16/8/10

Đảng lệ đè lên Luật Pháp hay “Ô dù” của Nguyễn Bá Thanh

By HoangHac • May 24th, 2010 • Category: Tin & Bài về Việt Nam
nguyenbathanh944Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi bảo kê bỏ tù những người tố cáo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tham nhũng hay Đảng lệ đè pháp luật?
Dù muốn hay không, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam cũng đã phải thừa nhận “Tham nhũng là quốc nạn” với việc lập ra cả một Ban chỉ đạo trung ương chống tham nhũng do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm chịch có chân rết trong tất cả các Bộ, ngành và địa phương. Điều này không chỉ cho thấy tham nhũng có phạm vi toàn Việt mà còn cho thấy cuộc chiến chống tham nhũng là Một mất một còn.
Chỉ lấy ví dụ ở Đà Nẵng, đáng tiếc là các thế lực tham nhũng và bao che tham nhũng đang thắng thế với việc những người tố cáo hành vi “nhận hối lộ” của Bí thư thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Bá Thanh, bị Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao do thẩm phán Trần Mẫn làm Chủ tọa bỏ tù vào cuối tháng 12 năm ngoái do đã “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”?!
Mọi chuyện bắt đầu từ Công văn số 73/KSĐT-KT ngày 31/10/2000 của Viện KSND thành phố Đà Nẵng gửi Lãnh đạo Viện KSNDTC và Công văn số 77/KSĐT/KT ngày 01/11/2000 của Viện KSND thành phố Đà Nẵng gửi Viện trưởng Viện KSNDTC và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Phan Diễn đề nghị xử lý Nguyễn Bá Thanh về tội nhận hối lộ của Phạm Minh Thông, Giám đốc Công ty hợp doanh xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng, Nguyễn Hưng, Chỉ huy phó Công trình đường Bắc Nam.
Đặc biệt Công văn số 77/KSĐT/KT ghi rõ: “Thông khai có đưa cho ông Nguyễn Bá Thanh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng nhiều lần số tiền là 4.425 triệu đồng theo yêu cầu của ông Thanh là Công ty muốn được thanh toán vốn nhanh phải trích lại cho ông 5% trên số vốn do công trình xây dựng bằng vốn ngân sách và 150.000đ/m2 trên số mét vuông đất do Ủy ban nhân dân thanh toán bằng quỹ đất đường Bắc Na… Với các tài liệu, chứng cứ nêu trên, vào chiều ngày 31/10/2000 sau khi phân tích một cách sâu sắc và có trách nhiệm, thì có 5/7 thành viên Ủy ban kiểm sát thống nhất Phạm Minh Thông, Nguyễn Hưng phạm tội: Đưa hối lộ, Nguyễn Bá Thanh phạm tội: Nhận hối lộ. Do đó nếu vụ án dừng lại chỉ xử lý quy buộc số tiền trên cho Phạm Minh Thông và Nguyễn Hưng mà không điều tra, xử lý đối tượng nhận tiền thì sẽ oan cho người đưa tiền, trong khi đó người đòi hối lộ thì vô can, dư luận nhân dân không đồng tình và vụ án không được giải quyết triệt để và thỏa đáng”.
Do hai công văn này cùng với những lá đơn tố cáo hành vi tham nhũng của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh được một công dân thành phố Đà Nẵng là Đinh Công Sắt lưu hành trong dân chúng mà trong mắt Công an thành phố Đà Nẵng là hành vi xâm hại đến uy tín, danh dự của Nguyễn Bá Thanh nên vụ án “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” đã được khởi tố. Trong số các bị can rồi tiếp đó là bị cáo ngoài Thiếu tướng Trần Văn Thanh, Chánh Thanh tra Bộ Công an, người đã tổ chức điều tra hành vi “nhận hối lộ” của Nguyễn Bá Thanh, còn có một cán bộ công an khác là Trung tá Dương Tiến, Trưởng Đại diện báo Công an thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu như Thiếu tướng Trần Văn Thanh đã là nạn nhân của sự trả thù tư pháp phi nhân chưa từng thấy trong lịch sử thế giới hiện đại khi ông bị Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận điệu ra nơi xét xử khi đang hôn mê và bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xử 12 tháng tù treo, Trung tá Dương Tiến bị Tòa án thành phố Đà Nẵng kết án 17 tháng 5 ngày tù giam và bị Hội đồng xét xử phúc thẩm y án, đúng bằng thời gian ông bị giam cầm trái pháp luật. Và phân tích sau đây chỉ riêng những hành vi phản pháp luật thể hiện trong bản án hình sự phúc thẩm đối với Trung tá Dương Tiến cũng đã đủ cho thấy thế lực tham nhũng có tính hệ thống trả thù những người chống tham nhũng điên cuồng và hèn hạ đến mức nào.
Hội đồng xét xử phúc thẩm đã kết án Trung tá Dương Tiến với lời buộc tội sau đây:
Tại đơn kháng cáo kêu oan cũng như tại phiên tòa sơ thẩm trước đây và phiên tòa phúc thẩm hôm nay, bị cáo chỉ thừa nhận vào ngày 14/5/2007, tại Văn phòng đại diện báo Công an TP. Hồ Chí Minh tại Hà Nội, bị cáo có giao cho Đinh Công Sắt tài liệu gồm: công văn số 73/KSĐT-KT ngày 31/10/2000 và công văn số 77/KSĐT-KT ngày 01/11/2000 của VKSND TP. Đà Nẵng gửi lãnh đạo VKSNDTC và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nội dung công văn có nêu kết quả điều tra vụ án Phạm Minh Thông, trong đó có một số lời khai của Phạm Minh Thông có liên quan đến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng; bị cáo không thừa nhận có bảo Đinh Công Sắt đem tài liệu về phát tán cho dân Đà Nẵng đọc.
Xét thấy, vụ án Phạm Minh Thông và vụ án Nguyễn Hưng đã được Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm từ năm 2002, án đã có hiệu lực pháp luật, không có cán bộ lãnh đạo nào của thành phố Đà Nẵng liên quan đến bản án đã xét xử. Do đó mọi hành vi nhằm xúc phạm đến uy tín, danh dự lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong vụ án trên là phạm pháp.
Tại các biên bản ghi lời khai và tại các bản tường thuật trong giai đoạn điều tra cho thấy bị cáo Dương Tiến khi cung cấp hai công văn 73,77/KSĐT-KT nói trên đã bảo với Đinh Công Sắt đem đi photocopy nhiều bản, mang về cho dân Đà Nẵng đọc. Lời khai này phù hợp với lời khai của Đinh Công Sắt. Tài liệu này cùng với một số tài liệu khác sau đó đã được Sắt phát tán nhiều nơi, cho nhiều người tại địa bàn thành phố Đà Nẵng vào các ngày 15,16,17,18/5/2007 gần ngày bầu cử Quốc hội khóa 12 nhằm mục đích làm ảnh hưởng, gây khó khăn cho công tác bầu cử tại địa phương, làm giảm uy tín ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Hành vi của bị cáo Dương Tiến và Đinh Công Sắt đã làm cho một bộ phận cử tri hoang mang, khiến chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan có trách nhiệm trong công tác chuẩn bị bầu cử cũng như giới thiệu ứng cử viên phải huy động lực lượng cho việc khắc phục hậu quả, thu hồi tài liệu mà các bị cáo tán phát và trấn an dư luận nhằm đảm bảo cho công tác bầu cử được diễn ra thuận lợi.
Về việc bị cáo Dương Tiến và Luật sư cho rằng công văn 73,77 không có dấu mật, công khai, ai đọc cũng được là điều không thể chấp nhận. Bởi lẽ bị cáo là công an, đồng thời giữ chức vụ Trưởng Văn phòng đại diện của một tờ báo ngành công an, bị cáo phải nhận thức rõ nội dung 2 công văn trên có đề cập đến cá nhân lãnh đạo địa phương, vì vậy chỉ có người có thẩm quyền mới được biết.
Việc Dương Tiến đã chủ động gọi cho Đinh Công Sắt ra Hà Nội để cung cấp 2 công văn trên, hỗ trợ tiền cho Sắt làm chi phí đi lại, bảo Sắt mang về tán phát đã thể hiện rõ mục đích, ý thức phạm tội của bị cáo. Do biết đây là hành vi vi phạm pháp luật nên bị cáo đã dặn Sắt “Phải cẩn thận”. Sau đó ngày 17/5/2007, bị cáo vào Đà Nẵng gặp Đinh Công Sắt để nắm tình hình dư luận Đà Nẵng sau khi Sắt tán phát tài liệu như lời khai tại bút lục 912, ngày 04/3/2008. Trong vụ án này, Dương Tiến và bị cáo Đinh Công Sắt là đồng phạm về hành vi tán phát tài liệu 2 công văn 73,77/KSĐT-KT tại thời điểm gần đến ngày bầu cử Quốc hội khóa 12, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà nước, tổ chức xã hội địa phương về công tác bầu cử, làm ảnh hưởng đến uy tín của người khác. Dương Tiến là đồng phạm với Đinh Công Sắt về hành vi trên. Án sơ thẩm không quy buộc bị cáo Tiến là đồng phạm với Trần Văn Thanh và Nguyễn Phi Duy Linh.
Với những căn cứ trên, xét án sơ thẩm áp dụng Khoản 1 Điều 258 BLHS để xử phạt Dương Tiến về “Tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là có căn cứ, đúng tội. Do đó, cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo cũng như quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo”.
Thế nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm đã cố tình kết án oan Trung tá Dương Tiến vì vụ án hình sự này không có người bị hại như chứng minh sau đây.
Điều 8 BLHS quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân…”, Điều 51 BLTTHS quy định: “Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra”. Rồi các Điều 68, 137 BLTTHS quy định về lời khai của người bị hại, Điều 191 BLTTHS quy định sự có mặt của người bị hại tại phiên tòa… Như vậy, theo pháp luật hình sự, tội phạm được xác định bởi người bị hại, không có người bị hại thì không có tội phạm.
Chắc chắn “Tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” không thuộc các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe và vì thế người bị hại bởi tội phạm này chắc chắn không chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, đồng nghĩa với việc người bị hại phải lên tiếng về tội phạm bằng cách này hay cách khác.
Công văn số 73/KSĐT-KT ngày 31/10/2000 của Viện KSND thành phố Đà Nẵng gửi Lãnh đạo VKSNDTC và Công văn số 77/KSĐT/KT ngày 01/11/2000 của Viện KSND thành phố Đà Nẵng gửi Đ/c Viện trưởng VKSNDTC và Đ/c Phan Diễn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đều đề cập đến việc Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã nhận hối lộ của Phạm Minh Thông, Giám đốc Công ty hợp doanh xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng, Nguyễn Hưng, Chỉ huy phó Công trình đường Bắc Nam.
Đặc biệt Công văn số 77/KSĐT/KT ghi rõ: “Thông khai có đưa cho ông Nguyễn Bá Thanh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng nhiều lần số tiền là 4.425 triệu đồng theo yêu cầu của ông Thanh là Công ty muốn được thanh toán vốn nhanh phải trích lại cho ông 5% trên số vốn do công trình xây dựng bằng vốn ngân sách và 150.000đ/m2 trên số mét vuông đất do Ủy ban nhân dân thanh toán bằng quỹ đất đường Bắc Nam… Với các tài liệu, chứng cứ nêu trên, vào chiều ngày 31/10/2000 sau khi phân tích một cách sâu sắc và có trách nhiệm, thì có 5/7 thành viên Ủy ban kiểm sát thống nhất Phạm Minh Thông, Nguyễn Hưng phạm tội: Đưa hối lộ, Nguyễn Bá Thanh phạm tội: Nhận hối lộ. Do đó nếu vụ án dừng lại chỉ xử lý quy buộc số tiền trên cho Phạm Minh Thông và Nguyễn Hưng mà không điều tra, xử lý đối tượng nhận tiền thì sẽ oan cho người đưa tiền, trong khi đó người đòi hối lộ thì vô can, dư luận nhân dân không đồng tình và vụ án không được giải quyết triệt để và thỏa đáng”.
Như vậy, theo quan điểm của Hội đồng xét xử phúc thẩm, việc Trung tá Dương Tiến, cung cấp 02 công văn 73,77/KSĐT-KT của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng cho Đinh Công Sắt là hành vi “xúc phạm đến uy tín, danh dự” của Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy ĐCSVN thành phố Đà Nẵng, Đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và do đó Nguyễn Bá Thanh là “người bị hại”. Thế nhưng, trong toàn bộ hồ sơ của vụ án phần liên quan đến Trung tá Dương Tiến không có bất cứ dấu vết nào dù là nhỏ nhất cho thấy Nguyễn Bá Thanh là “người bị hại”, chẳng hạn như: đơn tố cáo, lời khai của chính Nguyễn Bá Thanh tại Cơ quan điều tra về hành vi phạm tội của Trung tá Dương Tiến. Mà đã không có “người bị hại” thì không thể có việc Trung tá Dương Tiến phạm tội.
Tóm lại, chỉ riêng việc không có “người bị hại” trong vụ án hình sự này cũng đã đủ chứng minh Trung tá Dương Tiến hoàn toàn vô tội. Do đó, việc Hội đồng xét xử phúc thẩm đưa vụ án ra xét xử mà lẽ ra phải đình chỉ theo Khoản 2 Điều 239 (Kháng cáo kháng nghị những quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm) Bộ Luật TTHS và hơn thế nữa, kết án Trung tá Dương Tiến dứt khoát là hành vi phạm “Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” quy định tại Điều 294 và “Tội ra bản án trái pháp luật” quy định tại Điều 295 Bộ Luật Hình sự!
Như vậy, người viết bài này đã chứng minh xong sự vô tội của Trung tá Dương Tiến cũng như chứng minh xong tội phạm “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” của Hội đồng xét xử phúc thẩm – Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng do Thẩm phán Trần Mẫn làm Chủ tọa. Tuy nhiên, điều nghiêm trọng hơn rất nhiều là Hội đồng xét xử phúc thẩm kết án oan Trung tá Dương Tiến không hẳn do dốt nát về nghiệp vụ hoặc do có vấn đề về tâm thần mà là do cố ý hãm hại người vô tội nhằm bao che hành vi “nhận hối lộ” của Bí thư Thành ủy Đảng cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.
Thực vậy, có cả một loạt chứng cứ chứng minh nhận định này.
1. Hội đồng xét xử phúc thẩm bịa đặt căn cứ để kết tội
Pháp luật quy định các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có thể điều tra, kiểm sát, xét xử trên cơ sở các quy định của pháp luật. Thế nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm đưa ra ít nhất 02 căn cứ không có trong bất kỳ văn bản pháp luật nào để kết tội Trung tá Dương Tiến.
Tại bản án phúc thẩm có ghi: “Xét thấy, vụ án Phạm Minh Thông và vụ án Nguyễn Hưng đã được Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm từ năm 2002, án đã có hiệu lực pháp luật, không có cán bộ lãnh đạo nào của thành phố Đà Nẵng liên quan đến bản án đã xét xử. Do đó mọi hành vi nhằm xúc phạm đến uy tín, danh dự lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trong vụ án trên là phạm pháp”.
Ngoài ra, tại bản án phúc thẩm còn ghi: “bị cáo Dương Tiến và Luật sư cho rằng công văn 73,77 không có dấu mật, công khai, ai đọc cũng được là điều không thể chấp nhận. Bởi lẽ bị cáo là công an, đồng thời giữ chức vụ Trưởng Văn phòng đại diện của một tờ báo ngành công an, bị cáo phải nhận thức rõ nội dung 2 công văn trên có đề cập đến cá nhân lãnh đạo địa phương, vì vậy chỉ có người có thẩm quyền mới được biết”.
Sự bịa đặt của Hội đồng xét xử phúc thẩm được thể hiện như sau:
Thứ nhất, không có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật đối với người không phải là bị cáo. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm muốn bản án hình sự phúc thẩm vụ án Phạm Minh Thông và Nguyễn Hưng có hiệu lực pháp luật với Nguyễn Bá Thanh thì nhân vật này bắt buộc phải là bị cáo trong vụ án này. Thế nhưng Nguyễn Bá Thanh không phải là bị cáo trong vụ án vì chưa bị Công an thành phố Đà Nẵng khởi tố bị can để điều tra để rồi bị Viện kiểm sát truy tố ra Tòa án để xét xử về “Tội nhận hối lộ” quy định tại Điều 279 Bộ Luật Hình sự!
Nói cách khác, muốn pháp luật xác nhận Nguyễn Bá Thanh không phạm “Tội nhận hối lộ” của Phạm Minh Thông và Nguyễn Hưng thì cách duy nhất là phải khởi tố bị can và truy tố Nguyễn Bá Thanh ra Tòa án để rồi Hội đồng xét xử tuyên Nguyễn Bá Thanh không phạm tội sau khi bác bỏ những chứng cứ buộc tội của đại diện Viện kiểm sát thực hiện công tố đối với nhân vật này. Đó chính là điều mà Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà đã không dưới 2 lần cấp thiết đề nghị ngay giữa phiên tòa trước một cử tọa đông đảo nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm đã cố tình lờ đi.
Thứ hai, không có bất cứ quy định pháp luật nào cấm công dân tiếp tục tố cáo hành vi phạm pháp của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng nói chung, hành vi phạm pháp của Nguyễn Bá Thanh nói riêng với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ngay cả trong trường hợp Nguyễn Bá Thanh với tư cách bị cáo được Tòa án tuyên vô tội như giả thiết nêu trên.
Nhân đây cần khẳng định rằng chống tham nhũng là sự nghiệp của toàn dân chứ không phải là việc riêng của chính quyền và các cơ quan bảo vệ pháp luật, đồng nghĩa hoạt động của các cơ quan này phải chịu sự giám sát chặt chẽ của người dân và của xã hội thông qua báo chí. Để nói việc Trung tá Dương Tiến đưa cho Đinh Công Sắt xem hai công văn số 73 và 77/KSĐT-KT của Viện kiểm sát thành phố Đà Nẵng là hoàn toàn chính đáng và cần thiết, không chỉ trao đổi thông tin để chống tham nhũng có hiệu quả hơn mà còn để giám sát chính quyền nói chung, cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng trong đấu tranh chống tham nhũng!
Theo Khoản 3 Điều 8 BLHS thì “Tội nhận hối lộ” là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 23 BLHS là 20 năm. Do Nguyễn Bá Thanh chưa bị Công an thành phố Đà Nẵng khởi tố để điều tra về hành vi nhận hối lộ như Viện KSND thành phố Đà Nẵng đề xuất tại 02 công văn 73 và 77/KSĐT-KT nên việc công dân phẫn nộ, tiếp tục tố cáo hành vi phạm pháp này của Nguyễn Bá Thanh không những là bình thường mà còn rất cần thiết để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý Nguyễn Bá Thanh một cách triệt để bằng biện pháp tư pháp.
Tóm lại, tố cáo là quyền công dân được Hiến pháp và Luật khiếu nại, tố cáo bảo hộ. Do đó việc Hội đồng xét xử phúc thẩm xét xử và kết án những người liên quan đến việc tố cáo Nguyễn Bá Thanh nhận hối lộ rõ ràng là hành vi cản trở việc tố cáo và cản trở việc xử lý ông Thanh theo pháp luật và vì vậy phạm “Tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo” quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 132 Bộ Luật Hình sự.
Sự bịa đặt của Hội đồng xét xử phúc thẩm được thể hiện như sau:
Thứ nhất, không có bất cứ quy định pháp luật nào cấm công dân đọc công văn có dấu “Mật” của các cơ quan Nhà nước huống chi công văn không có dấu “Mật” như hai công văn số 73 và 77/KSĐT-KT của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Thứ hai, không có bất cứ văn bản pháp luật nào quy định công văn đề cập đến cá nhân lãnh đạo chính quyền địa phương chỉ người có thẩm quyền mới được biết.
Tóm lại, chỉ trong trường hợp tài liệu có dấu “Mật” bị lọt ra ngoài xã hội thì mới có thể truy cứu trách nhiệm và người bị truy cứu trách nhiệm là người có thẩm quyền đã để lọt tài liệu đó ra ngoài chứ tuyệt nhiên không thể truy cứu trách nhiệm người dân hay người không có thẩm quyền đã đọc tài liệu đó.
2. Hội đồng xét xử phúc thẩm tự mâu thuẫn khi một mặt, mặc nhiên thừa nhận Bí thư Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh có hành vi “nhận hối lộ” như kết luận của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng tại 02 công văn số 73 và 77/KSĐT-KT nhưng mặt khác, lại kết luận việc lưu hành 02 công văn này xúc phạm danh dự, uy tín của Nguyễn Bá Thanh.
Nếu Hội đồng xét xử cho rằng việc lưu hành 02 công văn số 73 và 77/KSĐT-KT của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng là hành vi xúc phạm danh dự, uy tín của Bí thư Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh thì người có hành vi này phải biết rõ những điều mà họ loan truyền, lưu hành là bịa đặt, tương tự hành vi của người phạm “Tội vu khống” quy định tại Điều 122 Bộ Luật Hình sự.
Thế nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm đã không đả động một chút nào đến nội dung của 02 công văn này, tức mặc nhiên thừa nhận việc Nguyễn Bá Thanh nhận hối lộ không phải là bịa đặt, tức có thực.
Điều đáng lưu ý là ngoài hai công văn 73,77 của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, theo Thiếu tướng Trần Văn Thanh, Chánh Thanh tra Bộ Công an tại Bản trình bày ngày 03/11/2008 làm theo yêu cầu của tổ công tác liên ngành kèm theo công văn 3429/VKSTC-V2 ngày 30/10/2008 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, còn có nhiều văn bản của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác xác nhận các đơn tố cáo về hành vi tham nhũng của Nguyễn Bá Thanh của một số công dân thành phố Đà Nẵng (trong đó có đơn tố cáo của Đinh Công Sắt) là có cơ sở và đề xuất xử lý hình sự Nguyễn Bá Thanh như:
- Báo cáo số 73/BC-VPBCĐ ngày 26/10/2007 của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gửi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ban bí thư và Báo cáo số 38/BC-VPBCĐ ngày 07/4/2008 của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng đề xuất xử lý Nguyễn Bá Thanh theo quy định của pháp luật.
- Kết luận thanh tra số 524/KLTT-BCA (V24) ngày 06/6/2008 của Bộ Công an xác định có đủ căn cứ để khởi tố vụ án và bị can đối với Nguyễn Bá Thanh và việc Công an thành phố Đà Nẵng không khởi tố để điều tra là vi phạm Điều 103, 104 BLTTHS, có dấu hiệu vi phạm Điều 294 BLHS.
3. Hội đồng xét xử phúc thẩm cố ý vi phạm tố tụng hình sự do đã không triệu tập ông Nguyễn Trịnh Thăng tham gia tố tụng với tư cách nhân chứng duy nhất cuộc gặp giữa Đinh Công Sắt và Trung tá Dương Tiến, ngày 14/5/2007 tại Văn phòng đại diện báo Công an thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội.
Ngày 11/01/2010, ông Nguyễn Trịnh Thăng, thường trú tại Tổ 42 An Hòa, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đã viết Đơn gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tố cáo Hội đồng xét xử sơ thẩm – Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng do Thẩm phán Nguyễn Thành làm Chủ tọa và Hội đồng xét xử phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng do thẩm phán Trần Mẫn làm Chủ tọa đã cố ý gạt bỏ ông Thăng với tư cách nhân chứng để kết án oan Trung tá Dương Tiến cho bằng được. Nội dung Đơn tố cáo như sau:
“Vào ngày 14/05/2007, ông Sắt gọi điện thoại cho tôi báo ông Sắt đã ra đến Hà Nội và đề nghị tôi cùng đến gặp ông Dương Tiến tại Văn phòng đại diện báo Công an thành phố Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Khoảng 5 đến 6 giờ tối cùng ngày tôi và ông Sắt được ông Dương Tiến tiếp tại phòng khách của Văn phòng và ông Sắt có đưa cho ông Dương Tiến một tập tài liệu (nội dung tài liệu thì tôi không được biết). Do thấy hai người nói chuyện cho nên tôi xin phép ra ngoài khoảng 15 phút. Khi quay lại thì tôi thấy ông Sắt đang đọc hai tài liệu. Sau đó ông Sắt có đưa cho tôi xem qua thì tôi được biết đây là 02 Công văn số 73,77/KSĐT-KT của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng đề nghị xử lý ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng lúc đó, do đã nhận hối lộ của Phạm Minh Thông. Đọc xong tôi trả lại hai tài liệu này cho ông Sắt. Lúc này ông Sắt nói với ông Dương Tiến cho ông Sắt mượn 02 Công văn số 73,77/KSĐT-KT của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng để đi photocopy và ông Dương Tiến đồng ý. Sau đó ông Sắt rủ tôi cùng đi đến một cửa hàng photocopy thuộc phường Cát Linh nhưng do cửa hàng đó đóng cửa nên ông Sắt bảo tôi vào quán uống nước đợi ông. Khoảng 20 phút sau ông Sắt quay lại và bảo tôi đi cùng để trả hai tài liệu trên cho ông Dương Tiến. Sau khi trả hai tài liệu, ông Sắt nói với ông Dương Tiến rằng ông Sắt không có tiền để về Đà Nẵng thì ông Dương Tiến đưa cho ông Sắt một triệu đồng để hỗ trợ. Sau đó tôi đưa ông Sắt ra ga Hà Nội để về Đà Nẵng, còn tôi thì vẫn ở lại Hà Nội.
Vào ngày 16-17/05/20007, ông Dương Tiến vào Đà Nẵng và ở tại khách sạn Xanh và có nhờ tôi chở đi xem một số dự án, công trình mà các công dân Đà Nẵng đang khiếu kiện mà ông Tiến đã phản ánh qua bài báo “Nguyên nhân nào một số công dân Đà Nẵng khiếu kiện gay gắt” đăng trên báo Công an thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/05/2007. Tôi có chở ông đi một số nơi trong đó có dự án sân vận động Chi Lăng, dự án thủy sản Thọ Quang đường Liên Chiểu, Thuận Phước… Trong thời gian ở khách sạn Xanh, ông Dương Tiến nhận được một bản fax bài viết của ông Trần Đình Bá và có cho tôi và ông Sắt xem ngay tại quán cà fê của khách sạn. Xem xong, chúng tôi trả lại ông Dương Tiến bản fax đó.
Kết luận lại, tôi, Nguyễn Trịnh Thăng, một lần nữa khẳng định ông Dương Tiến không hề:
1. Bảo chúng tôi, Nguyễn Trịnh Thăng và Đinh Công Sắt phát tán 02 Công văn số 73 và 77 của Viện kiểm sát thành phố Đà Nẵng cho nhân dân Đà Nẵng đọc;
2. Vào Đà Nẵng chỉ để theo dõi, nắm tình hình dư luận về bài báo của ông viết về Đà Nẵng;
3. Cung cấp cho Đinh Công Sắt bài viết của ông Trần Đình Bá với những nội dung không đúng sự thật để Sắt đọc, sử dụng cho mục đích khiếu nại, tố cáo.
Là người có mặt trong các cuộc gặp giữa ông Dương Tiến và ông Đinh Công Sắt nhưng tôi không hề được cấp Tòa sơ thẩm cũng như cấp Tòa phúc thẩm triệu tập tham gia tố tụng với tư cách nhân chứng. Điều này cho thấy cả hai cấp Tòa đã chủ định kết án oan ông Dương Tiến nên mới gạt tôi, Nguyễn Trịnh Thăng, nhân chứng chứng minh ông Dương Tiến vô tội, ra khỏi thành phần tham gia tố tụng trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

4. Thẩm phán Trần Mẫn, Chủ tọa phiên Tòa phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng Điều 218 (Đối đáp) Bộ Luật tố tụng hình sự.
Điều 218 (Đối đáp) Bộ Luật hình sự quy định:
“Bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình; Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến.
Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án.
Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận”.

Thế nhưng Thẩm phán Trần Mẫn, Chủ tọa phiên Tòa phúc thẩm đã liên tục vi phạm quy định tố tụng hình sự này:
Ø Khi Luật sư Nguyễn Thị Dương bắt đầu tranh luận thì ngăn Luật sư bằng cách nói là chưa đến phần tranh luận. Khi Luật sư đòi tranh luận, đối đáp với đại diện Viện kiểm sát thì lại nói là phần tranh luận đã qua rồi, Luật sư không được tranh luận nữa?!
Ø Nhiều lần cắt ngang, ngăn cản Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà thực hiện bào chữa thô bạo đến mức Luật sư phải tuyên bố thẳng thừng là Chủ tọa phiên tòa đã vi phạm nghiêm trọng Điều 218 Bộ Luật tố tụng hình sự thì mới chịu để Luật sư tiếp tục công việc của mình.
Ø Không yêu cầu Kiểm sát viên đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận.
Ø Nhiều lần trực tiếp tranh luận với Luật sư thay cho đại diện Viện kiểm sát, vi phạm tính khách quan của Hội đồng xét xử!!!
Ø Ra lệnh cho nhân viên kỹ thuật tắt micro mỗi khi Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà thực hiện công việc bào chữa nhằm ngăn cử tọa nghe được nội dung bào chữa liên quan đến hành vi “nhận hối lộ” của ông Nguyễn Bá Thanh!!!
8. Thẩm phán Trần Mẫn, Chủ tọa phiên Tòa phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự khi cho phép vị đại diện Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng – không phải là người tham gia tố tụng hình sự theo quy định tại Chương IV Bộ Luật tố tụng hình sự – lên án các bị cáo ngay giữa phiên tòa để bênh ông Nguyễn Bá Thanh.
Việc thẩm phán Trần Mẫn, Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm cho phép đại diện Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng không phải là người tham gia tố tụng phát biểu ý kiến trong khi lại ngăn cản Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà là người tham gia tố tụng thực hiện quyền bào chữa được pháp luật tố tụng hình sự bảo hộ là bằng chứng không thể chối cãi về việc Hội đồng xét xử phúc thẩm cố ý làm trái luật pháp nhằm bao che hành vi “nhận hối lộ” của Nguyễn Bá Thanh và nhằm bao che hành vi “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” và hành vi “ra bản án trái pháp luật” của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng do thẩm phán Nguyễn Thành làm Chủ tọa.
Cũng cần nói thêm rằng việc thay Thẩm phán trước đó đã được giao nhiệm vụ Chủ tọa Hội đồng xét xử phúc thẩm bằng thẩm phán Trần Mẫn chuẩn bị nghỉ hưu và việc Thẩm phán họ Trần này đã phải tập dượt xử án vì đã lâu không ngồi tòa theo một nguồn tin đáng tin cậy càng chứng tỏ Thẩm phán này không có vai trò nào khác là tuyên một bản án “bỏ túi” hay được định sẵn để bỏ tù những người đã “dám” tố cáo hành vi tham nhũng của Nguyễn Bá Thanh!
Ngoài những hành vi cố ý xâm phạm pháp luật tố tụng nói trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm còn cố ý lờ đi những phản bác của Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà đối với hành vi “viết bài không đúng sự thật về tình hình Đà Nẵng nhằm gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của cán bộ lãnh đạo cũng như chính quyền thành phố Đà Nẵng” và hành vi “cung cấp cho Đinh Công Sắt bài viết của nhà báo Trần Đình Bá với những nội dung không đúng sự thật để Sắt đọc, sử dụng cho mục đích khiếu nại, tố cáo” mà Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã buộc cho Trung tá Dương Tiến. Nói cách khác, Hội đồng xét xử phúc thẩm tìm mọi cách để bao che Bản án trái pháp luật của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Kết luận lại, bằng việc xâm phạm trắng trợn pháp luật tố tụng hình sự, bịa đặt chứng cứ để kết tội Trung tá Dương Tiến như trên đã chứng minh, Hội đồng xét xử phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng do thẩm phán Trần Mẫn làm Chủ tọa là điển hình xâm phạm hoạt động tư pháp, khép tội oan công dân nhằm bao che tham nhũng và trả thù người chống tham nhũng!
Không chấp nhận Bất công tột bậc này của những kẻ nhân danh Công lý tại Đà Nẵng, ngày 19/5 vừa qua, đúng sinh nhật lần thứ 120 của Hồ Chí Minh, người khai sáng Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, Trung tá Dương Tiến đã chính thức gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng “Đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án hình sự số 78/2009/HSPT ngày 07/12/2009 của Tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng liên quan đến việc “nhận hối lộ” của Bí thư Thành ủy ĐCSVN, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh” với yêu cầu không gì rõ ràng hơn:
Thứ nhất, tuyên Trung tá Dương Tiến, tức Dương Ngọc Tiến, không phạm “Tội lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, đình chỉ vụ án và phục hồi cho Trung tá Dương Tiến mọi quyền và lợi ích hợp pháp.
Thứ hai, yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với các thành viên Hội đồng xét xử sơ thẩm – Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng tại phiên tòa ngày 6-7/8/2009 và Hội đồng xét xử phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng tại phiên tòa ngày 07/12/2009 về “Tội truy cứu trách trách nhiệm hình sự người không có tội” quy định tại Điều 295 Bộ Luật hình sự về “Tội ra bản án trái pháp luật” quy định tại Điều 295 Bộ Luật Hình sự.
Thứ ba, yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng về hành vi “nhận hối lộ” như đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng tại Công văn số 73/KSĐT-KT ngày 31/10/2000.
Cũng chính việc Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng và Tòa phúc thẩm – Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã đạp lên luật pháp để bao che tham nhũng nghiêm trọng của Nguyễn Bá Thanh và đàn áp một cách tàn bạo những người tố cáo đã gây phẫn nộ cao độ trong nhân dân thành phố Đà Nẵng. Liên tục từ cuối năm ngoái khi phiên tòa phúc thẩm kết thúc, công dân Đà Nẵng đã liên tiếp viết Đơn tập thể gửi các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước tố cáo và yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật hình sự cả Nguyễn Bá Thanh lẫn các thế lực bao che nhân vật này mà cụ thể là Thẩm phán Nguyễn Thành, Phó chánh án Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng, Chủ tọa Hội đồng xét xử sơ thẩm và và thẩm phán Trần Mẫn, Chánh tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà nẵng, Chủ tọa Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền là không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không được làm oan người vô tội nên người viết bài này thấy không có lý do gì để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng có thể chần chừ trong việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm Bản án hình sự phúc thẩm để minh oan Trung tá Dương Tiến, Thiếu tướng Trần Văn Thanh – những sĩ quan công an xứng danh “Vì nhân dân phục vụ” – và các bị cáo khác trong cùng vụ án “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” là Nguyễn Phi Duy Linh và Đinh Công Sắt cũng như để trừng trị nghiêm khắc những kẻ đã dựng đứng lên vụ án này!
Mặc dầu vậy, ai cũng thấy rõ là việc trừng trị đến nơi đến chốn tham nhũng cũng như những thẩm phán “coi Pháp luật bằng vung” như Trần Mẫn là “bất khả thi” nếu như không vạch ra được thế lực “ô, dù” bao che cho cái lũ “thù trong” này. Bởi thế nhiều người cho rằng chính ông Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương của Đảng là một trong số vai vế đã “bảo kê” ông Nguyễn Bá Thanh tham nhũng và do đó “bảo kê” luôn việc bỏ tù Trung tá Dương Tiến, Thiếu tướng Trần Văn Thanh… theo đúng nguyên tắc “Một mất Một còn” với 2 chứng cứ không dễ gì bác được:
Một là, kể từ sau Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban kiểm tra trung ương có thể nói là “độc quyền” hay “múa gậy vườn hoang” theo cách nói dân gian trong việc xử lý các cán bộ “có vấn đề” thuộc “diện Trung ương quản lý”, tức từ Phó chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương trở lên, sau khi những cơ quan khác của Đảng có cùng chức năng là Ban Nội chính trung ương, Ban bảo vệ chính trị nội bộ đã bị “xóa sổ”, hay nói đúng hơn là bị sáp nhập vào Văn phòng Trung ương Đảng.
Nói cách khác, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Chi một khi “lắc đầu” thì dù Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thù tướng đứng đầu có muốn xử lý cũng phải chào thua. Bằng chứng là Báo cáo số 73/BC-VPBCĐ ngày 26/10/2007 của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gửi Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Ban bí thư và Báo cáo số 38/BC-VPBCĐ ngày 07/4/2008 của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng đề xuất xử lý ông Nguyễn Bá Thanh theo quy định của pháp luật cũng đã không “đè” nổi, “đánh xuôi” nổi Thông báo số 94TB/KTTW ngày 25/4/2007 của Ủy ban kiểm tra trung ương do Phó Chủ nhiệm Nguyễn Thị Doan, nay là Phó Chủ tịch Nước, ký thay Chủ nhiệm Nguyễn Văn Chi “thổi ngược”, phủi sạch trơn mọi tố cáo đối với ông Nguyễn Bá Thanh!
Hai là, Thẩm phán Trần Mẫn là em ruột bà Trần Thị Thủy mà bà Thủy lại chính là… vợ Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi!
Đó chưa kể “thâm giao” khó có thể không có giữa Nguyễn Bá Thanh và Chủ nhiệm Chi bởi ông Chi là Bí thư Quảng Nam – Đà Nẵng trong gần cả chục năm, từ 1986 đến 1994.
Để nói rằng, vẫn theo những ý kiến trên, oan khuất tày trời mà Trung tá Dương Tiến, Thiếu tướng Trần Văn Thanh và hai bị cáo khác của vụ án “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” khó có thể được giải quyết chừng nào Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi vẫn còn tại vị, chừng nào Nhà nước nói chung, các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng, vẫn còn đặt lợi ích của Đảng lên trên lợi ích của Tổ Quốc và Nhân Dân, tóm lại chừng nào Đảng lệ vẫn còn đè Pháp luật!
Thế nhưng tôi vẫn tin rằng lũ “nội xâm” như Nguyễn Bá Thanh và các thế lực “bảo kê” không thể tiếp tục tồn tại bởi Nước Nam này Hào Kiệt đời nào chẳng có, mảnh đất Đà Nẵng kia đâu có thiếu Anh Hùng, mà bắt đầu bằng tác giả của hai công văn 73,77/KSĐT-KT giờ đã thành huyền thoại: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng Nguyễn Quốc Dũng.
Rất có thể tôi bị thuyết phục bởi bộc bạch này của người Viện trưởng – cựu chiến binh quả cảm ấy: “Tôi đã ký lệnh bắt nó rồi… Tôi đã nói thẳng với Nguyễn Bá Thanh rằng nếu mày không có quá nhiều tiền thì mày đã xanh cỏ với tao từ lâu rồi”!!
CHHV 23-5-2010
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Nguồn: Bauxit Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét