TT - Hôm 6-10, nhà chức trách Hungary đã mô tả vụ tràn bùn đỏ tại thị trấn Ajka, cách thủ đô Budapest 160km về phía tây nam, là một “thảm họa sinh thái”, gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, có nguy cơ làm ô nhiễm cả dòng Danube xanh của châu Âu!
Các thành viên Tổ chức Hòa bình xanh lấy mẫu bùn đỏ ở Ajka để xét nghiệm - Ảnh: Reuters
Quốc vụ khanh phụ trách môi trường Zoltan Illes cho biết tính đến ngày 6-10, tổng cộng 1,1 triệu m3 bùn đỏ từ bể chứa chất thải của Nhà máy sản xuất nhôm Ajka Timfoldgyar ở thị trấn Ajka đã tràn ra một khu vực rộng tới 40km2.
Dòng bùn đỏ cuốn trôi hơn 270 căn nhà, xe cộ, phá hủy một số cây cầu. Ít nhất bốn người đã thiệt mạng, sáu người mất tích và 123 người bị thương, phần lớn bị bỏng do hóa chất trong bùn đỏ thấm qua quần áo. Trong số 123 người bị thương, 62 người đã được nhập viện, tám người đang trong tình trạng nguy kịch.
Các vết thương ngoài da do bỏng hóa chất có thể gây chết người, bởi hóa chất thấm từ từ vào xương thịt trong vòng vài ngày.
Tồi tệ nhất
Theo chính quyền Hungary, đây là tai nạn hóa chất thảm khốc nhất trong lịch sử nước này. Bùn đỏ là chất thải của quá trình tinh luyện bôxit thành nhôm, chứa nhiều kim loại nặng, nếu nuốt phải sẽ gây chết người. Cứ sản xuất được 1 tấn nhôm thì tạo ra gần 3 tấn bùn đỏ. Theo Ban quản lý thảm họa quốc gia Hungary, bùn đỏ là loại chất thải cực kỳ nguy hiểm đối với môi trường và sức khỏe con người.
Mới đây, chính quyền Hungary đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại ba huyện bị bùn đỏ tấn công. Toàn bộ thị trấn Kolontar, khu vực rất gần Nhà máy Ajka Timfoldgyar, đã biến thành một màu đỏ chết người.
“Tôi đang ở trong bếp thì nhìn thấy con sóng màu đỏ cao gần 4m ập tới - bà Erzsebet Veingartner, một người dân Kolotar, kinh hoàng kể lại - Nó đã cuốn đi tất cả gà vịt, vườn khoai tây của tôi, cả kho đồ nghề của người chồng quá cố trong hầm nhà”. Đến hôm qua, nhiều căn nhà ở Kolontar vẫn ngập trong bùn đỏ cao tới 1,8m. Ở làng Devecser gần đó, các đội cứu hộ phải đập vỡ tường nhiều ngôi nhà để bùn đỏ tràn ra ngoài.
Ông Robert Kis, dân làng Devecser, cho biết chú của ông đã được đưa lên trực thăng đến bệnh viện ở Budapest bởi hóa chất “đã ngấm vào tận xương”. Với sự hỗ trợ của máy ủi, hàng ngàn lính cứu hỏa và binh sĩ Hungary đeo mặt nạ phòng độc, mặc quần áo và đi giày bảo hộ đã dùng vòi rồng tẩy bùn đỏ khắp các khu vực bị ảnh hưởng.
Đại diện Công ty sản xuất và buôn bán nhôm Hungary (MAL), công ty sở hữu Nhà máy Ajka Timfoldgyar, tuyên bố bùn đỏ “không phải là hóa chất nguy hiểm”. Bộ trưởng Nội vụ Hungary Sandor Pinter đã lập tức lên tiếng bác bỏ: “Họ cứ thử bơi trong con sông bùn đỏ đó cho biết”.
Chuyên gia môi trường Hungary Gergely Simon cũng cho biết bể chất thải của Nhà máy Ajka Timfoldgyar đã chứa bùn đỏ trong nhiều thập niên, và loại bùn này đầy chất kiềm với độ pH lên đến 13, tương đương dung dịch kiềm. Đó là lý do dẫn đến các vết bỏng. Theo Đơn vị thảm họa quốc gia Hungary, bùn đỏ chứa nhiều kim loại nặng nguy hiểm như chì và có tính phóng xạ nhẹ. Người hít phải bụi bùn đỏ có thể bị ung thư phổi.
Cứu dòng sông châu Âu
Các đội cứu hộ Hungary đang đổ khoảng 1.000 tấn vữa, thạch cao xuống sông Marcal để làm một con đê chặn dòng bùn đỏ chảy vào sông Danube cách đó 72km và sông Raab, một nhánh của sông Danube.
Khởi nguồn từ rừng Đen ở Đức, sông Danube dài 2.856km chảy qua mười nước châu Âu, là một trong những con sông lớn và quan trọng nhất châu lục. Quốc vụ khanh Illes mô tả các đội cứu hộ đang “nỗ lực một cách tuyệt vọng” để ngăn chặn dòng bùn đỏ lan rộng. Ông Illes nhận định Hungary sẽ phải mất ít nhất một năm, hàng chục triệu USD và sự hỗ trợ tài chính - kỹ thuật của Liên minh châu Âu mới có thể dọn sạch được bùn đỏ.
Các chuyên gia môi trường cho biết nhà chức trách sẽ phải đào và bỏ đi một lớp đất dày 2cm trên toàn bộ khu vực 40km2 bị bùn đỏ tràn qua để ngăn chặn sự nhiễm độc. Theo chuyên gia Tổ chức Hòa bình xanh Katerina Ventusova, thảm họa này lớn gấp bảy lần vụ rò rỉ chất cyanide ở Baia Mare, Romania khiến sông Tisza và sông Danube bị ô nhiễm 10 năm trước đây.
Cuộc điều tra chính thức đã được bắt đầu để tìm nguyên nhân thảm họa. Còn trước mắt, chính quyền Hunary đã ra lệnh tạm thời đóng cửa Nhà máy Ajka Timfoldgyar, thu giữ nhiều tài liệu ở nhà máy và xây một con đập quanh bể chứa chất thải bị vỡ.
Theo đại diện Nhà máy Ajka Timfoldgyar, mưa lớn trong nhiều tuần lễ có thể là một phần nguyên nhân dẫn đến việc bể chứa chất thải nhà máy bị vỡ. Tuy nhiên, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng tai nạn này có thể do con người. Hai tuần trước vụ thảm họa, một phái đoàn chính phủ đã đến thanh tra nhà máy và bể chứa chất thải nhưng không phát hiện dấu hiệu bất thường nào.
Trong khi đó, Tổ chức Hòa bình xanh đã lên tiếng kêu gọi trừng phạt các quan chức Công ty MAL và tiết lộ các bức ảnh chụp từ vệ tinh một ngày trước thảm họa cho thấy có nhiều vết nứt ở các bức tường bể chứa chất thải tại Nhà máy Ajka Timfoldgyar.
HIẾU TRUNG (Theo AFP, Reuters, BBC)
6/10/10
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét