Trong 80 năm hiện diện trên đất Việt Nam, chưa bao giờ Đảng Cộng Sản phải lo giữ quyền lực bằng thời gian tổ chức Đại hội Đảng XI sắp diễn ra vào tháng 01 năm 2011, nhưng càng ham nắm quyền Đảng càng quên giữ nước để không rơi vào tay Trung Cộng.
Từ xưa đến nay Đảng CSVN thường rêu rao “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhưng thực tế dân chỉ có thể làm chủ được bản thân mình.
Hãy đọc bài viết của ông Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội, về vần đề này:
“Tư tưởng của Bác Hồ là tư tưởng lấy dân là gốc, dân là chủ. Đảng không thể đòi hỏi Mặt Trận (Tổ quốc), đòi hỏi dân phải thừa nhận quyền lãnh đạo của mình mà phải qua hoạt động thực tiễn, phải được Mặt Trận và nhân dân suy tôn, lựa chọn. Lựa chọn đây là lựa chọn cương lĩnh và người đứng đầu đất nước thông qua tổng tuyển cử”.
Dân suy tôn và lựa chọn bằng cách nào? Dân suy tôn và lựa chọn cương lĩnh phát triển của Đảng, lựa chọn người đứng đầu Đảng trở thành người đứng đầu đất nước thông qua tổng tuyển cử. Bây giờ cương lĩnh của Đảng chưa được dân lựa chọn, chưa được dân bỏ phiếu, người đứng đầu Đảng chưa sang ứng cử chức danh người đứng đầu đất nước. Dân chưa được lựa chọn như vậy cho nên dân chưa được làm chủ thật sự.
Nếu Đảng coi mình đương nhiên là lực lượng lãnh đạo thì chẳng khác gì nhà vua cha truyền con nối. Từ một nhà vua cá nhân thời quân chủ, nay trở thành một nhà vua tập thể thời cộng hòa xã hội chủ nghĩa. Như vậy là Đảng chủ chứ không phải dân chủ.”
(Báo Tuần Việt Nam, 06/12/2010)
Tuy ông Nguyễn Văn An chưa đòi Đảng phải rút lui, nhưng nguyên việc đòi người đứng đầu đất nước phải được dân bầu lên mới là dân chủ cũng rất mới so với thời ông Nguyễn Văn An còn làm Chủ tịch Quốc hội từ ngày 27/06/2001 đến ngày 26/06/2006.
Nhưng nếu ông Nguyễn Văn An chỉ muốn dân chủ trong Đảng mà không đòi cho dân được quyền làm chủ đất nước, tự quyết định lấy thể chế chính trị cho mình và để nguyên Đảng lãnh đạo độc quyền như hiện nay thì cũng bằng không. Như vậy, phải chăng ông Nguyễn Văn An muốn cứu Đảng đang “tứ đầu thọ địch” từ ngay trong lòng chế độ thay vì từ các “thế lực thù địch” và “diễn biến hòa bình” của đế quốc như Đảng đang tuyên truyền và ra sức phản công trên mặt trận tư tưởng?
Đảng lãnh đạo là ai?
Đáng chú ý là bài viết của ông Nguyễn Văn An, coi như vượt ra ngoài vòng kiềm tỏa của Đảng, được phổ biến vào lúc có nhiều “chuyên viên tư tưởng, tuyên truyền” của Đảng và quân đội được sử dụng viết bài bảo vệ quyền lãnh đạo cho Đảng.
Chẳng hạn như ông Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch Sử Đảng đã viết bài “Bối cảnh xác lập vai trò và vị trí lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam” trên báo điện tử của đảng ngày 29/11/2010.
Ông Nguyễn Trọng Phúc viết:
“Đường lối đổi mới và Cương lĩnh 1991 của Đảng đã đưa sự nghiệp đổi mới - cuộc canh tân vĩ đại trong lịch sử dân tộc không ngừng phát triển, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam một lần nữa thể hiện trách nhiệm lớn lao trước dân tộc và lịch sử.
Vị trí và vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng xuất phát từ tính tổ chức, kỷ luật của Đảng ở tính tiên phong, gương mẫu, đạo đức cách mạng được rèn luyện ngay từ khi bước vào sự nghiệp cách mạng của cán bộ, đảng viên, ở sự gắn bó mật thiết với dân tộc và nhân dân”.
“Canh tân vĩ đại ở chỗ nào” trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011), gọi tắt là Cương lĩnh 1991 ra đời tại Đại hội đảng khóa VII đã đưa Đỗ Mười lên làm Tổng Bí thư Đảng?
Nếu ông Nguyễn Trọng Phúc còn nhớ thì khi ấy Tổng bí thư Đảng khóa VI là Nguyễn Văn Linh đã nói câu để đời “Đổi mới hay là chết” để mô tả hoàn cảnh sắp chết của Việt Nam vào năm 1986 khi Đảng phải quyết định bỏ mô hình kinh tế tập trung, bao cấp của Liên Sô để “đổi mới’, mở cửa cho ngọai quốc vào đầu tư làm kinh tế thị trường của tư bản để cứu Đảng khỏi tan vỡ.
Do đó, không ai có thể bị mê hoặc bởi những lời ông Nguyễn Trọng Phúc tự biên tự chế để khoe khoang như:
“Vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng vẫn không ngừng được củng cố, phát triển từ trong bản chất cách mạng, khoa học và tư tưởng, lý luận của Đảng, từ sự đúng đắn và không ngừng hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối chính trị, từ sự không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, từ sự rèn luyện, không ngừng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vị trí lãnh đạo duy nhất của Đảng không bao giờ thay đổi vì ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc và nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam không có lợi ích nào khác.”
Nhưng “giai cấp – dân tộc – nhân dân” nào đã ủy nhiệm cho Đảng lãnh đạo đất nước? Nếu Đảng tự cho rằng mình là đại biểu của “giai cấp công nhân và nhân dân lao động” là một ngụy biện vì cả hai giai cấp này đã, đang và sẽ tiếp tục bị Đảng bạc đãi và bóc lột đến tận xương tủy như đã thấy từ khi có bóng dáng Đảng trên đất nước. Do đó khi nghe ông Nguyễn Trọng Phúc nói Cương lĩnh đã phản ảnh quyết tâm “không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng” thì chẳng ai tin, vì ông Nguyễn Trọng Phúc đã nói những điều ngược lại với nội dung của văn kiện này. Việc này đã được chứng minh trong các ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân sau 47 ngày bản Cương lĩnh được đem ra lấy ý kiến (kết thúc ngày 31/10/2010).
Nhiều người trong nước, kể cả một số trí thức hàng đầu và cựu lãnh đạo, đảng viên cao cấp đã chỉ trích Cương lĩnh vẫn giữ nguyên lối mòn tư duy bảo thủ, phản dân chủ, xưa cũ, chậm tiến, lạc hậu, mơ hồ, mị dân, không tưởng và là lực cản tiến bộ của dân tộc cần phải bỏ đi hay viết lại.
Dân chủ hay đảng chủ?
Để bênh vực cho chính sách độc tài ngụy trang trong “tập trung dân chủ”, anh Thiếu tá – Thạc Sỹ Trần Văn Huyên, Phòng Nhà trường, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị đã phét lác trong báo điện tử Đảng qua bài "Một số vấn đề về bản chất nguyên tắc tập trung dân chủ và đấu tranh với các quan điểm sai trái hiện nay".
Ông Trần Văn Huyên đã lý luận “tập trung dân chủ” như thế này:
“Tập trung trên cơ sở dân chủ, điều này làm cho tập trung khác biệt về bản chất so với chuyên chế, chuyên quyền. Nội dung của nguyên tắc chỉ rõ: Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Đó là tập trung. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Nghị quyết là sự tập trung cao trí tuệ, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên. Để có sự chấp hành nghị quyết một cách nghiêm chỉnh, vô điều kiện, thì điều kiện tiên quyết là nghị quyết đó phải được xây dựng trên cơ sở dân chủ.”
(bài viết ngày 03/12/2010)
Đây là lập luận Đảng đang cổ võ cho điều được gọi là dân chủ phải có kỷ luật, không dân chủ bừa bãi để gây hỗn loạn xã hội, nhưng đồng thời cũng để chống đòi Đảng phải thi hành dân chủ thật sự bằng cách từ bỏ độc quyền lãnh đạo và chấp nhận đa nguyên đa đảng chính trị. Bởi lẽ thực tế đã chứng minh nhân dân Việt Nam chưa hề có dân chủ, dù chỉ một ngày kể từ khi Đảng Cộng Sản nắm quyền cai trị ở miền Bắc năm 1954 và sau 1975 trên cả nước. Thứ “dân chủ tập trung” đang được làm rùm beng trước thềm Đại hội Đảng XI là thứ dân chủ hạn chế chỉ diễn ra trong nội bộ đảng mà thôi. Dân không có quyền đòi dân chủ mà phải do Đảng ban cho ai thì người ấy được. Do đó chủ trương này đã bị bóc trần, bị chỉ trích là độc tài, mị dân bởi nhiều trí thức trong nước, kể cả một số đông cựu đảng viên và cựu lãnh đạo.
Để chống lại, Ban Tuyên Giáo và Báo Quân Đội Nhân Dân đã tung ra nhiều bài viết xuyên tạc và chụp mũ những người có lập trường đối lập với Đảng. Chẳng hạn như lập luận của ông Trần Văn Huyên:
“Nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc vô cùng quan trọng đảm bảo sự sống còn của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Do vậy, các thế lực thù địch đã chống phá quyết liệt bằng những quan điểm sai trái về bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ cả trên phương diện lý luận và thực tiễn. Về phương diện lý luận, đã có nhiều quan điểm hiểu không đúng hoặc cố tình xuyên tạc nội dung và bản chất của nguyên tắc này, thực chất là muốn xoá bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, làm suy yếu Đảng, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng. Lẽ dĩ nhiên, những quan điểm này không trực diện đòi xoá bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ mà núp dưới cái phương pháp “phân tích bản chất của nguyên tắc”, bằng lập luận lập lờ, lái nhận thức của mọi người đi đến chỗ từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ.”
Trước đó, ông Nguyễn Mạnh Hưởng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Viện Khoa Học Xã Hội Nhân Văn Quân Sự - Bộ Quốc Phòng cũng huyênh hoang trên Tạp chí Cộng Sản ngày 08/09/2010:
“Từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn là đội tiền phong, lãnh tụ chính trị của giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam, là người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Qua sự “sàng lọc” dữ dội của lịch sử những thập kỷ đầu thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn Đảng Cộng Sản Việt Nam là người dẫn dắt mình đi đến tương lai hạnh phúc.”
Người dân nào đã “lựa chọn Đảng Cộng sản Việt Nam” để thay mình lãnh đạo đất nước, hay Đảng này đã cướp mất của dân từ cuộc “cách mạng” tháng 8/1945?
Ông Nguyễn Mạnh Hưởng còn cả gan nói rằng:
“Dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sự nghiệp cách mạng nước ta đã đem lại những quyền cơ bản nhất cho quốc gia, dân tộc và toàn thể nhân dân lao động Việt Nam, nhân dân ta thực sự được làm chủ cuộc sống của mình, được sống cuộc đời “tự do, hạnh phúc”.
Ai đã làm chủ cuộc sống của dân thì người cộng sản biết rõ hơn ai hết nên điều được gọi là “tự do, hạnh phúc” cho đến nay, sau 64 năm “được” sống với chế độ (1954-2010), người dân mới thấy mình bị Đảng lừa, bị Đảng cho ăn nhiều bánh vẽ quá! Vậy mà ông Nguyễn Mạnh Hưởng vẫn có thể trâng tráo dẻo mép:
“Ở Việt Nam không thực hiện chế độ đa đảng không phải vì chúng ta bảo thủ, mất dân chủ như các thế lực thù địch cố tình xuyên tạc, mà đó là yêu cầu khách quan, là vì sự ổn định và phát triển của đất nước, vì sự phát triển của nền dân chủ và hạnh phúc của nhân dân, để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Rằng:
“Ở nước ta, thực hiện một đảng duy nhất lãnh đạo, mọi người dân đều có thể trực tiếp hay gián tiếp (thông qua người đại diện của mình) đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cơ quan công quyền. Các kênh bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và hoạt động có hiệu quả. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ trong các tổ chức chính trị - xã hội, trong các hoạt động của xã hội; là phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị; là yêu cầu ứng xử của cán bộ trong tiếp xúc, quan hệ với dân và chăm lo đến dân. Nhân dân lao động là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Thực tế trên chưa phải là đầy đủ, nhưng đã cho thấy tính ưu việt của chế độ một đảng ở Việt Nam; không thể vì những khó khăn, phức tạp nào đó mà xuyên tạc bản chất chế độ dân chủ của nước ta, đòi thực hiện đa đảng, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.”
Quả thật chỉ có những cái đầu mất óc mới có thể bù lu bù loa những “thành quả vĩ đại” của Đảng CSVN và tính ưu việt của chế độ như ông Nguyễn Mạnh Hưởng đã bịa ra. Ngay cả khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã tự nó làm nhục chế độ khi trong thực tế người dân không có quyền gì cả. Vì nếu người dân có quyền “kiểm tra” thì có lẽ Việt Nam không còn quốc nạn tham nhũng như hiện nay.
Đến phiên ông Trần Quang Nhiếp, Phó Giáo sư, Tiến sỹ cũng a-dua viết bài “Đảng với việc thay đổi lịch sử dân tộc" trên báo điện tử của Đảng ngày 15/11/2010 rằng: “Đảng thực sự là của dân, vì dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ”. Để biện hộ cho quan điểm này, ông Nhiếp nói rằng:
“Ngay trong máu lửa, Đảng ra đời là vì sự nghiệp giải phóng, cứu vớt nhân dân, Đảng thực sự được nhân dân tin, dân kỳ vọng là người cứu vớt, người đem lại hạnh phúc cho mình. Các thế hệ đảng viên, cán bộ của Đảng đã thật sự vì nhân dân mà hy sinh phấn đấu, không vì lợi ích cá nhân. Nhân dân tìm thấy ở Đảng là người dẫn dắt mình đi tới tương lai. Đồng thời Đảng ta đã là của dân, Đảng dựa vào nhân dân, tạo thành lực lượng cách mạng có sức mạnh vật chất và tinh thần vô tận, mạnh như thác lũ. Nhân dân che chở, bảo vệ, nuôi dưỡng Đảng trong mọi hoàn cảnh. Đảng đã thiết lập mối quan hệ máu thịt, quan hệ cá nước giữa Đảng với nhân dân. Đảng thực sự là của dân, Đảng không có mục đích tự thân.”
Nếu dân đã liên hệ “máu thịt” với Đảng như thế thì tại sao bây giờ đã có nhiều người quay lưng lại với Đảng. Điều này cũng đã được ông Trần Quang Nhiếp chứng minh khi viết rằng:
“Những thái độ trên đây khác hẳn với thái độ của những kẻ dụng ý xấu xa, tâm địa độc ác một cách có bài bản hòng xóa bỏ Đảng cộng sản Việt Nam. Chúng ra sức lôi kéo, làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân đi đến hoài nghi, từ bỏ Đảng. Bằng nhiều thủ đoạn kinh tế, chính trị, văn hóa… chúng làm cho cán bộ, đảng viên tự diễn biến mất lòng tin, phai nhạt lý tưởng. Chúng bơm to, thổi phồng những yếu kém, sai lầm, thiếu sót nhằm bôi nhọ, hạ uy tín của Đảng, bôi đen chế độ. Họ không những bác bỏ mọi công lao của Đảng suốt 80 năm qua, mà còn bịa đặt vu cáo trắng trợn cho Đảng về tội lỗi đối với dân tộc, đối với lịch sử. Chúng chia rẽ khối đoàn kết, kích động phái này, phái kia làm suy yếu Đảng… thực chất đây là những hành vi “đục nước, béo cò”, phá hoại Đảng, kích động tâm lý ly khai Đảng để mưu cầu mục tiêu đen tối của chúng.”
Đã có nằm vùng của Bắc Kinh?
Nhưng ông Trần Quang Nhiếp có biết tại sao bây giờ đã có những người thù ghét Đảng đến đỗi không cón muốn nhìn mặt Đảng nữa không? Tại vì Đảng bám víu quyền lợi thiển cận mà đã đẩy đất nước vào tay Bắc Kinh qua các dịch vụ hợp tác khai thác bauxite ở Tây Nguyên; cho thuê đất rừng trong thời hạn 50 năm ở ít nhất 10 tỉnh đầu nguồn có vị trị chiến lược quốc phòng; để cho hàng chục ngàn công nhân Tàu vào làm ăn ngay trong lãnh thổ Việt Nam qua các vụ trúng thầu xây dựng các nhà máy điện, xi-măng v.v. được Chính phủ Bắc Kinh bù đậy, che chở.
Hãy đọc bài viết của Tác giả Cầm Văn Kình trên báo Tuổi Trẻ ngày 28/03/2009: “Ngày 27-3, Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm về kích cầu trong xây dựng. Thực trạng lớn nhất được đưa ra tại buổi tọa đàm là rất nhiều dự án lớn đã triển khai nhưng hàng hóa VN không thể tiêu thụ được vì trúng thầu là các nhà thầu ngoại, chủ yếu là Trung Quốc” .
Chủ trương kích cầu xây dựng là đúng, nhưng ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - khẳng định các nhà thầu Việt Nam đang rất lo vì thực tế cho thấy các dự án lớn khi đem ra đấu thầu hầu như đều rơi vào tay các nhà thầu nước ngoài. Ông Trần Ngọc Hùng cho biết các nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm về điện, ximăng, hóa chất... “Đáng quan tâm là các nhà thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi những thiết bị đó VN hoàn toàn có thể sản xuất được”...
Vừa đi cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến thăm một công trình xây dựng nhiệt điện ở Quảng Ninh, ông Nguyễn Công Lục - Vụ trưởng Vụ Kinh Tế Ngành, Văn phòng Chính Phủ - công nhận “một công trình nhưng công nhân Trung Quốc sang tới hơn 2.000 người” . Trong khi đó, ông Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam - cho biết không chỉ một mà hơn 10 công trình xây dựng nhà máy xi-măng và nhiều dự án nhà máy điện lớn ở VN đều đang được các nhà thầu Trung Quốc thi công. Đặc trưng của nhà thầu Trung Quốc, theo ông Trần Văn Huynh, là họ không thuê nhân công Việt Nam mà đem người sang, có thể bằng cả đường du lịch rồi ở lại.
Ông Trần Văn Huynh nói “Một số loại vật liệu Trung Quốc được đem qua Thái Lan rồi vòng vào Việt Nam. Máy móc thiết bị không nhập riêng được thì họ lắp sẵn rồi đem cả sang. Tôi có thăm một nhà máy xi-măng do nhà thầu Trung Quốc làm, đến cái bệ xổm trong nhà vệ sinh họ cũng không dùng hàng Việt Nam mà mua hàng Trung Quốc”.
Ông Trần Hồng Mai - Viện phó Viện Kinh tế Xây dựng - góp thêm một thực trạng khi cho biết có thể các nhà thầu Trung Quốc nhận được nhiều hỗ trợ từ phía nước họ, kể cả chính sách thuế, nên giảm mạnh giá bỏ thầu. Vì vậy, họ thường nắm phần thắng khi đấu thầu. Nên các công trình lớn như Đạm Cà Mau, nhà máy điện ở Hải Phòng, khi xây dựng lúc nào cũng có hàng ngàn công nhân Trung Quốc...
Cùng lo ngại như ông Trần Văn Huynh “nếu các công trình lớn đều vào các nhà thầu ngoại sẽ dần triệt tiêu nội lực”, nhiều chuyên gia đề nghị nên có chính sách cụ thể để giúp các doanh nghiệp xây dựng trong nước. Ông Trần Văn Huynh phân tích: “Giá thầu rẻ nhưng chất lượng không cao chưa chắc đã là rẻ, không nên tư duy cứ giá thấp là trúng thầu”. Ông Trần Hồng Mai viện dẫn Luật đấu thầu đã quy định phải ưu tiên doanh nghiệp Việt Nam nhưng nhiều chủ đầu tư Việt Nam lại “quên” điều này. Ông Mai cho rằng Nhà nước cần có chính sách để “nhắc” các chủ đầu tư.
Ngoài ra Đảng và Nhà Nước cũng đã bị khuất phục trước đe dọa của Tàu ở Biển Đông, bất lực trước các vụ ngư dân Việt Nam bị Tàu bắt, đánh đập, đâm thuyền làm chết chìm dưới lòng biển.
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang đã lên tiếng báo động từ trong nước hôm 01/12/2010:
“Có người cho rằng không chỉ có “Vũ Ngọc Nhạ” trong đầu não Đảng, Quốc hội mà nhan nhản đó đây những tình báo nước ngoài nằm tại các phường, xã của ta. (Chẳng thế mà hacker Tần Thủy Hoàng đâu từ Trung Quốc cũng tích cực tham gia đánh phá các trang web dân chủ tiếng Việt). Xin hãy tỉnh táo. Việc hệ trọng hàng đầu hiện nay là ngăn chặn nguy cơ chui vào rọ ngoại bang đã, để rồi mới còn có thể tiếp tục bàn luận với nhau về những con đường tối ưu tiến tới dân chủ hóa đất nước”.
Cũng nên biết Vũ Ngọc Nhạ, bí danh Hai Long là cán bộ tình báo chiến lược của Quân Đội Cộng Sản miền Bắc được gài vào Dinh Độc Lập từ thời Đệ I Việt Nam Cộng Hòa và chỉ bị phát giác trong cụm tình báo của cộng sản A.22 vào trung tuần tháng 07/1969 thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông Nhạ là một trong số 42 cán bộ tình báo nguy hiểm đã bị bắt cùng với Huỳnh Văn Trọng, Lê Hữu Thúy (tức Thắng), Vũ Hữu Ruật, Nguyễn Xuân Hòe, Nguyễn Xuân Đồng v.v. Vũ Ngọc Nhạ chết năm 2002 với quân hàm Thiếu tướng.
Như vậy thì có phải Đảng CSVN đã ham cầm quyền mà quên mất bổn phận giữ nước, hay trong số lãnh đạo Đảng và Chính phủ cũng đã có khối kẻ nằm vùng cho Trung Cộng như Vũ Ngọc Nhạ?
Phạm Trần
Tháng 12/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét