20/1/11

Hàng triệu dân xài nước độc hại

Các nhà máy xả chất thải ra sông: hàng triệu dân xài nước độc hại

medium_VN_72223850_pollution.jpg

Hình bên: Một người chèo xuồng thu gom bao nhựa, thùng, chia nhựa nổi trên mặt một con sông ở Việt Nam để bán phế liệu. Gần hết hệ thống sông ngòi ở Việt Nam bị ô nhiễm trầm trọng vì các nhà máy xả chất thải bừa bãi ra sông. (Hình: AFP/Getty Images)

SÀI GÒN 1-8 (TH) - Các nhà máy, công ty sản xuất công nghệ xả chất thải độc hại ra sông làm cho hàng triệu dân phải gánh chịu hậu quả nhưng nhà cầm quyền không có biện pháp nào đối phó hữu hiệu ngoài những lệnh lạt câu giờ hoặc đối phó lòng vòng.

Trong những ngày gần đây, một hồ chứa tới 230,000m3 chất thải độc hại của công ty sản xuất thức ăn gia súc “San Miguel Pure Foods VN”, đã vỡ bờ bao, đổ ra sông Thị Tính rồi vào sông Sài Gòn.

Nồng độ ô nhiễm nặng đến nỗi nhà máy nước ở Bình Dương có lúc đã phải ngưng lấy nước sông để lọc, tạo nguy cơ thiếu nước cho một khu vực rộng lớn.

Theo một bản tin của VNExpress, một viên chức của nhà máy Cấp Thoát Nước-Môi Trường Bình Dương (Biwase), thì “nồng độ Amoniac trong nguồn nước mặt trên sông Sài Gòn đã vượt tiêu chuẩn nhiều lần cho phép của Bộ Y Tế.”

Cũng theo ông này “vỡ bờ hồ chứa nước thải chưa qua xử lý xảy ra tại công ty thương nghiệp hữu hạn San Miguel Pure Foods VN khiến hơn 230,000m3 nước thải ô nhiễm chảy về phía hạ lưu sông Sài Gòn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước đầu vào của 2 nhà máy nước thị xã Thủ Dầu Một và Tân Hiệp (Sài Gòn). Trong những ngày qua, nếu không có sự can thiệp bằng cách xả nước từ hồ Dầu Tiếng, rất có thể 2 nhà máy nước này sẽ phải tạm đóng cửa.”

Vì nồng độ ô nhiễm vượt quá mức cho phép, nhà máy cấp nước buộc phải ngưng lấy nguồn nước thô từ nguồn nước mặt trên sông Sài Gòn và chuyển qua lấy nước từ nguồn ngầm. Ðồng thời, các nhà máy nước còn lại trong mạng “huy động tối đa công suất bù đắp cho sự thiếu hụt”.

Nguồn nước ngầm vốn dĩ đã bị khai thác quá sức, nay lại càng bị lạm dụng.

Giữa tuần qua, không những vậy, báo Tiền Phong còn cho hay hàng triệu người dân hiện đang phải sử dụng nước máy nhiễm dầu.

“Hệ thống sông Ðồng Nai (Ðồng Nai) bao gồm các sông chính: Ðồng Nai, Bé, Sài Gòn, Vàm Cỏ và Thị Vải, chảy qua địa bàn 12 tỉnh, thành phố với tổng diện tích tự nhiên của lưu vực là 37,400 km2 (chiếm hơn 11% diện tích cả nước). Theo ông Hoàng Dương Tùng - giám đốc Trung Tâm Quan Trắc và Thông Tin Môi Trường (Cục Bảo Vệ Môi Trường, Bộ TNMT), tình trạng ô nhiễm với mức độ ngày càng nghiêm trọng đang biến hệ thống sông Ðồng Nai trở thành những dòng sông chết.”

Báo Tiền Phong viết như vậy và nói rằng, theo kết quả khảo sát mới đây của Cục Bảo Vệ Môi Trường (BVMT), “nhiều đoạn sông Ðồng Nai đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ðoạn từ nhà máy nước Thiện Tân đến Long Ðại (Ðồng Nai): Hàm lượng chì vượt mức cho phép; chất rắn lơ lửng vượt tiêu chuẩn từ 3-9 lần; chỉ số COD vượt 1.8-2.8 lần; chỉ số DO thấp dưới mức cho phép. Ðoạn từ trạm bơm cấp nước Hóa An đến trạm Cát Lái, hàm lượng dầu từ 0.025-0.029mg/l. Ðặc biệt, khu vực hạ lưu sông, chỉ số SS vượt 2-2.5 lần và bị nhiễm mặn nghiêm trọng, không thể sử dụng tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt. Sông Sài Gòn thì bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi chất hữu cơ, vi sinh. Một số đoạn còn bị ô nhiễm kim loại nặng. Theo kết quả quan trắc, con sông này bắt đầu bị ô nhiễm từ cửa sông Thị Tính, mức độ tăng dần về hạ lưu. Các sông khác cũng đang ‘hấp hối.’”

Sông Thị Vải có một đoạn từ phía dưới hợp lưu Suối Cả đến khu công nghiệp Mỹ Xuân trở thành sông chết với chỉ số DO xấp xỉ bằng 0, không loài sinh vật nào có thể sống nổi. Trong khi tiêu chuẩn không cho phép dầu có trong nguồn nước thô chế biến thành nước sinh hoạt thì hàng triệu người dân Sài Gòn, Bình Dương, Ðồng Nai hàng ngày vẫn phải sử dụng nước sinh hoạt lấy từ nguồn nước bị nhiễm dầu trên 2 con sông Ðồng Nai và Sài Gòn.”

Tờ Tiền Phong nói, theo kết quả khảo sát tại tỉnh Bình Dương của Cục BVMT, 3 huyện Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên tiếp giáp sông Sài Gòn có tỉ lệ người bị mắc các bệnh lỵ và tiêu chảy cao gấp hàng chục lần so với 3 huyện không tiếp giáp là Phú Giáo, Dĩ An, Thuận An. Ðiều này chứng tỏ nước sông, nguồn nước sinh hoạt chính yếu của người dân bị ô nhiễm trầm trọng suốt bao nhiêu năm qua vì các nhà máy xả chất thải bừa bãi ra sông rạch.

“Sử dụng nguồn nước có hàm lượng kim loại nặng và thuốc bảo vệ thực vật có thể dẫn đến một số bệnh nguy hiểm như gây đột biến gen, ung thư, thiếu máu, tiểu đường, gan, tim mạch...” Tờ báo dẫn lời một viên chức.

Tình trạng nghiêm trọng như vậy, nhưng mọi chương trình, kế hoạch đối phó đều “Mới làm trên... giấy!” theo báo Tiền Phong.

“Tháng Bảy 2007, Tổng Công Ty Cấp Nước Sài Gòn (SAWACO) đã đề nghị Ủy Ban Nhân Dân TP. Sài Gòn chỉ đạo Sở TNMT phối hợp với các địa phương kiểm soát chất lượng nguồn nước sông Ðồng Nai, đặc biệt là sông Sài Gòn, vì khảo sát cho thấy, các chỉ số Mangan, N-NH3, vi sinh đều vượt so với tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Ðơn vị này cảnh báo nếu không xử lý kịp thời, sẽ phải đóng cửa nhà máy nước Tân Hiệp.”

Báo cáo của Cục BVMT cho biết, vấn đề kiểm soát, xử lý ô nhiễm cũng được đặt ra cách đây nhiều năm. Tháng Mười Một 2001, Ủy Ban Bảo Vệ Môi Trường lưu vực sông Ðồng Nai được thành lập gồm 11 ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc lưu vực. Thế nhưng, suốt từ đó đến nay, ủy ban này và cả Bộ TNMT chỉ thực hiện trên... giấy, thông qua các cuộc hội thảo, hội nghị và công văn.

Vì vậy, quyết định số 187/QÐ-TTg ngày 3 Tháng Mười Hai 2007 của thủ tướng chính phủ “phê duyệt đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Ðồng Nai”, được xem là cứu cánh để hồi sinh những dòng sông đang hấp hối.” Tờ Tiền Phong viết như vậy và nói rằng “Thế nhưng, trong hội nghị triển khai đề án trên, nhiều đại biểu là lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cho rằng kế hoạch thực hiện do Bộ TNMT soạn thảo vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, chưa rõ ràng, cụ thể.”
Và không biết đến bao giờ mới có cái “rõ ràng, cụ thể”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét