26/9/10

Vài ghi chép trong chuyến về quê 2010


Đã 6 năm qua, chúng tôi có một khóa học hè kết hợp với hội nghị trong ngành loãng xương và nội tiết, nên tôi có dịp về quê nhân dịp hè.  Hè bên Việt Nam, nhưng mùa đông  bên Úc.  Nói cách khác, trước là về quê làm việc chung, sau là trốn cái lạnh bên Úc.  Lần nào về quê cũng để lại trong tôi nhiều dư vị.  Chính vì thế mà tôi có thói quen ghi lại những gì mình thấy và cảm nhận qua loạt bài rời rạc này …

Chuyến đi này quá bận công việc, nên tôi chỉ có đúng 2 ngày ở dưới quê.  Chỉ 2 ngày ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm tôi suy nghĩ nhiều về tình trạng nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.  Có thể nói từ giáo dục, y tế, đến môi trường, những diễn biến ở quê đều đáng báo động.
Đô thị hóa
Nói là quê, nhưng “quê” tôi không còn là vùng quê tôi từng biết nữa, mà có lẽ -- nói theo tiếng Anh -- là “semi-rural” (bán nông thôn).  Làng quê tôi nằm ven con sông.  Ngày xưa, rất ít nhà cửa ven sông.  Xa xa mới thấy một căn nhà.  Phần lớn là bụi tre và cỏ dại.  Mỗi ngày đi học ở trường làng, khi đến gần đầu cầu là đám học sinh chúng tôi phải … chạy, vì nghe đồn rằng trong bụi tre ở đầu cầu có ma hay xuất hiện!  Thật ra, người ta chỉ đồn như thế, chứ có ma nào đâu, nhưng nhắc lại chuyện xưa để các bạn có thể hình dung rằng ngày xưa còn ít nhà lắm.  Nhưng ngày nay thì nhà cửa mọc lên san sát nhau, nhà nọ nối nhà kia, cứ như là ở thành phố vậy.  Mà, sự phát triển nhà cửa ở dưới quê hầu như chẳng có kiểm soát nào cả.  Người ta có đất và ai muốn xây cất thế nào thì cứ làm, vì nghĩ rằng “đất của tôi, tôi muốn làm gì thì làm”!  Hệ quả là cảnh quan cực kì bát nháo và nhếch nhác.  Ngày xưa, mỗi nhà có cái hàng rào bằng dâm bụt, hay hàng rào bằng tre.  Nhưng ngày nay thì tre và dâm bụt đã bị thay thế bằng hàng rào gạch và sắt, trông rất hợm hĩnh.  Nhìn thấy những hàng rào “phản quê” này sao tôi cứ tiếc cho một thời đã qua.
Đành rằng, dân số gia tăng thì chuyện nhà cửa mọc lên là có thể hiểu được, nhưng để cho việc xây cất vô tội vạ, vô tổ chức như hiện nay thì trách nhiệm phải thuộc về chính quyền.  Tình trạng bát nháo ở nông thôn không chỉ xảy ra ở quê tôi, mà rất phổ biến ở khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.  Đô thị hóa là quá trình tất yếu của phát triển kinh tế, nhưng tôi e rằng đô thị hóa theo kiểu đang diễn ra ở ĐBSCL đang giết chết những nét văn hóa sông nước của Nam bộ. Nếu không có một biện pháp kiểm soát và uốn nắn kịp thời, tôi nghĩ trong vòng vài chục năm chúng ta sẽ không còn cái mà chúng ta trìu mến gọi là “miền quê” nữa.
Mấy năm gần đây, Nhà nước xây một con đường bê tông, nên việc đi lại của người dân quê cũng dễ dàng hơn trước, nhưng lại nảy sinh một vấn nạn khác: tai nạn giao thông.  Ngày xưa, tôi phải đón đò từ trong nhà đến một xã lân cận, và từ đó đón xe đò đi Rạch Giá.  Một chuyến đi như thế cũng tốn gần 4 giờ đồng hồ.  Còn ngày nay thì tiến bộ hơn, chỉ cần một chiếc Honda là tôi có thể đi thẳng từ trong nhà ra Rạch Giá trong vòng 30-40 phút.  Con đường bê tông dài khoảng 6 cây số do Nhà nước và dân cùng làm nghe nói dự kiến có bề ngang 6 mét, nhưng chẳng hiểu sao thì hoàn tất thì chỉ 4 mét.  Chẳng thấy ai phàn nàn gì!  Người dân vùng quê thật là … dễ thương.
Đường nhỏ dẫn đến tai nạn là điều có thể hiểu được.  Nhà dân nằm sát bên cạnh con đường bê tông, có khi khoảng cách từ sân nhà đến đường lộ chỉ 1 hay 2 mét.  Hai bên đường cây cỏ mọc um tùm.  Người lái xe rất khó thấy vật trong vòng 10 mét.  Do đó, đi trên đường là một sự hồi hộp, vì không biết trẻ em nhảy từ bụi cây bên đường ra lúc nào, không biết mấy ông say xỉn phóng ra “hứng xe” lúc nào.  Với lưu lượng xe 2 bánh và xe 4 bánh khá lớn, thì chuyện tai nạn giao thông là “chuyện thường ngày của huyện”.  Thằng em họ tôi nó nói như thế một cách tĩnh queo!  Đã có rất nhiều tai nạn bi thảm và thương tâm xảy ra.  Sinh mạng con người chứ đâu phải chuyện đùa, mà chẳng hiểu sao chính quyền địa phương không quan tâm?  Thật vậy, chính quyền chẳng có ý kiến hay biện pháp gì để giảm tai nạn.  Ngay cả một việc làm đơn giản và tối thiểu như làm sạch quang cảnh để người lái xe có thể nhìn xa hơn một chút và giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, mà cũng chẳng ai làm.  Chuyện sống chết của người dân vẫn xảy ra hàng ngày như thế.
Ô nhiễm trầm trọng
Chuyện ô nhiễm môi sinh ở vùng quê đã được nêu lên từ rất lâu.  Báo chí từng đăng nhiều phóng sự phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường sống trong vùng quê từ Bắc chí Nam trong nhiều năm qua.  Đủ thứ ô nhiễm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.  Đất bị ô nhiễm.  Nguồn nước bị ô nhiễm.  Không khí cũng bị ô nhiễm.  Có thể nói môi sinh ở Việt Nam đang làm đe doạ đến sự tồn tại của một dân tộc và phát triển kinh tế.  Không thể và không nên nhân danh phát triển kinh tế mà làm suy giảm chất lượng sống và sức khỏe của người dân.
Cũng như nhiều con sông khác trong vùng, con sông ở quê tôi đang chết dần.  Ở làng tôi, con sông bắt nguồn từ một nhánh của sông Hậu là nguồn sống của người dân trong suốt hàng trăm năm qua (và chắc lâu hơn nữa).  Người dân bắt cá, đặt chà, chày cá, v.v… đều ở con sông này.  Con sông còn là nguồn nước sinh hoạt của người dân.  Ngày xưa chúng tôi cũng tắm ở con sông này.  Nhưng bây giờ thì con sông hiền hòa này bị ô nhiễm trầm trọng và nó đang chết hàng ngày.  Ngày nay, con sông từng là nguồn sống của người dân đã trở thành cái hồ chứa rác.  Hầu như bất cứ rác gì người ta cũng quăng xuống sông.  Đồ ăn, chất thải, cây cối, v.v… đều xuống sông.  Rác hữu cơ thì sông còn “tiêu hóa” được, nhưng rác vô cơ thì sông chỉ biết chịu đựng chờ chết.  Hệ quả là bao plastic trôi nổi lềnh bềnh trên sông.
Sản phẩm của Trung Quốc cũng dự phần làm cho con sông làng tôi chết nhanh hơn.  Những hóa chất cực kì độc hại của Trung Quốc được sử dụng một cách bừa bãi để diệt cỏ và sâu rầy trên ruộng, nhưng những hóa chất này cũng chảy ra sông, và hệ quả là con sông trở thành độc hại.  Trong những ngày nắng, có thể nhìn thấy nước sông pha trộn màu hóa chất, trông rất kinh khủng.  Hóa chất dẫn đến cá tôm bị chết.  Người ta còn kể có lần cá tôm chết quá nhiều nổi lềnh bềnh trên sông làm hôi thối cả mấy ngày liền.  Thật ra, ngày nay cũng chẳng còn bao nhiều cá tôm để mà đánh bắt.  Con sông chẳng những trở thành bãi rác, mà còn là một nguồn độc hại cho môi sinh.  Điều đáng nói và nguy hiểm ở đây là hiện nay ở vùng ĐBSCL có đến 1 phần 2 hộ gia đình chưa có nước sạch để sử dụng, và họ phải phụ thuộc vào nước sông ngòi cho sinh hoạt.  Chưa ai làm nghiên cứu có bao nhiêu người mắc bệnh vì sự ô nhiễm môi trường.  Cũng chưa thấy chính quyền có biện pháp gì để có thể gọi là quan tâm.
Một cảnh tiêu biểu ở vùng ĐBSCL: nhà cửa dân xây tạm bợ bên sông và tất cả chất thải đều ... xuống sông
Bảo tàng Hòn Đất
Trong một dịp tình cờ, tôi tháp tùng với vài đồng nghiệp ghé qua Hòn Đất và chuyến đi để lại vài dư âm.  Hòn Đất là một huyện mới thành lập, thuộc tỉnh Kiên Giang.  Huyện nằm trên tuyến đường Rạch Giá – Hà Tiên, cách Rạch Giá khoảng 1 giờ lái xe.  Hai chữ Hòn Đất nổi tiếng qua cuốn tiểu thuyết của Anh Đức có cùng tên.  Thú thật, tôi cũng chỉ mới nghe qua cuốn tiểu thuyết, chứ chưa đọc bao giờ.  Trang wikipedia có một đoạn tóm lược cuốn tiểu thuyết như sau:
Chuyện xảy ra vào đầu năm 1961 tại Hòn Đất. Đội du kích xã ở nơi đây đã rút lui vào hang Hòn trong một trận chống càn quyết liệt. Đội có tất cả 17 người với vũ khí thô sơ. Mặc dù đối phương đông gắp nhiều lần, được trang bị đầy đủ, vũ khí hiện đại và dùng nhiều giải pháp, như: bỏ thuốc độc vào nước suối, chặn mọi đường tiếp tế, dùng thuốc nổ phá hang, hun khói vào hang v.v. nhưng đội du kích vẫn kiên trì chống trả nhiều lần và vẫn kiên cường sống chết ở nơi đó.
Trong cuộc chiến đấu gay go, chênh lệch này, trong đội du kích nổi bật có Hai Thép - người chỉ huy - sáng suốt, giàu nghị lực. Ngạn, một chiến sĩ dũng cảm, thông minh. Ba Rèn, người nông dân chất phác, trung kiên. Quyên, cô du kích trẻ đẹp người, đẹp nết. Nhưng vượt trội hơn cả là chị Sứ, một nữ du kích có nhiều đức tính cao quí, như: đằm thắm, bất khuất, ngoan cường v.v. Cuối cùng, chi Sứ cũng đã hy sinh vì sự sống của đồng đội và vì lý tưởng mà chị nguyện suốt đời đeo đuổi.”
Do đó, nói đến Hòn Đất là nói đến chị Sứ.  Tôi cũng có dịp ghé qua nơi lưu niệm mang tên Chị Sứ. Khu lưu niệm này mới xây xong, và người ta xem đó là công trình văn hóa. Nhưng tôi chẳng thấy cái tính văn hóa trong toàn khu lưu niệm. Thật vậy, nhìn toàn khu và cách thiết kế, nó gợi nên cảm tưởng của một phim trường theo cung cách XHCN hơn là một quần mộ hay một khu lưu niệm. Ngay cả cách dùng đá hoa cương cũng rất ... vô văn hóa!
Đây là lần đầu tiên tôi có thông tin về "Chị Sứ", vì ngày xưa khi còn ở VN chỉ nghe qua sách chứ không biết chị ấy là ai. Theo tiểu sử chính thức thì Chị Sứ tên thật là Phan Thị Ràng, sinh năm 1937, quê quán xã Lương Phi , huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.  Năm 13 tuổi, chị tham gia cách mạng và được giao làm trinh sát tại xã Xà Tón (tỉnh An Giang).  Tháng 1 năm 1962, chị bị bắt trên đường làm nhiệm vụ, bị tra tấn, và hi sinh khi vừa bước sang tuổi 25.  Tiểu sử của chị Sứ chỉ đơn giản có thế, nhưng đến năm 1994, chị được truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.  Tôi hỏi người dân chung quanh thì chẳng thấy ai biết được những chiến công của chị trong thời chiến.  Không hiểu sự kiện có được tiểu thuyết hóa hay không, nhưng chỉ ghé qua đây một lần, nhìn danh sách những người hi sinh trong cuộc chiến, ai cũng thấy xúc động vì cái giá của chiến tranh quá ư là đắt.
Tôi có dịp ghé qua viện bảo tàng nằm trên đồi cao nhất của núi Hòn Đất.  Trên đồi này còn có đài phát sóng của Đài truyền hình Việt Nam.  Nói là “viện bảo tàng” cho oai, chứ thật ra, chỉ là một gian phòng bề ngang 3 thước và chiều dài chỉ vỏn vẹn 7 thước.  Gian phòng trưng bày khoảng 30 tấm ảnh nói về “tội ác của Mĩ Ngụy” trong thời chiến (không phải ở Hòn Đất mà còn nhiều nơi khác), và một số hiện vật như đạn, pháo, súng, giầy lính, v.v… Điều đáng nói là tác giả của phần lớn những hình ảnh này là phóng viên người Mĩ, chỉ có vài tấm hình là do phóng viên Bắc Việt Nam ghi lại.  Hầu hết những hình ảnh đều rất quen thuộc với những ai từng đọc sách về chiến tranh Việt Nam, bởi vì tất cả hình đều được trích ra và phóng lớn từ những sách hình ảnh xuất bản bên Mĩ.  Có nhiều hình ảnh mô tả tính ác ôn của lính Mĩ, và đối nghịch lại là tính nhân đạo của bộ đội và du kích Việt Nam.  Có một tấm hình chụp một em bé mặc áo đen, bụng có một lỗ nhỏ, mà người thuyết minh cho biết là lính Mĩ móc gan ăn sống.  Một hình khác cho thấy lính Mĩ dùng xe tăng kéo xác người Việt trên cỏ, và một hình khác thì cho thấy du kích Việt Nam chở lính Mĩ bắt được bằng xe bò.  Lính Mĩ ác ôn và dã man, bộ đội Việt Nam hiền hậu và nhân đạo.  Đó là thông điệp mà người ta muốn gửi đến khách thăm phòng bảo tàng.  Cố nhiên, đó chỉ là thông điệp một chiều.  Cái thông điệp đó có thể gây ấn tượng và tẩy não cho những ai lười suy nghĩ hay thiếu thông tin, nhưng rất hài hước đối với những ai hiểu chiến tranh và tuyên truyền.
Ngoài hình ảnh, phòng bảo tàng còn phóng lớn một lưu bút của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông có dịp ghé qua. Nơi đây từng là chiến khu của Thủ tướng trong thời chiến, nên lưu bút của ông có nói đến thời đó. Không có gì đáng nói trong nội dung lưu bút ca ngợi tính kiên cường và hào hùng của du kích và bộ đội tại đây, nhưng có lẽ điểm đáng xem là du khách có dịp thưởng lãm nét chữ viết của ngài thủ tướng.
Người quản lí phòng bảo tàng là một cựu du kích địa phương đã nghỉ hưu.  Ông giải thích về những hiện vật và tấm hình cho khách đến xem một cách trôi chảy.  Nhìn qua cách giải thích và những câu chữ được dùng trong thuyết minh của ông, tôi đoán ông đã thuộc lòng một văn bản mà ai đó đã viết sẵn cho ông từ trước.  Điêp khúc của người thuyết minh vẫn là Mĩ ác, ta nhân đạo.  Tôi có hỏi ông rằng du khách Mĩ có thường hay ghé đây không, thì ông nói tuần nào cũng có du khách phương Tây ghé qua, trong đó cũng có du khách Mĩ.  Ông còn cho biết du khách Mĩ ghé qua và khóc sau khi xem những tấm hình mà tôi vừa mô tả trên.  Tôi thật sự không biết họ khóc vì sự tàn ác của người Mĩ thể hiện qua những tấm hình, hay khóc vì tuyên truyền của Việt Nam quá ư là cổ điển và có thể nói là thô thiển.
Trong cuộc chiến chống Trung Quốc năm 1979, Việt Nam hi sinh cũng nhiều.  Chúng ta ai cũng biết cái thú tính của lính Trung Quốc, hiểu được sự tàn ác và dã man của Trung Quốc đối với người Việt như thế nào.  Ấy thế mà chúng ta không dám có một phòng bảo tàng trưng bày tội ác của bọn bành trướng!  Trong khi đó, Việt Nam có vẻ rất hăng hái trưng bày tội ác của Mĩ trong cuộc chiến vừa qua.  Thật ra, người Mĩ cũng chẳng dấu diếm gì những việc làm sai trái của họ trong quá khứ, nhưng hình như phía Việt Nam chưa dám làm như người Mĩ.  Sau khi đi thăm phòng bảo tàng về, tôi thấy băn khoăn một điều là trong khi Việt Nam đang nối lại quan hệ ngoại giao với Mĩ, và Mĩ giúp Việt Nam rất rất nhiều như hiện nay, những hình ảnh tuyên truyền một chiều như trên phục vụ gì cho việc hàn gắn vết thương chiến tranh, hay nó sát muối vào vết thương chưa lành.  Tôi đem ý này bày tỏ với một anh bạn là quan chức cao cấp trong tỉnh, thì anh suy nghĩ một hồi rồi nói: có lẽ chúng ta không nên làm vậy.
NVT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét