Mặc Lâm,
phóng viên RFA
Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi (P) và Phó Thủ tướng VN Nguyễn Sinh Hùng (T) tại Rome hôm 14 tháng 7 năm 2010 |
Mới đây, một bản kiến nghị của 31 người đồng ký tên gửi cho Bộ chính trị và các Ủy viên Trung ương đảng phê phán việc làm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng.
Cùng ký tên trong bản kiến nghị với những lời lẽ hết sức gay gắt gồm có 1 thượng tướng, 3 trung tướng, 7 thiếu tướng, 11 đại tá và 9 cán bộ cao cấp lão thành cách mạng trong đó có một nguyên Thứ Trưởng.
Nhiều sai phạm của Chính phủ
Bản kiến nghị nêu lên những thất bại trong chính sách cũng như tư cách của người lãnh đạo quốc gia đã nhiều lần làm nhân dân đặt câu hỏi về tài năng đức độ của họ. Đối với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bản kiến nghị nhấn mạnh đến trường hợp mới nhất là vụ Vinashin. Dựa vào bản báo cáo của Ban kiểm tra Trung ương Đảng cho biết thì ông Phạm Thanh Bình là người trực tiếp lộng quyền, dối trá và dẫn đến nhiều việc làm sai trái nghiêm trọng khiến cuối cùng tập đoàn này đã vỡ nợ với con số lên tới 84 ngàn tỷ.
Bản kiến nghị ghi rõ, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới là người chịu trách nhiệm trực tiếp vì đã lập ra tập đoàn này và chỉ đạo ông Bình vào vai trò cao nhất. Tập đoàn Vinashin do chính phủ trực tiếp quản lý nhưng không biết lời lỗ ra sao trong một thời gian dài để rồi khi sụp đổ Thủ tướng Dũng đã ra lệnh cơ cấu lại hầu che lấp lỗi lầm của mình.
Riêng với Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, lời lẽ còn gay gắt hơn khi cho rằng ông này cũng liên đới trách nhiệm trong vụ Vinashin. Hơn thế, chính Phó thủ tướng là người luôn cho rằng Vinashin cần phải được bảo vệ dù bất cứ giá nào.
Bản kiến nghị cũng nhắc lại việc Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng là người hăng hái nhất cổ vũ cho việc phá cho được hội trường Ba Đình bất chấp những di sản quý giá của đất nước, đồng thời vạch ra tư cách không phù hợp địa vị của một phó thủ tướng thường trực trong khi ông Hùng tham dự họp quốc hội.
Khi có đại biểu hỏi "ông cán bộ nọ có sai phạm sao không thi hành kỷ luật" thì Phó thủ tướng trả lời "kỷ luật thì không có người làm việc!"
Câu trả lời này được những người ký tên trong bản kiến nghị cho là tùy tiện và chứng tỏ khả năng lãnh đạo của Phó thủ tướng quá yếu kém. Câu trả lời này cũng bị báo chí vạch ra nhiều lần khiến bộ mặt chính phủ không thể gọi là đáng nể trọng.
Ông Nguyễn Sinh Hùng bị phê phán là có xu hướng áp đặt và hạn chế dân chủ trong việc cổ vũ cho dự án đường sắt cao tốc, phê phán Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng thiếu lễ độ vì trong khi thảo luận, đại biểu còn có ý kiến khác thì Phó thủ tướng giơ tay chém xuống, tuyên bố không thể không làm đường sắt cao tốc.
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng là người đưa ra ra sáng kiến cổ vũ cho việc bãi bỏ Hội đồng nhân dân quận, huyện. Đây là một đề nghị vi phạm hiến pháp, rõ ràng muốn tạo thế triệt tiêu mọi phê bình dân chủ. Người dân sẽ mất quyền bầu ra cơ quan thay mặt mình để giám sát cơ quan hành chính trực tiếp kiến nghị, phê bình chủ tịch, phó chủ tịch quận, huyện, phường trong các kỳ họp, hoặc bãi miễn họ khi có sai phạm nghiêm trọng.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (thứ hai từ phải) và Tổng bí thư ĐCS VN Nông Đức Mạnh (thứ hai từ trái) tại buổi họp báo ở điện Kremlin của Nga ngày 09 tháng 7 năm 2010. |
Đây không phải là bản kiến nghị đầu tiên. Trước đó vào ngày 22 tháng 4 năm 2010 một bản kiến nghị thu thập chữ ký của 18 vị lão thành cách mạng cũng đã được gửi cho Bộ chính trị, Ban bí thư trung ương và các ủy viên Ban chấp hành Trung ương khoá 10 nhằm góp ý, phê bình thẳng thắn bốn nhân vật gồm Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và ông Tô Huy Rứa.
Thẳng thắn phê phán bốn nhân vật này đều tham quyền cố vị, làm việc trong nhiều nhiệm kỳ nhưng tỏ ra không đủ khả năng lãnh đạo, bản kiến nghị yêu cầu cả 4 người không nên tiếp tục ứng cử trong nhiệm kỳ tới tại Đại hội Đảng lần thứ 11.
Vậy thì chính Nguyễn Tấn Dũng là thủ phạm trong hành vi cấm người dân khiếu nại tập thể là hành vi vi phạm hiến pháp, vi phạm pháp luật về khiếu nại tố cáo."
TS luật Cù Huy Hà Vũ.
Có điều đặc biệt là bản kiến nghị này đã nêu đích danh Tổng bí thư Nông Đức Mạnh là người ngả hẳn theo Trung Quốc một cách công khai. Trung tướng Lê Hữu Đức, người ký tên đầu trong bản kiến nghị, đã ghi thêm phần nhận xét của mình như sau:
"Với đồng chí Nông Đức Mạnh, khuyết điểm trầm trọng nhất là ngả hẳn vào bọn Trung Quốc, không thấy được âm mưu muôn đời của Trung Quốc là muốn nuốt chửng nước ta, không thấy qua 4000 năm dựng nước và giữ nước, vương triều nào nhu nhược chạy theo bọn Trung Quốc là mất nước hay sao? Cần kiểm điểm nghiêm khắc trước khi nghỉ việc để làm gương cho những đồng chí khác tránh vết xe đổ nát của đồng chí Nông Đức Mạnh."
Một quy định vi phạm pháp luật
Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh(T) và Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội hôm 15 tháng 9 năm 2010. |
Sau khi hai bản kiến nghị đựơc xem là gay gắt và mạnh mẽ nhất tung ra thì một quy định của Thanh tra Chính phủ cũng xuất hiện vào ngày 26/8/2010 quy định việc nộp đơn khiếu nại, tố cáo hay kiến nghị gửi đến các cấp không tập trung chữ ký của nhiều người mà phải nộp riêng, từng người một đứng đơn.
Bản quy định nêu rõ khi đơn khiếu nại có họ, tên, chữ ký của nhiều người thì cán bộ xử lý đơn đề xuất thủ trưởng cơ quan chuyển trả đơn và toàn bộ tài liệu kèm theo (nếu có) cho người gửi đơn và hướng dẫn người khiếu nại,viết đơn khiếu nại riêng của từng người, gửi đến cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngay sau khi bản quy định này được tung ra TS luật Cù Huy Hà Vũ đã đưa ra nhận xét:
"Quy định mới của Thanh tra Chính phủ thể hiện tại thông tư 04 ngày 26 tháng 8 năm 2010 về việc cơ quan nhà nước khi nhận đơn khiếu nại phải phân loại ra, nếu đơn nào có chữ ký của nhiều người khiếu nại thì trả lại và bắt người khiếu nại nếu muốn tiếp tục thì phải mỗi người một đơn riêng. Nguồn gốc của thông tư này chính là một văn bản của chính Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng ký.
Đó là nghị định 136 ngày 14 tháng 11 năm 2006 của chính phủ quy định tại điều 6 là trả lại đơn khiếu nại của ông hoặc bà và đề nghị ông bà viết đơn khiếu nại riêng để cơ quan thẩm quyền giải quyết. Vậy thì chính Nguyễn Tấn Dũng là thủ phạm trong hành vi cấm người dân khiếu nại tập thể là hành vi vi phạm hiến pháp, vi phạm pháp luật về khiếu nại tố cáo."
Riêng Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, người liên tiếp đưa ra những kiến nghị này xác định rằng ông đã biết có việc ngăn trở này, nhưng đối với ông việc đó không có gì quan trọng vì những người ký tên trong bản kiến nghị đều biết trước việc này. Khi được hỏi liệu quy định này có phải nhằm vô hiệu hóa những kiến nghị tương tự như kiến nghị ông vừa gửi đi hay không, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết:
"Đó là một cách, trước đây thì họ đã quy định từng người. Bữa trước tôi đã trả lời ông Trương Tấn Sang rồi, tôi nói rằng đến đại tướng ký biết bao nhiêu đơn kiến nghị nhưng các vị đâu có chú ý đến, thậm chí còn không hồi âm, thế bây giờ bảo chúng tôi là mỗi người ký thì có nghĩa lý gì?"
Khi được hỏi liệu trong điều lệ Đảng có quy định về việc trả lời các kiến nghị của Đảng viên trong việc xây dựng Đảng hay không, ông nói:
"Từ trước đến giờ họ chả bao giờ trả lời cả. Đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi bao nhiêu kiến nghị mà họ cũng chả trả lời. Tôi cũng thế, tôi đã gửi bao nhiêu thơ, bao nhiêu kiến nghị cho họ nhưng chả bao giờ họ trả lời cả. Nhưng cái việc tôi làm tiếp thì tôi cứ phải làm. Từ trước giờ theo điều lệ Đảng thì không nói là bao nhiêu lâu thì họ phải trả lời cái thơ này nhưng trong quy định, trong luật thì công dân có kiến nghị có khiếu nại thì các cơ quan hữu quan phải trả lời trong 15 ngày. Tuy nhiên thủ tướng quy định thì cứ quy định nhưng bây giờ người ta có làm theo luật đâu?"
Giới quan sát chính trị quốc tế cho rằng chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tỏ ra thận trọng hơn những chính phủ trước khi đối phó với chính kiến của những nhân vật cao cấp trong quân đội hay trong cấp ủy đảng. Lý do có lẽ chính quyền lo ngại dư luận quốc tế nên cố gắng tránh càng xa càng tốt những tiếng nói vang lên từ trong Đảng, vì chính quyền biết rõ, càng chống lại thì dư âm của những tiếng nói ấy lại càng vang xa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét