26/9/10

VINASHIN 1

Tập đoàn ở Việt Nam và cách giải cứu không giống ai

TS Nguyễn Sỹ Phương (CHLB Đức)

Từ thực tế đổ vỡ, đến can thiệp của nhà nước, cách ứng cứu, giải quyết hậu quả của Vinashin đều cơ bản mang nặng tư duy, dấu ấn của nền kinh tế quản lý tập trung, trong khi Vinashin được tổ chức theo mô hình kinh tế thị trường.

LTS: Việc một số tập đoàn nhà nước làm ăn không hiệu quả và gần đây nhất là vụ đổ vỡ của Vinashin khiến dư luận không thể không cho rằng: đang rất cần một cuộc xác định nghiêm túc lại vai trò của khu vực, mà đến nay vẫn và sẽ tiếp tục được coi là giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế.

Bài viết này không nhằm mổ xẻ Vinashin, những kinh nghiệm từ Vinashin được đưa ra như những biểu hiện lâm sàng thuyết phục nhất khi bàn về căn bệnh tiềm ẩn, mà nhiều người đã đề cập của các tập đoàn kinh tế, hay nói rộng hơn là khối doanh nghiệp nhà nước và đằng sau nó là cách quản lý, điều hành của Nhà nước với khối doanh nghiệp này.

Dư luận, truyền thông, chính giới, các nhà khoa học, đông đảo người Việt trong và ngoài nước quan tâm, đang chấn động bởi sự đổ vỡ của tập đoàn Vinashin. Thế giới cũng từng chứng kiến nhiều tập đoàn hàng đầu quốc gia phá sản, hoặc trước nguy cơ phá sản, nhất là ngành ngân hàng kéo theo cả thị trường tài chính quốc gia, gây hiệu ứng khủng hoảng lên toàn cầu, và cũng không lạ gì những biện pháp giải cứu, hoặc đứng ngoài, của chính phủ họ. Tuy nhiên, Vinashin Việt Nam chỉ giống thế giới ở chỗ đổ vỡ, còn nguyên nhân lẫn cách thức giải cứu thì khác họ, kể cả một số quan niệm của giới khoa học lẫn chính khách.

Bức tranh tổng thể Vinashin hiện tại: Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin được thành lập theo Quyết định số 103/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/5/2006 và Quyết định 104 QĐ - TTg thành lập Công ty mẹ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, gồm 8 Tổng công ty cùng 7 công ty lớn, với 200 công ty con, hoạt động theo Luật doanh nghiệp, có Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Tập đoàn, Tổng Giám đốc điều hành, các Tổng Giám đốc chức năng, do ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, giữ chức Chủ tịch và Tổng Giám đốc.

Con số thống kê đầu tháng 7 cho thấy, Vinashin có tổng tài sản ước 90.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 9.000 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu. Tổng số nợ của Vinashin trên 80.000 tỷ đồng (tương đương 4 tỉ USD/tổng nợ quốc gia 60 tỷ USD), gấp bốn lần tổng số vốn nhà nước cho gói kích cầu trong đợt suy thoái năm qua, gấp 2-3 lần tổng số vốn nhà nước đầu tư cho chương trình xóa đói giảm nghèo cả nước. Tính ra tỷ lệ nợ gấp trên 10 vốn chủ sở hữu. Hơn 5.000 lao động không có việc làm. Lương và bảo hiểm xã hội chưa trả lên đến 234 tỷ đồng.

Hệ quả nợ bên bờ vực phá sản trên bắt nguồn từ vay Chính phủ phát hành trái phiếu 750 triệu USD, vay thương mại ngân hàng nước ngoài, tín dụng trong nước, Ngân hàng Đầu tư và phát triển (BIDV), Vietcombank... Trước nguy cơ vỡ nợ trên, Chính phủ ra Quyết định số 926/QĐ-TTg, tái cơ cấu Vinashin, xé nhỏ, chuyển 12 công ty của Vinashin về Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Từ 01/07, Vinashin lại được nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, và hứa tiếp tục phát hành trái phiếu, cho vay thực hiện các dự án cấp thiết, cơ cấu lại nợ trong nước đã đến hạn; cấp vốn vay hỗ trợ phục vụ một số dự án còn dở dang.
Nguyên nhân đổ vỡ và trách nhiệm đối với Vinashin được dư luận nhắc đến tựu trung gồm: Vinashin báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của doanh nghiệp; thành lập quá nhiều công ty con; không đủ năng lực sản xuất kinh doanh; đầu tư dàn trải ngoài ngành công nghiệp tàu thủy; vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước về lập, phê duyệt, đấu thầu các dự án; các khoản nợ rất lớn, mất khả năng thanh toán; ông Phạm Thanh Bình thiếu trách nhiệm; bổ nhiệm con trai và em ruột làm đại diện phần vốn của Nhà nước, đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trái quy định của Đảng và Nhà nước, có dấu hiệu cố ý làm trái, vụ lợi cá nhân (Theo kết luận của UBKTƯ).

Còn Chính phủ nhận định, nguyên nhân kinh doanh thua lỗ là do Vinashin đầu tư dàn trải, việc quản lý dự án, công nợ, dòng tiền... còn nhiều hạn chế, yếu kém. Lãnh đạo Vinashin được yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân, xử lý nghiêm những sai phạm và rút kinh nghiệm, báo cáo Thủ tướng. Thanh tra Chính phủ, sáng 9/7, công bố chính thức thanh tra Vinashin.

Các đánh giá và đề xuất khác thì cho rằng, Chính phủ xác định chiến lược phát triển công nghiệp đóng tàu của Việt Nam chưa hợp lý, thúc đẩy ngành công nghiệp đóng tàu quá nóng, vượt quá khả năng quản lý của con người. Không sử dụng công cụ kiểm toán để giám sát Vinashin. Không lắng nghe ý kiến phản biện của các nhà khoa học. Cần phải xem lại toàn bộ tài sản của Vinashin hiện nay, giá trị thực của nó, những dự án nào dở dang, những dự án nào vì vướng mắc quy chế, thủ tục, vốn, nhưng có thể triển khai tốt thì Nhà nước cần tạo cơ chế.

Toàn bộ bức tranh tổng thể Vinashin trên, từ thực tế đổ vỡ, đến can thiệp của nhà nước, cách ứng cứu, giải quyết hậu quả, thậm chí không ít đánh giá của chuyên gia, đều cơ bản mang nặng tư duy, dấu ấn của nền kinh tế quản lý tập trung, trong khi Vinashin được tổ chức theo mô hình kinh tế thị trường.

Nền kinh tế quản lý tập trung coi doanh nghiệp quốc doanh là đối tượng quản lý điều hành trực tiếp của nhà nước, theo nguyên tắc thống nhất lãnh đạo chính trị và kinh tế, có chức năng hoàn thành kế hoạch do nhà nước ấn định, đóng vai trò chủ đạo, để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - chính trị xã hội do Đảng và Nhà nước đặt ra. Nếu lấy đó làm thước đo đánh giá, thì việc Nhà nước đổ tiền vào, ra chỉ thị, quyết định cho vay nợ, xử lý lãnh đạo doanh nghiệp lẫn cá nhân chịu trách nhiệm cả về mặt Đảng lẫn chính quyền khi đổ vỡ, là đương nhiên, được thể hiện 100% ở Vinashin, từ thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng, đến quyết định của Chính Phủ, UBKTTƯ, nghị quyết Đảng ủy...

Ngược lại, doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, dù của ai (nhà nước hay tư nhân), đều độc lập với Nhà nước như công dân, sinh ra để kinh doanh nhằm động cơ lợi nhuận cho chính nó, chứ không phải cho Nhà nước; hình thành, phát triển, giải thể, phá sản là chuyện tự nhiên như con người, sinh, lão, bệnh, tử. Từng doanh nghiệp phải tự vươn lên nếu không sẽ bị thay thế bởi những doanh nghiệp mạnh hơn. Không doanh nghiệp nào được quyền bắt, hay bị Nhà nước can thiệp, chịu trách nhiệm thay.

Thực ra có muốn cũng không thể, bởi như Đức, hàng năm trong tổng số gần 4 triệu doanh nghiệp, có từ 1/2 đến 2/3 triệu đóng cửa, không một tài lực nhà nước nào cứu nổi, nhưng thế vào vị trí đó cũng chừng ấy doanh nghiệp, thậm chí nhiều hơn, được tự động thành lập.

Doanh nghiệp được phân thành 2 loại hình pháp lý, loại thứ nhất tạm gọi là doanh nghiệp cá nhân, thường nhỏ, áp dụng cho hộ gia đình, hiểu theo nghĩa cá nhân chủ sở hữu cùng doanh nghiệp là một, cả về trách nhiệm lẫn tài sản. Doanh nghiệp phá sản tức chủ phá sản. Loại thứ 2, tạm gọi là doanh nghiệp pháp nhân, hay doanh nghiệp tư bản (cổ phần, hay trách nhiệm hữu hạn), độc lập hoàn toàn với chủ sở hữu, tự chịu trách nhiệm trong giới hạn tài sản của nó. Doanh nghiệp phá sản không liên quan đến tài sản ngoài doanh nghiệp của chủ sở hữu; nếu không thế, Nhà nước và tỷ phú cũng phá sản theo khi doanh nghiệp họ mất khả năng thanh toán.

Doanh nghiệp nhà nước sở hữu hay góp 1 phần vốn, đều thuộc doanh nghiệp tư bản; của Nhà nước nhưng tách khỏi Nhà nước, không như doanh nghiệp cá nhân thuộc quyền cá nhân quyết định hay doanh nghiệp quốc doanh trong nền kinh tế tập trung do Nhà nước điều hành trực tiếp. Vai trò chủ sở hữu của Nhà nước đối với doanh nghiệp chỉ nằm ở Hội đồng quản trị. Tương tự như bất cứ doanh nghiệp nào, Tổng Giám đốc được thuê, chịu trách nhiệm pháp lý, chứ không phải Nhà nước.

Với bản chất đối lập nhau như trên, không thể lấy bất kỳ tiêu chí nào của doanh nghiệp thuộc nền kinh tế thị trường áp đặt cho một doanh nghiệp nhà nước điều hành theo cơ chế quản lý kinh tế tập trung như Vinashin, hoặc ngược lại, để phân tích đánh giá đúng sai.

Nhưng nghịch lý nằm ở chỗ, Vinashin lại được tổ chức, kinh doanh, theo mô hình kinh tế thị trường, nghĩa là nhằm lợi nhuận, nhưng thực tế lại được Nhà nước điều hành theo nguyên tắc quản lý kinh tế tập trung, nghĩa là số phận nó, lỗ, lãi, phá sản Nhà nước gánh.

Do lợi nhuận mình hưởng, lại không chịu trách nhiệm pháp lý về hậu họa, lỗ, lãi, nên tất yếu doanh nghiệp sẽ được chèo lái theo nhóm lợi ích quanh người đứng đầu, bất chấp tất cả, giải thích cho bản kết luận của UBKTTƯ, của Chính phủ, của dư luận về vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị của cá nhân ông Phạm Thanh Bình, đưa Vinashin đến bờ phá sản, vi phạm quy định, đưa người nhà vào lãnh đạo, làm trái vụ lợi.

Nếu với hành lang pháp lý như ở Đức, trong trường hợp Vinashin, Chủ tịch Hội đồng quản trị phải bị cách chức ngay. Tổng Giám đốc phải hủy ngang hợp đồng làm việc, và bị điều tra tài sản cá nhân bằng cách cân đối thu chi cá nhân và mức tăng trưởng tài sản gia đình, trong khoảng thời gian tại chức - vốn là một quy trình chống tham nhũng hữu hiệu trên thế giới đã không được áp dụng ở ta.

Việc mất khả năng thanh toán, phá sản, dù là doanh nghiệp nhà nước, đều phải chuyển qua tòa án phán xét, bởi liên quan đến tranh chấp lợi ích giữa người cho vay, cổ đông (Nhà nước góp vốn) và có thể trục lợi từ lãnh đạo.

Về phần Nhà nước, do coi Vinashin là một doanh nghiệp như trong nền kinh tế quản lý tập trung, Chính phủ chứ không phải bản thân Vinashin, phải chịu trách nhiệm với số phận của nó, vì vậy bất chấp hiệu quả, áp dụng các biện pháp kinh tế quản lý tập trung; không để kiểm toán kiểm tra; cấp vốn, bảo lãnh tiền vay, khoanh nợ, giãn nợ, vi phạm cả Nghị định 09/2009/NĐ-CP của chính mình, quy định hệ số nợ không quá 3 lần vốn, ra chỉ thị nghị quyết v.v. để cứu Vinashin vốn thực chất bị chi phối bởi nhóm lợi ích của nó, mặc lao động mất việc, nợ bảo hiểm lớn.

Nếu Nhà nước coi Vinashin đúng là một doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường, muốn cấp tài chính cứu nó khỏi bờ vực phá sản thì trước hết phải bằng văn bản lập pháp do Quốc hội thông qua; bởi ngân sách, tài chính nước nào cũng có hạn, chưa nói Việt Nam còn nghèo, chi cho Vinashin thì phải cắt giảm các khoản chi ngân sách khác cho nhu cầu quốc kế dân sinh. Quốc hội chứ không phải Chính phủ phải chịu trách nhiệm cao nhất đối với ngân sách.

Thanh tra mang tính chất xác định sai phạm, trách nhiệm, liên quan đến hoạt động của cơ quan Nhà nước, còn đối với doanh nghiệp kinh doanh, Nhà nước cần nhất là thuế giá trị gia tăng và thuế lợi nhuận doanh nghiệp - một nguồn thu cơ bản của ngân sách, không thể chờ thanh tra mà phải được quyết toán và kiểm tra thuế hàng năm, đến từng hóa đơn chứng từ. Nhưng tới nay Nhà nước không nắm được bản cân đối tài sản của Vinashin, nghĩa là cơ quan chức năng Nhà nước liên quan không làm tròn bổn phận, nếu phải xử lý, thì trước hết phải nhắm vào cơ quan này.

Theo học thuyết Mác, nền kinh tế thị trường chạy theo lợi nhuận làm giàu dựa trên sức người lao động, vì vậy, lao động là đối tượng Nhà nước phải quan tâm trước hết, giải thích tại sao tiền lương và trích nộp quỹ bảo hiểm là vấn đề pháp luật ở các nước hiện đại, được giải quyết bằng con đường tòa án, không thể để tới 250 tỷ lương và bảo hiểm Vinashin không trả mà vẫn không hề hấn gì.

Cũng như con người, bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể phạm pháp, điều tra phải là công việc của Công an, Viện Kiểm sát, chứ không phải thanh tra hay Chính phủ. Nếu khẳng định Vinashin làm trái, thì Viện Kiểm sát phải vào cuộc, UBKTTƯ là cơ quan Đảng chỉ có hiệu lực đối với tổ chức và cán bộ đảng, Vinashin với tư cách là một doanh nghiệp không phải đối tượng điều tra của UBKTTƯ, mà là của cơ quan pháp luật.

Vinashin đã mang trong mình nó mâu thuẫn không thể điều hòa giữa 2 loại hình kinh tế ngược nhau, hệ quả hiện nay là tất yếu, và sẽ không chỉ với Vinashin; và cũng sẽ không thể xoay ngược được tình thế ngay cả sau khi xé nhỏ. Câu hỏi chỉ là thời gian, nếu Nhà nước vẫn không thực hiện đầy đủ các nguyên lý kinh tế thị trường đối với doanh nghiệp của chính mình.

NSP

Nguồn: http://tuanvietnam.net/2010-07-15-tap-doan-o-vn-chi-su-do-vo-la-giong-the-gioi-tap-doan-voi-mau-thuan-luat-thi-truong-va-quan-ly-tap-trung

Câu chuyện Vinashin là lỗi của cả hệ thống

Việt Lâm - Khánh Linh
Sự đổ vỡ của Vinashin là do sơ suất của cả hệ thống chính trị.


Nếu chúng ta có một hệ thống kiểm soát thật tốt thì cũng có thể thua lỗ, tai họa cũng có thể đến, nhưng đến trong một vài nghìn tỷ đầu tiên. Còn để kéo dài tới tỷ thứ 80.000 thì có nghĩa là hệ thống có vấn đề. Phải nói rằng đất nước của chúng ta không có nhiều 80.000 tỷ mà chỉ có độ vài ba chục lần 80.000 tỷ thôi, do đó hệ thống an ninh kinh tế - tài chính phải phát hiện được, phải báo động ngay (an ninh ở đây không phải là công an, mà là trật tự kiểm soát xã hội nói chung về chuyện này).
Chúng ta không có trong hệ thống nhà nước của mình một cơ chế báo động đủ nhạy cảm để có thể ngăn chặn tai họa ở một giai đoạn đầu tiên. Cho nên, dứt khoát phải khẳng định rằng không có lỗi cá nhân tuyệt đối trong sai lầm này, mà đây là một lỗi có chất lượng hệ thống, và lỗi hệ thống ấy chính là thiếu hệ thống báo động về các tai họa tài chính. Hiện tượng Vinashin bộc lộ cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội của chúng ta hiểu rằng, nếu có những tên kẻ trộm thông minh hơn thì nó có thể khoắng hết tài sản quốc gia, bởi vì chúng ta không có hệ thống báo động như vậy.
Nguyễn Trần Bạt
Phải thấy rằng câu chuyện Vinashin là do sơ suất của cả hệ thống chính trị. Bởi vậy, để sửa chữa những khuyết tật của mô hình tập đoàn thời gian qua thì cả hệ thống phải thống nhất ý chí và hành động – chuyên gia Nguyễn Trần Bạt, TGĐ Invest Consult nhận định.
- Những vấn đề của Tập đoàn kinh tế Vinashin đang làm tốn không ít giấy mực của báo chí. Là người đã từng cảnh báo từ cách đây khá lâu về những nguy cơ trong mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam, theo ông, sự việc vừa qua bắt nguồn từ đâu?
Tất nhiên không có sai lầm nào không có dấu hiệu cá nhân, nhưng một sai lầm ở quy mô Vinashin thì dứt khoát không chỉ có nguồn gốc cá nhân. Bởi vì một cá nhân dù tài đến mấy, dù "độc ác" đến mấy cũng không có khả năng phá hoại đến 80.000 tỷ trong vòng vài ba năm. Cho nên đây không phải chỉ là sản phẩm của cá nhân.
Thử đặt vấn đề, nếu chúng ta có một hệ thống kiểm soát thật tốt thì cũng có thể thua lỗ, tai họa cũng có thể đến, nhưng đến trong một vài nghìn tỷ đầu tiên. Còn để kéo dài tới tỷ thứ 80.000 thì có nghĩa là hệ thống có vấn đề. Phải nói rằng đất nước của chúng ta không có nhiều 80.000 tỷ mà chỉ có độ vài ba chục lần 80.000 tỷ thôi, do đó hệ thống an ninh kinh tế - tài chính phải phát hiện được, phải báo động ngay (an ninh ở đây không phải là công an, mà là trật tự kiểm soát xã hội nói chung về chuyện này).
Chúng ta không có trong hệ thống Nhà nước của mình một cơ chế báo động đủ nhạy cảm để có thể ngăn chặn tai họa ở một giai đoạn đầu tiên. Cho nên, dứt khoát phải khẳng định rằng không có lỗi cá nhân tuyệt đối trong sai lầm này, mà đây là một lỗi có chất lượng hệ thống, và lỗi hệ thống ấy chính là thiếu hệ thống báo động về các tai họa tài chính. Hiện tượng Vinashin bộc lộ cho Đảng, Chính phủ, Quốc hội của chúng ta hiểu rằng, nếu có những tên kẻ trộm thông minh hơn thì nó có thể khoắng hết tài sản quốc gia, bởi vì chúng ta không có hệ thống báo động như vậy.
Nhưng những vấn đề, nguy cơ của Vinashin đã được nhìn ra từ cách đây 2 năm và cũng có rất nhiều tiếng nói cảnh báo từ thời điểm ấy rồi cơ mà?
Đó là bệnh thành tích. Chúng ta tưởng rằng nếu tăng trưởng kinh tế đến 7-8% thì vinh hạnh của Nhà nước là lớn. Chúng ta buộc phải cấu tạo ra một số thành tích, mà thành tích sẽ không được cấu tạo nếu không có cơ cấu để tạo ra nó. Các tập đoàn là một trong những cơ cấu để cấu tạo ra thành tích. Cho nên tôi mới nói phải khắc phục căn bệnh thành tích là vì như thế.
Bệnh sốt ruột tạo ra những cơ cấu không có nội dung
Vậy câu chuyện Vinashin để lại cho chúng ta những bài học gì?
Bài học là chúng ta không thể duy ý chí được. Việc hình thành Tập đoàn Vinashin hay nhiều tập đoàn khác đều có chung một vấn đề, đó là chúng ta cưỡng bức quy mô phát triển của các tập đoàn.
Chúng ta sốt ruột, chúng ta muốn ngay một đêm trở thành những con khủng long, những con hổ, trở thành một nền kinh tế có kích thước. Bệnh sốt ruột như vậy tạo ra một hiện tượng hình thành những cơ cấu không có nội dung.
Phải nói rằng những tập đoàn kinh tế với những cơ cấu không có nội dung kinh tế chính là tai họa cơ bản. Tai họa này không chỉ diễn ra với Vinashin đâu, nếu không khắc phục và không ngăn chặn ngay từ bây giờ thì nó sẽ diễn ra với tất cả các tập đoàn kinh tế còn lại. Đấy là một lỗi có thật, một căn bệnh thực thể, nó không phải là căn bệnh tưởng tượng chính trị hoặc kinh tế đối với các loại đối tượng như thế này.
Ý ông muốn nói bài học rất lớn từ câu chuyện Vinashin là bệnh duy ý chí trong tư duy, và sự nóng vội muốn kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, muốn đất nước ta có những tập đoàn kinh tế lớn để làm đầu tàu?
Không, ở chỗ này chúng ta phải nói cho công bằng. Không phải tất cả các nhà lãnh đạo của chúng ta đều muốn kinh tế Nhà nước là chủ đạo. Có những động cơ hơi khác nhau trong câu chuyện này. Có những người muốn khẳng định kinh tế Nhà nước là chủ đạo, nhưng cũng có những người muốn nền kinh tế của chúng ta trở nên chóng có kích thước, cũng có những người muốn chúng ta phải có những đại diện kinh tế để đối thoại. Bởi vì nói cho cùng, một ông Thủ tướng hay một ông Chủ tịch nước không thể đối thoại về những vấn đề kinh tế cụ thể được, mà phải có các đại diện của nền kinh tế. Các tập đoàn được xem như là người đại diện của một nền kinh tế.
Sự sốt ruột ấy thể hiện những mục tiêu rất khác nhau, những khía cạnh khác nhau và những động cơ khác nhau. Ở đây tôi không nói đến động cơ tiêu cực, tôi giả định rằng tất cả mọi động cơ cá nhân hoặc tiêu cực không có trong câu chuyện này, để chúng ta nói rõ xem sự phá sản của khái niệm này có là tất yếu không. Bỏ chuyện tham nhũng đi, giả định rằng mọi chuyện đều trong sáng thì nó vẫn đổ vỡ như thế.
Tức là sai lầm căn bản nhất là nó bắt nguồn từ việc nóng vội và duy ý chí?
Đó là căn bệnh di truyền của tất cả các nền kinh tế chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung và bao cấp. Tất cả các nước có nền kinh tế chuyển đổi đều như thế cả. Nước Nga là một bằng chứng khổng lồ về chuyện ấy, để đến mức cuối cùng Tổng thống Putin buộc phải làm một việc rất cực đoan là quốc hữu hóa. Tức là chuyển đổi một cách cưỡng bức các chủ sở hữu để tái cấu trúc lại các mặt thái quá của nền kinh tế Nga.
Còn nền kinh tế Trung Quốc thì khác hơn so với nền kinh tế của chúng ta cũng như của các nước chuyển đổi khác. Nền kinh tế Trung Quốc được dựa trên lớp dự trữ rất dày dặn của 1,3 tỷ con người. Nền kinh tế Trung Quốc về mặt định tính cũng có những chất lượng cực đoan như thế, nhưng quy mô của sự cực đoan kinh tế Trung Quốc không vượt quá sức chịu đựng của xã hội Trung Quốc. Nếu ý chí của người Trung Quốc mà ứng dụng trên quy mô của xã hội Việt Nam thì chúng ta "chết" ngay, và "chết" ở đây biểu hiện là chúng ta học tập cách của một người khổng lồ trên một cơ thể gầy còm, mảnh mai như Việt Nam.
Cả hệ thống chính trị phải thức tỉnh và thống nhất về ý chí
Như ông nói thì sai lầm của ta là đã nóng vội, duy ý chí khi cố tạo ra những tập đoàn kinh tế với quy mô lớn, khi chúng ta chưa đủ thực lực. Vậy theo ông, ta có thể chữa được sai lầm ấy không khi mà các tập đoàn đã vận hành theo một quỹ đạo, một quán tính nhất định?
Tôi không nghĩ thế. Cái khó nhất là sự thức tỉnh, nên sẽ làm được nếu có ý chí thống nhất của Bộ Chính trị trong việc sửa chữa các khuyết tật của giai đoạn vừa rồi của nền kinh tế Việt Nam. Nếu tất cả các thành viên Bộ Chính trị thống nhất được ý chí và hành động và nhận ra một cách cụ thể căn bệnh này thì việc chữa là không khó.
Phải thấy rằng sự hình thành các tập đoàn là do hệ thống chính trị tạo ra, còn sự phát triển méo mó của nó thời gian qua là do sơ suất của hệ thống chính trị. Cho nên bây giờ để khắc phục hiện tượng này chúng ta phải làm cho hệ thống chính trị không sơ suất nữa và thức tỉnh về những nguy cơ nghiêm trọng sắp tới.
Tôi sợ rằng cuộc đấu tranh để sửa những khuyết tật của các tập đoàn kinh tế này sẽ còn gay gắt bởi vì bây giờ chúng ta sẽ phải cưỡng bức để tái cấu trúc lại một trong những lực lượng hùng mạnh nhất của đất nước chúng ta là các tập đoàn kinh tế. Bởi vì lực lượng mà chúng ta thấy ghê gớm ấy hình thành bằng ý chí chính trị và bây giờ phải cấu trúc lại nó cũng bằng một ý chí chính trị tương tự như thế. Nếu ý chí chính trị không tương tự như ý chí chính trị đã tạo ra nó thì chúng ta rất khó thắng trong cuộc chiến này.
Dẹp bỏ không thương tiếc bệnh thành tích
Khi đã có sự thống nhất chính trị, theo ông để chữa những sai lầm mà ông đã "định danh", thì sắp tới phải điều chỉnh theo hướng nào?
Cần phải dẹp bỏ ngay lập tức không thương tiếc, không do dự bệnh thành tích trong đời sống phát triển kinh tế nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung.
Bởi vì khi xã hội không còn mù quáng chạy theo chủ nghĩa thành tích thì xã hội mới đủ tỉnh táo để hoan nghênh, để vỗ tay cho những khuynh hướng đúng, hoặc để bài xích tất cả những khuynh hướng sai. Bệnh thành tích là do ai tôi không biết, nhưng dù truyền từ đâu thì xã hội cũng đã nhiễm cái bệnh ấy. Xã hội luôn có thói quen đánh giá tất cả các cơ cấu của Nhà nước hoặc của xã hội theo tinh thần của thành tích.
Bệnh thành tích, không khí thành tích là một môi trường tuyệt vời cho những ảo tưởng. Xã hội ảo tưởng sẽ tạo ra môi trường khổng lồ để hình thành các bệnh tật kinh tế khổng lồ. Cho nên, nếu không làm quang đãng lại môi trường tinh thần của xã hội thì dù Đảng tích cực hay không tích cực đều không được đánh giá một cách chính xác.
Và trong không khí nửa thức nửa ngủ như vậy, con người buộc phải mù quáng, bởi vì nếu không mù quáng thì sẽ chết bằng sự tỉnh táo. Làm thế nào để con người sống bằng sự tỉnh táo chứ không chết bằng sự tỉnh táo, đấy chính là chìa khóa nằm trong việc dẹp bỏ bệnh thành tích.
Bệnh thành tích có mặt ở mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội và có tội ác với tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Xã hội chúng ta cần phải tỉnh táo trở lại. Tất cả những chuyện mà các bạn đặt ra với tôi là cơ hội để nhìn nhận nó, để khám nó và hội chẩn nó, để dẫn tới một sự thống nhất chính trị trong việc giải thích các mặt ấy thì mới có đủ năng lực để khắc phục được.
Cần phải thấy trước rằng nếu tiếp tục như thế này thì sự đổ vỡ của các tập đoàn là tất yếu. Nhìn như thế thì Vinashin là một mất mát tích cực để cảnh báo tai họa lớn hơn nhiều.
Nhưng để dẹp bỏ chủ nghĩa thành tích thì theo ông nên bắt đầu từ đâu?
Bắt đầu từ việc đừng nói đến nó nữa, bắt đầu từ nhiều việc, nhiều cách lắm. Bệnh thành tích của chúng ta thể hiện ở nhiều khía cạnh lắm. Ví dụ, cái tượng to nhất, ngôi chùa to nhất, hay cả chuyện mấy cái cổng chào v.v… Tức là muốn dẹp bỏ chủ nghĩa thành tích thì trước hết phải nhận thức rất rõ về lợi ích. Tất cả những người lơ mơ về lợi ích mới thích thành tích, còn những người nhận ra lợi ích một cách cụ thể thì không cần thành tích.
Bệnh thành tích không phải thời nay mới có mà nó là một sản phẩm của lịch sử. Vấn đề là liệu người ta có sẵn sàng từ bỏ nó hay không?
Với mỗi thời đại chúng ta có một kiểu chủ nghĩa thành tích, và tính chừng mực của bệnh thành tích được thể hiện bằng việc nhận thức rằng trí tuệ xã hội đã đi đến đâu. Bệnh thành tích là một công cụ để kéo dài sự nhập nhằng, nhưng nó chỉ dùng được với những người không biết, chứ với người biết rồi mà vẫn sử dụng thì đấy là dốt nát.
Cho nên, hãy nhận thức về sự tinh khôn mà xã hội đã có đối với các trò chính trị, để những người tham gia đời sống chính trị hiểu rằng phải dừng bệnh thành tích của mình tại điểm nào là hợp lý. Xã hội muốn tạo ra được áp lực thì xã hội phải có áp lực và phải có hàn thử biểu để chỉ áp lực. Công cụ để thể hiện áp lực chính là báo chí.
Báo chí hãy tập trung chế giễu mọi căn bệnh mà không chế giễu ai cụ thể cả. Đối với xã hội thì cái ác, cái xấu phải được chỉ trích một cách công khai, đấy chính là đất tồn tại của báo chí.
VL – KL

Khi Đảng cố sức đóng tàu

BBC

Hết ông Thủ tướng hà hơi thổi ngạt cho một Tập đoàn mà khối u đã di căn đến giai đoạn cuối, nay lại đến lượt ông PTT bặm trợn lên dùng mệnh lệnh phán truyền phải cứu nó bằng bất kỳ giá nào. Và tiền của của dân lại sẽ đổ ra để dựng cái thây ma ấy dậy. Để rồi xem, chỉ với chức năng đóng tàu không thôi các vị có cải tử hoàn sinh nó được không theo cái nghĩa một tập đoàn làm ăn có lãi? Hay là nó cứ “sống” ngắc ngoải, cứ dài dài thua lỗ rồi đến một lúc lại phải tuyên bố đại giải phẫu cho nó một lần nữa? Mồm nói không duy ý chí nhưng mà hành động thì tự tung tự tác theo ý mình bất chấp quy luật, chỉ biết tuân theo yêu cầu của nhóm lợi ích. Căn bệnh kinh niên của “bộ máy” vốn là thế đấy, làm sao mà thay đổi được.
Bauxite Việt Nam
Vụ bắt ông Phạm Thanh Bình, 57 tuổi, người gốc Cà Mau, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinashin đang thu hút dư luận trong và ngoài nước với các câu hỏi về chính sách quản trị tập đoàn của Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam.
Các hãng thông tấn nước ngoài chú ý vào cách xử lý song hành của các nhà lãnh đạo Việt Nam về vụ này.
Theo AP, về phía Chính phủ, tháng trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có quyết định đình chỉ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ông Bình.
Nhưng một cơ quan của Đảng giám sát các doanh nghiệp nhà nước lớn cũng nêu ra rằng ông Bình "thiếu trách nhiệm" trong việc điều hành tập đoàn đóng tàu lớn nhất nước, và sử dụng sai vốn đầu tư, như mua các tàu thủy cũ, không dùng đi biển được.
Beth Thomas của hãng Bloomberg ngày 5 tháng 8 thì nêu ra rằng chính quyền đang điều tra các khó khăn tài chính của Vinashin theo sau vụ bắt ông Bình.
Bloomberg cũng trích các nguồn Việt Nam rằng Vinashin mắc khoản nợ 4,5 tỷ USD sau cuộc suy thoái toàn cầu và vì việc bành trướng làm ăn vào các hình thức mới.
Trong quá trình tái cơ cấu Vinashin, Tập đoàn này đã sa thải 5000 công nhân.
Hãng tin Dow Jones Newswires cho hay đại diện của Vinashin "từ chối bình luận" khi được họ liên lạc.
Tàu to 'chớ để đắm'
Các hãng tin nước ngoài cũng chú ý cách đối phó của Chính phủ và ghi nhận chuyện Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng họp báo hôm 4 tháng 8 để nêu rằng không thể để Vinashin sụp đổ.
Vì sao lại có chuyện đó?
Dự thảo cương lĩnh sửa đổi của Đảng Cộng sản vẫn nêu doanh nghiệp nhà nước là khu vực kinh tế chủ đạo
David Koh
Bên cạnh các đồn đoán về đấu đá nội bộ liên quan đến thời điểm "tái cơ cấu Vinashin", và cả việc bổ nhiệm tân Bí thư Bắc Giang trước kỳ đại hội Đảng năm tới, các phân tích gần đây nói rằng chính sách của Đảng cầm quyền ở Việt Nam là dựa vào các tập đoàn nhà nước.
Ông David Koh, một chuyên gia quan sát Việt Nam từ Singapore gần đây cho rằng cần nhìn vụ Vinashin trong bối cảnh đường lối của Đảng.
Trong bài trên Strait Times 30/7, ông Koh viết "Vinashin chỉ là một trong hàng loạt doanh nghiệp nhà nước (ở Việt Nam) rơi vào khó khăn".
"Nhưng dự thảo cương lĩnh sửa đổi của Đảng Cộng sản vẫn nêu doanh nghiệp nhà nước là khu vực kinh tế chủ đạo. Vì thế, rõ ràng là Đảng Cộng sản phải hòa hợp thực tế với các tuyên bố về học thuyết của mình".
Các nhà quan sát từ bên ngoài cũng chú ý đến câu nói của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng rằng Vinashin "nay phải tập trung vào đóng tàu".
Vinashin bị coi đã không tập trung vào ngành kinh doanh chính là đóng tàu.
Việc Tập đoàn này dùng tiền Nhà nước tức là tiền dân đóng thuế để đầu tư ra quá nhiều ngành khác khiến Vinashin sa vào hố sâu của nợ nần.
Nhưng đây cũng là dịp để xem việc điều hành từ cấp cao nhất đối với Vinashin ra sao và cách báo chí Việt Nam được chỉ đạo đưa tin vụ này.
Theo AFP, "vì kỳ Đại hội Đảng trọng yếu sắp tới, chính quyền cũng yêu cầu quản lý công tác thông tin và tuyên truyền về vụ Vinashin nhằm ngăn ngừa vụ việc tác động xấu đến Đảng và Nhà nước".
Giới báo chí Việt Nam thì cũng đã nói từ lâu đến cơn sốt xây dựng tập đoàn của Chính phủ Việt Nam.
Các tổng công ty và tập đoàn bị cho là tạo ra cạnh tranh bất bình đẳng vì không chỉ được sự bảo trợ chính trị mà còn hưởng lãi suất ưu đãi so với doanh nghiệp tư nhân.
Một nhà báo muốn ẩn danh cho BBC hay hôm 5/8 rằng "Mô hình tập đoàn là nguyên nhân gây độc quyền, điều các nhà lãnh đạo Việt Nam luôn nói họ muốn chống khi làm ăn với các nước khác".
Trước đó, chuyên gia Việt Kiều như GS Ngô Vĩnh Long đã bình luận về chuyện các tập đoàn lợi ích riêng lũng đoạn kinh tế Việt Nam.
Việc động vào các 'đại gia nhà nước' này cũng có nghĩa là gây ảnh hưởng đến quyền lực.
Nhắc lại chuyện cơn sốt "lên tập đoàn" bằng cách dồn vốn của chính quyền, khi các tổng công ty được ca ngợi là "quả đấm thép" cho nền kinh tế, nay có ý kiến than rằng "Quả đấm thép Vinashin đấm dân méo mặt".
Nếu cho phá sản Vinashin thì phải xây dựng ngành công nghiệp tàu thủy mới, và nếu không cứu vãn nổi tập đoàn này thì “104.000 tỉ đồng tài sản, tương đương hơn 5 tỉ USD sẽ thành đống sắt vụn. Không vực dậy thì nợ nần sẽ rất nghiêm trọng, tác động dây chuyền
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng
Một số ý kiến từ Việt Nam nói với BBC rằng trong vụ PMU18 vừa mới xong và Bộ Giao thông Vận tải chỉ đến tòa là nguyên đơn dân sự, nay đã đến Vinashin, và còn ai "sẽ chịu trách nhiệm liên đới?".
Người ta cũng đặt ra câu hỏi không chỉ về trách nhiệm điều hành, giám sát của các Bộ trưởng, Phó Thủ tướng và Thủ tướng về vụ Vinashin, mà còn về lý do tại sao lập ra nó.
Ngành đóng tàu chưa bao giờ là lợi thế của Việt Nam, một quốc gia hiện chưa có nhiều ngành công nghiệp nặng cần thiết như luyện kim, cầu cảng hay công nghệ thiết kế.
Thậm chí làm ăn trong ngành đóng tàu không phải là dễ với một nước như Hàn Quốc.
Tin của hãng Yonhap 5 tháng 8 này cho hay Tập đoàn Daewoo Shipbuilding, hãng đóng tàu lớn nhất Hàn Quốc vừa cho hay lợi nhuận quý II của họ bị sụt giảm 32% vì thiếu đơn đặt hàng.
Tính từ tháng 4 đến hết tháng 6 năm nay, dịch vụ đóng tàu của Daewo chỉ đạt 141 tỷ won, so với 207 tỷ cùng kỳ năm 2009.
Vinashin, với số vốn đăng ký tương đương 420 triệu đô la Mỹ đang trên bờ phá sản vì khách hàng hủy 2/3 số hợp đồng trị giá 12 tỷ của họ.
Nhưng ở Việt Nam, chính quyền, qua lời ông Nguyễn Sinh Hùng, vẫn tỏ quyết tâm không để cho Vinashin sụp đổ.
Về tác động đến học thuyết tư bản nhà nước ở Việt Nam, có ý kiến nói sau các vụ như Tổng Công ty Điện lực EVN và Vinashin, có thể Đại hội Đảng tới cần xem lại cương lĩnh.
Vẫn theo ông David Koh, một lối thoát có thể là định nghĩa lại vai trò của doanh nghiệp nhà nước từ "chủ đạo" sang thành "một trong những khu vực kinh tế chủ đạo" ở Việt Nam.
Cảnh bắt ông Phạm Thanh Bình hôm 5 tháng 8
Phụ lục:
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng: Vinashin chưa tuột khỏi tay chúng ta
Hà Nhân
TP - “Hiện nay tình hình của Tập đoàn Vinashin vẫn trong tầm kiểm soát và khả năng giải quyết. Vinashin chưa tuột khỏi tay chúng ta”- Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định điều này tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, chiều 4- 8.
Các tàu hàng vào sửa chữa tại Nhà máy đóng tàu Nam Triệu của 
Vinashin. Ảnh: P.Sưởng.
Tái cơ cấu: Không duy ý chí
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ đã thấy những yếu kém, khó khăn của Vinashin mà nguyên nhân chủ yếu là từ phía tập đoàn. Đó là nguyên nhân từ bên trong, từ quản lý. Vinashin đã mở ra quá rộng, đi mua tàu nhưng mua sai, mua phải tàu cũ. Nếu được quản trị tốt, lãnh đạo, điều hành tốt và công tác quản lý Nhà nước tốt hơn thì khó khăn của tập đoàn sẽ không lớn đến mức bên bờ vực phá sản.
Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù khó khăn nhưng chúng ta phải quyết tâm xây dựng ngành cơ khí đóng tàu của đất nước. Đây là quyết tâm của Đảng, Nhà nước. Do “Vinashin chưa tuột khỏi tay” nên Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhận định, nếu cho phá sản tập đoàn này thì sau cũng phải dựng lên một ngành công nghiệp tàu thủy mới.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng (Ngồi giữa).
Cần tạo được sự đồng thuận trong Đảng, Chính phủ và trong toàn dân về việc tái cơ cấu Vinashin. Chính phủ nhấn mạnh đến yếu tố này bởi “nếu có chuyện mà trong nhà rối lên sẽ không có cách gì cứu vãn nổi. Mà không cứu vãn nổi thì sụp đổ. 104 nghìn tỷ đồng tài sản nếu cơ cấu lại, đưa vào hoạt động được thì sẽ tiếp tục phát triển ngành tàu thủy. Nếu cho phá sản đi thì những nhà máy, dự án hiện có sẽ trở thành đống sắt vụn” - Phó Thủ tướng nói.
“Tái cơ cấu Vinashin có khả thi không hay là duy ý chí?”. Tự đặt cho mình câu hỏi này và Phó Thủ tướng trả lời: “Tái cơ cấu là có cơ sở, có căn cứ và chúng ta có thể làm được”. Đó là, Vinashin phải xác định lại chiến lược phát triển, thu hẹp ngành kinh doanh. Ngành chính của “Vinashin mới” là đóng tàu, sửa chữa tàu và công nghiệp phụ trợ đóng tàu. Vinashin không làm vận tải biển nữa.
Trước mắt Vinashin chỉ tập trung vào 13 dự án đóng tàu. Một Vinashin mới không còn đa ngành, đa dịch vụ. Những công ty con mà Vinashin đã góp vốn thì sẽ được bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa để thu lại vốn trả nợ và đầu tư vào ngành chính.
Xứ lý nghiêm sai phạm
Phó Thủ tướng cho rằng, về nợ nần là phải sòng phẳng. Sau tái cơ cấu thì Vinashin có tiền để trả nợ. Nhà nước sẽ cấp đủ vốn điều lệ cho Vinashin hoạt động.
Về xử lý sai phạm, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, cơ quan Nhà nước tham mưu chưa tốt thì cần đánh giá lại mô hình thí điểm. Nhận thấy những tồn tại để từ đó tham mưu trình Quốc hội, Chính phủ sửa. “Những cá nhân có sai phạm, làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì cần phải bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Nếu làm tốt điều này sẽ tạo được lòng tin trong nhân dân” - Ông Hùng nói.
"Ông Phạm Thanh Bình là người đứng đầu, vừa là Chủ tịch HĐQT vừa làm Tổng giám đốc Tập đoàn trong một thời gian dài, nên có trách nhiệm trực tiếp. Những sai phạm của ông Bình sẽ được xử lý nghiêm minh trước pháp luật" - 
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc có chậm trễ trong việc tái cơ cấu Vinashin hay không? Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc xử lý đã có quá trình từ trước. Công tác thanh tra, kiểm tra có làm nhưng không kiểm soát và phát hiện được kịp thời sai phạm để ngăn chặn.
Ví như việc mua tàu, kế hoạch trong tuầnnày thì tuần sau đã mua. Cơ quan thanh tra mấy tháng sau mới vào thì tàu đã mua rồi. Yếu kém ở đây là việc kiểm soát và ngăn chặn được từ trước. Điều này bắt nguồn từ cơ chế, giao quyền chủ động cho bên dưới nhưng thiếu kiểm tra, giám sát.
Phó Thủ tướng cho rằng, bản thân Vinashin phải lo trả nợ. Nếu thấy cần Chính phủ sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu cho Vinashin vay. Tuy nhiên, điều này cần tính toán thận trọng và khi Vinashin cân đối được thì phải trả lại khoản nợ này. Chứ “không có chuyện Chính phủ cấp vốn cho Vinashin để trả nợ” - Phó Thủ tướng nói.
HN
Nguồn: Tienphong

Bắt giam cựu chủ tịch Vinashin và canh bạc lớn

Lê Diễn Đức
Đại hội Đảng lần thứ XI đang trong bối cảnh thăm dò bố trí nhân sự. Ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ đang nắm thế thượng phong trong cuộc đua. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng bị nhiều người không ưa, ghen tức hoặc bực bội vì tính lạm quyền và lộng hành. Cho nên canh bạc với con bài Vinashin sẽ còn nhiều hấp dẫn.
Tờ điện tử của Chính phủ Việt Nam trong ngày 4/8/2010 cho hay:
Theo tin từ cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an cho biết, được sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, chiều 4/8/2010, cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đã tiến hành bắt, khám xét đối với Phạm Thanh Bình, sinh năm 1953 tại tỉnh Cà Mau; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: số 10 Ngô Văn Sở, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội; nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Tập đoàn Vinashin), đã có hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 165 Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam.
“Việc bắt, khám xét được tiến hành theo đúng trình tự của pháp luật. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ mức độ sai phạm của Phạm Thanh Bình để xử lý theo quy định của pháp luật”.
Từ Minh Phụng…
Trong vụ án Epco – Minh Phụng vào nửa sau của thập niên 90, tuy Tăng Minh Phụng là chủ doanh nghiệp tư nhân, nhưng có yếu tố tương đồng với vụ Vinashin về tội danh, hành vi: gian lận tài chính, tạo nên khoản nợ xấu khổng lồ cho Nhà nước.
Tăng Minh Phụng lập nhiều công ty con cho người nhà hoặc nhân viên đứng tên, thông đồng với cơ quan công chứng nâng giá bất động sản, với mục đích thế chấp vay tín dụng ngân hàng khoảng 350 triệu đôla cho sản xuất và đầu tư. Tuy nhiên, dư luận xã hội cho rằng, vào thời điểm Minh Phụng bị bắt, nếu Nhà nước thanh lý tài sản công bằng và sòng phẳng, Minh Phụng hoàn toàn có khả năng chi trả và chỉ bị xử tội lừa đảo kinh tế chứ không đến mức bị tử hình.
Trong tiến trình xử Minh Phụng, bà Luật sư bào chữa cho Minh Phụng đã bật khóc vì tòa không cho giải trình đủ ý. Bà khẳng định rằng, Nhà nước định giá một mét vuông đất của Minh Phụng chỉ bằng giá một cây kem (1.200 đồng lúc đó) để trừ nợ là hết sức bất công, nếu không nói hành động ăn cướp.
Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị vào giai đoạn đó, theo lời kể của người nhà Minh Phụng, ông Nông Đức Mạnh đã lặp lại nhiều lần câu: “Bắn Minh Phụng là không công bằng”.
Nếu người nhà Minh Phụng nói đúng như trên, dù có thực lòng muốn quẳng phao cứu Minh Phụng trả tình trả nghĩa, thì thế lực của Nông Đức Mạnh lúc đó chưa đủ mạnh để thuyết phục được các nhân vật khác trong Bộ Chính trị.
Trong quá trình xử án, Minh Phụng đã tự nhận hết mọi trách nhiệm về mình với hy vọng giảm tội cho những người thân trong gia đình bị dính líu. Minh Phụng cũng không khai ra bất kỳ quan chức lớn nào đã nhận hối lộ, vì hy vọng sẽ được một số cán bộ cao cấp có quan hệ gần gũi như Bùi Thiện Ngộ (Bộ trưởng Bộ Nội vụ), Nông Đức Mạnh (Chủ tịch Quốc hội) xắn tay áo… cứu bồ!
Tháng 5/2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương bác đơn xin giảm án của Tăng Minh Phụng. Tháng 6/2003, Tòa án thành phố Sài Gòn đề nghị lùi thời gian thi hành án vì Minh Phụng còn liên quan đến vụ kinh tế khác, nhưng án tử hình Minh Phụng vẫn được thực hiện vào ngày 11/07/2003. Gia đình Minh Phụng đã bí mật mua lại xác với giá 80 triệu đồng (tương đương 4.500 USD theo thời giá lúc đó) để mang về chôn cất.
Người ta cho rằng, Minh Phụng bị “đi” nhanh, bởi vì các mối liên hệ chằng chịt giữa Minh Phụng và các quan chức lớn có nguy cơ bị lật tẩy. Minh Phụng có thể khai ra khi thấy hết đường sống và phẫn uất vì đã tin tưởng vào họ một cách ấu trĩ. Ngoài ra, núi vàng cám dỗ và thúc đẩy nữa chính là món thanh lý mười mấy nhà xưởng may mặc hiện đại với hàng ngàn công nhân, đất đai mênh mông, cùng vô số bất động sản của Minh Phụng rải khắp ba miền Bắc – Trung – Nam.
…đến Vinashin
Tập đoàn Vinashin dưới sự điều hành trong vài năm ngắn ngủi của Phạm Thanh Bình đã để lại cho đất nước món nợ khủng khiếp: 80.000 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ đôla và các hậu quả nghiêm trọng liên đới khác.
Nếu nói về mức độ thiệt hại kinh tế thì Minh Phụng gây ra nhỏ hơn nhiều so với Phạm Thanh Bình. Ngoài gian lận tài chính, Phạm Thanh Bình còn thêm tội lạm dụng chức quyền. Món nợ của Vinashin gần như mất đứt, vì nếu định giá số tài sản “sắt vụn” để cân đối vào khoản nợ khổng lồ kia thì chẳng được bao nhiêu.
Từ loạt bài “Những con tàu nát” đăng tải trên các báo trong nước, hay loạt bài “Vinashin: chuyện bây giờ mới kể” đăng trên [Bauxite Việt Nam rồi] các báo “lề trái” cho thấy những quan lại thời “mở cửa” đã cho phép mình vứt tiền công quỹ qua cửa bạt mạng và vô lối như thế nào.
Tuy nhiên, theo tin của Bộ Công an đã nêu, Phạm Thanh Bình bị bắt giữ vì có hành vi vi phạm Điều 165 của Bộ Luật Hình sự. Như vậy, nếu Phạm Thanh Bình được xét xử theo điều này thì với mức án không nặng.
Điều 165 của Bộ Luật Hình sự (được bổ sung và sửa đổi năm 2009) xác định “Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” như sau:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm: 
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác; 
b) Có tổ chức; 
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; 
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác. 
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. 
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
Giả thiết 1
Cao nhất, theo Mục 3, Điều 165, Phạm Thanh Bình có thể bị Tòa Sơ thẩm xử ở mức từ 10 đến 20 năm. Mức án ban đầu này có thể được phán quyết cao nhằm xoa dịu dư luận.
Trong quá trình điều tra và trước tòa án, Phạm Thanh Bình ngậm bồ hòn làm ngọt, những bí mật của các phi vụ chia chác, móc ngoặc, lại quả chôn chặt trong lòng, không tiết lộ, thành khẩn nhận tội, rồi kháng án lên Tòa án Phúc thẩm. Ở giai đoạn này Phạm Thanh Bình có thể sẽ được xem xét giảm nhẹ án, nhưng không quá nhiều.
Phạm Thanh Bình ở tù an nhàn với những điều kiện ưu đãi. Sau đó sẽ được giảm án nhanh chóng và cuối cùng được đặc xá. Ra tù, Phạm Thanh Bình có thể yên tâm sống một cuộc đời nhàn nhã với số tiền kếch xù kiếm được. Và “bè bạn” thưở nào lại tới tới, lui lui, chén tạc, chén thù.
Xin mở ngoặc về một nét lạ thường của nhà tù ở CHXHCN Việt Nam. Nếu không thuộc diện án hình sự loại nguy hiểm, tù nhân có nhiều tiền có thể biến giai đoạn ở tù thành thời gian nghỉ dưỡng. Với giá thỏa thuận, có thể xin Ban Giám thị không phải ở trong các phòng giam chung. Khi được ra ngoài, có thể xin cấp đất trong khu vực trại giam để xây cất nhà ở cho mình với đầy đủ tiện nghi. Có thể thuê tù nhân tới giúp mọi việc. Gia đình tới thăm nuôi và thoải mái ở lại ít ngày. Khi mãn hạn tù, tài sản này sẽ hiến cho trại giam.
Giả thiết 2
Phạm Thanh Bình thấy oan ức, tủi nhục vì phải gánh một mình, trong khi đó, nếu không có sự đồng ý của cấp trên thì không thể nào Bình có tiền và thực hiện được các dự án.
Cấp trên đã chấp thuận các yêu cầu của Phạm Thanh Bình và kèm theo các điều kiện gì thì chỉ có Trời biết, hoặc bản thân Phạm Thanh Bình biết. Nếu Phạm Thanh Bình tiết lộ ý định khai báo thì nguy cơ rứt dây động rừng sẽ xảy ra.
Bộ sậu ba người ở vị trí cao nhất, trực tiếp nhất và xuyên suốt toàn bộ tiến trình từ khi thành lập, duyệt chi vốn, tới lúc Vinashin lao xuống vực thẳm của nợ nần, gồm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng.
Trong trường hợp này Phạm Thanh Bình có thể bị rơi vào hậu quả khó lường, thậm chí khó an toàn tính mạng.
Kết luận
Trên đây là những phân tích và các giả thiết, nhưng các giả thiết không phải không có logic. Thực tế đúng sai ra sao sẽ được thời gian trả lời. Quan trọng nhất là chúng ta cần phải theo dõi sát sao và đưa ra những nhận định kịp thời về diễn biến của vụ án cho công luận biết.
Đại hội Đảng lần thứ XI đang trong bối cảnh thăm dò bố trí nhân sự. Ông Nguyễn Tấn Dũng có vẻ đang nắm thế thượng phong trong cuộc đua giành cho bản thân và các chiến hữu những vị trí cao nhất.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng bị nhiều người không ưa, ghen tức hoặc bực bội vì tính lạm quyền và lộng hành.
Cho nên canh bạc với con bài Vinashin sẽ còn nhiều hấp dẫn.
LDĐ
Nguồn: Ledienduc Blog

Thí tốt Phạm Thanh Bình, bỏ tù thằng cơ chế

Đào Tuấn
Ông Bình đối mặt với án tù nặng nhất là 20 năm
Nếu sắp xếp thứ tự vụ việc bắt nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn kinh tế Vinashin sẽ cho thấy dường như đã có sự chỉ đạo nhất quán. Ngày 2-8, Bộ Chính trị có kết luận 78/KL-TW phải sớm đánh giá toàn diện hiệu quả của các Tập đoàn, Tổng công ty để chấn chính, sắp xếp lại các đơn vị thua lỗ. Trong các bản tin được in, phát trên các phương tiện truyền thông, không có một chữ nói về Vinashin nhưng đương nhiên đối tượng cần được chấn chỉnh đầu tiên chắc chắc phải là "con khủng long về tiêu vốn" và "khổng lồ về thua lỗ" này. Một ngày sau đó, phiên họp của Chính phủ dường như đã chỉ bàn tới việc xử lý Vinashin, bao gồm cả xử lý sai phạm và xử lý sắp xếp. Trong thông báo khẩn gửi đến các cơ quan truyền thông sáng 4-8, Văn phòng Chính phủ yêu cầu ngoài phóng viên theo dõi, phải có đại diện của Ban Biên tập vì cuộc họp báo lúc 17 giờ chiều thường kỳ hàng tháng hôm 4-8 sẽ có sự xuất hiện của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và chủ đề chính là các biện pháp chấn chỉnh Vinashin. "Chính phủ khẳng định quyết tâm xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm ở Vinashin để lấy lại niềm tin trong nhân dân" - Phó Thủ tướng nói trong cuộc họp báo. Quả nhiên, chỉ ít phút sau khi số lỗ 86.000 tỷ của Vinashin được công bố, "đồng chí" Phạm Thanh Bình bị bắt giữ. Việc bắt giữ ông Bình đã được đồn đoán từ ngày 2-8, gần gần giống vụ cựu Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải, bởi nếu không có một con tốt cho khoản lỗ 86.000 tỷ kia thì quả thực người ta đã sỉ nhục 87 triệu dân đóng thuế một cách quá đáng.
Nhìn lại 4 năm Vinashin từ một Tổng công ty làng nhàng bỗng một đêm trở thành đại gia thì có thể thấy nhiệm vụ chính của ông Bình là tiêu tiền và phải tiêu thế nào cho "phải đạo". Ai cũng ngại không muốn nói đến, nhưng chính cái quyết định phê duyệt quy hoạch ngành đóng tàu theo lối đốt cháy giai đoạn mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mới là cái nguyên cơ để Tập đoàn con cưng này kinh doanh theo hình thức đi vay, và để tiêu, tất nhiên. Bốn năm, Vinashin đã thực hiện tới 108 dự án, một con số thể hiện khả năng tiêu tiền của họ, hơn là một minh chứng cho sự hùng mạnh của họ. Còn nhớ là chỉ một năm sau khi Tập đoàn kinh tế Vinashin được thành lập, đã có quá nhiều cảnh báo về cái kiểu kinh doanh thục mạng "thấy đỏ là đâm". Nhưng khi đó, các ngân hàng vẫn tiếp tục được chỉ đạo cho Vinashin vay tiền. Cho đến khi khả năng tài chính của họ "có vấn đề", không thể vay được tiền trong nước thì Vinashin vay nước ngoài (tổng nợ nước ngoài mới được công bố là 600 triệu USD). Và khi nước ngoài cũng không cho vay thì Chính phủ đứng ra vay cho họ qua hình thức phát hành trái phiếu. 500 triệu USD hiện vẫn đang đẻ lãi hàng ngày mà con nợ là Chính phủ, chứ không phải Vinashin. Có bậc cha mẹ nào lại cứ bơm tiền cho thằng nghiện để nó tăng liều không nhỉ?
Tiền dồn quá nhiều, trong khi Vinashin không thể không tiêu. Cho nên, có thế nói không quá rằng, thực ra Chủ tịch Vinashin vừa bị bắt hôm qua, chỉ là nạn nhân của tiền (đã có kiến nghị rất mỉa mai rằng nếu với tư duy quản lý kiểu "cái gì khó, cái gì không quản được thì cấm" như hiện nay, có lẽ là phải cấm in tiêu tiền!).
Cuộc họp báo công khai hôm qua cho thấy Chính phủ đã nhận ra nhiều vấn đề từ Vinashin. Chẳng hạn "Khuyết điểm của Vinashin là đầu tư đa ngành, đa nghề". Hay, "có nguyên nhân chủ quan từ chỉ đạo điều hành của chúng ta, của bộ máy quản lý ở bộ ngành", hoặc là lỗi của tham mưu "cũng là tham mưu nhưng tham mưu cho các tập đoàn khác thì được mà tham mưu cho Vinashin lại chưa ổn"... Có điều, đây là những vấn đề đã được đặt ra từ năm 2007 và cũng được liên tục cảnh báo trong suốt những năm Chính phủ ca ngợi mô hình Vinashin.
Trong cuộc họp báo, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu một ví dụ về sự "bất tuân thượng lệnh": "Chẳng hạn như việc Vinashin đi mua tàu, trong khi chỉ được phép đóng tàu. Hơn thế nữa, báo cáo Thủ tướng hôm trước thì hôm sau đã đi mua luôn. Thanh tra phải mấy tháng sau mới vào. Khi đó tàu đã đi mua rồi". Nhưng sự giỡn mặt chỉ có thể xảy ra khi Chính phủ quản lý nhân sự theo kiểu "Cả nhiệm kỳ không kỷ luật một ai", vì lý do "Kỷ luật thì lấy đâu ra người để làm". Và cái sự "hạ tắc loạn" chỉ có thể xảy ra được đáp lại bằng lối chép miệng cười xòa, chặc lưỡi coi như sự đã rồi?
Có một điểm không thể không đặt câu hỏi: Liệu sau Nguyễn Thanh Bình, còn có quan chức nào sẽ tiếp tục bị "kiên quyết xử lý"? Bởi rõ ràng sự vi phạm, một cách quá trớn và trắng trợn của người này phải là sự thiếu trách nhiệm của người khác.
Rất may là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đã khẳng định: Tôi nhấn mạnh một lần nữa việc kiểm soát trước còn nhiều yếu kém. Yếu kém này là do cơ chế.
Cơ chế là thằng nào? Ai đẻ ra nó? Và nó đã dụ dỗ đồng chí Phạm Thanh Bình vào con đường nghiện ngập thế nào? Chịu!
Thôi cũng đành hy sinh thằng nghiện, dù là nghiện tiền, cho dân tình hả dạ. Chứ còn thằng cơ chế? Tài thánh thì cũng không bỏ tù được cơ chế.
Tái bút: Khi được đặc xá, dứt khoát phạm nhân sẽ phải viết vào đơn rằng: "Tôi đã nhận rõ tội lỗi". Nhưng hồi được đặc xá, cựu Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải đã không chịu viết những dòng chữ này. Bởi ngẫm ra: Lỗi tại thằng cơ chế chứ đâu phải tại ông. Thông tin này rất đáng để cựu Chủ tịch Vinashin tham khảo.
ĐT
Nguồn: Tuanddk Blog
Phụ lục:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét