23/7/10

Mao: Câu Chuyện Không Ðược Biết 3

Chương 21:
Ngày 23 tháng 8 năm 1939 Liên xô ký hiệp ước bất tương xâm với Ðức quốc xã, và tháng sau hai nước xâm lăng Ba Lan. Rất nhiều người TQ bất bình trước chuyện này và lên án “quỷ dữ” Liên xô, trong số đó có giáo sư Trần Ðộc Tú, người sáng lập ĐCSTQ. Trong khi Tưởng Giới Thạch lo ngại Liên xô sẽ ký một hiệp ước tương tự với Nhật, và sẽ cùng với Nhật xâm lăng TQ thì ngược lại Mao rất mừng rỡ, cho rằng nếu Liên xô xâm lăng TQ, chắc chắn Mao sẽ được đưa lên cầm quyền chính phủ sô viết do Nga thành lập.
 
Ðối nội Mao tiếp tục chính sách đánh Tưởng thay vì đánh Nhật. Không những thế, Mao còn mượn tay Nhật đánh Tưởng bằng cách cung cấp tin tức tình báo của quân đội Tưởng cho Nhật qua một nhân viên làm ở lãnh sự quán Nhật ở Thượng hải, tên Pan Hannian. Mao cũng không ngần ngại ký một hiệp ước với Nhật, theo đó quân Nhật được toàn quyền xử dụng đường xe lửa đông bộ TQ, đổi lại Nhật không được tấn công vào quân đội Mao.
 
Mùa xuân năm 1940 ở mặt trận phiá bắc TQ, hồng quân dưới quyền điều khiển của Chu Ðức và Bành Ðức Hoài đang chuẩn bị một cuộc tấn công quy mô vào quân Nhật. Tưởng Giới Thạch, khi đó là tổng tư lệnh quân đội liên quân Quốc-Cộng, mời Chu Ðức về bàn kế hoạch. Trên đường về, Chu Ðức ghé Diên An và bị Mao giữ lại ở đây cho tới hết chiến tranh. Người thay thế Chu Ðức là Chu Ân Lai. Theo chiến lược của Mao kẻ thù mà hồng quân nên đánh phải là Tưởng chứ không phải Nhật. Trong thời gian này, Mao đã rất nhiều lần đánh điện yêu cầu Stalin đưa quân sang giúp ông đánh Tưởng, nhưng Stalin chỉ giúp tiền bạc và vũ khí.
 
Tháng 5 năm 1940 cuộc chiến Trung-Nhật càng ngày càng tồi tệ. Nhật bản bắt đầu leo thang chiến tranh bằng cách thả bom thủ đô Trùng khánh. Tư lệnh quân đòan 8 của hồng quân, Bành Ðức Hoài ban lệnh hành quân, dù không có sự đồng ý của Mao, phá hủy các đường rầy xe lửa vùng bắc bộ TQ, nhằm ngăn cản bước tiến của quân Nhật về Trùng khánh. Báo chí TQ ca ngợi sự tấn công này là một đòn đánh vào tin đồn là quân đội TQ rạn nứt. Chu Ân Lai vuốt ve Mao là cuộc tấn công này gây tiếng vang tốt cho DCS về mặt tuyên truyền. Nhưng Mao thì nổi điên, không phải vì 90 ngàn hồng quân bị thiệt hại khi Nhật phản công mà vì Bành Ðức Hoài bất tuân lệnh của ông. Mối hận này Mao để trong lòng cho mãi tới năm 1945 Mao mới đòi. Dù sau đó khi thấy trận đánh quả nhiên mang lại tiếng tốt cho ĐCSTQ, thanh niên thi nhau đăng ký quân dịch với DCS, thì Mao lại kể công là trận đánh này do lệnh của Mao.
 
Ngày 16 tháng 7 năm 1940 Tưởng Giới Thạch ban lệnh cho quân đoàn 4 (hồng quân) rút ra khỏi vùng Dương tử mà kéo về phía bắc, đóng quân chung với quân đòan 8. Mục đích của Tưởng là tách rời hai lực lượng Quốc-Cộng, phiá bắc thuộc Cộng sản, phiá nam thuộc dân quốc. Như thế sẽ tránh được sự tương tàn giữa hai bên cùng người TQ. Nhưng Mao khước từ. Ông ban lệnh cho quân đòan 4 tấn công vào quân đội Tưởng đầu tháng 8 năm 1940, giết chết 11 ngàn quân cùng hai viên tướng của Tưởng. Theo sự tính toán của Mao, nếu Tưởng trả thù thì sẽ gây ra một cuộc nội chiến, và Liên xô sẽ có đủ lý do để kéo quân vào TQ. Tưởng hoàn toàn không có phản ứng gì. Biết được yếu điểm của Tưởng là e sợ một cuộc nội chiến lan rộng, ngày 7 tháng 11 năm 1940 Mao đánh điện cho Quốc tế Cộng sản đệ tam xin 150 ngàn quân viện để chính thức phát động cuộc chiến với Tưởng. Thế nhưng khi đó trong một cuộc tiếp xúc ngầm giữa Liên xô và Nhật để chia đất TQ, Nhật chỉ muốn giao cho Liên xô quản lý vùng Tân cương và Ngoại Mông, và ba tỉnh phía bắc TQ mà Cộng sản đã chiếm được. Ðiều kiện này không thỏa mãn Stalin, nên Stalin ra lệnh cho Mao án binh bất động, “chỉ được tấn công nếu Tưởng tấn công trước”.
 
Mao chỉ còn có cách ép buộc Tưởng phải bóp cò trước.
 
 
Chương 22:
Phương cách Mao chọn để buộc Tưởng bóp cò là “thí quân”, dùng đó làm lý do yêu cầu Liên xô can thiệp. Con bài thí là Chính ủy quân đòan 4 Hạng Anh, vốn đã nhiều lần ra mặt chống đối Mao. Ðây là dịp để Mao mượn tay Tưởng trừ khử.
 
Tháng 12 năm 1940 Mao ban lệnh cho Hạng Anh dời quân khỏi Dương tử, rút về bắc. Có hai ngã rút: bắc lộ và đông lộ. Mao báo cho Tưởng biết là mình thỏa thuận rút quân theo yêu cầu của Tưởng hồi tháng 7, và xin mở đường. Khi nhận được tin Tưởng cho phép quân đoàn 4 được an toàn rút ra theo bắc lộ, Mao điện cho Hạng Anh là Tưởng cho lệnh rút qua ngã đông lộ. Ngày 6 tháng 1 năm 1941, quân Hạng Anh đụng đầu một lực lượng lớn hơn nhiều của Tưởng, ông đánh điện về cầu cứu với Mao nhưng Mao không trả lời. (Sau này Mao trả lời với điện Cẩm linh là máy liên lạc bị hư từ ngày 6 tới ngày 9 tháng 1.) Tối ngày 11 tháng 1 Chu Ân Lai thông báo với báo chí là quân đòan 4 bị quân Tưởng bao vây và tấn công. Chỉ là thông báo mà thôi, chứ không xin Tưởng ban lệnh ngừng tấn công. Ngày 12 tháng 1, Tưởng tự ý ban lệnh ngừng đánh, và không những thế, ông còn cho phép quân đoàn 4 được đóng quân tại chỗ, để dưỡng quân. Hạng Anh thoát chết vì quân Tưởng, nhưng bị người tùy phái của mình giết hai tháng sau trong khi đang ngủ.
 
Hiện tại Hạng Anh vẫn bị sử sách hiện thời của TQ phê bình là làm tiêu hao quân đòan 4 vì đi lầm đường.
Mao liên tục đánh điện cho Moscow, “hết cái này tới cái khác”, theo một nguồn tin tình báo Liên xô,: “kế hoạch của Tưởng là tiêu diệt lần mòn quân đội của tôi, trước là quân đoàn 4, sau đó sẽ là quân đoàn 8. Nếu không được phản công thì chỉ có đường chết”.
 
Moscow tung tin là quân đòan 4 của ĐCSTQ thiệt hại cả chục ngàn người, thực tế chỉ cỡ hai, ba ngàn, vì một bộ phận lớn của quân đoàn 4 đã được rút ra trước, do Lưu Thiếu Kỳ chỉ huy. Vì ngu ngốc chính phủ Tưởng loan báo là quân đoàn 4 đã bị đánh tan. Ðiều này khiến thế giới phương tây cho rằng chính Tưởng đạo diễn cuộc tấn công. Nhật báo New York Herald Tribune ngày 22 tháng 1 năm 1940 đăng một bài báo của Edgar Snow bắt đầu như sau: “Theo một nguồn tin đáng tin cậy về cuộc đụng độ gần đây ...”. Thực ra tin tức của Snow do một cán bộ cộng sản ở Hồng kông cung cấp. Do những tin tức sai lầm, cả Roosevelt và Churchill cùng đánh giá Tưởng là kẻ hiếu chiến. Ðại sứ Anh quốc ở TQ, Clark Kerr, công khai tuyên bố là Chu Ân Lai đáng giá bằng hết tất cả các lãnh tụ Quốc dân đảng gộp lại.
 
 
Chương 23:
Ngày 22 tháng 6 năm 1941 Ðức quốc xã xâm lăng Liên xô. Ðây là một diễn biến ra ngoài suy đoán của Mao và làm Mao mất ngủ nhiều ngày. Vốn lệ thuộc vào Liên xô quá nhiều, Mao biết rằng một Liên xô suy yếu sẽ không thể nào giúp Mao đạt được mục đích của mình. Mao ban lệnh cho hồng quân: Ngưng ngay chiến dịch chống Tưởng.
Tháng 7 năm đó Stalin yêu cầu Mao xuất quân đánh Nhật (để ngăn chận Nhật hợp tác với Ðức quốc xã tấn công Liên xô), Mao đòi chi tiền. Dimitrov (Chủ tịch Quốc tế Cộng sản đệ tam) chi ngay 1 triệu Mỹ kim. Ấy thế mà tại cuộc họp Trung ương đảng Mao đưa ra kế hoạch: Nếu Nhật đánh Liên xô, hồng quân không được can thiệp, vì “quân ta không đủ sức đánh Nhật, mọi sự can thiệp đều đưa tới những thiệt hại to lớn không thể sửa chữa được. Tuy thế bề ngoài vẫn phải giả bộ là đang hết lòng giúp Liên xô.” Dĩ nhiên không phải Stalin không biết chuyện đó, nhưng vì quyền lợi lâu dài Liên xô vẫn tiếp tục giúp Mao.
 
Trong khi không phải đánh nhau với Nhật và Tưởng, Mao quay về củng cố quyền hành và xây dựng một chế độ cộng sản dựa vào khủng bố và tẩy não tại Diên an. Lúc này hồng quân có khoảng 700 ngàn người, đa số là mới gia nhập khi phong trào chống Nhật lên cao. Những hăng say ngày mới gia nhập hồng quân đã nhanh chóng đổi thành bất mãn, khi chứng kiến sự bất công ở đây: Chế độ ăn uống chia làm ba loại: tiểu táo, trung táo và đại táo. Tiểu táo chỉ ăn bằng nửa của trung táo, còn đại táo thì muốn gì được nấy. Lãnh đạo có nhà thương riêng, con cái của họ thì có người hầu, còn dân chúng không có gì ăn, bệnh hoạn không được cứu chữa, thuốc men cũng không có. Cán bộ đảng giải thích sự bất bình đẳng này là do yêu cầu của đảng: “Mao chủ tịch phải ăn một ngày một con gà do yêu cầu của đảng”. Mao chủ tịch còn trưng dụng luôn chiếc xe duy nhất ở Diên an lúc đó làm xe riêng. Chiếc xe này do Công đoàn giặt TQ ở New York gởi tặng để chở thương binh, nhưng Mao đã tư hữu nó.
 
Dưới bàn tay phù thủy của Mao, Diên an biến thành một nhà tù khổng lồ. Những kẻ bỏ trốn bị xử tử công khai khi bị bắt lại. Mao phát động chiến dịch “Chỉnh huấn”, theo đó bất cứ ai cũng có thể là gián điệp do Tuởng gài lại nên tất cả đều phải trải qua thanh lọc và học tập. Hàng trăm ngàn người bị ép phải tố giác lẫn nhau qua phong trào phê và tự phê. Mọi người bị buộc phải viết nhật ký và phải nộp cho đảng kiểm soát. Họ bị buộc phải tố cáo nhau là gián điệp để đạt được yêu cầu của Mao (Mao ra lệnh cho các vùng cộng sản khác cũng phải tổ chức phong trào “chỉnh huấn” giống như Diên an, và phải móc ra 10% là gián điệp). Biết bao nhiêu thanh niên tình nguyện vào đây chỉ vì lòng yêu nước đã bị giết vì bị nghi ngờ là gián điệp. Một số khác phải tự tử, hoặc phát điên.
 
Chỉ sau hai năm chính sách tẩy não và khủng bố của Mao đã biến mấy trăm ngàn thanh niên thành những bộ máy. Họ nói y hệt như nhau về mọi vấn đề, kể cả về tình yêu. Không ai dám kể một chuyện cười, Mao không những chính thức ban lệnh cấm mà bất cứ một lời than phiền hay bất mãn gì đều bị coi là gián điệp. Mao hoàn toàn thành công: Chính sách khủng bố tàn bạo của Mao đã không những không để lọt lưới một gián điệp nào của Tưởng mà còn bẻ cong hết mọi ý chí phản kháng của dân chúng. Ðiển hình là Vương Thực Vị, một văn sĩ trẻ, chỉ 35 tuổi khi đợt chỉnh huấn đầu tiên bắt đầu năm 1942, đã viết những bài báo tường sôi nổi về sự bất công ở Diên an. Năm 1944 khi báo chí được phép vào Diên an, ông được đẩy xe lăn ra và luôn miệng lắp bắp: “Tôi đã chống Mao chủ tịch. Tội tôi đáng chết, nhưng Người đã tha tôi sống, tôi muôn ngàn lần cảm ơn”. (Ông bị cộng sản xử tử khi họ rời bỏ Diên an năm 1947)
 
Mùa xuân năm 1945, để chuẩn bị chiến tranh với Tưởng, Mao công khai xin lỗi những nạn nhân của mình bằng những lời nói giả dối trơ trẽn, kiểu như: “Thay mặt Trung ương đảng tôi xin lỗi”, “Chúng ta đánh kẻ thù trong đêm tối, chẳng may làm tổn thương người mình” hoặc đạo đức giả “Cũng giống như cha đánh con mà, đừng buồn bực nữa”. Mặc dù thế, những lời nói giả dối này đã tỏ ra có hiệu quả: Những nạn nhân còn sống sót của Mao đã tiếp tục theo Mao đánh Tưởng, giúp Mao xây dựng thành công chế độ cộng sản phi nhân tính trên nước TQ và được Mao ban ơn bằng không phải chỉ một mà nhiều đợt chỉnh huấn khác nữa.
 
Ngoài ra trong âm mưu biến Tưởng thành một hình ảnh tàn nhẫn, hòng khơi dậy lòng căm thù của đảng viên đối với Tưởng, Mao đã lạnh lùng không động một ngón tay khi em mình, Mao Trạch Dân, vợ và con cùng với hơn 140 đảng viên cộng sản bị bắt ở Tín giang. Tin này tới tai Liên xô qua ngã Trùng khánh, và Liên xô đã thông báo cho Chu Ân Lai để báo lại cho Mao. Sở dĩ Mao không làm gì vì ý đồ Mao là sẽ biến cuộc xử bắn 140 người này thành một sì-căng-đan, nào ngờ Tưởng cuối cùng chỉ xử tử Mao Trạch Dân và hai cán bộ cộng sản khác. Những người khác, kể cả vợ và con của Mao Trạch Dân được thả.
 
 
Chương 24:
Cuộc “Chỉnh huấn 42-45” ở Diên an cũng cải tạo thành công các cán bộ gộc như Lạc Phủ và Bác Cổ. Hai ông này tuyên thệ trung thành với Mao. Thế nhưng Vương Minh cương quyết không chiụ khuất phục. Ông này dự trù sẽ đưa vấn đề ra trước đại hội đảng, và nếu cần, cả Quốc tế Cộng sản đệ tam. Thế nhưng tháng 10 năm 1941 ông ngã bịnh và được đưa vào nhà thương. Một bác sĩ của bệnh viện, Bác sĩ Jin Mao-yue, được lệnh của Mao đầu độc Vương Minh cho đến chết. Vương Minh không chết vì đã không uống thuốc, và cũng vì đã có sự can thiệp kịp thời của Liên xô. Nhưng ông không còn có thể đứng dậy được nữa. Ông được đưa đi Moscow trị bệnh ngày 19 tháng 8 năm 1943 và chết ở đó năm 1974. (Bác sĩ Jin sau này bị kết tội là gián điệp của Quốc dân đảng)
 
Khi đó Chu Ân Lai (đang ở Trùng khánh làm đại diện cho Mao) được gọi về, và ông này hết lời xiểm nịnh Mao. Dù thế, Mao vẫn bắt Chu phải tự thú trước Bộ Chính Trị và tại các cuộc đấu tố đảng liên tục trong 5 ngày liền là “tôi đã phạm rất nhiều tội không thể tha” và “Chính Mao chủ tịch đã cứu tôi”. Chu hoàn toàn bị khuất phục bởi Mao.
Bành Ðức Hoài cũng bị gọi về Diên an và ông được để yên cho tới đầu năm 1945 thì cũng bị đấu tố liên tục 40 ngày với đủ các lời xỉ nhục và tố cáo. Cuộc đấu tố chỉ chấm dứt khi Nhật đầu hàng. Khi đó Mao cần Bành trong cuộc chiến với Tưởng sắp xảy ra.
 
 
Chương 25:
Dĩ nhiên một kẻ chuyên tạo khủng bố như Mao rất sợ người ta trả thù.
Mao cho cất một căn nhà ở ngoại ô Diên an, chung quanh có hàng rào cao, và có lính gác. Ai cũng tưởng Mao sống ở đây, nhưng không phải. Mao còn một căn nhà khác sâu vào trong núi, có khả năng chống được bom, nối với căn nhà ở ngoài bằng một con đường đủ rộng cho xe chạy. Con đường được che kín bởi cây cối, người ngoài khó thấy. Toàn bộ căn nhà được ngụy trang kín đáo, chỉ khi đến thật gần, bước lên bậc thềm mới thấy nó. Không ai được tới đây, ngoại trừ những người Mao cho đòi tới. Và cũng chỉ có thể tới một mình gặp Mao mà thôi. Lính hầu bị giữ lại bên ngoài. Mao sống ở đây.
 
Trùm mạng lưới KGB của TQ là hung thần Khang Sinh. Khang có phải là đảng viên CS không, không ai biết. Những người bảo lãnh Khang vào đảng, dựa theo hồ sơ của Khang, đều khai không biết gì về chuyện đó. Khang cũng từng bị tù bởi Quốc dân đảng. Dimitrov cũng kết tội Khang là không đáng tin cậy. Nhưng Mao đã xử dụng Khang, như Stalin xử dụng Vyshinsky (gốc Menshevik), cho Khang toàn quyền tra tấn và kết tội kẻ khác. Trong cương vị này Khang đã bộc lộ hết bản chất tàn ác cũa y, nhưng với một gốc gác mơ hồ như vậy, Khang lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ, vì thế Khang tuyệt đối trung thành với Mao cho tới lúc chết. Ðây cũng là một cách dùng người của Mao.
 
Quyền uy của Khang lớn tới độ chính Lưu Thiếu Kỳ đã phải nhờ Khang che chở nhiều lần để khỏi bị thanh trừng trong cuộc chỉnh huấn ở Diên an.
 
Jiang Qing (1914-1991) - Vợ thứ 4 của Mao
Trong cuộc chỉnh huấn ở Diên an có hai người đàn bà. Một là Diệp Quần, vợ Lâm Bưu và một là Giang Thanh, vợ Mao. Một ngày tháng 3 năm 1943, trong khi Lâm Bưu đang ở Trùng khánh, Diệp Quần bị cột vào ngựa và cho ngựa kéo. Khi về tới, Lâm Bưu đến gặp mặt Mao và chửi thẳng vào mặt Mao: “Ð.M. mày. Chúng tao chiến đấu ở mặt trận để ở nhà mày đối xử với vợ tao như vậy hả?” Mao phải trả tự do cho Diệp Quần, và còn cho bà trắng án. Giang Thanh, ngược lại, không được Mao che chở như vậy. Bà cũng phải bị kiểm thảo và bị đấu tố, dù không nặng nề như những người khác, thế nhưng cũng đủ để khiến bà sợ Mao tới suốt đời.
 
Sự khủng bố của cuộc chỉnh huấn Diên an đã xây dựng thành công một ông vua kiểu Tần Thủy Hoàng: không ai dám trái ý. Mọi người phải học tập các bài nói chuyện của Mao, và tung hô: Mao Chủ tịch muôn năm. Bài hát “Ðông phương hồng” trở thành phổ thông khắp mọi nhà. Hình Mao được phổ biến khắp nơi. Mao cũng cho sửa lại lịch sử theo kiểu “cái gì sai là do kẻ khác làm, cái gì đúng là do công của Mao”. Vì thế, những trận đánh thua của hồng quân là do làm trái ý Mao, cuộc chiến phá hủy đường rầy xe lửa chống Nhật đưa đến kết quả lẫy lừng cho hồng quân là do lệnh của Mao. Thậm chí trận đánh cầu Dadu, một trận đánh mà tài liệu giáo khoa kể là bên Mao chỉ chết một con ngựa, không có cũng biến thành có.
 
Không còn đối thủ, Mao tổ chức đại hội đảng lần thứ 7 ngày 23 tháng 4 năm 1945 (lần thứ sáu là 17 năm trước) và nghiễm nhiên trở thành Chủ tịch ĐCSTQ thực sự, với đầy đủ uy quyền của một hoàng đế.
 
 
Chương 26:
Bí thư đảng bộ Diên an là Xie Juezai. Tay này đã bí mật viết nhật ký kể lại đầy đủ những diễn biến tại đây. Những cuốn nhật ký này sở dĩ không bị tiết lộ, cho tới ngày nay, có lẽ vì Xie là bạn thân của Mao từ thời niên thiếu nên được Mao tin tưởng.
Theo Xie, đây là số gạo mà người dân Diên an phải đóng thuế cho chính quyền CS:
Năm 1937: 13,859 shi (một shi là 150 kilo).
Năm 1938: 15,972 shi
Năm 1939: 52,250 shi
Năm 1940: 97,354 shi
Năm 1941: 200,000 shi.
Chính Xie viết trong nhật ký là “người dân chỉ có chết vì thuế mà thôi” (21/6/1939). Cũng theo Xie, vì quá nghèo, có nơi số tử vong gấp năm lần số sinh sản. Di dân bị lùa tới những vùng núi non, và bị bỏ mặc ở đây. Họ chết như ruồi.
 
Ðó là chưa kể những đóng góp của Chính phủ Trùng khánh (vào những năm đầu tiên) và Liên xô, mà chính tay Stalin phê chuẩn cho mỗi tháng 300 ngàn Mỹ kim.
 
Ấy vậy mà Mao còn kiếm thêm tiền bằng đường trồng và buôn bán ma túy. Có khoảng 30 ngàn mẫu đất được trưng dụng để trồng ma túy. Năm 1943 Liên xô đánh giá là Mao bán được 44,760 kilo ma túy.
Tất cả tiền lời từ buôn bán ma túy đều vào tay DCS, người dân không những không được sơ múi chút nào mà còn phải đối phó với sự lạm phát, Xie viết “Chúng ta đã tạo ra lạm phát vì chúng ta quá giàu” (6/3/1944). Dĩ nhiên chữ “chúng ta” đây chỉ DCSTQ. Theo Xie, từ năm 1937 tới năm 1944, muối tăng giá gấp 2131 lần, dầu ăn 2250 lần, tơ sợi 6750 lần, vải vóc 11,250 lần, diêm quẹt 25 ngàn lần.
 
Chính Mao là tạo ra lạm phát bằng cách in tiền vô tội vạ và cho phép bộ máy cồng kềnh của Mao được xử dụng nó không giới hạn. (Bọn VC xài y chang bài bản)
 
 
Chương 27:
Tháng 2 năm 1945 tại Hội nghị Thượng đỉnh Yalta, Stalin khẳng định với Roosevelt và Churchill sẽ tham gia mặt trận Thái bình dương khi Ðức quốc xã đầu hàng. Hai tay lãnh tụ tây phương này cho Stalin hay sẽ có bồi thường xứng đáng, mà không biết là Stalin đang rất nóng lòng muốn xâm lăng TQ, dù có bồi thường hay không. Ðiều này đối với Mao có nghiã là quân đội sô viết sẽ tiến vào TQ, và Mao sẽ được đưa lên lập chính phủ cộng sản, như mơ ước Mao đã ấp ủ 22 năm.
 
Mười hai giờ 10 phút đêm 9 tháng 8 năm 1945, chỉ 3 ngày sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima, một triệu rưỡi quân Liên xô vượt biên giới Mông cổ tràn vào TQ, mở một mặt trận dài 4600 cây số. Mao ban lệnh cho hồng quân nhanh chóng bắt tay với quân đội Liên xô, và thành lập chính phủ CS nơi nào họ đi qua. Theo hiệp định Yalta Stalin phải thông báo cho Tưởng trước khi đem quân vào TQ, nhưng Stalin chỉ làm chuyện này một tuần sau.
 
Nhật đầu hàng ngày 15 tháng 8. Người dân TQ nhảy múa ăn mừng chiến thắng. Tám năm chiến tranh (nếu tính luôn thời gian Nhật xâm lăng Mãn châu là 14 năm), ít nhất cả 10 triệu người chết, chưa kể số thương binh và tỵ nạn. Phải ăn mừng chứ. Theo hiệp định Yalta, quân Liên xô sẽ dừng quân và bàn giao các đất đai đã chiếm được của Nhật lại cho Tưởng, thế nhưng thực tế xảy ra khác hẳn. Quân Liên xô vẫn tiếp tục tiến về Nam, và theo sau là hồng quân TQ. Cuối tháng 8, quân Liên xô đã giúp Mao phát triển lãnh thổ tới tận tỉnh Chahar và Jehol, cả hai nơi này chỉ cách Bắc kinh có 150 km. Phần thưởng lớn nhất cho Mao là Mãn châu, nơi Nhật đã chiếm đóng 14 năm. Không những quân Liên xô lấy được kho vũ khí của Nhật, lên tới cả trăm ngàn súng và hàng ngàn vũ khí nặng, và giao lại cho Mao mà còn bàn giao cho Mao 200 ngàn quân vốn là lính của chính phủ Mãn châu thân Nhật. Khi đó quân Tưởng còn đang kẹt ở Nam TQ và Miến điện, Tưởng cầu cứu với Mỹ. Tổng thống Mỹ Harry Truman (lên thay Roosevelt chết ngày 12 tháng 4) đòi hỏi Tưởng đàm phán với Mao. Tưởng đánh điện mời Mao đến Trùng khánh họp. Sau nhiều lần từ chối, cuối cùng trước áp lực từ Stalin (và có bảo đảm an ninh của cả Liên xô và Mỹ) Mao đồng ý gặp Tưởng.
 
Ngày 28 tháng 8 Mao bay đến Trùng khánh trên một chiếc máy bay của Mỹ. Cuộc hội nghị diễn ra trong 45 ngày. Mao luôn miệng ca tụng Tưởng, nhưng cả hai đều biết là họ chỉ đóng kịch. Tưởng cần có một cái hiệp định hòa bình để chiều lòng Mỹ, và Mao phải chiều lòng Stalin. Trong khi Mao đang ở Trùng Khánh, quân đội Mỹ chiếm được hai thành phố lớn, Thiên tân và Bắc kinh, và họ sẵn sàng bàn giao cho quân Tưởng.
 
Mao trở về Diên an ngày 11 tháng 10 và ngay lập tức ban lệnh đánh đuổi quân Tưởng ra khỏi Mãn châu. Thế nhưng quân đội Mao vốn chưa quen đánh giặc (chiến lược của Mao xưa nay là né tránh đụng độ để bảo toàn lực lượng), chưa kể về mặt tâm lý là chỉ muốn hưởng thái bình, nên chưa đánh đã hàng. Trong 10 ngày cuối năm 1945, 40 ngàn hồng quân đầu hàng quân Tưởng, theo tài liệu của DCSTQ. Lâm Bưu báo cáo với Mao: “Dân chúng nói là quân đoàn 8 không nên đánh nhau với quân chính phủ nữa. Theo họ, Quốc dân đảng mới là Chính phủ”. Nhiều cuộc biểu tình nổ lớn đòi quân Liên xô rút về. Tin tức quân Liên xô hãm hiếp đàn bà TQ và cướp bóc của cải loan truyền. DCSTQ cũng bị đàm tiếu vì có dính liú tới quân Liên xô. Có lần trong một cuộc triệt thoái, Lâm Bưu bị chính quân mình hỏi: “Có phải quân ta rút về xứ bọn tóc đỏ (ý nói Liên xô) không?”.
 
Ngày 1 tháng 6 năm 1946 Lâm Bưu xin lệnh di tản khỏi Harbin, đây là thành phố lớn cuối cùng của Mao ở Mãn châu. Mao nhiều lần xin Stalin đưa quân trở lại giúp nhưng bị từ chối. Stalin chỉ cho phép hồng quân TQ được phép qua biên giới Liên xô trú quân. Ngày 3 tháng 6 Mao chấp thuận cho di tản.
 
Mao chỉ chờ giờ bị treo cổ. Thì lúc đó Mao được cứu. Cứu tinh của Mao là chính phủ Mỹ.
 
 
Chương 28:
Tháng 12 năm 1945 Truman gởi tướng George Marshall sang TQ để nghiên cứu tình hình, và đưa kế hoạch giúp TQ chấm dứt cuộc nội chiến. Tại cuộc họp mặt đầu tiên với Chu Ân lai, Marshall được Chu cho biết là DCSTQ muốn thành lập một chính phủ dân chủ thân Mỹ ở TQ. Khi được hỏi là nghe nói Mao sắp sang thăm Liên xô, Chu cười lớn: “Không có đâu, Mao chủ tịch muốn đi thăm Mỹ kìa”. Tất cả những bản báo cáo của Marshall về Mỹ đều bày tỏ sự bất mãn của ông với sự bất hợp tác của phe dân quốc. Sau này, tháng 2 năm 1948 Marshall còn báo cáo cho Quốc hội Mỹ “không có bằng cớ nào là DCSTQ được sự giúp đõ của các đảng cộng sản nước ngoài”, mặc dù Mỹ và Anh đã giải mã nhiều bức điện qua lại giữa Moscow và Diên an.
 
Chính Marshall đã ép Tưởng phải ngừng ngay những cuộc tấn công vào quân Mao. Marshall cho biết chính phủ Mỹ sẽ ngưng giúp Tưởng (khi đó Mỹ giúp Tưởng chuyển quân bằng tàu từ các nơi về Mãn châu) nếu ông không ngừng ngay. Tưởng đồng ý ngưng bắn 15 ngày, nhưng sau đó dưới áp lực của Marshall và Tổng thống Mỹ Truman (ông này viết cho Tưởng một lá thư đe doạ là nếu không tìm được một giải pháp hoà bình thì Mỹ sẽ xét lại sự giúp đỡ của Mỹ), từ 15 ngày đổi thành 4 tháng. Thời gian này đủ để hồng quân thiết lập được căn cứ an toàn ở Bắc Mãn châu với hậu phương là Liên xô. Chính Liên xô đã đóng vai trò quyết định trong trận chiến sắp tới. Về mặt vũ khí, Liên xô gởi cho Mao 900 máy bay lấy được của Nhật, 700 xe bọc sắt và vô số súng ống đạn dược. Liên xô cũng sửa lại hệ thống đưòng rầy xe lửa, và nối nó sang tới biên giới Nga. Về mặt nhân sự, Liên xô gởi hàng chục ngàn tù nhân chiến tranh Nhật làm huấn luyện viên cho hồng quân TQ. Liên xô cũng gởi sang 200 ngàn lính Bắc Hàn tham chiến với hồng quân TQ. Ðể cám ơn hậu tình của Liên xô, Mao đã gởi sang Moscow một triệu tấn thức ăn mỗi năm, kết quả cả chục ngàn nông dân Diên an bị chết đói vào năm 1947, và sang năm 1948 con số chết đói ở Mãn châu lên đến cả trăm ngàn.
 
Một cộng sự viên của Tưởng, ông Ch’en Li fu, khuyên Tưởng” Nếu muốn đánh CS, phải đánh tới nơi. Ðánh rồi nghỉ, rồi mới đánh chỉ có thất bại thôi”. Nhưng Tưởng không thể bỏ qua sự viện trợ của Mỹ, lúc đó trị giá khoảng 3 tỷ Mỹ kim. Tưởng phải cúi đầu trước áp lực của Mỹ.
 
 
Chương 29:
Tháng 10 năm 1946 bốn tháng sau ngày ký hiệp định ngừng bắn, quân Tưởng bắt đầu mở lại những cuộc tấn công vào căn cứ điạ Bắc Mãn châu của Mao. Hồng quân, dưới quyền chỉ huy của Lâm Bưu, lần này đã tỏ ra chiến đấu hữu hiệu. Cuộc chiến kéo dài dằng dai cả năm. Uy tín Tưởng xuống thấp. Ông cần một chiến thắng quân sự.
Ngày 1 tháng 3 năm 1947 Tưởng ủy thác cho một tướng tâm phúc của mình, Hu Tsung-man, thực hiện một kế hoạch táo bạo: đánh chiếm Diên an. Ngày 18 tháng 3 Hu chiếm được Diên an, nhưng Mao đã trốn thoát. Sau này Hu cho một người bạn của ông, Hu Kung mien, biết là ông đã điện cho Mao biết kế hoạch của Tưởng, kịp thời cho Mao di tản toàn bộ ban tham mưu của mình. Thì ra Hu là một gián điệp nằm vùng của Mao. Hu chiếm đưọc Diên an, nhưng chỉ đóng quân ở ngay thành phố Diên an. Ngoại ô Diên an vẫn thuộc quyền kiểm soát của cộng sản. Nhiều lần, Hu gởi quân đi truy sát Mao đều mang thất bại. Lần nào quân Hu cũng đi thẳng vào ổ phục kích của Mao, kết quả không ai sống sót trở về. Những trận đánh chỉ có thắng này của Mao đã đưa tên tuổi Mao lên hàng danh tướng.
 
Một bằng chứng khác Hu nằm vùng là ngày 8 tháng 6, hoàn toàn bất ngờ một toán quân của Hu, do Liu Kan điều khiển, xuất hiện sát chỗ Mao đang đóng quân. Mao vội vã băng rừng chạy, mọi điện đài đều được tắt hết, ngoại trừ một đường dây. Mao liên tục gọi cho Hu yêu cầu Hu rút Liu Kan về. Hu ban lệnh cho Liu Kan: bỏ hết mọi thứ mà kéo quân về Bảo an. Sau này Mao khoe khoang: “Bốn quân đoàn của Liu Kan diễn hành qua lại ngay trước mắt chúng tôi, trong khi chúng tôi chỉ đứng ngó”. Liu Kan phải trả giá bằng cái chết, dàn dựng bởi chính Hu: Tháng 2 năm 1948, Hu ra lệnh cho Liu Kan đánh chiếm Yichuan, đoàn quân trên đường đi lọt ổ phục kích của Mao. Liu điện về cho Hu xin rút, nhưng Hu không cho. Liu Kan tự sát. Cái chết của Liu và sự tan rã của quân đoàn 29 của ông đập tan mọi hy vọng của Tưởng. Một tháng sau, Hu được lệnh rút khỏi Diên an. Tưởng vẫn đánh giá Hu là một người đáng tin cậy, và đã dùng quyền của mình che chở cho Hu không bị kết tội, ông không học gì được từ sự thất bại ở Diên an. Hu chết ở Ðài loan năm 1962, tung tích vẫn không bị bại lộ.
 
Gián điệp đóng một vai quan trọng trong sự thất bại của Tưởng. Năm 1948 Tưởng giao cho một tướng khác Wei Li huang nắm chức tư lệnh vùng Mãn châu, cầm đầu nửa triệu quân, dù đã nhận được báo cáo là Wei có thể là một cán bộ cộng sản. Wei cũng hành động y như Hu, rút hết quân đội về thành phố để ngỏ vùng nông thôn cho Mao tự do phát triển. Lâu lâu, Wei cử những toán quân lẻ tẻ đi hành quân vào những chỗ đã bị phục kích sẵn. Khi thấy tình hình tuyệt vọng, Tưởng ra lệnh cho Wei rút quân về Tinh châu để chuẩn bị rút ra khỏi Mãn châu, thì Wei bỏ lại toàn bộ quân đội của mình cho Mao tàn sát (theo ý muốn của Mao). Ngày 2 tháng 11 Thẩm Dương sụp đổ, toàn bộ Mãn châu rơi vào tay Mao. Wei cũng không bị Tưởng trị tội, ông qua sống ở Hồng kông một thời gian rồi mới về Bắc kinh sống ở đó cho tới chết năm 1960.
 
Quân đội Mao sau khi chiếm Mãn châu tiếp tục tiến về Bắc kinh. Quân số của Mao lúc này là 1 triệu 3, sẵn sàng đánh Bắc kinh, lúc đó có 6 trăm ngàn quân, dưới quyền điều khiển của tướng Fu Tso-yi. Fu không phải là cộng sản, nhưng Fu không còn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tưởng nên quyết định đầu hàng, tránh đổ máu. Nhưng Mao muốn mình trở thành một danh tướng đánh bại được Fu, một chiến tướng có tên tuổi, nên giữ sứ giả của Fu lại bàn chuyện thương thuyết cả hai tháng trong khi đó quân đội Mao tiếp tục tấn chiếm từng thành một. Chỉ khi Mao lấy được Thiên tân ngày 15 tháng 1 năm 1949, Mao mới nhận lời cho Fu đầu hàng. Lịch sử DCSTQ ghi là Mao thành công ép Fu đầu hàng vì Mao oanh liệt tạo nên hết chiến thắng này tới chiến thắng khác trên trận điạ. Thực ra cả hàng chục ngàn người đã chết lãng nhách chỉ vì Mao muốn nổi tiếng.
 
Trong khi đó mặt trận Hoài hải, phía bắc Nam kinh, đã xảy ra những trận đánh kinh hồn từ tháng 11 năm 1948 tới tháng giêng năm 1949. Tư lệnh mặt trận của chính phủ dân quốc không phải là gián điệp, dù dưới quyền ông có không ít gián điệp. Thế nhưng, ở bộ Tổng Tư lệnh dưới quyền Tưởng có hai người là gián điệp cộng sản: Lưu Phi và Kuo Ju kuei, mà Tưởng rất tin tưởng. Hai người này đã chuyển giao mọi kế hoạch quân sự của Tưởng cho hồng quân. Chính con trai của Tưởng xác nhận hai người này là gián điệp mà Tưởng cũng không tin. Sau này Tưởng thuyên chuyển Lưu Phi tới Tứ xuyên, và ông này dâng Tứ xuyên cho Mao không một phát súng.
 
Khi quân Nhật đầu hàng, Tưởng được mọi người coi là một anh hùng dân tộc. Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chính phủ của ông đã để cho tham nhũng lan tràn, tạo ra lạm phát và khủng hoảng kinh tế. Dưới áp lực của báo chí, ông cho mở cuộc điều tra, và kết quả cho thấy là Thủ tướng chính phủ TV Song và gia đình nhà vợ của ông đã ăn cắp công quỹ tới 380 triệu Mỹ kim. Mấy ngày sau, dưới áp lực của vợ, ông ra lệnh cho báo chí sửa lại là chỉ có 3 triệu Mỹ kim. Sự thất bại của Tưởng trong công cuộc trong sạch hoá guồng máy chính quyền đã đưa Mao tới thành công.
 
 
Chương 30:
Trong khi Tưởng nhu nhược không dám có những quyết định tàn nhẫn, thì Mao lại hoàn toàn khác. Năm 1948 khi Mao tấn chiếm Mãn châu, Mao đụng độ với tướng Cheng Tung-kuo ở Trường xuân. Cheng nhất định không đầu hàng, dù bị vây hãm tứ phiá. Mao ra lệnh không cho một người dân thường nào được thoát, “hãy biến Trường xuân thành một thành phố chết”. Lâm Bưu báo cáo như sau: “Hàng ngàn dân chúng vì quá đói phải bỏ thành chạy trốn, họ quỳ mọp xuống van khóc, xin chúng tôi tha cho đi. Nhưng quân sĩ đánh đập, bắt họ quay về thành, kẻ nào không chiụ thì bị trói và đốt chết”. Sau năm tháng bao vây, con số người chết lên tới 300 ngàn.
 
Thế nhưng khi những sự tàn khốc do Mao thực hiện được kể lại thì người nghe đều cho đây là sự tuyên truyền dối trá của Quốc dân đảng. Càng chán ghét Quốc dân đảng bao nhiêu, người ta lại càng kỳ vọng Mao sẽ đem đến cho họ một đời sống tốt đẹp hơn.
 
Ngày 20 tháng 4 năm 1949 quân đội Mao qua sông Dương tử tiến vào Nam kinh. Ngày 23 Tưởng bay đi Xi kou thăm mộ mẹ, và sau đó lên tàu đi Thượng hải, rồi Ðài loan. Tưởng đem theo hầu hết máy bay dân sự, rất nhiều mỹ thuật cổ và một số linh kiện điện tử, nhưng đã để lại hầu như trọn vẹn mọi nhà máy, không phá huỷ, cho Mao.
Ngày 1 tháng 10 năm 1949 Mao đứng trên cổng Thiên An môn tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung hoa. Ðám đông cả trăm ngàn người hô lớn: “Mao chủ tịch muôn năm”.
 
Ðiều không ai biết là Mao cần tới gần 6 tháng để chuẩn bị an ninh tối đa cho mình trong ngày tuyên bố thành lập nước. Trong thời gian này vợ Lạc Phủ có tới thăm Giang Thanh và hỏi thăm sức khoẻ Mao, bà này cho biết Mao thường hay run khi gặp kẻ lạ. Mao sợ bị ám sát. Bất cứ chỗ nào Mao muốn tới đều phải có chuyên viên Liên xô tới dò mìn trước, đó là chưa kể hàng ngàn lính TQ được đưa tới đi qua đi lại, vai sát vai: họ được xử dụng làm máy dò mìn “nhân tạo”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét