16/3/10

Vẻ đẹp nữ tính còn không?

Lao Động số 58 Ngày 16/03/2010 Cập nhật: 8:07 AM, 16/03/2010

(LĐ) - Trong những ngày qua đông đảo phụ huynh học sinh, những người làm giáo dục đều rất thảng thốt, bàng hoàng và lo lắng về tình trạng  đạo đức học đường đã, đang có những diễn biến phức tạp, theo chiều hướng xấu, tiêu cực.

Hình ảnh  nữ sinh trừng phạt, đánh đập, chửi bạn học nữ của mình trước sự chứng kiến vô cảm của nhiều bạn học khác được phát đi trên mạng Internet, đang khiến cho dư luận xã hội một mặt rất bất bình, phẫn nộ, nhưng thẳm sâu hơn vẫn là nỗi lo lắng về nhân tính. Ai, cái gì, do đâu đã làm cho một bộ phận nữ sinh, phụ nữ mất đi tính nữ - biểu tượng, nền tảng của sự yêu thương, dịu dàng, đoan trang, nhân ái, hoà bình... của xã hội con người?

Cùng thời điểm các hãng truyền thông cho lan truyền trên mạng xã hội hình ảnh nữ sinh đánh đập, sỉ nhục bạn học, một nữ ca sĩ ở TPHCM tổ chức buổi ra mắt cuốn sách, trình diễn bản thân, nói về tình dục mà theo nhiều người là rất thiếu chữ để gọi là tiểu thuyết, nhưng thừa hành động, hình ảnh sex của một dâm thư.

Điều khiến người  ta thảng thốt chính là sự trâng tráo, coi như không, thậm chí còn bày đặt triết lý này nọ trước việc khoe thân xác hơn là trí tuệ, coi việc công khai sự thèm thuồng sex cũng là một... vẻ đẹp nhân tính (!?).

Giữa những gương mặt trâng tráo kiếm sự nổi tiếng, tiền bạc bằng việc “không mặc đồ” với những gương mặt lạnh tanh ngồi nhìn bạn học bị hành hạ, đánh đập không có sự khác nhau.

Việc Nhà xuất bản Hội Nhà văn VN vừa ra lệnh cấm phát hành cuốn sách đang nổi tiếng vì chính nữ tác giả, chính là sự phản chiếu mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội trước thực trạng xuống cấp, tha hoá tính nữ hiện nay. Cuốn sách bị cấm phát hành này cùng với nhiều phim ảnh, sách báo khiêu dâm, bạo lực khác đã, đang góp phần làm cho tính nữ ở phụ nữ ngày càng vơi đi, một bộ phận phụ nữ đang trở nên dữ dằn, hung hãn hơn.

Lại một câu hỏi khác với bao nỗi ưu tư: Làm gì để ngăn chặn, để nữ sinh nói riêng, phụ nữ trở lại giàu nữ tính... như xưa? Trường học, gia đình và xã hội, nhưng trước hết là trường học và gia đình. Phải bắt đầu chính từ nơi này. Không thể chỉ bằng các bài học giáo dục công dân, mà phải chính bằng tấm gương đạo đức, “công, dung, ngôn, hạnh” “trực quan sinh động” của đội ngũ các cô giáo, các bậc làm cha, làm mẹ.

Hình ảnh các nữ sinh lớp 8, lớp 9 và trung học phổ thông mang thai xuất hiện, làm dáng để quay phim, chụp hình ở các đám cưới “tảo hôn” cũng là một “dạng thức” khác của cái gọi là trâng tráo và vô cảm mà thôi. Nhưng xét cho cùng, căn nguyên vẫn là giáo dục và nhân tính. “Một nửa thế giới” của sự “dịu dàng/ dịu dàng quá/ dịu dàng không chịu nổi” đang “có vấn đề”...
Lâm Chí Công

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét