30/11/11

Giáo dục cần có một cuộc “xé rào”: Trung thực, tức không nói dối nữa!


Thứ Tư, 30/11/2011
.

Giáo dục cần có một cuộc “xé rào”: Trung thực, tức không nói dối nữa!


(Phunutoday) - Ngành giáo dục không dám có một cuộc "xé rào" để có một cái nền giáo dục đứng đắn, trung thực như GS Hoàng Tụy, GS Hồ Ngọc Đại, nhà văn Nguyên Ngọc kiên trì phấn đấu? Người ta nói trước hết là một nền giáo dục trung thực đã chưa cần nói cái chất lượng nó cao đến đâu. Trung thực, đừng có nói dối nữa”. .. – Nhà Giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi.


"Thượng bất chính, hạ tắc loạn"

Trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây, liên tiếp xuất hiện các vụ việc thể hiện cách hành xử tồi tệ của con người như gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân hấp hối trong vũng máu; thấy cướp giật túi xách nạn nhân tiền bay tung ra đường thì không giúp người bị nạn mà tranh thủ cướp những đồng tiền rơi vãi; thấy xe chở dưa bị lật cũng tranh thủ cướp dưa chứ không giúp chủ dưa đang gặp nạn….  Phunutoday đã có cuộc phỏng vấn Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Vũ Thế Khôi về những vấn đề này.

NGƯT Vũ Thế Khôi
NGƯT Vũ Thế Khôi

PV: - Thưa ông, đâu là căn nguyên của hiện tượng trên?

NGƯT Vũ Thế Khôi: - Nguyên nhân sâu xa của nó chính là những người có trách nhiệm với dân thì lại thiếu cái trách nhiệm ấy. Nó không bằng sĩ phu ngày xưa, với khẩu hiệu: "Nghĩa vụ của người quân tử là lo cho dân”.

"Mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ Cộng hòa đầy gian khổ đó là: "nền sơ học cưỡng bách và không học phí". Và chí ít ra, ngày Chủ nhật, ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hòa tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn, đặng trở thành những chủ nhân ông mạnh mẽ, năng động, thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau".
 - Cố GS. Vũ Đình Hòe, Nguyên Bộ trưởng Bộ GDVN -
Quân tử ở đây kể cả những người có hiểu biết, kể cả những người có chức trách hay không có chức trách nhưng đã thuộc lớp người có hiểu biết, có tri thức thì phải có trách nhiệm với đồng loại của mình. Truyền thống của dân tộc mình là như thế nhưng hiện nay nó đang bị sa sút.

PV: - Thưa ông, ông có thể nói cụ thể hơn?

NGƯT Vũ Thế Khôi: - Tức là bây giờ nạn trộm cướp hoành hành đến mức mà người ngay sợ kẻ gian. Không dám can thiệp dù biết đạo lý là phải can thiệp nhưng nếu can thiệp thì có khi lại mang vạ vào thân.

Điều này cho thấy ý thức trách nhiệm của cá nhân với đồng loại trong xã hội hiện nay đã sa sút nghiêm trọng.
Hiện tượng hôi của, nhặt tiền có thể không gọi là trộm cướp, nhưng tôi nghĩ rằng đây là một báo động về sự sa sút đạo lý trong xã hội khi người ta sống không còn trách nhiệm với nhau.

Mọi người chỉ biết lo cho mình, và ở cái cấp cao hơn thì nó thể hiện ở cái tâm lý gọi là "nhiệm kỳ". Cái nhiệm kỳ của tôi thì tôi lo cho tôi đã, còn sau tôi thì "sống chết mặc bay".

Cha ông ta nói đúng: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Kỷ cương bao giờ cũng phải từ trên xuống dưới chứ không bao giờ kỷ cương lộn ngược từ dưới lên trên. Tôi nói đạo thầy trò, kể cả từ lãnh đạo cao nhất, mà không có trách nhiệm với người thầy thì nói gì đến xã hội và phụ huynh có trách nhiệm với người thầy? Người thầy ăn lương chết đói, một cô giáo nhận lương một tháng có 1,2 - 1,3 triệu đồng, giá cả “kiềm chế” mà vẫn leo thang vùn vụt thì người ta sống thế nào được? Không có thực, sao vực được đạo?

Tại sao người ta hôi của, tại sao người ta thấy người bị nạn mà không cứu, tại sao thấy người khác bị côn đồ đánh mà không dám can ngăn? Tại sao tài xế và người phụ xe, chỉ có 2 người mà khống chế cả một cái xe, đánh đập một người trên xe mà mọi người trên xe không dám can thiệp? Tôi nghĩ rằng, đó là sự sa sút về đạo lý.

Miệng hô hào dân sống phải có đạo lý trong khi tay thì nhận tiền tham nhũng, dân tin sao được? Thầy giáo hiệu trưởng tổ chức mại dâm, bán thân xác học trò của mình chưa đến tuổi vị thành niên, như thế thì còn đạo lý gì nữa? Mỗi năm có 1 triệu 2 em nhỏ bỏ học vì quá nghèo, bỏ học đi nhặt rác, đi đánh giầy, đi bưng bê…làm bất cứ việc gì để sống; các bé mầm non trường Trống Chùa xã Tà Xi Láng - Yên Bái ngồi học trên ghế đẩu kê sàn đất trong cái lớp trống huyếch trống hoác mà mùa đông thì đang đến … - có ai đau lòng không hay hoàn toàn vô cảm?

PV: - Trong khi người lớn hành xử như vậy, chúng ta lại thấy có những hành vi cao cả, xả thân vì người khác mà trẻ con đã làm, ông nhận xét gì về điều này?

NGƯT Vũ Thế Khôi: - Những tấm gương ấy vẫn có nhưng tôi cho rằng cái đạo lý ấy lại tùy thuộc trong mỗi gia đình ấy. Trẻ em bao giờ cũng chịu ảnh hưởng trước hết của bố mẹ. Không thể giáo dục trẻ em bằng thuyết giáo được.

Bao giờ cũng chỉ có thể giáo dục bằng cái gương của người lớn. Cái em mà cõng bạn đó, xả thân cứu người đó tôi tin rằng là cha mẹ em sống tốt với nhau, trước hết là như thế. Còn trẻ em hư hỏng trước hết cũng lại từ bố mẹ, hoặc là gia đình tan vỡ, bố mẹ đối xử với nhau chẳng ra gì, hoặc chính bố cũng ăn cắp, ăn cướp, hoặc tham nhũng. Con cái các ông lớn hư hỏng không ít là vì như thế.

Tôi nghĩ đạo lý bây giờ phải xuất phát từ cá nhân, nhân cách từng cá nhân. Gia đình nào có truyền thống, sống ngăn nắp, có trên có dưới, tôn trọng lẫn nhau giữa vợ chồng, bố mẹ thì con cái mới sống có trách nhiệm. Gia phong, giáo dục trong gia đình đã bị xem nhẹ, bỏ quên khá lâu rồi đấy.

“Đau lòng nhất là dạy cho trẻ con nói dối”

PV: - Tại sao người lớn dạy trẻ biết xả thân cứu người, dạy những điều tốt lành, cao cả nhưng thực tế thì họ lại không làm như thế, phần nhiều họ làm ngược lại?

NGƯT Vũ Thế Khôi: - Không những làm ngược lại, thậm chí người lớn nhiều khi  cũng phải dạy trẻ con nói dối. Cái đau lòng nhất là dạy cho trẻ con nói dối.

Một ví dụ cụ thể đây, thực 100%, chỉ xin không nêu tên. Bộ GD-ĐT đã có quyết định cấm dạy thêm. Thứ Bẩy mới rồi vợ chồng tôi đến thăm gia đình người bạn Đại tá hưu trí. Chị ấy, một bà nội, hỏi tôi: Một số ông bà như chúng em làm đơn tình nguyện mời cô giáo kèm thêm cho các cháu tại nhà riêng của cô. Cô đồng ý, nhưng dặn các cháu: “Nếu cô Hiệu trưởng hỏi, các con không được nói có học thêm ở nhà cô nhé”. Thằng cháu lớp 3 của em về hỏi: “Bà ơi! Nếu cô Hiệu trưởng hỏi thì con phải trả lời thế nào?”- “Chị trả lời cháu thế nào?” - “Khó quá, anh ạ. Em đành nói: Con còn bé, cô bảo sao thì cứ nói vậy. Em buộc phải dạy cháu nói dối nên cứ áy náy mãi”.

“Ông Bộ” ra quyết định cấm, mặc dù biết người ta vẫn phải “lách” (để sống!) nhưng tự an ủi mình đã đấu tranh chống dạy thêm - học thêm, như vậy là tự dối mình. Giáo viên phải dạy thêm theo đơn “tình nguyện” của phụ huynh, mặc dù biết là phạm lệnh cấm, như vậy là dối trên. Phụ huynh do chất lượng trường lớp kém, phải “tự nguyện”cho con cháu học thêm, nhưng khuyên bảo trẻ em che giấu là dạy chúng nói dối. Đây là tình trạng tồi tệ.

Người ta buộc phải nói những điều cao cả, nhưng có người do mưu sinh, có người do tư lợi nên họ làm ngược lại thôi. Cái làm ngược lại lớn nhất là hiện nay tức là học tập đạo đức Hồ Chí Minh nhưng nào có làm theo đạo đức Hồ Chí Minh? Trong đạo đức Hồ Chí Minh cái quan trọng nhất là lo cho dân. Như trong giáo dục chẳng hạn, trước hết phải dạy để trẻ em nên người, mưu sinh được, chứ không phải để có cái bằng đại học để đua với các nước về tỷ lệ đại học trên đầu người! Từ năm 1957 Bác Hồ đã nhấn mạnh nhà trường phải dạy cho học sinh ý thức lao động, kỹ năng lao động để mà sẵn sang lao động trong nông nghiệp, trong thương nghiệp, trong công nghiệp và trong những ngành nghề khác nữa để đóng góp xây dựng CNXH.

Thế mà bây giờ, lo cái chuyện cho học sinh, cho trẻ em học hết mỗi cấp đều có thể vào đời, có thể làm việc thì ít mà lo cái chuyện đào tạo 20.000 Tiến sĩ thì nhiều. Đấy là làm theo lời Bác Hồ hay là để đua với các nước xung quanh về tỉ lệ Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ?

Việt Nam là nước nhiều Tiến sĩ, Giáo sư nhất trong khu vực này, nhưng nghiên cứu khoa học thì đứng ở hạng bét, thua xa Thái Lan chứ chưa nói gì đến các nước tiên tiến. Còn tại sao ở Đại học thiếu giảng viên có trình độ trên đại học thì đó là vì cho mở các trường Đại học “dân lập” (thực ra là quan lập!) tràn lan, cứ nộp tiền lên là cho mở, bất kể là có hay không có giảng viên “cơ hữu” (trong biên chế). Chiêu sinh được có 17 sinh viên cũng mở trường Đại học. Đó cũng là nói dối thôi chứ đại với học cái gì!

PV: - Khi người lớn có những hành vi ngược lại những điều dạy trẻ như thế, theo ông, chúng ta có nên xấu hổ?

NGƯT Vũ Thế Khôi:- Tôi rất tiếc vì bây giờ cái xấu hổ biến mất rồi. Karl Marx có nói một câu nổi tiếng tức là: biết xấu hổ là Cách mạng. Nhưng bây giờ người ta không biết xấu hổ nữa rồi. Như dân ta nói là: "Mặt trơ trán bóng", không biết xấu hổ là gì. Làm sao mà thuyết phục được tất cả mọi người khi mà lãnh đạo ở chỗ này mắc tội thì chuyển sang chỗ khác lên vị trí cao hơn? Thế thì còn gì là đạo lý? Thế cho nên suy giảm đạo lý là cái chung, phổ quát trong xã hội hiện nay mà nó bắt đầu từ việc nói dối.

PV: - Vậy thì chúng ta nên dạy trẻ như thế nào bây giờ, thưa ông?

NGƯT Vũ Thế Khôi: - Quan trọng nhất là dạy cho chúng nó trung thực đã. Như vừa rồi cháu gái tôi mới học lớp 2, nó mới xem một bộ phim tập võ. Nó hỏi tôi: Tập võ làm gì hả ông? Tôi mới bảo tập võ là để bảo vệ người yếu hơn và bảo vệ mình chứ không phải là để đánh những người khác đâu. Và như thế tức là chuẩn bị tâm lý cho nó sẵn sàng chịu thiệt, đừng làm cái điều gì mà có hại cho người khác. Dạy như thế thì bản thân người lớn phải sống trung thực. Đừng nghĩ một đằng, nói một nẻo và làm lại một nẻo khác nữa. Và tôi cũng đã cố gắng truyền đạt cho con cháu mình điều đó.

PV: - Khi những điều ông dạy con cháu khác lạ, thậm chí đi ngược với những trào lưu vị kỷ, thực dụng hiện nay thì phản ứng của anh chị ấy ra sao? Ông có hài lòng về điều đó không?

NGƯT Vũ Thế Khôi:- Tôi đành chấp nhận chuyện con cháu tôi nghe tôi hay nó phải theo trào lưu. Tôi không thể nào áp đăt, buộc chúng phải nghe theo tôi. Bởi vì nếu như tôi dạy cháu tôi như thế nhưng đến trường lại dạy phải thế nọ, phải thế kia và nó phải theo trào lưu thì tôi đành phải chấp nhận, đó là thực tế. Nhưng dạy ngược lại thì lương tâm nhà giáo không cho phép tôi làm. Toàn bộ nền giáo dục nước ta là áp đặt cho đứa bé từ khi học mẫu giáo. Nói leo lẻo như con vẹt theo cô giáo nhưng nó không được nói lời nào theo điều chính nó nghĩ. Đấy là một nền giáo dục sai lầm.

Trung thực đi, đừng có nói dối nữa…

"Phải thực sự đổi mới CĂN BẢN (tức từ gốc, từ triết lí giáo dục) và TOÀN DIỆN (tức cả hệ thống), tái cơ cấu hệ thống, tái cấu trúc đầu tư cho giáo dục, thực hiện một nền giáo dục vì con người, vì cuộc sống con người, không phải vì những nguyên lý đã lỗi thời".
 - NGƯT Vũ Thế Khôi -
PV: - Phải chăng là giáo dục kém nên có nhiều những hành vi xấu, vô cảm?

NGƯT Vũ Thế Khôi:- Vì giáo dục đã là kém cỏi ở chỗ không dạy cho người ta cách trung thực mà dạy cho người ta cách nói dối, cho nên người ta không tin vào đạo lý nữa. Người ta cho rằng tất cả đạo lý đều là nói dối. Bây giờ, với nhiều người từ thấp nhất đến cao nhất cái đạo lý cao nhất là cái cá nhân Tôi, cái gì Tôi muốn, Tôi thích. Thế còn tất cả những điều đạo lý các vị nói đấy đều là nói dối, nói như thế nhưng các vị có tin vào điều đó đâu? Thậm chí các vị nói như thế nhưng các vị làm ngược lại. Và đó là thực trạng của nền giáo dục nước ta hiện nay.

Cái mô hình kinh tế tập trung bao cấp kế hoạch hóa ấy đã hoàn thành sứ mệnh chống giặc  giữ nước rồi. Phải là cái mô hình tập trung bao cấp kế hoạch hóa ấy mới tập trung được nhân tài vật lực, thóc gạo. Ở hậu phương ăn đói, mặc rách cũng được nhưng tất cả gạo phải đưa ra tiền tuyến. Nhưng mà đuổi được giặc rồi lại bắt người ta lại tiếp tục ăn khoai lang, ngô, sắn, thậm chí kéo nhau cả làng đi ăn xin, thì ai người ta chịu? Việc duy trì nó sau 1975 đã đưa đất nước lâm vào khủng hoảng sâu sắc và toàn diện nên Đảng đã từ bỏ nó, đã chuyển đổi sang kinh tế thị trường, bây giờ lại đang chủ trương cơ cấu lại và tái cấu trúc đầu tư để phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Ấy vậy mà giáo dục thì về cơ bản vẫn y nguyên cái mô hình giáo dục là sản phẩm của đường lối kinh tế tập trung bao cấp kế hoạch hóa đã đạt được rất nhiều thành tích rồi, đã phát huy tối đa tác dụng rồi. Cái tư duy cơ bản của nó, ngày nay hay gọi là “triết lý giáo dục” ấy, đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Duy trì nó là thành ra trì trệ, càng cải càng rối như ông Nguyên Ngọc nói, càng đi “lạc đường” như GS Hoàng Tụy nhận định.

Trong nông nghiệp đã có cuộc "xé rào" quả cảm của người cộng sản chân chính Kim Ngọc, đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo. Vậy phải chăng ngành giáo dục không dám có một cuộc "xé rào" tương tự để có một nền giáo dục đứng đắn, trung thực như GS Hoàng Tụy, GS Hồ Ngọc Đại, nhà văn Nguyên Ngọc kiên định theo đuổi? Người ta nói trước hết là một nền giáo dục trung thực đã chưa cần nói cái chất lượng nó cao đến đâu. Trung thực, đừng có nói dối nữa.

PV: - Vậy thì lối thoát nào cho giáo dục nước ta, thưa ông?

NGƯT Vũ Thế Khôi: - Tôi ủng hộ một cuộc “nổi loạn tư duy giáo dục” như ông GS đảng viên CS họ Hồ yêu cầu. Phải thực sự đổi mới CĂN BẢN (tức từ gốc, từ triết lí giáo dục) và TOÀN DIỆN (tức cả hệ thống), tái cơ cấu hệ thống, tái cấu trúc đầu tư cho giáo dục, thực hiện một nền giáo dục vì con người, vì cuộc sống con người, không phải vì những nguyên lý đã lỗi thời. Nước ta là một trong số nước đầu tư cho giáo dục rất lớn, 20% ngân sách, nhưng 20% ấy đầu tư dàn trải từ Mẫu giáo cho đến Đại học, cho đến đào tạo Tiến sĩ. Vậy thì bây giờ hãy cơ cấu lại, đầu tư trước hết cho Tiểu học. Nếu Trung học cơ sở tức là 9 lớp là phổ cập thì đầu tư cho cả cấp đó nữa, bởi cái đó là luật, là nghĩa vụ của Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”.

Ở các nước học Đại học là nộp học phí, học phí rất cao. Đừng có tự hào rằng học phí Đại học nước ta thấp. Học phí phải cao thì học mới có chất lượng. Còn người nghèo mà có tài năng thì Nhà nước phải cấp học bổng cho người ta học nếu Nhà nước muốn có nhân tài. Nhà nước trước hết phải lo cho trường công, đảm bảo cấp phổ cập giáo dục. Nếu Nhà nước chỉ đảm bảo đến phổ thông cơ sở, còn phổ thông trung học phải đóng học phí thì những học sinh nghèo mà có năng lực thì Nhà nước phải trợ cấp cho các em học tiếp.

Cơ cấu lại để giáo dục thành tầng bậc, hết mỗi cấp học đều có lối rẽ ngang ra thị trường lao động chứ không phải chỉ có một lối duy nhất đi lên cấp cao hơn. Nếu quả thực là vì cuộc sống của mọi người thì mỗi cấp học hãy có một lối rẽ ngang. Thiết kế một hệ thống giáo dục phải thiết kế từ trên xuống, từ cái đích cuối cùng. Còn đầu tư giáo dục là đầu tư từ dưới lên từ Mẫu giáo, Tiểu học đã rồi mới đến Trung học, Đại học. Trong những di nguyện của ông cụ thân sinh ra tôi (Cố GS Vũ Đình Hòe - vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Giáo dục Việt Nam - PV) để lại 300 chữ thôi là những điều ước mong về giáo dục thì điều đầu tiên là về giáo dục trẻ em: "Mong trẻ em không bị bạo hành, được thương yêu và lại được hưởng điều 15 của Hiến pháp 1946 như từng được hưởng trong những năm Dân chủ Cộng hòa đầy gian khổ đó là: "nền sơ học cưỡng bách và không học phí". Và chí ít ra, ngày Chủ nhật, ông bà được nhìn thấy lũ cháu chắt nghỉ ngơi, vui chơi để phát triển hài hòa tự nhiên về thể lực, trí tuệ và tâm hồn, đặng trở thành những chủ nhân ông mạnh mẽ, năng động, thông minh mà nhân hậu của đất nước mai sau".

PV: - Xin cảm ơn ông!
  • Huyền Biển (Thực hiện)

http://phunutoday.vn/xinhan/201111/Giao-duc-can-co-mot-cuoc-xe-rao-Trung-thuc-tuc-khong-noi-doi-nua-2114172/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét