16/3/10

Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông?

Trân Văn, phóng viên RFA
2010-03-13

Người Việt sống ở trong và ngoài Việt Nam đang kêu gọi nhau cùng ký tên vào một thỉnh nguyện thư, gửi cho bộ phận chuyên trách về bản đồ của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, đề nghị bỏ chú thích “China” ra khỏi vị trí quần đảo Hoàng Sa, trên một số bản đồ trong bộ Bản đồ Thế giới mà tổ chức này vừa công bố.

Với người Việt, Hoàng Sa tất nhiên là của Việt Nam, song có những dấu hiệu cho thấy, trong nhận thức của cộng đồng quốc tế, hình như Hoàng Sa đã thuộc về Trung Quốc. Vì sao và trong bối cảnh này người Việt cần làm thế nào? Trân Văn tổng hợp và tường trình bài đầu tiên trong loạt bài Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông?

 Ngay cả Google cũng vậy

Bộ phận chuyên trách về bản đồ (National Geographic Maps) thuộc Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic Society), vừa công bố bộ Bản đồ Thế giới trên trang web của họ. Trong bộ bản đồ này, có một số bản đồ mà trên đó, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được ghi là Xisha Qundao (Tây Sa quần đảo), theo cách gọi của Trung Quốc, kèm chú thích “China” (thuộc Trung Quốc).

Trong khi người Việt ở khắp nơi trên thế giới đang kêu gọi nhau cùng ký tên vào một thỉnh nguyện thư, gửi cho bộ phận chuyên trách về bản đồ, của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, đề nghị bỏ chú thích “China” (thuộc Trung Quốc) ra khỏi quần đảo Hoàng Sa thì một thính giả của Đài Á Châu Tự Do, đang cư trú tại Hoa Kỳ, gọi cho chúng tôi, cung cấp thêm một sự kiện có tính chất tương tự:

"Tôi tên là Chí Nguyễn, tôi làm việc như một chuyên gia của Raytheon System... Ngày hôm qua khi tôi muốn tìm lại tuyến đường gần Lao Cai để viết một bài hường dẫn cho các bạn nhỏ của tôi đi du lịch tại vùng đó thì tôi phát hiện ra... (giọng nghẹn dần)... trên bản đồ biên giới của Google... khi chúng ta vào Việt Nam map và đi về phía Bắc ở vùng Lào Cai... biên giới Trung Quốc... hiện giờ đã xâm chiếm sang phía Việt Nam... Trường trung học phổ thông cơ sở Lê Qúy Đôn... cũng như những nơi mà chúng tôi đã từng đặt chân đến đó cách đây không lâu... mặc dù tên trên Google... là chữ Việt Nam... nhưng hiện đang nằm trên đất Trung Quốc... Xin lỗi... tôi hơi xúc động... nhưng... sau đó... tôi rà theo toàn vùng biên giới... của Trung Quốc... rất nhiều con đường Việt Nam... mang tên Việt Nam... chấm dứt ở phía bên kia... biên giới Trung Quốc... Chuyện này rất là rõ ràng... Bất cứ ai trong chúng ta... nếu các bạn vào Google, tìm Việt Nam map... rồi phóng lớn bản đồ đó lên về phía Lào Cai... đi dọc theo biên giới Google map... biên giới Trung Quốc – Việt Nam... Các bạn sẽ thấy rõ... những điều tôi nói..."

Trân Văn: Thưa anh Chí, theo anh tại sao lại có tình trạng đó?

Ông Chí Nguyễn: Dạ thưa anh... đối với tôi... với sự vô tư của một nhà khoa học, tôi có thể nói rằng... tình trạng này có thể do... một... do Google sai... Điều đó không thể tránh khỏi... Nếu có sai lầm... Thứ hai... nếu Google không sai lầm... tức là đường biên giới đó đã là đúng... có nghĩa rằng Việt Nam và Trung Quốc đã có thỏa hiệp mới... cắt mất đất... của ông cha chúng ta... Ngoài hai lý do đó thì không còn gì khác thưa anh...

Khu vực quần đảo Hòang Sa có ghi chữ "china". Screen shoot fr: thanhnienonline

Nếu là Google đúng... thì Việt Nam sẽ im lặng... mà nếu là Google sai thì... thưa anh... với tính cách là con dân Việt Nam... và tính cách là chính quyền Việt Nam họ phải nói lên điều gì...         
Sự im lặng đáng ngại

Trở lại với sự kiện bộ Bản đồ Thế giới của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ có một số bản đồ, chú thích quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc, chúng tôi đã thử nêu thắc mắc, vì sao Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ lại có thể đưa chú thích như thế (?), với một số chuyên gia tại thủ đô Washington.

Những chuyên gia yêu cầu ẩn danh này cho biết, bởi bản đồ có yêu cầu rất cao về độ chính xác, nên chúng luôn được thực hiện theo một qui trình rất nghiêm ngặt, bộ phận thực hiện bản đồ luôn phải tham khảo rất nhiều nguồn, đặc biệt là các tài liệu có tính chính thống, chưa kể phải gửi phác thảo cho các bên có liên quan để lấy ý kiến trước khi hoàn chỉnh và công bố sản phẩm...

Cũng theo các chuyên gia, yêu cầu hiệu đính những bản đồ bị cho là thiếu chính xác khi chú thích về chủ quyền là điều không đơn giản. Thông thường, đây là việc thuộc thẩm quyền của các chính phủ. Thậm chí, Bộ Ngoại giao của quốc gia có liên quan sẽ phải thảo luận với Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ và họ chỉ hiệu đính sau khi đã thẩm tra lại các tài liệu, chứng cứ của tất cả những bên có liên quan.

Tính cho đến tối 12 tháng 3, giờ Việt Nam, một ngày sau khi có người  phát hiện bộ Bản đồ Thế giới của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, thiếu chính xác về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, đã có khoảng 2.000 người Việt ở khắp nơi trên thế giới, ký tên vào thỉnh nguyện thư, yêu cầu Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ hiệu đính sai sót này. Cũng đã có một vài tờ báo tại Việt Nam loan báo sự kiện vừa kể. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam vẫn chưa lên tiếng.

Có lẽ cần phải kể thêm rằng, Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ là một trong những tổ chức phi lợi nhuận, có quy mô thuộc loại lớn nhất thế giới, còn Google hiện là công cụ tìm kiếm  phổ biến nhất thế giới, cũng vì vậy, những bản đồ với thông tin không chính xác về Hoàng Sa nói riêng hay chủ quyền lãnh thổ Việt Nam nói chung, có thể tạo ra nhận thức sai lạc về chủ quyền của Việt Nam.

Vì sao cả Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ lẫn Google cùng có những thông tin thiếu chính xác về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam? Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay còn những lý do khác? Đó sẽ là nội dung bài kế tiếp, mời qúy vị đón đọc.
===============================================
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2010-03-14

Lần trước, quý vị đã nghe Trân Văn tường thuật về sự kiện Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ, một tổ chức khoa học và Google, sở hữu công cụ tìm kiếm phổ biến nhất trên thế giới, đều cung cấp bản đồ thiếu chính xác về lãnh thổ Việt Nam.

Vì sao bản đồ của cả Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ lẫn Google cùng có những thông tin thiếu chính xác về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam? Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay còn những lý do khác? Mời quý vị nghe Trân Văn tường thuật tiếp...
Ngẫu nhiên hay nguồn tham khảo thiếu chính xác?

Một số người nhận xét, sự kiện các bản đồ của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ và Google, cùng có những thông tin thiếu chính xác về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam, không phải là chuyện ngẫu nhiên.

Vài chuyên gia đang làm việc tại thủ đô Washington kể rằng, lập bản đồ là loại công việc có yêu cầu rất cao về độ chính xác. Cũng vì vậy, những cơ quan thực hiện loại công việc này luôn phải tuân thủ một qui trình hết sức nghiêm ngặt. Đồng thời, trên thực tế, Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ và Google là những tổ chức vốn nổi tiếng cả về sự cẩn trọng lẫn tính chuyên nghiệp.

Vậy thì tại sao họ lại cùng cung cấp những dữ liệu mà theo đa số người Việt là thiếu chính xác về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam? Nếu các bộ phận thực hiện bản đồ luôn phải tham khảo rất nhiều nguồn, đặc biệt là các tài liệu có tính chính thống thì Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ và Google đã nhận thông tin từ những nguồn nào?

Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm câu trả lời chính thức cho thắc mắc vừa nêu song chưa thành công.
Không dễ bàn về biển Đông?

Gần đây có một vài dấu hiệu cho thấy, hình như cả hai sự kiện vừa đề cập liên quan đến một chuỗi các sự kiện khác.

Tháng 11 năm ngoái, Học viện Ngoại giao Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức hội thảo quốc tế đầu tiên về biển Đông. Ngoài hàng trăm nhà nghiên cứu người Việt, hội thảo này còn có sự góp mặt của khoảng 50 học giả ở 20 quốc gia khác.

Bản đồ lãnh hải Việt Nam

Theo ông Dương Danh Dy, một trong những người nghiên cứu sâu về Trung Quốc thì tại hội thảo vừa kể, học giới cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã cùng lên tiếng phân tích, chỉ trích cả tham vọng lẫn lối hành xử của Trung Quốc tại biển Đông.

    Việt Nam đang biến vấn đề biển Đông trở thành đa phương, với sự tham gia của nhiều quốc gia ngoài khu vực châu Á. Tuy nhiên, chiến lược này sẽ không thành công vì Trung Quốc phản đối bước đi này.

Sau hội thảo, báo chí Trung Quốc bắt đầu chỉ trích Việt Nam “Quốc tế hóa vấn đề biển Đông”, đồng thời xem biển Đông là một “nguy cơ” và để hóa giải “nguy cơ” này, cần phải trấn áp Việt Nam.

Trao đổi với tờ China Daily, ông Tô Hạo, Giám đốc Trung tâm Quản lý Xung đột và Chiến lược của Trung Quốc tuyên bố: Việt Nam đang biến vấn đề biển Đông trở thành đa phương, với sự tham gia của nhiều quốc gia ngoài khu vực châu Á. Tuy nhiên, chiến lược này sẽ không thành công vì Trung Quốc phản đối bước đi này. Ông Tô Hạo còn nhấn mạnh, để giải quyết tranh chấp ở biển Đông, Trung Quốc sẽ giữ nguyên chiến lược đàm phán song phương chứ không giải quyết tranh chấp ở biển Đông với nhiều nước trong cùng một lúc.

Cuối tháng 2 vừa qua, một hội thảo quốc tế khác, cũng bàn về biển Đông, do Quỹ Gabriel Peri tổ chức ở Pháp, đã đột ngột bị hoãn vào giờ chót. Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một trong hai nhà nghiên cứu từ Việt Nam sang Pháp để tham dự hội thảo, kể với chúng tôi rằng, hội thảo không thể diễn ra do có “sức ép về ngoại giao”.

Mời quý vị nghe một phần cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Nhã quanh vấn đề “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông”.

Trân Văn: Thưa ông, sau hội thảo về biển Đông, tổ chức tại Hà Nội, phía Trung Quốc bắt đầu nói nhiều đến vấn đề “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông”. Là một người bỏ khá nhiều thời gian nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, ông nghĩ thế nào trước những nội dung có liên quan đến chủ đề “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông” trong thời gian gần đây?

    Vào năm 2001, có một luận án tiến sĩ ở Sorbone, của một người Đài Loan thì họ cũng đã kết luận rằng, Trung Quốc không bao giờ có thể đưa vấn đề ra tòa án quốc tế, bởi vì họ không có cơ sở nào về sự thực lịch sử cũng như pháp lý quốc tế.

TS Nguyễn Nhã: Sự thực về vấn đề chiếm hữu chủ quyền của Hoàng Sa, Trường Sa thì đã rõ. Vào năm 2001, có một luận án tiến sĩ ở Sorbone, của một người Đài Loan thì họ cũng đã kết luận rằng, Trung Quốc không bao giờ có thể đưa vấn đề ra tòa án quốc tế, bởi vì họ không có cơ sở nào về sự thực lịch sử cũng như pháp lý quốc tế.

Vì vậy cho nên Trung Quốc sẽ cố gắng ngăn cản mọi nỗ lực “Quốc tế hóa vấn đề biển Đông”. Thế nhưng tôi nghĩ vấn đề đó đương nhiên được nhiều người quan tâm, nhất là khi Trung Quốc đăng ký đường chín khúc mà người ta gọi là đường lưỡi bò đó!

Hội nghị biển Đông vừa rồi thì tất cả các nhà nghiên cứu của tất cả các nước từ Nga đến Mỹ, đến Anh, đến Nhật, Pháp, vân vân... người ta đều thấy nó liên quan đến quyền lợi của nhiều nước. Vì vậy cho nên là “Quốc tế hóa biển Đông” là xu thế không thể tránh được.
Vì chưa được “quốc tế hóa”

Có thể “Quốc tế hóa vấn đề biển Đông” sẽ là xu thế không thể tránh được như nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Nhã.

Thế nhưng, những gì đã xảy ra vẫn cho thấy, Trung Quốc đang khai thác tối đa các ưu thế hiện có trong những cuộc đàm phán song phương về lãnh thổ nói chung và đã đạt một số thành quả nhất định trong việc ngăn chặn các nỗ lực “Quốc tế hóa vấn đề biển Đông”.

Nếu các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ cũng như biển Đông được “quốc tế hóa”, có lẽ các bản đồ của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ và Google, sẽ không xuất hiện những thông tin thiếu chính xác về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam như mọi người vừa phải chứng kiến.

Trong bối cảnh như hiện nay, có thể “Quốc tế hóa các tranh chấp ở biển Đông”? Và để đạt được mục tiêu đó thì cần phải làm gì? Mời quý vị đón nghe bài kế tiếp.

======================================================
Trong các loạt bài trước đay Trân Văn đã tường trình về những hậu qủa khi Trung Quốc khai thác tối đa các ưu thế hiện có trong những cuộc đàm phán song phương về lãnh thổ nói chung và đã đạt một số thành qủa nhất định trong việc ngăn chặn các nỗ lực “Quốc tế hoá vấn đề biển Đông”.

Biển Đông, các khu vực và tài nguyên tranh chấp giữa các nước. Đăng trên Wikipedia

Ở kỳ cuối của loạt bài “Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông?”, mời qúy vị theo dõi cuộc trò chuyện giữa Trân Văn với Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long quanh chủ đề “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông” ...
Phải thay đổi cách thực hiện

Trân Văn: Gần đây người ta nói nhiều đến “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông”. Trong bối cảnh như hiện nay, theo anh Việt Nam có cần thực hiện điều này ?
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Trước hết thì tôi thấy Việt Nam khó mà thực hiện điều này nếu Việt Nam không vận động các nước ASEAN.
Khi vận động các  nước ASEAN thì Việt Nam phải cho họ biết cái lợi của họ là gì. Nếu mà mình chỉ nghĩ đến cái lợi của mình mà không nghĩ đến cái lợi cuả người ta thì khó vận động người ta được.
Từ trước tới nay khi nói về vấn đề biển Đông thì Việt Nam chủ yếu nói đến vấn đề chủ quyền hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa thì các nước khác không có tranh chấp, chỉ có Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.

    Khi tôi nói Việt Nam thì không phải chỉ là chính phủ Việt Nam hay là những người ở Việt Nam thôi, mà tôi nghĩ rằng tất cả những người Việt Nam ở nước ngoài cũng phải tiếp tục tranh đấu cho vấn đề này. Có lấy được hay không là vấn đề khác nhưng tranh đấu là vấn đề quan trọng để làm cho Trung Quốc bị động

Trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam thì Hoàng Sa do chính phủ miền Nam Việt Nam chiếm cứ và cả Trung Quốc lẫn Đài Loan không có tranh giành. Theo luật pháp thì tôi nghĩ như vậy là của Việt Nam.
Trước khi gọi là "giải phóng miền Nam" thì Mỹ cố tình để Trung Quốc lấy Hoàng Sa, làm sức ép miền Bắc và Nga. Bây giờ sự chiếm đóng đã rồi nhưng mà về vấn đề luật pháp tôi nghĩ rằng phải tiếp tục.
Khi tôi nói Việt Nam thì không phải chỉ là chính phủ Việt Nam hay là những người ở Việt Nam thôi, mà tôi nghĩ rằng tất cả những người Việt Nam ở nước ngoài cũng phải tiếp tục tranh đấu cho vấn đề này. Có lấy được hay không là vấn đề khác nhưng tranh đấu là vấn đề quan trọng để làm cho Trung Quốc bị động, có vậy thì mới có thể giải quyết được vấn đề khác.
Bây giờ, các nước ở Đông Nam Á, đặc biệt là Malaysia thì thấy là họ không có cái lợi gì lớn lắm trong vấn đề này. Họ đưa ra một cái giải pháp  gọi là “donut proposal”. Theo đó, chỗ tranh chấp giống như lỗ hổng giữa cái donut, họ sẽ không đụng đến, còn những chỗ khác thì họ sẽ thương lượng. Nếu mà họ có giải pháp như thế thì rõ ràng là bất lợi cho Việt Nam.


Mỹ cũng đã nói nhiều lần là Mỹ sẽ không dính líu vấn đề tranh chấp chủ quyền, chỉ dính líu vấn đề thông thương trên biển thôi. Đây là vấn đề rất khó mà mình phải làm cho nó rõ, không những là làm rõ Mỹ muốn gì, mà còn phải làm rõ các nước ASEAN muốn gì, lúc đó mới biết rằng là mình có thể làm được gì hay là không làm được gì.
Nếu bây giờ vận động mà mình không chỉ cho người ta biết cái lợi của họ như thế nào và chỉ khăng khăng đòi cái người ta thấy là họ không có lợi như vấn đề chủ quyền với Trung Quốc thì tôi nghĩ rằng, nó sẽ đi vào ngõ cụt, sẽ bế tắc.

    Mỹ cũng đã nói nhiều lần là Mỹ sẽ không dính líu vấn đề tranh chấp chủ quyền, chỉ dính líu vấn đề thông thương trên biển thôi. Đây là vấn đề rất khó mà mình phải làm cho nó rõ, không những là làm rõ Mỹ muốn gì, mà còn phải làm rõ các nước ASEAN muốn gì,

Mà như vậy thì tôi nghĩ rằng, những người không muốn giải quyết vấn đề hay muốn nhượng bộ Trung Quốc các vấn đề khác, sẽ cứ nói rằng Việt Nam có chủ quyền thế này thế kia, lịch sử thế này thế kia. Tôi nghĩ những người nói như vậy là những người không muốn có giải pháp. Như vậy chuyện sẽ kéo dài rất lâu.
Còn về Mỹ thì bây giờ, tại Mỹ này có hai lập trường, một lập trường là ngăn đe Trung Quốc và lập trường kia là accumulation.
Việt Nam mình hay là Lào, Thái Lan thường nói rằng, khi mà hai con voi đánh nhau hay làm tình với nhau thì cỏ bị giẫm nát. Vấn đề là mình có muốn cỏ bị giẫm nát hay không (?). Vấn đề bây giờ là không phải chỉ vận động các nước ASEAN thôi mà phải vận động cả Mỹ nữa.

Không thể nhượng bộ

Trân Văn: Thưa anh, quan sát thực tế thì người ta thấy là ngoài những khó khăn trong chuyện “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông” thì Trung Quốc hình như chỉ muốn đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp ở biển Đông...
Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Đúng!
Trân Văn: Bởi vì làm như thế thì họ có thể khai thác tối đa các ưu thế của họ. Đồng thời họ có thể đưa ra những lập luận, lý lẽ hoàn toàn khác nhau trong đàm phán với từng quốc gia một.
Trong một số trường hợp những lý lẽ này mâu thuẫn với nhau nhưng vì là dàm phán song phương nên nó không thể trở thành vấn đề chung được.
Đối chiếu với những gì Trung Quốc đã cũng như đang thực hiện với Đài Loan, với Tây Tạng, với Tân Cương, theo anh, trong tương lai biển Đông có rơi vào tình trạng tương tự như vậy hay không?

    Theo chỗ tôi biết về Trung Quốc thì nhượng nó một ly nó đi một dặm, không nhượng được. Tôi nghĩ các nước khác trên thế giới đã nhượng cho Trung Quốc quá nhiều. Bây giờ thì Trung Quốc chỉ lấn thôi.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long: Trong mấy chục năm qua, tôi đã nói rất nhiều lần và tôi còn nói nhiều lần với Việt Nam, bởi vì tôi chuyên về Trung Quốc, tôi đã dạy ở Harvard, rồi sau đó tôi dạy ở nhiều chỗ khác.
Theo chỗ tôi biết về Trung Quốc thì nhượng nó một ly nó đi một dặm, không nhượng được. Tôi nghĩ các nước khác trên thế giới

Khu vực chanh chấp phóng to
đã nhượng cho Trung Quốc quá nhiều. Bây giờ thì Trung Quốc chỉ lấn thôi.
Chẳng hạn đối với vấn đề Đài Loan, Trung Quốc lấn từ từ, từ 1972 tới giờ, càng ngày càng khác và Đài Loan càng ngày càng bị ép. Vấn đề Tân Cương và mấy chỗ khác cũng đúng như vậy.
Thành ra tôi nghĩ rằng, đối với vấn đề biển Đông, phải cho Trung Quốc biết thái độ của anh như vậy là không được.
Vấn đề biển Đông không chỉ ở biển Đông. Nếu chỉ nghĩ vấn đề biển Đông không thôi thì rõ ràng là bất lợi cho Việt Nam, bởi vì các nước khác chỉ có hai cái lợi thôi, một là thông thương, hai là an ninh hàng hải. Nếu có tranh chấp thì tranh chấp với các nước khác rất là ít.
Tuy nhiên sự đe dọa từ Trung Quốc lớn hơn như thế, Trung Quốc đe dọa an toàn của toàn khu vực, an toàn về vấn đề con người, vấn đề môi trường, về đủ thứ.
Có những việc mà mình có thể làm chung với các nước khác, trong đó biển Đông là một vấn đề.

    Thật ra Việt Nam đang là nước bị áp lực nhất ở dưới biển, trên bờ, vấn đề kinh tế, vấn đề chính trị,... Tại sao một số chính trị gia Việt Nam nghiêng về Trung Quốc? Đó là vì họ thấy nghiêng về Trung Quốc nó bảo đảm hơn là nghiêng về Mỹ hay là nghiêng về các nước Đông Nam Á.

Nếu Việt Nam khéo vận dụng mấy vấn đề này thì có thể kéo các nước khác tham gia. Còn nếu Việt Nam cứ khăng khăng như bây giờ thì tôi nghĩ khó quốc tế hóa vấn đề biển Đông và cũng khó cho người ta bênh vực trong các vấn đề khác nữa.
Thật ra Việt Nam đang là nước bị áp lực nhất ở dưới biển, trên bờ, vấn đề kinh tế, vấn đề chính trị,... Tại sao một số chính trị gia Việt Nam nghiêng về Trung Quốc? Đó là vì họ thấy nghiêng về Trung Quốc nó bảo đảm hơn là nghiêng về Mỹ hay là nghiêng về các nước Đông Nam Á.

Phải cho họ thấy rằng, nếu mà họ đi theo cách khác thì sẽ có lợi cho Việt Nam, có lợi cho chính họ nữa. Song trước hết phải can đảm, hai là phải có một chính sách lâu dài. Nếu không có chính sách lâu dài thì khó mà tranh thủ được.
Tiến sĩ Ngô Vĩnh Long, một giáo sư chuyên giảng dạy về lịch sử Á Đông, đồng thời còn là một chuyên gia về Trung Quốc trình bày các suy nghĩ của ông quanh vấn đề “Quốc tế hóa tranh chấp biển Đông”.
Loạt bài “Những ai không muốn quốc tế hoá tranh chấp ở biển Đông?” tạm dừng ở đây và chúng tôi sẽ tiếp tục quay trở lại vấn đề này vào dịp khác.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét