải trưa nay chị nhớ người thương
Nên mượn cớ ru em để lòng mình thương nhớ
Có phải ngàn năm thương thương nhớ nhớ
Khiến tiếng đàn bầu nghe xé ruột vò gan…
Không những mượn tao nôi để thố lộ, chị còn mượn luôn em bé để phản hồi “Có phải trưa nay…………..Nên mượn cớ ru em….” rõ ràng đây là một màn độc thoại. Vậy chữ mình ở trên được dùng cho trường hợp ngoại lệ, cũng hợp lý khi mình thố lộ với chính lòng mình và cho tình yêu đã đến hồi chín muồi, hôn nhân chỉ còn là thời gian.
Lời bà ru cháu:
“Cái ngủ cháu ngủ cho lâu,
Mẹ còn đi cấy ruộng sâu chưa về…”
Hay:
 “Ừ, cái ngủ mày ngủ cho say,
Mẹ mày vất vả chân tay tối ngày.
Vì đường sá trắc trở, phương tiện giao thông không có. Nên nhiều người suốt đời không dời chân khỏi làng mình, nên lấy chồng về làng khác kể như xa đến “nghìn trùng”, nhờ cảm giác không tương ứng thực tế này chúng ta mới có lời ru não lòng:
Má ơi đừng gả con xa
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.
Hoặc:
 Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng
Thương cha nhớ mẹ qúa chừng bạn ơi:
 Không biết lời van xin này kết qủa ra sao, nhìn vào lời khích lệ của đấng sinh thành, e rằng kết qủa có tỷ lệ khá thấp. Lời khích lệ hóm hỉnh nhưng khá nghiêm:
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương kiểng, nhớ quê thì đừng
Đấy!  thương cha nhớ mẹ cơ, còn nhớ lung tung, nhớ vớ vẫn như nhớ kiểng tức nhớ cảnh, nhớ quê (xóm) thì đừng…hòng nghe con! Nói thế thôi, mẹ cha nào không thương nhớ con, con nhớ một mẹ cha nhớ tới mười phần, song vì ngày ấy quý bà, quý mẹ chúng ta được gã chồng sớm qúa, e rằng tuổi chưa vững, tâm chưa định còn ham vui chểnh mảng chuyện chồng con, gia đình, nên mới vậy.
Dấu ấn lịch sử:
Trăm năm bia đá thì mòn. Đúng như thế bảng vàng bia đá bền vững tới đâu cũng đến hồi tàn phai, chỉ có bia miệng ngàn đời còn lưu, khi hát ru em với bốn câu này:
Ầu ơ ……………..
            Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc
            Gió nào độc bằng gió Gò Công
            Thổi ngọn đông phong lạc vợ xa chồng
            Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi
Đồng bào đều nhớ trận bảo lụt kinh hoàng nhất trong lịch sử, xảy ra ngày 16 tháng 3 năm 1904, riêng tỉnh Gò Công đã có hơn 5000 người chết. Cơn bão lụt tàn phá toàn miền Tây.
Đất dụng võ chúa Nguyễn Ánh cũng tại miền Tây, thanh niên, trai tráng vùng này mộ quân theo chúa và cuộc chinh chiến không biết ngày tàn, nên vẳng lên lời thương nhớ bên vành nôi:
Ra đi em một ngó chừng
Ngó sông sông rộng ngó rừng rừng cao.
cũng có khi theo chân chúa bôn tẩu tận Khờ Me, để mấy mùa mù u chín rụng không thấy chàng về, Sầu Riêng thổ sản của miền Tây, nhưng ở đây dùng chữ mù u tượng hình, thật khéo:
Nước ròng chảy thấu Nam Vang
Mù U chín rụng sao chàng bặt tăm.
 Với tựa đề: Mùa xuân nhớ tiếng ru xa vời, không chỉ riêng độ xa nửa vòng địa cầu, còn điều khác:
 Tôi sinh ra miền Trung, năm 1974 theo đơn vị về Cần Thơ, mua nhà ở Vĩnh Long, bên cạnh nhà có bà chị hát ru em buồn da diết, có lúc chịu không nổi tôi thả ra đường đi bộ qua bên kia cầu Khưu Văn Ba, đi – đi miết, vừa đi vừa nhẩm lại mấy lời ru của chị, thật buồn cười như thằng bé sợ ma đã co dò chạy, đầu cứ ngoái lại đằng sau! Cũng chính vì thế tôi thuộc nhiều lời ru xứ miền tây, thời điểm rời Việt Nam, 1996 tôi có hai đứa con – 99% lời ru cho hai cháu ngủ là phần tôi! Có lần tôi ru cho thằng bé vừa ngủ, định đi tắm heo, con chị sơ ý làm thằng bé thức giấc khóc thét. Tôi trừng phạt bắt con chị lúc ấy mới bốn tuổi: Phải ru cho em ngủ lại, tôi không ngờ cháu cất lời ru:
“chiều chiều ra đứng tây lầu tây tây lầu tây, thấy cô tang tình gánh nước tưới cây,  tưới cây ngô đồng – xui ai, xui trong lòng, trong lòng tôi thương, thương anh tưới cây ngô đồng. Hồng Hà ngăn cách đôi bờ sông, đôi bờ sông nhớ thương sao mà thương nhớ – nhớ thương nhớ thương, mong chờ thương nhớ”
Giọng nó hát mới buồn như ai oán làm sao, từ đó nghe ai hát ru con, tôi đều nhớ “tưới cây ngô đồng” buồn qúa. Bẵng đi mười lăm năm sống đất khách, không hề nghe ai hát ru con, tới nhà đồng hương chơi, họa hoằn lắm mới thấy bé bi nằm võng, nhưng võng được móc vào khung sắt có độ đong đưa rất nhỏ, hơn nữa bebi ở đây ít khóc để mẹ ru,
Tháng ba vừa rồi, tôi về thăm nhà (hiện ở Long Thành) và nhất định phải về Quảng Nam, Quế Sơn, miền sơn cước. Nơi mình được chôn nhau cắt rốn, 57 năm trước, để nghe lời ru con, để được buồn một trận cho đích đáng! Gần nửa thế kỷ xa quê, thế nhưng chỉ có bốn ngày ở lại, bao nhiêu bà con anh em mừng vui, làm tôi sém quên mất thèm khát thiết tha. Bỗng nhiên một sáng thức dậy tôi hỏi chú em họ: Này Hồng, tôi về đây đã ba ngày, dạo cùng xóm trên làng dưới, tịnh nhiên không nghe tiếng ru con, là sao chú? Hồng phì cười cho đây là câu hỏi ngớ ngẫn số một, (tôi đoán vậy) nhưng sau đó Hồng đượm buồn nói: Làng mình nghèo qúa anh ơi, nên con cháu vừa chớm lớn đã bỏ quê kiếm sống ở phương trời xa, chúng nó lập gia đình cũng không về quê, đến nổi người già than rằng: Trai trẻ bỏ đi hết, mai mốt chết biết ai chôn. Anh coi, tình cảnh như vầy kiếm đâu ra lời ru chân quê cho anh nghe.
 Sáng hôm sau xuôi Nam, lần thứ hai tôi mang lời ru em đi khỏi xứ, hành trang lần này cũng là hành trang cũ từ 46 năm trước. Trên một đầu thúng phía trước có một đứa bé, đầu sau là sản nghiệp một đời người mang theo trên con đường chạy giặc, tản cư. 46 năm sau trở về, rồi lại ra đi cũng chỉ những lời ru cũ, trong tâm khảm của đứa bé xa xưa:
Chiều chiều ông Lữ đi câu
cái ve cái chén, cái bầu sau lưng
hay: Mẹ ơi đừng đánh con đau
    Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ
Ôi buồn thay, rau ốc cạn nguồn, con người cùng sức. Tôi không ngờ mình trở về nơi ngày xưa trù phú còn bây giờ xơ xác, cằn khô. Lời ru em cũng theo chân người đi biệt xứ./.
Ông Bút.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét