6/8/10

Những bài viết của tạp chí TIME về cuộc chiến Việt Nam


Xin giới thiệu loạt bài viết với chủ đề về Việt Nam của tuần báo Time từ buổi đầu của cuộc chiến tranh lạnh nằm trong văn khố lưu trữ của tạp chí. Trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam cho đến nay, có tất cả 62 bài viết đăng trang bìa (cover story) về Việt Nam. Ở đây chỉ xin chọn lọc giới thiệu những bài báo nói về tình hình chính trị của hai miền Nam Bắc trong cuộc chiến.


MẶT TRẬN MỚI

Số báo ra ngày 29 tháng năm, 1950: http://www.time.com/time/magazine/ar...888796,00.html

Hoa Kỳ vừa có một mặt trận mới và một đồng minh mới trong cuộc chiến tranh lạnh. Địa điểm là Đông Dương, một khu vực với rừng rậm, đồi núi và đồng bằng ở Đông nam Á bao gồm nước Việt Nam Cộng hoà cùng hai Vương quốc nhỏ là Lào và Cambodia, cùng nằm trong khối Liên hiệp Pháp.

Hơn ba năm qua mảnh đất này, khi còn trong thời gian tiền chiến tranh là thuộc địa giàu có của Pháp, đang chịu đựng với một mức độ nhẹ hơn, sự tàn phá tương tự với cuộc nội chiến đã giúp chủ nghĩa Cộng sản chiếm lĩnh Trung Quốc. Mao Trạch Đông của Đông Dương là một con người gầy yếu nhưng là một chiến binh từng trãi, với dáng vẻ của một pháp sư già nua; tên thật của ông ta là Hồ Chí Minh. Lại không có nhân vật tương tự như Tưởng Giới Thạch ở Đông Dương. Binh lính Pháp là những người phải chịu đựng sức tấn công của phe Đỏ. Trong khi ấy, nhiệm vụ kết hợp những lực lượng chống Cộng sản chủ yếu nằm trên đôi vai mập mạp của Hoàng đế Bảo Đại, người mang danh hiệu Quốc trưởng chính thức của Việt Nam.

Dù những chấn động của cuộc nội chiến Trung Quốc đang lắng dịu trước con mắt kinh ngạc của bộ Ngoại giao, Hoa Kỳ đã không quan tâm mấy đến cuộc chiến tại Đông Dương. Dường như đây chỉ là mâu thuẫn nội bộ giữa Pháp và những thuộc địa của họ. Từ khi tình hình đã lắng đọng tại Trung Quốc, Cộng sản châu Á đang tiến về phía nam. Đông Dương đứng đầu trên con đường dẫn đến Singapore, Manila và khu vực Đông Ấn.

Tháng Giêng vừa qua, dẫn đầu bởi Bắc Kinh và Moscow, khối Cộng sản thế giới đã công nhận nền "Dân chủ Cộng hoà" của Hồ Chí Minh. Việc này còn hơn hẳn những gì Kremlin từng làm để giúp quân phiến loạn Cộng sản ở Hy lạp. Trong vài tuần lễ vừa qua, đã có báo cáo về vũ khí và những hàng viện trợ khác đang được chuyển từ Nga qua ngỏ Trung Quốc đến những người đồng chí ở Đông Dương. Những đe doạ tại Đông nam Á là rất quan trọng - quan trọng như cuộc chiến toàn cầu giữa Chủ nghĩa Cộng sản và thế giới tự do.

Hai tuần trước tại Paris, Bộ trưởng bộ Ngoại giao Dean Acheson đã vạch ra một con đường trong đám mây mù đã che phủ chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ từ bấy lâu nay. Ông nhận định rõ rệt rằng cuộc chiến tranh tại Đông Dương không phải là một cuộc đấu súng nội bộ. Ông cam kết Hoa Kỳ sẽ viện trợ vũ khí và kinh tế cho người Pháp và người Việt. Hoa Kỳ vì thế đã nhận lời thách đấu của người Nga.

Lịch sử đã chọn cho Hoa Kỳ một mặt trận và một đồng minh như thế nào?

Một Nguồn Lợi Quí Giá

Không như Trung Quốc, nơi những thương nhân và giáo sĩ Hoa Kỳ đã bắt đầu mối quan hệ thành công hơn một thế kỷ trước, Đông Dương có rất ít tiếp xúc với Hoa Kỳ, trên phương diện thương mại, văn hoá hoặc ngoại giao.* Cuốn sách đầy đủ và mới nhất của Hoa Kỳ về đất nước này được xuất bản từ năm 1937. Bên cạnh những vấn đề khác, tác giả nhận xét rằng: "Đông Dương nằm quá xa khung cảnh chủ đạo để có thể đóng bất cứ một vai trò gì ngoài vai phụ trong màn kịch Thái Bình Dương."

Trước thời Pháp thuộc, đa phần Đông Dương đã bị chinh phục bởi Trung Quốc và họ đã lưu lại ảnh hưởng văn hoá vô cùng sâu sắc†. Trong suốt nửa sau của Thế kỷ 19, người Pháp đã biến Đông Dương trở thành một thuộc địa độc quyền, khắt khe và đầy lợi nhuận. Họ đã khám phá ở đấy những khu rừng đầy bệnh tật giăng mắc, những ngọn núi cao ngất, những thung lũng rộng lớn ven sông. Họ đã tìm ra những di tích cổ, bao gồm những ngọn tháp Angkor Wat uy nghi hiểm trở ở miền bắc Cambodia. Họ đã viết về những vị hoàng tộc, những ngôi chùa Phật giáo và truyền thống gia đình Khổng giáo của xứ này.

Người Pháp đã đầu tư hai tỉ đô-la để xây dựng hệ thống sản xuất lúa gạo và cao su ở Đông Dương; trước Chiến tranh Thế giới thứ II, cùng với Xiêm và Miến điện, thuộc địa này là một trong ba vùng xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Nguồn gạo thặng dư của nó đã được đưa sang Trung Quốc đang bị thiếu gạo, một cơ sở vô cùng quan trọng trong việc Cộng sản Trung Quốc ủng hộ Hồ Chí Minh. Tất cả nguồn cao su thô mà người Pháp cần đều từ Đông Dương. Ngoài ra còn có những món hàng đầy lợi nhuận như than đá, nguyên liệu hợp kim, tiêu, thuốc phiện (thứ mà người Pháp đã táng tận giành độc quyền để bán cho dân bản xứ) và vô số công việc cho nền quản lý của người da trắng. Các chính trị gia Pháp đã gọi mảnh đất này là "hành lang kỳ diệu của chúng ta ở khu vực Thái Bình Dương".

Một Hệ Lụy Nguy Hiểm

Đông Dương đã không còn là một nguồn lợi quí giá của nước Pháp. Cũng như mọi nơi khác ở phương Đông, chủ nghĩa thực dân cũ đã chết dưới ảnh hưởng của phong trào quốc gia Tây phương, những tư tưởng quân bình, một quá trình đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi người Nhật khi họ bước chân vào Chiến tranh Thế giới thứ II với khẩu hiệu: "Châu Á thuộc về người Á". Người Pháp đã miễn cưỡng chấp thuận nó nhiều lần.

Trong một thoả ước ký với Bảo Đại ngày 8 tháng 3, 1949, họ đã chấp nhận một nền tự do có giới hạn cho Việt Nam bên trong khối Liên hiệp Pháp. Trong những điều khoản này, một nội các người Việt được phép điều hành những công việc nội bộ, quyền được thiết lập một quân đội quốc gia. Paris vẫn giữ quyền trực tiếp trong chính sách đối ngoại, giữ nguyên những căn cứ quân sự và toà án đặc biệt giành cho người Pháp, giữ lại một vị trí đặc biệt cho những cố vấn Pháp và ngôn ngữ Pháp.

Đến lúc ấy thì người Pháp đã ngập đến cổ trong chiến dịch đầy tốn kém để đánh dẹp Hồ Chí Minh và phong trào Cộng sản của ông đang nhằm chiếm lấy quyền lực. Cuộc nội chiến đã cắt sản lượng thóc xuống còn phân nửa và làm gián đoạn toàn bộ nền kinh tế Đông Dương. Nó đã cầm chân 130 nghìn quân Pháp, khoảng phân nửa số quân của quân đội của nền Đệ tứ Cộng hoà, và vì thế đã làm suy yếu việc người Pháp có thể đóng góp trong vấn đề bảo vệ Tây Âu. Về sinh mạng, cuộc chiến Đông Dương đã làm mất đi của Pháp 50 nghìn người. Về tài chính, nó đã tiêu tốn 2 tỉ đô-la - tương đương số tiền viện trợ ECAid (European Commission - ND) của Pháp.

Tóm lại, Đông Dương đã trở thành một hệ lụy nguy hiểm cho Pháp - và bất cứ người Pháp có óc thực tế nào cũng không cho rằng nó có thể trở thành một nguồn lợi một lần nữa. Thế thì tại sao phải phung phí xương máu và của cải cho một cuộc chiến bạc bẽo ở vùng rừng rậm như thế? Tại sao không rút đi?

Câu trả lời là: sự mệt mỏi vì chiến tranh cũng như uy tín của người Pháp đang bị đe doạ. Nếu Đông Dương rơi vào tay Cộng sản thì, trong mọi khả năng, toàn bộ khu vực Đông nam Á cũng sẽ chung số phận.

Đối với người dân Hoa Kỳ, thực tế đầu tiên của mặt trận mới này là nó sẽ tốn tiền để giữ vững - hơn rất nhiều để người Pháp có thể chi trả một mình, nhiều hơn hẳn 15 triệu đô-la về vũ khí và 23 triệu đô-la về kinh tế mà Washington đã hứa hẹn hiện nay. Thực tế thứ hai còn cấp bách hơn: mặt trận mới này, nếu không muốn nó bị đổ vỡ, có thể cần cả lính Mỹ bên cạnh lính Pháp.

Nếu không, Hoa Kỳ có thể phải chịu đựng một thất bại thảm hại khác tại Viễn Đông.

Vấn Đề Đồng Cảm.

Người Pháp đã phạm nhiều hơn là những lỗi lầm thông thường trong chính sách thuộc địa. Rất nhiều lần, đặc biệt là từ khi họ dùng đội quân Lê Dương với lính đánh thuê người Đức để tái lập trật tự sau Chiến tranh Thế giới thứ II, họ đã đối xử rất kiêu ngạo và tàn khốc với người dân Đông Dương. Giờ đây họ đang phải trả giá cho việc này, với đa phần lực lượng ủng hộ Hồ Chí Minh Cộng sản từ những người Đông Dương chống Pháp hoặc chống chế độ thuộc địa. Một khẩu hiệu trên một con đường làng Đông Dương đã nói lên tất cả; tấm bảng viết "Cộng sản, Không. Thực dân, Không bao giờ."

Nhưng vấn đề đồng cảm đối với người dân bản xứ rất phức tạp. Đại đa số dân chúng là nông dân, họ chỉ muốn bình yên và trật tự để có thể chăm sóc ruộng vườn. Bản thân Hồ Chí Minh hiện nay cũng không tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản một cách rõ rệt: lý do của ông là người dân không thấu hiểu được khái niệm này. Bên cạnh lời kêu gọi căm thù người Pháp một cách đơn giản (bao gồm việc tuyên truyền về sự tàn ác của họ), ông còn có một cách thuyết phục đầy hiệu nghiệm: khủng bố. Những du kích quân và cán bộ bí mật của ông bám trụ ở vùng nông thôn; những chuyên viên ám sát và đặt bom của ông khủng bố các thành phố. Ông không ngừng tuyên truyền rằng lực lượng của ông đang giành phần thắng, như những đồng chí của ông từng chiến thắng ở Trung Quốc.

Kết quả là có rất nhiều người vì sợ hãi mà giúp đỡ ông ta, hoặc ít nhất là tránh xa nỗ lực chống Cộng. Những người khác, đặc biệt là giới trí thức, chỉ ngồi ngoài lề chờ đợi để đứng về bên thắng cuộc. Đây là thời điểm Bảo Đại xuất hiện.

Phô Trương Quyền Lực

Hoa Kỳ và Pháp hy vọng rằng nhiệm vụ của Bảo Đại là tập hợp dân chúng về lực lượng chống Cộng của phương Tây. Ông cần có thời gian để thực hiện công việc này. "Không thể chỉ qua một đêm mà xong," ông nói. Ông cần thời gian để tổ chức một chính phủ bản xứ có hiệu lực, huấn luyện quân đội và dân quân để có thể chấn chỉnh trật tự ở làng quê, lấy lòng những thành phần trí thức hoài nghi đang ngồi bên lề. Bên cạnh một lá chắn quân sự, ông cũng cần những đồng minh phương Tây chứng tỏ sự thắng thế cũng như sự thông cảm đầy kiên nhẫn của họ.

Trong cương vị của một lãnh đạo quốc gia, Bảo Đại cũng có những yếu điểm, đa phần là việc ông không thích được nổi tiếng theo kiểu Jawaharlal Nehru của Ấn độ. Nhưng là vì người nối dõi của cựu triều An nam, theo truyền thống ông là bậc phụ mẫu, là vị bổn sư và là quan toà của cả quốc gia. Người Pháp cho rằng Bảo Đại cần hành động dứt khoát hơn; mỗi khi ông làm thế, thường có sự hưởng ứng rộng rãi đầy ấn tượng.

Chính phủ Nehru của Ấn độ, theo sau là chính phủ Thakin Nu của Miến điện, Soekarno của Indonesia và ngay cả Elpidio Quirino của Philippines vẫn từ chối theo chân những cường quốc dân chủ ở phương Tây trong việc công nhận chính quyền Việt Nam Cộng hoà của Bảo Đại. Họ xem ông là một bù nhìn của Pháp. Nhưng Bảo Đại cũng đã có quan điểm riêng trong cuộc chiến về ý thức hệ đầy quan trọng của đời mình, rất giống với quan điểm nóng nảy về lực lượng thứ ba của Pandit Nehru.

Ví dụ như vừa rồi, Bảo Đại đã kể với phóng viên tạp chí TIME về ấn tượng của ông về Hồ Chí Minh vào năm 1946, khi cả hai nhà lãnh đạo đang hợp tác với người Pháp để thiết lập một chính phủ Việt Nam mới.

"Ban đầu," Bảo Đại nhớ lại, "chúng tôi đều tin rằng chính phủ của Hồ thực sự là một chính thể quốc gia... Tôi gọi Hồ là Anh và ông ấy gọi tôi là Em..".

"Nhưng rồi tôi thấy ông ấy đang phải chiến đấu với chính bản thân mình. Ông ấy đã nhận ra rằng Cộng sản không là giải pháp tốt nhất cho quốc gia chúng tôi. Nhưng đã quá muộn. Ông ấy đã không thể cưỡng lại lòng trung thành của chính mình với Chủ nghĩa Cộng sản."

Khái Niệm Vương Quyền
Bảo Đại thực sự là một sản phẩm của chủ nghĩa thực dân cũ - một ưu tú bị lấn lướt bởi những tệ hại.

Sinh năm 1913, là người con duy nhất của Hoàng đế Khải Định già yếu, ông được những gia sư người Trung Quốc dạy dỗ cho đến năm lên chín. Rồi những cố vấn người Pháp làm việc cho cha ông quyết định ông nên sang Pháp để theo nền học vấn phương Tây.

Vị hoàng đế đội chiếc nón chóp bằng nhung đỏ và mặc áo hoàng bào, đưa con mình đi chuyến xuất ngoại đầu tiên trong lịch sử vương triều. Tại Paris ông đặt vị hoàng tử dưới sự giám hộ của cựu Toàn Quyền An nam là Eugene Charles. "Tôi đem đến cho ngài một học trò," Khải Định nói. "Ngài dạy dỗ nó thế nào tuỳ ý." Ba năm sau, Khải Định qua đời. Ông được an táng trong một lăng tẩm tráng lệ ở Huế; dưới chân mộ của ông trưng bày nhiều phẩm vật của Pháp: bàn chải đánh răng, phích nước nóng và đồng hồ báo thức hiệu Big Ben. Khi Bảo Đại quay về dự lễ tang, ông được tấn ngôi làm vị vua thứ 13 của triều đại nhà Nguyễn. Ông nhường quyền cho vị quan nhiếp chính và vội vã quay về lại Paris.

Vị Hoàng đế trẻ tiếp tục học tiếng Trung Quốc, lịch sử An nam, nghiên cứu sơ qua lịch sử, văn học và kinh tế nước Pháp. Ông đặc biệt quan tâm đến những cuốn sách của Henry đệ IV, vị vua xuất thân từ Navarve đã bắt đầu vương triều Bourbon của Pháp với câu nói diễu cợt: "Paris cũng đáng giá cho ta chịu rước lễ" (Paris is worth a Mass - Henry chịu cải đạo sang Công Giáo để được làm vua - ND) và khẩu hiệu mị dân: "Mỗi gia đình phải có một con gà trong nồi vào ngày Chủ Nhật." Bảo Đại gửi tiền của mình trong ngân hàng Thụy sĩ (và vì thế đã tránh bị trưng dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ II), sưu tập tem, học đánh quần vợt với nhà vô địch Henri Cochet, học đánh bóng bàn, mặc quần áo bằng vải tweed và flannel, nghỉ mát ở vùng Pyrenees, xức nước hoa đậm đặc hiệu Coty và Chanel.

Cho đến thời điểm này vị Hoàng đế đã học hỏi được rất nhiều như một thanh niên thông minh cấp tiến người Pháp. Ông có ý định áp dụng những gì mình học được ở quê nhà.

Vào năm 1932, ở tuổi 19 Bảo Đại chính thức nắm ngôi vua tại Huế; hai năm sau ông cưới cô gái xinh đẹp Mariette-Jeanne Nguyễn Hữu Thị Lan, con gái của một thương gia giàu có ở Nam kỳ. Hoàng hậu Nam Phương là một người Công giáo, từng theo học tại Tu viện Aux Oiseaux ở Paris.

Bảo Đại lên ngôi nhưng ông không trị vì. Người Pháp (Đệ Tam Cộng hoà và Vichy) đã gạt bỏ những kêu gọi của ông về cải cách xã hội và kinh tế cũng như quyền tự quản chính trị cho người bản xứ. Họ đã nghĩ ra một ý hay là khuyến khích vị Hoàng đế nên chú tâm vào thể thao và giải trí.

Bảo Đại đang săn hổ gần ngôi biệt thự mùa hè của ông ở Đà Lạt khi người Nhật, vào đầu năm 1945, chính thức hoàn thành quá trình cai trị vùng thuộc địa này từ năm 1940. Họ phá tan cuộc vui của ông một cách bất ngờ, bắt ông làm tù nhân rồi đặt ông làm một vị vua bù nhìn - cho đến khi họ đầu hàng quân Đồng minh vài tháng sau đó.

Hồ - Kẻ Phiến Loạn

Vào lúc này, vận mệnh của Bảo Đại và của người đồng bào An nam của ông là Hồ Chí Minh đã gặp gỡ nhau lần đầu tiên.

Hai người có một sự tương phản sâu sắc. Vị Hoàng đế vẫn còn trẻ (lúc ấy mới 32), tròn trịa, sạch sẽ, vẻ mặt ôn hoà, thích mặc đồ thể thao gọn ghẽ của Tây phương. Hồ đang tuổi trung niên (55), gầy yếu (cao khoảng 1,5 mét), bộ râu chòm, đôi mắt nghiêm nghị, thường mặc chiếc áo ka-ki cũ sờn và mang giày vải. Hồ Chí Minh cũng từng sang học ở Pháp. Khi còn là một thanh niên, ông bị cảnh sát Pháp ở Đông Dương đưa đi lưu vong vì những hoạt động đấu tranh dân tộc của gia đình. Cha và anh ông bị bắt làm tù chung thân chính trị. Một người chị bị tuyên án chín năm khổ sai.

Tại Paris, Hồ (lúc ấy mang tên Nguyễn Ái Quốc) trở thành một phụ tá nhiếp ảnh, viết báo chống chủ nghĩa đế quốc. Ông cũng tham gia Đảng Cộng sản Pháp. Ông được gửi đi đào tạo tại Moscow, trở thành một viên chức của Cộng sản Quốc tế, tái xuất hiện ở Quảng châu vào năm 1925, ở đó ông đã giúp phái viên Nga là Borodin trong nỗ lực đầu tiên nhằm chiếm lấy Trung Quốc của Cộng sản.

Từ Hồng Kông, vào năm 1931 Hồ Chí Minh đã thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất. Người Anh tống giam ông một năm. Khi mãn hạn, ông tiếp tục thành lập những chi bộ Cộng sản trong nước mình. Nhật và Chiến tranh Thế giới thứ II đã cho ông một cơ hội lớn.

Áp dụng chiến thuật của mặt trận bình dân, Hồ thành lập tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội. Tổ chức này vận động cuộc chiến tranh chống lại chính quyền Vichy của Pháp lẫn người Nhật, tụ tập được rất nhiều phần tử quốc gia người Đông Dương. Các nhân viên OSS của Hoa Kỳ đã được thả xuống cùng với vũ khí để giúp phe của Hồ.

Bác Hồ

Trong thời gian người Pháp đang sắp sửa nắm lấy lại Đông Dương sau chiến tranh, Cộng sản Hồ vẫn đang là một vị anh hùng nổi tiếng, được biết đến với tên gọi Bác Hồ. Ông tuyên truyền đường lối Cộng sản "nhẹ nhàng", nói nhiều về tự do, dân chủ và cách tân. Bảo Đại thì lại ở trong một vị thế hoàn toàn khác biệt. Ông bị mang tiếng là đã "theo đuôi" với chính quyền Vichy của Pháp và cả người Nhật.

Người Pháp quay lại và bắt đầu thương lượng với nhà lãnh đạo Việt Minh. Đã có những gợi ý tế nhị rằng Bảo Đại phải ra đi - ông đã không được "ưa thích" mấy. Bảo Đại từ chức và Hồ lên nắm quyền.

Bảo Đại lưu lại Đông Dương một thời gian như một công dân bình thường mang tên Nguyễn Vĩnh Thụy và Đại biểu Danh dự của Chính phủ. Không ai trọng dụng ông cả. Ông ra nước ngoài và thả mình vào hưởng thụ và thể thao.

Dân Chơi

Ông dành phần lớn thời gian ở Cannes, tại khu nghỉ mát Riviera, ở đây ông đã mua lâu đài Château de Thorenc lộng lẫy (được biết là với giá 250 nghìn đô-la). Nhà xe của ông gồm có một chiếc Lincoln mui trần màu xanh nhạt, một chiếc Limousine hiệu Citroen đen, một chiếc xe đua một chỗ ngồi hiệu Simca "Gordoni" màu xanh, một chiếc xe hai chỗ ngồi bóng bẩy của Ý, một chiếc thể thao Simca-8. Ông còn có vài chiếc mô-tô. Ông luôn giữ những chiếc xe này chạy "chuẩn xác như đồng hồ."

Ông thường lui tới những quán rượu và sòng bài, hút liên tục loại thuốc lá Gauloise rẻ tiền, đãi bạn bè rượu Champagne và trứng cá Caviar, chơi bài Roulette với những thẻ cược mệnh giá 10 nghìn Franc ("Hoàng thượng thua đúng theo đẳng cấp của ngài", một nhân viên chia bài nhận xét). Đôi khi ông còn chỉ huy một ban nhạc Jazz, sai người thư ký của mình đi điều đình với những phụ nữ lọt vào mắt ông. ("Ông nội tôi có 125 người vợ và 300 người con," Bảo Đại từng nói với một phóng viên. "Tôi có một vài tình nhân thì đã sao?") Ông chơi Golf tạm được và là một kiện tướng chơi bài Bridge. Là một thiện xạ súng trường và súng ngắn, ông thường bày trò thi bắn với những nhân viên trong lâu đài.

Trong khi đó ở Đông Dương người Pháp phá bỏ cam kết với Hồ Chí Minh và đang lúng túng đối phó với phong trào quốc gia do Cộng sản cầm đầu. Họ kêu gọi Bảo Đại quay về để giúp tập hợp dân chúng chống lại mối đe doạ Đỏ. Họ hứa sẽ cho Việt Nam một nền độc lập tiệm tiến bên trong khối Liên hiệp Pháp. Bảo Đại nghe theo. Vào ngày 8 tháng 3 năm 1949, ông đã ký văn bản thành lập một nước Đông Dương do ông làm quốc trưởng. Khi ông từ biệt vùng Riviera bình yên hoa lệ để trở về nơi nguy hiểm của đất nước đang bị tàn phá vì nội chiến, ông cười toe toét và nói: Tôi hi sinh bản thân mình". Những người Cộng sản Pháp nguyền rủa ông: "Cet empereur des boites de nuit" (một tên vua hộp đêm).

Ông để lại Hoàng hậu Nam Phương cùng với hai con trai và ba con gái tại Château de Thorenc.

Chính Khách

Bảo Đại quay về Đông Dương đã khoảng một năm. Ông đã đạt được vài tiến bộ nhưng rất chậm chạp và vô cùng khó khăn. Người Pháp đã hứa cho chính phủ của ông thêm quyền hạn, nhưng chúng chỉ rất mơ hồ và đôi khi chỉ là những quyền nhỏ nhặt đến ngu xuẩn. Một điểm bất đồng giữa Bảo Đại và Cao uỷ Pháp Léon Pignon là ngôi dinh thự cao uỷ tại Sài Gòn. Đấy là một cung điện của triều đình xưa, và trong mắt của người dân bản xứ, đây là một biểu tượng vĩ đại. Bảo Đại muốn sử dụng nó để ở, và ông đã phải ở xa thành phố vì sợ bị mất mặt nếu phải ở một nơi khác. Người Pháp, với thái độ quan liêu bướng bỉnh, đã từ chối không chia phần ngôi nhà, nhưng có tin rằng họ sẽ thực hiện trong thời gian ngắn.

Một thất vọng khác nữa là nỗ lực của Bảo Đại trong việc triệu tập những nhân vật có khả năng làm bộ trưởng và những quan chức khác. Một phần là vì phần đông người Việt chỉ muốn đứng bên lề hoặc sợ sự khủng bố của Việt Minh. Một phần là do hệ quả từ sự thất bại của người Pháp, trong quá khứ lẫn hiện tại, trong việc đào tạo đủ người bản xứ để nắm giữ chính quyền. Dường như Bảo Đại đang mong muốn Hoa Kỳ gây áp lực đến người Pháp để họ nới lỏng vấn đề này.

Thất bại nặng nề nhất là nhịp độ quá chậm chạp trong việc tuyển mộ quân đội Việt Nam. Chính phủ Bảo Đại đến nay chỉ mới thành lập được 4 tiểu đoàn, gồm khoảng 4 nghìn quân.

Vùng Quyết Định

Mặc dù lực lượng của Hồ Chí Minh (gồm 70 nghìn quân chính quy được trang bị đầy đủ gần như quân Pháp, cộng thêm 70 nghìn quân du kích tinh nhuệ và một lực lượng dân quân không rõ quân số được trang bị nghèo nàn) đã bị đẩy lùi khỏi những khu vực trung tâm như Hà Nội ở phía Bắc Việt Nam, các quan chức Pháp cho biết rằng "tình hình đang phát triển không thuận lợi mấy."

Tổng tư lệnh Pháp Marcel Carpentier tìm cách quét quân đội Hồ Chí Minh ra khỏi khu vực đông dân cư của những đồng bằng sông Mekong và sông Hồng. Đây là những khu vực sản xuất lúa gạo tốt nhất và vì thế là nguồn cung cấp lương thực tốt nhất cho quân phiến loạn. Bằng đường hàng không và đường bộ, người Pháp cũng giữ một phòng tuyến gồm các căn cứ dọc theo biên giới Trung Quốc, nơi nguồn hàng viện trợ cho Hồ phải đi qua.

Phương pháp đánh và rút trong rừng rậm và đầm lầy thì hợp với chiến thuật du kích. Ban ngày người Pháp kiểm soát khoảng phân nửa vùng làng quê; và nếu họ muốn, họ có thể thọc sâu bất cứ nơi nào họ muốn, mặc dù bị tổn thất vì phục kích. Nhưng vào ban đêm, quân Pháp lại rút vào các căn cứ và đồn bót. Lúc ấy quân của Hồ Chí Minh tiến hành trộm cắp, khủng bố dân làng, thu gom thuế (2 phần 5 sản lượng thu hoạch của nông dân), và kiểm soát hầu hết vùng đồng quê.

Người Pháp nhấn mạnh rằng khó khăn về quân sự là trở ngại quan trọng nhất, và quân đội phương Tây phải khắc phục nó. Với trang bị đầy đủ của Hoa Kỳ, khoảng 150 triệu đô-la hoặc hơn nữa, họ nghĩ rằng sẽ bẻ gẫy Hồ Chí Minh trong vòng ba năm. Nếu không có hậu thuẫn trên, họ có thể bị tan rã trong vòng một năm; và đương nhiên, Bảo Đại cũng sẽ bị cuốn theo cơn đổ vỡ.

Biện Pháp Từng Phần

Nhìn chung, đồng minh mới của Hoa Kỳ ở Đông nam Á là một thế lực yếu đuối. Và liên minh này là điều mỉa mai của lịch sử. Cũng chính chính quyền Hoa Kỳ này đã từng bỏ rơi những người Quốc gia Trung Quốc vì họ không mạnh lắm thì giờ đây lại theo đuổi quyết định nửa tháng trước nhằm bảo vệ một vị vua ăn chơi và một đại diện cuối cùng và tệ hại nhất của chủ nghĩa thực dân vũ trang của người da trắng ở châu Á.

Dù thế, Đông Dương cần phải bảo vệ - nếu có thể bảo vệ được. Cũng như Đài Loan, vị trí cuối cùng của những người Quốc gia Trung Quốc, nơi có lợi thế mà Đông Dương không có được - một chính phủ vững mạnh, một lực lượng tự vệ mạnh mẽ, và một vị thế chiến lược dễ tự vệ. Quyết định của Hoa Kỳ dấn thân vào một dự án đầy hoài nghi như một người bảo vệ Đông Dương là kết quả của quan điểm là phải làm một điều gì đó để ngăn cản Chủ nghĩa Cộng sản tại châu Á. Nhưng chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Dương là một chiến dịch không đồng bộ. Chỉ khi nào họ nhìn được toàn cảnh vấn đề Đông nam Á, chỉ khi nào họ giúp đỡ tất cả những chính phủ đang bị đe doạ, thì Hoa Kỳ mới có hành động đúng nghĩa của người lính hoặc chính khách.

Chú thích:

* Đã có một cố gắng bất thành trong việc thiết lập quan hệ giữa hai nước trong những năm 1830s, khi Tổng thống Andrew Jackson gửi Phái viên Edmund Roberts từ New Hampshire đến để soạn thảo một hiệp ước với Hoàng đế Minh Mạng. Robert đã báo cáo rằng: "Những nghi lễ đầy xấc xược đưa ra trước khi ký hiệp ước... đã không cho tôi lựa chọn nào ngoại trừ việc huỷ bỏ việc liên lạc dài dòng... vì thói lừa lọc và quanh co của những vị quan hầu cận của Hoàng đế." Robert bị bắt phải 1) Bái năm lạy, 2) Xin được "đặc cách chiếu cố," 3) thay đổi một câu trong bức thư của Tổng thống Jackson gửi cho Hoàng đế từ "Tôi cầu xin Chúa" thành "Tôi cầu xin cho các ngọc hoàng thượng đế." Ông đã từ chối.

† Những cuộc xâm lăng của Trung Quốc xảy ra giữa những năm 213 trước Công nguyên và 186 sau Công nguyên. Từ năm ấy cho đến Thế kỷ thứ 10 người Trung Quốc thống trị nước này. Sau đấy người An nam đã lật đổ ách thống trị của Trung Quốc; lại bị xâm chiếm lần nữa trong một thời gian ngắn trong Thế kỷ thứ 15. Những nhà truyền giáo và thương gia Pháp (theo chân người Bồ đào nha và Đức) đã đến Đông Dương vào Thế kỷ thứ 17. Năm 1802, một công ty Đông Ấn của Pháp đã giúp Nguyễn Ánh lên ngôi, ông là vị vua đầu tiên của dòng họ Bảo Đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét