29/7/10

Nói dối vẫn được trọng dụng, tội gì nói thật!

Bài viết “Anh về Bộ Giáo dục theo đường dây nào?” nói theo tiếng Anh là hết sức “revealing”!  Revealing vì bài viết nói lên nạn bè phái trong cơ quan đầu não của hệ thống giáo dục của nước ta.  Tôi chợt nghĩ đến ông Nguyễn Thiện Nhân, nếu không có cái thế chính trị thì chắc gì ông có thể xin vào làm công chức của Bộ GDĐT.

Đó chỉ là trường hợp ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứ còn các bộ khác thì chắc cũng chẳng khác nhau mấy.  Tôi nghĩ tình trạng này chẳng những nói lên “chính trị” bè phái và phe nhóm trong các bộ, và các nhóm này chia chác nhau, luân phiên nhau nắm quyền.  Có lẽ chính vì thế mà dù bộ trưởng có quyết tâm cách mấy thì cũng không thay chuyển được tình thế vì bộ trưởng sẽ cô đơn trong một môi trường bè cánh như thế.  Vấn đề còn có thể phản ảnh một khía cạnh tế nhị và nhạy cảm khác mà không ai chịu nói ra: đó là sự chia rẽ Bắc Nam.  Thử tưởng bạn là người miền Nam, bạn chẳng quen biết ai ngoài đó, còn trẻ và chưa là đảng viên, nhưng bạn nghĩ rằng mình có khả năng chuyên môn, bạn nộp đơn xin việc trong Bộ GDĐT, có lẽ đơn của bạn sẽ rơi vào cái khoảng im lặng đáng sợ.  Người ta sẽ nhìn bạn là kẻ đến từ vùng đất thua trận, bạn không có tư cách gì làm việc ở đây, bạn sẽ mãi mãi là kẻ nô lệ, kẻ thừa hành, vì tất cả đều được quyết định ở đây, ở nơi ngàn năm văn vật này :-).  Nói vậy chắc hơi qúa đáng, vì tôi nghĩ người Bắc không kì thị người Nam bằng người Nam kì thị người Bắc.  Nhưng tại sao thì là một vấn đề tâm lí thú vị khác.  Tôi nghĩ sẽ rất thú vị nếu ai đó chịu khó làm một thống kê xem bao nhiêu nhân viên trung cấp và cao cấp trong các bộ là người miền Nam.  Giả thuyết đặt ra là con số đó sẽ dưới 10%.  Rồi, bạn thử phản nghiệm giả thuyết đó đi!
Quay lại bài viết của bác Hồ Bất Khuất: thật ra, bài viết đã bị biên tập khá nhiều.  Tôi không hiểu tại sao TuanVietNam lại chua thêm phía dưới bài rằng “Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả”.  Đương nhiên là quan điểm của tác giả.  Tác giả đủ lớn để chịu trách nhiệm bài viết của mình chứ.  Chẳng lẽ bài nào phù hợp với quan điểm của TuanVietnam là không cần chua thêm sao?  Tôi đã đọc bản gốc của bài viết có tựa đề là “Giáo dục: Nói dối vẫn được trọng dụng, tội gì nói thật!” và trong đó có nhiều chi tiết thú vị hơn bài bị biên tập trên TuầnVietnam nhiều.  Chẳng hạn như có đoạn tác giả chứng minh nói dối vẫn được trọng dụng:
"Tôi ví ngành giáo dục hiện nay đang trong tình trạng “những tờ giấy bay lung tung trong phòng”. Muốn giải quyết triệt để vấn đề, việc đầu tiên phải “đóng cửa sổ”, sau đấy mới đi “nhặt giấy”. Theo tôi, việc giải quyết những vụ tiêu cực cụ thể của từng cá nhân, từng ngôi trường, chỉ là “nhặt giấy”. Còn việc mà lãnh đạo Bộ GD-ĐT phải làm cấp bách hiện nay là “đóng cửa sổ”, nghĩa là phải tạo ra không khí, môi trường mà ở đó hiện tượng tiêu cực không có khả năng tồn tại. Muốn vậy, trước hết, Bộ GD-ĐT phải đề cao hai thứ: trí tuệ và sự trung thực. Hay nói một cách đơn giản: ngành giáo dục phải sử dụng những người giỏi và thật thà.
Tôi thấy Bộ GD-ĐT chưa làm tốt điều này. Ví dụ cụ thể nhất là ông Thứ trưởng Phạm Vũ Luận và bà Vụ trưởng Trần Thị Hà mới đây nói không đúng về việc các trường đại học ngoài công lập không xin phép mở các ngành báo chí, luật, sư phạm. Thế mà chẳng bao lâu sau đó, ông Phạm Vũ Luận được giao quyền điều hành hoạt động của Bộ GD-ĐT. Hóa ra, nói không đúng mà vẫn được trọng dụng, tội gì mà nói thật!"
Tiếc là TuanVietnam không đăng đoạn này :-).
NVT
====

"Anh về Bộ Giáo dục theo đường dây nào?"

Tác giả: Hồ Bất Khuất
Việc mà lãnh đạo Bộ GD và ĐT phải làm cấp bách hiện nay là "đóng cửa sổ", nghĩa là phải tạo ra không khí, môi trường giáo dục mà ở đó hiện tượng tiêu cực không có khả năng tồn tại. Muốn vậy, trước hết, Bộ GD và ĐT phải đề cao hai thứ: Trí tuệ và sự trung thực.
Trong vòng một phần tư thế kỷ trở lại đây, giáo dục luôn nằm ở trung tâm sự chú ý của xã hội cũng như của báo chí. Đã có quá nhiều ý kiến, tham góp của các tầng lớp từ các bậc trí giả đến người thường dân. Nhưng hầu như chất lượng giáo dục không nâng lên được bao nhiêu, tiêu cực trong giáo dục không giảm đi, yếu kém vẫn tiếp tục bộc lộ. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chính nằm ở khâu sử dụng con người không đúng và tư duy lạc hậu, xơ cứng của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Muốn tồn tại được ở đây, phải biết im lặng!"
Năm 1995, sau hơn mười năm công tác tại Tạp chí Cộng sản và bảo vệ luận án tiến sỹ báo chí ở Nga, tôi được một người bạn (Phó Tổng biên tập) mời về Tạp chí Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp (ĐHGDCN). Xuất hiện ở 49 Đại Cồ Việt, Hà Nội (trụ sở Bộ GD và ĐT), tôi chỉ được hỏi: "Người quen của anh ở đây là ai?", "Anh về đây theo đường dây nào?"...
Một người quen cũ của tôi (chúng tôi quen nhau khi anh là Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ), nay về giữ một cương vị quan trọng thuộc Bộ GD và ĐT gặp tôi, dặn: "Muốn tồn tại được ở đây, phải biết im lặng!". Tôi rất băn khoăn vì tôi về đây là để nói (làm báo) mà để tồn tại, phải im lặng, thế thì tôi biết làm gì?!
Nhưng tôi về Bộ GD và ĐT với nhiệm vụ rất cụ thể: Xin phép xuất bản Tạp chí "Sinh viên" (phụ trương) và góp phần nâng cao tính lý luận của Tạp chí ĐHGDCN. Tôi và bạn bè làm việc cật lực, tháng 1/1996, "Sinh viên" ra số đầu tiên. Từ đó, giới sinh viên có một diễn đàn để trao đổi về mọi vấn đề liên quan đến đời sống của trí thức trẻ. Mỗi lần "Sinh viên" ra số mới, sinh viên các trường đến tận nhà in để lấy đọc. Chúng tôi rất vui mừng. Đó là niềm động viên ấm áp với người làm nghề.
Sau một chuyến công tác ở các tỉnh phía nam ra, tôi gặp một người lạ ở tòa soạn. Mọi người giới thiệu đây là lãnh đạo mới của tạp chí. Sau tôi mới biết bằng cấp của anh không liên quan gì tới báo chí. Anh học cùng lớp, cùng chuyên ngành và có bằng cấp như một học trò của tôi ở lớp đào tạo tại chức báo chí.
Như vậy là hai người có bằng cấp như nhau, một người thì đi học ở lớp đại học báo chí tại chức mà tôi giảng dạy, còn anh thì lãnh đạo, chỉ đạo tôi phải làm báo thế nào. Tôi cảm thấy có điều gì không ổn.
Cảm giác của tôi nhanh chóng thành sự thật: Chẳng bao lâu sau đó người ta "xóa sổ" Tạp chí ĐHGDCN bằng cách sáp nhập với một tạp chí khác. Đây là một tạp chí rất có uy tín, có nhiều đóng góp cho giáo dục đại học. Tạp chí này do cố Bộ trưởng Tạ Quang Bửu sáng lập. Thế mà nó bị xóa sổ!
Với việc xóa sổ Tạp chí ĐHGDCN, Bộ GD và ĐT cùng một lúc vứt bỏ hai công cụ tuyên truyền đối với giáo dục đại học, vì tạp chí "Sinh viên" cũng không có cơ sở tồn tại khi tạp chí "mẹ" bị sáp nhập. Điều mỉa mai là người ta xóa sổ tờ tạp chí này sau khi nhận Huân chương Lao động do Nhà nước phong tặng!
Với báo chí của ngành thì Bộ dẹp bỏ, với báo chí bên ngoài, hầu như Bộ chỉ tìm cách đối phó, ít khi chịu tiếp thu những kiến nghị, những đề xuất về yếu kém của giáo dục được nêu. Vậy thì làm sao khá lên được?!
Riêng tôi, vẫn nhớ tới câu hỏi phủ đầu: "Anh về đây theo đường dây nào?"
Có bao nhiêu người thực tài và trung thực?
Năm 2006, chuyện thầy giáo Đỗ Việt Khoa chống tiêu cực trong giáo dục nổi tiếng cả nước. Thầy Khoa được đích thân Bộ trưởng Bộ GD và ĐT đến tận nhà thăm và khen thưởng. Sau đó thầy Khoa còn được đề cao ở nhiều hoạt động khác. Rồi từ chuyện thầy Khoa chống tiêu cực, ngành giáo dục nhóm lên cuộc vận động "Hai không" mang tính phong trào, mạnh mẽ, rộng khắp.
Ban đầu tôi rất mừng, nhưng chỉ sau năm đầu tiên, tôi lo lắng, bởi hoạt động chính, hoạt động cơ bản của giáo dục không phải chống tiêu cực mà là dạy và học.
Có một chuyện thuộc nguyên lý tư duy. Khi những tờ giấy trong phòng bị gió thổi bay lung tung, việc đầu tiên, chúng ta phải làm gì? Đi nhặt những tờ giấy bị bay hay đóng của sổ? Đây là một bài tập tư duy đơn giản.
Tôi ví ngành giáo dục hiện nay cũng đang trong tình trạng "đi nhặt những tờ giấy bay lung tung trong phòng". Muốn giải quyết triệt để vấn đề, việc đầu tiên phải "đóng cửa sổ", sau đấy mới đi "nhặt giấy". Việc giải quyết những vụ tiêu cực cụ thể của từng cá nhân, từng ngôi trường, chỉ là "nhặt giấy".
Còn việc mà lãnh đạo Bộ GD và ĐT phải làm cấp bách hiện nay là "đóng cửa sổ", nghĩa là phải tạo ra không khí, môi trường giáo dục mà ở đó hiện tượng tiêu cực không có khả năng tồn tại. Muốn vậy, trước hết, Bộ GD và ĐT phải đề cao hai thứ: Trí tuệ và sự trung thực.
Hay nói một cách đơn giản, ngành giáo dục phải sử dụng những người giỏi và thật thà, và mỗi cán bộ của Bộ GD và ĐT trước hết, nói như bài của tác giả  Trần Nam Hà, phải là tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên noi theo.
Thế nhưng tôi thấy Bộ GD và ĐT chưa làm tốt điều này. Ví dụ mới đây, vài vị lãnh đạo Bộ phát biểu không trung thực về việc các trường đại học ngoài công lập không xin phép mở các ngành báo chí, luật, sư phạm. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, vị cán bộ này lại được giao trọng trách lớn hơn ở ngay trong Bộ GD và ĐT. Hóa ra, nói không đúng vẫn được trọng dụng, tội gì mà nói thật (?)
Cuộc vận động "Hai không", sau năm đầu tiên ngành giáo dục có thiện chí thực sự muốn chống bệnh thành tích, gọi đích danh là bệnh dối  trá, thì chỉ ngay sau năm đó cho đến tận bây giờ, bệnh thành tích - dối trá lại quay trở lại, thản nhiên và trở thành điều "bình thường" của đời sống giáo dục.
Và nhìn kỹ, trong bộ máy quản lý của Bộ GD và ĐT hiện nay, có bao nhiêu người thực tài và trung thực?
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét