2/2/12

Linh mục và của cải trần gian


Một tinh thần nghèo khó như thế cần phải được đóng ấn trên cách ăn ở, thái độ, cử chỉ, đời sống và bộ mặt của các linh mục, vì các vị là mục tử và là người của Thiên Chúa.
Trong các đòi hỏi phải từ bỏ do Chúa Giê-su đưa ra cho các môn đệ, có một đòi hỏi về của cải vật chất, đặc biệt là tiền của (Mt 19,21 ; Mc 10,21 ; Lc 12, 33 và 18,22). Đó là một lời yêu cầu gửi cho Ki-tô hữu theo tinh thần nghèo khó, nghĩa là gỡ lòng ra cho khỏi dính bén của cải, để có thể quảng đại phục vụ người khác. Nghèo khó là một lối sống cam kết dựa vào lòng tin vào Chúa Giê-su và lòng mến dành cho Người. Đó là một tinh thần đòi phải có một sự thực tập, một sự từ bỏ của cải tương ứng với ơn gọi Ki-tô hữu, trong tư cách riêng hay theo lời cam kết của một cộng đoàn hiến thánh. Tinh thần nghèo khó có giá trị dối với mọi người. Mỗi người phải thực hành cách nào đó cho hợp với Tin Mừng.
Truyền chức Linh mục
Đức nghèo khó mà Chúa Giê-su yêu cầu các Tông Đồ thực hành là một mạch suối tu đức không thể cạn kiệt đối với các ngài, cũng không phải chỉ dành cho những nhóm đặc biệt, vì tinh thần nghèo khó cần cho mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Tuy nhiên, trung thành với tinh thần không có nghia là phải từ bỏ mọi sở hữu hay bãi bỏ quyền này đối với các Ki-tô hữu và các linh mục. Nhiều lần Huấn quyền đã kết án những ai chủ trương như thế (x DS 760, 930; 1097) đồng thời cũng tìm cách hướng dẫn tư tưởng và hành động theo đường lối ôn hòa. Thật đáng phấn khởi khi thấy rằng cùng với thời gian và nhờ ảnh hưởng của nhiều vị thánh xưa cũng như nay, ý thức về lời kêu mời sống đức nghèo khó theo Tin Mừng mỗi ngày một rõ nét và sâu sắc hơn nơi hàng giáo sĩ,trong tư tưởng cũng như trong hành động. Điều này phù hợp với những đòi hỏi của đời linh mục thánh hiến. Hoàn cảnh xã hội và kinh tế trên thế giới đã góp phần làm cho điều kiện, tình trạng nghèo khó thật sự của các cá nhân cũng như đoàn thể nên hữu hiệu, ngay cả khi những cá nhân và đoàn thể này, do bản chất, cần nhiều phương tiện để hoàn thành nhiệm vụ. Trong nhiều trường hợp, chúng ta phải đứng trước một tình trạng khó khăn và nan giải. Hội thánh tìm lối giải quyết bằng nhiều cách, nhất là kêu gọi lòng hảo tâm của các tín hữu, để có thể lo việc thờ phượng, hoạt động bác ái, nuôi dưỡng chủng sinh, làm việc truyền giáo v.v… Có được một ý thức về đức nghèo khó thật là một phúc lành cho đời linh mục cũng như đời sống của mọi Ki-tô hữu, bởi vì ý thức đó sẽ giúp cho dễ tuân hành các lời khuyên và yêu cầu của Chúa Giê-su hơn.
Đức nghẻo khó theo Tin Mừng không hề khinh chê của cải trần gian mà Chúa ban cho con người sử dụng, để sống và hợp tác với chương trình sáng tạo của Người. Theo Công Đồng Va-ti-ca-nô II, linh mục cũng như mọi Ki-tô hữu đều có nhiệm vụ ca tụng và tạ ơn, nên phải nhìn nhận và tán dương lòng quảng đại của Cha Trên Trời được biểu lộ trong các của cải trần gian (PO, 17).
Công Đồng còn nói thêm, đang khi sống ở trần gian, các linh mục phải luôn luôn nhớ rằng mình không thuộc vế thế gian này (Ga 17,14-16) và phải gỡ mình ra cho khỏi mọi ràng buộc quá đáng, hầu đạt được một tư thế thiêng liêng thích hợp với thế gian và những thực tại thế trần (Pastores do vobis, 30) Phải nhận rằng đó là một vấn đề tế nhị. Hội thánh thi hành sứ vụ giữa thế gian và của cải vật chất là điều hoàn toàn cần thiết cho con người được phát triển. Chúa Giê-su đã không cấm các Tông đồ nhận những thứ cần thiết cho đời sống ở trần gian. Người cũng xác nhận quyền của các ông khi sai các ông đi rao giảng: “Người ta cho ăn uống thức gì thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công.” (Lc 10,7 ; x Mt 10,10). Thánh Phao-lô nhắc cho tín hữu Co-rin-tô: “Chúa truyền cho những ai rao giảng Tin Mừng phải sống nhờ Tin Mừng.” (1 Cr 9,14) Thánh nhân cũng luôn yêu cầu: “Người được học lời Chúa, hãy chia sẻ mọi của cải với người dạy dỗ mình (Gl 6,63).
Vậy, các linh mục có của cải vật chất để sử dụng là điều chính đáng theo huấn lệnh của Chúa và Hội thánh (PO, 17). Về điểm này, Công Đồng đưa ra những chỉ dẫn cụ thể.
Trước hết, việc quản trị tài sản chính thức của Hội thánh phải được bảo đảm theo các luật lệ của Hội thánh và với sự trợ giúp của các giáo dân thành thạo. Những của cải này phải luôn luôn được sử dụng để tổ chức công việc thờ phượng, bảo đảm cho các linh mục một mức sống vừa đủ, yểm trợ các công việc tông đồ, bác ái, đặc biệt giúp người nghèo. Phần còn lại phải dành ra để phục vụ Hội thánh và những công việc bác ái, từ thiện. Phải đặc biệt nhấn mạnh điều này là các chức vụ trong Hội thánh đối với các linh mục và cả các giám mục, không bao giờ được là cơ hội để làm giầu cho cá nhân hay gia đình mình. Vì thế,  các linh mục chẳng những không được dính bén của cải mà lại còn phải tránh xa mọi dáng dấp của sự ham muốn và cẩn thận loại bỏ mọi hình thức buôn bán. Tựu trung, nên nhớ rằng trong việc dùng của cải, tất cả đều phải dựa vào Tin Mừng và điễn ra theo ánh sáng của Tin Mừng.
Khi linh mục làm những công việc đời hay quản trị công việc thế tục không thuộc phạm vi thánh thiêng, cũng phải theo nguyên tắc nói trên. Thượng Hội Đồng năm 1971 tuyên bố rằng: “Bình thường linh mục phải dành toàn thời giờ cho công việc theo chức vụ. Vậy tuyệt đối không được coi việc tham gia các hoạt động thế tục như mục đích chính. Những công việc này không thể diễn tả cách thỏa đángtrách nhiệm riêng biệt của linh mục” (Ench. Vat. IV, 1191). Thượng Hội Đồng đã bày tỏ lập trường và thái độ trước khuynh hướng tục hóa hoạt động của linh mục, muốn linh mục có thể làm một nghề như những người khác ở đời.
Quả thật, có những trường hợp và những nơi người ta không biết Chúa Ki-tô, nên cách hữu hiệu nhất để đưa Hội thánh dến với họ là có những linh mục cùng làm việc và sinh sống như họ và ở giữa họ, như thời các linh mục thợ. Lòng quảng đại của những linh mục này thật đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, cũng phải coi chừng vì khi làm như vậy, linh mục có thể đẩy xuống hàng thứ yếu hay loại bỏ thừa tác vụ linh mục của mình. Vì mối nguy cơ này, như kinh nghiệm chứng tỏ, Công Đồng đòi linh mục nào muốn làm việc lao động như những công nhân phải được giám mục của mình ưng ý và cho phép. (PO, 8). Thượng Hội Đồng năm 1971 đã đặt ra câu hỏi là linh mục làm việc đời có nên và thích hợp không. Điều đó tùy thuộc giám mục và linh mục đoàn trong giáo phận mình, và sau khi đã tham khảo, nếu cần, nên xin ý kiến của HĐGM. (Ench. Vat. IV, 1192)
Đôi khi có những trường hợp,như đã xảy ra trong quá khứ, là có những linh mục có khả năng và được huấn luyện kỹ, hoạt động trong lãnh vực lao động hay văn hóa, nghệ thuật không trực tiếp ăn nhằm với công việc đạo. Vậy, phải coi đây là trường hợp hết sức đặc biệt và phải theo tiêu chuẩn Thượng Hội Đồng năm 1971 đã đề ra như mới nói trên đây, nếu muốn trung thành với Tin Mừng và Hội thánh.
Chúa Giê-su đã sinh ra và lớn lên trong sự nghèo khó. Thánh Phao-lô nhắc bảo chúng ta:“Người vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em.” (2 Cr 8,9). Cũng chính Đức Ki-tô đã nói với anh thanh niên giầu có muốn theo Người: “Con chồn có hang,  chim trời có tổnhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Lc 9,57) Những lời này cho thấy một cảnh trơ trụi hoàn toàn, không có chút gì là tiện nghi vật chất. Nhưng không nên vì thế mà vội kết luận Chúa Giê-su sống trong cảnh cơ cực, bần cùng, túng đói. Có những đoạn trong Tin Mừng nói Người được mời và nhận lời mời tới nhà những người giầu có (Mt 9,10-11; Mc 2, 15-16 ; Lc 5,29 ; 7,36 ; 19,5-6). Người được các bà, các cô trợ giúp trong các nhu cầu vật chất (Lc 8,2-3 ; Mt 27,55 ; Mc 15,40 ; Lc 23,55-56) để Ngườicó thể bố thí cho kẻ nghèo. (Lc13,29)
Một tinh thần nghèo khó như thế cần phải được đóng ấn trên cách ăn ở, thái độ, cử chỉ, đời sống và bộ mặt của các linh mục, vì các vị là mục tử và là người của Thiên Chúa. Điều ấy có thể được diễn ra bằng một thái độ vô vị lợi, một sự dứt bỏ đối với tiền bạc, một sự từ chối mọi thứ ham muốn chiếm hữu của cải vật chất, một lối sống đơn sơ, một nơi ở bình thường ai cũng tới được, không có gì xa hoa đài các.
Chúa Giê-su đã đến rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo. Linh mục, giám mục phải tránh hết sức những gì có thể đưa mình xa người nghèo (PO, 17). Ngược lại, nếu sống nghèo khó theo tinh thần Tin Mừng, các vị sẽ đi đến với họ, tìm cách chia sẻ giúp đỡ họ về vật chất cũng như tinh thần. Đó là bằng chứng về Chúa Giê-su nghèo khó của những linh mục nghèo khó, bạn của người nghèo. Đó là ngọn lửa tình yêu bập bùng cháy lên trong đời sống của các linh mục. Nó sẽ có sức chiếu giãi và thu phục nhân tâm hơn những gì khác. Nguyên một việc linh mục sống bình dị, không ham tiền đã là một bằng chứng quí giá cho việc rao giảng Tin Mừng rồi.
L.m. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p
.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét