26/11/11

Quan chức và người đẹp: Đây là quyền của chúng tôi!

Liên quan đến chuyện bằng cấp và quá trình chọn làm đại sứ của cô diễn viên có hình thức bên ngoài khá thu hút, tôi thấy có nhiều vấn đề có thể mang lại sự “kinh hãi”, ít nhất là cho tôi. Tại sao thế? Vì tôi có cảm giác “đây là quyền của chúng tôi” được sử dụng một cách kỳ lạ. Xin tóm gọn:
1/ Bằng cấp:
Lúc đầu, ông Cục hứa ngon “sẽ làm rõ trong cuộc họp sắp tới …”. Nhưng sau đó ông lại bảo không cần nói về bằng cấp vì đại sứ du lịch không cần có bằng đại học. Sao ông lại nói “ngược” thế? Có phải đây là quyền của ông?
Xin lưu ý là tôi không quan trọng bằng cấp cho lắm, cô diễn viên không có bằng đại học mà làm đại sứ du lịch cũng chả sao, miễn cô đáp ứng được yêu cầu của công việc là được. Do cô tuyên bố là tốt nghiệp một đại học bên Đức nên dân chúng cảm thấy tự hào và mong muốn được nhìn thấy bằng cấp của cô. Cuối cùng cô trưng ra một tên trường mà ngay cả những người Việt ở bên Đức cũng không rõ đó là trường gì? Có tồn tại không? Nguy hiểm hơn, có người còn tìm ra đó là trường huấn luyện chó!
Tuy nhiên, cô lại tuyên bố “nếu như lấy cái tên của trường tôi để tìm kiếm trên mạng rồi khẳng định đó là ngôi trường nuôi dạy động vật thì thật vô lý”. Câu này quá bậy! Chứng tỏ cô chưa hiểu rõ giáo dục đại học, cái mà người có bằng đại học phải biết. Thời nay, ngay cả ở một nước đang phát triển như Việt Nam, một đại học ngay khi được thành lập là đã có website rồi, huống chi là ở một cường quốc như Đức. Nói người khác vô lý trong khi mình chưa hiểu tức là xúc phạm rồi. Có phải đây là quyền của cô?
Ngoài ra cô có phần tự tin hơi thái hoá khi tuyên bố “được Bộ Văn hóa và Cục Hợp tác Quốc tế kiểm định, xác nhận”. Đúng là quá sai! Bằng nước ngoài từ đại học trở lên về Việt Nam thì chỉ có Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo kiểm định mà thôi. Sao cô không biết mà lại dám nói thế kia? Có phải đây là quyền của cô?
Nói đến đây mới thấy ông thứ trưởng hôm nọ chịu nhiều “thiệt thòi” so với cô diễn viên! Bằng cấp của ông, bằng xịn nhưng chỉ có điều nó không phải là bằng tiến sĩ, bị truy cùng, đuổi tận. Mà chức thứ trưởng của ông đâu cần học vị tiến sĩ, PhL như ông là quá sang rồi. Thế mà ông đã chịu không ít “khổ đau”. Sao không có ai đó lên tiếng “thứ trưởng không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ nên không có vấn đề gì, dẹp vụ đó ngay”? Trong trường hợp của cô diễn viên thì đúng là không có vấn đề gì! Có phải đây là quyền của cô?
2/ Tiêu chuẩn chọn đại sứ:
Theo ông Cục, tiêu chuẩn ra đời sau khi chọn đại sứ. Khó hiểu quá! Kiểu này giống như “hợp thức hoá” cái chuyện đã rồi. Sao ông lại dám cho con ra đời trước khi mẹ của nó được sinh ra? Có phải đây là quyền của ông?
Ông Cục lại tuyên bố “chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến vị đại sứ du lịch mới của chúng ta nói tiếng Anh, tiếng Đức một cách lưu loát”. Ai dám bảo lưu loát? Giỏi cở ông Lại Văn Sâm không? Sao ông dám khẳng định mạnh thế, cả tiếng Anh và tiếng Đức? Hay ông thông thạo cả hai thứ tiếng này? Haycó phải đây là quyền của ông?
Khi được yêu cầu nêu tên sáu ứng viên trong danh sách những người được lựa chọn vào vị trí trên, ông Cục không đồng ý công bố với lý do: “Chúng tôi không thể công bố được. Đây là quyền của chúng tôi”.
Tới bây giờ thì tôi mới rõ: “Đây là quyền của chúng tôi”!
Ông và cô có quyền nên muốn sao cũng được! Thích thật! Tôi cũng tự nhìn lại mình coi thế nào? Tôi có quyền gì không? Cũng có đấy! Quyền của tôi là quyền được “kinh hãi” với cách hành xử của các người!
Tóm lại:
  1. Quan chức không nên tuyên bố tuỳ tiện với công chúng.
  2. Không biết thì hỏi, đừng có quá “sướng” trong khi vẫn còn dốt.
  3. Chuyện bằng cấp bây giờ khó lừa dân lắm, có và học thật thì nói, không có thì không nên.
  4. Phải hiểu đúng về việc kiểm định chất lượng bằng cấp.
  5. Nên bỏ cái trò tâng bốc rẻ tiền “lưu loát, hàng đầu,…”. Nên nhờ người có chuyên môn tốt đánh giá.
  6. Nên hành xử theo quy định, không tuỳ tiện; ví dụ “không công bố vì theo quy định…, chớ đừng dọa đó là quyền…”.
Chức đại sứ và cục trưởng là rất to. Đại sứ là hình ảnh của đất nước, là đại diện cho một nước (trong lĩnh vực phụ trách) chớ không đơn giản là một vai diễn trong một bộ phim đâu.  Chức Cục trưởng của một Bộ thì khỏi phải nói nó to và quan trọng như thế nào rồi.
——————–
TS. Lê Văn Út, ĐH Oulu, Phần Lan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét