23/7/10

Những bí ẩn đàng sau Hội Nghị chia đôi đất nước

  • PSN - 20.7.2010 | Ngày này năm 1954
Từ trước tới nay, ai cũng nói rằng Hiệp Định Genève được ký kết ngày 20.7.1954 và Việt Nam mình thường nói rằng ngày nầy là ngày chia đôi đất nước. Nhưng vậy mà không phải vậy, Lịch Sử đã lầm. Văn bản của Hiệp Định đã được hoàn thành chiều ngày 19 và chỉ được ký kết chánh thức ngày 21.7, vào lúc 4 giờ sáng. Bản thảo cuối cùng được ký tắt vào lúc quá trưa.
 
Bảy năm trước, chính xác hơn là ngày 19.7.1949, Tướng Valluy, lúc bấy giờ Tổng Tư Lịnh Lực Lượng Viễn Chinh, viết trong một công văn chánh thức: " Đây là nỗ lực cuối cùng (trước khi chiến thắng)... Thời hạn của chúng ta được ấn định khoảng chừng vài tháng... Chúng ta đánh ván bài cuối cùng." Và ông Bộ Trưởng Chiến Tranh, Paul Coste-Floret, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn của tờ Figaro: "Tôi nghĩ là từ nay không còn vấn đề quân sự nữa ở Đông Dương. Các quân chủng của chúng ta đã thành công hoàn toàn."
 
Hồi tháng 7 năm 1954, khi Pháp đối mặt với Việt Minh, kẻ thù của mình, một cuộc đối đầu bi thảm đã kéo dài ở Đông Dương 91 tháng qua, từ ngày 19.12.1946 là lúc cuộc nổi dậy đã bùng nổ tại Hà Nội và tiếp theo đó là cuộc chiến tranh Đông Dương.
 
Quân Viễn Chinh đã bị thiệt hại tại đó 92.000 người, trong đó có 19.000 người Pháp chính quốc, 30.000 lính Phi Châu và lính lê dương. Dẫu cho đã có 114.000 người bị thương, 30.000 tù binh, quân số lâm chiến chống Việt Minh cũng lên tới 561.000 người, trong thời hòa bình. Trên 3.000 tỷ quan – tương đương với ngân sách trung bình của quốc gia Pháp trong một năm lúc bấy giờ – đã bị chôn vùi trong cuộc phiêu lưu đó.
 
Sáu bộ trưởng, tám vị tướng lãnh tổng tư lịnh, bảy vị cao ủy đã kế tục nhau trong cuộc chiến đó. Ngày 19.10.1950, Pierre Mendès France tuyên bố tại diễn đàn Quốc Hội: "Ý niệm toàn cầu của hành động chúng ta đã sai. Không thể tiếp tục như vậy được. Phải lựa chọn giữa hai giải pháp cùng khó khăn như nhau. Thứ nhứt là hoàn thành những mục tiêu của chúng ta ở Đông Dương bằng quân sự... Giải pháp kia là tìm một thỏa hiệp chánh trị, dĩ nhiên là một thỏa hiệp với những ngưòi đang chiến đấu chống lại chúng ta... Mình có thể từ chối cuộc thương thuyết nầy. Vậy thì chúng ta phải nói thật tình cùng với đất nước. Phải cho cả nước biết cái giá phải trả để đi đến cùng giải pháp kia."
 
Tất cả câu chuyện của bảy năm tranh đấu và nói dối nầy, bây giờ nằm trong những tập hồ sơ to lớn mang dấu "MẬT", được tập trung lại ngày 20.7.1954, trong văn phòng làm việc ở biệt thự Joli-Port, trụ sở của phái đoàn Pháp tại Genève. Một biệt thự sang trọng, tầm thường, xung quanh có công viên lớn, do Bộ Trưởng Ngoại Giao mướn trong thời gian hội nghị, được mở cửa ngày 26 tháng tư. Dọc theo bờ hồ là những biệt thự tương tự của Eden, Molotov, Bedell Smith, Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng, trong đó người ta luân phiên nhau tiệc tùng và đối thoại riêng tư.
 
Những chiếc xe Zis đen to lớn của Liên Xô, những chiếc Cadillac của Huê Kỳ, những chiếc xe Rolls của Anh và mấy chiếc Citroën khiêm nhường của Pháp, chạy ngược chạy xuôi trên các con đường của thành phố làm cho cảnh sát Thụy Sĩ phải bấn lên.
 
Đọc lại hồ sơ của Pháp mang tên "Tình Hình Quân Sự", người ta thấy rằng những nhà lãnh đạo quân sự không có dối gạt chánh phủ. Ngày 19.12.1950, Tham Mưu Trưởng Lục Quân, Tướng Blanc, viết một văn thơ lên ông Bộ Trưởng: "Từ năm 1945, Quân Đội Pháp đã đổ máu ở Đông Dương quá nhiều. Những tổn thất rất đáng kể và đều đều như vậy. Hiện nay thì tổn thất đã đến điểm không chịu đựng nổi nữa." Trước đó, Thống Chế Juin cũng đưa ra lập trường của ông lên Thủ Tướng ngày 24.5.1952: "Việc thi hành kế hoạch nầy (duy trì quân Viễn Chinh ở Đông Dương) đưa đến hậu quả tai hại cho lực lượng của chúng ta ở Châu Âu và ở Bắc Phi." Tướng Blanc khuyên nên di tản khỏi Bắc Kỳ: "Tiếp tục chiến đấu ở vùng Châu Thổ sông Hồng, mồ chôn quân sĩ ta, là một tội ác..."
 
Tuy nhiên, đến Sài Gòn hai ngày sau, với những "quyền hành rộng rãi", ông Pleven, Bộ Trưởng Quốc Phòng, và De Chevigné, Tổng Trưởng Chiến Tranh chấp thuận việc chọn lựa một điểm chiến lược lý tưởng để "khiền quân Việt". Đó là Điện Biên Phủ. Một địa danh mà người Pháp khó quên, nơi 16.000 người bị mắc bẫy trong một lòng chảo thảm thương, bị các sư đoàn thiện chiến của Việt Minh bao vây và pháo nặng của họ nã vào. Một tài liệu trong hồ sơ "Tình Hình Quân Sự" cho thấy có rút kinh nghiệm. Đó là một bức thơ của Thống Chế Juin, đề ngày 6.7.1954: "Điện Biên Phủ rơi rồi làm cho một phần lớn lực lượng chiến đấu của Việt Minh rảnh tay, đồng thời nó làm cho những lực lượng còn lại của ta bị phân tán và bị hao mòn kinh khủng vì phải hoàn thành những nhiệm vụ khác trong Kế Hoạch Navarre... Không còn chần chờ gì nữa, dẫu cho vì lý do đạo đức hay chánh trị. Phải tiếp tục đánh nhau..."
 
Hồ sơ thứ nhì của Genève mang tên "Ngoại Giao". Người ta có thể đặt cho nó cái tên "Làm gì bây giờ?", vì trong đó, có ba giải pháp mà, từ nhiều tháng qua những người chánh trị Pháp đã lật tới lật lui: can thiệp võ trang của Mỹ vào cuộc chiến, sự chế tài của một hội nghị quốc tế hoặc là thương thuyết trực tiếp giữa Pháp và kẻ địch là Việt Minh.
 
Giải pháp thứ ba dường như nặng cân nhứt. Chiến tranh Đông Dương có hai đối thủ trực tiếp là Pháp và Việt Minh. Chính hai đương sự phải cùng nhau liên lạc trực tiếp tìm cách đem lại một giải pháp cho cuộc chiến. Nhưng những người nắm quyền thời đó như Bidault, Teitgen, Pleven, những ông chủ chốt thật sự trong chánh phủ Laniel, đã bát bỏ đường lối đó và chọn một cuộc hiệp thương quốc tế, một hội nghị lại đưa một số những quyền lợi phân tán thêm.
 
Hội nghị Bộ Trưởng Ngoại Giao Tứ Cường, họp tại Bá Linh hồi tháng Giêng, sau 6 tháng thảo luận sơ khởi, đã quyết định triệu tập tại Genève một phiên họp về những vấn đề của Á Châu còn bỏ dở: Triều Tiên và Đông Dương. Phiên họp mở đầu ngày 26.4.
 
Cộng với Tứ Cường còn có phái đoàn Trung Quốc. Như vậy Trung Quốc bước vào diễn đàn ngoại giao quốc tế. Cùng với các ông Molotov và Chu Ân Lai còn có những đại diện của Việt Minh. Cùng với Eden, Dulles và Bidault là ba nước Đông Dương, Việt, Miên, Lào.
 
[...]
 
Những ngày đầu, Bidault có vẻ tin tưởng. Ông cho rằng Trung Quốc sẽ bỏ rơi Việt Minh để đánh đổi lấy quyền lợi kinh tế và việc Pháp cam kết sẽ bỏ phiếu cho Trung Quốc vào LHQ. Tháng Tư, ông nói với Foster Dulles: "Trung Quốc đang bị đói kém, có thể bị bắt buộc phải từ chối ngay cả chuyện lãnh thổ để khỏi bị cô lập."
 
[...]
 
Nhưng đồng thời ông cũng chuẩn bị đương đầu với chuyện Hội Nhị Genève thất bại, nghĩa là khêu gợi chuyện Mỹ can thiệp quân sự vào cuộc chiến. Các cuộc thăm dò dư luận rất phấn khởi. Phúc trình chánh thức của Bộ Ngoại Giao về phần đầu của hội nghị (tài liệu ngày 29.6.1954) viết về vấn đề nầy như sau: "...sự can thiệp của Mỹ bị ràng buộc bởi nhiều điều kiện, trong số đó có sự đồng ý của Anh và như vậy chỉ là trên lý thuyết. Mặt khác, có vẻ như việc can thiệp nầy không nhứt thiết chỉ hạn chế ở Đông Dương không mà còn có nguy cơ mở rộng."
 
Riêng ông Đại Sứ Chauvel, người dẫn đầu phái đoàn Pháp, trong khi điều khiển phái đoàn dưới quyền Bidault hoặc trong khi ông nầy vắng mặt, có ghi nhận rằng "ngày 4 tháng 5, trước khi ra đi Dulles có hỏi tôi Pháp có thể nào thu quân về hai vùng châu thổ, với sự yểm trợ của hàng không mẫu hạm Mỹ đậu ở Sài Gòn và Hải Phòng, và chờ hai năm cần thiết cho việc chuẩn bị mở lại cuộc hành quân rộng lớn hơn không..." Những hai năm! Như vậy, tương lai có vẻ không thuận lợi. Do đó Bidault thảo luận thêm với Mỹ nhiều hơn.
 
[...]
 
Những cuộc thảo luận đã diễn ra [...]. Không có kết quả khả quan. Ngày 10.6, đại diện Pháp trong cuộc hội đàm quân sự giữa năm quốc gia tại Hoa Thạnh Đốn, Tướng Valluy, đánh điện cho biết: "Về chuyện tăng cường ở mặt đất, chẳng một đồng minh nào nghĩ là có thể cung cấp..." Để gỡ rối, ngày 15.6, Bidault gởi cho Henri Bonnet, Đại Sứ Pháp tại Huê Kỳ những chỉ thị mới. Ông Đại Sứ phải đọc cho Dulles nghe bức điện chủ yếu viết rằng: "Thái độ của Mỹ cho chúng tôi có cảm tưởng rằng chuyện chúng tôi thử đe dọa Trung Quốc và Việt Minh, để làm yếu tố thương thuyết, là không đích thực..." Cuộc vận động không thành vì ngày 18.6, ông Bonnet đánh điện: "Qua cuộc trao đổi quan điểm, rõ ràng là chánh phủ Huê Kỳ không sẵn sàng cam kết dứt khoát về vấn đề Đông Dương..." Trong lúc giao thời, thương thuyết không thành vấn đề nữa vì cùng ngày hôm đó ở Paris, nội các Laniel bị lật đổ, vừa mới trao quyền lại cho chánh phủ Mendès France đã được Quốc Hội tấn phong. Trên đà đó, Mendès France cam kết đem lại hòa bình cho Đông Dương trễ lắm là vào ngày 20.7.
 
Đồng thời, Mendès France cũng thận trọng loan báo dứt khoát là nếu thất bại, ngày 21.7, ông sẽ xin Quốc Hội gởi một toán quân nữa sang Đông Dương, trước khi từ chức. Như vậy, trong khi thách thức với hòa bình, ông cũng sẵn sàng đánh nhau – tuy không liều mạng đi đến chiến tranh thế giới – và đồng thời cũng giữ thế mạnh để thương thuyết trong một khuông khổ không phải do ông chọn lựa.
 
[...]
 
Khi Mendès France ra tay hành động, những người tiền nhiệm không thông báo cho ông quyết định (do Bộ Chỉ Huy Quân Sự quyết định có sự đồng ý của chánh phủ và đang được thi hành) di tản khu Giáo Xứ trong vùng Châu Thổ sông Hồng. Như vậy Mendès France khỏi phải bàn tới trong những cuộc thưong thuyết ban đầu với Việt Minh. Trái lại, những người tiền nhiệm có thông báo với đồng minh Mỹ là nên cảnh giác với cái chánh phủ "trong tay của cộng sản nầy".
 
Huê Kỳ triệu hồi đại diện của họ ở Genève, Bedell Smith, và thiết lập ngay một kế hoạch bảy điểm, tóm lược những điều kiện để tham dự vào cái Hiệp Định có thể ký kết. Nhũng điều kiện mà Dulles có tâm sự cùng Mendès France ngày 13.7 với sự hiện diện của Eden. Dulles nghi ngờ những điều kiện đó sẽ không được chấp nhận. Quả thật y như rằng.
 
Ngày 24.6, có quyết định là chấp nhận nguyên tắc chia cắt lãnh thổ Việt Nam. Ngày 26, quyết định đó được thông báo cho Phạm Văn Đồng, Trưởng Phái Đoàn Việt Minh. Theo biên bản buổi họp trong ngày thì Phạm Văn Đồng tuyên bố: "Đường phân chia giới tuyến sẻ được đặt giữa vỹ tuyến 13 và 14."
 
Ngày 10.7, Mendès France tới Genève, tuyên bố: "Tôi có 240 giờ để thành công." Ông Eden tận lực giúp ông. Ngày 13.7, sau một cuộc hội kiến lâu 1 giờ rưởi, Bedell Smith trở về thuyết phục Dulles là ông Thủ Tướng mới của Pháp có nhiều thiện chí. Sau cuộc hội đàm có tính quyết định đó, ông Ngoại Trưởng Mỹ tâm sự với những người cộng sự: "This guy is terrific" (Ông ấy thật tuyệt vời). Ở Sài Gòn, Tướng Ely, Tham Mưu Trưởng Lục Quân đảm nhiệm chức vụ Tổng Tư Lịnh.
 
Hết khoáng đại hội nghị tới mật đàm, ngưòi ta khó nhọc dời từng vỹ tuyến một, đưa lên từng chặng một đường phân chia giới tuyến tương lai, chia đôi Bắc Nam từ vỹ tuyến 13 đến 17. Đồng thời, ngày tổng tuyển cử mà Việt Minh muốn cho "thật gần kề" - nhiều lắm là sáu tháng - được dời tới hai năm, qua nhiều nỗ lực kế tiếp. Hệ thống kiểm soát được tăng cường. Nam Việt Nam được tự do kết liên minh, tự do nhận viện trợ Mỹ. Lào và Cao Miên được để ra ngoài. Như vậy, trong ba nước Đông Dương, hai nước được để ra ngoài tầm ảnh hưởng của Việt Minh.
 
[...]
 
Thực ra, ở hội nghị, Việt Minh chỉ chấp thuận có vỹ tuyến thứ 16. Phải chạy ngược chạy xuôi bàn luận tay đôi, tay ba, tay tư, giữa chín phái đoàn, giữa những cố vấn không chánh thức, những người môi giới tự nguyện như ông Krishna Menon, đại diện Ấn Độ. Trên sân thượng biệt thự Joli-Port, Mendès France, Molotov và các thông dịch viên bàn luận ba giờ liền dưới cái nhìn của các phái đoàn Pháp và Liên Xô theo dõi từ xa, không nghe được gì hết. Tối đến, Mendès France tâm sự với những người cộng sự mối lo âu của ông. Ông sợ bị lầm lẫn vì tin tưởng quá nhiều ở thiện chí hòa bình của đối phương. Tối hôm đó, quá mệt mỏi, ông coi công trình gần như đã tiêu tan.
 
Ngày hôm sau, vào xế chiều, trong khi các chuyên viên phát thanh Thụy Sĩ, chịu chuyển tiếp đài phát thanh Pháp, đang thiết kế xe truyền thanh và đường dây. Mendès France, ngồi tại chiếc bàn trong vườn đang xem lại việc soạn thảo bài viết mà ông sắp đọc mỗi tối thứ bảy. Ông đang làm việc thì Bedell Smith đến. Người ta yêu cầu ông chờ cho một chút, vì phát thanh không thể chờ. Ông Trưởng Phái Đoàn Mỹ ngồi chờ và quan sát tỏ vẻ thích thú việc các chuyên viên đang chuẩn bị. Trang chót vừa đánh máy xong, cuộc phát thanh bắt đầu.
 
Một ông xuất hiện, người ta ra hiệu cho ông đừng làm ồn trong khi đi. Thấy micro, dây điện, ông hiểu ngay và tuân lời người ta đã nói với ông bằng dấu hiệu. Đó là Anthony Eden.
 
Bên Pháp, như mọi tối thứ bảy, thính giả đang chăm chú nghe tiếng nói của Thủ Tướng chánh phủ phát đi từ Genève: "Tôi muốn kể tên kẻ thù, kẻ thù to lớn nhứt mà tôi đánh đuổi từ bao lâu nay. Đó là sự hoài nghi, một sự hoài nghi không lành mạnh và gần như là làm tê liệt, một khuynh hướng gần như không cưỡng chế được nó làm cho mình không còn tin tưởng gì nữa, không chịu công nhận gì hết và gần như chẳng còn hy vọng gì cả. Ấy vậy mà không, chúng ta không có quyền khuất phục, không có quyền thoái thác việc tìm hiểu chính mình hay là, một cách đơn giản, cùng bảo nhau."
 
Ngày 17, lại chạy tới chạy lui lăng xăng. Ngày 18 có vẻ sáng sủa. Ngày 19, Phạm Văn Đồng nói chuyên hai tiếng đồng hồ trực tiếp với Mendès France, không có thông ngôn. Khi họ chia tay, hiệp ước hầu như đã hoàn thành: vỹ tuyến thứ 17, di tản Hà Nội-Hải Phòng trong vòng 300 ngày, phóng thích tù trong 30 ngày, Việt Minh rời Lào và Cao Miên và cam kết tôn trọng độc lập và chủ quyền của hai quốc gia nầy, tổng tuyển cử trong hai năm.
 
Từ 8 giờ sáng ngày 20.7, mỗi Phái Đoàn năng nỗ thảo hoạch văn bản. Bầu không khí lạc quan lan rộng. Ký giả đánh tin đi: "Xong rồi. Hiệp Định ký kết trong ngày." Những trở ngại trong phút chót lại xuất hiện. Mendès France nói chuyện với Phạm Văn Đồng, rồi với Eden và Molotov rồi lại tiếp tục đối thoại tay tư. Rồi ra, mọi chuyện gần như giải quyết xong. Lúc 14 giờ, Thủ Tướng Pháp từ giả ba người đối thoại để đi gặp Chu Ân Lai mà ông mời ăn trưa.
 
Khi ông đi ngang, một nhà báo nhắc: "Chỉ còn 10 tiếng nữa thôi!" Mendès France đáp lại: "Sẽ xong lúc nửa đêm hay là chẳng bao giờ hết". Lúc 17g10 tin loan ra là sẽ ký kết lúc 21 giờ ở phiên họp trọng thể tại Palais des Nations. Ký giả đổ xô lại các máy điện thoại, điện tín gởi đi khắp nơi trên thế giới. Lúc 21 giờ, chẳng thấy gì hết, 22 giờ cũng không có gì. Bấp bênh, nôn nóng, rối loạn, chuyện gì đây?
 
Chỉ vì Đại Diện Cao Miên, Tep Phan, cho biết là sau khi suy nghĩ kỹ, ông sẽ không ký Hiệp Định. Ông đưa ra đòi hỏi mới, đòi hỏi những bảo đảm mới. Tất cả đều phải xét lại. Các phái đoàn Cộng sản nghi ngay là cái bẫy của Mỹ. Những phái đoàn Tây phương thì ngờ ngay là cạm bẫy của Liên Xô. Mỗi bên lấy lại lập trường của mình, lại nghi ngờ nhau, gương mặt nào cũng hầm hầm, chưa bao giờ thỏa hiệp có vẻ xa vời như vậy.
 
Lúc 23 giờ, chín Phái Đoàn họp kín tại biệt thự của phái đoàn Anh. Ông Eden không ngớt biện hộ, tìm cách thuyết phục Tep Phan. Ông nầy cứ lắt đầu: "Không. Tôi nói không là không." Quá mệt mỏi, Eden quay sang Molotov: "Xin ông giúp chúng tôi một chút!" Molotov cởi mở và trong sự ngạc nhiên của mọi người, ông nói: "Có gì quan trong đâu. Cứ cho ổng những gì ổng muốn..." Nhưng phái đoàn Việt Minh nghi ngờ, không muốn tách rời ba cuộc đình chiến Việt-Miên-Lào, ký hết hoặc không ký gì cả.
 
Mười hai giờ đêm đã điểm. Mendès France đã thua cuộc rồi chăng? Không, bỗng nhiên tất cả các Phái Đoàn cảm thấy cần phải liên kết chặt chẻ, một quyết định tiêu biểu, chưa từng thấy trong lịch sử ngoại giao, đồng hồ đã dừng lại. Bị lôi ra khỏi giường, Bedell Smith dẫu ốm đau cũng phải xuất hiện. Cuộc thương thuyết lại bắt đầu.
 
Một khi Hiệp Định cho Cao Miên đã đạt được, Mendès France đòi hỏi những quyền lợi vừa thỏa thuận cho nước nầy cũng phải áp dụng cho Lào. Chẳng lẽ Lào lại bị phạt vì quá hợp tác hơn nước láng giềng, như vậy là bất công. Molotov đưa hai tay lên trời... Một cuộc bàn thảo mới lại bắt đầu. Cuối cùng, đại biểu Liên Xô cũng chìu theo.
 
Phải mất trên 3 tiếng đồng hồ nữa để điều chỉnh lại tài liệu và đúng 3g50 mới ký xong, nhưng đồng hồ xác nhận là ngày 20.7 vẫn tiếp tục. Phái Đoàn Pháp và ông Trưởng Phái Đoàn không chịu xuất hiện trong lễ ký kết. Không người Pháp nào quên được đó là một thắng lợi chua cay, một hồi kết cuộc khắt khe của một diễn biến tàn khốc.
 
Ngày 21, trên đài phát thanh, Mendès France nói với dân Pháp: "Tôi không cần bày tỏ tình cảm của tôi vì đó là tình cảm của đồng bào." Ở Joli-Port, hàng trăm thơ từ khắp nơi trên thế giới gởi đến để chia sẻ, khuyến khích và để chúc mừng. Còn đối với 30.000 tù binh là đoạn cuối đường hầm.
 
Ngày 23, với 471 phiếu chống 14, Quốc Hội chấp thuận Hiệp Định Genève. Trước đó, Quốc Hội đã chấp thuận với 569 phiếu chống 9, những đoạn sau đây, sau khi đọc từng câu qua chương trình nghị sự để nói lên tâm tư tình cảm của mình: "Quốc Hội hài lòng ghi nhận việc chấm dứt xung đột ở Đông Dương, phần lớn nhờ hành động dứt khoát của Thủ Tướng Chánh Phủ. Nhận thấy rằng không sao tránh khỏi những sự hy sanh tàn bạo... yêu cầu chánh phủ nên tiếp tục... một chánh sách hòa bình..."
 
[...]
 
Dân biểu, chỉ huy quân sự, chuyên viên ngoại giao không một ai lầm lẫn. Hiệp Định ngày 20.7 cứu vãn hòa bình thế giới và trả lại cho nước Pháp vận may tái phục hồi. Những lời bình luận xuất hiện khắp nơi:
- Một cuộc chiến tàn khốc và giết hại những cán bộ ưu tú của chúng ta. Như vậy có nghĩa là tôi hân hoan chào mừng lối thoát thuận lợi của Hội Nghị Genève.
- Cuộc thất bại nầy còn thảm khốc hơn nữa nếu không có nghị lực và tài cán của Mendès France.
- Phải cám ơn Mendès France đã đạt được mục đích. Rồi đây giọt máu của người Pháp không còn phải đổ ra cho một cuộc chiến vô vọng. Ở Genève, Mendès France đã là một người thợ giỏi của đất nước. Bắt Mendès France lãnh đủ gánh nặng của những gì được coi là bỏ rơi khi ông nắm quyền là bất công.
 
Cuộc kết thúc của chiến tranh Đông Dương được André Siegfried (Chủ Tịch Viện Chánh Trị Học Quốc Gia) tán thưởng bằng câu nói như sau: "Lần đầu tiên trong Lịch Sử, người ta mới thấy kẻ chiến bại đưa tối hậu thơ cho người chiến thắng mà lại thành công."
 
* * * * *
 
(Phỏng theo :"20 juillet 1954: comment l'Indochine a signé les accords de paix" đăng trên "Express" ngày 20.7.2010)
[http://www.lexpress.fr/actualite/monde/asie/20-juillet-1954-comment-l-indochine-a-signe-les-accords-de-paix_906751.html]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét