Tại sao trong khuôn khổ các ĐH Đảng cơ sở hầu như thiếu vắng những ý kiến có thể tạo ra tranh luận? Có thật các Đảng viên đã thật sự đưa ra chính kiến của mình không? Đó là những tâm tư của Phát ngôn và hành động tuần này.
Gần với sự hoàn hảo...
Việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng bắt đầu từ ngày 15/9 và sẽ kết thúc vào 31/10/2010. 45 ngày để tập hợp tâm huyết, trăn trở của toàn Đảng (trên 3 triệu đảng viên), toàn dân (trên 80 triệu người dân) cho những văn kiện đã được chuẩn bị bởi Ban chấp hành trung ương (với 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết).
Một "kênh" lấy ý kiến vô cùng quan trọng, hứa hẹn sẽ tập hợp đầy đủ ý kiến đóng góp của tất cả các đảng viên, chính là ĐH Đảng các cấp, từ cấp cơ sở đến cấp quận/huyện, giờ là thời gian của các đại hội cấp tỉnh/thành. Đại hội cấp nào cũng có bảng tổng hợp ý kiến góp ý được chuẩn bị rất công phu, rồi đại hội cấp nào cũng dành thời gian đáng kể để các đại biểu thảo luận trực tiếp tại hội trường. Nghĩa là, nếu một đảng viên thật sự nhiều tâm huyết, thật sư ưu tú (để được ĐH Đảng cấp cơ sở chọn đi dự ĐH cấp quận/huyện, rồi tiếp tục được ĐH đảng cấp quận/huyện bầu đi dự ĐH cấp tỉnh/thành), người đảng viên ấy đến giờ đã có tới 3 cơ hội được cùng những người đồng chí của mình "mài giũa" để có những ý kiến đóng góp của mình lần sau xác đáng hơn lần trước. Logic mà xét thì chính các đảng viên phải là người trăn trở nhiều nhất với các văn kiện của Đảng, và ĐH Đảng chính là cơ hội tốt nhất để họ thể hiện chính kiến của mình.
Thế nhưng, người viết bài này hình như chưa đủ may mắn, nên chưa một lần được chứng kiến ý kiến đóng góp thật sự "đột phá" tại ĐH Đảng cấp quận/huyện hay tỉnh/thành. Các báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý đều khẳng định "hầu hết ý kiến tham gia đều nhất trí cao với dự thảo văn kiện", rồi "dự thảo có cơ sở khoa học, phản ánh những vấn đề cơ bản và cụ thể từ thực tiễn, có định hướng chiến lược...". Nội dung góp ý cũng chủ yếu tập trung vào việc thêm, bớt những câu, chữ cụ thể, dù đó có là câu chữ quan trọng như việc bổ sung thêm "nạn tham nhũng" và "đặc biệt là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền".
Không trách mà Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khi nhận xét một ý kiến đóng góp phải than rằng: "hoan nghênh Đà Nẵng, rồi kêu gọi giúp đỡ thì cũng được thôi, nhưng chưa thấy làm sao để tạo được đột phá".
Đại hội Đảng X, Ảnh website Đại học sư phạm HN |
Nếu quan sát những gì diễn ra tại các ĐH các cấp, điều hiển nhiên phải nhận thấy là các văn kiện đã rất tốt rồi, chỉ sửa một số từ ngữ thôi là hoàn hảo. Tiếc là người viết bài này không có may mắn được xem tất cả các báo cáo tổng hợp ý kiến, để xem những đề nghị thêm, bớt kia có nhiều điểm tương đồng giữa các ĐH Đảng các cấp không? Không khéo ĐH này vừa đề nghị thêm, ĐH khác lại yêu cầu bớt, thì không biết những người soạn thảo văn kiện sẽ phải tiếp thu ý kiến theo kiểu gì? Báo cáo nào cũng khẳng định hầu hết đã nhất trí cao, nghĩa là theo nguyên tắc tập trung dân chủ thì nếu những người soạn thảo không tiếp thu ý kiến cũng không sao, vì ý kiến chỉ là thiểu số thôi, thiểu số phải phục tùng đa số là đúng nguyên tắc rồi.
...hay sự "phó mặc" của đảng viên?
Lạ thay, qua những kênh đóng góp ý kiến ngoài các ĐH Đảng các cấp, các ý kiến đóng góp lại mạnh mẽ hơn rất nhiều. Đã có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị được tổ chức rộng khắp từ 15/9 đến giờ để lấy ý kiến của nhiều đối tượng, như Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), rồi Thành đoàn TP Hà Nội đã phối hợp với Báo Hà Nội mới tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp thanh niên Thủ đô...
Chẳng hạn, với buổi góp ý kiến do VUSTA tổ chức, chỉ đọc qua tường thuật của báo chí, đã dễ dàng bắt gặp những ý kiến rất quyết liệt, kiểu như "toàn bộ văn kiện lần này không có hơi thở thời đại nên không gắn với thời đại", rồi "Năm 2001, văn kiện đề ra ba đột phá, đến Đại hội X, ba đột phá trên tiếp tục được nhắc lại, nhưng bây giờ, sau 10 năm ta lại tiếp tục lặp lại ba đột phá mà không hề có thêm chút tiến bộ nào" (ý kiến của Thiếu tướng Lê Văn Cương), hay nói như GS Hoàng Tụy, "Cương lĩnh không thể hiện tinh thần đổi mới, vẫn toát lên như tinh thần cũ, không có gì thay đổi, khước từ những hướng mở để phát triển đất nước".
ĐH Đảng bộ thành phố thì khẳng định "dự thảo có cơ sở khoa học, phản ánh những vấn đề cơ bản và cụ thể từ thực tiễn, có định hướng chiến lược...", trong khi các chuyên gia độc lập lại bảo "toàn bộ văn kiện lần này không có hơi thở thời đại nên không gắn với thời đại"? ĐH Đảng bộ các cấp chỉ đề nghị thêm câu, bỏ từ, còn bên ngoài các ĐH Đảng bộ lại là những ý kiến đụng chạm đến những vấn đề cốt tử như dứt khoát từ bỏ mô hình quản lý kiểu Xô viết, chuyển đổi chiến lược phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng cường dân chủ trong Đảng và trong xã hội...
Vì sao lại có sự khác biệt kỳ lạ này? Những người đóng góp ý kiến độc lập, mạnh mẽ, không ngại "xưng danh" trên các diễn đàn chính thống kia, họ cũng là những đảng viên đấy chứ? Vậy họ khác gì với những đảng viên "ưu tú" đã được chọn lọc để đến dự ĐH Đảng các cấp không? Tại sao trong khuôn khổ các ĐH Đảng lại chỉ là những ý kiến đồng thuận, hoàn toàn thiếu vắng những ý kiến có thể tạo ra tranh luận? Có thật các Đảng viên đã thật sự đưa ra chính kiến của mình không? Hay đã thành thông lệ, các đảng viên chỉ "nói thật" trong các không gian "trà dư tửu hậu", hay khi họ đã về hưu, không còn bị "ảnh hưởng" quyền lợi khi phát biểu chính kiến? Những ý kiến đóng góp độc lập kia, dù có mạnh mẽ và thẳng thắn đến đâu, cũng rất dễ trở thành "thiểu số", nếu như các Đảng viên không thật sự phát huy quyền làm chủ của mình. Hơn 80 triệu người dân Việt Nam, không lẽ lại "phó mặc" cho chưa đến 200 người của Ban chấp hành trung ương, chưa kể chính các ủy viên ấy cũng rất có thể là cũng là những người ngại đụng chạm, nên sẽ "phó mặc" cho Bộ Chính trị!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét