17/11/11

Tranh cãi mới về phim 'Lý Công Uẩn'

Quốc Phương



Cảnh trong phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long"
Cảnh trong phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" do công ty Trường Thành chủ trì sản xuất.

Tin bộ phim truyền hình gây tranh cãi "Lý Công Uẩn - đường đến thành Thăng Long" do công ty cổ phần Trường Thành kết hợp với đối tác Trung Quốc Đông Minh Vệ Thị (SEASTV) sản xuất, sắp được Truyền hình Việt Nam (VTV) trình chiếu tiếp tục tạo ra các dư luận trái chiều.
Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện, người phản đối việc công chiếu bộ phim, khởi xướng loạt bài mới từ hôm 13/11/2011 trên trang blog cá nhân của mình với tựa đề "VTV chuẩn bị công chiếu bộ phim phản quốc," trong đó trích đăng lại một bài báo trên tờ Người Hà Nội hôm 19/10/2011, thông báo về việc "chuẩn bị công chiếu" bộ phim.
"Cuối cùng thì, như số phận nổi chìm của nó - trước bao sóng gió của dư luận, bộ phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" từng bị phản đối dữ dội ròng rã suốt một năm trời, đến nay "số phận" đó được định đoạt một cách có hậu: đó là, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã có văn bản chính thức về việc phổ biến bộ phim, sau ba lần "nâng lên đặt xuống" của Hội đồng duyệt phim Quốc gia," bài báo có đoạn viết.
"Còn việc nội dung phim có xuyên tạc lịch sử, có "thân Tàu" hay không thì, Văn bản số 738/BVHTTDL-ĐA của Bộ VH-TT&DL cũng thể hiện rõ: "Về cơ bản tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng, không bị bóp méo, luôn đề cao tầm vóc và tình cảm của một vị vua vì dân, thương dân, biết đặt lợi ích của dân tộc lên lợi ích cá nhân.
"Chúng tôi thấy là chúng tôi quyết gióng lên tiếng nói để bảo vệ văn hóa của dân Việt của mình. Trong chuyện này có một ý đồ lộ liễu và có thể nói là có một ý đồ xâm lược, một sự xâm lược về văn hóa"
Blogger Nguyễn Xuân Diện
"Nội dung không có gì vi phạm về chính trị, cũng như mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc," tờ Người Hà Nội trong một đoạn khác viết, khi đưa thông tin bộ phim sắp được chiếu.
Trả lời câu hỏi của BBC hôm 14/11 về việc tờ Người Hà Nội có biết chắc chắn hay không về việc bộ phim sẽ được (VTV) phát sóng, như tinh thần bài báo từ hôm 19/10, ông Bùi Việt Mỹ, Tổng Biên tập Người Hà Nội cho hay chưa chắc chắn về "thời điểm công chiếu":
"Có thể là trong một vài ngày nữa," lãnh đạo tờ báo này nói, và cho biết rằng ông sẽ cần kiểm tra thêm vì "bài báo đăng cũng đã lâu."
Thế nhưng, cũng hôm thứ Hai, cùng ngày, ông Trịnh Văn Sơn, tác giả kịch bản, giám đốc sản xuất và tổng giám đốc công ty cổ phần Trường Thành nói với BBC:
"Tôi không có thông tin về việc đó," ông Sơn nói và thêm rằng ông sẽ kiểm tra lại thông tin này.
'Xâm lược văn hóa'
Cảnh trong phim Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long
Nhà sản xuất phim, công ty Trường Thành, cho rằng nhóm làm phim đã tham khảo nhiều tài liệu văn hóa "thuần Việt."

Trước câu hỏi, vì sao blogger Nguyễn Xuân Diện không phản ứng ngay về bài báo trên tờ Người Hà Nội từ hạ tuần tháng Mười, hoặc ngay khi văn bản số 738 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành một thời gian trước đó, mà phải đợi tới trung tuần tháng Mười Một mới lên tiếng ông Diện nói:
"Chúng tôi nghe ngóng và chúng tôi mới được biết bộ phim đó hình như là đài truyền hình Việt Nam sắp công chiếu nó lên sóng. Và thời điểm công chiếu dường như cũng gần đến nơi rồi. Chúng tôi thấy là chúng tôi quyết gióng lên tiếng nói để bảo vệ văn hóa của dân Việt của mình.
"Trong chuyện này có một ý đồ lộ liễu và có thể nói là có một ý đồ xâm lược, một sự xâm lược về văn hóa."
Ông Diện cũng cho rằng không cần đợi tới khi điều mà ông tin là một "nọc độc văn hóa" được tung ra mới xử lý, mà phải ngăn ngừa ngay từ đầu. Tiến sỹ Diện còn cho hay ông và nhà sử học, Giáo sư Lê Văn Lan đã có kế hoạch tới trước cửa Đài Truyền hình Việt Nam để "phản đối" nếu bộ phim được cho phép chiếu.
"Bản thân tôi là một người làm phim, tôi không bao giờ mong muốn bất kỳ một bộ phim nào bị cấm cả. Bởi vì thái độ với một bộ phim tốt nhất là dành cho tất cả mọi người."
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên
Có vẻ như bộ phim truyền hình 19 tập lấy chủ đề lịch sử này của Việt Nam tiếp tục là một chủ đề "gây tranh cãi" và sẽ tiếp tục đặt ra câu hỏi về hướng xử lý ra sao đối với các nhà sản xuất, giới phê bình, ngành văn hóa và công chúng.
Trao đổi với BBC hôm 14/11, đạo diễn điện ảnh Bùi Thạc Chuyên cho rằng:
"Bản thân tôi là một người làm phim, tôi không bao giờ mong muốn bất kỳ một bộ phim nào bị cấm cả. Bởi vì thái độ với một bộ phim tốt nhất là dành cho tất cả mọi người."
Tuy vậy ông Chuyên, người đã được cơ quan chức năng mời xem bộ phim để cho ý kiến, cho hay nếu được tư vấn làm lại bộ phim từ đầu, các nhà sản xuất theo ông cần lưu ý một số điểm:
"Cần phải bỏ ra công sức càng nhiều càng tốt, dù có thể không được 100%, để đưa vào tinh thần của người phương Nam, người Việt, tôi thấy rất là quan trọng, bởi vì đó là sự trân trọng đối với Tổ tiên. Phải giữ được tinh thần, không khí, cảnh quan, hay những cái gì đó của đất nước.
"Và cái thứ hai là tất cả thành phần sáng tác chủ yếu phải là người Việt, tôi nghĩ như thế thì tốt hơn," đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét