13/2/11

Một bóng ma đang ám ảnh Việt Nam

Trần Trung Đạo
Một bóng ma đang ám ảnh Việt Nam
(Sau khi đọc những bài viết xung quanh “Các Mác – Một tình yêu bao la” của nhiều tác giả trên talawas)
 
Thành thật mà nói, ngay trước 1975 ở miền Nam, tôi đã thích đọc các tác phẩm của Marx, Engels cũng như những tác phẩm phê bình họ, một phần vì thích tìm hiểu những hệ thống tư tưởng mới nhưng quan trọng hơn vì một nửa dân tộc tôi bên kia sông Bến Hải đang bị chi phối bởi hệ ý thức đó. Mỗi lần nhìn lên tấm bản đồ thế giới là tôi tự hỏi, chủ nghĩa Marx là gì mà chỉ trong một thời gian ngắn, gần một nửa dân số và một nửa đất đai trên thế giới đã rơi vào quỹ đạo kiểm soát của ý thức hệ này.

Thế nhưng, muốn là một chuyện mà có để đọc hay không là chuyện khác. Sách của Karl Marx không được dịch và phát hành công khai tại miền Nam. Các tác phẩm của Marx, Lenin bằng ngoại ngữ, nếu có cũng chỉ là tài liệu nghiên cứu riêng của các cơ quan chính quyền chuyên môn hay của các giáo sư đại học chứ không được bày bán ngoài công chúng. Có một cuốn sách của giáo sư Trần Văn Toàn, Tìm hiểu triết học Karl Max, nhưng dùng nhiều thuật ngữ triết học và quá khó hiểu so với trình độ học sinh trung học như tôi. Các sách giáo khoa cấp đại học đều trình bày rất tổng quát và dè dặt về chủ nghĩa Marx ngay cả trong khi phê bình ý thức hệ này. Tôi vẫn nhớ thầy Vũ Quốc Thông khi dạy môn Luật hiến pháp cho sinh viên năm thứ nhất chúng tôi, đã dùng chữ “chủ nghĩa tập sản” thay cho “chủ nghĩa cộng sản” và thầy Trần Văn Tuyên dạy môn Chính trị học quốc nội thì kể kinh nghiệm đấu tranh vừa chống thực dân vừa đương đầu với cộng sản của thầy cũng như các đảng phái quốc gia khác, nhiều hơn là phân tích chủ nghĩa Marx. Dù sao, những kinh nghiệm sống của các thầy và các tác phẩm của Hoàng Văn Chí, Nghiêm Xuân Hồng, Trần Văn Toàn và một số tác phẩm bằng tiếng Anh khác, đã cho tôi những hiểu biết căn bản về chế độ cộng sản, một chế độ độc tài tuyệt đối không chỉ trong chính trị mà trong tất cả các lãnh vực của đời sống xã hội, cai trị đất nước bằng các phương tiện sắt máu, xóa bỏ mọi quyền tư hữu, tiêu diệt không khoan nhượng các thành phần chống đối để cuối cùng đạt tới mục tiêu xây dựng một xã hội cộng sản trên phạm vi toàn thế giới.

Tôi bắt đầu thực sự đọc Marx sau 30 tháng 4 năm 1975 và tác phẩm đầu tiên là Tuyên ngôn đảng cộng sản. Cuốn sách khá mỏng, khoảng 100 trang, in chữ nhỏ trên giấy rất xấu, từ miền Bắc gởi vào. Ngôn ngữ trong tác phẩm đúng như tên gọi tuyên ngôn nên rất khẳng định, đanh thép, câu nào cũng mang tính khẩu hiệu và mệnh lệnh. Có lẽ ngoài các tác phẩm kinh điển tôn giáo, không có một tác phẩm nào có nhiều ảnh hưởng, về mọi phương diện, đối với loài người hơn là Tuyên ngôn đảng cộng sản. Tác phẩm được dịch ra gần như tất cả thứ tiếng trên thế giới. Đối với các đảng viên đảng cộng sản, hẳn nhiên Tuyên ngôn đảng cộng sản là cuốn sách gối đầu giường, nhưng những người muốn biết chủ nghĩa cộng sản, hay chống cộng sản cũng phải đọc tác phẩm này bởi lẽ không thể nói hiểu chủ nghĩa Marx mà không đọc Tuyên ngôn đảng cộng sản.

Những năm sau đó, tôi có dịp đọc khá nhiều tác phẩm trong tuyển tập Marx-Engels, các tác phẩm về nhà nước và cách mạng, Bút ký triết học của Lenin, phương pháp lý luận về mâu thuẫn của Mao và một phần Marx-Engels toàn tập được in trên giấy trắng đẹp bìa dày do Liên Xô tặng. Tôi có cơ hội đọc về chủ nghĩa cộng sản một cách nghiêm túc từ những người đã khai sinh ra nó, và qua đó, hiểu được thế nào là thời kỳ quá độ, chuyên chính vô sản, đấu tranh giai cấp, giá trị thặng dư, quy luật lượng chất, các hình thái kinh tế, duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, từ nhà nước chuyên chính của giai cấp vô sản đến nhà nước tự tiêu vong, bản chất của hàng hóa, lao động sống, lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, bạo lực và cách mạng, làm theo năng lực hưởng theo lao động, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu và rất nhiều, rất nhiều khái niệm, định nghĩa khác mà tôi không có cơ hội đọc trước 1975.

Tôi còn nhớ trong một giờ triết học Marx-Lenin dành cho sinh viên từ các đại học Sài Gòn chuyển sang đại học kinh tế sau 1975, khi được sinh viên yêu cầu phác họa con đường phát triển xã hội để dẫn đến chế độ cộng sản hiện đại, cán bộ giảng dạy môn kinh tế chính trị vẽ trên bảng hình một chiến nón lá với những đường kim chỉ vòng quanh và mô tả tiến trình của xã hội, từ chế độ cộng sản nguyên thủy đến cộng sản hiện đại, đã, đang và sẽ diễn ra theo dạng vòng xoáy trôn ốc từ thấp đến cao và cao vô tận. Hình thái sản xuất cộng sản khoa học là hình thái cao nhất và cuối cùng của loài người. Thoạt nhìn hình vẽ, tôi có cảm tưởng đó là một ngọn núi cao đầy đá nhọn và dân tộc Việt Nam còm cõi đang từ chân núi bò lên đỉnh cao hút mắt. Xã hội cộng sản khoa học hiện đại trong lý luận của Marx sẽ gồm toàn những bậc Bồ tát tu luyện đến trình độ hoàn toàn tự giác và những bậc thánh nhân bác ái vị tha làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Dù có đến được cũng phải đổi bằng hy sinh gian khổ của bao nhiêu thế hệ Việt Nam, đừng nói chi chỉ là một xã hội được Marx phát họa từ việc quan sát các biến động của nền kinh tế Đức, một nền kinh tế mà theo Marx, mức độ xã hội hóa của nó cao đến mức được xem như là “đêm trước của cách mạng” vô sản. Thật ra, so với sự phát triển kinh tế toàn cầu ngày nay, “đại tư sản Đức” như Marx gọi, chỉ là giai đoạn đầu của kinh tế tư bản.

Con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản quả chẳng khác gì đường lên trời.

Nhận xét về chủ nghĩa Marx thì vô số. Một số người cho rằng học thuyết Marx bắt nguồn từ lý tưởng rất nhân đạo nhằm giải phóng con người ra khỏi các hình thức người bóc lột người để hướng tới một xã hội không giai cấp, ở đó con người thật sự làm chủ cá nhân và xã hội một cách tự giác, tiếc thay lý tưởng đó đã bị những tên độc tài lợi dụng.

Hẳn nhiên cũng rất nhiều tác phẩm phê bình quan điểm Marx, đặc biệt trong lãnh vực triết học và kinh tế học, cũng như các phương pháp luận ông đã dùng để giải thích thế giới.

Trong bài viết ngắn này, tôi không có ý định tóm tắt quan điểm ủng hộ hay phê bình Marx, vì đơn giản sẽ quá dài và quá nhiều. Tôi chỉ nhắc đến một điều không thể chối cãi, rằng học thuyết của Marx đã giúp cho Lenin, Stalin, Mao, Kim Nhật Thành, Pol Pot, Hồ Chí Minh, Nicolae Ceausescu, Erich Honecker v.v… những cơ sở lý luận, những phương tiện tư tưởng cần thiết để xây dựng các chế độ độc tài tàn bạo tại các quốc gia họ.

Người đời có thói quen kết án Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot đã gây ra tội ác tày trời đối với nhân dân Liên Xô, nhân dân Trung Quốc, dân tộc Khmer. Chuyện đó không có gì mới lạ. Tội ác của họ bỏ xa mức độ dã man được mô tả trong các tội trạng cấp đại hình. Tuy nhiên, làm thế nào một nông dân có gốc gác bình thường, nếu không muốn nói là hiền lành như Mao lại có thể trở thành sát nhân của mấy chục triệu dân Trung Quốc?

Khác với Mao nghèo nàn, Pol Pot là con của một điền chủ giàu có, được gởi sang Pháp ăn học, được bạn bè nhớ lại như một người nhã nhặn, lịch sự và được gọi là trí thức trong xã hội Khmer còn chậm tiến lúc bấy giờ, nhưng sau khi nắm chính quyền đã giết hai triệu dân Khmer bằng búa, dao và những cách giết người tàn bạo hơn cả trong thời Trung Cổ.

Không cần phải nghiên cứu tâm lý xã hội sâu xa và phức tạp, phần kết luận của Tuyên ngôn đảng cộng sản do Marx viết năm 1847, sẽ trả lời các thắc mắc nêu trên: “Họ (những người cộng sản) công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng Cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới”.

Câu kết luận đó cũng xác nhận rằng tại Trung Quốc nếu không có Mao này thì rồi cũng có Mao khác, ở Liên Xô không có Stalin này thì rồi cũng có Stalin khác mà thôi, và Pol Pot ra lịnh giết người bằng búa không phải là một Pol Pot nhã nhặn, lịch sự mà bạn học còn nhớ, mà là một Pol Pot đã nghiên cứu tư tưởng Marx-Lenin trong thời gian học ở Pháp. Tôi có thể trích dẫn hàng trăm câu Marx cổ võ cho sự tiêu diệt không khoan nhượng bằng bạo lực các giai cấp đối nghịch với quyền lợi của giai cấp vô sản trong các tác phẩm khác của Marx. Nhưng trong điều kiện Internet ngày nay, việc làm đó có thể không còn cần thiết.

Bàn thêm về nhân đạo. Đối với chủ nghĩa Marx, tình yêu không điều kiện được nhấn mạnh trong kinh điển các tôn giáo chỉ là những lời lừa gạt, ru ngủ, là những giọt nước cá sấu của giai cấp tư sản. Tình yêu trong quan điểm Marx phải gắn liền với tình yêu giai cấp. Người cộng sản không thể có tình yêu sâu đậm dành cho giai cấp bị bóc lột nếu không có lòng căm thù sâu hơn đối với giai cấp bóc lột. Hành động giết người, vì thế, không chỉ thể hiện lòng căm thù giai cấp mà còn thể hiện tình yêu và lòng trung thành đối với giai cấp vô sản. Điều đó giải thích cho chúng ta hiểu tại sao Pol Pot không hề có một chút xót thương cho đồng bào cùng máu mủ của mình, cũng như theo ông Nguyễn Minh Cần, lúc đó là Thường vụ Thành ủy Hà Nội, viết trong bài “Xin đừng quên nửa thế kỷ trước”: “Trong suốt thời gian Cải cách ruộng đất, ông Hồ, với tư cách là Chủ tịch nước, chưa hề ký một lệnh ân xá nào cho một ai bị án tử hình.”

Nếu đồng ý với Ignazio Silone “Cách mạng giống như cây, phải được phán xét từ trái của nó”, thì ai cho rằng chủ nghĩa Marx là chủ nghĩa nhân đạo chẳng khác gì chỉ chê cái quả thối mà không trách cây hư.

Những con số và tài liệu được ghi lại trong tác phẩm dày 858 trang, The Black Book of Communism (Sách Đen về chủ nghĩa cộng sản) của sáu sử gia quốc tế, bản tiếng Anh do Harvard University Press phát hành tại Mỹ, cũng như trong nhiều tác phẩm phê bình chủ nghĩa Marx khác, cho chúng ta thấy rằng để nhận xét một hệ thống tư tưởng là nhân đạo hay phi nhân, không phải chỉ dựa vào những lời rao giảng, từ mục đích do những người sáng lập phác họa ra, mà từ những phương tiện mà ý thức hệ đó cổ võ và hậu quả do ý thức hệ đó gây ra.

Câu nói của Marx trong Tuyên ngôn đảng cộng sản: “Công nhân không có tổ quốc” một thời gây tranh luận giữa những người cho rằng người cộng sản là vô tổ quốc và những người cộng sản đang phát động các cuộc chiến tranh dưới chiêu bài “giải phóng dân tộc”. Dù họ có tổ quốc đi nữa thì tổ quốc cũng chỉ là bàn đạp, là đầu cầu chứ không phải là mục đích. Dân tộc không phải là một khái niệm chỉ những người cùng huyết thống, cùng chia sẻ một dòng của lịch sử và cùng nỗ lực cho một tương lai tươi đẹp cho các thế hệ con cháu mai sau, mà đơn giản chỉ là chính quyền như Marx viết trong Tuyên ngôn đảng cộng sản: “Vì giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình giành dân tộc, tuy hoàn toàn không phải theo cái nghĩa như giai cấp tư sản hiểu.”

Từ khi Tuyên ngôn đảng cộng sản ra đời năm 1848 cho đến khi bức tường Bá Linh bị đập đổ vào 1989, khoảng gần 100 triệu người từ nhiều quốc gia đã bị giết.

Cả một hệ thống cai trị được xây dựng trên hệ tư tưởng của Marx, một thời tưởng như không có một hệ thống nào kiên cố hơn đã sụp đổ trong một thời gian ngắn. Quả thật như một chân lý hiển nhiên và đơn giản, không bạo lực nào có thể tồn tại mãi mãi.

Câu “bóng ma chủ nghĩa cộng sản” mà Marx đã dùng để thách thức quyền lực của các nhà nước tư sản giữa thế kỷ 19, đã trở thành bóng ma của quá khứ. Một trăm năm chục năm sau ngày công bố Tuyên ngôn đảng cộng sản, nơi yên nghỉ của Marx tại nghĩa địa High Gates ở ngọai ô London cũng đã nhiều lần được chọn để làm ngoại cảnh cho những cuốn phim ma. Nhắc đến mộ của Marx, tôi chợt nhớ, cách đây không lâu, tình cờ đọc một bản tin ngắn gởi đi từ Anh nhân ngày sinh nhật của Karl Marx, 5 tháng 5. Bản tin không nhằm tường thuật buổi lễ mừng sinh nhật của ông tổ cộng sản vốn thường được tổ chức tưng bừng tại các quốc gia cộng sản mà từ ông quản lý nghĩa địa High Gates, nơi có ngôi mộ của triết gia cộng sản này. Trong bản tin, người quản lý nghĩa địa High Gates than phiền rằng ông không có một ngân khoản nào để mướn người cắt cỏ hoang trong nghĩa trang rộng 36 mẫu. Bản tin cũng nhắc lại, trong sinh nhật đầu tiên sau khi Liên Xô tan rã, trên mộ của Marx chỉ có một vòng hoa rất đơn sơ của một nhóm đảng viên cộng sản Anh với hàng chữ viết trên mảnh vải vắt ngang: “Chúng tôi vẫn giữ vững niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản”. Nhưng rồi, những năm sau đó thì không còn ai đến nữa kể cả những người vừa thề thốt “Giữ vững niềm tin”. Từ sau khi Liên Xô và hệ thống cộng sản thế giới sụp đổ không còn ai buồn thăm viếng mộ Marx, và đương nhiên cũng không còn ai đóng góp tiền bạc để chăm sóc mộ Marx.

Thế nhưng, còn có một nơi, bóng ma theo nghĩa bóng mà Marx ám chỉ trong Tuyên ngôn đảng cộng sản lại là một bóng ma thật và còn đang ám ảnh trong nhiều lãnh vực của đời sống xã hội. Nơi đó là Việt Nam.

Những phó sản của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam còn đầy dẫy: cơ chế chính trị độc tài, nền kinh tế lạc hậu, xã hội sa đọa, đạo đức suy đồi, hiện tượng sùng bái cá nhân, thói quen suy tôn lãnh tụ, lừa dối nhân dân, bưng bít có chủ trương, đổ thừa có hệ thống.

Vì giới hạn của bài, tôi chỉ muốn nói đến một phó sản mà tôi cho là quan trọng nhất, đó là sự lừa dối nhân dân trên đất nước chúng ta. Tôi tin nếu một ngày những sự bưng bít và lừa dối nhân dân Việt Nam không còn nữa, các thế hệ Việt Nam được quyền sống như những con người tự do, không còn sợ hãi, thấy được sự thật thì độc tài, lạc hậu sẽ tức khắc bị loại bỏ.

Vì tác giả Đông La dùng tựa bài “Các Mác – Một tình yêu bao la”, dựa theo tên bài hát “Bác Hồ, Tình yêu bao la” của Thuận Yến nên tôi cũng dùng tựa bài hát “Bác Hồ, Tình yêu bao la” để phân tích vài điểm về tính lừa dối có chủ trương và hệ thống đang tồn tại tại Việt Nam.

Tôi biết rất đông người Việt trong nước vẫn còn tin rằng “Bác Hồ” của họ có một “tình yêu bao la” dành cho dân tộc Việt Nam, tương tự như Marx đã có một “tình yêu bao la” dành cho nhân lọai. Tin hay không tin là quyền của mỗi người, điều đó không có gì phải bàn, tuy nhiên tôi thắc mắc làm thế nào để biết ông Hồ có “tình yêu bao la” trong khi tất cả những gì đại đa số người Việt đang sùng bái ông Hồbiết về ông ta đều chỉ qua những dữ kiện, tài liệu do Đảng bào chế, gạn lọc và giảng dạy?

Bộ máy tuyên truyền của Đảng bắt 80 triệu người dân Việt, từ một em bé vừa tập nói cho đến cụ già đang mất dần trí nhớ, phải học thuộc, phải tin, phải lặp đi lặp lại những khẩu hiệu, những lời sùng bái, ca tụng ông Hồ cho đến khi chúng được ghi sâu vào ý thức của con người, trở thành một phần thiêng liêng trong đời sống đạo đức và tình cảm của con người.

Là con người, dù người Mông Cổ, người Anh hay người Ý, cũng đều có cha mẹ, ông bà, nội ngoại nhưng người Việt Nam khác với người Mông Cổ, người Anh, người Ý một điểm, ngoài các tôn ti trật tự trong gia đình mà ai cũng có, người Việt lại còn có thêm một “Bác” nữa. Tôi cam đoan nếu một đề thi tuyển đại học hỏi về “Tình yêu bao la” của ông Hồ, tất cả bài trả lời của học sinh trung học tại Việt Nam đều sẽ giống hệt nhau. Những tài liệu, những khám phá khác, dù chưa hẳn xấu, đều bị ngăn cấm xuất bản, tịch thu và tác giả của tài liệu đó bị trù dập đến nỗi không ngóc đầu lên được.

Một sinh viên năm đầu cũng biết phương pháp căn bản của mọi nghiên cứu khoa học là hoài nghi, đặt vấn đề, phản đề, đối chiếu, phân tích và tổng hợp. Nếu đồng ý như thế thì bao nhiêu người Việt Nam hiện nay, có quyền hoài nghi một cách công khai về cuộc đời và sự nghiệp của ông Hồ, có quyền so sánh những gì họ học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa với những công trình nghiên cứu độc lập khác, có quyền nói lên điều họ không đồng ý?

Trước ngày 25 tháng 12 năm 1989, ngày mà Nicolae Ceausescu và vợ là Ela Ceausescu bị chính quyền cách mạng quyết định đem ra xử bắn về tội diệt chủng, bỏ đói đến chết hàng ngàn trẻ em, tàn phá tài sản đất nước v.v…, tuyệt đại đa số nhân dân Romania vẫn tin ông ta chính là thiên tài của tất cả dân tộc vùng Trung và Đông Á (Genius of the Carpathians) và hẳn cũng có nhiều người dân Romania đã tin Nicolae Ceausescu có một “tình yêu bao la” sâu đậm dành cho dân tộc Romania như được mô tả trong bức hình vợ chồng Nicolae Ceausescu đứng giữa đám trẻ em bụ bẫm có đôi cánh thiên thần đang bay về phía bình minh cộng sản được trịnh trọng trưng bày trên khắp các công viên lớn.
Giống như Nicolae Ceausescu, hình ảnh Mao Trạch Đông vẫn còn được xem như một người có “tình yêu bao la” dành cho nhân dân Trung Quốc. Qua bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Mao biểu tượng cho đức tính khiêm cung, đơn giản, là tấm gương đạo đức xã hội chủ nghĩa mà hàng tỉ dân Trung Quốc phải soi. Những tấm ảnh của Mao chụp chung với đám nhi đồng choàng khăn đỏ, được trưng bày trong viện bảo tàng đều là hình ảnh của một nông dân chất phát, hiền hòa, luôn có một nụ cười nhân hậu. Nhưng qua hồi ký của bác sĩ Li Zhisui, bác sĩ riêng của Mao Trạch Đông, Mao là một kẻ hoang dâm vô độ, làm tình không những với các cô gái trong các đoàn văn công quân đội mà còn mò mẫm ngay cả các cậu cận vệ trẻ tuổi đẹp trai phục vụ cho Mao: “Tình dục của Mao không chỉ thể hiện với nữ giới mà thôi. Những thanh niên phục vụ cho Mao cũng phải đẹp trai và mạnh khỏe và một trong những nhiệm vụ của họ là đấm bóp cho Mao hàng đêm như một cách giúp cho Mao dễ ngủ. Trong việc nắn bóp, Mao đòi hỏi cả háng của y cũng phải được nắn bóp. Vào năm 1960, một thanh niên phục vụ Mao không chịu làm công việc nầy và xin chuyển công tác. Trước khi đi y thổ lộ với tôi "Ðó là công việc của đàn bà chứ không phải đàn ông." Sau đó, tôi cũng đã chứng kiến một dịp khác xảy ra trên xe lửa vào năm 1964, trong lúc một nam phục dịch chuẩn bị chỗ ngủ cho Mao thì Mao vồ lấy anh thanh niên để mò mẫm và ráng kéo anh ta vào giường ngủ của y.” (The Private Life of Chairman Mao của Dr. Li Zhisui, trang 358-359).

Tưởng cần nhắc lại, bác sĩ Li là một bác sĩ chuyên nghiệp, vào Đảng Cộng sản sau khi lục địa Trung Quốc bị nhuộm đỏ, không quan tâm đến chính trị, được trọng vọng trong suốt thời kỳ Mao cai trị, không hề bị thất sủng, không bị bắt bớ, giam cầm hay hành hạ trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Trở lại với Việt Nam. Tôi đọc khá nhiều bài viết về “cách mạng tư duy” hay cổ võ cho “tinh thần Thánh Gióng” của nhiều người trong nước, đặc biệt những người trẻ đang sinh họat trong guồng máy của Đảng. Tuy nhiên cho đến nay, ngoại trừ các nhà phản kháng nằm ngoài hệ thống Đảng, chưa ai dám thách thức vai trò chủ đạo của Đảng Cộng sản trong tiến trình cách mạng tư duy đó. Trong lúc tôi thông cảm với các tác giả, những người vừa mang khát vọng phục hưng đất nước lại vừa khó có thể từ bỏ ân huệ bổng lộc của chế độ ban cho, tôi vẫn tin sự can đảm là đức tính cần phải có của một người trí thức.

Đặc tính của mọi cuộc cách mạng là triệt để và cách mạng tư duy cũng không thoát khỏi quy luật đó. Nếu không, đó chỉ là những cải cách nửa vời, vá víu, sáo rỗng. Chống tham nhũng không phải là một hình thức cách mạng tư duy vì tham nhũng sẽ không bao giờ bị tận diệt nếu các điều kiện tạo ra tham nhũng còn tồn tại. Làm thế nào để trong sạch hóa chính quyền khi các cơ quan nhà nước (hành pháp, lập pháp và tư pháp) không có sự phân quyền, độc lập và kiểm soát lẫn nhau? Làm thế nào để trong sạch hóa xã hội khi sinh mạng của hơn 80 triệu người tập trung trong tay của một nhóm vài chục người?

Trong lúc ở một phần lớn thế giới, chủ nghĩa cộng sản đã là bóng ma của quá khứ, học thuyết Marx chỉ còn trong thư viện nghiên cứu, hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn phải tụng một cách từ chương mỗi ngày những khái niệm, những định nghĩa, những giá trị đã lỗi thời. Con đường dân tộc đang đi, tuy không còn nghe tiếng bom rơi, đạn hú nhưng có nhiều tiếng xiềng xích khua vang, tiếng người rên siết. Đất nước Việt Nam tuy không còn những đại lộ kinh hoàng, những cánh đồng nhuộm máu, nhưng đã mọc lên thêm rất nhiều nhà tù và sân bắn, các thế hệ Việt Nam măng non của hai miền vẫn tiếp tục lớn lên trong hận thù và nghi kỵ lẫn nhau.

Cuộc chiến tranh bằng súng đạn gắn liền và phục vụ cho quyền lợi của các đế quốc Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng trên quê hương Việt Nam đã chấm dứt hơn 30 năm, nhưng một cuộc chiến tranh mới, khó khăn, gian nan và làm tiêu mòn sinh lực dân tộc hơn nhiều cũng bắt đầu ngay từ hôm đó. Cuộc chiến mới không phải riêng của nhân dân miền Nam hay nhân dân miền Bắc, không phải riêng của người Việt trong nước hay người Việt hải ngọai, không phải của những người từng bị chế độ cầm tù hay những người một thời chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh. Cuộc chiến mới là của dân tộc Việt Nam chống lại ý thức hệ ngọai lai xâm lược.

Nhìn lại quá trình du nhập chủ nghĩa Marx vào Việt Nam, chúng ta sẽ thấy cuộc chiến đấu mới sẽ rất khó khăn, bởi vì kẻ thù của một người Việt Nam trong cuộc chiến mới không phải mắt xanh, mũi cao, da trắng, không phải ai xa lạ mà nhiều khi lại là quá khứ của chính người đó. Từ bỏ thói quen cà-phê, thuốc lá đã là khó đừng nói chi từ bỏ cả một phần đời đầy kỷ niệm có tất cả những đau thương và hạnh phúc, có vui và buồn, có những phút vinh quang và có cả những vết thương còn hằn sâu trên thân thể, không phải là chuyện dễ dàng.

Tôi thường nói vui với bạn bè, quyết định ẵm cô gái đẹp xuống ghe thì dễ nhưng để cô ta lại trên bờ bên kia và ra đi trong an nhiên tự tại mới là chuyện khó. Bao nhiêu người trong số hàng trăm ngàn người Việt chiến đấu trong hàng ngũ Việt Minh để giải phóng dân tộc trước 1954 thấy được sự khác nhau giữa chiếc ghe cộng sản giúp cho họ qua sông và chiếc ách cộng sản đã và đang nhiễm trùng sâu xa trong cổ họng của dân tộc mình. Rất ít. Và cho dù thấy được cũng chưa bao nhiêu người dám bỏ ra đi, đừng nói chi là chống lại. Có lẽ ngoại trừ ông Trần Xuân Bách, người duy nhất nhắc đến khái niệm dân chủ hóa, dù để cứu Đảng, trong khi ông còn là một Ủy viên Bộ Chính trị, hầu hết các nhà phản kháng thuộc thế hệ 1945 chỉ nói đến dân chủ tự do khi trong tay không còn một tấc sắt.

Nói như thế không có nghĩa là tôi không kính trọng các nhà phản kháng cao niên trong nước hiện nay. Tôi kính trọng họ vô cùng. Các chú các bác đã dám nói lên những điều mà ít ai dám nói. Yêu nước không bao giờ sớm và cũng chẳng bao giờ trễ. Nói lên một tiếng nói yêu nước, dù trong lúc tàn hơi, trong tuổi về già vẫn còn hơn những người khác, trẻ hơn, có học hơn mà chỉ chỉ biết ngậm miệng ăn tiền, nhắm mắt làm ngơ trước nỗi bất hạnh của dân tộc mình.

Cách đây năm tháng, tôi đến đại học Harvard để nghe cụ Hoàng Minh Chính nói chuyện. Ngồi nhìn cụ già 80 tuổi, mái tóc bạc phơ, thân thể ốm o, khuôn mặt xương xẩu, mang bịnh nặng trong người mà vẫn cố gióng lên khát vọng tự do dân chủ cho dân tộc mình, tôi rất xúc động và cũng tự cảm thấy hổ thẹn vì tôi còn trẻ hơn ông rất nhiều. Dù sao, tôi đã đến. Tôi đến không phải để nghe cụ Hoàng Minh Chính nói về Tuyên ngôn đảng cộng sản hay bàn về Phê phán cương lĩnh Gotha của Marx, mà đến để cám ơn cụ và qua cụ cám ơn những nhà phản kháng khác trong nước. Cụ có thể không làm mới hơn trong tôi những lý luận, kiến thức về chủ nghĩa Marx nhưng chắc chắn cụ đã làm ấm hơn trong lòng tôi niềm tin vào tương lai dân tộc.

Rồi mai đây nước non ngàn dặm, cát bụi vô thường, cụ Hoàng Minh Chính sẽ ra đi và tôi cũng sẽ ra đi nhưng có một điều tôi tin, dân tộc Việt Nam có những bô lão như cụ Hoàng Minh Chính, cụ Hà Sĩ Phu, bác sĩ Nguyễn Đan Quế và những người trẻ hơn như các anh Lê Chí Quang, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Đỗ Nam Hải, dân tộc Việt sẽ sớm phục hưng.

Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, bốn ngàn năm đã chảy qua bao nhiêu thăng trầm ghềng thác nhưng phải tiếp tục chảy, chảy cho ngày mai, chảy cho các thế hệ Việt Nam mới, được lớn lên trong thương yêu đoàn kết, dù phải vượt qua nhiều thác ghềng đang đợi chờ phía trước.

© 2006 talawas

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét