19/11/11

'Cẩm nang biểu tình' giữa thời Bức Xúc

Nguyễn Giang Nguyễn Giang | 2011-11-15, 16:16

Cảnh bạo lực ở Warsaw hôm 11/11/2011 gây bất ngờ cho nhiều người
Cảnh bạo lực ở Warsaw hôm 11/11/2011 gây bất ngờ cho nhiều người


Cụ già Stephane Hessel là tác giả cuốn 'Thời Bức Xúc'

Cuối tuần qua, tôi xem truyền hình mà thấy kinh hoàng trước cảnh ẩu đả của hàng nghìn thanh thiếu niên giữa thủ đô Ba Lan.
Nhận lời mời của một số tổ chức thiên tả và chống tư bản chủ nghĩa của Ba Lan, các nhóm từ Đức sang với mục tiêu 'tấn công tân phát-xít', đã đánh nhau với đoàn tuần hành của phe dân tộc chủ nghĩa Ba Lan nhân ngày Độc lập 11/11 ở nước này.
Khi bạo động nổ ra, cả hai nhóm này cũng tấn công cảnh sát, khiến ít nhất 40 nhân viên công lực ở Warsaw bị thương.
Thời Phản Kháng
Phong trào biểu tình đã lan đến Ba Lan, kể cả khi nước này không nằm trong khu vực đồng euro đang khốn đốn.
Phong trào này dù tự phát cũng không hẳn là thiếu đường hướng, và ít nhiều lý luận.
Lời kêu gọi từ ông cụ người Pháp Stéphane Hessel, nay đang là cẩm nang của giới biểu tình quốc tế.
Năm nay 94 tuổi, ông cụ từng tham gia kháng chiến chống phát-xít Đức, bị tù ở Buchenwald, và là một nhà ngoại giao của châu Âu nên khá có uy tín.
Nhưng nổi tiếng hơn cả là tập tiểu luận của ông kêu gọi biểu tình, phản đối mang tên "Indignez Vous!", mà bản dịch tiếng Anh năm 2010 là 'Time for Outrage' (Thời Bức xúc).
Cuốn sách, tạm dịch là 'Hãy phản kháng!' không phải là một triết thuyết gì, như chính lời cụ già nói với các nhà báo mới hôm tuần qua, mà chỉ là kêu gọi người dân xuống đường để lên tiếng đòi các quyền của mình.
Theo cụ, ngay tại châu Âu, châu Mỹ, chưa nói đến các xứ sở khác, quyền tự do và nhân phẩm đã bị các chính phủ "làm mục nát", và công chúng chỉ có cách lên tiếng công khai, và đấu tranh thì mới giành lại được.
Cụ Stephane Hessel nói cần đấu tranh để đòi công bằng xã hội, chính trị và kinh tế, nghĩa là trong mọi lĩnh vực.
Mục tiêu đấu tranh không quan trọng bằng hành động biểu lộ ra thái độ bất bình của mình.

Và cụ già Pháp tin tưởng một cách khá lạ rằng cứ đấu tranh đi rồi sẽ tìm ra mục tiêu.
Tập sách đã bán được cả triệu bản chỉ ở Pháp nay là cẩm nang của các nhóm biểu tình từ Bắc Phi đến Nam Mỹ và châu Âu.
Thực ra, chuyện kêu gọi đòi các quyền thì thời nào cũng có.
Thế hệ 1968 ở Âu Mỹ cũng đòi quyền yêu, 'giao hoan, không giao chiến' và quyền tự do sáng tạo để phá vỡ bầu không khí ngột ngạt sau Thế Chiến 2.
Thế hệ 1989 đòi tự do dân chủ và nhân quyền chống lại áp chế của ý thức hệ và nhà nước độc đoán.
Thế hệ 2011 này, theo các khẩu hiệu của những nhóm xuống đường, đang đòi quyết định tương lai, và chống lại thói 'vô trách nhiệm' của tầng lớp trên.
Làn sóng tiếp theo?
Có thể hiểu đơn giản rằng toàn cầu hóa đợt một đã làm tan rã hệ thống xã hội chủ nghĩa kiểu Liên Xô hai thập niên trước.
Nay đợt tiếp theo của nó thách thức cả hệ thống tư bản ở nhiều quốc gia và lan từ Trung Đông, Bắc Phi sang Âu Mỹ và châu Á.
Tùy vào tình hình mỗi nơi mà phong trào này mang hình thái khác nhau nhưng yếu tố chung là bất bình với tầng lớp trên.
Chuyện phân định đúng sai cũng còn tùy hoàn cảnh nhưng sức ép của phong trào này đang khiến một định kiến của chúng ta về các mô hình, các thể chế đều có thể trở thành lạc hậu nhanh chóng.
Dù một số nơi người ta nêu khẩu hiệu 'Cách mạng' nhưng có vẻ đây không phải là phong trào như quốc tế cộng sản ngày trước với một Comintern từ Kremlin chỉ đạo.
Nhưng chính vì không có lãnh đạo tập trung, các đợt phản kháng toàn cầu này sẽ biến thiên và bùng phát bất chợt.
Hệ thống nào yếu kém, lắm bệnh, không trụ được thì sẽ bị đổ.
Lãnh đạo nào không xử lý được vấn đề thì phải ra đi.
Nhẹ nhàng thì từ chức như ở Hy Lạp và Ý, còn bạo lực thì như ở Trung Đông.
Trong hoàn cảnh này, có cơ chế đúng lúc, uyển chuyển và dân chủ để giải tỏa các nhức nhối sâu nặng sẽ giúp xã hội giữ được ổn định.
Nhìn rộng ra, nhiều vấn đề mang tính cội rễ có tính toàn cầu trong khi chưa thấy có cơ chế gì chung để giải quyết.
Các nhà lãnh đạo cũng biết điều đó và liên tiếp họp để trấn an nhau và tỏ ra đang cố gắng tìm hướng giải quyết.
Nhưng hội nghị thượng đỉnh nhiều có sửa được 'lỗi hệ thống' của thế giới hiện nay?
Trấn áp bằng bạo lực chắc chắn chỉ gây phản ứng khiến bạo động lên cao, còn tung tiền ra để 'dập lửa' cũng có thể không đạt mục tiêu.
Và nếu các phương thuốc đó đều không trị được bệnh thì liệu một thế giới mới có ló rạng?
Hay chúng ta còn phải trải qua một thời đại phản kháng mà nay mới chỉ bắt đầu? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét