Đại lễ 1,000 năm Thăng Long đã chấm dứt, bên những đống rác khổng lồ, những bồn hoa tả tơi bát nháo vì bị người dân dẫm đạp, chúng ta thấy những điều gì?
Cũng là rác cả thôi. Đó có thể là rác trong đầu các lãnh tụ đảng hay cũng có thể nói chính các lãnh tụ này cũng là một thứ rác rưởi của dân tộc.
Thứ nhất là tội phung phí tiền bạc trong khi đất nước thiếu tiền
Hiện tại đất nước đang ngập đầu trong nợ. Theo tạp chí Economist thì tính tới ngày 12.10.2010 số nợ của Việt Nam là 50,716,438.356 Mỹ kim, tính tròn là 50.7 tỷ Mỹ kim, chiếm 51.7% GDP.
Nghĩa là nếu một năm Việt Nam làm ra 100 tỷ Mỹ kim thì số nợ đang chờ tính sổ là 51.7 tỷ. Với dân số 87,6 triệu, mỗi người Việt Nam gánh 578.65 Mỹ kim nợ công.
Tình trạng như thế thì nếu tiêu tiền, phải tiêu pha sao cho đúng nơi đúng lúc. Cách tiêu tiều của giới lãnh đạo cộng sản làm người ta nhớ đến Từ Hy Thái Hậu.
Từ Hy Thái Thậu bị dân tộc Trung Hoa nguyền rủa như là kẻ đã làm mất nước, để cho Trung Quốc bị thua trong Chiến tranh Nha Phiến và sau đó bị liệt cường giày xéo. Tội của bà rất nhiều, ở đây chỉ nói chuyện phung phí tiền bạc.
Năm 1888 Từ Hy đã lấy 500 vạn lạng bạc là tiền quỹ dành cho việc xây dựng hải quân để dùng vào mục đích giải trí. Tiền này bà sử dụng vào việc trùng tu Thanh Ý viên lại thành một công viên tráng lệ, đổi tên thành Di Hòa viên (khu vườn di dưỡng tinh thần).
Theo bản tin của BBC ngày 2.10.2010 thì việc chuẩn bị “Đại lễ Thăng Long” này được chuẩn bị từ 8 năm qua với tổng kinh phí chuẩn bị và tiến hành đại lễ tốn đến gần 100 ngàn tỷ đồng, tức là gần 5 tỷ Mỹ kim.
Theo Sách Trắng Quốc phòng được công bố lần đầu tiên năm 2009 thì ngân sách quốc phòng năm qua là 27.5 ngàn tỷ đồng, tức hơn hơn một phần tư chi phí dành cho đại lễ nói trên.
Trong khi đó thì tàu đánh cá Việt Nam liên tiếp bị tàu Trung Quốc đâm chìm, ngư dân Việt Nam liên tiếp bị bắt cóc đòi chuộc tiền trước sự bất lực của hải quân Việt Nam.
Tại sao không dành số tiền ấy vào việc tăng cường hải quân?
Dưới biển đã vậy, trên trời còn tệ hơn. Ngày 9.6.2009 một chiến đấu cơ Su-22M4 của Việt Nam bị rơi trong lúc thao diễn trên bầu trời Thanh Hoá, sau đó ông Phùng Quang Thanh -- Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng – trả lời báo chí, cho biết máy bay trên “đã hết hạn sử dụng khá lâu nhưng được tăng hạn sử dụng để phục vụ cho huấn luyện và bảo đảm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.”
Cụ thể, ông Thanh cho biết chiếc máy bay trên đã được đưa vào từ năm 1989 và theo quy định sau 10 năm phải cho nghỉ hưu, tức hết hạn sử dụng từ năm 1999. Tuy nhiên ông cho biết Bộ quốc phòng đã “nhiều lần tiến hành đại tu tăng hạn sử dụng.”
Sử dụng máy bay “quá đát” tới 10 năm để “huấn luyện và bảo đảm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc” trong khi phung phí 5 tỷ Mỹ kim vào việc vui chơi!
Tại sao không sử dụng tiền này để mua máy bay?
Số tiền này bằng 5 phần trăm tổng sản lượng quốc gia (GDP) và trong khi bao nhiêu dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở còn nằm chờ ngân sách, tại sao có thể phung phí tiền cho những màn pháo hoa?
Ở miền núi học sinh đi học bằng bè, bằng dây cáp. Tại thành phố thì phụ huynh phải sắp hàng từ nửa đêm để xin ghi danh cho con đi học vì tình trạng “cầu vượt cung”: không đủ trường cho học sinh. Trên báo chí thì đến muà thi là nhan nhãn tin tức kêu xin lòng thương hại: học sinh A, B,C học giỏi, đỗ đại học nhưng gia cảnh khó khăn, yêu cầu bạn đọc tỏ lòng hảo tâm.
Tại sao không dùng tiền trên xây cầu, dây đường, xây trường và lập qũy học bổng?
Thứ hai là mỵ dân, muốn dân tộc Việt Nam ngu si làm còn ếch ngồi dưới đáy giếng.
Các cơ quan tuyên truyền không ngớt ca ngợi đại lễ như là “Lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất trong lịch sử”.
Báo điện tử VnExpress ngày 11.10.2010 đăng bản tin “Những sự kiện đáng nhớ trong 10 ngày đại lễ” viết về “Lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất trong lịch sử” như sau:
- “Đại bác, máy bay trực thăng và những hàng quân diễu binh thẳng tắp đã tạo nên không khí hào hùng tại quảng trường Ba Đình sáng 10/10. Cuộc diễu binh, diễu hành lớn nhất lịch sự Việt Nam có sự tham gia của hơn 30.000 người thuộc khối quân đội, công an, đoàn thể, quần chúng.”
Và chương trình “Biểu diễn nghệ thuật với màn pháo hoa ấn tượng” như sau:
- “Màn biểu diễn văn hóa nghệ thuật của 8.000 nghệ sĩ, diễn viên kết hợp với ánh sáng lazer, với lửa, cùng màn hình lead khổng lồ đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người xem tối 10/10. Đêm hội đã tái hiện chiều dài lịch sử suốt 1000 năm của Thăng Long - Hà Nội, giúp người dân hình dung một quá khứ hào hùng của dân tộc.”
Hiện tại dân số Việt Nam là trên 86 triệu người. Hiện tại những phương tiện như xe cộ, máy bay là chuyện thường tình, do đó nếu lễ diễn binh ngày nay có lớn hơn lễ diễn binh của thời Lê Lợi hay Quang Trung là chuyện bình thường.
Đây có thể là cái nhìn của con ếch ngồi đáy giếng hay một trò mỵ dân rẻ tiền khi hướng người dân theo cái nhìn lịch đại.
Ngày nay dân Việt Nam ăn no và mặc lành hơn thời “bao cấp”. Hôm nay dân Việt Nam có nhiều xe đạp và xe máy hơn thời… Tự Đức. Hôm nay Việt Nam có nhiều trường đại học và sinh viên hơn trước.
Thế nhưng vấn đề là so sánh chênh lệch giữa Việt Nam và các nuớc láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan trước kia và hôm nay.
Trước kia sinh viên Thái Lan đến Sài Gòn du học. Ngày nay ngược lại sinh viên Việt Nam đến Thái Lan du học: dù nhiều đại học hơn, Việt Nam đã bị tụt hậu về giáo dục.
Nhưng ngay cả tính về người, chưa chắc lễ duyệt binh tại Hà Nội ngày 10.10 là lớn nhất trong lịch sử.
Các sử liệu phổ thông chép:
- “Ngày 29 tháng 11 năm Mậu Thân (26 tháng 12 năm 1788), đại quân của hoàng đế Quang Trung tới Nghệ An, dừng quân tại đó hơn 10 ngày để tuyển quân và củng cố lực lượng, nâng quân số lên tới 10 vạn, tổ chức thành 5 đạo quân: tiền, hậu, tả, hữu và trung quân, ngoài ra còn có một đội tượng binh gồm 200 voi chiến. Quang Trung còn tổ chức lễ duyệt binh ngay tại Nghệ An để khích lệ tinh thần và ý chí quyết chiến, quyết thắng của tướng sĩ đối với quân xâm lược Mãn Thanh. Ngay sau lễ duyệt binh, Quang Trung tiến quân ra Bắc Hà.”
So sánh về người thì 10 vạn của Quang Trung phải lớn hơn “30.000 người thuộc khối quân đội, công an, đoàn thể, quần chúng” của ĐCSVN.
Nhưng quan trọng là nội dung, là tinh thần và bản chất của cuộc duyệt binh.
Các sử liệu phổ thông ghi tiếp về Quang Trung:
- “Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15 tháng 1 năm 1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp. Sau khi xem xét tình hình, Quang Trung hẹn ba quân ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân Thanh, vào ăn Tết ở Thăng Long.”
Lời hẹn ấy đã thành sự thật và cuộc duyệt binh có tác dụng lên tinh thần ba quân trước khi đánh đuổi giặc Thanh ra khỏi đất nước, giữ vững chủ quyền quốc gia.
Còn “đại lễ” tiêu tốn 5 tỷ Mỹ kim không hề tiến hành để giữ chủ quyền quốc gia.
Nó chỉ cử hành để “mừng thọ” thành phố Hà Nội được 1,000 tuổi!
Nó được cử hành đúng ngày quốc khánh của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.
Nó đầu tư rất nhiều tiền bạc để có những đoàn quân giống hệt quân đội Trung Hoa.
Nó đầu tư nhiều tiền bạc vào các tác phẩm điện ảnh mừng đại lễ nhưng tự kiểm duyệt, không dám đá động đến Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, vì những danh tướng này đã đánh bại các đoàn quân hùng mạnh của Trung Hoa.
Tổ chức lễ duyệt binh “lớn nhất trong lịch sử” nhưng lại khiếp nhược, không dám làm phật ý Trung Hoa.
Như thế nếu gọi là nhất, đây chỉ có thể là “đại lễ” hay cuộc duyệt binh nhục nhã nhất trong lịch sử Việt Nam.
Thứ ba là những nhà lãnh đạo hoàn toàn ngu dốt, không biết gì về lịch sử dân tộc.
Nếu gỡ cho họ cái tội dốt thì phải khép giới lãnh đạo này vào tội khinh nhờn tổ tiên.
Đại lễ mang tên “Một ngàn năm Thăng Long” và do đó phải vinh danh nhà Lý. Thế nhưng giới lãnh đạo lại dành nhiều tài nguyên để vinh danh Trần Thủ Độ bằng điện ảnh.
Mà Trần Thủ Độ là người vừa phá tan cơ nghiệp nhà Lý, vừa nhẫn tâm tàn sát tận gốc rễ tông tộc họ Lý. Đây là kiểu vinh danh “chửi cha” tổ tiên!
Sự bất kính, ngu dốt của giới lãnh đạo này cụ thể hoá ở chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, người đảm đương việc đọc diễn văn khai mạc, bế mạc đại lễ.
Một trong những tiết mục của đại lễ là khánh thành tượng Thánh Gióng tại Hà Nội vào ngày 5.10.2010.
Trước đó 5 ngày, đến dự và gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cho Tượng đài Thánh Gióng, Chủ tịch Triết diễn thuyết về Thánh Gióng:
- “Công lao là như thế, tài năng là như thế, nhưng mà không màng chức vụ, danh lợi, không đòi hỏi ai cám ơn cả, không đòi hỏi phong chức phong tước gì cả, đánh giặc xong là thanh thản về trời để sống một cuộc đời vui thú điền viên, một cuộc đời thanh thản…”
-
Thánh Gióng chỉ là nhân vật huyền thoại, mà huyền thoại thì nhiều khi chỉ là trí tưởng tượng cộng với mơ ước của con người. Theo huyền thoại thì đánh xong giặc Ân thì Thánh Gióng bay về trời và câu chuyện chấm dứt. Tuy nhiên ông chủ tịch nước thì tưởng tượng thêm, cho biết Thánh Gióng lên trời “sống cuộc đời vui thú điền viên”.
Chưa hết, khi đọc diễn văn bế mạc Đại Lễ vào ngày 10.10.2010, sau 1000 năm lịch sử và 8 năm công phu chuẩn bị, thế nhưng ông Triết đã không đánh vần nỗi chữ Lý, đọc cà lăm tên vua Lý Thái Tổ:
- “Cách đây tròn 1000 năm, vào mùa Thu năm 1010, tiếp nối sự nghiệp dựng nước của các vua Hùng, các bậc tiên liệt, Đức Lấy… Lý Thái tổ, Đức Thái tổ Lý Công Uẩn với tầm nhìn chiến lược…”
Nhưng quan trọng hơn, trong toàn bộ bài diễn văn ông Triết đã đề cập đến đủ thứ: “đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng, các vị khách quý” thế nhưng không hề ngưng lại một phút để nhắc nhở những người dự đại lễ nghĩ đến những đồng bào miền Trung đang bị đại nạn, để truy điệu gần 100 người đã mất mạng trong dòng nước lũ.
Với những nhà lãnh đạo tối cao như thế nên không có gì khó hiểu khi họ có thể phung phí 5% GDP để “chúc thọ thủ đô”, khi họ lập ra một đại công ty như Vinashin chỉ để làm bay hơi số tiền xấp xỉ 4% GDP. Và sẽ không có gì khó hiểu khi nhà nước của họ đang mắc nợ tứ bề, đang nêu ra chỉ tiêu kềm giữ để nợ công năm 2011 phải ở dưới mức 60%.
Những đại nạn đang lấp ló sau đại lễ
Đại lễ chưa kết thúc, đã vang lên bao tiếng báo động về đại hoạ. Ngày 9.10, sau thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary, các trí thức trong và ngoài nước gởi kiến nghị lên cấp lãnh đạo, để nghị xét lại “chủ trương lớn” của họ là dự án bauxite ở Tây Nguyên.
Trước đó, báo chí trong nước lại lên tiếng báo động về tình trạng đội vốn tới 50 phần trăm tại công trình thủy điện Sơn La.
Trước hết hãy nói về bùn đỏ. Ngày 5.10.2010, hồ chứa bùn đỏ phế thải của nhà máy luyện nhôm của Ajka tại Hungary bị vỡ khiến cả Âu châu báo động. Hồ chứa này chỉ chứa khoảng từ 700,000 đến 1.1 triệu mét khối bùn đỏ và thảm hoạ đã được xem là ghê gớm: ước lượng ban đầu cho thấy Hungary phải tốn 10 tỷ Mỹ kim trong vòng một năm mới giải quyềt các di hại của nó. Theo dự trù thì dự án bauxite ở Tây Nguyên thải ra đến 90 triệu mét khối bùn đỏ, cao gấp chín lần, hậu quả sẽ như thế nào?
Chỉ nội việc làm phim về Lý Thường Kiệt hay Trần Hưng Đạo mừng đại lễ mà giới lãnh đạo đã sợ Trung Quốc nổi giận, việc ngưng dự án nguy hiểm trên sẽ càng làm Trung Quốc nổi giận hơn vì đây là chiến lược vươn vòi bạch tuộc ra hút tài nguyên bên ngoài của họ!
Khai thác nhôm ở Tây Nguyên tức là nhai nát Tây Nguyên rồi vứt bỏ như một cái bã mía. Thế nhưng Tây Nguyên là vị trí chiến lược không chỉ của Việt Nam mà của cả Đông Dương: kiểm soát đuợc Tây Nguyên là kiểm soát cả Đông Dương. Từ Tây Nguyên có thể khống chế cả Lào, Cambodia, miền Nam và miền Trung của Việt Nam.
Trong lịch sử Việt Nam khi anh em Nguyễn Nhạc dấy binh, họ đã có cơ sở vững chãi ở Tây Nguyên: trong quá trình buôn bán miền ngược, Nguyễn Nhạc đã thiết lập quan hệ với các tù trưởng ở vùng này. Gần nhất là năm 1975: việc thất thủ Buôn Ma Thuột đã kéo theo sự thất thủ của miền Nam.
Một chính phủ khôn ngoan không bao giờ cho ngoại nhân đầu tư vào vị trí chiến lược trọng yếu của mình. Việc cho Trung Quốc vào Tây Nguyên khai thác nhôm rồi vứt bỏ cả vùng này như cái bã miá là một hành động ngu xuẩn, có thể nói là bán nước.
Hãy đặt ra một kịch bản về chiến tranh Trung Việt trong tương lai, khi các đơn vị Trung Quốc đổ bộ vào vùng duyên hải Trung Phần. Nếu bị thua, núng thế lúc ban đầu thì theo lẽ thường các đơn vị Việt Nam có thể rút lên Tây Nguyên. Tuy nhiên lúc này Tây Nguyên đã biến thành hoang mạc khô cằn, không cây cỏ, không nguồn nước, làm sao họ có thể sinh tồn ở đây?
Về Thủy điện Sơn La, vào ngày 11.10 Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – cho biết ban quản trị dự án xin nhà nước tăng hơn 50% kinh phí!
Thuỷ điện Sơn La thuộc về hệ thống thuỷ điện Sông Đà. Sông Đà là chi lưu của sông Hồng: phần trên là Thuỷ điện Sơn La, phần dưới là thủy điện Hoà Bình, là hai công trình thủy điện lớn nhất tại Việt Nam. Hoà Bình đã hoàn tất từ lâu, được thiết kế với tính toán rằng phần thượng nguồn sông Đà không có một công trình thuỷ điện nào khác.
Bởi thế khi công trình này hoàn tất thì Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng sẽ đội trên đầu hai túi nước khổng lồ với những hiểm hoạ khó lường.
Giả sử đập vỡ hay bị lũ lụt bất thường, túi nước khổng lồ ở Sơn Là sẽ trút xuống đập Hoà Bình, vốn không chịu đựng nổi sức ép này. Theo các chuyên gia, trong trường hợp có tai nạn thì năng lượng của túi nước khổng lồ ở Sơn La sẽ tàn phá Hà Nội với sức tàn phá mạnh hơn là bom nguyên tử, đe doạ tính mạng của 15 triệu người.
Mà Sơn La lại là vùng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến độ an toàn của đập nước. Đây là vùng động đất hàng đầu ở Việt Nam. Từ năm 1990 đến năm 2003 ở trên khu vực có bán kính 200km xung quanh công trình thủy điện đã xảy ra 1,089 vụ động đất. Trong khi đó thì chưa gì, còn đang thi công thì đã có chuyện đập bê tông bị nứt, không ai dám nghĩ đến những tai hoạ về sau.
Nhưng nếu đập có an toàn thì Thuỷ điện Sơn La vẫn đáng lo về mặt quốc phòng.
Đập này gần Trung Quốc, trong trường hợp hai nước bất hoà, nếu muốn “dạy cho Việt Nam một bài học” như năm 1979 họ chỉ cần bắn phá đập Sơn La là Việt Nam đã hết thế chống đỡ: không cần dùng bom nguyên tử mà sức công phá hơn cả bom nguyên tử. Nên nhớ rằng trong cuộc chiến Việt – Trung trước đây, Hà Nội đã nhiều lần tố cáo Bắc Kinh đầu độc nguồn nước, chặn dòng, phá dòng gây sạt lỡ v.v...
Trong khi đó thì con đường và vị trí chiến lược tại vùng biên giới này đã bị chìm trong biển nước. Trước đây, khi bàn về kế hoạch xây dựng thuỷ điện Sơn La thì Bộ Quốc phòng Việt Nam đã yêu cầu là Bộ kế hoạch – đầu tư phải giữ tỉnh lộ 12 và thị xã Lai Châu, tuy nhiên theo thiết kế hiện tại thì hai vị trí này sẽ bị nước nhấn chìm.
Ở miền Bắc thì đó là công trình thuỷ điện Sơn La, ở miền Trung là Tây Nguyên. Riêng miền Nam thì Trung Quốc xơi tái bằng các dự án thuỷ điện tại Vân Nam. Khi các dự án này hoàn tất thì, với Trung Quốc, Việt Nam đã trở thành ba quả trứng trong rọ, biết điều thì vâng lời, không biết điều chỉ cần lắc mạnh là trứng vỡ.
Như thế chúng ta có thể thấy là Trung Quốc đang chuẩn bị xơi tái cả ba miền Nam, Trung, Bắc của Việt Nam mà đám bồi bàn phục vụ không ai khác hơn là giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.
Lê Trọng Hiệp
(Ba cay truc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét