16/3/10

Đạo đức học sinh xuống cấp không chỉ do giáo dục

Cập nhật: 2:58 PM, 29/09/2008
Chúng ta đã biết tam giác nhà trường - gia đình - xã hội có quan hệ chặt chẽ nhau, cùng ảnh hưởng đến sự phát triển hành vi, đạo đức của con người. Chương trình giáo dục chúng ta đang có vấn đề là điều không bàn cãi, tuy nhiên môi trường xã hội và gia đình có tác động rất lớn đến nhận thức của học sinh.

Nếu ở trong trường học sinh được dạy bao nhiêu là điều hay lẽ phải thì chỉ cần bước ra cổng thôi thì đã thấy bao nhiêu điều gian dối ngay trước mắt. Tình trạng giao thông hỗn độn, chen lấn, chửi thề, đánh nhau ngoài phố, các quán nhậu lộ thiên, bia ôm tràn lan... Khi ở nhà thì các em được nghe và chứng kiến các sự kiện gian dối từ cha mẹ, từ hàng xóm. Tất cả điều đó đã tác động đến các em.


Học sinh trung học và sinh viên thì cập nhật thông tin nhanh hơn nữa. Việc làm ăn gian dối, chạy chọt chức quyền không thể không tác động đến đời sống của họ. Mới đây thôi, sau khi tôi khám bệnh cho một cậu học sinh cấp 3 thì cậu ta móc ra 50 ngàn tiền típ cho tôi, khi tôi từ chối thì cậu ta còn nói những lời lẽ rất sành sỏi "tụi mình đàn ông với nhau mà, có gì ngại".


Đối với sinh viên VN (và cả học viên sau đại học), việc ký tên giùm bạn khi điểm danh là việc hết sức bình thường, họ không cảm thấy hành vi đó là gian dối. Trong khi người Nhật không có chữ ký, sinh viên chỉ cần tự đánh dấu khi có mặt, vậy mà chẳng ai dám nhờ người khác đánh dấu hộ. Người ta nói, học điều tốt thì rất lâu nhưng học điều xấu thì rất nhanh. Nều nhà nước không có biện pháp cải tạo cấp bách đạo đức xã hội thì chỉ cần một thế hệ nữa thôi, xã hội nước ta sẽ có đa số là thành phần gian dối

Bạn Hà Dũng
==========================================================================
Một trong nhiều nguyên nhân đạo đức học sinh xuống cấp

Lâu nay chúng ta đặt nhiều câu hỏi để tìm nguyên nhân đạo đức học sinh xuống cấp. Theo tôi có một nguyên nhân khá quan trọng đó là từ người lớn.

Hãy thử xem việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ của chúng ta, nhất là từ các viện, học viện. Cán bộ đi học đã học thật chưa? Nhiều giảng viên, báo cáo viên đã thực sự vô tư chưa? Thật là buồn vì nhiều cán bộ đi học chỉ là để hoàn tất túi hồ sơ cán bộ. Thật là buồn khi một lớp đào tạo cán bộ có rất nhiều cán bộ có khó khăn (kể cả khó khăn về tài chính) nhưng vẫn phải đi "thực tế" (thực chất là đi tham quan, giao lưu) ở đâu đó cùng với lớp vì đó là "một tiêu chuẩn" để tốt nghiệp. Theo tôi hãy nên tìm nguyên nhân từ người lớn.
Bạn Trọng Định
==========================================================================
Đừng dạy các em những điều xa vời với cuộc sống
 Cập nhật: 2:52 PM, 29/09/2008
Bao nhiêu năm các trường lớp của chúng ta gỡ bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" thể hiện triết lý giáo dục của con người Việt Nam. Thay vào đó la những khẩu hiệu xa vời với trình độ phát triển về thể chất, tâm lý của tuổi học trò.

Các em phải học những gì mà các em không được tận mắt chứng kiến, tự bản thân trải nghiệm. Những bài học về nhân cách, đạo đức xa vời. Hậu quả là thế nào chắc không ai trong chúng ta không biết. Gần đây có lẽ đã thấy được hậu quả của cách giáo dục viễn vông, tôi thấy nhiều trường học đã khôi phục lại khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". Muộn còn hơn không.

Giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh cần phải thiết thực, cụ thể, dễ kiểm chứng trong thực tế. Từ cách chào hỏi đến cách đi đứng, rồi đến cách suy nghĩ của mỗi học sinh. Đừng đào tạo những robot, được lập trình theo cùng một cách.

Một lý do khác cũng góp phần không nhỏ vào sự suy thoái đạo đức của các em, đó là sự thiếu trách nhiệm của cha mẹ, cha mẹ mải chạy theo cuộc mưu sinh ngày càng khó khăn, dành rằng ai cũng phải kiếm sống, tuy nhiên đừng để đồng tiền hình thành nhân cách của mình và của con cái mình. Nhiều phụ huynh ứng xử thiếu đạo đức, vô văn hóa trong quan hệ với giáo viên...

Thiết nghĩ chúng ta phải thực tế trong việc dạy đạo đức cho học sinh, đừng cổ súy những hành động trả thù, căm thù như những bài đọc trong sách giáo khoa. Hình thành nhân cách, đạo đức cho các em bằng chính bản thân các nhà giáo dục, các thầy cô và các bậc phụ huynh vì những người này là cái đích mà các em đang kiểm nghiệm để đi đến đó.
Bạn nguyễn hoàng trung
==========================================================================
Người thầy bây giờ không còn như xưa
 Cập nhật: 2:48 PM, 29/09/2008
Chuyện đạo đức học sinh xuống cấp, phần lớn là do sự xã hội hoá giáo dục của chúng ta trong gần chục năm gần đây. Cuộc sống, xã hội phát triển, sự nhìn nhận về giáo dục ngày càng khác biệt, có tiền là có quyền và tri thức giấy.

Các cấp quản lý thì chỉ chạy theo thành tích, xem thường kết quả thực chất của giáo dục nước nhà, dẫn đến cả một thời kỳ dài, chúng ta luôn báo cáo là học sinh thân yêu luôn đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, hạnh kiểm tốt, nhưng thực chất là những đứa trẻ đọc chưa thạo vào cấp 3.

Nhìn chung quản lý vỹ mô yếu kém, hạ tầng cơ sở thì khó khăn, tiêu cực, thành tích làm chỉ tiêu thi đua, xa rời thực tế, tất yếu hậu quả của ngày hôm nay phải chịu. Tôi đề nghị các báo điện tử nên mở chuyên mục "Nếu tôi làm thủ trưởng" để làm đoạn kết cho mỗi vấn đề được nêu trong các vấn đề xã hội trên các báo, để chúng ta có một hội nghị Diên Hồng hiện đại, cùng tìm cách giải quyết các vấn đề sao cho thoả đáng.
Bạn Nguyễn Văn Tùng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét