Một bài viết của vị tướng lĩnh quân đội Trung Quốc mới đây đang gây xôn xao dư luận. Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu để bạn đọc cùng tham khảo, thảo luận.
Khi các tướng lĩnh ngang hàng đang lo vung đao kiếm để chống lại việc tàu khu trục Mỹ có mặt ở biển Hoàng Hải và Biển Đông, tướng Liu Yazhou nói rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc phụ thuộc vào việc tuân theo thể chế quản trị của Mỹ hơn là thách thức vai trò thống trị của Mỹ tại vùng ven biển phía Đông của Trung Quốc.
Hệ thống của Mỹ được đánh giá là được thiết kế bởi những thiên tài và dành cho những người ngu ngốc cũng có thể vận hành. » Tướng Liu Yazhou “Nếu một hệ thống thất bại trong việc để cho người dân của mình được hít thở trong bầu không khí tự do và phát huy sức sáng tạo ở mức cao nhất, và thất bại trong việc đưa những người tốt nhất đại diện cho hệ thống và người dân của mình vào vị trí lãnh đạo, thì hệ thống ấy sẽ đi đến diệt vong”, tướng Liu Yazhou viết trên tạp chí Phoenix của Hong Kong, một tạp chí được phổ biến rộng rãi tại Trung Quốc.
Bài viết của tướng Liu gợi ra một thực tế là cuộc đấu tranh chính trị và ý thức hệ của Trung Quốc có vẻ sôi nổi hơn là mọi người thường nghĩ, trước thời điểm có sự chuyển giao lãnh đạo của Quân ủy Trung ương quân đội Trung Quốc và Bộ Chính trị của Trung Quốc vào năm 2012.
“Bí quyết thành công của Mỹ không nằm ở phố Wall hay thung lũng Silicon mà nằm ở hệ thống luật pháp tồn tại lâu đời và cả hệ thống nằm sau nó”, ông Liu viết. “Hệ thống của Mỹ được đánh giá là được thiết kế bởi những thiên tài và dành cho những người ngu ngốc cũng có thể vận hành”. “Một hệ thống tồi khiến cho một người tốt cũng hành xử tồi trong khi một hệ thống tốt sẽ khiến ngay cả một người tồi có thể hành xử rất tốt. Dân chủ là điều cấp thiết nhất, mà không có nó, sẽ không có sự trỗi dậy bền vững”.
Tướng Liu mới được thăng chức từ vị trí Phó Chính ủy của lực lượng không quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc lên vị trí Chính ủy của Học viện Quốc phòng Trung Quốc. Cha của ông là quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc, bố vợ ông là Li Xiannian, một trong 8 nhân vật bất tử của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc và cựu Chủ tịch nước Trung Quốc. Trong khi một số “ông vua con” của Trung Quốc tận dụng danh tiếng của họ để tích lũy tiền của và quyền lực, tướng Liu tận dụng dòng dõi của mình như một khiên chắn bảo vệ cho quan điểm mang tính cải cách và đi ngược trào lưu chung của mình. Tuy nhiên, những bài viết mới nhất của tướng Liu bất thường theo bất cứ chuẩn mực nào.
Bài viết của ông kêu gọi Trung Quốc thay đổi trọng tâm chiến lược của mình từ khu vực ven biển phát biển bao gồm Hong Kong và Đài Loan, “vành đai nhân dân tệ” sang khu vực Trung Á giàu tài nguyên. Nhưng ông cũng cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu chiến lược bằng việc chỉ dựa vào sự giàu có của mình. “Một quốc gia nếu chỉ chăm chăm nhìn vào sức mạnh đồng tiền của mình thì đó chỉ là một quốc gia tụt hậu và ngu dốt”. “Điều chúng ta có thể đặt lòng tin vào là sức mạnh của sự thật”. “Sự thật là tri thức và tri thức là sức mạnh”. Nhưng sức mạnh quốc gia như vậy chỉ có thể có được với sự chuyển đổi về chính trị. “Trong 10 năm tới, một sự chuyển đổi từ chính trị vũ lực / chính trị cường quyền sang dân chủ là điều không thể tránh khỏi”, ông nói.
Trái ngược với quan điểm truyền thống về bài học mà các chính trị gia Trung Quốc đã thu nhận từ sự sụp đổ của Liên Xô rằng đó là kết quả của cải cách chính trị quá mức, tướng Liu cho rằng, cải cách chính trị tiến hành quá muộn chính là nguyên nhân của sự sụp đổ của hệ thống Xô Viết.
Tướng Liu đã nổi danh là thẳng tính cho tới khi ông ngừng việc xuất bản các bài viết của mình khoảng 5 năm trước. Người ta vẫn không hiểu lí do tại sao ông đưa ra bài viết mới đây và liệu ông có trở lại tham gia vào hệ thống. Năm ngoái, tạp chí Open của Hongkong đã xuất bản bài phát biểu nội bộ của tướng Liu trong một báo cáo bị rò rỉ. Trong bài phát biểu này đó, ông nêu vấn đề cấm kị ở Trung Quốc liên quan đến vụ Thiên An Môn năm 1989. Trong bài viết đăng trên tạp chí Phoenix, tướng Liu đã nhắc lại chủ đề Thiên An Môn rằng “cuộc bạo động toàn quốc này” xuất phát từ sự xung khắc của cấu trúc quyền lực truyền thống trong quá trình cải cách.
Anh Phương lược dịch từ The Sydney Morning Herald.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét