12/11/11

Bản đồ “đường lưỡi bò” và vấn đề bình duyệt trong khoa học


InEmail
Hôm qua, tôi có hân hạnh trả lời phỏng vấn đài Radio Australia (chương trình tiếng Việt) về hai bài báo trên tập san Nature. Có một câu hỏi của phóng viên làm tôi suy nghĩ: đó là câu hỏi tập san có lỗi khi đăng bản đồ hình lưỡi bò không. Câu trả lời có thể là “có”, nhưng cũng có thể là “không”, tùy vào vị trí của người trả lời. Tôi thì nghĩ chuyện sai sót trong khoa học là … bình thường, vì khoa học nói cho cùng là một qui trình tự sửa sai.

Câu chuyện Science (và vài tập san khoa học khác) đăng những bài báo có bản đồ ĐLB làm tôi liên tưởng đến hệ thống bình duyệt trong khoa học (tiếng Anh gọi là peer review). Chính hệ thống bình duyệt của các tập san này vận hành chưa tốt nên mới dẫn đến sự việc bản đồ ĐLB xuất hiện. Nhưng nghĩ cho cùng, không thể nào kì vọng tập san khoa học hay hệ thống bình duyệt có thể sàng lọc hết tất cả những “rác rưởi” hay ngăn chận hết những gian lận trong bài báo. Đó là một thực tế chúng ta phải chấp nhận. Có thể hệ thống bình duyệt trong khoa học còn nhiều vấn đề, nhưng đó là hệ thống hay nhất mà chúng ta có hiện nay.
Có thể nói không ngoa rằng hệ thống bình duyệt là yếu tố làm nên khoa học, làm nên một tập san khoa học. Nghiên cứu khoa học mà không có hệ thống bình duyệt thì khó có thể nói là khoa học. Một tập san chuyên ngành mà không có hệ thống bình duyệt bài báo thì không thể xem là “tập san khoa học” được. Thế nhưng trong thời gian gần đây, có nhiều người trong giới khoa học lên tiếng phàn nàn về tình trạng suy thoái trong qui trình bình duyệt, và tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của các tập san khoa học trong tương lai.
Để hiểu ảnh hưởng của qui trình bình duyệt như thế nào, có lẽ cần phải hiểu sơ qua vài nét chính. Khi bản thảo một bài báo khoa học nộp cho một tập san, ban biên tập sẽ phân công một người trong ban biên tập phụ trách. Nếu bài báo được đánh giá là có tiềm năng, người phụ trách sẽ gửi bài báo cho 3 chuyên gia bình duyệt. Tác giả không biết 3 chuyên gia này là ai, nhưng các chuyên gia đó biết tác giả là ai. Sau khi xem xét nhận xét của 3 chuyên gia, ban biên tập sẽ quyết định chấp nhận hay từ chối công bố bài báo. Chỉ cần một trong 3 người đề nghị từ chối, thì ban biên tập thường sẽ từ chối bài báo. Do đó, vai trò của 3 chuyên gia này rất quan trọng, vì những nhận xét của họ quyết định số phận bài báo.
Trong hệ thống bình duyệt khoa học, việc chọn chuyên gia bình duyệt rất quan trọng. Trên nguyên tắc, các chuyên gia bình duyệt là những người có chuyên môn tốt trong lĩnh vực bài báo quan tâm. Họ là những người đã có “tên tuổi” trong chuyên ngành, tức đã từng công bố những công trình nghiên cứu có ảnh hưởng nào đó. Cũng có thể họ là những người trong ban biên tập. Và theo nguyên lí đạo đức khoa học, họ chỉ nhận bình duyệt nếu họ (a) có chuyên môn trong lĩnh vực bài báo quan tâm; (b) có thể bình duyệt đúng thời hạn; và (c) không có mâu thuẫn quyền lợi với tác giả. Ban biên tập kì vọng rằng một khi đồng ý bình duyệt bài báo, các chuyên gia sẽ đọc kĩ bài báo, xem xét ý tưởng, kiểm tra phương pháp, đánh giá dữ liệu trình bày có ăn khớp với kết luận hay không, “văn chương” có hoàn chỉnh hay chưa, v.v. Họ làm những việc này hoàn toàn miễn phí; tất cả chỉ vì lí tưởng khoa học. Họ chỉ có một ghi nhận duy nhất là trong lí lịch, họ có quyền ghi là chuyên gia bình duyệt cho tập san. Nhưng trong thực tế ngày nay, rất khó tìm những chuyên gia hoàn toàn thích hợp, vì … nhân vô thập toàn. Các chuyên gia bình duyệt cũng thỉnh thoảng rất “trần ai”, hiểu theo nghĩa viết phê bình mang tính xúc phạm, hằn học, chủ quan; tỏ thái độ thiên vị, thiếu thành thật, ngụy tạo; và làm ẩu tả, thậm chí bất tài. Và, đó chính là nguồn gốc của nhiều oan khiên trong khoa học. Hệ thống bình duyệt làm cho nhà khoa học hài lòng, nhưng thỉnh thoảng cũng làm không ít người rất dễ nóng giận.
Không một chuyên gia nào có thể am hiểu tất cả những khía cạnh khoa học trong bài báo, và họ phải đặt sự tin tưởng (một phần lớn) vào tác giả. Do đó, một khi tác giả có ý gian dối thì các chuyên gia bình duyệt cũng rất khó phát hiện. Tất cả những số liệu trình bày trong bài báo là kểt quả phân tích từ “dữ liệu thô” (raw data); nếu tác giả sửa dữ liệu thô thì làm sao chuyên gia bình duyệt phát hiện được. Những hình ảnh trình bày trong bài báo cũng là bản copy, làm sao các chuyên gia có được bản gốc (và đây chính là phương thức ngụy tạo của vị giáo sư Hàn Quốc về vụ tạo sinh vô tính). Hay như bản đồ ĐLB trình bày trong bài báo, và nếu chuyên gia bình duyệt là người phương Tây không quan tâm đến tình hình biển Đông thì không thể chú ý đến. Do đó, việc các tập san khoa học gặp sai sót là chuyện có thể hiểu được, nhưng may mắn thay những sai sót này cũng rất hiếm xảy ra vì đại đa số các nhà khoa học đều là những người có đạo đức nghề nghiệp.
Nhưng khoa học có một đặc điểm tuyệt vời là tự sửa sai. Một khi bài báo được công bố, đồng nghiệp trên thế giới có thể săm soi và thẩm định. Có nhiều vấn đề các chuyên gia bình duyệt không phát hiện được, nhưng bạn đọc và đồng nghiệp trên thế giới có thể phát hiện và chỉ ra những sai sót. Đó cũng chính là trường hợp bản đồ ĐLB. Tôi đoán rằng các chuyên gia bình duyệt cho các tập san [có in bản đồ ĐLB] hoặc là không chú ý đến bản đồ đó, hoặc là không biết bản đồ đó mang tính phi pháp, hoặc là thiên vị (khả năng rất thấp). Nhưng dù là lí do gì đi nữa, thì sự xuất hiện bản đồ ĐLB đó trên các tập san khoa học như Science và Nature cũng là dấu hiệu của một hệ thống bình duyệt có vấn đề. Nếu hệ thống bình duyệt hoàn hảo thì bản đồ đó đã không có “cơ hội” xuất hiện trên các tập san khoa học lớn. Cũng có thể nói hệ thống bình duyệt của Science và Nature đã thất bại trong việc phát hiện một dữ liệu sai (bản đồ là một dữ liệu).
Nhưng như nói trên, dù hệ thống bình duyệt không hoàn hảo, nhưng đó là hệ thống tốt nhất mà chúng ta đang có. Vấn đề có lẽ không phải là chỉ ra những khiếm khuyết trong hệ thống bình duyệt (tuy cũng có thể cần), nhưng quan trọng hơn là phải tích cực tham gia phản biện khoa học cho các tập san.
NVT
====

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Vũ Hiền của RA và tôi:
RA: Theo ông, tại sao các nhà khoa học Trung Quốc lại có thể gửi đăng kèm một tấm bản đồ mà theo nhận xét là không liên quan đến nội dung của bài viết khoa học? Phải chăng họ làm theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc?
Nguyễn Văn Tuấn (NVT): Không ai biết chính xác lí do đằng sau việc họ lồng bản đồ đường lưỡi bò (ĐLB) vào bài báo khoa học của họ. Nhất là bản đồ đó chẳng liên quan gì đến nội dung của bài báo. Tuy nhiên, theo tiết lộ của chính một tác giả là giáo sư của một viện nghiên cứu ở Bắc Kinh, Chính phủ Trung Quốc yêu cầu họ phải làm như thế. Cụ thể là trong điện thư trả lời tổng biên tập của Tập san Climatic Change, giáo sư Xuemei Shao (thuộc Viện Khoa học Địa lí và Tài nghiên thiên nhiên, Trung Quốc) trả lời như sau (tạm dịch): “[…] Bản đồ nhỏ mà chúng tôi chèn trong biểu đồ 6 là do yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc.” Đó là chứng từ duy nhất mà chúng ta có để tạm đi đến kết luận rằng Chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau chiến dịch tung bản đồ ĐLB trên các tập san khoa học quốc tế.
RA: Về phía tạp chí Science, ông có cho rằng Science cũng có lỗi trong vụ việc này khi đăng tải một tấm bản đồ mang nặng mục đích chính trị như vậy? 
NVT: Đứng trên quan điểm của chúng ta (người Việt), có thể nói rằng Science có sai sót trong việc đăng bản đồ ĐLB, nhưng nên nhớ rằng sai sót là rất bình thường trong khoa học. Cũng cần nên hiểu qui trình công bố khoa học thì sẽ thấy khả năng một sai sót như thế rất thường xuyên xảy ra. Một cách ngắn gọn, khi một bài báo gửi đến cho tập san, ban biên tập sẽ mời 3 chuyên gia trong ngành bình duyệt, và việc kiểm tra sự chính xác của dữ liệu tùy thuộc vào 3 chuyên gia này. Các chuyên gia bình duyệt làm việc hoàn toàn trên tinh thần tình nguyện khoa học, tức không có thù lao gì cả, và họ cũng rất bận. Do đó, các chuyên gia không thể nào kiểm tra từng dữ liệu trong bài báo được, mà phải tin tưởng vào tác giả một phần. Nếu 3 chuyên gia bình duyệt là người Mĩ thì xác suất họ am hiểu tình hình biển Đông là rất thấp, và họ bỏ qua dữ liệu trong bản đồ là điều có thể đoán được. Nhìn như vậy để thấy rằng Science không có mục tiêu chính trị gì đằng sau việc đăng bản đồ xúc phạm đó. Nhưng khoa học là một quá trình tự sửa sai. Khi một bài báo công bố thì cộng đồng khoa học quốc tế có quyền săm soi, và cộng đồng khoa học Việt Nam đã làm việc đó cho Science.
RA: Động thái mới nhất của tạp chí Nature trong việc lật tẩy âm mưu lợi dụng khoa học để phục vụ mục đích chính trị thể hiện điều gì? Nó có tác động như thế nào đến giới học giả cũng như các tờ tạp chí khoa học khác?
NVT: Có một điều mà ai trong giới khoa học cũng nghi ngờ nhưng không ai nói ra: giới khoa học Trung Quốc có vấn đề về đạo đức khoa học. Đạo đức ở đây phải kể luôn cả đạo đức công bố (ethics of publication). Giới khoa học Trung Quốc có thể sẵn sàng theo chính phủ của họ để bẻ cong khoa học cho mục tiêu chính trị, và chúng ta đã thấy qua sự việc liên quan đến bản đồ ĐLB. Sự việc bản đồ ĐLB là cơ hội lí tưởng để Nature lên tiếng, và sự lên tiếng của họ như là một nhắc nhở về đạo đức khoa học. Như Nature viết rõ “khoa học nên là một công cụ ngoại giao, chứ không phải công cụ cho xâm lấn lãnh thổ”, và cảnh cáo những người còn có ý định lạm dụng khoa học cho mục tiêu chính trị. Nhìn một cách thực tế và trần trụi hơn, Nature đang lên lớp Trung Quốc về khoa học và đạo đức khoa học.
Nature là tập san khoa học hàng đầu trên thế giới, và có thể nói là còn danh giá hơn cả Science. Do đó, ảnh hưởng của 2 bài viết trên Nature theo tôi là rất đáng kể. Tôi nghĩ các tập san khác sẽ chú ý đến ý kiến của Nature và sẽ kiểm tra lại qui trình công bố của mình để không bị Trung Quốc lợi dụng biến thành công cụ tuyên truyền.
RA: Xin ông cho biết ý kiến (ủng hộ/phản đối) của mình về vấn đề chính trị hóa khoa học được thể hiện qua vụ việc trên và tác động tiêu cực của nó tới khoa học chân chính ? Trong thời gian qua, Trung Quốc đã lợi dụng khoa học để tìm cách hợp pháp hóa mục đích chính trị của mình như thế nào? Xin ông cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn tổng quan về âm mưu và cách thức mà Trung Quốc đã thực hiện? 
NVT: Dĩ nhiên là tôi phản đối chính trị hóa khoa học. Tôi phản đối việc một số đồng nghiệp Trung Quốc đưa bản đồ ĐLB vào bài báo của họ một cách hoàn toàn vô cớ. Nếu sự việc xảy ra chỉ một vài lần thì tôi nghĩ đó có thể là ngẫu nhiên, nhưng ở đây sự việc xảy ra nhiều lần, ở nhiều nơi, qua nhiều năm, và tôi phải xem đó là một vấn đề có hệ thống. Bản đồ ĐLB đã xuất hiện trong các ấn phẩm khoa học tiếng Hoa khá lâu, nhưng xuất hiện trên tập san khoa học quốc tế thì từ 2005 (có thể trước đó, nhưng tôi chưa biết) và liên tục xuất hiện với mật độ dầy hơn trong vài năm gần đây. Ngoài ra, các nhà khoa học Trung Quốc đã viết về Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Nam Sa và Tây Sa) nhiều hơn các học giả Việt Nam viết về hai hòn đảo của ta. Nếu đếm con số, số bài báo của học giả Trung Quốc là tối thiểu 48 bài, còn Việt Nam chỉ công bố được … 2 bài! Rõ ràng, Trung Quốc có một chiến lược thuyết phục cộng đồng khoa học quốc tế bằng khoa học, còn phía Việt Nam ta thì thuyết phục bằng … cảm tính. Chúng ta có thể nói như thế vì đến nay thì chúng ta biết rằng cái hệ thống tính đó chính là Chính phủ Trung Quốc đứng đằng sau việc phổ biến cái bản đồ phi pháp và phi khoa học.
RA: Theo ông, giới học giả cần phải làm gì để tránh xảy ra trường hợp tương tự trong tương lai? 
NVT: Tôi nghĩ chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Họ nói chuyện khoa học, chúng ta cũng nên nói chuyện với họ bằng ngôn ngữ khoa học. Tôi nghĩ đến các nhà khoa học xã hội cần chủ động công bố những nghiên cứu liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa, lãnh hải Việt Nam trên các tập san quốc tế bằng tiếng Anh. Chúng ta cần nói chuyện bằng tiếng Anh, bởi vì đó là ngôn ngữ khoa học mà cộng đồng khoa học quốc tế sử dụng. Nếu chúng ta chỉ viết bằng tiếng Việt thì chỉ cho chúng ta đọc chứ các học giả nước ngoài đâu thể hiểu được. Công bố trên tập san khoa học quốc tế còn là một cách “thử lửa”, là cách chúng ta đối thoại với đồng nghiệp Trung Quốc trong tinh thần khoa học.
Tôi nghĩ Nhà nước cần có một tầm nhìn xa và hệ thống. Như tôi đề cập trên, VN ta rất ít nghiên cứu về lãnh hải. Nhưng chúng ta cần những chứng từ khoa học, những chứng từ này phải được đúc kết từ nghiên cứu khoa học. Do đó, Nhà nước cần chủ động đầu tư cho nghiên cứu về biển, như lập một vài nhóm nghiên cứu trong các đại học lớn để huy tụ các học giả có kinh nghiệm làm việc với nhau.
Chúng ta cũng cần phải liên kết với các đồng nghiệp ở các nước như Phi Luật Tân, Mã Lai, và Nam Dương. Bản đồ ĐLB xâm lấn lãnh hải của 3 quốc gia vừa kể, nhưng tôi nghĩ cần phải quốc tế hóa vấn đề và mời các đồng nghiệp láng giềng tham gia phản biện những lạm dụng khoa học của phía Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét