17/9/11

Thưa Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận

Xin dành cho những ai chưa một
lần đến vườn hoa Lê Nin để bầy tỏ
lòng yêu nước của mình



"ÔI…! NGÀI BỘ TRƯỞNG…!"


Kì thi vào Đại Học & Cao Đẳng, khối C năm học 2005/2006, dư
luận xã hội vô cùng sửng sốt trước các thông tin về kết
quả của môn Lịch Sử. Hàng nghìn bài thi được điểm O. Trong
đó không ít bài làm có thể phải vào Ghi – Nét về sự ngớ
ngẩn. Ví dụ: Tú Tài năm đó viết:

- " Để phản đối chiến tranh đặc biệt của Mỹ, nhà sư
Thích Quảng Đức đã thắt cổ tự tử ở Ngã Tư Sở ( Hà
Nội) (!?).

- "Xăm Đéc Nô Rô Đôm Xi Ha Núc lãnh đạo cách mạng Lào (!?)
( Nguồn : Thu Phương – Báo CAND Thứ 3 ngày 26 – 7 -2005).

Năm đó Bộ Trưởng Nguyễn Minh Hiển giữ thái độ im lặng
trước "Thành Tích" đặc biệt này.

Kì thi đại học và cao đẳng năm nay, cũng với hàng ngàn bài
thi môn Sử được nhận điểm O, lứa đàn em hậu sinh khả uý
đã làm các bậc đàn anh 5 – 6 năm về trước phải sững sờ
về kiến thức của mình. Luận về việc Nguyễn Tất Thành
(Hồ Chí Minh) tìm đường cứu nước, không ít bài đã viết:

- "Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước chứ có phải
đi ngao du đâu?".

- "Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước vì đã vứt
bỏ tình yêu thương với một thiếu nữ cùng quê". Đặc
biệt và ấn tượng nhất phải là:

- "Nguyễn Tất Thành (Tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung) thuở
nhỏ tính tình ngổ ngáo, người thường xuyên trốn học đi
biểu tình, bị thực dân Pháp bắt được, đuổi học, từ đó
người căm thù thực dân, đế quốc mà ra đi tìm đường cứu
nước". (Nguồn Báo Điện Tử Dân Trí)

Thực ra việc học trò lúc cắn bút giữa trường thi rồi viết
linh tinh vào bài thi, không phải chỉ đời nay mới có, đó là
truyện muôn thuở của học đường rồi.

Hôm nay, việc học trò của chúng ta mô tả cuộc dấn thân tìm
đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành theo hướng đó đã
đặt các nhà viết lịch sử đảng, Ban Lý Luận, Tuyên Huấn,
Tuyên Giáo Trung Ương, Bộ Chính Trị ĐCS Việt Nam, các nhà Mác
Xít thuộc nhiều thế hệ như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn
Đồng, Lê Đức Thọ trước kia, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú
Trọng cùng các ông "Vua" khác hôm nay vào tình thế dở khóc,
dở cười, không nói không được & Bộ trưởng Bộ GD ĐT Phạm
Vũ Luận đã liều mình, đăng đàn cứu tất cả, ông nói:

"Đó là điều bình thường…", "Điểm Lịch Sử thấp
không chỉ ở Việt Nam, ở Châu Á. Đó là chuyện của thời
đại, của thế hệ này, do cách mạng khoa học công nghệ, do
sự biến đổi, đòi hỏi của thị trường lao động …" -
(Nguồn báo Điện Tử Dân Trí).

Thật là đáng buồn, bao thế hệ người Việt đã coi Hồ Chí
Minh là Thánh, đã triển khai học tập tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh, thi kể chuyện về Hồ Chí Minh ở quy mô cả
nước vậy mà bây giờ tú tài Việt Nam lại viết về chuyến
xuất dương tìm đường cứu nước của ông như thế, rồi
lĩnh điểm zero mà ông Luận vẫn cho là bình thường được
thì thật sự là điều khó tưởng tượng.

Điều ông Luận nói có đúng là đặc điểm của thời đại
này không? Xin gõ vào ô tìm kiếm của Google dòng chữ : "Hàng
ngàn bài thi môn sử được điểm O", mọi người sẽ biết
cư dân mạng đã dành cho câu nói của ông Luận những gì?

Tôi nghĩ: Hồ Chí Minh mà tú tài của chúng ta có thể viết như
vậy, thì các vị TIÊN ĐẾ, các bậc NHÂN THẦN – THIÊN THẦN
khác trong lịch sử Việt Nam & nhân loại đang ngự trong những
lăng tẩm, đền đài, miếu mạo cũng như trong tâm thức mọi
người sẽ được các tú tài của ta tưởng tượng và mô tả
như thế nào? Không biết là nên cười, nên khóc hay cũng lại
là bình thường khi thấy học sinh viết:

"Lê Duẩn là em họ Lê Nin (!?)" và "Vua Gia Long Nguyễn Ánh
gọi Hoàng Đế Càn Long của Trung Quốc là anh giai" !

Hàng nghìn điểm O về Lịch Sử và có thể lắm cũng hàng ngàn
điểm O môn Văn, môn Địa trong một kỳ thi đại học ! Toàn
là những bộ môn đầu bảng trong nỗ lực hình thành nhân cách
người Việt Nam văn minh, hiện đại, hình thành ý thức tự
hào về "Nam Quốc Sơn Hà…", về nòi giống Rồng Tiên thì
đó là vấn đề xã hội thực sự nghiêm trọng rồi đấy
chứ, sao lại có thể nói là bình thường được. Một nền
giáo dục mà lại tạo ra những con người chẳng hiểu gì về
lịch sử của đất nước mình, dân tộc mình thì làm sao có
thể nói nền GD đó đã có công lưu giữ mãi ngọn lửa yêu
nước từ đời này qua đời khác. Rẻ rúng bộ môn Lịch Sử
đến thế thì chả trách thầy trò Giáo Dục Phổ Thông lại
chẳng thờ ơ trước những cuộc xuống đường để phản
đối những tham vọng của Trung Quốc về Biển Đông. Họ còn
tìm đến vườn hoa Lê Nin làm gì vào những ngày này nữa? Khi
vừa ngồi vào ghế Bộ Trưởng, ông Luận bảo: Tôi không có ý
định tạo dựng ấn tượng cá nhân, thế câu nói vừa rồi
của ông nên hiểu đó là ấn tượng của ai?

Thưa Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận, trong lần sinh viên và học sinh
biểu tình trước Đại Sứ Quán Trung Quốc và Lãnh Sự Quán
Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn cuối năm 2007 để phản đối
kế hoạch Tam Sa của Trung Quốc nhằm hợp pháp hoá việc thôn
tính Hoàng Sa vào lãnh thổ của họ, có lãnh đạo sở GD ĐT,
hiệu trưởng nhà trường nào dám trái lệnh cấm tham gia biểu
tình của ông? Năm đó ông là Thứ Trưởng Bộ GD ĐT? Và đến
những chủ nhật gần đây của tháng 6 và tháng 7 - 2011, có
lãnh đạo Sở, lãnh đạo trường PTTH nào dám vượt qua những
nỗi sợ hãi để trái những lệnh tương tự, dám cho phép học
sinh của mình đi bầy tỏ lòng yêu nước? Xin trả lời: Không!
Không một ai dám cả. Cái mà các sếp giáo dục nâng nưu trong
tay lúc này không phải là "Trái Cam bị bóp nát trong tay Trần
Quốc Toản" khi không được tham dự Hội Nghị Bình Than (10
– 1282), mà lại là "Còn Ghế Còn Tiền" và những "Chân
Lý" mà ông mới nói đấy.

Xin gửi tới ông lời tán thán: "Ôi…! Ngài Bộ Trưởng!"
của tôi, một cựu giáo chức đang đứng bên lề "xa lộ" GD
ĐT tấp nập ngược xuôi là những điều hay – dở.



LÒNG YÊU NƯỚC & NHỮNG NỖI SỢ HÃI


Trên đường bị 2 nhân viên an ninh chính trị Quận Hà Đông
dẫn độ từ vườn hoa Lê Nin trở về, tôi vô cùng ngạc nhiên
khi một vị hỏi tôi:

"Sáng nay, lúc ở gần vườn hoa Lê Nin, bác có nhận ra 2 nữ
giáo viên cùng công tác với bác trước kia ở THPT Trần Hưng
Đạo không?"

Tôi giật mình, thế là họ đang nghi tôi đã có những xúi
giục đồng nghiệp cũ đi biểu tình. Tôi ngẫm nghĩ, nếu làm
được việc đó, tôi sẽ rất tự hào, vì tôi đã làm đông
thêm những người dám bầy tỏ lòng yêu nước của mình. Tôi
đã nói với họ: Không rõ, 2 cô giáo đó có phải là những
giáo viên trẻ về trường khi tôi đã ra khỏi trường rồi
không? Nếu vậy, tôi không biết họ. Nói rằng 2 người đó
đã có thời gian cùng dậy với tôi! Tôi khẳng định là không
hề có. Tôi quá thất vọng về những người đã cùng dậy
với tôi ở THPT Trần Hưng Đạo – Phố Xốm - Hà Đông - Hà
Nội.

Năm năm về trước (2007), khi bỏ phiếu tín nhiệm tôi ứng cử
ĐBQH 12, các đồng nghiệp của tôi, người bầu tôi, người
gạt tôi thì cũng đều không dám công khai cầm bút trước các
quan chức của MTTQ, lãnh đạo Sở GD ĐT Hà Tây, các nhân viên
an ninh PA25 (An ninh bảo vệ Văn Hoá – Giáo Dục). Họ lúng túng
& sợ hãi đến mức hiệu trưởng NTNA, bí thư chi bộ nhà
trường NCN phải ra lệnh mở hết cửa các Toilet, các phòng
học để mọi người vào đó thực thi quyền bầu cử của
mình (!?) …Những con người mà khi nhận được quà biếu của
tôi là những bài viết về những tiêu cực của Giáo Dục chứ
không phải là loạt bài tôi cổ xuý cho Tự Do – Dân Chủ và
Nhân Quyền…đã ngoan ngoãn nộp cho hiệu trưởng, kể cả
những bài tôi gửi đích danh cho hiệu trưởng, với dòng chữ:
"Bài này tôi đã gửi cho cơ quan Công An rồi, xin đừng gửi
cho Công An nữa". Vậy mà tất cả vẫn được vị hiệu
trưởng này cần mẫn gom lại rồi trình báo cho công an
(!?)…Những hiệu trưởng, hiệu phó, kể cả những đảng viên
như thế ! Tôi dám chắc họ không đủ bản lĩnh chính trị,
không đủ sự can đảm để tìm đến vườn hoa Lê Nin trong
ngày hôm đó. Xét cho cùng họ cũng chỉ là những con bệnh
đáng thương của hội chứng vô cảm mà Nhà Thơ – Đạo diễn
Đỗ Minh Tuấn đã cảnh báo.

Thưa những ai vẫn còn dành cho GD ĐT một sự quan tâm và
thương cảm! Có thể nói: Học đường ngày nay không còn là
mảnh đất mỡ mầu để nuôi dưỡng những điều cao thượng
và đẹp đẽ nữa. Trong ngày khai giảng, trong những tiết chào
cờ đầu tuần, đâu có còn vang lên những điều có thể làm
cho mọi người rưng rưng, xúc động khi nghĩ về tình cảnh
của tổ quốc, về cảnh ngộ của dân tộc. Thay vào đó, đây
là chỗ để người ta đốc thúc việc tận thu các loại tiền,
là nơi ban bố các quyết định trừng trị học sinh và có nơi
cũng là lúc trừng phạt cả thầy cô hư (!?). Vào những ngày
này, những ngày có biểu tình yêu nước một cách ôn hoà của
sinh viên và học sinh, tiết học này lại là thời điểm để
các ông bà hiệu trưởng "Còn ghế còn tiền" lên hò la, đe
nẹt học sinh, cấm học sinh tham gia vào các sinh hoạt yêu
nước! Là người của GD ĐT, tôi hết sức thông cảm với
những người đồng nghiệp của tôi, song tôi không thể chấp
nhận được những vị giám đốc, những vị hiệu trưởng,
hiệu phó, bí thư thanh niên đã hạ mình nói liều, nói bậy:

"Những người tham gia biểu tình những ngày qua là những kẻ
hâm, điên, bất mãn, vô chính phủ, là bị các thế lực thù
địch lôi kéo, là đi biểu tình thuê (!?)" (sic). Tôi có quá
nhiều dẫn chứng cho kết luận này.

Tiết học đầu của 1 tuần học dưới mầu cờ tổ quốc,
đất nước quặn đau, mẹ tổ quốc quặn đau vì sự hững
hờ, vô cảm, biến chất và vô trách nhiệm của những đứa
con vẫn thường vỗ ngực là cao học, là "thạc sĩ" này, là
"tiến sĩ" thậm chí là cả Viện Sĩ hàn lâm nước này,
nước nọ (!?)

Phải chăng cấm học sinh đến với những sinh hoạt chính trị
xã hội như thế là dấu hiệu ngành này đang tìm về những
giá trị bản thể của nó đã có từ ngàn đời như:

Học đường là một thứ "Tu Viện" khép kín cách ly với
cuộc đời bên ngoài đã quá ô trọc! Không có chuyện này.
Người ta đang hô hào xã hội hoá, thương mại hoá GD – ĐT kia
mà (!?).

Phải chăng GD ĐT đang quay lại với thái độ sống của những
con mọt sách trong những Tháp Ngà :
"Vạn ban giai hạ phẩm – Duy hữu độc thư cao!"
Tạm dịch : Mọi ngành nghề đều thấp kém, duy nhất việc
đọc sách là cao cả! Cũng không có chuyện này.

Chí thú sách vở gì đâu mà khi chấm thi tốt nghiệp PTTH 2010
– 2011, 11 Sở GD ĐT của 11 tỉnh thuộc đồng bằng Nam Bộ đã
ngấm ngầm bắt tay nhau xé toang đáp án chấm văn của Bộ GD
– ĐT rồi thay bằng một biểu điểm khác để muốn cho đỗ
bao nhiêu thì cứ việc cho (!?). Báo Người Lao Động đăng ý
kiến phản hồi: "Không chỉ môn Văn, môn Sử - Địa cũng
thế !", Tờ Thanh Niên thì mạnh dạn méc độc giả: "Không
chỉ Văn mà cả chấm Toán cũng rứa! và chuyện đó họ có
hỏi ý kiến Bộ và Bộ cũng cho phép rồi. (!?) Không biết mai
này trong 11 ông, bà giám đốc uống nhầm thuốc liều đó, có
ông nào, bà nào sẽ phải làm "Con Dê" để tế thần "HAI
KHÔNG" không đây! Xin chờ hồi sau sẽ rõ.

Theo tôi, những động thái của GD ĐT bấy nay là quá đủ để
nói: Ngành GD ĐT có quá nhiều cố gắng để tạo ra sản phẩm
của mình là những con cừu có thói quen chỉ đi theo các lề có
sẵn. ("Bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc
của con người tự do" – Giáo Sư Toán Học Ngô Bảo Châu)

Để khép lại câu chuyện buồn này, có lẽ cũng chẳng là
thừa khi cùng ôn lại "Sự Tích Đầm Mực", viết về thầy
Chu Văn An (1292 – 1370) và những học trò của ông thời hậu
Trần hơn 600 năm về trước.

"Sau vụ dâng Thất Trảm Sớ - Sớ đòi chém 7 tên gian thần
không được vua Trần Dụ Tông chấp nhận, Thầy Chu treo mũ áo
từ quan, bỏ Quốc Tử Giám về quê dậy học. Trong số học
trò của ông có một thư sinh tướng mạo khôi ngô tuấn tú
sáng nào cũng đến sớm để nghe giảng, nhưng không ai rõ là
người này ở đâu. Bè bạn, đồng học dò xem thì cứ thấy
thư sinh đó đến khu Đầm Đại nằm giữa làng Đại Từ, Tứ
Kỳ, Huỳnh Cung, nay thuộc huyện Thanh Trì Hà Nội thì biến
mất bèn bẩm với Thầy Chu. Thầy Chu biết đó là con của
thuỷ thần. Năm đó gặp lúc trời làm đại hạn kéo dài, một
lần Thầy Chu hỏi: "Trong các trò, ai có tài thì làm mưa giúp
dân giúp đời!". Người trò lạ có vẻ lưỡng lự, sau đứng
ra xin nhận và nói: "Con vâng lời thầy là có tội với Thiên
Đình, nhưng con cứ làm để giúp dân". Nói đoạn, thư sinh ra
giữa sân trường, lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời
khấn, lấy bút thấm mực vẩy khắp 4 phương trời, rồi tung
cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức mây đen ùn ùn kéo
đến, trời đổ mưa như trút. Trong mưa gió người ta thấy thư
sinh cúi lậy Thầy, lậy bạn rồi rùng mình hoá thành con
Thuồng Luồng lớn mải miết trườn về phía đầm nước. Đêm
hôm đó có một tiếng sét lớn, đến sáng người đi đường
thấy xác con Thuồng Luồng lớn nổi trên đầm nước. Để
nhớ ơn, dân làng lập đền thờ thần. Theo truyền thuyết nơi
nghiên mực rơi xuống làm làn nước ở đây lúc nào cũng có
mầu đen, nên được gọi là Đầm Mực. Bút rơi xuống đất
Tả Thanh Oai, biến làng này thành làng văn học, quê hương của
những danh sĩ tầm cỡ, đặc biệt vang dội là dòng họ Ngô
Thì…như cha con Ngô Thì Sĩ – Ngô Thì Nhậm".

GD ngày nay không thiếu những bậc thầy tài danh, khoa bảng
nhưng hiếm quá những trí thức có bản lĩnh, tâm đức như
Thầy Chu Văn An. Học trò thời nay cũng không hiếm những nhân
tài tầm cỡ, nhưng cũng quá ít những sĩ tử có tấm lòng với
thầy, với bạn, với dân, với nước như chàng thư sinh trong
câu chuyện này.

Tôi vô cùng xúc động khi thấy "Già Làng" Nguyên Ngọc
đứng ở hàng đầu cuộc biểu tình 14/8 vừa qua. Đã bắt
đầu xuất hiện một số học sinh gái, cổ quàng khăn đỏ,
trong tay là các biểu ngữ phản đối Trung Quốc. Các cháu là
con cháu của những gia đình nhân sĩ, trí thức lớn được
hưởng những "Gen" miễn dịch trước những lầm lạc,
những biến chất tràn lan xã hội. Những biến chất đó đang
làm đa phần lứa trẻ khác trở nên ơ hờ trước những kiếp
nạn của dân tộc và có không ít số trẻ đã phải tự tìm
đến những triết lý sống thích nghi, đầu hàng có tính thực
dụng, cầu an và yếm thế kiểu Makkeno (Mặc Kệ Nó):

"Sợ giặc, không bằng sợ bị công an bắt, bị nhà trường
đuổi học, bị chính quyền phân biệt đối xử." và "Yêu
đảng, yêu nước, yêu CNXH, yêu dân… không bằng yêu chính
bản thân mình".

Như thế thì câu hỏi mà HT, cô học trò cũ của tôi hỏi ngày
nào trước cửa Đại Sứ Quán Trung Quốc đã có câu trả lời
rồi đấy. Một trả lời cũng thật đớn đau & bất ngờ quá
với tôi! với em! với bạn! & bất ngờ với những ai nữa
đây? Dạ thưa! Đây là một câu hỏi mở xin dành cho tất cả
mọi người.

Khi bài viết này sắp được công bố, một người bạn gmail
hỏi tôi: Tuần này bác sẽ ra Hồ Gươm để có phóng sự về
biểu tình chứ? Tôi trả lời: "Ông Nhanh mới họp báo, tuyên
bố biểu tình phản đối Trung Quốc là yêu nước & Công An Hà
Nội không trấn áp người biểu tình", vậy mà mấy chủ
nhật liền tôi vẫn được Công an Hà Đông và Hà Nội "Săn
Sóc" kỹ lưỡng quá. Khẩu hiệu rất hiền mà tôi chọn:
"NAM QUỐC SƠN HÀ NAM NHÂN CƯ!" (Sông núi nước nam người nam
ở !) chưa một lần được hoà cùng mầu cờ sắc áo với
những người biểu tình cùng những tiếng thét vang dội của
lòng yêu nước bên bờ Hồ Gươm huyền thoại, điểm kết nối
với Yên Tử - Chùa Hương – Chùa Một Cột – Đền Quan Thánh
– Núi Nùng - Hồ Tây thành một hàng rào tâm linh có vai trò
hoá giải tức thì những tà tâm – ác đức của thù trong &
giặc ngoài muốn huỷ hoại sự trường tồn của giống nòi
Đại Việt. Sự kiện ngay sau ngày tiếp quản Hà Nội 1954, Hồ
Tây một ngày bình yên bỗng bầu trời rực rỡ là mây ngũ
sắc, mặt hồ bỗng nổi sóng dữ trong âm vang là tiếng voi
gầm ngựa hí đã dìm chết đoàn phù thuỷ Tầu có sứ mạng
đi trấn yểm các huyệt đạo của Đại Việt lại núp bóng là
đoàn nghệ thuật Tề Tề Cáp Nhĩ…là dẫn chứng rất đắt
cho sự tồn tại của dải tâm linh huyền thoại này. Nay dù bị
Công An khống chế, tôi vẫn thấy, dù thiếu tôi thì bầu trời
vẫn là nơi tung cánh của những Cánh Chim báo nguy cho dân tộc &
cả những Cánh Én báo mùa xuân sẽ trở về với đất nước
mình, dân tộc mình.


Thông qua những việc làm, những phát biểu đầy trách nhiệm
của những lão thành cách mạng khả kính, những vị nhân sĩ
chân chính, những trí thức, những sinh viên học sinh còn giữ
được lòng yêu nước, dù họ ở trong nước hay ở nước
ngoài, không hẹn mà cùng tiếng nói chung là: "Tổ Quốc Trên
Hết", dẫu rằng đến với họ là bôi nhọ trắng trợn! là
mạ lị đê hèn! thậm chí là cả những hành vi của đám thảo
khấu côn đồ, thì một xã hội dân sự vẫn đang lừng lững
bước tới. (Theo cách nói của Già Làng Nguyên Ngọc và nhà báo
nổi tiếng Bùi Tín).

Những gì không phải đã đến với Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh,
với Giáo Sư Huệ Chi, với nhà giáo Phạm Toàn, với Tiến Sĩ
Nguyễn Quang A, các bloger dũng cảm như Nguyễn Xuân Diện, các
trang báo điện tử bị gọi là "Lề Trái Rác Rưởi" ở
trong và ngoài nước, đến với Luật Sư can đảm như Trần
Đình Triển, đến với Cụ Trần Lâm, một Luật Sư trung thực
và nhân hậu, đến với những bị cáo rất đáng kính trọng
như Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà Vũ…thái độ bất khuất của họ
là những dẫn chứng hào hùng rằng: "Không phải người Việt
Nam nào cũng cúi mặt và ngậm mồm."

Giữa lúc nhiều quân đoàn Trung Quốc đang áp sát dọc tuyến
biên giới với Việt Nam, tầu sân bay Tinh Lang mới khánh thành &
dàn khoan khổng lồ của TQ đang lăm le tiến vào vùng biển chủ
quyền của Việt Nam, cũng là lúc các Bloger TQ trên trang mạng
Sina.com đang râm ran những lời đe doạ Việt Nam thì thật đáng
buồn, tối 4/8/2011 Trần Bình Minh giám đốc Truyền Hình VN lại
muối mặt cộng hưởng với họ bằng cách cho phát sóng phóng
sự bôi nhọ Cù Huy Hà Vũ và trang mạng yêu nước Bauxite.vn làm
sững sờ người xem trong và ngoài nước. Đặc biệt là khi
tấm màn nhung của QH 13 lặng lẽ buông xuống trong chiều 6-
8-2011 mà không dám đưa ra một Nghị Quyết nào về Biển Đông!
Tôi biết rằng, đất nước tôi, dân tộc tôi đang đối diện
với những nguy cơ gì?

Có thể lắm, phẩm giá, lương tâm, lòng trắc ẩn của một
bộ phận người Việt Nam hôm nay nói chung, nói riêng với ngành
GD ĐT là có vấn đề rồi, nhưng tôi vẫn vững tin:

Tổ Quốc mãi mãi trường sinh, Dân Tộc mãi mãi
trường tồn. Thế giới này ngày càng chật hẹp, không có nơi
ẩn nấp nào là an toàn dành cho những con người không xứng
đáng. Chắng sớm thì muộn tất cả sẽ phải hiện nguyên hình
trước vị QUAN TOÀ của Lịch Sử

Hành trang để thế hệ tôi đi hết phần đời còn lại, đơn
giản chỉ là những niềm tin vô hại như vậy./. (Hết)



Hà Đông 9 - 8 – 2011.
Nhà Báo Nguyễn Thượng Long
- Nguyên giáo viên dậy Địa Lý của Giáo dục Hoà Bình – Hà
Tây
- Nguyên Thanh Tra Giáo Dục kiêm nhiệm Hà Tây.
- Nơi ở: Tố 6 Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà Nội
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét