26/9/10



Tản mạn về những vấn đề trong hệ thống giáo dục Việt Nam: Một hệ thống đào tạo thiếu cả THỢ, thiếu cả THẦY
Vũ Cao Đàm
Chúng ta đọc được rất nhiều bài báo cho rằng hệ thống giáo dục ở nước ta đã và đang đào tạo ra những sản phẩm “Thừa Thầy, Thiếu Thợ”. Có đúng như vậy không?
Một lần tôi cùng đi tham dự một hội thảo ở Châu Âu với một vị Hiệu trưởng đại học. Sau khi công việc ở hội thảo đã xong, chúng tôi đến làm việc với một vài trường đại học theo hẹn sẵn từ trong nước. Khi ngồi ăn trưa trong nhà ăn của nhà trường, chúng tôi ngẫu nhiên được gặp vài sinh viên Việt Nam từ Hà Nội qua, tiếp tục theo học ở trường này.
Trong câu chuyện rất thân mật với các bạn sinh viên, tôi hỏi: “Các bạn đến học ở trường này thấy điều gì khác nổi bật so với các trường đã học ở trong nước?” Chúng tôi được nghe một câu trả lời đầy ấn tượng: “Thưa hai thầy, ở đây dạy chúng em làm NGƯỜI, còn ở nhà dạy chúng em làm những con RÔBỐT”.
Chúng tôi quay sang hỏi một nữ sinh viên, cũng đã học xong năm thứ nhất ở một trường đại học trong nước, xin được học bổng sang tiếp tục theo học ở Châu Âu. Tôi hỏi: “Bạn đã học qua năm thứ nhất ở trong nước, nay qua đây bạn cảm nhận thế nào về kết quả học tập trong suốt năm đầu ở trong nước?”. Câu trả lời bộc bệch: “Thưa hai thầy, cái năm học ở trong nước em chẳng học được cái gì ạ!” Tôi hỏi: “Nghĩa là nó vô tích sự phải không?”. Câu trả lời: “Em không dám nói như vậy, nhưng đúng là như vậy đấy ạ!” Tôi hỏi tiếp: “Bạn nghĩ thế nào về các môn đã học trong năm thứ nhất, chẳng hạn, triết học, ngoại ngữ,... không dùng được gì sao?” Câu trả lời: “Đúng thế ạ. Triết học thì không dùng làm gì, còn Ngoại ngữ thì học lại từ a.b.c như hồi học trung học”. Tôi hỏi tiếp: “Các thầy Triết học dạy sinh viên tư duy cho đúng quy luật chứ sao lại vô tích sự?”. Trả lời: “Nhưng thưa thầy tư duy theo kiểu vòng vèo nguỵ biện ạ”. Khi tôi yêu cầu nêu ví dụ thì sinh viên nói không cần suy nghĩ: “Khi thắng lợi thì nói ta vĩ đại, khi thất bại thì nói là khó khăn nhất thời, khi hỏi vì sao nhất thời thì nói là thời kỳ quá độ, khi nỏi vì sao quá độ dài thế, thì nói ta đang trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ, vân vân và vân vân, nghĩa là mọi cái sai đều có thể nguỵ biện thành đúng”.
Tôi ngẫm nghĩ mãi về câu trả lời của sinh viên. Tôi nhớ lại một buổi tôi giảng cho một lớp học theo tín chỉ về kỹ năng nghiên cứu khoa học ở một trường đại học lớn ở Hà Nội, trong lớp có sinh viên một số ngành khác nhau, khi ra bài tập về trình bày một đề cương nghiên cứu, tôi thu được một tập bài làm. Tôi đọc qua một lượt rồi hỏi sinh viên: “Hình như các bạn là sinh viên ngành Lịch sử Đảng?”. Tôi nhận được một loạt ý kiến phản đối: “Thưa thầy em học ngành Triết”, “Thưa thầy em học ngành Lịch sử nói chung chứ chưa phân thành chuyên ngành Lịch sử Đảng”, “Thưa thầy em học ngành sinh học”, v.v. Một sinh viên hỏi tôi: “Thưa thầy vì sao thầy hỏi như vậy?” Tôi cười trả lời: “Vì đọc bài của các bạn, tôi nhận ra có đến nửa lớp là nghiên cứu để chứng minh Đảng ta tốt, Đảng ta tài, Đảng ta sáng suốt, Đảng ta vĩ đại..., quá ít bài tập về nghiên cứu theo chuyên ngành của các bạn... Vì vậy mà tôi cứ tưởng...”
Trở lại câu chuyện chúng tôi gặp sinh viên Việt Nam trong nhà ăn ở một trường đại học nước ngoài. Tôi quay sang hỏi sinh viên đầu tiên: “Bạn vừa nói là Việt Nam đào tạo các bạn thành những con Rôbốt? Nếu là con Rôbốt thì học xong phải làm thành thạo một việc nào đó chứ?” Câu trả lời: “Thưa thầy, nhưng là con RÔBỐT VỤNG VỀ, làm gì hỏng nấy ạ”. Tôi hỏi vui: “Cậu thử cho vài ví dụ”, thì được nghe một đánh giá mà tôi rất tâm đắc: “Dạy Toán, thì thực chất là dạy cho thành thợ làm toán, nhưng là thợ biết làm theo các bài toán mẫu; dạy sử thì dạy để trở thành bộ sưu tập sử liệu..., nhưng là một bộ sưu tập sử liệu méo mó; dạy âm nhạc thì dạy để có cái kỹ thuật của anh thợ làm nhạc chứ không dạy thẩm mỹ âm nhạc; dạy vẽ thì để thành họa sĩ “Bờ Hồ”, chứ không dạy thưởng thức nền hội họa vĩ đại của nhân loại... Mỗi thứ đểu dạy theo kiểu để làm thợ, nhưng học xong thì chẳng thành cái thứ thợ gì”.
Tôi đã kể lại chuyện đó với một vài bạn đồng nghiệp, thì dư luận đến tai nhiều thầy. Có thầy gặp tôi cự nự: “Thầy ăn nói bậy bạ quá thể... Thế nào là bộ sưu tập sử liệu méo mó?”. Tôi sững người một chút vì bị tấn công đột ngột. Sau cũng nghĩ ra được “sáng kiến” trả lời: “Này nhé, trong sách giáo khoa lịch sử thì viết về lịch sử dân tộc chẳng khác gì lịch sử cách mạng và lịch sử Đảng, chưa nói đến việc trí thức được xếp vào một giai cấp tiểu tư sản theo quan điểm của Mao Trạch Đông... Tôi viết bài về việc đó gửi đăng thì không ai đăng, gửi Bauxite Việt Nam đăng thì cũng chẳng ai phản ứng gì, người ủng hộ cũng không, mà người phản đối cũng không”.
Điều thú vị, khi trao đổi với sinh viên chúng tôi đã không nhận được những câu trả lời dài dòng như của các nhà nghiên cứu giáo dục học, mà là câu trả lời rất thực tế của người đã và đang được thụ hưởng trực tiếp cả hai nền giáo dục.
Tôi đã đọc khá nhiều bài viết trên các phương tiện truyền thông. Các tác giả mà tôi đã đọc hầu hết đều cho rằng ở nước ta đào tạo “Thừa Thầy, Thiếu Thợ”. Tôi đã suy nghĩ nhiều trên những đánh giá đó, và đi đến kết luận rằng, trong cái sản phẩm của chúng ta, THỢ thì thiếu quá rồi, nhưng đâu có THỪA thầy! Chúng ta chỉ thừa những thầy yếu kém về trình độ chuyên môn, nhưng giỏi về vòng vo nguỵ biện, chứ kỳ thực chúng ta quá thiếu những người thầy theo đúng nghĩa của nó. Tôi đồng ý với các bạn sinh viên, hệ thống giáo dục của chúng ta mang bản sắc đào tạo THỢ, nhưng THỢ theo kiểu những con Rôbốt vụng về. Thiếu hẳn chương trình đào tạo những kíp THỢ thành thạo kỹ năng nghề nghiệp.
Một lần tôi đến Anh Quốc gặp một cháu sang học trung học phổ thông sau khi cháu đã thành công trong một kỳ thi để nhận học bổng Anh Quốc. Tôi hỏi cháu: “Con học lớp mấy?”. Trả lời “Lớp 11”. Tôi hỏi: “Con đang học những môn gì?”. Trả lời: “Bốn môn do con tự chọn: Toán, Kinh doanh, Account và ICT”. Tôi hỏi: “Ngoài 4 môn đó con còn phải học những môn gì nữa?”. Trả lời: “Dạ không!”. Tôi lại hỏi: “Với môn học gọi là ICT thì con học những gì?”. Trả lời: “Information Communication Technology”, xin tạm dịch là “Công nghệ truyền thông thông tin”. Tôi hỏi, vì sao con chọn môn học Account?”. Trả lời: “Vì con tiếp xúc quá nhiều với Account: Account trên mạng; Account ở ngân hàng... Với lại, trên mạng, trong túi của con có đủ thứ Account!”
A, thì ra ở bậc trung học người ta đã cho học sinh lựa chọn môn học. Và học sinh được học những thứ sát gần với cuộc sống. Và chỉ có 4 môn học thôi!
Tôi đến một trường trung học ở Đức, gặp một cháu gái Việt Nam đang học lớp 12 (Ở Đức chương trình trung học kéo dài đến lớp 13). Tôi hỏi: “Năm nay con học mấy môn”; Trả lời: “Dạ 5 môn tự chọn”. Tôi hỏi: “Con chọn những môn gì?”. Trả lời: “Các môn khoa học xã hội”. Tôi hỏi: “Vì sao?”. Trả lời: “Con thích. Vì khoa học xã hội rất hay”. Tôi hơi sững sờ. Ở Việt Nam phần lớn học sinh rất ghét và rất sợ khoa học xã hội. Tôi hỏi tiếp: “Con thử kể vài môn khoa học xã hội mà con thích?”. Trả lời: “Dạ, triết học, xã hội học”. Tôi thấy kỳ lạ: Học sinh trung học được học triết học và xã hội học (!). Tôi kiểm tra: “Con thích nhất những học giả nào trong triết học?”. Trả lời: “Dạ, con thích 3 người thôi: Engels, Popper và Kuhn”. Cháu nói tiếp: “Biện chứng tự nhiên của Engels; triết học về khoa học của Popper và Kuhn”. Tôi hỏi tiếp: “Kuhn có gì đặc sắc?”. “Tư tưởng về paradigm của lý thuyết khoa học”. Tôi càng sững sờ, vì một lần tôi được ngồi hội đồng chấm luận án Tiến sĩ về triết học của khoa học, tác giả không hề biết đến những điều viết về triết học khoa học của 3 học giả mà học sinh trung học ở Đức cũng có thể nói được vanh vách; vị Tiến sĩ tương lai nọ càng không hiểu được paradigm của lý thuyết khoa học là gì. Bản luận án ấy hiện vẫn còn nằm ở các thư viện ở Việt Nam. Tôi có thể chỉ để bạn nào quan tâm thì mượn để xác nhận những điều tôi vừa viết.
Tôi tiếp tục hỏi cháu học sinh lớp 12 ở Đức, là cháu có được học những môn như hội họa và âm nhạc ở bậc trung học không. Cháu cho biết là có. Tôi hỏi về nội dung được học, chẳng hạn, trong môn hội họa, thì cháu cho biết cũng thực hành về kỹ thuật hội họa, nhưng được học và đi xem rất nhiều về các trường phái hội họa, thế nào là tranh tượng trong thời Phục hưng, thế nào là trường phái Ấn tượng, trường phái Lập thể, v.v.
Câu chuyện với cháu học sinh lớp 12 ở Đức chưa hết. Tôi hỏi cháu: “Học xong con có phải thi kết thúc môn học không?” Trả lời: “Dạ không, chỉ làm một thesis (bản tiểu luận) thôi ạ”. Tôi hỏi: “Con có thể giới thiệu một thesis của con?”. Trả lời: “Được chứ ạ, vì dụ một thesis về xã hội học”. Tôi hỏi: “Con viết về cái gì?”. Trả lời: “Vị thế xã hội của giới nữ trong xã hội thông tin”.
Trời ơi, nghe đến đây thì tôi quá đỗi ngạc nhiên. Tại sao nền giáo dục Đức có thể đào tạo một học sinh chưa kết thúc bậc trung học đã có thể có được những kiến thức như thế.
Bẵng đi một vài năm, lần kế đó sang làm việc ở Đức tôi lại nhắn tìm cháu gái hôm trước, được biết cháu đang học đại học, ngành quản trị doanh nghiệp năm thứ nhất. Tôi lại hỏi: “Năm nay vào năm thứ nhất con được học những môn gì?”. Trả lời: “Dạ, Marketing, Quản trị Chiến lược, Tổ chức sự kiện...”. Tôi ngắt lời: “Đều là những môn học về chuyên môn sao? Con không học Triết học à?” Trả lời: “Dạ không. Những môn đó được xem đã học ở bậc trung học”.
Sau những cuộc gặp gỡ đó, tôi ngẫm ra nền giáo dục của thế giới này đang thực sự chuyển đổi từ một nền giáo dục đào tạo THỢ VỤNG sang một nền giáo dục đào tạo ra những CON NGƯỜI.
V. C. Đ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét