Chuẩn bị ngày nhà giáo VN, vợ chồng chị Vinh dành cả ngày nghỉ cuối tuần để đi mua quà tặng cô giáo của con, nhưng cuối cùng đành đi phong bì vì không biết chọn thứ gì cho phù hợp.
> Bộ Giáo dục tri ân nhà giáo ưu tú
Các năm trước vợ chồng chị Vinh (ngõ 79, Cầu Giấy, Hà Nội) đều tặng quà là phong bì, lúc 200.000 đồng, lúc 500.000 đồng. Năm nay, nghe nói thị trường quà tặng rất sôi động nên anh chị quyết định đi mua. "Định mua túi xách, nhưng hàng thường sợ cô chê, hàng hiệu thì đắt quá, mua vải may đồ lại sợ cô không thích. Đi chọn suốt một ngày không được món quà nào ưng ý nên tôi quyết định đi phong bì cho tiện", chị Vinh cho hay.
Có con trai đang học lớp 3 trường tiểu học Nghĩa Tân, mỗi dịp 20/11, chị Vinh phải hỏi bạn bè xem năm nay tặng quà gì, phong bì bao nhiêu để "theo mặt bằng chung". "Mình là công chức, không dư dật gì, món quà chỉ thể hiện tình cảm của cha mẹ đối với cô. Mình quan tâm cô thì cô cũng để ý đến con mình, chẳng đi đâu mà thiệt", chị Vinh tâm sự.
Chị Thanh Lan (Đống Đa, Hà Nội) có con đang học lớp 6 cho biết, ngày con học cấp 1 chị đã vất vả trong việc lựa chọn quà tặng cô, giờ cháu lên cấp 2, học nhiều môn với nhiều thầy cô, việc quà cáp càng làm chị đau đầu. Trước ngày 20/11, chị Lan cho biết đã phải ngồi vạch ra mức độ quan trọng của môn học để mua quà mừng.
"Thầy cô dạy môn quan trọng như Toán, Lý, tiếng Anh thì phải mua món quà giá trị, các thầy dạy môn khác có thể mua quà thường cũng được", chị Lan giải thích và tiết lộ năm nay cô giáo chủ nhiệm và thầy cô dạy môn quan trọng chị tặng mỗi người bó hoa và một bức tranh treo tường trị giá 600.000 đồng. Những thầy cô khác mỗi người một bó hoa và một bộ dầu gội trị giá gần 200.000 đồng.
Việc tặng quà thầy cô ngày 20/11 làm không ít phụ huynh đau đầu. Ảnh: Lê Hiếu. |
Cũng đang chuẩn bị cho ngày nhà giáo Việt Nam, các mẹ làm việc ở phòng hành chính một cơ quan y tế trên đường Thợ Nhuộm (Hà Nội) rôm rả bàn chuyện quà cáp tặng giáo viên. Chị Nga (kế toán) cho biết cách đây nửa tháng đã nhắc con để ý xem thầy giáo mặc sơ mi màu gì, kiểu nào. "Nghe con trai bảo thầy chỉ mặc áo sáng màu thế là tôi đi mua ngay chiếc sơ mi An Phước giá gần 600.000 đồng để tặng thầy", chị tâm sự.
Một chị khác tên Hương chia sẻ, lớp con chị có hội phụ huynh làm việc rất tích cực. Các ngày lễ Tết phụ huynh góp tiền để mua món quà chung tặng thầy. Tuy nhiên, nhiều người có điều kiện vẫn mua quà riêng. "Biết là tốn kém nhưng sợ người khác đi mà mình không đi thì con lại thiệt nên năm nào vợ chồng tôi cũng đưa con đến nhà tặng quà cho thầy. Mình cũng thấy thầy quan tâm đến cháu hơn. Ốm mà nghỉ học thầy còn gọi điện hỏi thăm", chị cho biết.
Thầy Vũ Quang, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, việc mua quà tặng thầy cô ngày 20/11 là thể hiện tình cảm của phụ huynh với những người đã dạy dỗ con em, không có gì đáng chê trách. Nhưng nếu lạm dụng để hy vọng thầy cô thiên vị cho con em mình là không nên.
"Ngày xưa khi được học sinh tặng những tấm thiệp ghi lời chúc chân thành chúng tôi trân trọng lắm. Cho đến bây giờ 20/11 những học trò cũ của tôi vẫn đến thăm và ngồi ăn cơm với thầy, tôi thấy rất hạnh phúc", thầy Quang chia sẻ.
Hoàng Thùy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét