12/10/10

Lời nhắn của người lính già

mythanh ghi

  (Tường thuật buổi nói chuyện và ra mắt sách của ông Võ Đại Tôn tại Little Saigon, California, ngày 12 tháng 6 năm 2010)

Những slide ảnh chiếu hình một cuộc họp báo, khá đông người, các phóng viên ngoại quốc với máy chụp hình quay phim nhưng người đàn ông có khuôn mặt gầy là nhân vật chính, đứng trong vị trí tội phạm ‒ Có khi có tiếng nói, có khi không. Những lời thật nghiêm trọng rõ ràng, “Vì đây là những lời về cuộc đời và sự nghiệp chính trị của tôi, rất quan trọng nên tôi xin các nhà báo và các thông dịch viên, hãy hết sức trung thực.”

Hình như ông lập lại hơn một lần như vậy. Và những lời tuyên ngôn như:

‒ “Tôi sẽ không phản bội bất cứ ai đã giúp đỡ, ủng hộ tôi.”

‒ “Tôi tiếp tục duy trì lập trường chính trị của tôi, để tranh đấu cho tự do và giải phóng dân tộc.”

‒ “Tôi đã sẵn sàng nhận bất cứ bản án nào mà chế độ CS dành cho tôi”

Đó là tiếng nói của người tù Võ Đại Tôn trong cuộc họp báo ngày 13/07/1982 tại Hà Nội. Khi coi xong đoạn phim, cử toạ được nghe thêm chuyện “sau hậu trường”:
 
“(…) tên chính uỷ lên ghé tai tôi bảo ‘Mày có câm ngay và đi xuống không!’ Phần tôi thì khấn nguyện trong đầu với người mẹ đã khuất là ‘Mẹ ơi, đợi con mấy phút nữa, con sẽ về với mẹ.’ Sau đó tất cả các nhà báo đều bị nhà cầm quyền CS thu giữ hết phim ảnh của cuộc họp báo.”

Chỉ có một nhà báo Nhật đã giấu được cuốn phim của mình, và thế giới tự do mới bùng nổ tin Võ Đại Tôn đã trở về và đang ở trong tù CS.

Sau đây là những lời kể chuyện tiếp theo của ông Võ Đại Tôn:

“Tôi đã bỏ vợ con, bỏ cuộc sống ở một nước tự do để trở về Việt Nam tìm cách thay đổi thể chế Cộng Sản, không phải là vì tôi muốn làm anh hùng. Tôi chỉ muốn là chiến hữu của quý vị.

“Tôi muốn kể về hai người chiến hữu của tôi. Đó là Thiếu uý Vũ Đình Khoa và Trung sĩ Nguyễn văn Lộc, hai người đã cùng bên cạnh tôi trên đường trở về kháng chiến.

“Khoa ở trại tị nạn đã có người yêu, có giấy nhập cảnh Pháp. Nhưng nghe tôi về lại Việt Nam kháng chiến, Khoa đã xé hộ chiếu Pháp và nói với người yêu “Anh phải theo thầy về cứu nước.” Khoa đã bị bắn chết bên dòng thác Champi, khi chúng tôi bị lọt vào ổ phục kích tại Lào. Câu cuối cùng Khoa thét với tôi trong làn mưa đạn “Thầy chạy đi! Con làm bia!”

“Tôi và Lộc bị bắt tại Lào sau đó, và bị giao giải về Việt Nam. Tới phi trường Gia Lâm, đói và rét suốt mấy ngày, đợi ở phi trường lạnh cóng. Khi tên sĩ quan Việt Cộng đưa cho chúng tôi ổ bánh mì, tôi phải nhắc hắn tay chân chúng tôi bị còng làm sao ăn được, hắn mới sực nhớ ra lệnh mở còng. Lộc tay chân mới được mở còng tê cóng cầm ổ bánh mì, lết đến bên tôi đưa cho tôi “Thầy ăn đi! Con còn trẻ chịu được. Thầy phải sống. […]”

“Tôi có đi thăm lại các trại tị nạn xưa, giờ không còn nữa. Tại Indonesia, một dân địa phương đã dẫn tôi băng đồng tới một nơi hoang vắng gần bờ biển. Nơi đó có một cái trang nhỏ (miếu thờ) và kể, trang này người dân đã lập ra để thờ, gọi là miếu Ba Cô. Ngày xưa có ba cô gái Việt Nam đã bị hải tặc hãm hiếp và thả trôi giạt vào bờ, vẫn còn sống. Nhưng ba cô vì quá nhục nhã, đã rủ nhau cùng treo cổ trên cây gần đó tự tử. Tôi nhìn vào, chỉ thấy nhang tàn khói lạnh. Không có gì cả! Tôi đã quỳ xuống khóc. Tôi nghĩ đến thân phận của người con gái Việt Nam. Bên kia bờ Thái Bình Dương là ngôi nhà nghỉ mát cực kỳ lộng lẫy của con gái Thủ tướng Việt Cộng Nguyễn Tấn Dũng, mổi năm chỉ ghé nghỉ vài lần. Bên đây bờ Thái Bình là cái trang hoang lạnh của ba người con gái Việt đi tìm tự do. Tại sao những người con gái này lại chịu số phận khắc nghiệt như vậy?


Hàng trên Võ Đại Tôn 1982 (Hà Nội); trở về sau 10 năm tù CS. Hàng dưới: vợ và con trai Võ Đại Tôn (Úc)
Nguồn: Vietbao.com
“Tại Moscow, năm đó tôi đi diễn thuyết trong một Đại hội Quốc tế Nhân Quyền, cô thông dịch viên cho tôi là một sinh viên Đại học Hà Nội du học. Sau năm ngày làm việc với tôi trong chân thông dịch, cho đến ngày chia tay ra phi trường thì cô chợt đến bên tôi nói “Bác ơi, con muốn nói chuyện riêng với Bác.” Tôi thật hổ thẹn vì lúc đó tôi đã nghĩ trong đầu là chắc cô này muốn xin mình giúp đỡ đi tị nạn, hay cô muốn xin tiền. Tôi thật rất hổ thẹn vì đã nghĩ như vậy. Khi tôi theo cô vào một góc riêng, cô kể: Con sinh ra và sống dưới chế độ CS. Bố con chết trên đường đi B. Con đã được kết nạp là đảng viên CS và được đi du học. Nhưng sau khi biết bác, làm việc với bác 5 ngày, con muốn xin bác một điều là, cho con ôm bác trước khi từ giã. Và cô ôm tôi nói “Bố ơi! Đừng bỏ con!” Cô chỉ muốn một lần nói, không xin tiền, không nhờ vả gì cả. Cô là một đảng viên CS, và tôi là một tên cựu tù phản động của chế độ CS.

“Một lần ở trên đường phố Singapore, tôi chợt thấy một đám các cô ăn mặc sặc sỡ, đáng tuổi con cháu tôi. Các cô đứng bên đường thấy tôi, ngoắc gọi : “Go! Go! Have fun!” Nhìn vào ánh mắt tôi cảm được các cô là người Việt Nam. Tiến đến gần tôi hỏi “Các con có phải là người Việt Nam không?” Các cô tròn mắt “Bác là người Việt Nam à?” Tôi bảo các cô ngồi xuống uống nước nói chuyện. Các cô nói “Không được đâu, nói chuyện má mì bắt phải trả tiền đấy.” Và tôi đã gọi hai cô vào một quán nước để hỏi chuyện. Một cô 18, một cô 19, hai cô kể quê ở Vĩnh Long, đi qua Singapore theo diện xuất khẩu lao động, nhưng từ khi qua đây thì làm nghề gọi khách như vầy. Và mỗi tháng có được 50 đô để gửi về cho má. Một cô nói “Chắc má con nhận được mừng lắm.” (Tôi có làm một bài thơ tựa đề này) Rồi sau đó tôi đã phải trả tiền, và nhìn các cô lên xe taxi của má mì chở đi với khách. Đó là hình ảnh phụ nữ Việt Nam tôi đã gặp ở Singapore.

“Ngày tôi ở trong tù ở Việt Nam, có một con bé 5 tuổi con của cai tù ‒ Gia đình cai ngục cũng ở cùng trong khu vực với tù ‒ Con bé thường tìm đến tôi mỗi ngày, đưa giấy nhờ tôi xếp hình chim cò cho nó. Đến khi nó lên 10 tuổi, tôi vẫn ở đó, nhưng nó đi qua không nhìn tôi nữa. Tôi gọi nó “Con ơi, con còn nhớ bác không?” Nó cúi mặt, lẩn đi, không nhìn lại. Cho đến khi nó thành một thiếu nữ 15 tuổi đi qua, tôi lại gọi “Con ơi, con còn nhớ bác không?” Nó quay lại, nhìn thẳng mặt tôi nói “Câm cha cái lỗ mồm lại! Thằng phản động!” Đó là đứa con gái nhỏ ngày xưa vẫn đến chơi bên tôi, nhờ tôi xếp hình, và sau 10 năm được giáo dục dưới chế độ CS, lớn lên chỉ mặt một ông già trọng tuổi, nói như vậy đó.

“Thầy chạy đi! Con làm bia.”

“Thầy ăn đi! Thầy phải sống!”

“Bố ơi! Đừng bỏ con!”

“Đó là những tiếng gọi đã nâng đỡ tôi, đã ở bên tôi giúp tôi chiến đấu. Chính những người bạn trẻ này là chiến hữu của tôi. VC đã giết mẹ tôi, đã chôn sống bà, nhưng chúng ta chiến đấu không phải để trả thù. Chúng ta chiến đấu để cho người Việt Nam không còn tủi nhục. Ngày xưa, trên con đường về nước, chúng tôi đã mơ ước khi đặt chân đến Tây Nguyên, vùng đất của Việt Nam, chúng tôi sẽ quỳ xuống hôn đất Mẹ và nói : Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây!”


Võ Đại Tôn: người và tranh
Nguồn: MT
Đó là những gì tôi có thể viết lại từ những lời tâm sự của ông Võ Đại Tôn trong buổi thơ nhạc Hoàng Phong Linh với chủ đề “Mẹ Việt Nam ơi! Chúng con vẫn còn đây” tại nhà hàng Emerald Bay, Little Saigon, Orange County chiều ngày 12 tháng 6 năm 2010. Ông còn nói rất nhiều. Mỗi lời, mỗi chuyện của ông đâm suốt vào trái tim người nghe. Rằng ông không hề có ý làm anh hùng, rằng ông chỉ muốn là một chiến hữu của mọi người, rằng ông chỉ muốn là một viên gạch lót đường... Và hôm nay đã là một cụ già, tóc bạc trắng, ông vẫn đứng thẳng, cất to lời kêu gọi: “Không có miền Nam thua! Không có miền Bắc thắng! Chỉ có dân tộc Việt Nam đã thua. Và chúng ta phải chiến đấu để giành lại cho bằng được chiến thắng sau cùng. Các bạn trẻ! Tôi tình nguyện, hãy giẵm lên thân xác già này để giành lại tự do dân chủ cho quê hương.”

Tôi không nắm vững được thời gian qua bao lâu vì tôi hoàn toàn cuốn hút theo từng câu, từng chuyện ông nói. Đó đây trong khán giả, có tôi nữa, thỉnh thoảng không ngừng được phải chậm nước mắt. Biết bao lần nghe diễn thuyết, kể cả những bài giảng lễ chủ nhật, tôi biết được không ít người có tài hùng biện. Nhưng tôi chỉ nghe được hai người có tiếng nói phát xuất từ tim óc đi thẳng và thấm sâu vào tim óc người nghe như vậy là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện (cũng hiện diện, ngồi cùng bàn danh dự) và hôm nay là chiến sĩ Võ Đại Tôn ‒ Rồng Nam, Phụng Bắc ‒ tuyệt đối không sai. Từ cách dãy bàn, nhìn hai mái đầu bac khả kính, tôi chợt thầm cầu nguyện cho hai vị sẽ được nhìn thấy một Việt Nam tự do như ý nguyện trong đời này của họ.
















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét