29/7/10

PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN LẠI ĐEM CHUYỆN “LÀM QUÀ” CHO ĐIỆN ẢNH ?

PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN LẠI ĐEM CHUYỆN “LÀM QUÀ” CHO ĐIỆN ẢNH ?

Đăng ngày: 00:32 23-07-2010

                                               Phạm Viết Đào.
Đại hội điện ảnh lần thứ VII tổ chức trong 3 ngày 20,21,22/7/2010 tại Cung hữu nghị Việt Xô được tổ chức hoành tráng về trang trí, hình thức, nhưng lại nghèo, tẻ và không thiết thực về các nội dung được đưa ra bàn thảo tại đại hội. Âu đó cũng là dấu hiệu nội suy của một ngành nghệ thuật từng một thời vang bóng nhưng giờ đang lâm vào cảnh chợ chiều, rã đám.
Theo dõi đại hội thấy lèo tèo các quan chức của các cơ quan chức năng đến dự, thảng hoặc có đến thì cũng là đến chiều lệ rồi lặn mất tăm để cho những người làm điện ảnh tự nói tự nghe với nhau. Nhiều đại biểu tham dự đại hội ngơ ngác bảo nhau: chắc điện ảnh hiện nay giống với tình cảnh của những anh chàng sa cơ lỡ vận, làm ăn thất bát; nhà có kỹ giỗ có đánh tiếng mời hàng xóm đến dự nhưng rồi người ta đều tìm cách thoái thác không đến, tránh xa để khỏi phiền. Người ta phải giữ khoảng cách với anh nghèo túng, sợ gần gũi thâm tình thì khó xử ngỗ nhỡ anh nghèo vác rá sang vay, xin...
Đến tham dự Đại hội điện ảnh chí thấy ông Lê Tiến Thọ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đến tham dự mỗi giờ đầu của buổi khai mạc nhưng không phát biểu gì; lãnh đạo Ban Tuyên giáo chỉ thấy mỗi ông Đỗ Kim Cuông hàm Vụ trưởng, Chính phủ có ông Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng, quan chức cao nhất dự khai mạc, phát biểu một số ý kiến và tặng bức trướng mang giòng chữ: ĐOÀN KẾT-DÂN CHỦ-XÂY DỰNG-SÁNG TẠO.
Ngoài bức trướng, ông Nguyễn Thiện Nhân, với tư cách Phó Thủ tướng phụ trách mảng văn hóa xã hội đã phát biểu một số ý kiến với đại hội rất đáng phải cân nhắc, thảo luận lại. Bên cạnh những biểu dương manh tính xã giao hiếu hỷ, ông Nguyễn Thiện Nhân đã hứa với những người làm điện ảnh một số vấn đề mà Chính phủ sẽ cam hết hỗ trợ để giúp ngành điện ảnh qua cơn bĩ cực.
Những người tham dự Đại hội chờ đợi ý kiến của ông, ý kiến của quan chức ở tầm quản lý vĩ mô những cao kiến, những sáng kiến nhằm tháo gỡ những vướng mắc đồng thời tạo môi trường thuận lợi để ngành này, ra đời cách đây hơn 50 năm, phát huy được nội lực và thế mạnh của mình. Ông Nguyễn Thiện Nhân với cương vị Phó Thủ tướng, đại diện cho Chính phủ đã phát biểu và đảm bảo các sự hỗ trợ của Chính phủ qua các ý kiến đáng chú ý sau đây:
- Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ việc đầu tư đào tạo cho điện ảnh để tăng nguồn nhân lực chất lượng cao; để có thể triển khai được nhiệm vụ này, hướng Chính phủ có thể sẽ cấp kinh phí cho việc gửi sinh viên đào tạo điện ảnh tại Nga và các quốc gia khác, có thể lên tới 300 suất học bổng;
- Sẽ tăng cường đầu tư cho cơ sở vật chất, kỹ thuật của ngành điện ảnh;
-Tăng thêm kinh phí để tăng lượng phim đặt hàng tài trợ từ phía nhà nước và sẽ tạo điều kiện để các cơ sở điện ảnh trong các nước có điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư thông qua hình thức đấu thầu…
Những ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân nghe ra có vẻ đúng bài bản, sách vở thị trường và ưu ái điện ảnh nhưng thực ra vẫn mang ý nghĩa của câu chuyện làm quà, để người nghe vui hơn là sáng kiến của những cao kiến ở tầm vĩ mô, những ý kiến nhằm tạo ra được những đột phá trong ngành điện ảnh nhằm thoát ra khỏi vòng vây của cơn lốc thị trường.Điện ảnh thật sự đang lâm vào cảnh chợ chiều: Đầu vào nhỏ giọt, đầu ra bí bét...

Ba nhà văn, "ba chàng ngự lâm" Hà Phạm Phú, Phạm Viết Đào, Đình Kính tham dự đại hội với tư cách hội viên...
Về ý kiến thứ nhất của của Phó Thủ tướng thực ra đúng nhưng không trúng: Hiện nay điện ảnh chưa phải đang khủng hoảng thiếu về nhân lực lao động có chất lượng mà sự khủng hoảng lớn nhất đó là “hệ điều hành” của nó đang trục trặc khiến cho cỗ máy “computer điện ảnh” thường xuyên hay bị treo máy, hay bị virus làm cho dở khóc dở cười. Trong đại hội điện ảnh, một đạo diễn điện ảnh trẻ tuổi đã đưa hình tượng này để ví với cơ chế hoạt động của ngành điện ảnh hiện nay.
Một chiếc Computer muốn hoạt động được phải có được 2 hệ: hệ thống ổ cứng và phần mềm được update lên; ổ cứng của điện ảnh đó là bộ máy tổ chức quản lý, sản xuất của ngành điện ảnh, còn phần mềm đó là các chính sách quản lý, đãi ngộ đối với các nghệ sĩ, hệ thống luật pháp…Hai cái này kết hợp lại thành hệ điều hành…
“Ổ cứng điện ảnh” hiện nay giống với một computer quá đát, quá hạn sử dụng, xuống cấp trầm trọng từ máy chủ: Bộ, Cục tới các hãng phim đều bộc lộ nhiều sự xuống cấp, nghiệp dư, bất cập với chức năng nhiệm vụ.Còn phần mềm đó là hệ thống luật pháp cho đầu tư sáng tác, “nguồn điện”( kinh phí ) cung cấp cho máy chủ lại phập phù không ổn định không đủ công suất; hệ thống luật pháp lạc hậu, ngớ ngẩn, bất cập.
Đó chính là nguyên nhân tạo nên sự ọc ạch thường xuyên của “computer điện ảnh”; muốn hệ điều hành được cải thiện, dễ sử dụng,hoạt động như ý thì điện ảnh cùng một lúc phải thay đổi và kiện toàn cả ổ cứng lẫn viết lại phần mềm…
Nếu là một chiếc máy tính, người sử dụng nếu do nhu cầu cần thiết có thể đi vay tiền bạn bè sắm cái mới và vứt cái cũ đi; nhưng đối với ổ cứng điện ảnh hiện nay thì lại không dễ làm theo cách đó. Tức là không thể một lúc loại bỏ ông này, bà kia đang chốt giữ những vị trí giống như những cục dự kiện trong máy tính. Song người Việt Nam vốn có truyền thống “ chân dép lốp mà vẫn bay vào vũ trụ được”, có thể sử dụng súng trường mà vẫn bắn rơi được máy bay Thần Sấm, Con Ma, do đó đòi hỏi ngay một cuộc cách mạng giống như vứt cái máy vi tính cũ đi, chạy vay tiền để mua cái mới là không tưởng trong tình hình cụ thể của ngành điện ảnh hiện nay. Vấn đề còn lại là cái phần mềm của ngành điện ảnh phải viết lại như thế nào để cái ổ cứng già nua vẫn không từ chối vận hành, vẫn tiêu hóa được và cho ra được sản phẩm.
Cái cốt yếu của điện ảnh hiện nay chính là ở chỗ đó chứ không phải do thiếu nhân lực chất lượng cao nên Chính phủ phải cấp tốc cho tiền đi đào tạo.Qua ý kiến của ông Nguyễn Thiện Nhân cho thấy Chính phủ vẫn chưa nhận ra cái phần mềm mà mình cài đặt, update cho cái computer điện ảnh đã lạc hậu như thế nào, chính cái phần mềm này đã đẩy nó vào tình cảnh tự làm khó nó, hủy phá nó. Hệ thống phần mềm đó là luật pháp và cơ chế hoạt động. Mặc dù đã ban hành Luật Điện ảnh nhưng luật này lại không bảo hộ được nguồn phim nội địa và buộc nó phải đối mặt so găng với những cao thủ võ lâm của thương trường điện ảnh.Cái cần gỡ giải ở tầm vĩ mô là ở chỗ đó chứ không phải là đào tạo thêm thợ vi tính mà thực chất nhiều người đang rỗi việc?
Luật điện ảnh và các chính sách hiện hành đã chưa biết cách bảo vệ các sản phẩm nội địa và các nhà sản xuất phim nội địa; trong bài Làm gì để giúp bần cố nông điện ảnh giành lại thửa ruộng nghe nhìn bị cướp, chúng tôi đã phân tích tình cảnh những người làm điện ảnh hiện nay giống như người nông dân bị cướp mất ruộng, tư liệu sản xuất chính dẫn tới bị bần cùng. Phải thấy được sự ách tắc chỗ đó, còn nếu chính phủ là cấp thêm tiền đào tạo tức là lại tăng thêm người thất nghiệp. Mà người nông dân rời ruộng đồng thì chỉ còn cách lên thành phố làm xe ôm và viết blog chứ làm được cái gì.
Còn ý kiến thứ 2 của Phó Thủ tướng thì thưa với ông, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và các cơ sở điện ảnh ngoài ngành đã sử dụng một nguồn ngân sách suýt soát 500 tỷ đồng, (theo tính toán của chúng tôi) mua sắm những trang thiết bị đắt tiền và hiện đại hàng đầu thế giới nhưng về đắp chiếu để đấy. Một năm điện ảnh làm được bao nhiêu phim nhựa mà mua tới trên chục máy quay Arriflex giá 200.000 USD/chiếc. Điện ảnh đã mua sắm dàn máy kỹ xảo khoảng 50 tỷ  đồng; có hệ thống hòa âm, in tráng hiện đại nhất Đông Nam Á trên 100 tỷ nhưng phát huy chưa hết 20 % công suất máy.
Nếu cỗ máy nhân sự điện ảnh ọc ạch lạc hậu thì hệ thống máy móc trang bị cho điện ảnh hiện nay không thua kém bất cứ trung tâm điện ảnh lớn nào của thế giới; nếu hế giới có lập tức Việt Nam sẽ chạy nhà nước cấp tiền cho mua ngay…Phó Thủ tướng phát biểu điều này đảm báo sẽ làm béo đám ký duyệt dự án đầu tư ở Bộ Văn hóa đấy.
Còn ý kiến thứ 3, ý kiến tổ chức đấu thầu các dự án làm phim đặt hàng từ nguồn tiến tài trợ là ý kiến mang tính chất đối phó tình thể và không nên coi là giải pháp tối ưu. Các trung tâm điện ảnh lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ người ta không làm thế mà người ta tiến hành theo phương thức chọn mặt gửi vàng…
Tóm lại sở dĩ Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu những ý kiến trên nếu nói là ngớ ngẩn thì tội cho ông, nguyên nhân ông không sâu sát tình hình là do bởi cái đám lãnh đạo Bộ Văn hóa cũng có nắm, có hiểu gì về điện ảnh đâu.Thần thiêng nhờ bộ hạ phải không thưa ông Phó Thủ tướng !
Với “ổ cứng” quá đát, được thiết kế và cài đặt bởi những công nghệ của những năm 60-70 của thế kỷ trước, nhưng lại phải thích ứng vận hàng những dữ liệu, của thế ký XXI; với hệ điều hành, vận hành và quản lý của ngành điện ảnh như hiện nay, với phần mềm được viết ra theo kiểu giời ơi đất hỡi được update lên như hiện nay thì chỉ có thể cho ra mắt được những sản phẩm điện ảnh như hiện có.

Trung tướng Hữu Ước - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL-CAND chụp ảnh lưu niệm với nghệ sĩ Tố Uyên và các nghệ sĩ điện ảnh...
                                                   P.V.Đ





--------------------------

gocomay 14:53 23-07-2010

Đại hội điện ảnh lần thứ VII tổ chức trong 3 ngày 20,21,22/7/2010 tại Cung hữu nghị Việt Xô được tổ chức hoành tráng về trang trí, hình thức, nhưng lại nghèo, tẻ và không thiết thực về các nội dung được đưa ra bàn thảo tại đại hội. Âu đó cũng là dấu hiệu nội suy của một ngành nghệ thuật từng một thời vang bóng nhưng giờ đang lâm vào cảnh chợ chiều, rã đám.
Không rã đám làm sao lại có hình ảnh phản cảm như thế này???
Lúc 15h chiều 21/7, một số đại biểu vẫn tranh thủ ngủ trong lúc các đại biểu khác đọc tham luận.
Danh sách Ban chấp hành mới được công bố chiều 21/7 khi số đại biểu có mặt chỉ chưa đến trăm người. Nhiều đại biểu ngủ hoặc tranh thủ hàn huyên với bạn cũ. Suốt buổi, diễn viên Mỹ Uyên cứ băn khoăn nhìn quanh khán phòng và hỏi mọi người: “Tại sao hội viên trẻ không ai đến dự?”. (Trích nguồn: Vnexpress.net)

dunglepower 19:12 23-07-2010

  Đám nhỡ thì còn bận đi buôn lậu sừng tê giác bên Nam phi, mang đồ chôm bên siêu thị Nhật.
 Đám con nít thì bận đi đua xe trên phó cổ, bẻ hoa trong lễ hội hoa, tè bậy vào con đường gốm sứ.
 Đám trẻ còn bận đi lắc ở lễ hội văn hóa ẩm thực Vũng tàu.
Không chỉ trình diễn áo tắm, các diễn viên còn múa sexy.
Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.

gocomay 00:01 24-07-2010

To: @hungbach07: Cũng nên hiểu cho bác Đào, với cả hai entry (GIÚP “BẦN CỐ NÔNG” ĐIỆN ẢNH GIÀNH THỬA RUỘNG NGHE NHÌN ĐANG BỊ CƯỚP… và: PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN LẠI ĐEM CHUYỆN “LÀM QUÀ” CHO ĐIỆN ẢNH ?) Bác Đào (hội viên 2 hội: Hội ĐA và Hội nhà văn) đã mang hết tâm huyết ra để mong vãn hồi tình hình (mà chả biết có tới được những nơi cần nghe không?)
Một người vẫn còn ăn cơm chúa (công chức nhà nước chưa về hưu) mà dám nêu những vấn đề (khá tế nhị và có thể còn nhạy cảm) như vậy là vô cùng đáng qúy đấy! Vậy mong bạn hãy tự đặt mình vào người trong cuộc thì mới thấy hết được những cái khó của nó! Không biết cân nhắc từng lời ăn tiếng nói với các đồng nghiệp (đều thân quen cả)... có khi còn bị hiểu lầm (không được ăn thì đạp đổ) ấy chứ!
Mình cũng là dân ĐA nhưng nay "rửa tay gác kiếm" (giải nghệ) rồi ... mà muốn "góp ý" với chúng bạn (bây giờ đều quan chức lớn trong ngành cả rồi) cũng thấy khó huống chi người trong cuộc.
Nếu rảnh bạn sang nhà mình xem tạm mấy cái này, để thêm hiểu và thông cảm với nhau hơn! (Điện Ảnh Việt Nam bao giờ khởi sắc?(1) http://vn.360plus.yahoo.com/vanph_vanpham/article?mid=2353  Điện Ảnh Việt Nam bao giờ khởi sắc?(2) http://vn.360plus.yahoo.com/vanph_vanpham/article?mid=2369)
Chúc bạn có kỳ nghỉ cuối tuần vui vẻ!
DSC02059.jpg

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét