TT - Lại một vụ việc cười ra nước mắt khi ông Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Nguyễn Văn Ngọc nhận bằng “tiến sĩ” chỉ sau sáu tháng “tu nghiệp”. Cái tên Đại học Nam Thái Bình Dương vốn đã nổi như cồn khi lộ ra trường hợp ông giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Phú Thọ được cấp bằng “tiến sĩ Hoa Kỳ” cũng ở trường “quốc tế” này dù không hề biết tiếng Anh
Không thể học tiến sĩ trong 6 thángPhó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái học tiến sĩ chỉ 6 tháng
Nay với một “tiến sĩ” là lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, Đại học Nam Thái Bình Dương - vốn đã bị tòa án giải thể từ năm 2003 - sẽ ghi danh là “bà đỡ” mát tay cho giấc mộng khoa bảng của một số quan chức không học nhưng lại muốn có bằng!
Thật ra việc cảnh báo về một loạt cơ sở đào tạo không được hệ thống kiểm định giáo dục Hoa Kỳ công nhận xuất hiện tại VN và chiêu sinh ồ ạt đã không còn là chuyện mới mẻ. Viện Giáo dục Hoa Kỳ (IIE) tại VN - một tổ chức có uy tín trong hợp tác giáo dục giữa hai nước - đã nhiều lần khuyến cáo về các “xưởng đào tạo” mà thực chất là mua bán bằng cấp đang có xu hướng nở rộ.
Gần đây nhất, ngày 2-7-2010, tiến sĩ Mark A. Ashwill, nguyên giám đốc của viện, đã cập nhật tên 21 “trường ĐH” dạng này, trong đó ĐH Nam Thái Bình Dương xếp thứ 19. Đáng chú ý, trước đó bằng thạc sĩ của ông phó bí thư cũng được cấp từ một trường ĐH trong danh sách “đen” trên nhưng lại được “đóng dấu bảo đảm” là sản phẩm liên kết giữa Khoa quản trị kinh doanh Đại học Quốc gia Hà Nội với “đại học” Irvine có xuất xứ Hoa Kỳ (!).
Chỉ lướt qua website của một số cơ quan, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng thương mại..., sẽ thấy có rất nhiều cán bộ chủ chốt đang “sở hữu” những tấm bằng “sang” từ một trường quốc tế “dỏm” mà vị cựu giám đốc Viện Giáo dục Hoa Kỳ tại VN đã nêu đích danh. Cùng với hàng trăm tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ “dỏm” đều đều xuất xưởng là hàng loạt cán bộ - công chức nghiễm nhiên có thêm cơ hội thăng quan tiến chức. Và sự giả dối sẽ có thêm đất lộng hành nếu những tấm bằng dỏm kia vẫn nằm im trong ngăn tủ hồ sơ quan liêu mà không được kiểm soát bằng công luận và các cơ quan có trách nhiệm một cách thích đáng.
Bộ GD-ĐT, cơ quan “gác cửa” về lĩnh vực này, đã không hề có động thái ngăn chặn nào trước sự “xâm thực” của các “đại học dỏm”. Thậm chí, một số cơ sở đào tạo trong nước do bộ quản lý lại chính là “cầu nối” cho các trường “đại học ma” xâm nhập thông qua các chương trình liên kết. Và rồi những cơ sở giáo dục này đã hướng dẫn cho những kẻ háo danh, háo chức tìm kiếm văn bằng “dỏm”.
74 triệu đồng không phải là lớn so với nhu cầu “tự học, tự nâng cao kiến thức ngoài giờ” như vị phó bí thư phân trần. Song với rất nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh miền núi Yên Bái, số tiền đó là cả một giấc mơ. Trớ trêu là ông Ngọc đã được nhận tiền hỗ trợ cho việc đi học lấy bằng tiến sĩ “dỏm” từ ngân sách theo chủ trương... “ưu đãi nhân tài”.
Không biết bao nhiêu “nhân tài” kiểu này đã được “ưu đãi” và càng không thể biết những “nhân tài” đó đã giúp ích gì cho sự phát triển của địa phương và đất nước? Ngân sách nhà nước đã và sẽ còn phải chi bao nhiêu tiền cho tấm bằng “làm sang” của những “tiến sĩ giấy”? Các cơ quan làm công tác tổ chức liệu có bị mê hoặc bởi những tấm bằng không rõ nguồn gốc để đặt cán bộ học vị “mập mờ” ngồi “nhầm ghế”? Những câu hỏi nóng bỏng này đang cần lời giải đáp thỏa đáng từ Bộ GD-ĐT và các cơ quan có trách nhiệm trong công tác tổ chức - cán bộ.
NGỌC HÀ
Không thể học tiến sĩ trong 6 tháng
TT - Liên quan đến vụ ông Nguyễn Văn Ngọc - phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái - học lấy bằng tiến sĩ chỉ trong sáu tháng, ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) - nói: “Cá nhân tôi không tin là có thể học chương trình tiến sĩ ngắn hạn như vậy”.
Ông Nghĩa cho biết không có nước nào quy định chương trình đào tạo tiến sĩ, công nhận bằng tiến sĩ (Ph.D) với thời gian đào tạo trong sáu tháng. Trong trường hợp bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Văn Ngọc, ông Nghĩa cho rằng để xác minh không có gì phức tạp. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, “Bộ GD-ĐT chỉ tiến hành thẩm định khi có yêu cầu của cơ quan sử dụng hoặc của chính đương sự kèm theo hồ sơ về bằng cấp đó” - ông Nghĩa giải thích.
Chân dung Trường SPU
Trong khi đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Ngọc học tiến sĩ tại Trường Southern Pacific University (ĐH Nam Thái Bình Dương - SPU) là một trường ĐH trực tuyến. Trường chỉ tồn tại trên trang web www.spuni.edu với tất cả các đầu mối liên lạc (contact) bằng email hoặc qua trang web này. Theo những thông tin thể hiện trên trang web, SPU không có địa chỉ, không có campus (cơ sở trường lớp).
Thông tin trên trang web cho biết SPU được thành lập năm 1995 với danh nghĩa “một viện ĐH phi truyền thống”. Mục đích là cung cấp các chương trình học đào tạo từ xa hoặc online (qua mạng), cấp bằng từ diploma, cử nhân, thạc sĩ đến tiến sĩ. Theo quảng cáo của trường, SPU có khả năng “cung cấp các chương trình học phù hợp với đối tượng học viên đa dạng ở khắp nơi trên thế giới”.
Tuy là một trường ĐH nhưng SPU không được kiểm định chất lượng. Với những giấy phép hoạt động được công bố trên trang web này, SPU có tên đầy đủ là “Southern Pacific University Limited”, đăng ký với danh nghĩa như một công ty thương mại tư nhân tại St.Kitts & Nevis (bang Delaware, Mỹ) và Belize.
Đối với chương trình đào tạo tiến sĩ, SPU có thông báo thời gian đào tạo yêu cầu từ 2-3 năm. Người học có thể học từ bất cứ đâu sau khi đăng ký qua mạng.
Lật lại lịch sử của SPU, vào ngày 28-10-2003, “trường ĐH” này đã bị chính quyền Hawaii (Mỹ) cấm hoạt động do vi phạm pháp luật, có các hoạt động không hợp pháp. Theo các thông tin được cung cấp bởi các thành viên trên http://online.degree.net - một diễn đàn cung cấp các thông tin về chương trình đào tạo, cấp bằng online - thì SPU hiện có rất nhiều văn phòng chi nhánh nhưng đều hoạt động tại Malaysia, cung cấp bằng cấp theo hình thức “mua bán văn bằng”.
Học phí không tới 17.000 USD
Tại Việt Nam, tìm kiếm liên lạc với dịch vụ cung cấp chương trình đào tạo và văn bằng của SPU cũng rất dễ dàng. Trên mạng có thể tìm ra hàng chục mẩu tin quảng cáo trên các trang web... rao vặt với nội dung: “Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, học tại chỗ, nhận bằng tốt nghiệp được kiểm định quốc tế. Phương thức tuyển sinh: Xét tuyển hồ sơ...”. Học viên có nhu cầu chỉ cần liên hệ vào một email cá nhân thông thường hoặc các số điện thoại...
Dịch vụ cũng cung cấp cả “giảng viên hỗ trợ học tập, hướng dẫn khoa học tại Việt Nam: GS, PGS, TS Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt”. Mức học phí, phí hướng dẫn trọn vẹn khóa đào tạo đối với bằng thạc sĩ gồm 50 USD lệ phí hồ sơ, 6.000 USD học phí nộp chia đều hai lần trong thời gian đào tạo tối thiểu. Đối với bằng tiến sĩ có mắc hơn một chút gồm 50 USD lệ phí hồ sơ, 10.000 USD học phí nộp chia đều ba lần tính trên thời gian đào tạo tối thiểu. Mức học phí dịch vụ này rẻ hơn nhiều so với 17.000 USD của ông Nguyễn Văn Ngọc.
Đáng chú ý, trước đó ông Ngọc được cấp bằng thạc sĩ cũng từ một trường ĐH trong danh sách “đen” nhưng lại được “đóng dấu bảo đảm” là sản phẩm liên kết giữa khoa quản trị kinh doanh ĐH Quốc gia Hà Nội với “đại học” Irvine, có xuất xứ Hoa Kỳ. Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ, khóa học thạc sĩ này kéo dài 12 tháng, chỉ học vào thứ bảy và chủ nhật với mức học phí hơn 8.000 USD.
Học viên được khuyến cáo bỏ thêm ngần ấy tiền nữa để đi “thực tế” Hoa Kỳ hai tuần, nhưng nếu không đi thì... vẫn cấp bằng bình thường. Chỉ lướt qua website của một số cơ quan, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, các ngân hàng thương mại... đã thấy có cán bộ đang “sở hữu” những tấm bằng “sang” từ một trường quốc tế “dỏm”.
Bằng tiến sĩ của ông Ngọc có chữ ký ngoại trưởng Hoa Kỳ?
Theo thông tin riêng của Tuổi Trẻ, tại lớp học lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh MBA dạng “hợp tác quốc tế” với ĐH Irvine của ĐH Quốc gia mà ông Ngọc theo học vào năm 2007, một số học viên đã từng được một người tự xưng là giám đốc Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế - tài chính (trụ sở tại phố Kim Đồng, Giáp Bát, Hà Nội) liên hệ để giới thiệu về khóa đào tạo “lên” tiến sĩ tại SPU, lấy bằng nước ngoài với các yêu cầu rất “nhẹ nhàng”.
Chiều 26-7, ông Nguyễn Thanh Nam - giám đốc Viện Nghiên cứu đào tạo kinh tế - tài chính - không thừa nhận mình “dẫn đường đi” cho những vị tiến sĩ theo học Trường SPU, nhưng lại khẳng định chắc chắn về tính pháp lý của những tấm bằng này: “Chuyện SPU bị đóng cửa từ năm 2003 mới chỉ là đóng ở... bộ phận của bang, chứ chỗ khác vẫn hoạt động bình thường”.
Ông Nam còn “bật mí”: “Bằng của ông Ngọc tôi đã có dịp xem qua, bảo đảm do ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó là bà Condoleezza Rice ký, kèm theo đó là chữ ký của cả... tòa án New York, thống đốc bang New York. Còn bằng tiến sĩ của ông giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Phú Thọ mà gần đây dư luận xôn xao còn có cả chữ ký của cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton”.
-------------------------------------------
Phó bí thư Tỉnh ủy Yên Bái học tiến sĩ chỉ 6 tháng
TT - Trước thông tin về việc ông Nguyễn Văn Ngọc, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Yên Bái, có bằng tiến sĩ ở Malaysia chỉ sau sáu tháng được Tỉnh ủy cử đi học, ngày 25-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Thương Lượng - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - nói: “Bằng này Bộ GD-ĐT của nước ta không công nhận sử dụng”.
Ông Lượng còn khẳng định tỉnh hoàn toàn không biết gì về chất lượng cũng như pháp nhân trường mà ông Nguyễn Văn Ngọc theo học, tất cả chỉ do ông Ngọc báo cáo với tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - chánh văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái, từ năm 2006 cán bộ đi học thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước theo tinh thần của nghị quyết thu hút nhân tài của tỉnh sẽ được hỗ trợ kinh phí học tập và bảo vệ luận văn, luận án.
Căn cứ vào chính sách này, năm 2008 ông Nguyễn Văn Ngọc đã đề xuất được đi học và ngày 2-10-2008 Tỉnh ủy Yên Bái có quyết định số 878 cử ông Ngọc theo học khóa đào tạo tiến sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Nam Thái Bình Dương (quyết định không ghi rõ trường ở đâu). Theo đó, ông Ngọc sẽ học tại trường này và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Malaysia.
Trong khi chương trình đào tạo tiến sĩ tại VN cũng như các nước trên thế giới phải kéo dài trên hai năm thì ông Ngọc chỉ cần sáu tháng đã lấy được bằng tiến sĩ.
Cụ thể, tháng 3-2009 ông Ngọc báo cáo hoàn thành khóa học và đề nghị tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí học tập. Điều này được thể hiện tại văn bản số 951 ngày 23-3-2009 của Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái gửi Sở Tài chính đề nghị vận dụng chính sách hỗ trợ cho ông Nguyễn Văn Ngọc.
Công văn nêu rõ: “Toàn bộ kinh phí chương trình đào tạo MBA của Trường đại học Nam Thái Bình Dương mà đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy - theo học là 17.000 USD. Đến nay, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc đã hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ của Trường đại học Nam Thái Bình Dương và được nhận bằng tiến sĩ”.
Kèm theo đó là một thông báo bằng tiếng Anh của Trường đại học Nam Thái Bình Dương (văn bản ghi tên trường là Southern Pacific University) ban hành ngày 9-4-2008 về việc khóa đào tạo MBA có chi phí 17.000 USD. Đáng chú ý, trong thông báo này không có một chữ nào nhắc tới ông Nguyễn Văn Ngọc mà chỉ là một tờ thông báo đơn thuần về chương trình đào tạo của nhà trường.
Mặc dù vậy, ngày 31-12-2009, UBND tỉnh Yên Bái có quyết định 2104/QĐ-UBND hỗ trợ 74 triệu đồng cho ông Ngọc. Khoản tiền này gồm 50 triệu đồng theo chính sách thu hút tiến sĩ và 24 triệu vận dụng chính sách khuyến khích đào tạo đối với cán bộ đi học tiến sĩ mỗi tháng 1 triệu đồng. Tổng cộng 24 tháng là 24 triệu đồng.
Tuy nhiên, như trên đã nói, chỉ trong sáu tháng kể từ khi có quyết định cử đi học, ông Ngọc đã hoàn thành khóa học và có bằng tiến sĩ thì không hiểu 24 tháng học này được xác định như thế nào.
Ông Phạm Văn Cường, trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy, cho biết đến nay ông Ngọc vẫn chưa nộp cho các cơ quan chức năng của tỉnh bản sao bằng tiến sĩ cũng như chưa xuất trình bằng cấp chính thức.
Theo tìm hiểu của Tuổi trẻ, Trường đại học Nam Thái Bình Dương mà ông Nguyễn Văn Ngọc theo học có tên là Southern Pacific University đã bị Tòa án Hawaii (Hoa Kỳ) ra phán quyết giải thể từ ngày 28-10-2003. Bằng cấp của trường này cũng không được Hoa Kỳ công nhận.
M.QUANG - N.HÀ
Ông Nguyễn Văn Ngọc:
“Tôi hoàn toàn tự túc kinh phí”
Chiều 25-7, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Ngọc khẳng định đã nhận bằng tiến sĩ nhưng chưa nộp bằng cho tỉnh. Ông Ngọc cũng cho biết ông không bảo vệ luận án tiến sĩ tại Malaysia mà bảo vệ tại VN và cho hay ĐH Nam Thái Bình Dương là trường liên kết quốc tế.
Ông Ngọc nói: “Tôi học từ năm 2007-2009, việc đi học của tôi là nhu cầu cá nhân, hoàn toàn tự nguyện, học ngoài giờ, học để nâng cao kiến thức phục vụ công việc chứ không có một yêu cầu đặc biệt nào cả. Tôi hoàn toàn tự túc về kinh phí cho việc đi học này”. Về khoản tiền hỗ trợ 74 triệu đồng của tỉnh, ông Ngọc nói: “Tôi chưa nhận được khoản tiền đó, có thể do văn phòng làm nhưng tôi chưa được nhận”.
M.Q.
NGỌC HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét