11/7/10

Vụ đắm tàu Titanic Việt Nam

Ai cũng biết rằng: sự tham ô, tham nhũng, hoang phí, vô trách nhiệm… ít khi xảy ra đối với một tập đoàn kinh tế tư nhân. Bởi mọi tài sản và sự sống còn của tập đoàn là tài sản và sự sống còn của những cá nhân chịu trách nhiệm tập đoàn đó.
Còn đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước hiện nay và như trước kia là các công trường, nhà máy, xí nghiệp… khi giao quyền quản lý cho cán bộ của mình thường đứng trước nguy cơ bị những cán bộ quản lý đó lợi dụng và vơ vét cho cá nhân mình. Bởi thế mà có không ít các tập đoàn kinh tế Nhà nước càng ngày càng suy kiệt nhưng các cá nhân là lãnh đạo những tập đoàn đó càng ngày càng béo tốt.
Vinashin – Tập đoàn kinh tế siêu hùng. Vinashin – Anh cả đỏ trong nền kinh tế đầu tàu Việt Nam… đã trở thành Titanic Việt Nam thế kỷ 21. Con tầu huyền thoại (hay hão huyền?) của nền kinh tế Việt Nam đang từ từ chìm xuống kéo theo số phận của hơn 80.000 tỷ đồng nợ nần.
Trong những ngày tháng này, cái tên Vinashin đang vang lên như một nỗi khiếp sợ với người dân. Những người nông dân đang cấy lúa bỗng quỵ xuống cánh đồng lầy lội và oi nóng đến ngạt thở và khóc rống lên, những công nhân trong các hầm mỏ úp mặt vào tầng vỉa nức nở tưởng không bao giờ dứt, nước mắt những ngư dân ngày đêm lênh đênh trên biển đánh bắt cá bắt đầu tuôn chảy làm nước biển dâng cao hơn, những người thợ may xuất khẩu bị kim khâu đâm vào mười ngón tay chảy máu đầm đìa…
Họ như chết đứng bởi họ biết rằng con cháu họ sẽ cấy lúa trồng khoai, đánh bắt từng con tôm con cá, may từng cái quần soọc, bán từng kg than..có thể trong hàng trăm năm nữa để mà góp phần trả nợ cho những cái tên như Vinashin.
Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) Phạm Thanh Bình đã trở thành một ông vua. Ông toàn quyền trong nhiều quyết định. Chỉ riêng việc bổ nhiệm con trai ông làm đủ thứ chức vụ khi mới 27 tuổi mà không cần xin ý kiến của tập thể lãnh đạo  hay Thường vụ Đảng uỷ tập đoàn thì chúng ta mới thấy sự lộng quyền thời nay của không ít cán bộ có quyền chức ghê gớm và ngang ngược như thế nào.
Ai đã cho ông cái quyền ấy? Khi mà ở nước ta, Chi uỷ, Đảng uỷ, Ban giám đốc hay ban Lãnh đạo của một cơ quan Nhà nước luôn luôn là một chỗ dựa vững chắc và cũng là người giám sát những cửa quyền, những độc quyền, những tư lợi…
Thế mà ông Phạm Thanh Bình cứ làm như ở chốn không người cho đến khi dư luận lên tiếng. Ai đã cho ông cái quyền lớn như vậy? Nếu không là một ai đó cụ thể thì chính Ban Giám đốc và Đảng uỷ nơi ông đang tuỳ tiện hơn cả mọi tự do quyết định đánh đắm con tàu kinh tế Titanic Việt Nam phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Một tờ báo viết: Theo thông báo của Uỷ ban Kiểm tra trung ương (UBKTTƯ), vi phạm của ông Phạm Thanh Bình đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật. Có thật đây là một thông báo chính xác không? Nếu đúng là thông báo của UBKT TƯ thì người dân lại bị hoang mang.
Vì sao lại hoang mang? Vì một người sai phạm như thế và có nguy cơ đốt 80.000 tỉ thành tro bụi sao lại dùng chữ “đến mức phải áp dụng hình thức kỷ luật”? Trong khi đó, phải dùng chữ “phải bị truy tố” mới đúng chứ. Một kẻ lừa đảo chiếm đoạt vốn của người khác mấy trăm triệu hay mấy tỉ còn bị truy tố huống hồ là 80.000 tỉ.
Hay bởi 80.000 tỉ này là tiền CHÙA đây? Mà việc tiêu tiền CHÙA cũng đã và đang là một dịch nạn ở Việt Nam từ lâu lắm rồi. Xin thưa số tiền đó có một phần tiền của cá nhân tôi đóng thuế đấy cho dù nó chỉ là một đồng.
Nhân dân xin những con “sâu” đừng bò lên cao nữa…

Con sâu mập Kim Cúc
Báo “Người Lao Động” ra ngày 5 tháng 7 viết:  Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Tiền Giang đã có cuộc họp kiểm điểm việc Bí thư Tỉnh uỷ Trần Thị Kim Cúc bị tố cáo có nhiều sai phạm. Tại cuộc họp, nhiều cán bộ Thường vụ đã thống nhất 4/5 vấn đề tố cáo bà Cúc là có cơ sở.
Theo đó, bà Cúc đã bị tố cáo có chủ trương cho UBND tỉnh bán hết Công ty CP Du lịch Tiền Giang cho gia đình ông Hoàng Kiều; ưu ái nhà đầu tư ở KCN Tân Hương một cách kỳ lạ bằng cách “biếu” không cho Công ty Nhựt Thành Tân 77,5 tỉ đồng mà chưa thông qua HĐND tỉnh… Ngoài ra, bà Cúc còn có người con nuôi là cán bộ ngân hàng có hành vi giật nợ hàng tỉ đồng và có dấu hiệu vi phạm hình sự trong việc tham ô tài sản.
Nhiều người dân rất chân thành nhưng cũng rất ngờ nghệch và tội nghiệp mà tôi từng là một người trong số họ. Trước kia họ cứ băn khoăn không biết làm sao mà nhiều quan chức giàu có thế. Một thời nhân dân đã mạnh dạn công khai xin đồng chí Giám đốc này, đồng chí Chủ tịch kia, đồng chí Bí thư nọ… hãy mau mau cứu dân bằng cách dạy cho dân cách làm giàu. Vì chỉ sau một khoá tại vị, các đồng chí ấy có cơ man đất đai, nhà cửa, tiền bạc…
Người dân rất hoan nghênh tinh thần trách nhiệm và sự dũng cảm của Ban thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Tiền Giang bởi một lý do rất đơn giản. Đó là họ đã dám lên tiếng đấu tranh sự sai trái của một Bí thư. Nghĩa là họ đấu tranh với chính người lãnh đạo mình. Bởi người dân vẫn nghĩ lâu nay có cho vàng cho bạc thì cấp dưới cũng chẳng dám đấu tranh với cấp trên cho dù biết cấp trên sai phạm rõ ràng. Vì đấu tranh với cấp trên thì “tránh đâu” và cuộc đời sự nghiệp của không ít người đã từng đấu tranh phải chấm dứt một cách thê thảm từ khi còn trẻ.
Sự dũng cảm của một Tỉnh uỷ nói thực ra vui thì ít mà buồn thì nhiều vì hành động đáng lẽ bình thường lại trở nên hiếm hoi giữa thời buổi này. Nhưng dù thế nào thì cũng cho thấy có một sự chuyển biến dẫu chỉ bằng hạt cát trên sa mạc cát trong cuộc đấu tranh làm trong sạch cán bộ. Nhưng qua những vụ việc như của ông Chủ tịch Tô quyền to hơn cả những dãy núi Hà Giang và bà Bí thư Cúc uy lực rộng hơn cả vùng biển Tiền Giang.. mới thấy sự tha hoá của cán bộ đang bò ngược lên.
Trực Ngôn nói thế không biết có đúng không? Nhưng Trực Ngôn tôi dựa vào biểu đồ các quan chức của chúng ta phạm tội bị đưa ra công luận. Trước kia chỉ có chủ tịch xã, rồi đến chủ tịch huyện lộng hành, ức hiếp dân, tham ô tham nhũng… còn bây giờ đã đến cỡ Chủ tịch tỉnh, Bí thư tỉnh rồi. Nguy lớn rồi.
Dẫu vẫn biết đó chỉ là những con sâu BỰ bỏ rầu nồi canh nhưng nhân dân vẫn ngày đêm cầu xin những con sâu ấy đừng bò lên cao nữa và lên cao nữa…
Nó mà lên cao nữa thì… than ôi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét