Vài ngày nữa, đảng Cộng sản Việt Nam họp Đại hội (12-19/1//2011) bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, nhưng sự hào hứng, phấn khởi chỉ còn xuất hiện trên mặt báo và hệ thống truyền thông nhà nước. Dư luận trong nội bộ đảng viên và người dân, không còn ai chú ý đến ba Văn kiện : “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011); “Dự thảo Báo cáo chính trị” và “Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011-2020”.
Tại sao lại có hiện tượng này?
Lý do vì đảng không những vẫn đi theo lối mòn xưa cũ mà còn tụt hậu hơn so với hai Đại hội IX và X. Ba đòi hỏi cơ bản là bỏ Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin; chấm dứt vai trò độc quyền lãnh đạo của đảng và bỏ quyền chủ đạo nền kinh tế của nhà nước đã không được đảng chấp thuận.
Đảng cũng bác các ý kiến đóng góp đầy thiện chí của nhiều thành phần trong xã hội muốn đảng từ bỏ quan điểm giáo điều, chấm dứt cầm quyền độc tài, phản dân chủ đã kéo lê dân tộc đến chỗ đói nghèo, lạc hậu từ 1954 đến nay.
Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư đảng đã chụp mũ những người có thiện chí qua lời tuyên bố tại Hội nghị 14 ngày 22/11 (2010) : “Riêng đối với một số ý kiến mang động cơ xấu, lợi dụng việc góp ý để hoạt động chống đối, phá hoại, Ban Chấp hành Trung ương bày tỏ thái độ kiên quyết phê phán và dứt khoát bác bỏ”.
Tuy nhiên, Hội nghị cuối cùng của Khóa X cũng đã để lại bằng chứng mất đòan kết, không đồng thuận nhiều vấn đề như Mạnh tiết lộ trong Diễn văn bế mạc : “Một số vấn đề phức tạp đã trao đổi, thảo luận nhiều, nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau, chưa đủ cơ sở để kết luận. Hội nghị chúng ta nhất trí ghi nhận và đề nghị được tiếp tục nghiên cứu sau Đại hội”.
Về vấn đế này, Ông Bùi Đức Lại, nguyên là chuyên viên cao cấp của Ban Tổ chức Trung ương phỏng đoán : “Chắc chắn đó không phải là những vấn đề chi tiết, cụ thể, mà là những nội dung quan trọng trong Cương lĩnh và Chiến lược.” (ViệtNamNet, 4/1/2011)
Ông Lại viết : “Xét cho cùng, có ý kiến khác nhau cũng là sự thường. Vấn đề là ở chỗ có những quan điểm cơ bản được dự thảo tiếp tục khẳng định trình ra Đại hội vẫn chưa đủ căn cứ vững vàng về lý luận và thực tiễn để có thể tự bảo vệ và thuyết phục người khác. Dùng các biện pháp hành chính để thông qua là việc có thể làm được, nhưng không giải quyết được vấn đề gì, thậm chí còn có hại cho sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, thêm nguy cơ xa rời cuộc sống.”
Tuy nhiên, nỗi lo của ông Lại không cứu vãn được tình hình vì Mạnh đã nói trong Diễn văn bế mạc Hội nghị 14: “Hội nghị chúng ta nhất trí ghi nhận và đề nghị được tiếp tục nghiên cứu sau Đại hội.”
Cụm từ “tiếp tục nghiên cứu” không có nghĩa lý gì đối với những bất đồng ý đã bị gác lại, bởi vỉ , như đã chứng minh nhiều lần qua các kỳ Hội nghị, chuyện của Khóa đảng trước để lại rất ít khi được lôi ra bàn tiếp bởi Khóa đảng sau nên có bị “gác lại vĩnh viễn” cũng là chuyện thường.
Vậy có ai biết được những mâu thuẫn còn tồn tại trong đảng không?
Nông Đức Mạnh và cả hệ thống thông tin của đảng không tiết lộ những điều bị Khóa đảng X gác lại sau Hội nghị 14 nhưng một số điểm cơ bản đã được thảo luận gay gắt và rộng rãi bởi nhiều thành phần đảng viên, kể cả một số Tướng lãnh, nguyên lãnh đạo cao cấp và trí thức có thể tóm lược như sau:
PHÊ BÌNH CƯƠNG LĨNH
Thứ nhất, rất nhiều người cho rằng Chủ nghĩa Cộng sản không còn phù hợp với Việt Nam nữa, nhất là khi Nga Sô, thành trì của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã tử bỏ nó từ năm 1991, sau khi các nhà nước Xã hội Chủ nghĩa ở Đông Âu nối đuôi nhau tan rã từ năm 1989.
Hơn nữa, ngày nay cả thế giới chỉ còn lại 4 Quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản là Trung Hoa, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam.
Bắc Hàn tiếp tục kiệt quệ. Lãnh tụ Fidel Castro của Cuba nhìn nhận “mô hình Cuba” không thể tồn tại được nữa. Chỉ riêng Trung Hoa và Việt Nam tuy khá về mặt kinh tế nhưng dân chúng tiếp tục bị mất các quyền tự do và không có dân chủ là nguy cơ mất ổnh định tiềm ẩn lâu dài.
Do đó, nhiều người bất bình khi thấy Cương lĩnh vẫn lập lại lập trường xơ cứng : “Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản.”
Và nhiều người cũng thắc mắc tại sao phải đi theo chủ nghĩa xã hội thì tổ quốc mới được độc lập như Cương lĩnh viết một cách máy móc rằng : “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau.”
Thứ hai, nhiều nhà Trí thức trong nước cũng phê bình các Dự thảo Văn kiện đảng là “mơ hồ, chủ quan và võ đoán”. Tiêu biểu như Cương lĩnh viết rằng: “Những mâu thuẫn cơ bản vốn có của chủ nghĩa tư bản, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hoá ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa, chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội vẫn tiếp tục xảy ra. Chính sự vận động của những mâu thuẫn nội tại đó và cuộc đấu tranh của nhân dân lao động các nước sẽ quyết định vận mệnh của chủ nghĩa tư bản.”
Hay : “Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.”
Phó Giáo Sư Võ Đại Lược,cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị Thế giới, cựu Thành viên ban Nghiên cứu của Thủ tướng phản biện: “Cái đánh giá Chủ Nghĩa Tư Bản là bản chất bóc lột áp bức các dân tộc v.v…, nhưng không thấy cái sự điều chỉnh, cái sự phát triển của nó à? Nó có khủng hoảng, nó có điều chỉnh, nó có phát triển và có những mảng tiến bộ và rất tiếc là Trung Quốc cũng đang đi theo con đường Tư Bản Chủ Nghĩa (TBCN) mà nó có gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa đặc trưng Trung Quốc … người ta nói rằng nó đang đi theo TBCN. Và rất nhiều điểm Việt Nam chúng ta đây cũng du nhập kinh tế thị trường của chủ nghĩa tư bản chứ, chúng ta không nên xem họ là thối nát và v.v… và đánh giá như vậy cũng có nghĩa là những đánh giá này trái ngược với công cuộc đổi mới của chúng ta. Vậy chúng ta phát triển kinh tế để làm gì, chúng ta chơi với Tây làm gì? Chúng ta đổi mới bậy bạ à? Đánh giá như vậy là có hại cho công cuộc đổi mới.” (Trích từ Hội thảo Góp ý cho Văn kiện Đại hội 11 của 22 trí thức-đảng viên cao cấp do Hội KHKT và Trung tâm Thông tin và Dự báo KTXH Quốc gia (Bộ Kế Họach-Đầu Tư) tổ chức ngày 7-10-2010 tại Hà Nội)
Ông Đào Công Tiến,cựu Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cựu thành viên Ban nghiên cứu chiến lược Chính phủ, cũng phê bình vấn đền này tại một Cuộc hội thảo : “Và xin thưa về cương lĩnh trước, vấn đề thứ nhứt là vấn đề kim chỉ nam, tôi cho rằng cứ kiên định, cứ khăng khăng giữ lấy kim chỉ nam như chúng ta giữ trong thời gian qua cho đến nay là không ổn vì học thuyết Mác Lênin cho đến nay cuộc sống đã chỉ cho chúng ta khá rõ có cái trước trúng nay trúng, có cái trước trúng nay không còn phù hợp vì bối cảnh lịch sử đã thay đổi quá nhiều. Có những cái trước và nay đều trật hết. Thế thì không có lý do gì để chúng ta kiên định một cách máy móc học thuyết Mác Lê – nin, là nền tảng tư tưởng là kim chỉ nam cho mọi hành động mà phải coi rằng quanh cái đúng cái hợp lý của học thuyết Mác Lê nin còn có tư tưởng Hồ Chí Minh, còn có cái đúng cái hợp lý của những học thuyết khác. Và tất cả những cái đó nó là nền tảng tư tưởng, nền tảng lý thuyết của cái tiến trình cách mạng Việt Nam tiếp theo.”
Ông Nguyễn Trung, cựu Đại sứ VN tại Thái Lan, cựu thành viên Ban nghiên cứu củaThủ tướng, Viện Nghiên cứu Phát triển IDS nói: “Một, về cương lĩnh có mấy chỗ sai dứt khoát nên bỏ đi. Viết về nhận định quốc tế – sai. Viết về nhận định các nước XHCN – cũng sai. Viết về nhận định tình hình trong nước – cũng sai.
Tôi lấy ví dụ, các nước XHCN còn lại kiên định con đường XHCN, thế chúng ta theo Triều Tiên à, theo Bắc Triều Tiên à? Không được các đồng chí ạ! Viết về quốc tế sai, viết về đất nước sai giữa tình hình thế giới cũng sai chỗ ấy nên bỏ, nếu còn giữ lại thì nguy hiểm. Đấy là chưa kể trong văn kiện có một chỗ nhắc cả Trung Quốc nữa, tôi đề nghị bỏ đi.”
Một số người cũng thắc mắc căn cứ vào đâu mà Cương lĩnh dám qủa quyết rằng : “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.”
Người ta thắc mắc : Không biết đảng hỏi dân hồi nào mà bảo: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân” ?, hay căn cứ vào cơ sở nào mà dám đem chuyện tưởng tượng để khẳng định sẽ đem lại một xã hội tốt đẹp, khi viết rằng : “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ.”
Ông Trần Phương, nguyên Phó Thủ tướng cũng phê bình chủ trương chọn chủ nghĩa Mác-Lênin của đảng tại Cuộc thảo luận ngày 7 tháng 10 (2010) như thế này: “Ý tôi thì thế này này, ông đừng tiếp tục nói như bịp người ta. Tôi nói ví dụ như bây giờ, là vì ông nói là nền tảng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác – Lênin cho nên rằng tất cả các trường ông đều bắt nó dạy chủ nghĩa Mác – Lênin. Lắm lúc tôi bảo: trời đất ơi, ba cái thằng trẻ con này đó, nó học một mẩu của chủ nghĩa Mác – Lênin thì nó biết cái gì. Nhưng mà cứ vẫn phải bắt buộc làm như thế.”
“Thế bây giờ cái CNXH của ông là cái gì đây? Thật ra mà nói, chúng ta nói và chúng ta biết là chúng ta bịp người khác. Đến tôi bây giờ, tôi cũng không biết cái CNXH mà chúng ta sẽ đi là cái CNXH gì đây? Có nhiều người bảo rằng thôi thì ta cứ đành lấy khẩu hiệu là gì … “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ công bằng, văn minh”, đó là CNXH.
Tôi xin lỗi ông. Đấy không phải CNXH! Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tôi hỏi anh, anh đã bằng thằng Thụy Điển và thằng Na uy chưa? Nó không xã hội dân chủ, cũng công bằng mà công bằng hơn ông, mà văn mình thì tất nhiên là hơn ông rồi. Thế thì cái CNXH mà anh bảo rằng là lấy cái khẩu hiệu “dân giàu, nước mạnh” mấy cái câu đó mà thay thế cho CNXH, đấy là CNXH của tớ đấy. Tôi nghĩ không đúng! Ông bịp thiên hạ với cái chữ CNXH của ông.”
Nhiều người còn phê bình rằng nếu Cương lĩnh viết nhà nước Việt Nam “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”, nhưng có bao giờ nhân dân được làm chủ đất nước chưa ?
Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh còn gay gắt hỏi đảng : “Thưa anh Trần Phương, thưa các anh các chị! Tôi đồng ý với nhiều ý kiến đã có phát biểu. Tôi xin có mấy ý kiến thế này.
Một là cần có cái sự kiểm điểm nghiêm túc cái việc thực hiện các cái nội dung đã ghi trong nghị quyết Đại hội IX, Đại hội X. Bây giờ kiểm điểm lại thì thấy tất cả các nội dung mà liên quan đến cái việc phát huy quyền dân chủ của người dân thì đều đã không thực hiện. Và cái điều này chắc chắn không phải là sự tình cờ.
Một là Luật về hội, anh Vũ Quốc Tuấn đã có nêu. Hai là Luật về quyền tiếp cận thông tin của công dân, đã có ghi, không thực hiện. Thứ ba tức là Luật về tòa án hiến pháp không ghi, không làm. Thứ tư Luật về trưng cầu dân ý, không làm. Và có qui định là phải phát huy sự giám sát của dân đối với Đảng. Chả thấy phát huy gì cả.
Bây giờ một cái Đảng mà đến nghị quyết Đại hội cũng không thực một cái điều theo tôi là phải có sự kiểm điểm hết sức là nghiêm túc bởi vì rằng là đã đang Đại hội là cao nhất rồi. Mà bây giờ sau đó rất là lặng lẽ, thản nhiên hiện, thế thì bây giờ sẽ đi đến đâu. Và sắp tới đây sẽ như thế nào?”
Như vậy, nhà nước của Việt Nam mà đảng tuyên truyền là “nhà nước pháp quyền” có giá trị gì không mà Cương lĩnh vẫn rêu rao?
KINH TẾ THỊ TRƯỜNG GÌ?
Thứ ba, về đường lối Kinh tế, đảng vẫn lung tung khi viết trong Cương lĩnh : “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.”
Trả lời cho mâu thuẫn này, Bà Dương Thu Hương (cựu Phó Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước) lên tiếng phản ảnh trước mặt 22 Nhà Trí thức, trong đó có hai nguyên Phó Thiủ tướng Trần Phương và Vũ Khoan : “Đi vào cụ thể thì tôi thấy rằng, thí dụ như trong cương lĩnh viết thì rất hay nhưng mà tôi nghĩ đưa rất nhiều cái khái niệm mà tôi chẳng hiểu được. Như cái khái niệm mà chúng ta vẫn cứ lúng ta lúng túng là “một nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa” … Mà cũng báo cáo với các anh là riêng ngân hàng thì không biết “định hướng XHCN”, “kinh tế thị trường có định hướng XHCN” trong hoạt động ngân hàng, nó là cái gì. Thì chúng tôi cũng khó có thể là cụ thể hóa ra được. Ngoài thế ra lại còn “phát triển công nghiệp hiện đại … trở thành một nước công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN”. Thế không biết “công nghiệp hiện đại theo định hướng XHCN” nó là cái gì? Thế công nghiệp của XHCN nó khác với công nghiệp tư bản à? Thế thì tại sao lại cứ có cái đuôi “theo định hướng XHCN”?
“Thế rồi “xây dựng một nền dân chủ XHCN”. Thì đúng ra ngày xưa trong học về Mác – Lênin có cái câu là dân chủ của CNXH thì dân chủ gấp trăm lần tư bản. Thế nhưng mà tôi với cái thiển cận tôi nghĩ dân chủ ở đâu cũng giống nhau thôi là: người dân được phép nói, đấy là dân chủ. Xã hội tạo điều kiện cho dân được nói, pháp luật tạo điều kiện cho dân được nói, thì đó là dân chủ, xã hội nào cũng thế. Lại còn cái dân chủ XHCN nữa? Cho nên từ công nghiệp hiện đại cũng theo định hướng XHCN, thì phát triển kinh tế thị trường cũng theo XHCN, rồi xây dựng nền dân chủ cũng theo XHCN thì tôi không hiểu nó là cái gì cả.”
Nói tóm lại chẳng ai hiểu đảng nói cái gì trong Cương lĩnh vì tất cả các Dự thảo văn kiện đều có những mâu thuẫn chồng chất lên nhau,
Ông Việt Phương, cựu Thư ký Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cựu thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Viện Nghiên cứu phát triển IDS nói: “Cả bốn văn kiện đều là nói đi nói lại hết cả, về những đường lối chủ trương, ngoài cái phần có riêng của từng văn kiện một, cái về Đảng thì nói Đảng thôi, cái về cương lĩnh thì nó xa hơn một ít, cái về chiến lược thì nói mười năm, phần đấy có riêng. Còn lại tất cả các định hướng, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối nội, đối ngoại, tổ chức thực hiện giống y như nhau hết cả. Nó quá chừng trùng lắp đi. ….. Cái phần mới và đúng ở trong các văn kiện chuẩn bị của Đại hội XI kém rất xa cái phần mới phần đúng trong những văn kiện đã có trước đây.”
“Nhận xét thứ ba. Những cái cũ kỹ lỗi thời, lạc hậu, sai lầm, ý thức hệ nhảm nhí, quay trở lại nhiều lắm, quay trở lại nhiều lắm, nặng nề lắm, đặc biệt là trong cái báo cáo chính trị và cái cương lĩnh ý. Đấy là cái nhận xét hai. Cái nhận xét ba, mâu thuẫn không dung hợp được với nhau giữa nhiều điều của các văn kiện. Không dung hợp được với nhau, mà nếu đã nói cái này thì không phải cái kia, mà đã nói cái kia thì không phải cái này, mà nó đã phó mặc tất cả những cái mâu thuẫn đấy nhiều lắm chứ không ít đâu. Phải thống nhất lại và làm thế nào, bàn bạc ra làm sao, trình ra Đại hội, một cái Trung ương mà trình bày những ý kiến trái ngược nhau như thế làm sao được.”
Mặc dù bị chỉ trích thiếu định hướng, mâu thuẫn, mơ hồ và bịp bợm nhằm đánh lừa nhân dân, nhưng Hội nghị 14 của Khóa đảng X vẫn “nhất trí thông qua” Danh sách Ban Chấp hành Trung ương khóa XI“ để giới thiệu với Đại hội lần thứ XI”, theo lời Mạnh.
Như vậy Đại hội XI có còn ý nghĩa gì không hay nó đã buồn thiu và rời rạc như cơm nguội trước ngày khai mạc? -/-
Phạm Trần
(01/2011)
8/1/11
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét