5/3/12

Ninh Thuận nên dừng lại nếu vẫn còn kịp

 chủ nhật, 4 tháng 3, 2012
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
GS Thuyết nói nên xem lại các quyết định của chính quyền về dự án Ninh Thuận.
Cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết Bấmnói với BBC ông tin rằng Việt Nam "nên dừng lại" dự án xây nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận "nếu vẫn còn kịp," đồng thời gợi ý vẫn có thể "xin lại ý kiến" của Quốc hội của Đảng kể cả khi đã có các nghị quyết được "thông qua" trước đây.
Phát biểu chỉ một tuần trước khi thế giới tưởng niệm tròn một năm sự cố thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản bị mất an toàn do sóng thần gây ra (11/3/2011-11/3/2012), Giáo sư Thuyết tái khẳng định Việt Nam "không đáng phiêu lưu" với các dự án mà theo ông lợi có thể bất cập hại.
"Về dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, khi bàn thảo ở Quốc hội, tôi cho rằng không đáng phải phiêu lưu về sự an toàn và về cả an toàn kinh tế để mở ra hai nhà máy mà chỉ đóng góp có 4% tổng năng lượng quốc gia.
"Sau khi tôi đã có ý kiến như vậy, tôi thấy có rất nhiều chuyên gia đã phân tích rất sâu về sự tốn kém và sự không an toàn của điện hạt nhân. Và hiện nay, xu hướng ở trên thế giới, người ta cũng bỏ dần điện hạt nhân.
"Khá nhiều quốc gia đã đình chỉ, tiến tới gỡ bỏ các nhà máy điện hạt nhân. Không có lý do gì mà chúng ta cứ cố kiết làm một việc đi ngược lại xu hướng chung của khoa học kỹ thuật thế giới như vậy, mà những khả năng xảy ra mất an toàn cũng rất dễ."
"Chúng ta đã thấy Nhật là một đất nước tiên tiến như thế nào, nhưng chỉ một trận sóng thần của họ đã làm cho nhà máy hạt nhân ở Fukushima trở nên mất an toàn và làm cho Nhật thay đổi chính sách về điện hạt nhân.
"Chúng tôi nghĩ rằng cần thay đổi tư duy. Nếu những điều đã đưa ra trong nghị quyết của Quốc hội, của Đảng, bây giờ so sánh với thực tế có những điều không phù hợp nữa, thì mình có thể thay đổi"
GS Nguyễn Minh Thuyết
Giáo sư Thuyết nói ông đã tham khảo ý kiến của một số chuyên gia có uy tín trong và ngoài nước liên quan tới vấn đề xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, trong đó có đọc các ý kiến của Giáo sư Phạm Duy Hiển ở trong nước và Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn ở Pháp, trên BBC, mà theo ông là đáng chú ý:
"Tôi cho rằng đây là những lời cảnh báo xuất phát từ trách nhiệm đối với công việc chung và tôi mong rằng các cơ quan chức năng, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải suy nghĩ lại vấn đề này.
"Hiện nay chúng ta mới tiến hành đàm phán, ký kết bản ghi nhớ, thực sự ra vẫn chưa tiến hành một bước gì sâu lắm. Tôi được biết một số chuyên gia nước ngoài cũng đã khảo sát ở vùng mà chúng ta định đặt nhà máy điện hạt nhân cũng thế thôi. Nhưng nếu còn kịp dừng lại, thì theo tôi, nên dừng lại."
Ai chịu trách nhiệm?
Một nhà hoạt động phản đối điện hạt nhân ở Nhật Bản
Nhật Bản đã dừng 14 dự án xây mới nhà máy điện hạt nhân và đóng cửa 52 lò phản ứng sau sự cố ở Fukushima.
Giáo sư Thuyết tin rằng Việt Nam cần thay đổi tư duy về việc cứu xét lại các quyết định, trong trường hợp một dự án có tính hệ trọng rất lớn, có độ rủi ro khó lường liên quan an toàn, sinh mạng của người dân địa phương cũng như cả nước, như trong xây dựng nhà máy điện hạt nhân:
"Thường ở Việt Nam, khi Quốc hội, Đảng đã có nghị quyết, người ta rất khó làm khác với những nghị quyết ấy.
"Nhưng chúng tôi nghĩ rằng cần thay đổi tư duy. Nếu những điều đã đưa ra trong nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Đảng, đến bây giờ so sánh với thực tế có những điều không phù hợp nữa, thì mình có thể thay đổi.
"Có thể thậm chí xin lại ý kiến Quốc hội, xin lại ý kiến của Đảng, cái đó không có gì quá phức tạp cả vì an toàn cho dân tộc, an toàn cho nền kinh tế mới là điều quan trọng."
"Có thể chuyện ấy xảy ra sau vài chục năm, lúc ấy những người quyết định, xin lỗi là (họ) khuất núi rồi hay quá già yếu rồi, thì khi ấy, ai buộc được họ chịu trách nhiệm?"
GS Nguyễn Minh Thuyết
Giáo sư Thuyết cũng đề cập vấn đề ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm ra sao nếu một sự cố nghiêm trọng mất an toàn hạt nhân xảy ra ở Ninh Thuận.
"Dĩ nhiên những người quyết định dự án này sẽ phải chịu trách nhiệm, và những người điều hành cụ thể dự án này trong thời gian xảy ra sự cố sẽ phải chịu trách nhiệm. Chỉ có điều là trong quy định của pháp luật Việt Nam, những người đề ra chính sách không đúng gần như không phải chịu trách nhiệm.
"Hai nữa là chúng ta không thể nghĩ trong vòng vài năm tới xảy ra chuyện gì, mà có thể chuyện ấy xảy ra sau vài chục năm, lúc ấy những người quyết định, xin lỗi là (họ) khuất núi rồi hay quá già yếu rồi, thì khi ấy, ai buộc được họ chịu trách nhiệm?"
Đặc biệt, cựu Đại biểu Quốc hội cũng nêu quan điểm về có nên trưng cầu dân ý về dự án Ninh Thuận hay không: "Tôi cho rằng với việc lần đầu tiên Việt Nam làm, mà chưa hề có kinh nghiệm, thậm chí gần như chưa hề có chuyên gia, mà có rất nhiều lời cảnh báo thế này, thì cần phải thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý rộng rãi hơn.
"Nhưng để cho người dân có thể bỏ phiếu thể hiện ý kiến của mình một cách chính xác, cần phải có giải thích rất rõ ràng với người dân, và khi giải thích cần phải nói cả hai luồng ý kiến nghịch và thuận.
"Như thế người dân mới có điều kiện để suy nghĩ, đưa ra phán quyết của người dân một cách chính xác," ông nói với bbcvietnamese.com.

Thêm về tin này

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét